Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

NGHỆ THUẬT  PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

Kiêm Đạt

 

Trang trí trong nghệ thuật Tây Tạng

Ðạo Phật tại Tây Tạng là một tôn giáo độc nhất vô nhị, còn được gọi là Lạt Ma Giáo (Lamaism). Ðiều nầy một phần là do những điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, phần khác là do ảnh hưởng liên tục của những tập tục Shaman-giáo ngay từ lúc ban đầu. Kết quả là đạo Phật khi xâm nhập đã sản xuất một nền tín ngưỡng và mỹ thuật thờ cúng bách thần, đa dạng, phức tạp, trong thế giới Phật Giáo.

Sự pha trộn nầy đội khi dẫn tới lại hình tướng nghệ thuật thời hoang sơ, những pho tượng trông dữ dằn, màu sắc loè loẹt, đã biết các Thần thánh dữ dằn, trở thành các vị hộ thủ cho Phật Giáo.

Mẫu mực tinh túy nhất của nghệ thuật tôn giáo Tây Tạng là các đồ vật dùng cho các nghi lễ: Ðó là những đạo cụ, trang trí khá phức tạp và tinh vi; chẳng hạn: các dao găm thiêng (loại loại pháp khí đặc trưng của Tây Tạng) và các bộ thờ có gắn châu báu vô cùng quý giá. Các cao tăng ở đây có những giải thích sâu sắc về những  đạo cụ nầy.

Những đạo cụ đó, đội khi được  đưa trực tiếp vào nghi thức nhật tụng, và gồm có những món vật không chính thống; chẳng hãạn: các xương người chạm trổ phức tạp thành những thẻ bài nhỏ và sau đó được đan lại thành một tấm màn của một u sĩ Lạt Man; hay những đỉnh sọ người biến thành những “chiếc trống” nghi lễ.

Với những vật dụng rút ra từ cơ trhể, lại thêm kỹ thuật đúc bằng kim loại tinh vi,  các vật dụng nầy đã  gây một ấn tượng trong khi thực hành nghi thức lễ bái.

Nền hội họa Tây Tạng cũng rất đa dạng, về chủ đề và về kỹ thuật, thực hiện những món đồ có kích thước từ nhỏ đến lớn, gồm có những bản viết tay nhỏ xíu,  những màn trước treo tường cao trên 20m. Những tranh nầy đại diện cho hình thức nghệ thuật nổi tiếng của Tây Tạng, có thể là phương tiện hội họa đa dạng và mang tính chất sáng tạo trong thế giới tôn giáo Tây Tạng.

Các bức tường của những tu viện đều được vẽ lên những bức tranh tường, có màu sắc sặc sỡ, những dàn rui được khắc chạm tinh vi, hay gắn vào những tâm trong vải “thanka”. Những công trình trang trí nầy khác khá công phu: những nghệ nhân tu sĩ sơn phết bằng loại màu keo đục, như chất liệu trong trong sơn màu.  Trên  những bức tranh nầy, thông thường vẽ lên hình ảnh của vị Nữ thần Tara nối tiếp nhau, do những bàn tay tài hoa, tô màu sặc sỡ, linh động.

Theo những nhà nghiên cứu nghệ thuật Ðông Phương, thì đây là một hình thức thể hiện nghệ thuật “liên Á châu” trong đó do ảnh hưởng của nhiều nền hội họa Phật Giáo khác được chọn lọc,  kể cả tranh hang động Allora của Ấn hay  tranh vẽ tại động Ðôn Hoàng ở Trung Hoa (trước là của Tây Tạng).

Du khách đến viếng những đền chùa nầy làn đầu sẽ ngạc nhiên trước những bức tranh lạ đập ngay vào mắt mình, qua ảnh hưởng của hình tượng, màu sắc và kiểu vẽ. Thật khó đoán định giá trị và ý nghĩa. Có nhà  nghiên cứu xem đây do ảnh hưởng của nền “văn hoá sơ khai” (?), chẳng hạn văn hoá châu Ðại Dương, những “Lent gurt” của dân du mục, với màu sắc táo bạo. Không thể không nhắc đến ảnh hưởng của Saman-giáo trong nền nghệ thuật nầy.

Một số nhà khảo cổ học có  tìm những liên hệ của những kiểu hội họa nầy với tranh vẽ của Népal, Butan, Bắc Ấn, Trung Quốc... những không hề thấy được một  ý niệm tương  đồng nào cả!  Nhìn xa hơn, nếu trong những Thiền đường Nhật Bản đơn sơ, thanh tịnh bao nhiêu, trái lại, chùa chiền Tây Tây lại năng về trang trí, màu sắc bấy nhiêu.

Kiến trúc Phật Giáo Tây Tạng

Tây Tạng là vùng đất cao nhất trong vùng. Trong nhiều thời đại trước, nhiều quốc gia mưu toan xâm chiếm vùng đất nầy, dù cho địa thế cheo leo, khí hậu khắc nghiệt. Hiểu được những mang tâm nầy, người Tây Tạng, thoạt kỳ thủy, đã cố tạo ra một lốI kiến trúc đặc thù: Vừa dễ chống ngoại xâm, vừa dễ di động tính. Ðó là 2 yếu tố cần thiết.

 Do vậy. trong buổi đầu, người Tây Tạng chuyên lo dựng những loại lều kiên cố (để ơ) và những thành lũy để chống xâm lăng. Từ hai mô hình nầy, kiến trúc Tây Tạng được đặt trên nền tảng đó.

Những lều trại

Tương tự như nội thấy của các ngôi đền, lều trại đều được trang trí phong phú, nhiều màu sắc. Bên trong lều trại đều có những bích họa và những tranh Tanka thường thấy trong những ngôi đền. Bên ngoài mỗi căn lều đều có pho tượng Hắc thần Mahakara (phúc thần bảo hộ).

Những thành luỹ

Những “cung điện” nguyên thủy của các triều vua trước kia ổ Tây Tạng cũng được xây theo kiểu “lều trại”. Có điều là rộng lớn hơn và uy nghiêm hơn. Tính chất uy nghiêm nầy lại được dựng chung quanh bằng những thành lũy. Muốn kiên cố hơn, một phần thành luỹ được bố trtí bên sườn những ngọn núi dựng đứng.. Những núi đá nầy cũng nhằm tạo nên những công trình điêu khắc, kiến trúc. Ðộng Ðôn Hoàng ở thế kỷ VII-VIII thuộc Tây Tạng là một kiệt tác, có hàng vạn tượng Phật.

Toà “lều” vương giả của Tây Tạng tại Leh, xây dựng vào thế kỷ XVI thì đã chuyển đổi khá nhiều: từ lều trại chuyển sang lâu đài. Tuy nhiên, vẫn lấy thành trì làm chỗ  dựa. Toà cung điện Potala ở Lhasa cũng được bố cục theo chiều hướng đó.

Do tín ngưỡng Shaman giáo và Mật Tông, những ngôi mộ tại Tây Tạng cũng được xây theo kiểu lều trại và thành luỹ, nhất là cổ mộ vua chúa. Mộ hình tròn, xoay về hướng đông, trang trí lồng lẫy, có tượng Hắc thần Mahakara.

Các nhà khảo cổ học trong mấy thập niên gần đây đã khai quật nhiều chứng tích về các công trình xây dựng kiểu nầy. Một số mộ được xây dựng quanh một cột đá duy nhất, trên đó có khắc những minh văn. Ðây là  mộ của những vua chúa, hàng vương giả. Ý nghĩa của cột đá là vũ trụ. Cũng như cột đá của vua Asoka. Dường như những cột trụ nầy cũng đã đóng một vai trò nhất định nào đó trong tập tục  tang lễ của người Tây Tạng.

Căn cứ theo những tài liệu dẫn trên, thì sự biến đổi của Tháp bát  úp như loại tháp Sanchi (Ấn Độ) để trở thành thành nhiều tầng  chính là một hiện tượng phản ảnh về ý nghĩa của Phật Giáo khi   truyền sang các nước phương Đông, trong một môi trường xã hội.  Những tháp Phật Giáo tại Tây Tạng về việc quy định các tầng đã không theo những ý nghĩa nêu trên.  Tính chất và thể loại của những loại tháp được phân chia ra: Phù  đồ (stupa) và bảo tháp (pagoda).

 Cả hai được kiến tạo ở Tây Tạng để ghi dấu   tích Phật. Tuy nhiên, nếu xét về hình dạng kiến trúc thì hoàn  toàn khác, mặc dù bảo tháp bắt nguồn và là biến thể của phù đồ.  Những nhà khảo cổ cho rằng:   Phù đồ được hình dung từ thời tiền  sử; đó là những nấm mồ của các vị tù trưởng hay vua chúa. Phù đồ   đắp kiểu hình vòm cầu, rồi sau nầy phát triển thêm thành đài kỷ  niệm.

Trong kiến trúc Phật Giáo, phù đồ dược sử dụng như là vật   tiêu biểu chính, đồng thời là trung tâm của những chốn thờ tự.Tại Ấn Độ, trong thời Phật Giáo hưng thịnh, vua A Dục (Asoka) đã   cho dựng trên 4,800 toà phù đồ; những công trình nầy để ghi dấu   tích đức Phật Thích Ca rải rác khắp lãnh thổ của ngài; thời đó, vật kiến trúc này trở thành yếu tố căn bản cho mỗi tu viện, mỗi  cảnh chùa.  

Kiểu thức như những toà phù đồ Ấn Độ, có nơi biến dạng  đôi chút, nhưng căn bản kiến trúc vẫn không đổi.   Thành thử, phù đồ hay bảo tháp dựng lên, nếu không là nơi chứa  những vật kỷ niệm, cũng là nơi tàng chứa xá lợi Phật hay những di  vật của những cao tăng, thiền đức viên tịch.   Tại Ấn-Tạng, phù đồ được coi như là chính sự hiện diện của đức Phật;  thành thử, trong khi xây dựng thì hướng về những tổ chức nghi lễ  cần thiết. Vì thế, những phù đồ thường xây lên một cách độc lập,  riêng rẻ, mặc dù đây chỉ là một vật liên hệ phụ thuộc trong lòng  một điện thờ.   Phù đồ là vật kiến trúc xưa nhất của Phật Giáo.

Thời đó, các tu sĩ chỉ cần một chỗ trú ngụ tạm thời trong những hang động; còn  những cơ sở lớn dùng trong việc thờ phụng, với những tượng pháp,  thì chỉ bắt đầu khi Phật Giáo Đại thùa phát triển.

Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng khi xây tháp thì chủ trương xây theo  loại hình "Cối Kinh". Phật Giáo Tiểu thừa thì về sau đã chuyển  đổi loại tháp "bát úp" để trở thành những loại "That"  hay "Vát". Những loại tháp nầy thì xây theo hình chuông.  Những ngôi tháp nầy chính là ngôi đền thờ, trong đó thờ đức Thích  Ca Mâu Ni. Những loại tháp không có tầng nầy được gọi là "Hoả   châu tháp". (Chaitya)

Cần phân biệt kiểu tháp Ấn Độ và kiểu tháp Trung Hoa. Tháp theo nghĩa Ấn Độ, là một kiến trúc theo chiều cao, không phải theo dạng thức  nhà ở, nghĩa là không có khoảng không gian bên trong kiến trúc  nầy. Kiến trúc của tháp tạo ra để tạo "không giao chứa đựng".  (Chorten)

Tháp  theo nguyên nghĩa vốn là ngôi mộ, tức là bình đồ kiến trúc đặc.Tự ngôi tháp là biểu tượng thờ Phật từ nguyên ủy, được đặt bên  ngoài kiến trúc chứ không phải bên trong kiến trúc. Đây là nội  dung và hình thứ của tháp (Stupa) của Ấn Độ.  Tuy nhiên những tháp của Việt Nam và Trung Hoa thì lại phát  triển theo kiểu "kiến trúc nhà". 

 Cũng có khoảng không gian bên trong tháp. Xét về mặt kiến trúc, những ngôi tháp Tạng-Hoa chia ra 2 phần: phầm diêm thức và phần lầu thức. Diêm thức là kiến trúc  có nhiều điểm nhô ra. Tiêu biểu cho loại nầy tháp ở Tung Nhạc Tự  tại Khai Phong. Tháp bằng gạch, bình đồ 12 cạnh, 15 tầng. Tầng  dưới là một phòng bát giác với 4 cửa. (Vihara)

Các tầng trên thì được xây  bằng gạch nhô ra dần, rồi đặt cấp vào dần thành ra "diêm". Các  tầng sát nhau, có tam cấp lên.  Còn lầu thức thì tháp được xây  theo kiến trúc lầu, vốn bằng gỗ, mỗi tầng có mái lợp nhô ra.  Tiêu biểu là tháp Thích Ca của Phật  Cung Tự (Sơn Tây).

       

       Đàn pháp (Mandala)

Đàn Pháp (hay Đàn Tràng)  được định nghĩa qua  nhiều ý niệm khác  nhau, và trong những trường  hợp đó cũng đã được  phân chia ra  những loại khác  nhau. Trong phần dẫn  nhập về "Đàn Pháp" trong kinh  Đại Nhật, Kim Cang Thủ Bồ Tát  bạch Phật rằng: "Bạch đức  Thế Tôn, thế nào là  Mạn ĐàLa?".  Đức Phật dạy: "Phát sanh chư Phật gọi là Mạn Đà La. Trong các pháp không chi hơn được. Về Pháp  Vị cũng không chi sánh bằng được..."  

Nhiều tác giả  khi nhận thức ý nghĩa  và công năng của Mạn  Đà la giải thích:  Mạn Đà La là  biểu trưng về thậm  thâm diệu pháp của đức  Phật, qua  nhận định  của chúng  sanh. Trong  Quán tưởng Đàn Pháp, có thể mỗi Phật Tử hiểu theo một cách khác nhau, tuy nhiên,  về mục đích quán  tưởng vẫn là đồng nhất. Mạn Đà  La có nhiều thể tướng, để  biểu trưng ý nghĩa  khác nhau về các  vấn đề Phật Học.  Chẳng hạn  như Đàn Pháp  về Giác Ngộ,  Đàn Pháp về  Luân Hồi, Đàn Pháp về Tái Sanh...Trong truyền thống Kim Cang Thừa (Vijrayana) hay Mật Điển (Secret  Mantra), thế  giới được trình  bày qua 3  phạm vi khác  nhau: thọ uẩn, sắc  uẩn và thức  uẩn. Thế giới  của thọ uẩn  tương quan với chúng ta  được gọi là "Ngoại  Đàn Pháp";  tương quan  với thế giới sắc uẩn  thì gọi là "Nội  Đàn Pháp"; tương quan  với thế giới thức  uẩn thì gọi là "Mật Đàn Pháp" hay "Đàn Pháp bí mật".

Hình thể   Về hình thể  trình bày, theo cách phân chia  trong Kinh Đại Nhật, Đàn Pháp thể hiện hình  thức bằng 4 loại khác nhau: - Đàn Pháp hình tròn  - Đàn Pháp hình vuông - Đàn Pháp hình tam giác - Đàn Pháp hình bán nguyệt.  Nhưng trong Kim Cang Đảnh thì lại phân chia qua 5 hình thức:  - Đàn Pháp hình tròn - Đàn Pháp hình vuông - Đàn Pháp hình tam giác - Đàn Pháp hình hoa sen - Đàn Pháp Kim Cang.

Theo lý giải của Kinh nầy, thì Đàn Pháp hình tròn tượng trưng choThủy Đại; đàn  pháp hình vuông tượng trưng cho  Địa Đại; Đàn Pháp  hình tam giác  tượng trưng cho Hỏa Đại; đàn  pháp hình bán nguyệt tượng trưng cho Phong Đại. Đất, nước, gió, lửa là Tứ Đại.  Để khai triển thêm ý nghĩa của  những Đàn Pháp nầy, Kinh Đại Nhật còn giải lý thêm: - Đàn Pháp  hình vuông: tượng  trưng cho sự  bình đẳng của  chúng sanh trong mọi cảnh giới. - Đàn Pháp hình tròn: có nghĩa là viên mãn, trọn vẹn, vì hư không và nước thường được thể hiện bằng hình tròn.  - Đàn Pháp hình tam giác: có nghĩa là hàng phục, vì tướng của lửa hiện ra với hình tam giác.  - Đàn Pháp bán nguyệt: có nghĩa  là diệt trừ những tai nạn thường xẩy ra, vì gió thường xô ngả các vật. 

Căn cứ theo những  ý nghĩa trên, các Mạn Đà La  được thể hiện qua các hình dáng đó.  Mật Giáo  Tây Tạng cũng đưa  ra những thể tướng  về Đàn Pháp khác nhau nữa. Thông thường, những Mạn  Đà La của Mật Tông thường được  tạo dáng bằng những hạt cát được nhuộm màu, gọi là "Sa Mạn Đà la"  (Sand Mandala).

Giải thích về việc dùng cát trong Mạn Đà La, kinh  "Pháp Giới Quán" viết: "Chúng sanh trong bốn cõi là hằng hà sa số;  Cát lại mang ý nghĩa về thể  Kim Cương Bất Hoại và tính Bình Đẳng  của chúnh sanh".  Cũng có những loại Mạn Đà  La được kết lập bằng  hình tượng chư  Phật và Bồ Tát, Tứ đại  Thiên Vương, Hộ Pháp. Màu sắc trên Đàn  Pháp phải là: vàng, trắng, đỏ  đen, xanh. 5 màu nầy  diễn tả Ngũ đại: đất nước, lửa, gió và hư không.

Phân loại Đàn Pháp

Về cách phân chia Đàn Pháp, những kinh điển trình bày không thống nhất. Căn  cứ theo Đà  Ra Ni Kinh,  Thần Biến Sớ,  Chơn Ngôn Nghi Quỷ, thì Đàn Pháp được phân làm 5 loại chính:  - Tức Tai Đàn Pháp - Tăng Ích Đàn Pháp  - Kính Ái Đàn Pháp - Hàng Phục Đàn Pháp - Xuất Thế Gian Đàn Pháp.

  Mỗi loại  Đàn Pháp được  sử dụng trong  mục đích riêng,  hành giả phải ngồi theo phương hướng riêng, quán tưởng theo màu sắc riêng.  

 Tức Tai Đàn Pháp 

Đàn Pháp nầy được dùng để giải  trừ ác nghiệp, trọng tội và phiền não chướng  (theo Đà Ra Ni  Kinh). Ngoài ra còn  dùng để vượt qua  được những tai nạn, những quỷ mị sở trước, ác tinh lăng bức (theo  Thần Biến Sớ).  Hành  giả ngồi  về hướng  Bắc, tréo gót  chân, ngồi  thẳng. Tượng  Chuẩn Đề  xoay về hướng  Nam, trước tượng  của Ngài có  đặt chiếc  kính đàn. Khi quán tưởng để  tụng Thần chú, phải liên tưởng đến màu trắng. Chỉ có thể  hành lễ nầy vào ngày  mồng một và ngày mồng  tám (âm  lịch) trong  mỗi tháng. Trước khi  hành lễ phải tắm  gội, thức ăn thì dùng  "Tam bạch thức" nghĩa là:  sữa, tấm và cháo. Trì tụng chú Chuẩn Đề 108 biến.  Bài chú gồm có 8 chữ: Án,  Chiết, Lệ, Chủ, Lệ, Chuẩn, Đề (đọc tên  của mình hay người nào muốn giải nạn), Ta Bà (đọc chung), Ha. 

Trong Kinh "Chơn  Ngôn Nghi Quỷ" có đoạn viết  về công năng phi  thường của cách ứng dụng Đàn Pháp nầy như sau:   Đại  phàm, hành giả  nào trì tụng  Tức Tai Đàn  Pháp, với lòng  thành khẩn nhất, đầy đủ nghi  thức nhất, trong những ngày giờ quy  định, chẳng  những bệnh tật  tiêu trừ, viễn  ly khổ ách,  thường  hoạch cát tường, lại còn thăng tiến tinh thần, thân tâm thường an  lạc; chẳng những lợi lộc chính bản  thân mình mà còn giúp ích cho  thân nhân  của mình nữa.

Quan  trọng là dốc lòng  thành kính. Trì tụng 108 biến hay nhiều hơn nữa càng hay..." (chương Luận Pháp).   

 Tăng Ích Đàn Pháp

Như tên gọi của Đàn Pháp, hành giả thường xuyên trì tụng Thần Chú nầy trong nhiều ngày sẽ gia tăng ích lợi về tinh thần cũng như về vật chất.   Những vấn đề  được đắc dụng nhất trong Tăng  Ích Đàn Pháp là: gia  tăng vinh quang, tăng trưởng thọ  mạng (sống lâu, giải bệnh), cầu  phước đức gia đình, tiền tài phong thạnh, phục tàng bảo châu.   Khi trì tụng thì hành giả hướng về phương Đông, ngồi kiết già hay  bán già. Bức  tượng hình đức Chuẩn Đề hướng  về phương Tây, trước  tượng có đặt chiếc kính đàn  (kính hình tròn).

Khi quán tưởng thì  nghĩ đến màu vàng. Hương dụng trong  lễ vật gồm có: bạch đàn, uất kim hương, thắp  đèn dầu mè (ma du). Mỗi  tháng, trì tụng từ ngày mồng 9 cho đến ngày 15 âm lịch, vào lúc mặt trời mọc.  Đọc chú Chuẩn Đề như sau: Án, Chiết, Kệ, Chủ, Lệ, Chuẩn, Đề, (nêu tên mình hay người cần được  gia tăng ích lợi), Ta Bà, Ha. Khi quán tưởng,  thì nghĩ đến màu vàng.  

Đà Ra  Ni Kinh có đoạn:  "Thường nhật, trì tụng  Thần Chú Tăng Ích Đàn  Pháp với  chơn tâm,  thì phước  đức trùng  lai, vận hạn hanh thông, thân tâm an lạc".    

 Kính Ái Đàn Pháp

 "Kính" là đền đáp  ơn cha mẹ; "Ái" là tình thương  anh chị em, vợ  chồng, gia  đình hai bên nội  ngoại. Công năng của  Đàn Pháp nầy là: Cầu  Thánh Hiền gia hộ,  Thiên Long, Bát Bộ  hoan hỷ, ngôn âm  hoà nhã, người nghe hoan hỷ, mọi người ái kính, bạn hữu kết thân  thêm, oan gia giải toả, trở nên hoà thuận.

 Hành giả xây mặt về hướng Tây, ngồi theo thế kiết già hay bán già  (có thể ngồi tự nhiên) lưng thẳng đứng, bức tượng Chuẩn Đề Bồ Tát  thì xoay về hướng Đông, trước tượng có đặt kính đàn (hình tròn).  Quán tưởng đến màu đỏ. Bài tụng  chú Chuẩn Đề như trên. Hương dụng  là Uất Kim Hương và Tô Hạp Hương.  Trì tụng từ 16 đến 23 âm lịch  trong mỗi tháng.  Tụng vào lúc hoàng hôn.  

 Hàng Phục Đàn Pháp  

 Đàn Pháp nầy được  gọi là Tối Cao Đàn Pháp, nếu  so với những thể  loại Đàn Pháp khác. Mục đích chính  yếu là hàng phục chúng ma, ác quỷ, giải trừ  sự nhiễu loạn của tâm trí,  chống lại những kẻ bội  phản.

 Trong các trường hợp như thế thì trì tụng "Vận Đại Từ Đại Bi Thần Chú" mới ứng nghiệm.  Hành giả hướng mặt về phương Nam,  ngồi theo lối Tôn Cư Tọa (ngồi  chồm hổm,  bàn chân bên  tả áp  qua  bàn chân bên  hữu). Mặt tượng   Chuẩn Đề Bồ Tát thì hướng về phương Bắc. Trước tượng có đặt chiếc kính đàn hình tròn. 

Đàn tràng dùng trong lễ nầy hình tam giác hay hình bán nguyệt đắc  dụng hơn loại  hình tròn hay hình vuông. Quán  tưởng đức Chuẩn Đề  màu xanh lam.  Tụng vào những ngày cuối tháng (từ ngày 25 đến 30 âm lịch) vào lúc nửa đêm, 108 biến. 

 Xuất Thế Gian Đàn Pháp

Đàn tràng  nầy chỉ giành riêng  cho những vị sống  trong các hang  động, mật thất  tĩnh tu nên được gọi là  "xuất thế gian". Kinh Đà  Ra Ni viết rằng:  "Hành giả ở núi rậm, hang sâu, hang cốc thăm thẳm  thù thắng,  già lam thanh tịnh.  Đem hết lòng đại  bi của mình để  trì tụng thì lợi lộc vô biên cho thế giới hữu tình..."Thời gian trì tụng  chú Chuẩn Đề nầy kéo dài 4  tháng 4 ngày không bao giờ gián  đoạn, không liên hệ với thế  giới bên ngoài. Các vị danh sư thường dùng đến Đàn Pháp nầy để cứu vớt chúng sanh. 

Hành giả ngồi  nhiều hướng, tuy nhiên tốt hơn  hết là hướng Đông. Mặt tượng Chuẩn  Đề Bồ Tát thì hướng về  phía Tây, trước tượng Bồ Tát Chuẩn Đề  có đặt kính đàn hình tròn.  Hành giả quán tưởng đến  Kim Cang Địa  trải đều hoa sen, có vô  lượng Thánh Chúng vi nhiễu  (ngồi vây quanh để hộ trì Tam Bảo).   Bài trì tụng  vẫn là  "Cửu Thánh Phạm  Tự Đàn" (bài chú 9  chữ như trên).  Quán tưởng  nhiều màu  sắc nhưng  tốt nhất  là màu vàng.  Trong thời gian  nầy, có thể trì tụng đến  hàng chục vạn biến bài chú trên.  

Trong 5 loại Đàn Pháp kể trên  sau khi trì tụng gần xong thì hành  giả tụng bài Chuẩn Đề Công Đức:   "Tịch tịch tâm thường tụng; Nhất thiết chư đại nạn;  Vô năng xâm thị nhân;  Thiên thượng cập nhân gian;  Thọ phước như Phật đẳng;  Ngộ thử như ý châu;  Định hoạch vô đẳng đẳng."

  Trong Mật Giáo, tất cả những Nghi  Quỷ Thần Bí của lễ Điểm Đạo và Đàn Pháp đều  nhắm vào việc mang lại cho  hành giả những điều ước mơ, hoài vọng của mình trên đường  tu tập cũng như trong đời sống hàng ngày của mình và gia đình thân quyến.

 Trong hai nghi lễ nầy, thường phải nhờ đến công năng của Gia Trì Lực (Adhistana).   Gia Trì Lực  là  "năng lực phi  thường,  bất biến, vô ngại của  chư Phật, chư Bồ Tát  hộ trì cho hành giả tiến tu  thuận lợi. Đại nguyện hộ trì của chư  Phật và chư  Bồ Tát đều hướng về  lòng từ bi, hỷ xã,  thanh tịnh,  cho nên trong khi hành lễ, quán  tưởng đến chư vị nầy sẽ đạt đượcý nguyện theo sở đắc" (theo Choegyam Trungpa).

Đà Ra Ni Mật Chú (Mantras)

Mật chú nầy có nghĩa là "Tổng trì"  có khả năng lớn lao và bảo vệ giữ gìn tất cả  những khả năng tu tập của hành  giả. Khả năng nầy  bảo vệ thiện  duyên, khuyến khích làm điều  lành, tạo thiện niệm,  giữ gìn 3  mặt: thân, khẩu, ý luôn luôn  thanh tịnh, loại bỏ những tạp niệm thường hay gây nhiễu loạn trên con đường tu hành.

  Các vị Chân sư, Lạt Ma  thường hay quán tưởng trì tụng Chú  Đà Ra Ni nầy trong mỗi giờ, mỗi ngày, tạo được khả năng hùng mạnh, gọi là "Kim  Cương Lực".  Mật Chú Đà  Ra Ni còn được gọi  là "Chơn Ngôn" tức là  những ngôn ngữ vi diệu, sâu sắc nhất của chư Phật và chư Bồ Tát trong nguyện  độ chúng sanh. Đã  là Mật ngữ,  thì không thể nào  giải lý được và  phân tách  ra được.

  Khi trì  tụng, bất cứ ngôn  ngữ nào cũng dùng nguyên văn của  Mật Ngữ nầy, thì mới thu  được kết quả. Tánh chất  "bất khả  tư nghị" của  Mật Chú càng  gia tăng thêm  sức mạnh của ngôn ngữ bùa chú. 

Theo Đại Nhật Kinh thì  "Khi trì tụng Đà Ra Ni Kinh, tất cả tà ma, ngoại đạo  đều lánh xa, lo  sợ và hàng phục.  Những ác niệm trong tâm của  hành giả cũng  tiêu tan. Những  tham vọng của  con người  được dập  tắt ngay từ  khi khởi  động.  Vì vậy, được  gọi là pháp thuật vô biên".  

Trong Kinh "Lầu Cát" có đoạn viết:  "Tất cả chư Phật đều do Đà Ra  Ni sinh  ra. Chơn ngôn chính  là mẹ của chư  Phật, thành chủng tư  của chư  Phật. Nếu không  có Chơn Ngôn  thì sẽ không  thành Chánh Giác được. Chơn Ngôn có sức mạnh vô biên, vô tận, vô ngại. Tất cả  Tam Tạng Kinh Điển đều được khởi phát  từ Đà Ra Ni mà ra cả. Thành  thử  trong Kinh  "Tối Thượng  Đại Thừa  Bảo Vương"  có nói đến bốn thừa:  1- Thanh Văn Thừa 2- Duyên Giác Thừa  3- Phương Quảng Đại Thừa.   4- Tối thượng Kim Cang Thừa.  Thừa  sau nầy chính là Đà Ra Ni Tạng vậy.

Tất cả các pháp đều do Kim  Cương Thừa lưu xuất.  Trong Kinh  "Thần Biến Sao"  có đoạn nói  rằng: "Trong tất  cả các  giáo phái  Phật Giáo đều  phát khởi từ  2 ngọn núi  Tích Thạch và  Côn Lôn;  cũng như muôn  hạnh nguyện thì  đều do Đà  Ra Ni mà  ra  cả..."

  Dùng cho Thân Trung Ấm (khi chết)

Trong Kinh  "Quan Thế Âm Bồ Tát  Bí Mật Tạng Thần Chú" có đoạn viết:  "Nếu có người  trì tụng Thần Chú, bất cứ  trong truờng hợp nào, kể  cả lúc  lâm chung, đều được  thành tựu hết thảy.  Những người trì  chú chẳng những có công năng lợi lạc hữu tình, lại còn có thể cứu thoát được u linh".  

Kinh "Thiên  Thủ Thiên Nhãn Đà  Ra Ni" cũng viết:  "Bất luận người nào trì  chú, thường tránh  được những trường  hợp bị ác  tử như sau đây:

 1- Trì chú sẽ không bị chết  do đói khát, khốn khổ gây  ra, có thể thoát nguy nhanh chóng, do chuyển lực và sự hộ trì của Tam Bảo. 

2- Trì chú có  thể tránh không bị chết do tra  khảo, đánh đập của những thế lực bạo tàn hành hạ.  

3- Trì chú sẽ không bị oan gia tương báo, không do những cuộc trả thù mà chết. 

4- Trì chú sẽ không bị chết  trong khi lâm trận, đối mặt với quân thù trực tiếp hay gián tiếp. 

5- Trì chú  sẽ không bị chết do  những loài ác thú, những  âm mưu thâm độc do kẻ khác ám toán. 

6- Trì chú sẽ  tránh được cái chết do những nọc  độc của rắn rít,  trùng độc, thú độc, cây độc do vô ý gây nên. 

7- Trì chú sẽ không bị chết do nước trôi, lửa cháy, tai trời, ách  nước, thiên tai, thủy họa. 

8- Trì chú sẽ  không bị chết do âm mưu ám  toán bằng những khí cụ  hay ám khí. Chất độc thường được hóa giải dễ dàng.

 9- Trì  chú sẽ tránh được  cái chết do cuồng  tâm loạn trí.

Những  trường hợp  đó có thể  an định  tâm  trí dễ dàng,  loại trừ những  khủng hoảng xẩy ra, nhiếp tâm trở về với an lạc. 

10- Trì chú  sẽ tránh được cái chết  do tà thần, ác quỷ,  nộ khí, tiểu nhân, độc môn, tà đạo. 

11- Trì chú sẽ không do mình  tự hại mình, trong những trường hợp không ổn định tâm trí. Không có  trường hợp tự sát, tự hại. Không  rơi vào tình trạng ác tâm, yếm tâm, mị tâm". 

Trong Kinh  "Bất Không Quyến Thầm Chú Tâm" có nói thêm về việc trì  tụng trong lúc lâm chung như sau:

1- Khi  mạng lâm chung, nếu  trì tụng sẽ thù  thắng được đức Quan Thế Âm Bồ  Tát thị hiện tướng Tỳ  Kheo đến trước mặt để  an ủi và  dẫn độ. 

2- Có trì tụng trong lúc đó, thì mạng chung sẽ được yên ổn, không  gây đau  đớn, thác loạn, không  trải qua những thống  khổ dằn vặt  trong giây phút cuối cùng cuả kiếp người.  

3- Lúc lâm  chung,  nếu biết trì tụng, thì  mắt không trợn lớn lên  khủng khiếp,  miệng không hả méo  mó, tay buông thong  thả, thong  dong, chân  duổi ngay ngắn,  không phản tiết  ra những chất  dơ ứ đọng trong thân thể  .

4- Lúc lâm chung, biết trì tụng,  sẽ được an trú theo chánh niệm, ý không loạn tưởng,  hóa thân, tái sanh cũng  được dễ dàng, nhanh chóng và thích ứng.

5- Lúc  lâm chung, trì tụng  chú Chuẩn Đề, sắc  mặt vẫn ung dung,  thoải mái, không bị dằn vặt, đau đớn. 

6- Khi lâm  chung, còn trì tụng, thì tùy  theo nguyện sanh, sẽ về  cõi Tịnh Độ.

7- Trì tụng trong lúc nầy, sẽ thấy hiện ra hình ảnh của chư Phật, chư Bồ Tát, Hộ Pháp bảo vệ.

Phóng tâm và nhiếp tâm

Trong Đại Phật Kinh, đức Phật dạy ngài Ananda rằng:   - "Này Ananda! Hãy nên ghi nhớ  điều nầy. Nếu không có hình tướng  thì không  có Pháp; nếu  không có những  thức ăn, thức  uống, thì  không có Pháp; nếu không có y phục, những vật che thân, thì không có Pháp; như vậy, hãy giữ gìn cơ thể của ông để phục vụ Pháp".  

Thành thử, trong truyền thống  Mật  Tông, sự liên hệ giữa các hình  tướng vô  cùng quan trọng, nhưng  không phải vì vậy,  mà chúng ta  biến nó thành những cuộc phiêu  lưu mãi trong hình hướng đó.   Hình tướng là giả,  Phật tâm là thật; không thể  theo hình tướng mà bỏ Phật Tâm đi được".   

Chúng ta có thể trở thành những người ăn chay trường, nhưng không  vì thế mà chê bai, chỉ trích những người ăn mặn được. Chúng ta có  thể chỉ  mặc toàn đồ  vải bông, nhưng  không vì thế  mà chỉ trích  những người dùng da thú.   Bất cứ  trong lối sống nào  ta chọn cũng đều  trở thành thái quá.  

Ngài Milarepa nói:  -" Nếu có người ăn chay trường sẽ thôi không dùng thịt nữa, nhưng  anh ta vẫn có  thể khoan khoái ăn một trái chuối  hay nấu một quả cà với con tâm khát máu, thì  vẫn tìm trong hương vị chay đó hình ảnh của miếng thịt mở béo ngậy. Như thế chẳng lợi lộc gì, mà còn  gây phiền  não trong tu tập. Phải hướng tâm  vào đường thiện”. 

Ngài Choegyam  Trungpa viết rằng:   "Thế giới nầy  có đủ các  loại  thân và những trạng thái của thân, tùy theo từng trường hợp: câm,  điếc, đui, bại liệt hay mạnh khoẻ.  Nhưng tất cả chúng sanh đều có một cảm giác căn bản giống nhau.  Đó là cảm giác về thân, cái cảm giác của thực tế trong một cấp bậc vô cùng đơn giản..."    

Chiêm nghiệm về bản thể sự vật,  phá bỏ vọng tưởng, mới thấy được  con đường đi dần đến Giải Thoát vậy.

Lục Tự Đại Minh

Trong Mật Chú Tây  Tạng, Lục Tự Đại Minh (OM MANI  PADME HUM = Án Ma Ni Bát Di Hồng) thuờng được xem là phần Khai Ngộ quan  trọng trong mọi lễ thức.

Đã  là Mật Ngữ, thì không  thể và  không được giải  thích với người  giới tử. Về  những biểu hiện của Lục  Tự Đại Minh (6 chữ  toả ánh sáng) có thể  nhận định  tổng quát như sau:   

OM: biểu trưng  cho sự hoà hợp của  Trí Tuệ vào Thân, Khẩu,  Ý đã được giác ngộ. 

MANI: là Ngọc Như  Ý, viên ngọc quý nhất nằm trong  tay của vị Bồ Tát, biểu trưng cho sự Thanh Tịnh tuyệt đối.

 PADME:  Hoa  sen, biểu trưng cho  giải thoát. Cũng là  hình ảnh tự tại, thoát ra ngoài vòng sinh tử, luân hồi. Hoa sen "gần bùn mà chẳng hôi tanh  mùi  bùn".

Vị Đại Bồ  Tát không còn bị ràng  buộc do  nghiệp báo và sinh  tử. Ngài đã tự tại ra hẳn  ngoài vòng sinh tử,  luân hồi, nhưng  vẫn trở lại cuộc đời để  cứu vớt chúng sanh theo đúng hạnh nguyện. 

 HUM: tượng trưng cho Trí Tuệ sáng  suốt. Đây là thành tựu lớn lao của chư  Phật. Khả năng  thành tựu này  vô cùng mạnh  mẽ, xoá tan được những phiền não trên con đường tu tập.  Ngọc Minh Thần  Chú, phần dẫn nhập viết: "Nếu  trì tụng Lục Tự Đại Minh ngay chỗ ở của mình, thì có vô lượng chư Phật, Bồ Tát, Thiên  Long Bát Bộ  nhóm họp, đầy đủ vô  lượng Tam muội pháp môn.

 6 lời trong mật  chú nầy bao  gồm thế giới  của Trời, A  Tu La, Người,  Súc Sanh,  Ngạ Quỷ và  Địa Ngục. Trì  tụng thì có  thể phát chiếu được mọi cảnh  giời nầy. Đó là điều quý  giá nhất trong các Mật   Chú.

Quán tưởng  năm Gia đình Phật (Ngũ Phương Phật)

Gọi là "gia  đình", có nghĩa là liên hệ  thân thiết. Một hành động  Tantra (Mật) không đơn thuần là  những nhận định tổng quát về thế giới, khu  vực trước mọi  diễn biến, mà  quán triệt mọi  hiện hữu  liên kết với nhau.  Đây là những nguyên lý giải đáp liên hệ của năm vị Phật.   Đó là  - Kim Cang (Vajra) - Bảo Vương (Ratna)  - Liên Hoa (Patma) - Nghiệp (Karma) - Phật (Bouddha)

Theo truyền thống  Mật Tông, chúng ta thường  giao tiếp với nhiều hạng người trong những gia đình Phật. Mỗi gia đình Phật thường có  2 khía cạnh:

 Khía cạnh tiêu  cực thuộc về bệnh hoạn;

 Khía  cạnh tích  cực về ánh sáng  trí tuệ hay giác  ngộ.

 Biết những tâm  bệnh để giải trừ xa lánh; Phát triển ánh sáng trí tuệ để nâng cao đạo hạnh, đó là mục đích của tu trì. 

1- Kim Cang:  Gia đình đầu tiên là Kim Cang.

Kim Cang có  nghĩa là gia đình bền  vững, hội tụ và hoà  hợp với nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào đi  chăng nữa. Biểu hiện của  gia đình nầy là viên Kim  Cương, có tánh bền chắc không thể nào huỷ hoại được. Chiếc chày Kim Cương  trong Mật Tông có 5  cạnh, biểu tượng cho  sự cảm thọ là:  sân,  kiêu hãnh, tham dục, ganh ghét và bất cần đời.

Thiện niệm  của gia đình nầy  có nghĩa là sáng  suốt tiếp cận với mọi sự vật một cách vững chắc. Trong khi đó,  bệnh tâm của gia đình  nầy là tánh hay sân  hận và chấp thủ. Phải biết tăng trưởng thiện niệm và đồng thời trấn áp bệnh tâm.  Muốn được như vậy phải trì dụng đức Thường Tinh Tấn Bồ Tát.Khi trì tụng thì mặt hướng về phương bắc 

2- Bảo Vương  Gia đình thứ nhì là Bảo Vương.  Bảo Vương có nghĩa là quý giá,  trang trọng. Biểu hiện của gia đình nầy là sự giàu sang, độ lượng.  Thiện niệm của gia đình nầy đức từ bi Trong khi đó, bệnh tâm của gia  đình nầy là ích kỷ, tự tư tự lợi. Phải biết tăng trưởng thiện niệm và đồng thời trấn áp bệnh tâm.

Muốn được như vậy phải trì dụng đức Quán Thế Âm Bồ tát. Khi trì tụng thì mặt hướng về phương nam. 

3- Liên Hoa   Gia đình thứ ba là Liên Hoa. Liên Hoa  có nghĩa là  hoa sen, mùi  thơm ngào ngạt. Biểu hiện của gia đình nầy là sự tinh khiết.

Thiện niệm  của gia đình nầy  tinhlọc, sáng suốt  trong mọi nhận định.Trong khi đó, bệnh tâm của gia đình nầy là mù quáng, mê mờ.  Phải biết tăng trưởng thiện niệm và đồng thời trấn áp bệnh tâm.  Muốn được như vậy phải trì tụng  đức Đưong Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn  Phật. Khi trì tụng thì mặt hướng về phương đông.

4- Nghiệp  Gia đình thứ tư là Nghiệp.

Nghiệp có  nghĩa là những nghiệp  báo và nghiệp quả,  tức là hậu quả gây nên do sự tu hành trong kiếp trước.  Biểu hiện  của gia đình  nầy là trí  tuệ viêm mãn  (Thành Sở Tác Trí). Thiện niệm  của gia đình nầy  xác định tánh vô thường ganh ghét,  hờn giận, khong hoán cải được.

 Trong khi  đó, bệnh tâm của  gia đình nầy là  tham vọng muốn nắm nhiều quyền hành.   Phải biết tăng trưởng thiện niệm và đồng thời trấn áp bệnh tâm.   Muốn được như vậy phải trì tụng đức Phật A Di Đà. Khi trì tụng thì   mặt hướng về phương tây.

5- Phật   Gia đình thứ năm là Phật. Phật trong phạm vi nầy có nghĩa là giải thoát. Biểu hiện của gia đình nầy là vòng tròn viên mãn. Thiện niệm của gia đình nầy đi vào chánh niệm. Trong khi đó,  bệnh tâm của gia  đình  nầy là mê mờ, vô  minh, đầy tham vọng.  Phải biết tăng trưởng  thiện niệm và đồng thời trấn áp bệnh tâm. Muốn được như vậy phải   trì tụng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.Khi trì tụng thì mặt hướng về trung ương.

Nội Ngoại Đàn Pháp

Như đã trình bày trong phần trên,  Nội Ngoại Đàn Pháp là sự tương quan  giữa chúng ta  với thế giới thọ uẩn. Trong  sinh hoạt bình thường của con người, lúc nào cũng tiếp  xúc với thế giới của lục trần (Ayatanas), tức là:  sắc, thanh, hương, vị, xúc  pháp. Những trần   cấu nầy tương  quan với 6 giác quan (lục căn): nhãn,  nhĩ,  tỷ, thiệt, thân,  ý.

Theo nhận định  vật lý thế gian, chỉ có  "ngũ quan"; còn "ý" (suy  nghĩ) được loại ra, đưa vào phần nội tâm. Những trong luận lý học Phật Giáo, thì  sự suy nghĩ (ý) lại được  ghép vào một trong "lục căn", vì  chính sự suy  nghĩ nầy đã  điều chỉnh 5  giác quan kia.  Những  nhận thức  của chúng  ta luôn  luôn thay  đổi và thích ứng  trong những  điều kiện khác biệt  nhau, cho nên được cả 2 sắp xếp như  một Đàn Pháp.

Các dòng phái chính Mật Giáo   

 Dòng phái Kagyu

Dòng phái Karma Kagyu là phái  lớn nhất trong 4 nhánh nguyên thủy lớn  của truyền  thống Dakpo  Kagyu. Đây  là tên  được đặt cho hệ thống các dòng giáo phái truyền từ ngài Gampopa (1079 - 1153), vị học giả uyên thâm  và bậc thầy tâm linh, mà cuộc  đời đã được đức Bổn Sư Thích Ca tiên tri. Đức  Phật dạy: Một trong các đệ tử (của Ngài), một vị  tăng y sĩ tên là Kumara,  trong đời tương lai cũng sẽ là một  tăng y sĩ, ở nơi  phía bắc gần dòng sông  Lohita và sẽ lập nên một  trường phái Thiền định. Gampopa là  một vị y sĩ giỏi nghề, trước tiên  là một vị tăng Kadampa, nhận  được giáo huấn từ Jayonda, Jayulwa, Geshe Nyugrumpa, Shawo  Ganpa.

 Ngài học về "tiệm đạo" (lamrim) của ngài Atisa và giáo huấn của ngài Dromtonpa. Ngài trở thành  chưởng môn của dòng  Kadampa. Tác phẩm nổi  tiếng nhất của ngài nhan đề "Sự trang hoàng  ngọc ngà của Giải thoát" và các thiên Luận  Giải cơ bản nhất  về giáo lý Kadampa.  Về sau, ngài nhận giáo pháp  Kagyu về Đại Ấn và "Sáu  Yoga của Naropa" từ ngài Milarepa.  Ngài  được  mệnh  danh  là  "Hai  dòng trở thành một". Gampopa tổ chức các dòng nầy thành  một khối hữu cơ, lấy tên mình là Dakpo Lharjie  (y sĩ của vùng Dakpo) đặt  tên cho trường phái, sau đổi thành dòng Dakpo Kagyu. 

Sau khi ngài viên tịch, hệ thống truyền thừa  được phân chia 4  dòng chánh và 8  dòng phụ. 4 nhánh chính là: Kamtshang hay Karma Kagyu, Tsalpa Kagyu, Baram Kagyu và Phagmo Drupa Kagyu.

Vị thầy chính  của Gampopa là yogi nổi tiếng  và nhà thơ Milarepa (1040 - 1123),  đã nhận sự truyền thừa từ  ngài Marpa "dịch giả", học  trò của  ngài Naropa  và Maitripa.  Như thế  ngài trở  thành chưởng môn của phái Kagyu. Dòng  truyền trực tiếp của Dakpo Kagyu như  sau:  Phật  Pháp  Thân  Vajradhara,  Tipola,  Naropa,  Marpa Lotsawa, Milarepa,  Gampopa. Dòng truyền gián  tiếp liên quan đến Đại Thủ Ấn  là:  Phật   Pháp  Thân  Vajradhara,  Ratnamati,  Saraha, Nagarjuna, Savaripa, Maitripa, Marpa Lotsawa, Milarepa, Gampopa. Giáo pháp Kagyu  bắt nguồn từ tư tưởng của  đức Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, được xem là hoá kiếp của Pháp thân (Dharmakaya).

 Một tông phái  khác có liên hệ với Kagyu Pa do  ngài Khyupo  Naljor ) sinh năm  1310) thành lập.  Tên phái nầy  là Shangpa Kagyu; phái  nầy có một hệ Đại Ấn  Quyết riêng, do em gái của ngài Naropa là Niguma truyền lại, tồn tại cho đến ngày nay.  

 Dòng phái Nyingma

Truyền thống đầu tiên của Tây  Tạng là Nyingma (hay Cổ Mật), phát khởi từ công việc truyền giáo của  các vị thầy thế kỷ thứ VIII là Guru Padma Sambhava, vua Trisong  Detsun và Bồ tát Santarakshita. Các hệ phái của  dòng Nyingma ban đầu gồm các hành  giả tu sĩ lẫn cư sĩ; họ theo giáo lý kinh  và Mantra của thời kỳ dịch thuât ban đầu.

 Then chốt giáo huấn của dòng phái Nyingma là Maha Ati hay là "Đạo toàn thiện",  được truyền vào Tây Tạng ở  thế kỷ thứ VIII, bởi học giả và thiền giả  Vimalamitra. Giáo huấn của Maha Ati chỉ thẳng Trí Tuệ Toàn  Thiện tự nhiên, và có thể xem  là giáo lý tối thượng của Phật đạo trong giai  đoạn đó. Tantra chính của Nyingma là Guhyu Garbha  hay "Mật Yếu".

 Có 3 dòng  có thể phân biệt trong giáo phái Nyingma:  (1) Dòng lịch  sử hay Karma Pa (Tuyên giáo) dựa  trên Hiển giáo pháp của ngài  Phổ Hiền; trong  đó có các  giáo pháp quan  trọng của 3 thừa chỉ có  trong dòng Nyingma, như: Maha Yoga,  Anu Yoga và Ati Yoga. (2) Dòng huệ nhãn:  Dựa trên sự tiếp xúc bởi báo  thân của các vị đạo sư (đã nhập diệt) trong lúc  nhập định, theo lời khai thị của các vị đó  để tuyên giáo các giáo pháp  cụ thể, trong những thời kỳ nhất định.

Chẳng hạn: Longchepa  được xem là trực tiếp nhận sự khai thị của ngài Padma Sambhava.  (3) Dòng trực tiếp hay Terma: Giáo pháp đã các kho tàng pháp bảo  hay "bản văn  được tàng trữ" hay "dòng thị  hiện sâu thẳm". Trong đó, phải kể  đến bí lục do ngài Padma Sambhava truyền lại, chẳng hạn như "Tử Thư" (Bardo Thodol). 

Những vị chân  sư vĩ đại của truyền  thống Nyingma gồm bậc toàn  giác Longchen Rabjampa (1308 - 1363), Jime  Lingpa (1729  - 1797)  và Ju  Mipham (1848  - 1914). Hai vị trưởng phái hiện  giờ của trường phái Nyingma  là Minling Trichenvà Dudjom Jigdral Yeshe Dojre. 

 Dòng phái Sakya 

Những dòng  phái Mật Tông  về sau nầy  của Tây Tạng  đều thuộc về thời kỳ "tân dịch thuật", bắt đầu trong thế kỷ thứ X, khi Rinchen Zangpo (958 -  10521) và các học giả khác  tìm ra cách dịch những loại kinh  điển mới, nhấn mạnh  đến sự chính xác  của ngữ nguyên, thay vì  lối dịch tự  do của  các  dòng phái dịch  thuật cổ điển. Truyền thống Sakya và truyền thống Kagyu đều khởi phát từ thế kỷ thứ XI, đều đặt căn cứ trên giáo trình Tantric mới.

Tu viện  Sakya về sau trở  thành trung tâm chính  của dòng phái Sakya Pa, được xây dựng lên vào năm 1073, do ngài Kongchog Gyalpo thuộc dòng phái "Khon" dựng lên.  Dòng phái có ảnh hưởng lớn nầy trước kia  thuộc về dòng phái  Nyingma, nhưng về sau  thì Kinchog Gyalpo đã học  các Tantra mới với ngài Drogmi  Lotsawa và pháp sư người Ấn,  ngài Gayadhara. Truyền  thống Sakya được  định hình do công  trình của  ngài Kingcgog  Gyalpo, cùng  đại đệ  tử là  ngài Sachen Hunga  Nyingpo (1092 - 1158)  và 4 trong "5  vị đại sư" là Sonam Tsemo (1142 - 1182), Jetsun Drakpa Gyaltsen (1147 - 1216), S. Pandita (1182  - 1251)  và Chogyal  Phakpa (1235 - 1280).

Trường phái Sakya  là đặc thù trong giáo huấn  được kết hợp giữa Sutra (kinh)  và Mantra (mật chú)  về "Lam Dre", hay  còn gọi là giáo trình "đạo và quả", được phát triển bởi những thành tựu giả người Ấn Độ là ngài Virupa.

  Tantra chính của dòng phái Sakya là Hevajra và các thần chính là Hevajra và Vajrayogini. 3 tiểu phái của dòng  phái nầy là: Sakya  Pa, Ngor Pa và  Tshar Pa; họ không đồng nhất  trong vấn đề  nghi lễ và  thờ cúng. Trưởng  phái hiện thời của truyền thống Sakya Pa là đức Sakya Tridzin (1945 - ?), một vị hoá  thân của đức  Văn Thù Sư  Lợi Bồ Tát,  vị Đại Bồ  Tát về phương diện  trí huệ viên mãn.  Ngoài ra, cũng cần  nhắc đến một truyền thống liên  hệ khác của dòng phái nầy  là Kadam.

Phái nầy cũng phát khởi từ  thế kỷ thứ XI, nhưng về sau  thì đã không còn được phát triển sâu rộng như  một giáo phái độc lập nữa. Những giáo huấn chính  của dòng phái nầy đã bị  ảnh hưởng chi phối của nhiều giáo phái  khác. Về mặt lãnh đạo,  cũng không tránh khỏi tình trạng nầy.

 Dòng phái Gelug Pa

Giáo phái  nầy được lập nên do vị đại pháp sư Tây Tạng  Tsong Khapa Lozang Dragpa (1367  - 1419). Trong thời gian trau dồi kiến  thức, vị nầy đã theo học với  các vị thầy của tất cả các dòng phái chính và biểu lộ những tính cách hoành tráng của một vị học giả đa tài. Ngài đã quy tụ được nhiều đệ tử và sau đó đã lập ra  dòng phái Gelug Pa.

 Mối quan tâm  hàng đầu của dòng phái nầy  là: (a) Sự kiên định  vào giới luật; (b)  con đường giác ngộ. Truyền thống nầy  ảnh hưởng từ ngài Atisa. Những  điểm cơ bản nầy dựa trên giáo  lý của ngài Atisa, thành thử  nhiều nhà nghiên cứu thường gọi là dòng "Kadam mới". Quan điểm triết học riêng của Gelug  là Trung  Quán Prasangika,  qua giải  thích của ngài Tsong Khapa. Còn  về Tantra, dòng  phái nầy nhấn  mạnh đến các  Tantra:  Guhyusamaja,  Vajra Bhairava  và  Cakra  Samvara.

 Về  sau, truyền thống Gelug Pa  được xiển dương vững chắc thêm  do công trình của những ngài: Khedrupje (1385 -  1438) và ngài Kinchog Jigme Wangpo (1728 -  1781). Vị trưởng  phái nổi tiếng  hiện nay là  ngài Ling Rinpoche, thầy dạy của đức Đạt  Lai Lạt Ma thứ XIV, Tenzin Gyatso (1935 - ?), hiện thân của lòng Đại bi của đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Trên đây  là những dòng phái  chính. Thêm vào đó,  là sự đóng góp của nhiều  dòng phụ khác của  Phật Giáo Tây Tạng.  Trong đó, có 2 phụ phái quan trọng là: Shijay  và Chod Yul của ngài Dampa Sangye và nữ thiền giả Machig Labdronma.

 Một dòng khác có tên là Urgyen Nyendrug do ngài  Urgyenpa Rinchen sáng lập (1299).  Dòng nầy rất ảnh hưởng đối với phái Drugpa  và Kamtshang Kagyu, sau đó thì tan biến trong hai dòng nầy. Một trong những dòng phái đã gây ra nhiều cuộc tranh luận nhất là dòng  phái Jonang,  thành lập   do nhà  triết học  Dolpopa Sherab Gyaltshan (1292 - 1361). Trường phái  nầy chủ trương về "Giáo lý Tánh  Không".  Quan  điểm  nầy  xuất  phát  từ  Uttara Tantra của Maitreya. Trường phái  nầy xác định: "Nếu như vạn vật là thực tại rốt ráo, trống  không, không tỳ vết,  thì đó là thực  hữu".

Học thuyết nầy đã  bị nhiều học  giả thuộc dòng  phái Prasangika công  kích. Dòng phái Gelug Pa chống đối không kém, nhất là vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 (1615 -  1680). Sau đó thì suy tàn dần,  không hiện hữu như một dòng phái. 

Tuy vậy, giáo lý của  họ thì vẫn được duy  trì và truyền bá  do một số  nhà nghiên cứu  thuộc các dòng  phái Kagyu, Nyingma và Sakya.

Hai hệ thống "Chơn Ngôn Thừa" và "Kim Cang Thừa" của Mật Giáo sau khi xuất hiện, thì tư tưởng Mật Giáo phát triển mạnh mẽ trên lãnh thổ Ấn  Độ và bành  trướng sang các  nước khác. Trong  2 hệ thống nầy, Chơn  Ngôn Thừa chú  trọng đến phần  lý luận; trái  lại, Kim Cang Thừa chú trọng phần thực tế, mà kém phát triển phần lý luận.

 Từ khoảng thế kỷ thứ X trở về sau, Kim Cang Thừa kết hợp với tông phái Sàkta của Ấn  Độ Giáo, cho nên phái nầy đã  bày ra những lối hành pháp theo tà  giáo, dần dà đã đi vào đường  đọa lạc, thờ chủ nghĩa khoái  lạc, dục vọng, cho  đó là diệu lý;  thành thử đã làm mất hẳn bản lai chân tướng của Mật Giáo.

Trong lúc các Mật Giáo đang phát triển, các vương triều Pàla vùng Đông Ấn sùng bái Phật Giáo,  nhất là triều đại của vua Dharmapala (Pháp Hộ) đã cho kiến thiết ngôi  chùa rất lớn ở thế kỷ VIII, tứclà chùa  Vikramasila, để làm  nơi tổ chức  đàn tràng căn  bản cho Phật Giáo. Các học giả nổi tiếng của Mật Giáo đều được đào tạo từ ngôi chùa nầy. 

Tại ngôi chùa nầy nhiều nhà  tu hành đã trước tác nhiều kinh điển Mật Giáo. Chẳng  hạn: Kinh "Như Lai Tam Nghiệp Bí Mật"  (Tathagata Guhyuka  Gahyamaja), Kinh  Sadhanamàlâ và  nhiều "nghi quỹ" (Tantra). Kinh "Như Lai Tam Nghiệp Bí Mật" có ghi chép rất nhiều lối tác pháp huyền bí; đó là do ảnh hưởng của giáo phái Sàkta của Ấn Độ Giáo. Trên phương diện truyền bá tư tưởng  Mật Giáo, và khả năng để Mật Giáo phát triển trên đất nước Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Tạng cũng như nhiều nước  nhỏ khác trong  vùng, có các  đại học giả  như ngài Vô Thiện Ý  (Subha Karasimha) (637 -  735), ngài Kim Cang  Trí (Vajra Bodhi (671 -  741), ngài Bất Không Kim  Cang (Amoghavajra) (705 -774)...

 Những  vị nầy không những  làm cho Mật Giáo  hưng thịnh ở trong nước, mà  lần lượt đem tư tưởng Mật  Giáo truyền sang Trung Hoa, phiên dịch nhiểu kinh điển Mật Giáo ra chữ Hán, làm cho Phật Giáo ở  Trung Hoa phát triển  mạnh mẽ. Vào thế  kỷ thứ VIII, ngài Liên Hoa Sanh  (Padma Sambhava) đem Mật Giáo truyền  sang Tây Tạng, sáng lập ra Lạt Ma Giáo (Lamaism)  ở Tây Tạng.

Từ thế kỷ thứ VIII trở về sau, có nhiều vị học giả Mật Giáo nổi tiếng nhiều nơi phần đông  để xuất  thân ở  ngôi chùa  Vikrasila. Vào  thế kỷ XI, ngài Dipunkarasrijinana (tức  Atisa) cũng sang Tây  Tạng, truyền bá tư tưởng Mật Giáo và trở thành một  nhà đại phiên dịch của Tây Tạng. Những nước khác như Miến Điện, Tích Lan, Kampuchia, đảo Java, đảo Sumatra... cũng đều  được Mật Giáo truyền vào.  Những công trình kiến trúc Mật Giáo nổi tiếng  như Angkor Thom, Angkor Wat (thế kỷXII) đều kết tinh kiến trúc Mật Giáo.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/nghethuatPhatgiaoTayTang.htm

 


Vào mạng: 1-8-2007

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang