Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

DẪN NHẬP

KHOÁ HỌC “KINH TRUNG BỘ VÀ CUỘC SỐNG”

(Bài dạy tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn)

Thích Nhật Từ


I. CÁC QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ KINH TRUNG BỘ

- Kinh này chỉ dành riêng cho giới xuất gia, người tại gia không nên học. Cấp Cô Độc nhờ nghe Kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc (Trung bộ 143; tương đương với Giáo Hoá Bệnh kinh của Trung A-hàm 26) và học kinh mà được an lành, siêu thoát cuối đời.

- Kinh Trung Bộ nói riêng và kinh Pali nói chung là kinh Tiểu Thừa, dành cho hang “tiêu nha bại chủng” hay “căn cơ thấp kém.” Thực ra, Kinh Trung Bộ đề các tất cả các vấn đề Phật học, từ nhận thức luận, đến đạo đức học, và được xem là cẩm nang triết lý đạo đức Phật giáo.

- Phật tử Bắc tông không học kinh điển Nam tông. Cần học để hiểu nhau hơn, thông cảm nhau, để cùng nhau được hạnh phúc.

- Kinh Trung Bộ nói riêng và Kinh điển Pali nói chung là kinh điển nguyên thuỷ, và các kinh khác là kinh ngoại đạo.

- Đúng: Kinh nền tảng của Kinh tạng Pali, chứa đựng nhiều kinh điển nền tảng nhất.

II. VÀI NÉT VỀ KHOÁ HỌC

- Thời gian học: Mỗi tuần 1 lần, 80 phút. Khoảng 20-30 phút vấn đáp; hoặc thảo luận các vấn đề ứng dụng.

- Hướng dạy: a) chủ đề; b) từng bài Kinh. à Chọn các bài căn bản, không trùng lập nội dung. Không đọc toàn bài Kinh.

- Đối tượng và bản chất khoá học: Đối tượng đa dạng (tăng ni và Phật tử, Phật tử và không phật tử, trình độ không đều). Không phải lớp học mang tính học đường quá cao, nhưng cũng không quá thấp. Vừa nội dung vừa ứng dụng.

- Bố cục bài: Kinh Nikāya hay Pali rất khô khan, có nhiều thuật ngữ rất mới và khó hiểu với Phật tử, có nhiều đoạn trùng lập. Đại ý Kinh, Nội dung Kinh, Liên hệ ứng dụng. Giải thích nghĩa từng từ. Thuật ngữ Phật học trong Trung Bộ tương đối lạ và khó hiểu à khó ứng dụng à không lợi ích. Chuyển sang ngôn ngữ thường ngày.

- Tài liệu tham khảo: Muốn hiểu bài giảng, học viên nên đọc tài liệu 1 trước ở nhà, để hiểu chính xác lời Phật. Đọc một cách có suy tư và tìm cách ứng dụng.

+ Nên mua “Kinh Trung Bộ” do HT. Thích Minh Châu dịch.

+ Đĩa MP3 về Kinh Trung Bộ.

+ Quyển Kinh Trung Bộ do Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải tóm tắt và chú giải.

+ Nguyệt san Giác Ngộ số 68 (11-2001) trở đi, phần tóm tắt của HT. Thích Chơn Thiện.

 

III. MỤC ĐÍCH HỌC

- Học kinh theo hướng ứng dụng hành trì, để tìm kiếm các giá trị cuộc sống theo tinh thần Phật dạy.

- Kinh Phật không phải viện bảo tàng, để cất giữ, mà để học hỏi và hành trì.

- Học Kinh Phật không để tranh luận hơn thua, phân chia nhân ngã; mà nhằm chuyển hoá nhận thức, thăng hoa đạo đức, góp phần làm cuộc sống có ý nghĩa.

IV. GIỚI THIỆU BỐ CỤC KINH TRUNG BỘ

Có thể nói, Kinh Trung Bộ là tuyển tập đề cấp đến các vấn đề Phật học, đa dạng và phong phú, mà chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu trong từng bài kinh. Ở đây, chúng ta tìm hiểu sơ lược về bố cục của bộ kinh này.

 Toàn bộ lời Phật dạy được chia làm hai nhóm: a) pháp (dhamma) tức Kinh tạng gồm 5 bộ kinh điển (Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng, Tăng Chi và Tiểu Bộ) và b) luật (vinaya) còn gọi là luật tạng, tức nguyên tắc đạo đức. Trung Bộ Kinh (Majjhima-Nikāya) thuộc về “pháp.”

Cần nói rằng các tuyển tập Kinh trong hệ Pali thường được phân bổ theo chiều dài (pamāṇa) của Kinh. Trường Bộ Kinh là tuyển tập 32 bài kinh có chiều dài dài nhất (dīghappamāṇānaṁ suttānaṁ). Trung Bộ Kinh là tuyển tập 152 Kinh có chiều dài trung bình (majjhimappamaaṇāni suttāni). Tương Ương Bộ Kinh gồm 7762 bài kinh. Tăng chi bộ Kinh là tuyển tập 9557 bài Kinh liên hệ đến pháp số, bắt đầu từ số một đến số 11. Tiểu Bộ Kinh là tuyển tập 15 bộ Kinh theo chủ đề. Thực ra, các phân loại tuyển tập kinh như vừa nêu cũng không tuyệt đối lắm. Ví dụ, bài kinh Vammīka và kinh Cūḷagopalaka có chiều dài ngắn hơn vài bài kinh trong các tuyển tập còn lại.

Trung Bộ Kinh là phần thứ hai của Kinh tạng, gồm 152 Kinh, và được chia làm 3 phần (paṇṇāsa) mỗi phần 50 Kinh, riêng phần thứ 3 gồm 52 Kinh. Mỗi phần lại chia thành 5 nhóm (vagga), mỗi nhóm gồm 10 Kinh, và nhóm cuối cùng gồm 12 Kinh.

Điểm đặc biệt của Trung Bộ Kinh là nhóm 4, tức các kinh mang số thứ tự từ 40 đến 50, có cấu trúc “bộ” hay “song đôi” (yamakavagga), cứ hai Kinh gồm một tựa đề. Kinh thứ nhất với tiếp đầu ngữ Cūḷa (tiểu kinh) là kinh ngắn hơn; trong khi đó, với tiếp đầu ngữ Mahā (đại kinh) là kinh dài hơn.[1]Trên thực tế, có tất cả 17 cặp kinh như vậy, nằm rãi rác trong toàn Kinh Trung Bộ. Trật tự, tiểu kinh trước đại kinh không được nhất quán, và do đó, có lúc đại kinh đứng trước. Có trường hợp, tiểu kinh không nhất thiết theo sau hay đứng trước đại kinh, mà chúng cách nhau khá xa (ví dụ, kinh mang số 109, 110).

Đối tượng thính chúng trong Trung Bộ Kinh rất đa dạng. Có 36 Kinh nói cho từng đối tượng khác nhau (chẳng hạn các kinh mang số 8, 12, 23, 30, 41, 42, 36, 50); trong khi các kinh còn lại nói cho đại chúng. Đức Phật đối thoại với nhiều thần phần xã hội khác nhau: vua chúa, thương gia (k. 82), tướng cướp (k. 86), và với cả những người lãnh tụ tôn giáo khác, và có kinh nói trên thiên giới (k.49). Phần lớn các bài kinh trong Trung Bộ Kinh do đức Phật nói. Có vài kinh do ngài Xá-lợi-phất nói (3, 5, 9, 24, 28, 43). Có kinh do ngài Mục-kiền-liên nói (15, 37, 50). Có 9 kinh do A-nan-đa nói. Có kinh do Ca-chiên-diên nói (18, 23). Có kinh dưới dạng đối thoại giữa đệ tử Phật và người khác đạo (27, 44).

 

V. PHƯƠNG PHÁP ĐẶT TÊN KINH ĐẠI THỪA

Tông Thiên Thai phân loại các tựa đề của Kinh gồm 7 loại, xoay quanh ba nhóm chính là nhân, pháp dụ:

1. Đơn nhân lập đề: Các Kinh nói về hạnh nguyện độ sinh của một đức Phật hay một vị Bồ-tát. Ví dụ: Kinh A-di-đà, Kinh Duy-ma-cật; Kinh Thắng Man Phu Nhân.

2. Đơn Pháp: Pháp môn chính của Kinh được sử dụng làm tựa đề Kinh. Ví dụ: Kinh Đại-bát Niết-bàn.

3. Đơn Dụ: Lấy ẩn dụ làm nội dung của bài kinh. Ví dụ: Kinh Phạm Võng, tức Phạm Thiên, ám chỉ cho các điều khoản giới luật đan xen nhau vô tận.

4. Nhân Pháp: Trong tựa đề vừa có đối tượng pháp hội và có pháp môn được giảng dạy. Ví dụ: Kinh Văn-thù Vấn Bát-nhã.

5. Pháp Dụ: Trong tựa đề, pháp môn được sánh ví với một hình ảnh. Ví dụ: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

6. Nhân Dụ: Người thuyết pháp được ví dụ như một biểu tượng đặc biệt. Ví dụ: Kinh Như Lai Sư Tử Hống.

7. Nhân Pháp Dụ: Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Đại Phương Quảng là pháp. Phật là nhân. Hoa Nghiêm là dụ.

 

  

LỜI KHAI MẠC

Kính bạch . . . . Trước nhất, con xin thành kính đảnh lễ sự hiện diện quý báu của chư tôn Hoà thượng, quý Thượng toạ, đại đức Tăng, tại giảng đường chùa Phật học Xá Lợi, để chứng minh lễ khai giảng lớp học “Kinh Trung Bộ và Cuộc Sống.

Chúng con thành kính tri ân Hoà thượng Thích Hiển Tu, Viện chủ chùa Phật Học Xá Lợi, HT. Thích Trí Quảng, trưởng Ban Hoằng Pháp, cũng như ban Quản Trị của Chùa đã cho phép con tổ chức lớp học này tại giảng đường của một ngôi chùa gắn liền với truyền thống giảng dạy Phật học trong nửa thế kỷ qua.

Kính bạch chư tôn đức và liệt quý vị. Về phương diện công năng, lời Phật dạy có thể được gọi là “sữa pháp,” có khả năng nuôi lớn đạo đức, trí tuệ và hạnh phúc của con người.

Về phương diện đối tượng, lời Phật dạy được gọi là “mưa pháp” tưới mát đều cho mọi loài, không phân biệt chủng loại, tôn giáo, giới tính, hay lão ấu.

Về phương diện đặc tính, lời Phật dạy được gọi là “biển pháp” vừa mênh mông, bao la, vừa sâu thẳm, về tư tưởng, triết lý và đời sống tâm linh.

Về phương diện ứng dụng thực tiễn, kiến thức của đức Phật được sánh ví với những chiếc lá trong rừng nhưng lời Phật dạy qua kinh điển như “những chiếc lá trong lòng bàn tay.” Nghĩa là đức Phật không dạy chúng ta những điều mông lung, vô ích, mà chỉ giới thiệu cho chúng ta những cẩm nang hay tấm bản đồ của an vui và giải thoát, theo đó, chúng ta phải tự thực hành để tự mình đạt được mục đích tối thượng.  

Dĩ nhiên chúng ta có nhiều cách tiếp cận Phật pháp nhưng một trong những cách cần thiết cho cuộc sống đời thường của mọi người là “đến với lời Phật dạy qua phương diện ứng dụng.” Đó là lý do, lớp học “Kinh Trung Bộ và Cuộc Sống” được ra đời. Mong sao qua khoá học này, quý học viên sẽ xây dựng hạnh phúc và an vui cho mình và gia đình qua lời vàng Phật dạy. Trên tinh thần này, tôi xin tuyên bố khai mạc “lễ khai giảng lớp học” Nguyện tất cả được an vui trong chánh pháp và hanh thông trong cuộc sống.


 

[1] Trong Kinh Pháp Cú, phẩm đầu tiên có tên gọi là Phẩm Song Đối, với nghĩa bài kệ trước và bài kệ sau có nội dung tương phản. Trong Kinh Tương Ưng (S. iv. 6-15) và Kinh Tăng Chi (A. iv. 314-335; v. 113-131) cũng có các phẩm song đối.

http://buddhismtoday.com/viet/kinh/dannhap_kinhtrungbo.htm

 


Vào mạng: 3-6-2005

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang