Thức Xoa Ma
Na Ni Giới
Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải
Ghi Sau Khi Duyệt
Thức Xoa Ma Na Ni Giới
Xin ghi rõ ở đây về chính văn mà
tôi căn cứ để dịch Thức xoa ma na ni giới. Chính văn ấy có tên là Thức
xoa ma na ni giới bản, nằm trong Tục tạng kinh bản chữ Vạn, tập 64, các
trang 97 - 104. Trong lời nói đầu tôi đã quên ghi như vậy.
Kế đến, chính ở Thức xoa ma na
ni giới này mà những lời nguyên chú của tác giả đem lại cho ta một số
hiểu biết hơn về Tỷ kheo giới, nhất là Tỷ kheo ni giới.
Mười hai tháng 5, 2537.
Trí Quang
Lời
Nói Đầu [^]
Phật không tự động chế ra giới
điều. Mỗi giới điều là do một trường hợp. Trường hợp nhiều khi khác
nhau mà giới điều không khác. Nên thật ra giới điều có thể qui nạp lại
được. Tức như cái số 292 của Thức xoa giới có thể qui nạp còn quá nửa
mà thôi.
Thế nhưng giới điều nhiều đến
mấy đi nữa, chỉ cần thiểu dục tri túc đi đôi với tàm quí là giữ
được trọn vẹn.
Nếu gặp nghịch cảnh, to lớn
cũng như vụn vặt, thì nên niệm Phật. Nên đi như Phật đi, đứng như Phật
đứng, nhìn như Phật nhìn, nói như Phật nói (Đại ái đạo, chính
24/951).
Thức xoa cũng được Phật gọi là
người con gái của dòng họ Thích. Thức xoa hãy làm cho tiếng gọi ấy
linh thiêng suốt đời mình, đừng bao giờ để tiếng gọi ấy biến thành
mỉa mai.
- Mồng 7 tháng 6, 2535 (1991)
- Trí Quang
Tựa [^]
Giáo dục thế gian thì lễ nghi đi
trước, qui tắc xuất thế thì giới luật đứng đầu. Phi lễ nghi thì
không có gì để trở thành hiền trí, có giới luật thì mới có thể đi
mau đến bồ đề. Thế nên đại kinh đã dạy giới là thang là thuyền của
hết thảy đạo quả, cũng là rễ là gốc của tất cả thiện báo. Nếu
không giữ giới luật thì làm sao sẽ thấy Phật tánh. Chúng sinh tuy có Phật
tánh, nhưng phải giữ giới thì sau đó mới thấy. Thấy Phật tánh mới
thành vô thượng bồ đề.
Vì lý do ấy mà đại thừa tiểu
thừa cùng thọ giới pháp, 5 chúng xuất gia cùng tuân giới luật. Nhưng thời
này là mạt pháp, người ta đa số ưa lãnh thọ mà bỏ chấp trì, bước lên
phẩm bậc của giới pháp mà rồi biến phẩm bậc ấy thành ra cái phao
rách nát trong biển khổ. Cũng có kẻ đem cái tuệ cuồng si mà nói lếu
láo về bát nhã, khinh chê tỳ ni, làm cho những kẻ ngu ngơ bắt chước, những
người đi sau mất cả cửa ngõ.
Như lai hóa đạo cho mọi căn cơ,
giáo pháp thì thiết 3 thừa, giới pháp thì lập 5 chúng. Riêng nữ giới căn
tánh hơi chậm, phiền não lại dày, nên đức Như lai chế định 6 pháp, dạy
họ phải 2 năm học trước mọi giới pháp và oai nghi của đại ni; khi giới
thể tuần tự thành tựu mới cho phép lãnh thọ cụ túc giới. Tuy chế định
như vậy, nhưng chỗ dựa của họ phải lấy bậc đại ni rành luật mà
làm thầy. Có điều bậc đại ni ấy lại không được phép nói cho cái
tên của 5 thiên 7 tụ, chỉ được phép nói cho các giới pháp và oai nghi về
bất dâm, bất đạo, và những giới điều đồng đẳng.
Điều đáng than là mạt pháp ít gặp
đại ni, biết luật càng ít. Như vậy họ đã không được trực tiếp giáo
thọ, lại không được đọc đến giới văn, không còn do đâu để biết
thế nào là giữ giới, thế nào là phạm giới; giả sử có cái chí hướng
thượng cũng không có cái chỗ để đặt chân.
Do vậy, tôi kê cứu các luật bản,
biên tập giới pháp mà họ phải học. Để những kẻ có tàm quí, muốn học
giới, có thể học mà tập theo thì gian.
Niên hiệu Thuận trị, năm canh dần,
tháng đầu mùa hạ, sa môn đại bồ đề tâm Hoằng tán ghi.
- Giới Bản Thức Xoa Ma Na Ni [^]
- (xuất từ bộ Đàm mô đức)
Biên tập: Quảng châu, Nam hải, rừng
Bảo tượng, sa môn Hoằng tán Tại sâm.
Thức xoa ma na ni, Phạn tự này Hoa
văn dịch nghĩa là học pháp nữ. Là trong 2 năm phải học đủ 3 pháp: một,
học căn bản, là 4 trọng giới; hai, học 6 pháp, là những pháp được bởi
kiết ma; ba, học hành pháp, là mọi giới pháp và oai nghi của đại tỷ
kheo ni. Nay đây y theo Tứ phần luật kê ra 3 pháp nói trên để tiện cho họ
học tập mà lãnh thọ đại giới.
Một, Học Căn Bản [^]
(tổng cọng có 4 sự)
1.- Không được làm điều bất tịnh,
làm sự dâm dục. Nếu Thức xoa ma na làm sự dâm dục, đến nỗi cùng với
súc sinh, thì không phải thức xoa ma na, không phải con gái dòng họ Thích,
vì đó là phạm trọng tội.
2.- Không được trộm cắp, dầu chỉ
một lá cỏ. Nếu thức xoa ma na trộm lấy của người 5 tiền hay hơn 5 tiền,
tự lấy hay bảo người lấy, tự làm đứt hay bảo người làm đứt, tự
làm vỡ hay bảo người làm vỡ, hoặc đốt, hoặc chôn, hoặc phá hủy
màu sắc, thì không phải thức xoa ma na, không phải con gái dòng họ Thích,
vì đó là phạm trọng tội. (Đứt là chặt đồng tiền đứt ra làm hai. Vỡ
là đập đồng tiền vỡ ra. Đốt, chôn, phá hủy, đều là làm cho màu sắc
và hình dáng đồng tiền biến dạng. Năm tiền là 5 tiền lớn, 1 tiền lớn
bằng 16 tiền nhỏ; lấy 5 tiền hay đồ vật trị giá 5 tiền thì phạm trọng
tội cả). (1)
3.- Không được cố ý làm đứt mất
sinh mạng chúng sinh, dầu nhỏ như loài kiến. Nếu thức xoa ma na cố ý tự
tay giết chết mạng người, hoặc cầm dao trao cho người, bảo chết, khen
chết, cho thuốc bậy, làm sẩy thai, van vái, bùa chú, tự làm những cách
ấy hay bảo người làm, thì không phải thức xoa ma na, không phải con gái
dòng họ Thích, vì đó là phạm trọng tội. (Khen là khen ngợi làm cho người
ta chết. Thuốc bậy là thuốc độc; hoặc người biểnh mà cho thuốc
không đúng, làm cho họ chết. Van vái là van vái quỉ thần ác. Bùa chú là
dùng bùa chú ác).
4.- Không được nói dối, dầu chỉ
giỡn chơi. Nếu thức xoa ma na không thật thà, không phải đã có mà tự xưng
được pháp thượng nhân, được thiền, được giải thoát, được tam muội,
được chánh thọ, được đạo quả tu đà hoàn cho đến được đạo quả
a la hán, trời đến, rồng đến, quỉ thần đến cúng dường tôi, thì
không phải thức xoa ma na, không phải con gái dòng họ Thích, vì đó là phạm
trọng tội. (Giải thoát là 8 giải thoát. Tam muội, Hoa dịch chánh định.
Tu đà hoàn, Hoa dịch nhập lưu, là nhập vào dòng thánh nhân. A la hán, Hoa
dịch vô trước, cũng dịch vô sinh, vì giải thoát sinh tử trong 3 cõi).
Bốn giới nặng trên đây hễ phạm
1 giới thì phải bị trục xuất liền, sau đó không được thọ giới tỷ
kheo ni, cũng không được trở lại làm thức xoa ma na, làm sa di ni hay làm
ưu bà di. Nếu do thầy mà gượng thọ lại thì cũng không đắc giới, vẫn
bị trọng tội, và lãnh thọ cái gì của tín thí cũng gọi là phạm tội
ăn trộm.
Hai, Học 6 Pháp [^]
(chính thức có 6 sự)
1.- Nếu thức xoa ma na thân thể xoa
chạm với thân thể người nam có tâm ô nhiễm, thì phạm giới, phải thọ
giới lại, (Tâm ô nhiễm là muốn dâm dục).
2.- Nếu thức xoa ma na với ý thức
trộm cắp mà lấy dưới 5 tiền, thì phạm giới, phải thọ giới lại. (Dưới
5 tiền là 1 tiền, 2 tiền, 3 tiền, 4 tiền).
3.- Nếu thức xoa ma na giết chết
sinh mạng của súc sinh không thể biến hóa, thì phạm giới, phải thọ giới
lại. (Không thể biến hóa là súc sinh không thể biến thể làm hình người,
hình trời, hình rồng, hình quỉ thần, v/v. Súc sinh là cho đến côn trùng
nhỏ nhất cũng gọi là súc sinh).
4.- Nếu thức xoa ma na cố ý vọng
ngữ đối với tăng chúng, thì phạm giới, phải thọ giới lại. (Ở đây
vọng ngữ là nói dối loại nhỏ).
5.- Nếu thức xoa ma na ăn phi thời,
thì phạm giới, phải thọ giới lại. (Sau đứng bóng ngày nay đến trời
chưa sáng ngày mai, gọi là phi thời).
6.- Nếu thức xoa ma na uống rượu,
thì phạm giới, phải thọ giới lại.
Sáu pháp trên đây nếu phạm 1
pháp thì gọi là thiếu giới. Phải làm kiết ma cho 2 năm khác. Thức xoa ma
na thiếu giới ấy phải bắt đầu học tập lại. Nếu học tập lại không
đủ 2 năm thì không được lãnh thọ đại giới.
Ba, Học Hành Pháp [^]
(tổng cọng 292 pháp. Phật dạy thức
xoa ma na phải học cho biết và tập làm theo tất cả giới pháp của đại
ni, trừ sự tự lấy thức ăn, trao thức ăn, cho thức ăn. Tăng kỳ luật
qui định thức xoa ma na nhận thức ăn từ nơi sa di ni).
1.- Không được đem tâm ô nhiễm
chịu cho người nam cũng có tâm ô nhiễm nắm tay, nắm y, vào chỗ khuất,
đứng chung, nói chung, đi chung, thân thể dựa nhau, hoặc hẹn hò với nhau.
(Chỗ khuất là chỗ người khác không thấy không nghe). (2)
2. Không được che giấu tội lỗi
người khác. Nếu biết người khác có tội lỗi mà mình không tự cử tội,
không bạch chư tăng, không nói với người; sau đó, vào thì gian khác, người
có tội lỗi bị mạng chung, bị trục xuất, hoặc thôi tu, v/v, mới nói như
vầy, trước đây tôi biết người ấy có việc như vậy như vậy, thì đó
là che giấu trọng tội cho người khác.
3.- Nếu biết tỷ kheo cho đến người
giữ vườn, sa di, bị chư tăng cử tội đúng giáo pháp, đúng giới luật,
đúng Phật huấn dụ, mà không phục tùng, không sám hối, và chư tăng
cũng chưa tác pháp kiết ma cho sống chung, vậy mà mình tùy tùng với họ.
Khi tỷ kheo ni và thức xoa ma na khác can gián thì phải từ bỏ, không được
không từ bỏ. (Tùy tùng là tùy tùng lời họ mà trao kinh sách hay cho áo cơm).
4.- Không được làm mai mối, đem
ý người nam nói với người nữ, đem ý người nữ nói với người nam,
để thành vợ chồng hay tư thông dầu chỉ trong chốc lát.
5.- Không được vì giận dữ không
vui mà, một cách vô căn cứ, phỉ báng người khác phạm trọng tội, ý muốn
phá hoại sự thanh tịnh của người ấy. (Vô căn cứ là không thấy không
nghe và không nghi người ta phạm tội, mà lại cố ý nói để phỉ báng).
6.- Không được vì giận dữ không
vui, lấy một cạnh khía trong việc khác, một cách vô căn cứ mà phỉ
báng người khác, ý muốn phá hoại phạn hạnh của người ấy. (Việc khác
là trọng tội. Lấy một cạnh khía là lấy lỗi nhỏ trong trọng tội để
phỉ báng người ta phạm trọng tội ấy).
7.- Không được đến cửa quan, dầu
chỉ trong chốc lát, thưa cư sĩ hay con cư sĩ, thưa tôi tớ hay người làm
thuê. (Đến cửa quan là đem việc báo cáo với quan. Nếu bị người khinh
khi, lăng nhục, thì nên nói với cha mẹ hay bà con của họ, với tỷ kheo
hay tỷ kheo ni, với cận sự nam hay cận sự nữ, để những người này
can gián họ. Làm thuê là người chịu thuê làm việc).
8.- Nếu biết trước là nữ tặc,
có tội đáng chết, và ai cũng biết, vậy nếu không hỏi vua hay đại thần
của vua, không hỏi đến thành phần xã hội của họ, thì không được độ
ngay cho họ xuất gia. (Thức xoa ma na tuy không có phép có đồ đệ, nhưng
phải học trước việc này).
9.- Không được một mình lội nước,
một mình vào làng xóm, một mình ngủ lại, một mình đi sau. (Một mình ngủ
lại là ngủ lại một mình nơi nhà thế tục ở trong làng xóm).
10.- Nếu biết người nam có tâm ô
nhiễm thì không được từ nơi người ấy nhận lấy thức ăn và những vật
khác.
11.- Không được bảo người khác
từ nơi người ấy nhận lấy thức ăn và những vật khác.
12.- Không được phá hoại tăng hòa
hợp, và được can gián mà không từ bỏ.
13.- Không được làm phe cánh với
kẻ phá hoại tăng hòa hợp, và được can gián mà không từ bỏ.
14.- Nếu ở trong thành thị hay
thôn xóm mà làm hoen ố tín đồ và làm những việc xấu, thì chư tăng trục
xuất, không được không phục tùng. (Hoen ố tín đồ là đem đồ vật tặng
cho cư sĩ. Làm những việc xấu là trồng các thứ hoa quả, tưới nước hái
trái, cho đến cùng người lớn hay cùng trẻ con ngồi chung giường, ăn
chung bát, ca múa, đánh thổi, chịu thuê, giỡn cợt, v/v).
15. Không được ngoan cố không chịu
nghe ai nói. Khi được can gián thì phải từ bỏ.
16.- Không được người này người
kia sống gần gũi nhau, cùng nhau làm những điều bất thiện, tiếng xấu
lan tràn, triển chuyển che giấu tội lỗi cho nhau, và được can gián mà
không từ bỏ. (Gần gũi là luôn luôn giỡn cười với nhau, bỡn cợt với
nhau).
17.- Nếu ai bị chư tăng tác pháp
kiết ma sống riêng hay bị khiển trách răn đe, thì không được chỉ bày
cho họ, rằng đừng chịu sống riêng, hãy cứ sống chung; tôi thấy có những
người khác không chịu sống riêng, cùng nhau làm những điều bất thiện,
tiếng xấu lan tràn, che giấu tội lỗi cho nhau. Chư tăng chỉ vì tức giận
nên bảo cô sống riêng mà thôi. Chỉ bày như vậy là phỉ báng chư tăng,
nên khi được can gián thì phải từ bỏ.
18.- Không được vội vã vì một
việc nhỏ mà tức giận không vui, nói liền rằng tôi bỏ Phật, bỏ Pháp,
bỏ Tăng, không phải chỉ có sa môn Thích tử mà còn có sa môn bà la môn
khác tu tập phạn hạnh, tôi cũng có thể tu tập phạn hạnh nơi họ. Nói
như thế mà được chư tăng can gián thì phải từ bỏ.
19.- Không được ưa tranh cãi vì
không khéo nhớ sự việc tranh cãi, chư tăng phê phán thì nói chư tăng có
tham có sân có si có sợ ; nói mà được can gián cũng không từ bỏ.
20.- Không được cất giữ trường
y (3) quá 10 ngày mà không tịnh thí. (Tịnh thí có 2. Một là tịnh thí thật
sự, là thật sự cho người. Hai là tịnh thí triển chuyển, là tác pháp
kiết ma rồi mình tự cất giữ).
21.- Không được rời y mà ngủ chỗ
khác, dầu chỉ trải qua 1 đêm.
22.- Không được xin y nơi cư sĩ
hay vợ cư sĩ không phải bà con; nếu y bị cướp, bị mất, bị cháy, bị
trôi, thì được xin.
23.- Nếu y bị cướp, bị mất, bị
cháy, bị trôi, mà cư sĩ hay vợ cư sĩ xin tùy ý (4) và cúng nhiều y, thì
phải nhận một cách biết vừa đủ, không được quá đáng.
24.- Nếu cư sĩ hay vợ cư sĩ sắm
tiền mua y, muốn mua y cúng cho, nhưng thức xoa ma na trước chưa nhận lời
xin tùy ý, thì không được vì muốn có y tốt nên đến nhà họ mà khen ngợi
để đòi y.
25.- Nếu có 2 cư sĩ và vợ 2 cư
sĩ sắm tiền mua y, muốn mua y cúng cho, nhưng thức xoa ma na trước chưa nhận
lời xin tùy ý, thì không được vì muốn có y tốt mà đến nhà 2 cư sĩ,
khen ngợi, khuyên họ chung tiền lại sắm 1 y. (Chưa nhận lời xin tùy ý
là thức xoa ma na chưa nhận được lời 2 cư sĩ xin tùy ý đến nhà họ
mà yêu sách y).
26.- Nếu thí chủ phái người đến
đưa tiền sắm y cho thức xoa ma na, nhưng thức xoa ma na vì không được nắm
giữ tiền ấy nên không nhận lãnh. Người được phái đem tiền ấy giao
cho người giúp việc rồi về. Khi thức xoa ma na cần y thì nên hai ba lần
đến chỗ người giúp việc mà nói tôi cần y. Nói như vậy mà không được
y thì bốn năm sáu lần đến đứng yên lặng trước người giúp việc,
và được y thì tốt. Nếu vẫn không được y thì không được quá số
ấy mà đến đòi y. Phải nói cho thí chủ biết mình không nhận được y
để họ lấy lại tiền sắm y, đừng để mất đi.
27.- Không được tự tay cầm lấy
vàng bạc và tiền, hoặc bảo người khác cầm lấy, hoặc nhận lấy bằng
cách miệng nói được. (Nhận lấy bằng cách miệng nói được là miệng
nói vâng).
28.- Không được làm những cách
bán mua.
29.- Nếu dùng cái bát dưới 5 chỗ
hàn bịt, bát ấy cũng chưa rỉ nước, thì không được vì tốt đẹp mà
kiếm bát mới.
30.- Không được tự kiếm chỉ sợi,
bảo thợ dệt không phải thân quyến của mình dệt y giúp. (Chỉ sợi là
chỉ tơ hay gai).
31.- Nếu thí chủ bảo thợ dệt dệt
y cho thức xoa ma na, mà trước đó thức xoa ma na chưa nhận lời xin tùy ý,
thì không được vì tốt đẹp mà đến nơi thợ dệt bảo dệt cho rộng,
dài, bền, tỉ mỉ, ngay thẳng, và hứa trả thêm tiền dầu chỉ đáng giá
một bữa ăn.
32.- Nếu đem y cho người khác rồi,
sau đó không được vì tức giận mà đoạt lại hay bảo người khác đoạt
lại.
33.- Nếu vì bịnh nên cất sữa
tô, dầu, sữa tô tươi, mật, đường phèn, thì được dùng cách đêm
trong 7 ngày, không được quá 7 ngày mà còn dùng. (Sữa tô là sữa bò sữa
dê v/v biến thành. Dầu là man thanh, chi ma v/v. Mật là mật ong. Đường phèn
là đường mía chưng luyện mà thành. Những loại thuốc này khi nhận được
của người, thì đó là ngày đầu. Rồi giới hạn trong 7 ngày có thể
đem dùng, và nếu có thừa thì nên cho người khác, không được cất đến
ngày thứ 8).
34.- Nếu còn 10 ngày nữa hết kiết
hạ an cư, có người vì lý do vội vàng mà đem y cúng cho, thì nên nhận,
nhận rồi chỉ cất giữ trong thì hạn của y, không được cất giữ nhiều
hơn. (Chư tăng lấy ngày 16/7 nhận y công đức, ngày 15/12 thì xả, trong
thì gian 5 tháng ấy gọi là thì hạn của y; nếu không nhận y công đức
thì thì hạn ấy chỉ có 1 tháng, là 16/7 đến 15/8. Thức xoa ma na tuy không
có y công đức, nhưng vì họ kiết hạ có công đức, chuẩn lẽ thì cũng
đáng cùng chư tăng được lợi ích của 2 thì hạn, cất giữ trường y mà
không phạm giới. Nếu quá 2 thì hạn rồi, không làm tịnh thí thì phạm
giới. Tất cả y, vật, phải đến kiết hạ an cư rồi mới được cất
giữ, nhưng đây là y cúng vội vàng nên mở thêm 10 ngày trước. Lý do vội
vàng là thí chủ cúng vì đi xa, vì chinh phạt, hoặc vì bịnh nhân mà
cúng, hoặc cúng vì sản nạn v/v).
35.- Nếu biết là vật người ta muốn
cúng cho chư tăng thì không được tìm cách xoay lại cúng cho mình.
36.- Không được muốn đòi hỏi
cái này rồi lại đòi hỏi cái khác. (Nghĩa là đến nhà thí chủ kiếm vật
này rồi lại kiếm các vật khác).
37.- Nếu biết thí chủ cúng cho chư
tăng là để làm việc khác, thì mình không được đổi làm những việc
khác. (Nghĩa là thí chủ cúng tiền của để làm pháp đường mà mình đổi
làm y phục, hoặc cúng để làm y phục mà mình đổi làm pháp đường, hoặc
cúng cho chỗ này mà mình đổi cho chỗ khác. Nếu hỏi thí chủ, thì tùy lời
thí chủ nói mà sử dụng. Hoặc khi thí chủ cúng đã nói tùy ý sử dụng,
thì được sử dụng tùy ý).
38.- Nếu biết thí chủ cúng đồ vật
là để làm việc khác, mình kiếm cũng là kiếm cho chư tăng, thì mình
không được đổi làm việc khác. (Cúng cho việc khác ở đây là cúng để
ăn mà đem làm y, cúng để làm y mà đem ăn, hoặc cúng cho chỗ này mà lại
sử dụng cho chỗ khác. Mình kiếm là xin khắp nơi).
39.- Nếu biết thí chủ cúng đồ vật
là để làm việc khác, thì không được đổi làm việc khác. (Cúng đồ vật
để làm nhà mà mình đem vật ấy đổi y. Không phạm là hỏi thí chủ như
điều 37. Điều 37 cúng để làm pháp đường cho chư tăng, còn ở đây
cúng để làm nhà cho một vài vị khác, hoặc cho chính mình).
40.- Nếu biết thí chủ cúng đồ vật
là để làm việc khác, mình kiếm cũng là kiếm cho chư tăng, thì mình
không được đổi làm việc khác. (Tăng chúng vì làm phòng làm nhà mà kiếm
tiền của khắp nơi, rồi đem tiền của ấy đổi làm y, chia nhau).
41.- Không được cất giữ trường
bát (5) . (Ngày nào được bát thì ngày ấy nên dùng 1 cái thôi, dư ra thì
phải tịnh thí hay trả lại người cho).
42.- Không được cất giữ nhiều
đồ màu tốt. (Ngày nào được đồ thì ngày ấy được dùng, và đồ
được dùng là 16 thứ, ngoài ra thì phải tịnh thí hoặc trả lại người
cho; 16 thứ là chõ lớn, vung chõ lớn, vò lớn, và mòi vò lớn, chõ nhỏ,
vung chõ nhỏ, vò nhỏ, và mòi vò nhỏ, bình nước, nắp bình nước, hũ, và
mòi của hũ, bình nước rửa, nắp bình nước rửa, ? , và mòi của ?). (6)
43.- Nếu hứa cho người bịnh y thì
sau đó nên cho. (Bịnh y là khi có kinh nguyệt thì dùng ngăn trên thân thể
để mặc quần. Hứa cho ai vật gì thì cũng nên cho họ).
44.- Không được phi thời y nhận làm
thời y. (Thời y là 1 tháng nếu không nhận y công đức, và 5 tháng nếu nhận
y công đức; y được có trong 2 thì gian này gọi là thời y. Phi thời y là
trường y được có trong thì gian còn lại ngoài 2 thì gian nói trên. Thời
y thì chư tăng an cư phân phát, phi thời y thì chư tăng hiện diện phân
phát).
45.- Nếu đổi y với người khác,
sau đó không được giận dữ đoạt lại, hoặc bảo người đoạt. (Đổi
y là đem y đổi y, hoặc đem vật khác đổi y, hoặc đem y đổi vật khác).
46.- Nếu kiếm áo dày thì nên ngang
với giá tiền 4 tấm vải mịn, không được quá hơn. (Áo dày là áo mùa lạnh).
47.- Nếu kiếm áo mỏng thì cao lắm
cũng chỉ đến giá 2 tấm rưỡi vải mịn, không được quá hơn. (Áo mỏng
là áo mùa nóng).
48.- Không được cố ý nói dối.
(Nói dối trong 6 pháp ở trên là cố ý nói dối trong chư tăng, ở đây chỉ
nói dối với 1 người là phạm).
49.- Không được chưởi mắng. (Là
làm nhục người khác cho họ xấu hổ).
50.- Không được nói ly gián. (Là
truyền đạt lời nói của đôi bên cho họ đấu loạn với nhau).
51.- Không được ngủ một nhà với
người nam.
52.- Không được cùng với người
nữ chưa thọ đại giới ngủ chung một nhà mà quá 3 đêm. (Tăng kỳ luật
nói đại ni được ngủ với thức xoa ma na 3 đêm, thức xoa ma na được ngủ
với sa di ni 3 đêm).
53.- Không được cùng với người
chưa thọ đại giới đọc tụng kinh pháp. (Tứ phần luật không cho cùng
người chưa thọ đại giới đọc tụng kinh pháp, các luật khác không cho
đối diện với người chưa thọ đại giới mà nói về đại giới ấy.
Ở đây thức xoa ma na không được nói với sa di ni và người tại gia).
54.- Nếu biết người khác có tội
lỗi nặng thì không được nói với người chưa thọ đại giới. (Nếu
chư tăng kiết ma sai nói thì không phạm).
55.- Không được nói những pháp hơn
người với người chưa thọ đại giới. (Là thật tự chứng được thiền
định, giải thoát, tam muội, sơ quả cho đến tứ quả, cũng không được
nói với người chưa thọ đại giới).
56.- Không được nói pháp cho người
nam quá năm sáu lời. (Năm là 5 ấm, sáu là 6 căn hay trần, hoặc còn có những
lời tương ứng với năm sáu pháp khác. Nếu bên cạnh có người nữ trí
thức thì nói quá hơn cũng không phạm).
57.- Không được tự tay đào đất
hay bảo người đào.
58.- Không được hủy hoại thôn
xóm của quỉ thần. (Hết thảy cỏ cây đều là chỗ quỉ thần nương ở,
như là thôn xóm của người vậy, nên không được thương tổn, hủy hoại.
Cho đến tất cả cây sống đều không được thương tổn, hủy hoại).
59.- Không được bày đặt nói
quanh để làm người khác bực mình. (Là khi người đúng phép hỏi mình,
mình không thích, nên đem sự việc khác mà trả lời, làm cho họ phát bực).
60.- Không được ghét mắng người
khác. (Là mắng trước mặt hay mắng sau lưng).
61.- Nếu đem đồ của chư tăng
như giường giây, giường cây, đồ nằm, nệm ngồi, tự mình sắp ra trên
mặt đất trống hay bảo người sắp ra, thì khi đi phải tự xếp cất hay
bảo người xếp cất.
62.- Nếu sắp đồ nằm của chư
tăng ra trong tăng phòng, tự mình sắp ra hay bảo người sắp ra, thì khi đi
phải tự xếp cất hay bảo người xếp cất.
63.- Nếu biết chỗ của người ở
trước, mình đến sau, thì không được trải đồ nằm ra ở giữa mà ngủ
nghỉ, ý muốn họ hiềm chật quá mà tự tránh đi.
64.- Không được tức giận không
vui với người khác, nên trong phòng của chư tăng mà tự lôi họ ra hay bảo
người lôi ra.
65.- Không được ở trên gác mà nằm
ngồi trên giường giây giường cây sút chân. (Sút chân là chân ghép, chân
lỏng; gác không chắc chắn thì rơi xuống làm người bị thương).
66.- Nếu biết nước có trùng thì
không được tự dùng dội trên đất trên cỏ, hay bảo người dội. (Các
việc rửa, giặt, v/v, cũng gọi là dùng).
67.- Nếu làm phòng lớn, có cửa
cánh, cửa sổ, và những đồ trang trí khác, thì nên chỉ bảo lợp tranh
chừng hai ba bậc, không được quá. (Hai ba bậc là hai ba lớp).
68.- Nếu thí chủ cúng một bữa
ăn thì, không bịnh, nên ăn 1 bữa, không được quá. (Thí chủ vì cầu phước
nên dựng nhà, cúng thức ăn, nhưng không thể cúng nhiều, nên chỉ cúng một
bữa, mời một đêm).
69.- Không được ăn riêng tăng chúng.
(Nếu khi bịnh, khi may y gấp, khi có người dâng y, khi đi đường, khi đi
thuyền, khi đại hội, khi sa môn ngoại đạo mời ăn, đều không phạm).
70.- Nếu không bịnh, đến nhà thí
chủ, họ xin cúng thức ăn, thì không được nhận quá vài ba bát, và về
chùa không được không chia cho các vị khác cùng ăn.
71.- Không được ăn đồ cách đêm.
(Là ngày nay nhận, cất đến ngày mai ăn).
72.- Không được thức ăn hay thuốc
mình không nhận lời mời mà đã bỏ vào miệng. (Trừ nước và tăm, không
nhận lời mời cũng không phạm. Chiếu theo Tứ phần luật thì cho thức
xoa ma na tự tay lấy thức ăn và trao thức ăn cho ni. Tăng kỳ luật cũng
cho cùng đại ni trao thức ăn. Trừ hỏa tịnh, sinh chủng, lấy vàng bạc
tiền, còn thức xoa ma na nhận thức ăn từ nơi sa di ni).
73.- Nếu trước đã nhận lời mời
rồi, thì không được đến giờ bữa ăn trước và bữa ăn sau đi đến
nhà khác mà không dặn ni khác. (Trừ lúc bịnh, lúc may y, lúc cho y, không dặn
cũng không phạm. Bữa ăn trước là từ lúc trời sáng cho đến giờ ngọ,
bữa ăn sau là giờ ngọ).
74.- Nếu trong nhà ăn có vật báu
thì không được miễn cưỡng ngồi dai. (Nhà ăn là nhà mà chồng vợ có dục
ý, muốn làm sự bất tịnh, thì mình không được miễn cưỡng ngồi dai,
trở ngại cho họ).
75.- Nếu trong nhà ăn có vật báu
thì không được ngồi chỗ khuất.
76.- Không được một mình cùng với
người nam ngồi chung một chỗ ở đất trống.
77.- Nếu hứa trước với người
khác cùng đến xóm làng thì kiếm thức ăn cho, nhưng rồi không khuyên
cúng thức ăn, lại bảo: tôi với chị ngồi hay nói với nhau một chỗ
thì tôi không ưa; tìm cách xua đuổi người ta như vậy thì phạm tội.
78.- Nếu thí chủ xin cho thuốc 4
tháng, thì không bịnh cũng nên nhận, nhưng không được nhận quá thì hạn
ấy. (Trừ ra họ xin cho luôn, xin cho thêm, xin chia mà cho, xin cho suốt đời,
thì không phạm. Nếu 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, tùy người ta xin cho bao lâu
mà nhận, không được hết thì hạn lại đến lấy nữa).
79.- Không được đi coi quân trận.
(Trừ lý do có mời gọi thì không phạm).
80.- Nếu có lý do thì được đến
trong quân đội tá túc 2 đêm 3 đêm mà không được quá hơn. (Dẫu vì
duyên sự Tam bảo cần đến tá túc trong quân đội, thì 1 đêm rồi việc
là về; nhiều lắm là 3 đêm, không được quá hơn).
81.- Khi tá túc trong quân đội 2 đêm
3 đêm thì không được coi quân đội dàn trận, không được coi lực lượng
tượng binh kinh diễn tập.
82.- Không được giỡn dưới nước.
83.- Không được lấy ngón tay thọc
léc người khác. (Là lấy ngón tay gải hay ngoáy vào da thịt chỗ mẫn cảm,
làm cho người khó nhịn mà phát cười).
84.- Không được không chấp nhận
mọi sự khuyên can.
85.- Không được dọa cho người ta
sợ.
86.- Nếu nửa tháng tắm rửa,
không bịnh thì nên nhận như vậy, không được quá hơn. (Trừ khi nóng,
khi bịnh, khi làm việc, khi gió lớn, khi mưa, khi đến từ đường xa).
87.- Nếu không bịnh thì không được
đốt lửa giữa đất trống hay bảo người đốt. (Trừ vì người bịnh mà
nấu ăn, hun bát, nhuộm y, thắp đèn, đốt hương, v/v, thì không phạm).
88.- Không được tự mình hay bảo
người cất giấu vật dụng của người khác như y, bát, đồ ngồi, ống
kim, dầu chỉ để giỡn chơi. (Ngoài mấy vật trên, mọi vật khác nữa cũng
không được cất giấu, trừ ra sợ mất sợ hỏng nên tạm cất giúp, và
đưa lại ngay).
89.- Nếu tịnh thí y cho người khác
rồi, sau đó không hỏi người chủ của y ấy thì không được lấy mặc.
(Tịnh thí ở đây là tịnh thí thật sự cho người khác. Nếu tịnh thí
triển chuyển, thì, theo phép, có thể mặc tùy ý, không cần hỏi người
chủ).
90.- Nếu được y mới thì phải
nhuộm bằng 3 thứ làm hỏng nguyên màu đi, đó là màu xanh, màu đen, màu nấu
vỏ cây mộc lan. Không làm như vậy thì không được dùng. (Trong 3 màu,
tùy ý dùng 1 màu. Nếu được cái y mới có màu sắc đúng phép rồi thì cũng
nên điểm tịnh mà dùng. Cho đến đãy, giây lưng, mão, tất, khăn, v/v, đều
phải điểm tịnh cả).
91.- Nếu biết nước có trùng thì
không được uống. (Phải lọc kyլ nhìn kyլ không trùng mới dùng).
92.- Không được cố quấy rối
người khác, dầu chỉ làm cho họ chốc lát không vui.
93.- Nếu biết người có lỗi thì
không được che giấu giúp. (Giới thứ 2 ở trước là che giấu tội nặng,
giới này che giấu tội nhẹ).
94.- Nếu biết sự việc tranh cãi
đã sám hối đúng phép rồi, thì sau đó không được khơi dậy trở lại.
95.- Nếu biết là giặc thì không
được cùng đi một đường, dầu chỉ bằng đến thôn xóm.
96.- Nếu phát sinh kiến thức ác hại,
nói rằng theo tôi biết giáo pháp Phật nói thì hành dâm không phải là sự
chướng đạo; nói như vậy mà được can gián thì phải xả bỏ tức khắc.
97.- Nếu biết đó là người không
chịu xả bỏ kiến thức ác hại và sai lầm, chư tăng chưa tác pháp kiết
ma giải tội cho, thì mình không được chứa chấp, ngủ chung.
98.- Nếu biết đó là sa di ni có kiến
thức ác hại, bị chư tăng trục xuất, thì mình không được chứa chấp,
ngủ chung.
99.- Nếu khi được can gián đúng
phép thì không được nói rằng tôi nay không học giới này, tôi sẽ gạn
hỏi vị trì luật nào có trí tuệ.
100.- Khi nghe thuyết giới thì không
được khinh chê giới pháp, nói rằng thuyết những giới điều vụn vặt
ấy làm gì, chỉ làm cho người bực dọc, xấu hổ, thắc mắc mà thôi.
101.- Khi nghe thuyết giới thì phải
chuyên nhất tâm trí, thâu nhiếp thính giác mà nghe cho kyծ
102.- Nếu cùng tăng chúng cho người
ta đồ vật rồi, sau đó không được nói rằng vị đó theo bạn thân nên
lấy vật của chư tăng mà cho họ.
103.- Nếu chư tăng xử việc chưa
xong thì khi đó mình không được không dữ dục mà đứng dậy đi ra.
104.- Nếu dữ dục rồi sau đó
không được hối tiếc.
105.- Không được lén nghe tranh cãi
rồi sau đó đem lời ấy nói với người khác.
106.- Không được tức giận không
vui mà đánh người khác.
107.- Không được tức giận không
vui mà lấy tay tát người khác. (Tát là trương bàn tay ra mà đánh người).
108.- Không được tức giận không
vui, đem sự vô căn cứ mà phỉ báng người khác. (Giới thứ 5 ở trước
là phỉ báng tội nặng, giới này phỉ báng tội nhẹ).
109.- Nếu vua chưa ra khách, chưa cất
bảo vật, thì không được vào quá ngưỡng cửa của cung vua.
110.- Nếu là vàng ngọc hay đồ
trang sức bằng vàng ngọc thì không được cầm giữ hay bảo người cầm
giữ. (Trừ trong chùa và chỗ ngủ nhờ, sợ mất đi nên lấy cất, nhưng
phải biết và nhớ mà trả cho người chủ).
111.- Không được đi vào làng xóm
không phải lúc mà không dặn lại ai cả. (Nên dặn đại ni, không có đại
ni thì dặn người phạn hạnh đồng hàng, cho đến dặn sa di ni).
112.- Nếu làm giường giây giường
cây thì chân chỉ cao bằng 8 ngón tay của Phật, không được quá hơn. (Một
ngón tay của Phật dài bằng 2 tấc) (7) .
113.- Không được lấy bông đâu la
độn nệm lót giường giây giường cây, hay độn ngọa cụ tọa cụ. (Bông
đâu la là tên chung của hoa bạch dương, hoa dương liễu, hoa bồ đài).
114.- Không được ăn hành tỏi.
115.- Không được cạo lông 3 chỗ.
(Là chỗ đại tiểu tiện, và dưới nách).
116.- Nếu dùng nước tác tịnh thì
nên giới hạn 2 ngón tay, mỗi ngón 1 đốt, không được quá. (Nếu ở
trong có trùng có rác phải kéo ra thì không phạm).
117.- Không được dùng những vật
như hồ giao v/v mà làm nam căn.
118.- Không được cùng vỗ nhau
(Dùng tay hay chân, hay nữ căn vỗ nhau, đều phạm tội).
119.- Nếu khi tỷ kheo không bịnh
thì mình không được bưng nước, đứng trước mặt lấy quạt mà quạt.
120.- Không được xin lúa hay lúa mạch
sống. (Cho đến đậu lớn, đậu nhỏ, và mè, đều không được phép xin.
Trừ ra xin bà con quen biết hay người xuất gia, thì mình xin cho người,
người xin cho mình, không xin mà được, đều không phạm).
121.- Không được đại tiểu tiện
hay hỷ nhổ trên cỏ tươi. (Nếu có bịnh thì không phạm).
122.- Nếu sáng sớm, không ngó
ngoài tường thì không được đổ bỏ đại tiện tiểu tiện. (Phải ngó
ngoài tường không người mới đổ. Đổ những vật khác thì trước hết
cũng phải dặng hắng, vỗ tay).
123.- Không được đi xem nghe kyՠnhạc.
124.- Không được đi vào làng xóm
mà cùng với người nam đứng và nói chuyện ở chỗ khuất. (Giới thứ 1
là cùng với người nam có ý dâm dục mà ở chỗ khuất đứng và nói chuyện.
Giới này, và 2 giới tiếp theo, là cùng đứng và nói với người nam không
có ý dâm dục).
125.- Không được cùng với người
nam đi vào chỗ khuất và có vật ngăn che.
126.- Không được vào trong làng
trong hẻm, bảo bạn đi xa đi, rồi cùng người nam ở chỗ khuất đứng
chung và kề tai mà nói.
127.- Nếu vào ngồi trong nhà cư sĩ
thì không được không nói với chủ nhân mà bỏ đi.
128.- Nếu vào trong nhà cư sĩ thì
không được không nói với chủ nhân mà ngồi liền trên giường. (Trừ ra
có chỗ thường ngồi, hoặc nhà thân thiết, hoặc trên đá, trên gỗ,
trên đất cứng, trên thảm cỏ, hoặc bịnh, thì không phạm).
129.- Nếu vào nhà người, không
nói với chủ nhân thì không được tự sắp liền chỗ mà ngồi, ngủ, nghỉ.
130.- Không được cùng người nam vào
trong nhà tối.
131.- Không được không thẩm định
lời nói mình tiếp nhận mà đã nói ngay với người khác.
132.- Nếu có lý do hay sự việc nhỏ
nhặt thì không được thề liền rằng đọa ác đạo, không sinh trong Phật
pháp. (Ấy là không nên thề thốt. Nếu có việc khó chịu đến với mình,
nên nói nếu tôi có việc như vậy thì, "lạy Phật", nếu cô có
việc như vậy thì, "lạy Phật").
133.- Không được tranh cãi với người
khác vì không khéo nhớ sự việc tranh cãi, rồi đấm ngực khóc la.
134.- Nếu không bịnh thì không được
2 người nằm chung 1 giường.
135.- Không được nằm chung 1 nệm,
cùng 1 chăn. (Nếu mỗi người sắp? riêng nhau, nếu trời lạnh mà chỉ có
1 chăn, thì được phép người nào cũng mặc áo lót mà nằm).
136.- Không được vì quấy rối mà
tụng kinh, hỏi nghĩa và chỉ dạy trước mặt người ta.
137.- Nếu người sống chung bị bịnh
thì không được không trông nom. (Sống chung ở đây là chung cùng lợi dưỡng).
138.- Nếu đầu an cư cho người ta
đặt giường trong phòng mình, thì sau đó không được tức giận mà đuổi
người ta ra. (Trừ người ta phạm giới, hoặc đáng trục xuất, thì không
phạm).
139.- Không được mùa xuân, mùa hạ,
mùa đông, tất cả các mùa đều du hành dân gian. (Trừ ra vì việc của
Tam bảo và vì săn sóc bịnh nhân, thì được phép xuất giới 7 ngày mà
đi, 7 ngày đủ rồi phải về ngay).
140.- Nếu kiết hạ an cư rồi không
được không đi. (Vì thí chủ xin cúng dường an cư chỉ giới hạn đến hết
an cư, nên phải ra đi, không được ở lại dầu chỉ 1 đêm. Nếu bị cản
trở vì lý do bất khả kháng, nếu bịnh, nếu thí chủ xin cúng dường không
giới hạn, nếu an cư ở chỗ không phải nhận lời mời, thì không đi
cũng không phạm).
141.- Không được ngoài khu vức có
chỗ nghi là đáng sợ mà vẫn đi vào dân gian. (Ngoài khu vức là chỗ xa
thành ấp. Nếu bị mời gọi, nếu đến trước rồi mới nghi có sự đáng
sợ xảy ra, thì không phạm).
142.- Không được trong khu vức có
chỗ nghi là đáng sợ mà vẫn đi vào dân gian. (Trong khu vức là 4 mặt
quanh thành).
143.- Không được thân thiết với
cư sĩ và con cư sĩ, sống chung, rồi làm hạnh bất tùy thuận, can cũng không
bỏ. (Thân thiết là luôn luôn nói cười với nhau, bỡn cợt với nhau).
144.- Không được đi coi hoàng cung
với điện đường sơn vẽ, vườn rừng hồ tắm.
145.- Không được khỏa thân tắm
trong nước sông, nước suối, nước hồ.
146.- Nếu làm khăn tắm thì phải
dài bằng 6 gang tay của Phật, rộng bằng 2 gang rưỡi, không được quá hơn.
(Khăn tắm là cái khăn che mình mà tắm rửa. Một gang của Phật tương
đương 3 gang của người thường, và theo thước nhà Chu thì có 1 thước 8
tấc).
147.- Không được may y quá 5 ngày.
(Nếu không có kéo, kim, chỉ, hay vải không đủ, cho đến có việc tai nạn,
thì không phạm).
148.- Không được quá 5 ngày không
coi sóc y. (Những vật cần dùng khác cũng phải 5 ngày coi sóc 1 lần, đừng
để mất, sâu ăn, màu hỏng. Nếu chỗ cất chắc chắn, nếu người được
gửi coi giúp, thì không phạm).
149.- Không được ngăn cản cúng y
cho chư tăng. (Là thí chủ muốn cúng y cho chư tăng mà mình khuyên cúng thức
ăn, đừng cúng y. Cũng không được cản trở những người khác cúng những
vật khác).
150.- Nếu không hỏi người chủ thì
không được tự tiện mang y của họ. (Trừ người thân thiết).
151.- Không được cầm y sa môn mà
cho ngoại đạo hay cư sĩ. (Cư sĩ là người tại gia. Trừ ra cho cha mẹ,
cho để người ta trả nợ. Nếu ai đến xin 1 miếng ca sa để trừ khử
tai nạn, thì nên bảo tịnh nhân đưa cho).
152.- Nếu chư tăng chia y đúng
phép, thì không được ngăn cản vì sợ đệ tử không được phần. (Thức
xoa ma na không có phép nuôi đệ tử, nhưng cũng không được vì bạn thân
mà ngăn cản).
153.- Không được có ý thức muốn
hưởng lâu 5 sự nên làm cho chư tăng hiện không xả y công đức, để sau
sẽ xả. (Tăng ni 2 chúng an cư xong rồi, ngày 16/7 cùng lãnh thọ y công đức.
Lãnh thọ y này rồi, trong 5 tháng được hưởng 5 sự lợi ích: một là
được cất giữ trường y, hai là được ngủ rời y, ba là được ăn riêng
chúng, bốn là được ăn triển chuyển, năm là được ăn bữa ăn trước
và bữa ăn sau, và đi vào làng xóm mà không cần dặn ai. Thức xoa ma na tuy
không có y công đức, nhưng vì an cư theo đại ni, nên cũng nên có 5 sự lợi
ích. Y công đức lãnh thọ từ ngày 16/7, đến ngày 15/12 chư tăng kiết ma
mà xả).
154.- Không được có ý thức muốn
hưởng lâu 5 sự nên ngăn cản tỷ kheo ni tăng xả y công đức.
155.- Nếu có ni khác nói với, rằng
xin diệt trừ sự tranh cãi ấy cho tôi, thì thực thi phương tiện liền mà
diệt trừ. (Nếu bịnh, nếu nói họ không nghe, nếu họ phá giới, v/v,
thì không phạm).
156.- Không được tự tay đưa thức
ăn cho cư sĩ và ngoại đạo ăn. (Nên nhờ người đưa mà cho, hoặc để
trên chỗ để nào đó mà cho).
157.- Không được làm người sai sử
cho cư sĩ. (Là lo liệu việc nhà của cư sĩ, hoặc xay giã, nấu ăn, sắp
chỗ ngồi, lấy nước, quét đất, v/v. Nếu làm cho cha mẹ, cho nữ tín đồ
tín tâm chân thành mà bị bịnh, cho người bị trói giam, thì không phạm).
158.- Không được tự tay xe chỉ đánh
sợi. (Nếu tự tháo rã chỉ sợi, nối tiếp chỉ sợi, thì không phạm).
159.- Nếu vào nhà cư sĩ thì không
được ngồi hay nằm trên giường lớn giường nhỏ của họ.
160.- Nếu đến nhà cư sĩ ngủ lại
thì sáng ngày phải cáo từ chủ nhân mới đi. (Hoặc dặn cho người quen
thân biết, hoặc có giặc, có rắn độc, có thú dữ, thì ra đi không phạm).
161.- Không được tụng tập chú
thuật của thế tục, hoặc chỉ dạy cho người tụng tập.
162.- Nếu biết là người như vậy
như vậy thì không được độ cho xuất gia. (Người như vậy như vậy là
dâm nữ. Nếu người ấy có tín tâm lớn lao, chán bỏ nghề ác, thì nên
đem đến chỗ cách năm sáu do tuần, giấu kyՠcho họ, phó thác cho đại ni
giáo thọ. Thức xoa ma na tuy không có cái phép nuôi đệ tử, nhưng phải học
trước việc này).
163.- Không được không có 2 năm
theo hòa thượng ni. (Lãnh thọ đại giới rồi cũng cần phải có 2 năm
theo thầy. Nếu thầy phá giới thì bỏ đi, không phạm).
164.- Nếu tỷ kheo ni tăng kiết hạ
an cư rồi, không được không đến giữa tỷ kheo tăng, nói 3 sự thấy,
nghe, nghi, để cầu tự tứ. (Phải học trước giới này. Tứ phần luật
nói thức xoa ma na cũng theo ni chúng đến chỗ đại tăng mà xin tự tứ).
165.- Không được ở chỗ không có
tỷ kheo mà kiết hạ an cư. (Vì sẽ không có giáo thọ, và nếu có gì
hoài nghi thì không thể hỏi ai).
166.- Nếu biết tăng già lam có tỷ
kheo thì phải thưa rồi mới vào. (Phạn tự tăng già lam, Hoa dịch chúng
viên, có nghĩa là chỗ chư tăng cư trú, phải thưa trước mà vào).
167.- Không được mắng tỷ kheo.
168.- Không được ưa tranh cãi vì
không khéo nhớ sự việc tranh cãi, sau đó giận dữ không vui, mắng cả ni
chúng.
169.- Nếu thân thể sinh ung nhọt
và các thứ ghẻ, mà không bạch trong chúng, không nói với ai, thì không
được nhờ người nam mổ hay băng. (Muốn nhờ người nam chữa trị cho thì
phải đánh kiền chùy, tập hợp ni chúng, đến trước bịnh nhân, lấy áo
bao mình, chỉ để cái chỗ cần chữa, rồi mới nhờ chữa trị).
170.- Nếu trước nhận lời thỉnh
mời, ăn đủ rồi, thì sau đó không được ăn thức ăn chính. (Thức ăn
chính là cơm, miến, cơm chiên, v/v. Nếu nhận lời mời không phải ăn chính,
nếu lời mời không phải ăn đủ, nếu trước không được thỉnh mời,
thì toàn không phạm).
171.- Không được đối với thầy
mình (8) mà sinh tâm ganh ghét. (Là nhà thí chủ quen biết đem đồ cúng cho
người khác, lòng mình không vui, sinh ra ganh ghét).
172.- Không được dùng hương liệu
mà xoa xát thân thể.
173.- Không được lấy cặn dầu mè
xoa xát thân thể. (Mè ở đây là chi ma).
174.- Không được bảo người khác
xoa xát thân thể. (Không được bảo thức xoa ma na ni, sa di ni, và phụ nữ
tại gia xoa xát thân thể, càng không được nhờ tỷ kheo ni làm việc xoa
xát ấy).
175.- Không được mặc quần lót độn
dày. (Quần lót là quần đùi. Độn là lấy bông mới hay ? mà độn). (9)
176.- Không được cất chứa đồ
trang điểm thân thể phụ nữ. (Là xuyến đeo tay đeo chân, nhẫn đeo ngón
tay, chuỗi ngọc đeo cổ, v/v).
177.- Không được đi mà mang dép da
và cầm dù. (Dép da là giày da thú. Dù là dù tán. Nếu trời mưa thì được
phép ở trong chùa mà cầm dù, cũng được phép ở trong chùa mà mang dép).
178.- Không bịnh thì không được
đi xe. (Xe là xe voi, xe ngựa, xe người kéo đẩy. Nếu già, nếu bịnh, thì
được phép ngồi xe kéo, xe người nữ điều khiển. Nếu có nạn mới
được phép ngồi bất cứ xe gì).
179.- Nếu không mặc tăng kỳ chi thì
không được vào làng xóm. (Tăng kỳ chi là áo cánh che nách. Không mặc áo
này thì bày ngực, nhủ bộ, và eo. Nếu không có, nếu bị mất, nếu sắp
may, thì không phạm).
180.- Không được sắp tối mà đến
nhà cư sĩ. (Nếu vì việc của Tam bảo, nếu vì việc trông nom bịnh nhân,
nếu thí chủ mời gọi thì được đi).
181.- Không được sắp tối, mở cửa
chùa ra đi mà không dặn ni khác.
182.- Nếu không việc thì phải tiền
an cư, có việc thì phải hậu an cư, không được không an cư. (Ngày 16/4
là ngày tiền an cư, ngày 16/5 là ngày hậu an cư. Nếu có việc Tam bảo, nếu
trông nom bịnh nhân, không kịp tiền an cư thì được phép hậu an cư. Tiền
an cư cấm túc đến ngày 15/7 giải chế, hậu an cư cấm túc đến ngày
15/8 giải chế).
183.- Không được học tập thuật
số thế tục để tự mưu sinh.
184.- Không được đem thuật số thế
tục chỉ dạy cho cư sĩ. (Là không chỉ dạy cho cư sĩ đừng hướng về
miếu thờ thần thái dương và thần thái âm mà đại tiểu tiện, đừng
hướng về miếu thờ thần thái dương và thần thái âm mà đổ phân rác
hay đổ mọi thứ nước dơ, đừng hướng về miếu thờ thần thái dương
và thần thái âm mà duỗi chân. Lại nói ngày nay có sao ấy là ngày tốt,
nên trồng trỉa, làm nhà, nuôi tôi tớ, cạo tóc trẻ con, cất của, đi
xa, v/v).
185.- Nếu bị trục xuất thì không
được không đi. (Nên phục tùng, hạ ý sám hối, cầu giải tỏa sự trục
xuất).
186.- Nếu muốn hỏi nghĩa lý kinh
pháp nơi vị tỷ kheo, thì trước hết phải cầu xin cho phép rồi sau đó mới
hỏi. (Nếu trước thường cho hỏi, nếu 2 vị hòa thượng và giáo thọ
là quen thân, thì không cầu cũng không phạm).
187.- Nếu biết người ở trước mình
đến sau, người đến sau mình ở trước, thì không được muốn quấy rối
người ta, ở trước mặt họ mà kinh hành, đứng, ngồi, và nằm.
188.- Nếu biết là chùa có tỷ kheo
thì không được xây tháp nơi chùa ấy. (Là xây tháp ni. Nếu tháp cũ hỏng,
nếu tháp xây trước chùa cất sau, thì không phạm).
189.- Nếu thấy vị tỷ kheo mới thọ
cụ túc giới thì phải đứng dậy, đón rước, cung kính, lễ bái, hỏi
han, mời ngồi. (Nếu đang ăn mà chỉ ngồi một lần, nếu có bịnh, thì
nên nói: đại đức, con xin sám hối, con có lý do như vậy, không thể đứng
dậy, đón rước).
190.- Không được vì làm dáng cho
đẹp nên đi mà lắc mình rảo bước. (Nếu có bịnh như vậy, nếu tránh
gậy, tránh voi dữ, cho đến tránh chông gai, nếu lội nước lội bùn, nếu
ngoái mình coi y áo có tề chỉnh hay không, thì không phạm). (10) .
191.- Không được dùng đồ trang sức
của phụ nữ, dùng hương liệu xoa mình.
192.- Không được nhờ nữ nhân ngoại
đạo xoa xát hương liệu vào mình.
193.- Không được không bịnh mà kiếm
để ăn 8 thứ: sữa tô, dầu, mật ong, đường phèn, sữa, sữa lạc, cá,
thịt. (11) . (Trên đây là 193 điều thuộc về giới pháp; dưới đây là
99 điều thuộc về oai nghi).
194.- Nên mặc quần cho tề chỉnh.
195.- Nên mặc y cho tề chỉnh.
196.- Không được vắt trái y đi vào
nhà cư sĩ.
197.- Không được vắt trái y ngồi
nhà cư sĩ.
198.- Không được quấn y nơi cổ vào
nhà cư sĩ.
199.- Không được quấn y nơi cổ
ngồi nhà cư sĩ.
200.- Không được trùm đầu vào
nhà cư sĩ.
201.- Không được trùm đầu ngồi
nhà cư sĩ.
202.- Không được vừa đi vừa nhảy
vào nhà cư sĩ.
203.- Không được vừa đi vừa nhảy
vào ngồi nhà cư sĩ.
204.- Không được ngồi xoạc đùi
(12) trong nhà cư sĩ.
205.- Không được chống nạnh đi vào
nhà cư sĩ.
206.- Không được chống nạnh ngồi
nhà cư sĩ.
207.- Không được lắc mình đi vào
nhà cư sĩ.
208.- Không được lắc mình ngồi
nhà cư sĩ.
209.- Không được vung tay đi vào
nhà cư sĩ.
210.- Không được vung tay ngồi nhà
cư sĩ.
211.- Khéo che mình kín đáo vào nhà
cư sĩ.
212.- Khéo che mình kín đáo ngồi
nhà cư sĩ.
213.- Không được nhìn bên này liếc
bên kia đi vào nhà cư sĩ.
214.- Không được nhìn bên này liếc
bên kia ngồi nhà cư sĩ.
215.- Yên lặng vào nhà cư sĩ.
216.- Yên lặng ngồi nhà cư sĩ.
217.- Không được giỡn cười đi vào
nhà cư sĩ.
218.- Không được giỡn cười ngồi
nhà cư sĩ.
219.- Chú ý khi ăn (13) .
220.- Lấy cơm chỉ ngang miệng bát
mà ăn.
221.- Cả đồ ăn (14) nữa cũng chỉ
lấy ngang miệng bát mà ăn.
222.- Đồ ăn và cơm phải lấy
tương đương với nhau.
223.- Tuần tự mà ăn (15) .
224.- Không được moi xốc giữa bát
mà ăn.
225.- Không bịnh thì không được tự
hỏi cơm và đồ ăn cho mình.
226.- Không được lấy cơm đậy đồ
ăn lại để mong có đồ ăn nữa.
227.- Không được liếc xem trong bát
của người ngồi bên cạnh.
228.- Phải để ý nơi bát mà ăn.
229.- Không được dồn cơm lớn miệng
mà ăn.
230.- Không được hả lớn miệng
để chờ cơm mà ăn.
231.- Không được ngậm cơm mà nói
chuyện. (Ngậm những thức ăn khác cũng không được nói chuyện).
232.- Không được nắm cơm ngoài xa
ném vào miệng.
233.- Không được ăn mà còn sót lại
(16) .
234.- Không được bung má mà ăn.
235.- Không được nhai (17) ra tiếng
mà ăn.
236.- Không được hớp cơm mà ăn.
237.- Không được le lưỡi liếm mà
ăn.
238.- Không được rảy tay mà ăn.
(Là cất tay mà rảy. Nếu trong đồ ăn có sâu, cỏ, v/v, thì rảy bỏ,
không phạm).
239.- Không được lượm cơm rơi mà
ăn.
240.- Không được tay dơ cầm đồ
đựng thức ăn (18) .
241.- Không được đổ nước rửa
bát trong nhà cư sĩ. (Phải đem ra ngoài mà đổ).
242.- Không được đại tiện tiểu
tiện, hỷ nhổ vào nước sạch (trừ lúc có bịnh).
243.- Không đứng mà đại tiện tiểu
tiện (trừ lúc có bịnh).
244.- Không được thuyết pháp cho
người vắt áo lên vai, không cung kính (trừ lúc họ có bịnh).
245.- Không được thuyết pháp cho
người quấn áo nơi cổ (trừ lúc họ có bịnh).
246.- Không được thuyết pháp cho
người che đầu (trừ lúc họ có bịnh).
247.- Không được thuyết pháp cho
người trùm đầu (trừ lúc họ có bịnh).
248.- Không được thuyết pháp cho
người chống nạnh (trừ lúc họ có bịnh).
249.- Không được thuyết pháp cho
người mang dép da (trừ lúc họ có bịnh).
250.- Không được thuyết pháp cho
người mang guốc gỗ (trừ lúc họ có bịnh).
251.- Không được thuyết pháp cho
người cưỡi ngựa (trừ lúc họ có bịnh).
252.- Không được ngủ nghỉ trong
tháp Phật, trừ ra để coi giữ.
253.- Không được cất giấu của cải
trong tháp Phật, trừ ra để cho chắc chắn.
254.- Không được mang dép da vào
trong tháp Phật.
255.- Không được cầm dép da vào
trong tháp Phật.
256.- Không được mang dép da đi nhiễu
quanh tháp Phật.
257.- Không được mang giày ủng
vào trong tháp Phật. (Dày ủng, Phạn tự là phú la, là dày ống, dày ủng;
Phật cho dùng ở những xứ tuyết lạnh).
258.- Không được cầm giày ủng
vào trong tháp Phật.
259.- Không được ngồi ăn nơi tháp
Phật mà xả rác và thức ăn làm dơ đất.
260.- Không được khiêng thây chết
đi qua tháp Phật.
261.- Không được chôn thây chết nơi
tháp Phật.
262.- Không được đốt thây chết
nơi tháp Phật.
263.- Không được hướng về tháp
Phật mà đốt thây chết.
264.- Không được đốt thây chết
bốn phía tháp Phật để hơi hôi bay vào.
265.- Không được mang áo và giường
người chết đi qua tháp Phật, trừ ra đã giặt, nhuộm và xông hương.
266.- Không được đại tiện tiểu
tiện nơi tháp Phật.
267.- Không được hướng về tháp
Phật mà đại tiện tiểu tiện.
268.- Không được đại tiện tiểu
tiện bốn phía tháp Phật để hơi thối bay vào.
269.- Không được mang ảnh tượng
của Phật đến chỗ đại tiện tiểu tiện.
270.- Không được ở nơi tháp Phật
mà xỉa răng.
271.- Không được hướng về tháp
Phật mà xỉa răng.
272.- Không được bốn phía tháp Phật
mà xỉa răng.
273.- Không được nơi tháp Phật
mà hỷ mũi khạc nhổ.
274.- Không được hướng về tháp
Phật mà hỷ mũi khạc nhổ.
275.- Không được bốn phía tháp Phật
mà hỷ mũi khạc nhổ.
276.- Không được ngồi duỗi chân
trước tháp Phật.
277.- Không được để tượng Phật
ở phòng dưới còn mình ở phòng trên.
278.- Người ngồi mà mình đứng thì
không được thuyết pháp cho họ (trừ lúc họ có bịnh).
279.- Người nằm mà mình ngồi thì
không được thuyết pháp cho họ (trừ lúc họ có bịnh).
280.- Người ngồi ghế mà mình ngồi
chỗ không phải ghế thì không được thuyết pháp cho họ (trừ lúc họ
có bịnh).
281.- Người ngồi chỗ cao mà mình
ngồi chỗ thấp thì không được thuyết pháp cho họ (trừ lúc họ có bịnh).
282.- Người đi trước mà mình đi
sau thì không được thuyết pháp cho họ (trừ lúc họ có bịnh).
283.- Người ở chỗ kinh hành cao
mà mình ở chỗ kinh hành thấp thì không được thuyết pháp cho họ (trừ
lúc họ có bịnh).
284.- Người đi giữa đường mà
mình đi lề đường thì không được thuyết pháp cho họ (trừ lúc họ có
bịnh).
285.- Không được dắt tay nhau mà
đi đường.
286.- Không được trèo cây cao quá
đầu người (trừ lý do tai nạn).
287.- Không được đựng bát vào đãy,
xâu vào đầu tích trượng rồi vác trên vai mà đi.
288.- Người cầm gậy, không cung
kính, thì không được thuyết pháp cho họ (trừ lúc họ có bịnh).
289.- Người cầm kiếm thì không
được thuyết pháp cho họ (trừ lúc họ có bịnh).
290.- Người cầm mâu thì không được
thuyết pháp cho họ (trừ lúc họ có bịnh).
291.- Người cầm dao thì không được
thuyết pháp cho họ (trừ lúc họ có bịnh).
292.- Người che dù thì không được
thuyết pháp cho họ (trừ lúc họ có bịnh).
Tăng kỳ luật nói, thức xoa ma na
ở dưới tất cả đại ni, ở trên tất cả sa di ni. Đến ngày bố tát, tự
tứ, thì đến trước chư tăng mà quì thẳng, chắp tay, thưa như vầy: Kính
bạch chư tăng A lê da, con pháp danh là XX, thanh tịnh, xin chư tăng ghi nhớ
nắm chắc như vậy cho con. (Nói 3 lần rồi đi ra. A lê da, Hoa dịch là
thánh giả).
Cách Sám Hối 292 Hành Pháp [^]
Thức xoa ma na nếu trái với các
hành pháp, trực phạm huấn dụ của Phật, thì phải sám hối tức khắc,
đừng để hỏng mất 6 học pháp. Hãy đến trước Hòa thượng ni (Thân
giáo sư ni), trước A xà lê ni (Qụ phạm sư ni), hoặc trước Tỷ kheo ni khác,
vắt một vạt y, để trần vai phải, quì thẳng, chắp tay, tác bạch như vầy:
Ngưỡng bạch Thân giáo sư, xin ngài nhất tâm ức niệm cho con. Con là thức
xoa ma na XX, đã cố ý đem tâm ô nhiễm chịu cho người nam có tâm ô nhiễm
nắm tay (291 hành pháp khác, vi phạm pháp nào thì nói rõ pháp ấy). Con đã
vi phạm hành pháp. Nay con hướng về Thân giáo sư, phát lộ sám hối,
không dám tái phạm. Nguyện xin Thân giáo sư ức niệm cho con. (Nói 3 lần
như vậy, vị Ni đáp:) Con hãy tự trách cứ tâm mình, hãy nhàm chán và
tách rời tội lỗi. (Thức xoa ma na thưa:) Dạ, con xin làm đúng như vậy.
(Nếu không phải Thân giáo sư và Qủyhạm sư, thì xưng Đại tỷ).
- Ghi Chú (1)
- Tất cả những chỗ đóng mở vòng đơn đều là
cước chú của nguyên tác.
- Ghi Chú (2)
- Từ đây sắp đi, những điều liên tiếp mà
liên hệ với nhau thì không xuống dòng.
- Ghi Chú (3)
- Trường y cũng có nghĩa là y thừa.
-
- Ghi Chú (4)
- Xin tùy ý là người cúng xin người nhận muốn
sao cũng được.
- Ghi Chú (5)
- Trường bát: bát dư thừa.
- Ghi Chú (6)
- Chỗ này một phần đồ xưa, chữ xưa, nay cái
có cái không, một phần ấn bản không rõ, nên dịch không chắc chắn.
-
- Ghi Chú (7)
- Thước tấc xưa.
- Ghi Chú (8)
- Chính văn là gia. Tác giả ở đây hiểu là nhà
thí chủ. Chỗ khác giải thích phải đọc là cô, thái cô, nghĩa là bà thầy.
Xét trường hợp có ra giới này thì hiểu là thầy có phần đúng hơn.
- Ghi Chú (9)
- Ở đây có 1 chữ nhìn không ra.
- Ghi Chú (10)
- Cước chú này là lấy Vạn 63/303 mà bổ túc.
- Ghi Chú (11)
- Cá và thịt là tiểu thừa tùy thí tùy thực (cho
gì ăn nấy).
- Ghi Chú (12)
- Chính văn là tôn tọa. Các bản chú thích nói là
cách ngồi mà tiếng thông tục gọi là ngồi chỏ hỏ. Nhưng từ điển nói
tôn là xoạc ra, tôn tọa là ngồi xoạc đùi ra.
- Ghi Chú (13)
- Để khỏi rơi đồ ăn xuống.
- Ghi Chú (14)
- Chính văn là canh. Nhưng ở đây rõ ràng canh là
các thức ăn.
- Ghi Chú (15)
- Ăn không tuần tự là ngay trong bát mà đã lấy
ăn lung tung.
- Ghi Chú (16)
- Dịch theo chú thích ở chỗ khác là một nửa
vào miệng, một nửa còn lại nơi tay.
- Ghi Chú (17)
- Dịch đủ là nhai cơm. Nhưng đủ mà thiếu. Bất
cứ nhai gì cũng không được ra tiếng, không phải chỉ nhai cơm.
- Ghi Chú (18)
- Tỷ kheo giới và Tỷ kheo ni giới nói nước uống.
http://buddhismtoday.com/viet/kinh/dt/013-thucxoa.htm
-oOo-
Chân thành cảm ơn quý cư sĩ Nguyễn Văn Củng, Đoàn Viết
Hiệp và Nguyễn Anh Tuấn đã phát tâm chuyển tác phẩm này từ dạng Help
File, VPS font sang dạng Word, VNI font. Thích Nhật Từ 29-4-2000