Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SỬ TÍCH TU ÐÀ CẤP CÔ ÐỘC
(Sudattanaathapi.n.dika)
Anh ngữ: HELLMUTH HECKER
Dịch giả: Nguyễn Ðiều

 

Mục lục
Ðề bạt
Lời nói đầu
Vài câu thơ về Tu-Ðà Cấp-Cô-Ðộc
Một đại tín thí
Phần 1
[1] Tu-Ðà Cấp-Cô-Ðộc gặp Phật và trở thành môn đồ
[2] Một đại Hộ pháp
Phần 2
[3] Gia quyến Tu Ðà Cấp Cô Ðộc
[4] Tu Ðà Cấp Cô Ðộc tiếp độ gia nhân và các thân hữu
Phần 3
[5] Những bài Pháp Phật thuyết cho Tu Ðà Cấp Cô Ðộc
[6] Ðoạn chót cuộc đời
Ý tưởng đẹp

Ðề Bạt:

Là Phật tử, tất cả chúng ta đều có chung nhận định về ông Sú Ðát Tá (Sudatta), tức nam cư sĩ Cấp Cô Ðộc, người có công rất lớn trong sứ mạng hành trì chánh pháp và cải tiến xã hội thời đức Phật trụ thế - 623 năm trước Gia Tô kỷ nguyên. Sự nhận định này chủ yếu nhằm vào vai trò và công trình cống hiến của ông về hai phương diện Ðạo và Ðời!

Về mặt Ðời, ông đã đóng góp tích cực và hữu hiệu công tác cải tiến xã hội qua công trình thiết lập Trung tâm huấn nghệ, Trung tâm cứu đói, Viện dưỡng lão, Viện mồ côi, nhất là năm trăm khẩu phần thường trực tại tư gia cho những người xin ăn nghèo đói. Ông không hề biết từ chối. Nhà ông như giếng nước, như suối ngọt. Ai cần thì cứ tùy nghi sử dụng. Do đó, ông được giới bình dân xưng tụng là "Cấp Cô Ðộc" (Anàthapindika).

Về mặt Ðạo, ông là một vị Hộ pháp thuần vĩ, là bậc Thánh Sơ quả Tu Ðà Hườn (Sotàpanno), là một thiện hữu trí thức mô phạm của toàn thể Phật tử tại gia đương thời.

Ðối với đức Phật, ông chẳng những tuyệt đối y giáo tín thọ, mà còn thương kính quan hoài. Ông thường im lặng lắng nghe thay vì bộc bạch kính thưa, vì trong thâm tâm ông không muốn bất cứ ai làm phiền đức Phật, kể cả bản thân ông. Ðức Phật biết rõ tâm trạng ông, nên thỉnh thoảng Ngài đặc ban pháp thoại.

Trong mười tám bài pháp liên quan ông Cấp Cô Ðộc thì có đến mười bốn bài do đức Phật tự thuyết. Ông thương kính đức Phật chí tình thì đức Phật cũng từ ban cho ông cam lộ thủy. Thật đúng là bậc Ðạo Sư luôn sống với gánh nặng viễn ly, đệ tử cũng là người biết tùy nghi tu tập.

Ðối với chánh pháp, ông là một nam cư sĩ giảng sư vừa có khả năng xương minh vừa có khả năng đối thoại. Chính đức Phật đã khuyến tán ông trước Tăng chúng: "Này các Tỳ kheo! Ngay như một số Tỳ kheo đã sống trong Giáo hội lâu năm, lắm khi chưa đủ thâm uyên giáo lý để có thể trả lời với các đạo sĩ Bà la môn chính xác như Sú Ðát Ta!".

Ông tuyệt đối tôn kính chánh pháp như tôn kính đức Phật. Ông cho thiết lập nhiều giảng đường trong thành Sa Vắt Thi (Sàvatthì) để quần chúng được nghe và học hỏi giáo lý. Ông biết, nếu chỉ giúp đỡ vật chất đương thuần, thiếu yếu tố tâm linh thì cuộc sống gia đình, xã hội cũng sẽ bế tắc. Bí quyết duy nhất giúp khai thông lộ trình đến chung cuộc hạnh phúc là chánh pháp. Vì chánh pháp là tiêu điểm chủ yếu, là chất liệu sinh tử có tính năng kết hợp giải quyết tối hậu, hai nhiệm vụ Ðạo - Ðời vốn nhiêu khê phức tạp.

Trong quá trình phối hợp nhiệm vụ, ông đã thể hiện tiêu biểu vai trò bằng tự đem thân làm gương làm chứng. Không phải ông là hiện thân đặc trưng như vậy trong thịnh thời, mà ngay khi sa sút cũng giữ được phong độ. Công cuộc dấn thân tình nguyện phụng hoằng chánh pháp của ông chẳng những có tánh lịch sử địa phương Trung-Ấn, mà còn mang tánh tiêu biểu toàn cầu thời đại.

Ðối với Tăng Già, ông là một đại thí chủ hộ Tăng đắc lực. Ông như nước, chúng Tăng như cá. Ông phát tâm tình nguyện cúng dường thực phẩm thường trực cho năm trăm vị Tỳ kheo hóa trai ngang nhà ông. Mỗi ngày, ông đều đến Kỳ Viên tịnh xá hai lần: trưa và chiều. Buổi trưa ông đến chùa cúng dường đức Phật và Tăng chúng các thức ăn, buổi chiều nước sinh tố. Chư Tăng, nhất là các vị Tỳ kheo trẻ và các vị tiểu Sa di xem sự hiện diện của ông là dấu hiệu của "Thần tài". Ông không bao giờ đi chùa tay không. Thông lệ mỗi chiều, sau khi thính pháp, ông đi một vòng quanh chùa để kịp thời cúng dường những nhu cầu riêng lẻ cho từng vị.

Trong phạm vi gia đình, ông hướng dẫn và an trú họ vào niềm tin chánh pháp. Duy nhất, một đứa cháu trai bị biệt nghiệp nặng nề, mặc dù ông nhiều lần giúp đỡ, cảm hóa, nhưng bất thành, nên đã chết trên đường lang bạt, vô thừa nhận.

Ðối với hàng ngàn gia nhân giúp việc, ông xem họ như bà con cật ruột và hết mình giúp đỡ, không hề phân biệt. Ngay như trong những ngày trai tịnh, ông cũng hướng dẫn họ và gia đình họ trì thọ trai giới.

Ðối với thân hữu, đại đa số đều nhờ ông mà qui ngưỡng chánh pháp. Ngay như Thái tử Kỳ Ðà cũng nhờ đạo tâm thuần phát và niềm tin chánh kiến của ông ảnh hưởng, đã sống cuộc đời hướng thiện.

Tóm lại, về mọi địa hạt sống, từ bản thân, gia đình, dòng họ, gia nhân, thân hữu đến giới bình dân lao động đều được thừa hưởng công đức lợi tha của ông qua cụ thể Tứ nhiếp pháp, nhất là Bố thí nhiếp.

Bằng những hình ảnh tiêu biểu có tánh lịch sử, ông Cấp Cô Ðộc đã vẽ nên một bức tranh nhân đạo rất sinh động, tô màu "nhân bản", lồng khuôn "Hiền Thánh", được treo giữa tòa lầu đại thế hệ, mà di ảnh mãi sáng rực thiên thu trong vòm trời Ðông Á.

Ngày nay, nếu ai hữu duyên chiêm bái thánh tích Phật ở Trung Ấn, khi đến Kỳ Viên tịnh xá - Ngôi chùa lịch sử đầu tiên do ông Cấp Cô Ðộc kiến tạo cúng dường đức Phật và Thánh chúng trong Sa Vắt Thi (Sàvatthì) thì quý vị sẽ được chiêm bái ngôi tháp thờ vị Hộ pháp này, cách xa Kỳ Viên Tự khoảng hai cây số. Tuy bị thời gian và ngoại đạo tàn phá, nhưng trái đất vẫn còn ôm ấp hình hài, bầu trời vẫn còn chở che linh khí, ánh thái dương vẫn còn sưởi ấm thức linh và những đêm rằm thượng tuần, Hằng Nga cũng rời thiềm cung, để làm đẹp một di tích ngàn năm lịch sử.

Viết về ông Cấp Cô Ðộc, không phải để nuối tiếc một quá khứ vàng son của một người, cũng không phải để khoe khoang đạo mình có một đại đệ tử cư sĩ hộ pháp có tầm vóc, và cũng không phải để tự hào về những công trình vĩ đại mà ông đã để lại cho nhiều thế hệ, mà mục đích người viết - Nếu không đến nỗi võ đoán - thì nhằm nói lên một phương thức đầu tư vừa thiện mỹ, vừa lỗi lạc, đó là "Ðầu tư cho tình người, không đầu tư cho danh lợi" mà ông Cấp Cô Ðộc là đặc trưng tiêu biểu!

Chúng tôi cẩn trọng giới thiệu công trình dịch thuật có giá trị này đến các bạn!

-ooOoo-

 

Lời Nói Ðầu

"Tu Ðà Cấp Cô Ðộc" là tập sách thứ năm trong loạt phiên dịch ra Việt ngữ sử tích các Ðại đệ tử Phật.

Khi đề cập đến ba chữ "Ðại Ðệ Tử", người ta thường nghĩ ngay tới những đại Thánh Tăng đã đắc quả cao nhất, và lỗi lạc nhất trong các hàng Thinh Văn đệ tử Phật. Nhưng ít ai để ý tìm hiểu rằng: Trong số những Ðại đệ tử ấy, đã có hai vị cư sĩ, một nam một nữ, rất nổi tiếng, tên là Tu Ðà Cấp Cô Ðộc (SudattAnàthapindika), và Nguyệt Trang Ðài (Visàkhà) - Tức là đức hạnh của người Ðại Tín nữ này có thể ví như một tòa lâu đài, chứa đầy ánh sáng dịu hiền, chẳng khác nào ánh sáng tươi mát vô tận của một đêm trăng rằm không mây!

Hiện tại, chúng tôi chỉ xin gởi đến quí vị sử tích của đại Thiện nam Tu Ðà Cấp Cô Ðộc (SudattAnàthapindika). Còn câu chuyện đáng quí của đại Tín nữ Nguyệt Trang Ðài (Visàkhà). hay gọi tắt là "Nguyệt Trang" ra sao, nếu hữu duyên, dịch giả sẽ sưu tập, kính tặng chư đạo hữu sau! Xin xem chú thích về sự thoát dịch danh từ VISÀKHÀ ở cuối chương sách này (1).

Tu Ðà Cấp Cô Ðộc là một vị đại Thiện nam đã có công xây dựng ngôi tu viện đầu tiên Tổ đình lớn nhất của Phật giáo, ở Trung Ấn Ðộ, thời đức Phật còn tại thế. Ông là một tấm gương cực sáng trong hạnh "BỐ THÍ ÐỂ THANH TỊNH THANH TỊNH ÐỂ BỐ THÍ" mà đấng Giải Thoát hằng khen ngợi! Một hiền nhân như vậy quả rất xứng đáng cho hậu thế ngưỡng mộ, và ghi tên ông vào sử sách! Quả lành cao thượng nhất của cuộc đời ông, chính là mãn kiếp chót ông đã được siêu thoát!

Toàn thể Phật tử chúng ta ngày hôm nay, khi tưởng nhớ đến Thánh Tu Ðà Cấp Cô Ðộc, nếu không phải để noi gương đại hạnh giải thoát, thì chẳng còn một mục đích nào quí báu hơn!

Dù cố gắng, nhưng bản dịch này chắc cũng còn khuyết điểm, dịch giả ngưỡng mong chư vị thông hiểu đạo Phật bổ túc cho. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ!

 

Nguyện chia đều phần phước phiên dịch này đến tất cả chúng sanh và những Thiện nam tín nữ hữu duyên đã trực tiếp hay gián tiếp ủng hộ dịch giả trong công tác sưu tầm tài liệu và hùn phước ấn tống!

Dịch giả cũng không quên hồi hướng một phần phước báu đến song đấng sinh thành, và các ân nhân, Thầy Tổ của dịch giả.

Nguyện cầu cho dân tộc Việt Nam sớm thoát khỏi cảnh khổ, và chúng sanh nhân loại đừng oan trái lẫn nhau!

Nguyễn Ðiều
(Paris mùa Vu Lan 1993)

-ooOoo-

Chú Thích trong Lời Nói Ðầu

(1) Theo học giả Hellmuth Hecker thì chữ "Visàkhà" có nghĩa là "Nét đẹp tháng năm". Nhưng theo thiển ý của người dịch tập sách nhỏ này, thì từ ngữ "Visàkhà" khi dùng đặt tên người có thể trùng nghĩa với danh từ Vesàkhà, một đơn vị thời gian nằm giữa hai tháng: tháng tư và tháng năm Dương lịch. Các quốc gia theo hệ thống Phật giáo Nam-truyền như Ai Lao, Cao Miên, Thái lan, Miến Ðiện, Ấn Ðộ, Népal, Tích Lan v.v.. Thường gọi tháng tư âm lịch là tháng Vesaka. Vầng trăng rằm của tháng Vesaka này tuyệt đẹp, vì trong khoảng thời gian ấy, bầu trời rất trong, khí hậu rất ấm. Vả lại, ba ngày lễ lớn của Phật giáo là lễ Bồ Tát Ðản Sinh, Bồ Tát Thành Ðạo và Phật Nhập Niết bàn cũng trùng vào ngày rằm tháng Vesaka (hay tháng tư âm lịch) này. Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam còn gọi ngày rằm tháng tư là lễ "Tam Hợp".

Bởi các lý do trên, dịch giả xin mạn phép dịch tên Visàkhà thành "Nguyệt Trang Ðài" để diễn tả đức hạnh của người nữ đại ân nhân của Tăng Già thời Phật còn tại thế.

Ngoài ra, theo sách "Pàli English" của T.W Rhys Davids và William Stede, do Pàli Text Society, Luân Ðôn xuất bản thì từ ngữ "Visàkhà" là một danh từ nữ tính, gồm hai phần "Vi" và "Sàkhà".

- "VI" là một tiếp đầu ngữ có nghĩa là "có hai", "tái mọc ra lại" "tái phân phối", "còn sinh ra nữa" v.v...

- "SÀKHÀ" là một ngữ căn nữ tính có nghĩa là "vật nhiều chi nhánh" hay "cành lá sum suê". "Sàkhà" cũng ám chỉ người đàn bà có mái tóc đẹp, hay mỹ nhân đeo nhiều nữ trang. Còn đối với động vật hay thực vật, chữ "Sàkhà" nghĩa là có khả năng thay vỏ, thay lá để làm trẻ trở lại.

(Nguyễn Ðiều sưu tầm)

-ooOoo-

Vài câu thơ nói về Thánh nhân

TU ÐÀ CẤP CÔ ÐỘC

"Tâm chánh tín vững vàng không lay chuyển
Hàng Thánh nhân thanh tịnh giữa cuộc đời
Nghèo chẳng buồn, sang cũng thản nhiên thôi
Trong suy thịnh, chứa đầy duyên phúc, đức...
Cấp Cô Ðộc, một hiền nhân Hộ pháp!"

-ooOoo-

 

TU ÐÀ CẤP CÔ ÐỘC - MỘT ÐẠI TÍN THÍ

Rất nhiều bài pháp của đức Phật được kết tập trong Tam tạng giáo lý (Tipitaka) đã mở đầu bằng kinh văn sau đây:

"Ta được nghe như vầy! Một thuở nọ, đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá của bá hộ Cấp Cô Ðộc hiến dâng, trong vườn Thái tử Kỳ Ðà (Jeta), gần thành Xá Vệ (Sàvatthì)..."

 

Lời mở đầu đó hiển nhiên đã giới thiệu cái tên Cấp Cô Ðộc (Anàthapindika) - giới thiệu một cách long trọng và sâu rộng trong hàng tứ chúng. Nhất là các hàng tứ chúng sau này, khi đức Phật đã nhập diệt!

(Tứ chúng là bốn hạng tín đồ Phật giáo, gồm: Thiện nam (Upàsaka), Tín nữ (Upàsikà), Tỳ Khưu (Bhikkhu), và Tỳ Khưu Ni (Bhikkhunì).

"Cấp Cô Ðộc" (Anàthapindika) vốn là một danh hiệu ám chỉ một "Mạnh Thường Quân" hằng phân phát thực phẩm đến dân nghèo (Piịđa), thường là những dân nghèo hành khất, không được ai che chở (Anàtha), nên đã trở thành một "Tước vị" danh dự cho dòng họ Trưởng giả Tu Ðà (Sudatta) của thành phố Xá Vệ (Sàvatthì).

- Vậy Tu Ðà Cấp Cô Ðộc là ai?

- Ông đã gặp đức Phật trong trường hợp nào?

- Ông đã chứng nghiệm được Pháp bảo gì mà trở nên một đại hiền nhân như thế?

Ðể trả lời cho các câu hỏi trên đây, chúng ta thử tra cứu những điển tích ghi trong Tam tạng Pháp bảo của đức Phật để lại.

Theo học giả HELLMUTH HECKER thì cuộc đời đại thiện của ông bá hộ Tu Ðà Cấp Cô Ðộc (SudattAnàthapindika) có thể được trình bày thành sáu tiểu đề như sau:

I. Tu Ðà Cấp Cô Ðộc gặp Phật và trở thành môn đồ.
II. Tu Ðà Cấp Cô Ðộc một đại Hộ pháp.
III. Gia quyến Tu Ðà Cấp Cô Ðộc.
IV. Tu Ðà Cấp Cô Ðộc tiếp độ gia nhân và thân hữu.
V. Những bài pháp Phật thuyết cho Tu Ðà Cấp Cô Ðộc.
VI. Ðoạn chót cuộc đời.

Chân thành cám ơn anh Bình Anson đã gửi tặng phiên bản điện tử (04-2001)

Lời nói đầu | Phần 1 | Phần 2 | Phần 3

 


Cập nhật: 1-5-2001

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang