THẦN CHÚ ĐẠI BI VÀ
NHỮNG NGỌN TÂM ĐĂNG
Trí Liên
Như
thường lệ, Chùa Phật Đà vẫn có hai buổi lễ sám hối hằng tháng cho mọi
người, để phủi bớt những nghiệp chướng đã gây tạo từ vô thỉ kiếp, kéo
dài trong quá khứ cho đến hiện tại và vị lai. Những buổi lễ sám hối như
vậy, thường không đông vì nhiều người có lẽ bận rộn không thể đến tụng
kinh vào buổi tối được, hoặc có thể nhiều người đã thấy mình trong sạch,
ít có tội. Nhưng sám hối là một truyền thống đã có từ thời xưa và vẫn
được duy trì cho đến ngày nay.
Không có gì ngạc nhiên khi thấy trong đạo tràng đa số là các cô bác lớn
tuổi, hiền lành đạo đức đến chùa đều đặn hơn lớp trẻ. Chùa Phật Đà lại
nổi danh hơn những nơi khác qua câu nói đùa của Thầy trụ trì-“Đến Chùa
Phật Đà có thể chỉ tu tà tà”. Nhưng buổi tối sám hối đặc biệt bất ngờ
vào ngày 6-03-2008 vừa qua chứng minh, ‘Phật tử Chùa Phật Đà lại tu
quyết liệt, tu ào ào’. Trước khi đi sâu vào chi tiết của buổi sám hối mà
con nghĩ là một trong những chất liệu phong phú, cũng nên chia xẻ với
những người cùng chung một tấm lòng tha thiết vì đạo. Thiết nghĩ, nên
lướt sơ qua quan niệm của một số người cho rằng, không cần phải lạy Phật
sám hối bằng hình thức, mà chỉ cần tu tâm dưỡng tánh là đủ rồi. Bậc trí
thì thấu triệt lý không, nên có thể dùng lý để hoá giải tội lỗi một cách
dễ dàng, vì theo họ, tội lỗi không có tự tánh nhất định. Gặp duyên thì
tạo tội nhưng cũng do duyên mà diệt tội. Nhưng, người thường như chúng
ta phải dùng sự để sám hối. Phải lạy Phật nhiều để nghiệp chướng tiêu
tan. Phải lấy nước pháp cam lồ từ bi để rửa sạch tâm hồn vẩn đục. Vì tâm
là cái không thể thấy, không hình dáng màu sắc để rửa tội một cách dễ
dàng và có hiệu quả như các phương pháp sám hối điển hình. Cũng giống
như việc tu phước thấy dễ hơn là việc tu huệ, nên số lượng người làm
công quả đông đảo nhất, và sự nhiệt tình hưởng ứng của Phật tử thể hiện
rất rõ ràng qua các buổi lễ trọng đại hoặc các Phật sự có tầm vóc lớn
hoành tráng và qui mô. Những điều trên đây chỉ để chứng tỏ rằng, lý và
sự phải đi đôi với nhau thì kết quả mới đạt được sự vẹn toàn cũng như
phước và huệ phải kết hợp với nhau thì mới thành tựu được sự tu hành một
cách rốt ráo. Thiếu một trong hai thì con đường đạo còn dài lê thê, mà
không biết sức người có đủ kham nhẫn nỗi đoạn đường trần gian này không.
Gần
đây, có một số người theo hệ phái mới, sau một thời gian nghiên cứu bằng
tất cả những phương tiện, họ tin rằng, thế giới xung quanh chúng ta chỉ
có hai từ trường Thiện và Ác hiện diện, nên đã bác bỏ mọi hình thức cầu
an và cầu siêu, và cho rằng, những người tới chùa chỉ chuyên lo vấn đề
cầu an và cầu siêu là hoàn toàn mê tín dị đoan. Phần này con không dám
đi sâu lạm bàn và phân tích chi tiết, kính xin các bậc tôn túc có trình
độ cao siêu và thâm thuý giảng dạy.
Bản
thân con chỉ luôn cố gắng ghi nhớ những câu thơ giản dị nhưng chứa đựng
ý nghĩa cao xa của Thầy trụ trì trong Thi tập Lung Linh Hoa Tạng:
“Cổng chùa thay kệ khai đàn
Bụi
trần phủi sạch đạo vàng sáng trưng
Hay:
Cổng
chùa đã mở từ lâu
Đón
chào bao kẻ dãi dầu lầm than…
……………………….
Cổng
chùa là pháp không lời
Phật
Đà là chỗ gọi mời tâm tu! (Chốn Bình An)
Thật
sự, ngôi chùa hiện diện trong cuộc đời đã và đang mang lại sự an lạc
giải thoát cho những người muốn tìm về cội nguồn tâm linh vi diệu. Nếu
không có hình tượng Phật, không có những nén nhang trầm khói bay nghi
ngút làm tín hiệu gửi lên chư Phật, chư vị Bồ tát và các đấng thiêng
liêng, nếu không có những lời cầu nguyện theo gió bay khắp mười phương
trời mỗi ngày Chủ nhật, không có những chuyến hành hương thập tự trong
những lúc Tết đến Xuân về, không có những khoá tu học hàng tháng cho
Phật tử hữu duyên, có lẽ thế giới chúng ta đang sống sẽ khô cằn, vô vị
và thê thảm lắm! Vì chốn Ta bà này vốn đã nhiễu nhương lắm rồi! Dù rằng,
đã có rất nhiều trái tim yêu thương hiệu hữu trên cuộc đời, đã có những
đôi mắt thiên thần xuất hiện, những bàn tay dịu dàng tô điểm, khắc hoạ
thêm những nét chấm phá, tạo thêm vẽ đẹp trần thế ngọt ngào, thay thế
bớt những khổ đau trong những tâm thức đoạ đày.
Hãy
nhìn những khu nhà lạnh lẽo kẻm gai bủa giăng khắp phía, nơi nhốt những
tù nhân phạm pháp, những khu nhà thương điên xung quanh bệnh viện PA,
nơi dừng chân của những kẻ bị bệnh tâm thần mất trí điên loạn, mới thấy
giá trị ngôi chùa là Niết bàn Cực lạc, cứu cánh giải thoát bình yên.
Được vậy, con người mới dễ dàng cảm nhận tấm lòng nhẹ nhàng thanh thản
trong không khí tu hành, trong lành trinh khiết, khác xa với những khí
độc ở những nơi hung hãn, làm tê liệt và tê cứng cả một khoảng không
gian yên tịnh.
Niềm
tin mãnh liệt nơi đạo pháp là nguồn năng lượng tiếp nạp thêm vào cơ thể
con người vốn bị bào mòn bởi sự tàn phá của vô thường. Hiểu được vậy,
tin được thế thì mọi người sẽ mạnh dạn vững bước về chùa, tích tạo phước
đức và công đức cho mình và tha nhân trên lộ trình giải thoát sinh tử
luân hồi và tất nhiên sẽ di cư về một thế giới an lành, tốt đẹp miên
viễn.
Nếu
ngày nào đó, mọi người cố chấp không chịu bước chân đến chùa, thì lúc
đó, ngôi chùa sẽ không còn hiện hữu nên trần gian này nữa, lúc đó, không
cần có những chính sách tiêu diệt tôn giáo như lịch sử Ấn độ hay một số
quốc gia đã từng ra tay đàn áp đạo Phật. Tương tự như thế, ngày nào
những buổi lễ Cầu an, cầu siêu, những giờ thiền toạ, những buổi giảng
dạy giáo lý còn được duy trì, những lời kinh tiếng kệ còn được ngân
vang, những chiếc áo ca sa đậm màu giải thoát, những hình ảnh Tăng-Ni
ban trải tình thương yêu, che chở đàn Phật tử còn hiện hữu, thì ngày đó,
đạo Phật vẫn còn là phương thuốc nhiệm mầu cứu sống tất cả những tâm hồn
hư đốn bệnh tật. Luật đào thải đã làm biến mất quá khứ, nhưng sự hồi
sinh, phục hưng những phế tích lịch sử vẫn tái diễn. Và những Thiền
viện, Tự viện, chùa chiền khắp nơi sẽ mãnh liệt vươn mình, hiện ra giữa
chốn phồn hoa đô thị hay những nơi vắng vẽ của núi rừng hoang sơ. Chùa
chiền sẽ là những ngọn hải đăng thắp sáng tâm đạo mọi người, sẽ là một
bài kinh không lời để cho con người dễ dàng quay về với chính mình, tự
nhận ra mình vẫn là một trong những người may mắn nhất.
Trong buổi sám hối của tháng giêng năm Mậu Tý-2008 ở chùa Phật Đà, lần
này còn lác đác ít người hơn nửa. Không biết có phải họ đoán trước sở
điện lực sẽ cúp điện bất ngờ nên ngay cả những khuôn mặt cũ thường xuyên
cũng biệt tích tăm hơi. Ánh sáng hoàng hôn của buổi chiều ta còn sót lại
như lưu luyến những ánh xuân cuối cùng của mùa lễ hội Nguyên Đán đã chấm
dứt vào những ngày cuối cùng của tháng giêng Âm lịch.
Điện
tắt trước khi buổi lễ bắt đầu, nên những người đang có mặt ở chánh điện
lưởng lự trước tình huống tiến thoái lưỡng nan. Ở lại cũng không xong mà
về thì ngại quá, vì chưa biết quyết định của thầy trụ trì thế nào. Như
vậy, mới biết vị trí của người lãnh đạo tinh thần tôn giáo trong những
tình thế bất ngờ quan trọng như thế nào!
Mọi
người chộn rộn như đàn ong vỡ tổ, mới cúp điện có một chút mà đã cuống
quit lên như thế này, gặp phải sự cố trần trọng hơn, không biết sẽ ra
sao nữa. Cuối cùng, mọi người đồng lòng ngồi yên chờ Thầy trụ trì. Đã có
biết bao lần, chúng ta sống trong bóng tối cuộc đời. Chiến tranh, loạn
ly, ly hương và đã không thiếu những ngày cúp điện triền miên. Ánh đèn
dầu loe lét, ngọn đèn cầy hiu hắt chỉ hắt sáng được một khoảng nhỏ hiện
hữu sự sống. Mọi sinh hoạt bị đình trệ, chậm chạp, mơ hồ. Mọi người bổng
bị đẩy lùi như vào thời tiền sử, đành sử dụng mọi phương tiện một cách
thô sơ và lúng túng vì máy móc và nền công nghệ cơ khí hoá đã chiếm lãnh
hầu như toàn bộ. Bất n gờ, thế giới văn minh biến mất trong bóng tối đột
ngột như giấc mơ. Thực mà như mộng. Đây là một chút khía cạnh của việc
con người phụ thuộc vào các tiện nghi vật chất quá nhiều nên mỗi khi bị
lâm vào trường hợp thiếu điện, thiếu nước…là sẽ cảm thấy lao xao, khổ sở
ngay.
Ngược với đời thường, những ngày sống trong cảnh âm u tranh tối tranh
sáng đó, chỉ loay hoay với những lo toan cũng đủ kiệt sức rồi. Nhà chùa
lúc nào cũng cam nhẫn trước bất cứ hoàn cảnh nào. Tâm vẫn yên, vẫn tĩnh
lặng không lăng xăng loạn động, có lẽ, do công phu tu hành đã rèn luyện
thêm ý chí chịu đựng và tấm lòng hoan hỷ luôn chấp nhận những gì đang ở
trong hiện tại và trước mắt.
Theo
Thầy trụ trì cho biết, ngày xưa, đời sống trong chùa khổ lắm chứ đâu
được như ở Tây phương ngày nay. Chùa nhà quê phải thắp đèn dầu, đèn cầy
để học hành, tụng kinh niệm Phật, nhưng trí các Thầy thì vẫn sáng như
vầng nhật nguyệt. Chiếc áo ca sa vàng của Thầy trụ trì phất phơ xuất
hiện giữa bóng tối mờ ảo đã làm mọi người thêm an lòng. Thầy chậm rãi,
từ tốn, đi khoan thai, giữa ánh sáng lung linh được hắt ra từ những ngọn
nến nhỏ thắp trên bàn thờ Phật. Thầy bình thản và bảo mọi người lấy thêm
nến thắp lên, và mọi người hãy cầm một ngọn nến trên tay để tụng kinh.
Thầy nói: “mỗi người hãy thắp cho mình một ngọn đèn và hãy để cho ngọn
đèn tâm chiếu sáng thiên thu”. Con cũng giống mọi người chỉ nghỉ đơn
thuần một chiều nghĩa đen chứ không hiểu hết ẩn ý sâu xa đầy đạo vị
trong mỗi câu nói của Thầy. Chỉ nghĩ là mỗi người được có một cây nên
nhỏ thôi.
Thầy
trụ trì nói, mọi người hãy thắp cho mình ngọn đèn tâm. Phải tự thắp sáng
ngọn đèn tâm để làm ngọn hải đăng soi đường chỉ lối trong chốn nhân
gian. Ngọn đèn tâm có sáng thì vô minh không có chỗ chiếm ngự. Vô minh
không phải là sự ngu dốt mà chỉ là không hiểu biết đúng sự thật, không
nhận ra đúng đắn chân tướng của vạn pháp, không thấy được chân tánh của
chính mình. Thầy dạy, “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”, vậy mà con
người vẫn vô tư, vẫn còn tiếp tục gây tạo đủ thứ chuyện rắc rối trên
đời, rồi run lên trước những quả đắng hồng trần.
Ngọn
đèn tâm phải được thắp sáng và cố gắng canh giữ đêm ngày, đừng để cho
các ngọn gió phong trần thổi tắt. Nhưng làm sao có thể bế quan toả cảng,
đóng cửa các căn trước lục trần quyến rũ này. Cảnh trần thật ra đâu có
tội, chỉ tại ba độc khởi lên và tâm phan duyên không theo sự hướng dẫn
kiểm soát của hải đăng tâm, nên mới gây tạo nhiều điều tội lỗi, để rồi
phải thành tâm sám hối. Hơn thế nữa, phải cố gắng từ bỏ những ham muốn
vật chất tạm bợ ở cõi Ta bà này để chuyên tâm tu hành thánh thiện, mới
có cơ may trở về cảnh giới thanh tịnh Tây phương. Nếu lên được cõi Tây
phương cực lạc, lòng tham không còn nữa, thì vật chất bổng trở thành
tặng phẩm tuyệt vời của chư Phật dành cho con người.
Như
vậy, phải thắp sáng ngọn đèn tâm để trở về cội nguồn thanh tịnh giải
thoát. Bước ra khỏi mọi khổ đau, phiền não, bước ra khỏi mọi đắng cay
tủi nhục, bước ra khỏi mọi vọng động thấp hèn của thế tình. Giống như
trong một căn nhà tối tăm, một ngọn đèn bật lên, ánh sáng xua tan bóng
tối liền. Trong tâm hồn một người đang bị những pháp triền cái giam hảm,
thắp sáng ánh chân lý của giáo pháp lên thì sự sáng suốt bỗng khai thông
mọi bế tắc. Ôi, thật là kỳ diệu!
Hình
ảnh của việc tiếp đuốc trong các cuộc tranh tài thể thao thế giới là một
minh chứng hùng hồn nhứt. Phải có sức mạnh trong một thân thể cường
tráng và một tâm trí lành mạnh. Ngọn đuốc thế vận hội được thắp sáng ở
nơi khởi hành và tiếp tục giữ sáng mãi ở những chẳng đường đi qua cho
tới đích cuối cùng.
Làm
sao chúng ta giử được ngọn đèn tâm sáng ngời mãi trong suốt cuộc hành
trình của cuộc đời? Đã bao nhiêu lần chúng ta làm tắt ngọn đèn tâm trong
những cơn tuyệt vọng buồn phiền? Đã bao nhiêu lần chúng ta làm tắt ngọn
đèn tâm trong tâm lý hơn thua, tranh chấp, tư lợi ích kỷ, nóng giận hiềm
thù? Đã bao nhiêu lần chúng ta làm tắt ngọn đèn tâm với sức mạnh lấn ép
người khác, với tâm hồn thờ ơ trước những khổ đau của người thế yếu, cô
đơn? Phải chăng, đó là nhờ những ngọn đèn tiếp sức từ những ngôi chùa
Tứ chúng đồng tu, từ những đoàn Tăng lữ hiện diện khắp nơi trên thế
giới, từ những người con Phật đang thực hiện các công việc từ thiện,
đang tiếp sáng ngọn đèn Bồ đề tâm, để mọi người đi đúng đường, sống đúng
chánh pháp, sống an lạc trong chánh pháp. Những sự diệu dụng thần thông
của đạo Phật hiển hiện khắp nơi. Thời xưa, chư Phật, Bồ tát hoá hiện bá
thiên vạn ức thân để đi hoá độ chúng sanh. Bây giờ, bằng những phương
tiện khoa học hiện đại, những dĩa CD, DVD bằng tiếng, bằng hình đã thay
thế các ngài để đi chu du khắp mười phương thuyết pháp giảng kinh, giáo
hoá mọi người. Nhìn ở một khía cạnh khác, có cần phải nhấn mạnh vào ý
nghĩa thật sự của hải đăng tâm là để thắp sáng cho mình hay cho cả mọi
người. Phật đã dạy, “hãy thắp đuốc lên mà đi và hãy tự an trú trong hải
đảo của chính mình”.
Đã
thắp sáng ngọn đèn cho chính mình được thoát khỏi bóng tối đau khổ luân
hồi rồi, và đã có được sức mạnh từ việc an cư trong hải đạo kiên cố của
tự thân rồi, việc còn lại là phải tiếp tay với những ngọn hải đăng Đại
thừa, tiếp sáng cho đạo Phật được truyền bá và tồn tại.
Bà
già nghèo chỉ còn đồng bạc cuối cùng chắt chiu để dành, đã mua dầu thắp
đèn cúng dường đức Phật và ngọn đèn của Bà đã được cháy sáng rực rỡ suốt
đêm mà không hề bị gió thổi tắt như những ngọn đèn khác. Ở đây, bà không
thắp đèn cho cá nhân bà, mà chỉ có một tâm thành muốn cúng dường, thắp
đèn cho đức Phật. Có lẽ bà cũng chẳng cầu nguyện gì cho bản thân mình,
mà chỉ phát tâm thắp sáng vẻ đẹp của đức Phật, cho oai nghi rực rỡ đó
toả ra thêm nhiều ánh sáng, hầu mang lại nguồn an lạc hạnh phúc đến trần
gian tăm tối này và ngọn đèn tâm chân thành, tin tưởng của Bà đã trở
thành biểu tượng của ánh sáng tâm linh trong đạo Phật.
Ngọn
nhất đăng mà mọi người cần phải có và cần phải thắp sáng suốt cả đời
mình, thắp sáng dùm cho những người chung quanh và cúng dường lên chư
Phật không hề tắt dù ở trong hoàn cảnh đoạn trường nào.
Một
bài học cần chia xẻ nơi đây, nếu không có đêm sám hối tắt điện, không có
những lời nói chứa đầy đạo pháp của thầy Thiện Hữu, con đã không có cơ
hội suy gẫm, không có cơ hội đi sâu vào tâm thức để quán chiếu, để thấy
rõ ý nghĩa của ngọn nhất đăng tâm trong cõi lòng mình.
Trở
lại với đêm sám hối huyền linh tuyệt diệu, trong đời con, đã chứng kiến,
tham dự biết bao lễ cầu nguyện thắp nến bên trong hay bên ngoài trời cho
những sự kiện, những biến cố nào đó, và chắc chắn có nhiều bài viết về
những cảm nghĩ của những tác giả về những buổi lễ đó. Riêng con, từ lúc
có duyên bước chân đến chùa Phật Đà, được tham dự các sinh hoạt Phật sự
và các khoá tu của chùa, con cảm thấy mình hình như đã được gặp nhiều
thuận duyên, để có những suy nghĩ đạo lý thú vị này.
Có
thể đúng trong cảnh ngộ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Những
luồng anhs sáng cùng đồng cảm thì gặp nhau và kết hợp tâm lực để tạo
thành sức mạnh tâm linh và làm việc gì cũng có kết quả tuyệt diệu.
Chỉ
với số lượng người khiêm tốn ít ỏi so với chánh điện rộng lớn, với những
ngọn đèn nhỏ nhoi đơn điệu so với bóng đêm thăm thẳm bên ngoài, cả một
không gian đang chìm trong đêm tối, nhưng nhờ vào sự hiện diện của Thầy,
lúc nào cũng toả ra sức mạnh như khối nam châm thu hút từ trường, mọi
người bình an ngồi cạnh nhau, trong sự ấm áp gần gũi của tình thương yêu
đồng đạo, đang được vây bọc bằng thứ ánh sáng lấp loáng nhảy múa khoe
sắc với bóng đêm, và những lời tụng chú Đại Bi rền vang như sóng vỗ
ngoài biển khơi gọi về. Những ngọn sóng đuổi bắt nhau không ngừng giữa
biển sâu ngàn trùng mơ hồ xa xăm. Những lời kinh đuổi bắt nhau trong
từng sát na sinh diệt. Lời cuối của chữ này là lời đầu của chữ sau. Khi
nào nhập được vào khoảng giữa của khởi đầu và kết thúc là nhập được vào
cái niệm vô sanh, hoàn toàn tự do như hư không. Nhưng làm sao đạt được
trạng thái như hư không đó được. Khi tai còn đang nghe những âm thanh
rào rào như cơn mưa đêm của những lời chú Đại Bi đang lướt qua bóng đêm
dày đặc. Tiếng mỏ đều đặn, tiếng chuông thỉnh thoảng đệm dài ngân nga,
như đánh thức những linh hồn cô độc về nghe những lời kinh đêm vang
vọng, đánh thức những thiện căn đã lỡ chuyến đò trong những chuyến đò
sinh tử. Bóng dáng Thầy trụ trì thỉnh thoảng chuyển động như thắp sáng
thêm nến, lặng lẽ di động quan sát mọi việc và luôn mang những tình
thương bao dung đến mọi người. Đôi khi Thầy cất giọng trầm bỗng, hướng
mọi suy nghĩ vẫn vơ đang tản mạn của hành giả phải trở về giây phúc hiện
tại, để những câu thần chú có kết quả và công năng lớn hơn. Quả là thần
chú vì không còn biết gọi danh từ nào khác để diễn tả sự bí ẩn, bí
truyền, linh thiêng trong những biến chúa Đại bi của Ngài Quán Thế Âm.
Có thể thấy rõ đạo tâm của những hành giả đang thả theo lời chú Đại bi,
đang dồn hết tâm trí và tâm lực vào một mối, để tạo thành sức mạnh vũ
bão, xua tan đêm tối vô minh mịt mờ. Như vậy, nhóm Phật tử có mặt tại
đêm sám hối này, bổng có thể đại diện cho Phật tử chùa Phật Đà tu ào ào,
đích thị không sai. Và Thầy Trụ trì đang bắt đầu dẫn mọi người vào nề
nếp tu học một cách ổn định chứ không để cho mọi người hưởng sự buông
lung dễ dãi tự do như trước nữa.
Khi
những biến Đại bi cuối cùng gần chấm dứt, thì điện đã trở lại. Đèn bật
sáng chói chang, khung cảnh của những ngọn nến trong lời kinh cầu biến
mất, cũng đột ngột và bất ngờ như lúc đến rồi lại đi, không có gì là
thật cả.
Thật
ra, đâu phải khi cái tối chiếm ngự thì cái sáng không còn. Ánh sáng có
đó, luôn hiện hữu và tràn đầy trong tâm hồn của mọi người. Bởi vì chúng
sanh bị phủ đầy bằng lớp màn vô minh loang lỗ, những cấu uế cuộc đời đã
che lấp chân linh huyền nhiệm, nên mới không nhìn thấy ánh sáng hạnh
phúc chân thật mà thôi. Ngày nào, cái nhìn lờ mờ đó còn hiện hữu trong
tâm hồn, thì những chấp trước còn chi phối cuộc đời đi trong những lỗi
lầm vạn nẻo.
Cuối
cùng rồi mọi việc bình thường trở lại theo cái vòng tròn luẩn quẩn. Có
đó rồi không đó. Mọi người lại tiếp tục thời kinh sám hối bình thản như
không có chuyện gì xảy ra, bình thản như những buổi lễ sám hối vào những
đêm trăng rằm hay những đêm không trăng sao.
Bình
yên không nằm trong bóng tối hay ánh sáng, mà là do có thật sự thấy được,
cảm nhận được cõi bình yên đó hay không. Cái thấy đó là ngọn đèn tâm,
được thắp lên bằng năng lực tu hành, bằng đạo hạnh vị tha, bằng đạo tâm
vô ngã của chính thể tánh nhiệm mầu. Dứt sạch mọi ham muốn ích kỷ thường
tình thế gian lại, mở của đạo từ bi giải thoát vị tha vô ngã ra, hy vọng
sẽ không quá khó cho những người con Phật một lòng cầu đạo. Hy vọng dưới
sự hướng dẫn tận tình, dạy dổ của Thầy trụ trì, mọi người sẽ được khai
mở tâm trí, thẳng tiến theo những nếp sinh hoạt phong phú, đa dạng mang
đầy ý nghĩa lợi lạc cho cuộc đời.
Niềm
hạnh phúc an lành đã đến sau những đêm dài tối đen lạc lối. Ánh sáng của
nhất đăng tâm mang lại nụ cười Di Lặc tâm nguyện đại bi, đoá hồng Bát
nhã.
Hãy
can đảm thắp lên ngọn đèn Bi-Trí-Dũng cúng Phật và lên đường trở về chốn
cũ yên bình, bỏ lại sau lưng những bụi trần đắng cay đau khổ và cuộc
hành trình sinh tử lê thê mệt nhoài sẽ chấm dứt tại đây.
Chư
Phật sẽ dẫn dắt chúng ta tới đích trong ánh sáng tâm linh diệu kỳ, mà
chỉ có niềm tin tuyệt đối, chỉ có tín tâm và đạo hạnh là đôi cánh thắp
cho chúng ta bay về “phương trời thong dong”.
Brisbane, 14-03-2008
***