PHẬT GIÁO THÁI LAN
Thái Lan nằm vào vị trí 5, 35' đến 20,35' vĩ độ bắc
và 97,0 đến 106 kinh độ đông. Diện tích rộng hơn 513,000 km2. Phía đông
giáp Kampuchia, phiá nam là vịnh Thái Lan, mũi nhọn sâu nhất giáp với
Malaysia, phía tây có biên giới chung với Miến Điện, phía đông bắc giáp
Lào, lấy sông Mékong làm biên giới.
Dân số toàn quốc hiện nay (2003) là 62,500,000
người. Dân tộc chính là người Thái, thứ đến là người Khmer, Java, Môn,
Shan, Mã Lai, Negrito, Sakai. Các dân tộc ít người ở miền bắc có đến
30 dân tộc chung sống. Hoa Kiều tại Thái Lan khoảng 3,600,000 người nên
ảnh hưởng đến tôn giáo, kinh tế, xã hội của xứ nầy không ít. Thái Lan là
nước duy nhất ở vùng Đông Nam Á tránh được tình trạng chia cắt do sự
thống trị của thực dân phương Tây cho nên ít gặp những biến động của quá
trình phi thực dân hoá.
I- Phật Giáo du nhập
Phật Giáo truyền bá vào Thái Lan đầu tiên vào
khoảng năm 304 Phật Lịch (năm 241 trước Công Nguyên), sau khi vua A
Dục (Asoka) của Ấn Độ bảo trợ việc kết tập Kinh tạng lần thứ III, liền
phái các vị sư truyền giáo chia là 9 đường đi về các địa phương khác
nhau để hoằng pháp. Theo ghi chép trong Đại Sử (Mahavamsa) của Sri
Lanka, hai vị trưởng lão là ngài Sona và ngài Uttara đi hoằng pháp ở
Kim Địa (SuphanBuri).
Tài liệu trên viết: "Vào ngày 1 tháng 11 năm 689,
theo thuyền buồm rời khỏi Phiên Ngung, hướng về Champa giương buồm
thẳng tiến, lại rong ruỗi về phía Phật Thệ (Srivijaya). Có lời tán
thán: Ta là bạn tốt, cùng đến Kim Châu". Như vậy đây là lộ trình đến
vùng đất Sumatra ngày nay.
Những cuộc khảo cổ học gần đây đã cho thấy nhiều di
tích, di chỉ Phật Giáo được truyền bá vào đất Thái Lan vào năm 241
trước Công Nguyên, tức là thời kỳ kết tập kinh điển lần thứ III. Nhiều
di tích khác lại liên quan đến Phật Giáo thời vua A Dục (Asoka) tức
là vào khoảng 272 - 231 trước Công nguyên. Đại Tháp Phật Thống tại Thái
Lan là di tích thời nầy.
II- Thời phát triển
Ngay đó đã diễn ra những cuộc tranh chấp và chiến
tranh liên tiếp:
Năm 1057: Vua Anarata của Vương triều Pagan ở Miến
Điện từng yêu cầu triều đình Kim Địa cung cấp bộ Tam tạng kinh điển
Phật Giáo, nhưng đã bị vua Kim Địa khước từ cho nên đã đem quân sang
đánh Thaton, cướp bộ Tam Tạng và đón một số sư tăng về Pagan. Lúc
bấy giờ Thaton dưới sự thống trị của người Môn cho nên Phật Giáo Thượng
Toạ bộ (Tiểu Thừa) hết sức phát triển.
Vào thế kỷ XI: Người Môn tập trung ở lưu vực sông
Mékong, thành lập triều đình Tharavadi. Triều đình nầy dần dà củng cố
địa vị của mình. The "Cựu Đường Thư" thì: Dưới triều đại Tharavadi, Phật
Giáo phát triển tại vùng nầy. Triều đình Tharavadi đã tiếp thu được
văn hoá tôn giáo và nghệ thuật của Ấn Độ. Những di vật khai quật
cho thấy: nghệ thuật ở đây gần gủi với phong cách Gopta của Ấn Độ.
Ngoài ra còn tìm thấy: pháp luận, toà Phật, phục lộc đồ, tháp cổ, ấn
song túc... chung quanh khu vực chùa Phật Thống.
Những nhà khảo cổ học nhấn mạnh rằng: những cổ
vật tìm thấy ở chùa Phật Thống cho thấy nghệ thuật tạo hình của
triều đại Thaeavadi tuy mô phỏng theo nghệ thuật Phật Giáo tại Ấn Độ,
tuy nhiên các nghệ nhân thời đó cũng đã sáng tạo ra phong cách mới
mang tính bản địa.
III- Phật Giáo thời Xụ Khổ Thay
Năm 1237, lịch sử Thái Lan đánh dấu những biến chuyển
quan trọng. Trước thời kỳ đó, đất đai Thái Lan với bị các thế lực người
Khmer và người Môn thống trị. Đến năm 1237, trong số các dân tộc Thái
xuất hiện vị lãnh tụ là Bang Khang Thao lãnh đạo cuộc kháng chiến chống
lại Khmer, giành chiến thắng, chiếm thành Xụ Khổ Thay, lập chính
quyền độc lập đầu tiên của dân tộc Thái. Trong thời gian quân Mông Cổ
xâm chiếm Trung Quốc, nhiều người Trung Quốc di cư xuống miền Nam,
nhất là tại xứ Thái. Phật Giáo truyền bá tại vương triều nầy là Thượng
Tọa bộ (Tiểu Thừa) lẫn Đại Chúng bộ (Đại Thừa). Còn những vùng miền bắc
Thái Lan thời đó chịu ảnh hưởng Phật Giáo Pagan của Miến Điện.
Những vùng miền nam của Vương triều nầy thì do Phật
Giáo du nhập từ Tích Lan sang. Trước đó, người Thái theo nhiều tín
ngưỡng khác nhau, và khi Phật Giáo du nhập thì vẫn hoà nhập tín ngưỡng
bản địa.
Vua Ram Khăm Hẻng: Vị Hoàng đế thứ 3 của triều
đại Xụ Khổ Thay là Ram Khăm Hẻng (1277-1317) là một vị anh quân, có
tài quân sự lẫn chính trị. Khi lên ngôi, ông mở mang bờ cõi, và Thái Lan
trở thành quốc gia hùng mạnh vùng lưu vực sống Mékong.
Nhà vua nầy trong việc củng cố văn hoá nước nhà, cũng
tích cực phát huy Phật Giáo. Văn hoá và tôn giáo Ấn Độ và Tích Lan cũng
được du nhập và Thái Lan kể từ đó. Nhiều nhà tu hành vùng Lục Khôn đã
sang du học ở Tích Lan để trở về nước tổ chức tăng đoàn Phật Giáo. Nhà
vua cũng cho cung thỉnh các cao tăng từ Tích Lan đến kinh đô Xụ Khổ Thay
để thuyết giảng. Nhà vua cho kiến tạo nhiều chùa chiền. Ngôi chùa lớn
nhất là Aranik ở phía tây thành Xụ Khổ Thay là trung tâm Phật Giáo quan
trọng nhất trong thời kỳ nầy. Tăng đoàn Phật Giáo Tích Lan truyền bá Tam
Tạng kinh điển bằng tiếng Pali, đồng thời cũng tiến hành chú giải những
kinh văn trọng yếu.
Bi ký còn chép: Dưới triều Xụ Khổ Thay, tín đồ trì
giới nghiêm minh, cúng dường quy củ. Nhà vua, triều đình, quan lại và
dân chúng đều theo đạo Phật. Việc trì giới, dịch kinh, tổ chức giới đàn
trọng thể. Như thế Phật Giáo Tiểu Thừa bành trướng mạnh mẽ dưới triều
Xụ Khổ Thay, trong khi ảnh hưởng Phật Giáo Đại Thừa của Khmer và người
Môn thì suy thoái dần.
Vua Li Thay: Sau khi vua Ram Khăm Hẻng băng hà,
Thái Lan trải qua một giai đoạn biến động, như khi vua Li Thay lên
ngôi (1354-1376) thì trong nước trở lại an bình, thịnh vượng. Nhà vua
không những là một nhà chính trị tài ba, mà còn là một học giả vĩ
đại. Nhà vua tinh thông Phật học, triết học, địa lý, thiên văn. Ông đã
biên soạn bộ "Ba Thế Giới" (Tray Phum), dẫn chứng nhiều kinh luận,
sách chú giải và thư tịch Phật Giáo, trình bày nhân sinh quan và thế
giới quan Phật Giáo. Bộ "Ba Thế Giới" đã trở thành tác phẩm triết học
và văn học quan trọng cổ điển bằng tiếng Thái.
Năm 1362, nhà vua xuất gia ở chùa Ana Bavannarama
trong một thời gian hạn định. Đây là vị vua đầu tiên trong lịch sử Thái
Lan xuất gia quy Phật. Điều nầy làm khuôn mẫu cho nhân dân Thái, tác
động đến các thế hệ con trai Thái sau nầy, trong đời ít nhất phải một
giai đoạn xuất gia, tiếp thu rèn luyện đạo đức Phật Giáo.
Khi vua Li Thay trị vì, nhà vua đã cho kiến tạo
nhiều pho tượng Phật lớn rất nổi tiếng. Đáng kể nhất là tượng Phật
bằng đồng Thanh La Rạc (Buddhajinanarai) ở chùa Đại Xá Lợi (Wat
Phrarinat Namabadhatu) và pho tượng Phật bằng đồng khác tại chùa Thiện
Kiến (Wat Sadassana) tại Bangkok. Cả hai còn được bảo lưu cho đến nầy
dù trải qua bao nhiêu cuộc biến động.
Nghệ thuật tạc tượng Phật trong thời đại Sukhothay
chịu ảnh hưởng phong cách tạo hình của Tharavadi, Khmer và người Môn
trước đây. Trong giai đoạn nầy, người Thái đã biết dùng chữ viết khá
giản tiện, việc truyền bá kinh sách cũng được phổ cập hơn. Để truyền
bá Phật Giáo, nhà vua đã cung thỉnh tăng đoàn từ Tích Lan sang để
hoằng dương Phật Pháp; số người quy y ngày càng đông. Tổ chức Phật Giáo
Thái Lan cũng được thành lập và có giáo quy vững chắc.
Sách
"Tăng Già Sử" của Thái Lan có chép: "Tăng tước của Thái Lan thời
vua Li Thay có tăng vương, tăng già tôn trưởng, đại trưởng lão,
thượng tọa". Tăng vương là tăng chức cao nhất trong cả nước. Tăng già
là tăng chức từng vùng. Đại trưởng lão và thượng tọa là những vị sư đạo
cao đức trọng, có tuổi lạp cao, theo giới luật của nhà vua quy định.
Nhưng
đến khi vua Li Thay băng hà, thế lực vương triều cũng suy yếu. Chư hầu
khắp nơi nổi dậy. Cuối cùng bị A Du Tha Da thôn tính (1436). Phật Giáo
thời kỳ Chiêng May: Vua Kue Na lên ngôi tại Chiêng May mở đầu cho một
giai đoạn lịch sử mới. nhà vua đã cung thỉnh vị luận sư nổi tiếng Tích
Lan là Ngài Udambamaha đến Chiêng May để tổ chức tăng đoàn.
Nhà vua cũng sai sứ đến kinh thành Sukhothay để thỉnh
sư tăng người Thái là Sumana đến Chiêng May để hiệp trợ cho tăng đoàn
nầy. Triều đình cho xây cất chùa Hoa Viên (Wat Suon Doọc) trở thành
trung tâm truyền bá giáo lý tại kinh thành Chiêng May. Ngôi chùa nay vẫn
còn là thắng cảnh bậc nhất tại Chiêng May. Để phát huy sâu rộng Thượng
Tọa bộ, nhiều nhà sư Thái Lan được phép sang du học giáo lý tại Tích
Lan. Hệ thống tổ chức và truyền giáo được củng cố thêm.
Năm 1441, sau khi Tam Giới Vương (Tilokaraja) lên
ngôi, Ngài cũng là một tín đồ Phật Giáo thuần thành. Đạo Phật có cơ hội
phát triển thêm. Giớ trí thức tu học ngày càng đông. văn hoá, nghệ
thuật Phật Giáo nở rộ hơn bao giờ hết. Kiến trúc, điêu khắc, hội họa
Phật Giáo thời nầy lưu lại nhiều công trình nổi tiếng. Năm 1455, chùa
Đại Bồ Đề (Maha Badrarama) được xây dựng, mô phỏng theo kiểu thức kiến
trúc chùa tháp Ấn Độ.
Vào mùa thu năm 1477, một đại hội kết tập kinh điển
được tổ chức tại chùa Đại Bồ Đề. Khoảng 100 vị cao tăng trong cả nước
được mời tham dự kết tập, dưới quyền chủ toạ của Trưởng Lão Pháp Thụ
(Dram Madinna). Đây là lần kết tập Tam Tạng Kinh Điển lần đầu tiên
trong lịch sử Phật Giáo Thái Lan. Từ đó, Chiêng May đã trở thành trung
tâm nghiên cứu Phật Pháp trong toàn vùng Đông Nam Á.
Nhiều cao tăng học giả chuyên tâm dịch thuật và trước
tác kinh điển bằng tiếng Paki và tiếng Thái Lan. Ngài Tri Xứng biên
soạn bộ "A Tỳ Đạt Ma Tổ ký"; ngài Diệu Cát Tường (Sirimangala)
biên soạn "Cát Tường Đăng Luận" (Mangalatthadipani); Ngài Bảo Trí
biên soạn "Thăng Giả Thời Mạn Lục" (Gisakalalimi)...
IV- Phật Giáo Vương triều Ayodrya
Năm 1350, vua U Thông chính thức lên ngôi, niên
hiệu là Rama Thibodi đệ I. Về mặt nội trị, nhà vua Thiboldi đã xây dựng
một nền chánh trị vàtư pháp hoàn chỉnh, ban hành nhiều đạo luật mới để
đem lại thái bình, thịnh trị đất nước.
Phật Giáo tại Ayodrya trong buổi đầu cũng chỉ xây
dựng rất ít. Theo sách sử và di tích khảo cổ, trong giai đoạn nầy, ảnh
hưởng văn hoá ở đây do 3 thế lực: thế lực Tharavadi, thế lực
Srijaya và thế lực Hariphunsay. Thế lực Tharavadi chịu ảnh hưởng
Phật Giáo Thượng Tọa Bộ; thế lực Srijayachịu ảnh hưởng Traowa theo
Phật Giáo Đại Thừa; thế lực Hariphunsay theo Phật Giáo Thượng Toạ
bộ nhưng còn chịu ảnh hưởng Bà La Môn giáo.
Vào thời Boromaraja triều đình giao hảo với Trung
Quốc, hàng năm sang triều cống. Cũng thời gian đó, nhiều nhà sư Trung
Quốc sang hoằng pháp, lập chùa và tổ chức Đại giới đàn. Liên hệ nầy
được kéo dài suốt triều đại Aduthada.
Lịch sử ghi chép về phái đoàn của Trịnh Hoà tuần du
phương Nam, đến tận Aduthada. Tập Du Ký của Trịnh Hoà biên chép kỹ về
văn hoá Thái Lan thời đó. Tiếp theo là Mã Hoan và Phí Tín cũng du hành
nhiều năm sang vùng nầy.
Mã Hoan viết tập "Danh Nhai Thắng Lãm"và Phí Tín
viết tập "Tinh xà thắng lãm", ghi nhận nhiều chùa chiền, bửu tháp, đồ
tượng tại kinh đô nước nầy. Năm 1393, Kampuchia đem quân lấn chiếm
biên giới Thái vào những vùng Chantaburi và Chanburi. Vua Thái chống
trả mãnh liệt, rồi thẳng đà đem đại quân chinh phục Kampuchia, công phá
hoàn toàn kinh đô Angkor. Tuy thất trận nhưng Kampuchia đã gây ảnh
hưởng lớn đến văn hoá Thái Lan, kể cả Phật Giáo.
Vào thời đại Tray Lokanat có nhiều cải cách về
chính trị, văn hoá, giáo dục. Nhà vua vốn là tín đồ Phật Giáo thuần
thành, cho xây nhiều chùa tháp, trong đó ngôi chùa lớn nhất là quốc
tự Tối Thắng Biên (Virisarvajna). Toà vương cung cũng là nơi thờ Phật
quan trọng khác.
Cuộc tranh giành ảnh hưởng với các thế lực ở Chiêng
May đã khiến nhà vua dời đô về Pissanulok năm 1463, lập trung tâm văn
hoá khác. Sau cuộc chiến với Chiêng Mây, vua Tray Lokanat xuất gia tu
hành trong vòng 8 tháng. Việc xuất gia của nhà vua đã tạo hòa khí với
nhiều vùng. Miến Điện và Lào lập bang giao và trao đổi văn hoá Phật
Giáo.
Nhiều cao tăng của hai nước nầy cũng sang Pissanulok
thuyết giảng và tặng nhiều kinh sách. Tăng đoàn Tích Lan cũng sang thủ
đô nầy trong giao lưu văn hoá Phật Giáo. Dân chúng theo đạo Phật ngày
càng đông.
Tình hình bang giao tốt đẹp nầy cũng được củng cố vào
thời kỳ trị vì của vua Rama Thibodi II (1491-1529). Nhiều ngôi chùa mới
được kiến tạo; những ngôi chùa cũ được trùng tu, mở rộng thêm. Quan
trọng nhất là phát triển chùa Tối Thắng Biến Tri. Sử liệu ghi chép về
việc nhà vua cho đúc tượng Phật Tối Thắng Biến Tri (Buddha
Srisarvajna) cao 60 mét, dùng 286 cân vàng để bao trát thân tượng
Phật.
Cho đến đời vua Song Tham lên cầm quyền
(1610-1828), nước nhà được hưng thịnh trở lại; nhà vua đã một thời
kỳ xuất gia, pháp danh là Tịnh Pháp (Vinala Dranma) cho nên khi nắm
quyền đã ra sức củng cố hệ thống tổ chức Phật Giáo về tăng thống lẫn
Hoá đạo rất quy củ.
V- Phật Giáo 1782 đến ngày nay
Người khai sáng ra triều đại Bangkok là vua Rama đệ
I. Ông tên thật là Chao Phyachkri, vốn là bộ tướng của Trịnh Vương đã
bình định những quân phiến loạn trong triều, dời kinh đô từ Thonburi
đến. Khi Raman còn trẻ đã từng xuất gia, cho nên việc đầu tiên sau khi
xây dựng kinh thành được hoàn chỉnh đã tổ chức lại Phật Giáo trong
nước, xây chùa Phật Ngọc tại kinh đô và chuà chiền khác trong cả
nước.
Nhà vua cũng cho khôi phục lại chùa Tăng Vương đã bị
Trịnh Vương phá hoại trước đây để quản lý tăng đoàn trong cả nước. Những
chùa chiền có những pho tượng Phật bị phá hủy trước đây cũng được kiến
tạo và điêu khắc lại. Năm 1788, Hội nghị Trưởng Lão Phật Giáo được
triệu tập tại thủ đô Bangkok để chỉnh lý lại Tam tạng Kinh Điển, lên
đến 354 bộ kinh chính. Tất cả đều được ấn hành để cho đưa về các trung
tâm Phật Giáo nghiên cứu giảng dạy.
Vua Rama I đã sử dụng quyền lực của quốc vương, ra
sức cải cách và củng cố lại tăng đoàn. Năm 1805, nhà vua ban bố sắc lệnh
nhấn mạnh đến vai trò của quốc vương là giữ gìn Tăng đoàn nghiêm minh,
trong sạch. Những người tu hành phạm giới sẽ bị đưa ra Hội Đồng Giám
Tu nghị tội và có thể bị đuổi khỏi Tăng Đoàn để hoàn tục.
Trong thời kỳ nầy, có những trước tác Phật Học rất
quan trọng: Bộ "Tam Giới Luận Khảo Thích" của Ngài Phya Phamma Priya;
bộ "Tam Giới Luận" của vua Li Thay (trước đây chưa in ấn); bộ "Tam Tạng
Kết Tập Sử" của vị Tăng Vương Tunglaconnarac.
Vị vua kế ngôi là Mongkut tức Rama đệ II. Nhà vua
tiếp tục chương trình của phụ vương, đã ra lệnh cho xây dựng nhiều chùa
chiền ở các địa phương chưa hoàn tất; cho phiên dịch những phần còn
lại của Tam tạng Kinh Điển, giúp việc phổ biến Giáo pháp trong cả
nước. Kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ Phật Giáo Thái Lan cũng đều được
phát triển ở mức cao nhất.
Vào thời kỳ trị vì của vua Rama đệ III, chính người
em trai của nhà vua là Maha Mongkút, pháp danh Kim Cương Trí (Vajira
Nara) nổi tiếng tinh tông Tam Tạng, hiểu biết tiếng Phạn, tiếng Pali,
tiếng Anh, đề ra chương trình chân hưng Phật Giáo, giới luật nghiêm
minh để củng cố đạo hạnh của Tăng đoàn cả nước.
Thái Lan từ ngày lập quốc
đến nay, trải qua hơn 700 năm, qua từng giai đoạn lịch sử, Phật Giáo
được coi trọng. Ngay trong pháp luật Thái Lan, Phật Giáo cũng được xiển
dương. Chẳng hạn như trong những Hiến Pháp 1946, Hiến Pháp 1949 và
Hiến pháp hiện hành (11-10-1997) nhấn mạnh: "Quốc vương cần phải kính
tin Phật Giáo, hơn nữa, còn là người ủng hộ Phật Giáo" (Điều VII - HP
1997) hay là "Nhà vua tín ngưỡng Phật Giáo và là người bảo vệ tôn
giáo"(Điều IX - HP 1997).
Chính phủ Thái Lan ngoài việc tôn trọng quyền phát
huy Phật Giáo, lại còn lập ra Vụ Tôn Giáo để quản lý công việc của các
tôn giáo. Tín đồ Phật Giáo Thái Lan hiện nay chiếm 93,4% dân số cả nước.
Hàng năm, chính phủ giành ra ngân khoản cần thiết cho các tổ chức Phật
Giáo: tu bổ, xây dựng chùa chiền, Viện Phật Học, Viện Phật Học Palu,
tăng đoàn Phật Giáo, các trường Đại Học Phật Giáo.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/PhatgiaoThaiLan.htm