Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Lịch sử Ngài A-nậu-lâu-đà (Anuruddha)
Ðức ngữ: Hellmuth Hecker; Anh ngữ: Nyànaponika
Việt ngữ: Nguyễn Ðiều (1993)

Phần 2
II
A NẬU LÂU ÐÀ TIẾN LÊN THÁNH HẠNH A LA HÁN

Sau khi đắc được Thiên Nhãn Thông và các thần thông khác, nhờ tinh tấn thực hành Thiền định (Samàdhi), nhất là đã vượt lên các bậc Thiền Hữu sắc, A Nậu Lâu Ðà nguyện nhất tâm phát triển xa hơn nữa công phu thiền pháp của mình, hầu sớm đạt đến đạo quả giải thoát A-la-hán (Arahatta). Nhưng trước khi chứng thật cứu cánh ấy, ông đã phải rèn luyện thánh hạnh và đấu tranh rất nhiều với bản thân, để tẩy trừ mọi phiền não vi tế trong tâm, nhất là căn tính cuối cùng của cái "ta" là "không muốn hành động theo ý của người khác". Có ba thuật sự gương mẫu đáng kể lại cho đời sau là:

Một lần nọ, Thiền sư A Nậu Lâu Ðà tịnh tu cùng với Sa-môn Nandiya, vốn là anh em chú bác trong hoàng tộc, (theo Tôn Túc Kệ Ngôn câu 25: Theragàthà 25), và Tỳ-khưu Kimbila, em ruột của ông, (theo Tôn Túc Kệ Ngôn câu 118, và Tăng Chi A Hàm số 5/201, 6/40, 7/56, cũng như Tạp A Hàm số 54/10 = Theragàthà 118, Anguttara Nikàya 5/201, 6/40, 7/56, Samyutta 54/10).

Cả ba vị đã đến hành thiền giữa ngôi rừng phía Ðông vườn Trúc Lâm, một cách hoàn toàn "cô độc". Ý nói tuy họ có mặt đến ba người trong cùng một hoang địa. Nhưng hằng ngày họ chẳng bao giờ gặp nhau. Trình độ thuần thục thiền pháp của họ đã hoàn toàn vững chắc, khiến cả ba hành giả thật không cần sự hỗ trợ qua lại. Tuy nhiên, luật cộng đồng chẳng cho phép họ sống biền biệt, nên họ phải ước hẹn cứ mười lăm ngày hội họp một lần, để làm lễ "phát lồ" (sám hối) và luận đạo. Sự hội họp của họ cũng an lạc, hòa thuận một cách đặc biệt, đến đỗi biến thành ba huyền thoại phạm hạnh, loan truyền ra khắp vùng xung quanh, khiến cho ai nghe cũng khen ngợi! Không như nhóm Tăng sĩ luôn luôn gây gổ, chia rẽ nhau ở Kosambì!

Khi đức Phật đến thăm ba đệ tử ấy và hỏi Sa-môn A Nậu Lâu Ðà nhờ pháp gì mà ông sống hòa thuận một cách tuyệt đối với hai huynh đệ, thì được ông trả lời:

- Bạch đức Thế Tôn! Thật vậy, chúng đệ tử ba Tỳ-khưu ẩn tu trong ngôi rừng này, hằng ngày hành động qua thân, khẩu hay ý, luôn luôn dựa trên thiện pháp quên mình, dẹp bỏ cái "ngã" và làm mọi cách đem an vui đến những người xung quanh. Pháp ấy không bắt buộc chúng đệ tử phải thường xuyên gặp nhau bằng xương bằng thịt, mà vẫn gặp nhau bằng tâm hồn ôn hòa, từ ái. Không có một hành động, lời nói hay ý nghĩ nào của chúng đệ tử ba người mà bắt nguồn từ sự bất thiện cảm với đồng đạo, có thể phát sinh. Thành thử sự bình an và hòa thuận là một tịnh quả tất nhiên. Mỗi cá nhân trong chúng đệ tử luôn luôn tâm niệm rằng: "Khi ta muốn làm một điều gì, thì ta hãy dẹp cái điều ta muốn sang một bên, và ta phải cố gắng làm những điều mà huynh đệ ta muốn". Rồi chúng đệ tử cả ba đều hành động như thế, nên an vui vô cùng. Có thể nói là chúng đệ tử tuy ba người, nhưng chỉ có một tâm hồn thiện hạnh nằm trong ba thân thể tạm bợ này.

Tiếp theo đức Phật hỏi A Nậu Lâu Ðà về tiến bộ tu tập của cả ba Sa-môn ra sao, xem họ có thành quả tâm linh nào đáng kể, vượt khỏi khả năng trung bình phàm tình hay không, thì được A Nậu Lâu Ðà trả lời:

- Bạch đức Thế Tôn! Chúng đệ tử đã gặp nhiều chướng ngại pháp, nhất là "nội ma" trong tâm luôn luôn quấy nhiễu, nhưng nhờ tinh tấn và kiên trì dẹp bỏ cái "ta" mà chúng đệ tử đã vượt qua. Giờ đây chúng đệ tử đã củng cố được linh lực của trí tuệ, chứng thật sự bừng sáng của nội tâm - Obhàsa Sannà (1), thấy rõ nhiều "hình thái" vô cùng quang minh, kỳ diệu và vi tế - Rùpànaô Dassana (2) .

Nhưng bạch đức Thế Tôn! Kết quả siêu phàm ấy, chúng đệ tử chỉ chứng đắc trong khi hành thiền mà thôi, chứ bình thường không thể vận dụng được! Và chúng đệ tử không hiểu tại sao? Yêu cầu đức Bổn Sư chỉ dạy.

Ðức Phật liền giảng giải rằng:

- Một hành giả khi tham thiền, đối diện với trạng thái tâm linh biến hiện có điều kiện tiên lập như thế, mà muốn vượt qua thì phải tinh tấn loại trừ mười một Tùy phiền não (Ekadasùpakkilesà).

- Nầy A Nậu Lâu Ðà! Vậy chứ mười một Tùy phiền não ấy là gì? Là Hoang mang (hồ nghi), Lơ đãng (phóng tâm), Mỏi mệt (buồn ngủ) và Lo âu (hồi hộp) (3) v.v... Bốn chướng ngại pháp đầu tiên này nếu hành giả không vượt qua thì chẳng thể tu thiền được! Còn ngược lại nếu họ chiến thắng nổi chúng, thì bảy Tùy phiền não tiếp theo sẽ lần lượt phát sanh, hễ cái nầy bị loại thì cái kia hiện ra, như một hàng số lũy tiến, số sau là kết tập của số trước.

- Này A Nậu Lâu Ðà! Ví thử có một hành giả, nhờ tinh tấn tu thiền mà vượt thắng được bốn Tùy phiền não đầu tiên nói trên, thì họ sẽ thụ chứng rõ rệt một trạng thái Khoái cảm thuộc về thân thể rất đáng ưa thích. Sự "khoái cảm" ấy sẽ nhập vào ý thức, biến thành một thứ Phỉ lạc làm cho tâm tư nhẹ nhàng, ngây ngất, ngây ngất đến độ họ có thể bị mắc dính trong "phỉ lạc", không muốn mất "phỉ lạc". Tình trạng này làm cho nhiều thiền giả bị dừng lại ở đó, không tiến xa trên con đường tu thiền. Nhưng nếu có hành giả dũng mãnh tinh tấn hơn nữa, thì họ phải sử dụng một thiền lực Cực tịnh, tách rời mọi sự ưa thích phỉ lạc, để đưa tâm linh quán trú vào đề mục. Từ đó "thiền lực cực tịnh" ấy sẽ đẩy tâm tư của thiền giả vào một trạng thái mới gọi là Tán thức, tức là khi vượt qua giai đoạn "phỉ lạc", thiền giả vốn dùng quá nhiều "định lực" (Cực tịnh), nên thiền tâm lại rơi vào trong tình trạng "tán thức", nghĩa là như muốn bay bổng, hụt hẩng, như muốn khinh thân vậy. Và vì cường độ cảm nhận ngoại trần ở tình trạng "tán thức" này rất yếu, nhường chỗ cho những tỉnh niệm hướng thượng, nhất là hướng về Thiên giới, hay Phi địa tiên, hoặc hội tụ để phát sinh "nội quang" trong tâm thiền giả.

Nhưng này A Nậu Lâu Ðà! Khoảng giữa "Cực tịnh" và "Tán thức" lại có một giai đoạn mà thiền tâm của hành giả hội tụ ở nhiều "cảnh sắc" khác nhau, thường là thiền tâm ấy vừa hội tụ vừa tìm kiếm những cảnh sắc thích hợp để thử an trú nơi đó, nên cái " nội quang" nói trên chợt xuất hiện, chợt biến mất, và lập lại nhiều lần, khiến cho hành giả sinh lòng ham muốn nắm giữ. Kết quả, có một Tùy phiền não thứ chín xuất hiện là Dự tưởng. "Dự tưởng" này sẽ dẫn thiền tâm của hành giả đến nhiều "Nhiễu ấn" chập chờn, để cuối cùng chỉ có một "Ấn pháp" thích hợp ở lại để làm điểm tựa cho thiền tâm. Và sự thỏa mãn của hành giả cũng sẽ phát khởi để ôm chặt "Ấn pháp", rồi gia tăng tinh tấn. Mức độ gia tăng tinh tấn của Tùy phiền não thứ mười này sẵn được thỏa mãn của hành giả hỗ trợ, nên rất mạnh, có thể đưa đến Tùy phiền não thứ mười một là Chấp niệm.

Và này A Nậu Lâu Ðà! Một thiền giả khi rơi vào trong Tùy phiền não "Chấp niệm" mà không biết áp dụng pháp Tứ Vô Lượng Tâm, nhất là pháp Vô Lượng Tâm Xả, để giải trừ, thì sẽ bị lầm lạc.

(Lời thêm của dịch giả: Ðể cho quí vị dễ nhớ hơn, chúng tôi xin kê khai vắn tắt, tên của mười một Tùy phiền não theo thứ tự như sau: 1/ Hoang mang, 2/ Lơ đãng, 3/ Mỏi mệt, 4/ Lo âu, 5/ Khoái cảm, 6/ Phỉ lạc, 7/ Cực tịnh, 8/ Tán thức, 9/ Dự tưởng, 10/ Nhiễu ấn, 11/ Chấp niệm. Ngoài ra, ba ký số (1), (2) trong lời thưa của A Nậu Lâu Ðà và (3) trong lời giảng của đức Phật, cũng xin chú thích như sau:

(1) Sự bừng sáng trong tâm: Obhàsa Sannà, ám chỉ những ảnh tượng có hào quang. Nhưng theo chú giải, trạng thái ấy còn có tên là Parikammobhàsa, tức là thiền giả đã đạt được Cận định, gần đắc vào Nhất Thiền, nên mới có ánh sáng như thế.

(2) Rùpànâ Dassanâ ám chỉ sự thấy tương đương với bậc có Thiên Nhãn Thông.

(3) Lo âu là Tùy phiền não thứ tư, ám chỉ phản ứng của hành giả trước các quái tượng thường hiện ra, có đặc tính gây sợ sệt cho những ai tu thiền, đã cố gắng vượt qua ba Tùy phiền não đầu. Các quái tượng này hầu hết không phải do ma chướng trong tâm thiền giả hiển lộng, mà là do những chúng sanh vô hình, như ngạ quỉ hay A tu la chẳng hạn, sống trong môi trường của người tu thiền, đồng thời tịnh tâm của người tu thiền cũng thuần thục, có thể "giao kiến" được với những chúng sanh vô hình đó.)

Theo kinh Trung A Hàm số 128 (Majjhima Nikàya 128) thì khi ấy đức Phật đã giảng giải rõ mười một Tùy phiền não luôn luôn xảy ra cho một thiền giả nhiều quyết tâm, nhẫn nại và tinh tấn, đúng như kinh nghiệm bản thân của Phật đã từng trải qua, chứ không phải do Ngài dùng Thánh tuệ của một bậc Toàn Giác mà biết được.

Phần cuối, đức Phật lại dạy cho A Nậu Lâu Ðà cách áp dụng Vô Lượng Tâm Xả để giải trừ Tùy phiền não thứ mười một, và cũng là "Tùy phiền não chót" trong các chướng ngại pháp, hầu giúp ông tiến lên Thánh hạnh một cách vững chắc. Ðoạn đức Phật chúc lành cho ba đệ tử tinh tấn tu hành, rồi Ngài trở lại Trúc Lâm tịnh xá...

A Nậu Lâu Ðà, sau đó tuy đã tiến triển mỗi ngày một tinh vi trong các bậc thiền, và dù hoàn toàn thuần thục trong nhiều Tịnh pháp Hữu sắc, thế mà một hôm ông đã đến gặp Trưởng lão Xá Lợi Phất (Sàrìputta) và nói rằng:

- Này đạo huynh Xá Lợi Phất! Bằng "con mắt thanh tịnh" (Thiên Nhãn) đã được định lực rèn luyện, trở nên siêu phàm, tiểu đệ thường nhìn thấy hàng ngàn vạn chiều vũ trụ. Nhất thời nguyện lực của tiểu đệ rất hùng hậu và bất thối. Tinh thần của tiểu đệ luôn luôn giác tỉnh và sáng tỏ. Thể xác của tiểu đệ đang lành mạnh và không bị kích thích bởi bất cứ trần cảnh gì. Trí nhớ của tiểu đệ có thể gợi lại dễ dàng và rõ rệt trước mọi đề mục. Thế nhưng tâm linh của tiểu đệ hiện tại vẫn chưa được tự do, giải thoát khỏi những phiền não vi tế là nghĩa làm sao?

Trưởng lão Xá Lợi Phất liền trả lời:

- Này hiền đệ A Nậu Lâu Ðà! Khi hiền đệ nghĩ rằng hiền đệ đã đắc "Thiên Nhãn", có thể nhìn thấy ngàn vạn chiều vũ trụ, tức là sự tự phụ đang hiện diện trong tâm hiền đệ! Khi hiền đệ nghĩ rằng nguyện lực của hiền đệ đang bất chuyển, tinh thần của hiền đệ luôn luôn giác tỉnh, thân thể của hiền đệ vẫn lành mạnh, trí nhớ của hiền đệ hằng minh mẫn, tức là sự loạn động vì tự mãn (một loại tư duy ràng buộc) đang có mặt trong tâm hiền đệ đấy. Khi hiền đệ nghĩ rằng tâm linh của mình không được tự do với những phiền não vi tế, tức là hiền đệ bị chướng ngại pháp Hồ nghi quấy nhiễu. Tốt hơn hiền đệ nên xua đuổi ba thứ tư tưởng bất thiện ấy đi, rồi dồn hết mọi tư duy vào các pháp Vô thường, Khổ não và Vô ngã, nhất là dồn chú ý vào cứu cánh "Bất hữu", "Bất thủ", "Vô sinh", "Vô diệt", "Niết bàn".

Sau khi nghe những lời hướng dẫn của Trưởng lão Xá Lợi Phất (Sàrìputta), A Nậu Lâu Ðà (Anuruddha) liền trở về tịnh cốc, tiếp tục cuộc sống cô độc, tinh tấn hành thiền, cố gắng loại trừ ba chướng ngại ấy trong tâm. (theo Anguttara Nikàya 3: 128 - Tăng Chi A Hàm số 3: 128).

Một lần khác, A Nậu Lâu Ðà ẩn tu trong lãnh thổ bộ lạc Cetiya, nằm về hướng Ðông vườn Trúc Lâm. Một hôm trong khi đang hành thiền thì thiện tư duy sau đây bỗng hiện lên trong tâm ông:

- Bậc Ðại sĩ (Mahàpurisavitakka) là người phải có đời sống gồm đủ bảy phẩm cách cao thượng là: 1/ Thanh đạm, 2/ Tri túc, 3/ Ẩn dật, 4/ Quả cảm, 5/ Cảnh giác, 6/ Ðịnh tâm, 7/ Trí tuệ. Như thế một Sa-môn trong Phật giáo không nên thiếu bảy đức tính này.

Ðức Phật dùng Tha Tâm Thông biết rõ ý nghĩ ấy trong tâm vị Tỳ-khưu em họ, và cũng là đệ tử. Ngài liền hiện đến trước mặt A Nậu Lâu Ðà để tiếp độ và khen ngợi rằng:

- Này A Nậu Lâu Ðà! Lành thay là điều ông đang tư duy! Ông đã ngưỡng mộ bảy đức tính mà một vĩ nhân không thể thiếu được như thế nào, thì trong thiền pháp của Như Lai, một Sa-môn hành giả, chẳng những không thể thiếu bảy đức tánh ấy, mà họ còn phải có thêm đức tính thứ tám là Không phóng tâm vào trần cảnh nữa! Tỳ-khưu nào là người đã nghe hiểu giáo pháp của bậc Toàn Giác, mà còn có khuynh hướng để tâm duyên theo những thỏa mãn phàm tình, thì Tỳ-khưu ấy thật không xứng đáng làm đệ tử Phật dạy.

(Nhóm chữ "không phóng tâm vào trần cảnh" trên đây ám chỉ từ ngữ (Pàli) trong kinh Phật là "Nippapanca", tức không có khuynh hướng mắc dính vào Ngũ trần: sắc, thinh, hương, vị, và xúc. Hay sự giải thoát dứt khoát khỏi tham luyến xác thân hữu hình, đa tính và phức tạp của con người. Rồi "Hữu Dư Niết Bàn" bản chất vốn là trạng thái giải thoát khỏi khổ thân hiện tại nầy vậy! Ngược lại, cũng trong kinh Pàli, chữ "Papanca", không có tiếp đầu ngữ "NIP" có nghĩa là tâm mắc dính, đắm chìm trong các dục lạc ngũ trần, và chịu vô số thống khổ, tương đương với đặc tính đa dạng và phức tạp của những chúng sanh hữu thể luân hồi).

Ðức Phật còn nhấn mạnh với A Nậu Lâu Ðà rằng:

- Nếu trong khi hành thiền, phát triển được tám đức tánh ấy mà ông có thể đạt được Tứ Thiền dễ dàng, theo ý muốn, thì từ đó ông sẽ không còn bị Ngũ trần (sắc, thinh, hương, vị, và xúc) ảnh hưởng tới tâm nữa. Ðời sống thể xác của ông lúc ấy cũng sẽ an vui, tri túc với bốn món vật dụng tối thiểu là y phục, thực phẩm, chỗ ở, và thuốc trị bệnh... Trạng thái này có thể so sánh như một người trần tục hưởng thụ những xa xỉ phẩm vậy. Bốn món vật dụng đạm bạc ấy hằng ngày không làm cho ông mắc dính Ngũ trần, trái lại nhờ nó che chở thân thể mà ông có thể tinh tấn hành thiền để đạt đến đích giải thoát cao thượng.

Lúc đức Phật từ giã vị đệ tử nầy, Ngài cũng khuyên A Nậu Lâu Ðà nên tiếp tục ẩn tu trong vùng phía Ðông vườn Trúc Lâm. A Nậu Lâu Ðà cung kính vâng lời, và ông đã tịnh nhập một mùa an cư kiết hạ viên mãn ở đó. Theo kinh Tăng Chi A Hàm số 3/30 (Anguttara Nikàya 3: 30), thì A Nậu Lâu Ðà nhờ tinh tấn vượt bực, nên sau đó chẳng bao lâu ông đắc quả A-la-hán (Arahatta). Thành thử, lần Phật đến hỗ trợ ông ấy, cũng là lần tiếp độ sau cùng, bởi một Thánh nhân A-la-hán là bậc đã biến thành "Vô học", "Vô nhiễm" và "Bất đọa" vậy!

Ngay khi vừa đắc quả A-la-hán, Thánh nhân A Nậu Lâu Ðà đã ứng khẩu ngâm mấy câu kệ, cúng dường đức Phật rằng:

"Người đã biết tận tâm tư đệ tử
Ðức Bổn Sư, bậc Siêu Thế đến đây
Bằng linh ý, bằng khinh thân bí tự
Người khai quang tâm tánh cá nhân nầy.

Phật xuất hiện khi thiền tâm cần học
Ðem phúc ngôn cao ngất chín từng mây
Dạy cho thấy căn ngũ trần ô trọc
Diệt tư duy [1] dứt sinh tử đọa đày

Giờ đệ tử trong xứ thiền an trú
Không phân tâm ra ngoại cảnh vần xoay
Tuệ giải thoát và Tam Thông [2] tích tụ
Phật ngôn kia hành đắc chữ Không nầy.

(N. Ð. thoát dịch ra văn vần, theo các Tôn Túc Kệ Ngôn số 901-903 trong Tăng Chi A Hàm 8:0 = Theragàthà 901-903, Anguttara Nikàya 8:30).

[1] ] Tư duy ở đây ám chỉ sự vừa lòng, và trông đợi những gì phàm tình ưa thích, kể cả các kết quả tu thiền.

[2] Tam Thông là: 1/ Thiên Nhãn Thông (thấy hết mọi chúng sanh, vô hình lẫn hữu hình), 2/ Túc Mạng Thông (nhớ tất cả các tiền kiếp), 3/ Lậu Tận Thông (diệt tận phiền não của chính mình).

 

[ IV]

A NẬU LÂU ÐÀ VÀ THÁNH PHÁP TỨ NIỆM XỨ (Catu Satipatthàna)

Con đường tu luyện viên dung của A Nậu Lâu Ðà có hai sắc thái nổi bật là thần thông tuyệt đỉnh (nhờ Thiền định) và giải thoát rốt ráo (nhờ pháp Tứ Niệm Xứ = Catu Satipatthàna).

Trong ba chương trước, chúng tôi đã đề cập về sự đắc các bậc Thiền định, đạt được nhiều loại thần thông hạn hữu, nhất là Thiên Nhãn Thông, của Thánh Tăng rồi. Bây giờ xin nói qua pháp Tứ Niệm Xứ mà ông cũng là bậc có khả năng rèn luyện thành công siêu đẳng.

Sách chép: Thánh Tăng A Nậu Lâu Ðà nhiều lần được hỏi nhờ đâu ông có một sự hiểu biết vô cùng "vĩ đại" (ám chỉ Linh tuệ trực giác: Mahàbhinnatà), bao gồm cả năm loại năng lực siêu phàm (như thấy xa vạn dặm, ngửi xa vạn dặm, nếm xa vạn dặm, và tàng hình, biến hiện thân xác ở bất cứ nơi nào mình muốn, để tiếp xúc với đối tượng) - Cùng phẩm cách tuyệt đỉnh thứ sáu là đắc quả A-la-hán, giải thoát?

Trong mỗi trường hợp A Nậu Lâu Ðà luôn luôn trả lời rằng:

- Bần Tăng nhờ thực hành thiền định không gián đoạn, và sống với bốn Thánh Pháp Niệm Xứ (Satipatthàna) mà đạt được một số Thần Thông và Thánh quả giải thoát". (theo Tạp A Hàm số 47/28, 52/3, 6 và 11).

Riêng các khả năng siêu phàm, nhất là khả năng nhớ lại đến hàng ngàn chu kỳ đại kiếp trước, thì câu trả lời của Thánh Tăng có nội dung tương tự, được tìm thấy trong hai đoạn kinh Tạp A Hàm số 52/12 và 52/11 (Samyutta Nikàya 52/12, 52/11).

Và để đề cao sự diệu dụng của riêng pháp Tứ Niệm Xứ, Thánh Tăng A Nậu Lâu Ðà còn nói:

- Niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm, và niệm Pháp. Bốn thiền tác này hằng giúp cho bần Tăng kiểm soát được những phản ứng vi tế nằm sâu trong cảm thức hướng thiện, Ariya Iddhi.

(Chữ "Ariya Iddhi", học giả Hellmuth Hecker dịch ra Anh ngữ là: Emotive reaction, called "The power of the noble ones").

Tiếp theo, A Nậu Lâu Ðà còn giải rõ:

- Nhờ bốn Niệm ấy mà bần Tăng có thể giác tịnh, thấy được tâm nào là tâm thúc đẩy tạo nghiệp, và tâm nào là tâm không thúc đẩy tạo nghiệp, rồi bần Tăng vô tư, khách quan, xem nó như nhau, bình đẳng, và thực hiện pháp Xả. (theo Tạp A Hàm số 52/1: Samyutta Nikàya 52/1).

(Quí vị nào muốn nghiên cứu xa hơn về "Thiền Tâm Bình Ðẳng, và Pháp Xả" nói trên, hãy đọc cuốn "The Heart of The Buddhist Meditation" của Nyànaponika, do London Rider và Co. , xuất bản năm 1962, nhất là trang 181, đoạn 45).

Xa hơn nữa, Thánh Tăng A Nậu Lâu Ðà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thực hành Tứ Niệm Xứ như sau:

- Bậc xuất gia mà chểnh mảng việc tu hành pháp Tứ Niệm Xứ thì chẳng khác nào họ không muốn tiến bước trên con đường Bát Chánh. (theo Tạp A Hàm số 52/2). Vì rằng bốn Thánh Pháp Niệm Xứ này là ngọn đuốc soi đường, đưa hành giả đến mục tiêu cuối cùng giải thoát, chấm dứt mọi khát vọng, và tham lam. (theo Tạp A Hàm số 52/7: Samyutta Nikàya 52/7). Ví như dòng nước con sông Hằng, chảy qua Trung Ấn, không thể nào không ra biển, thì một Sa-môn khi thực hành Thánh pháp Tứ Niệm Xứ, cũng không thể nào rời xa đời sống phạm hạnh, thanh tịnh, để trở lại kiếp sống đau khổ trần tục. (theo Tạp A Hàm số 52/8).

Một lần nọ, A Nậu Lâu Ðà bị bệnh nặng, ông đã làm cho tất cả đồng đạo vô cùng ngạc nhiên về pháp thanh tịnh tâm thức của ông. Mức độ đau đớn thân xác do thân bệnh ông gây ra, nếu là người khác thì phải lăn lộn, quằn quại, hoặc ai gan lì lắm cũng phải run rẩy tay chân, nhăn nhó mặt mày. Thế mà A Nậu Lâu Ðà vẫn điềm tĩnh dịu hòa. Ông thản nhiên giữ tâm trong pháp thiền, như một nhà điêu khắc lộ thiên chăm chú tô điểm tác phẩm duy nhất của mình, mà không biết gì đến mưa nắng gay gắt, hay gió bão xung quanh. Ðược hỏi nhờ đâu ông có thể chịu nổi những khổ bệnh tàn khốc như thế, A Nậu Lâu Ðà liền trả lời:

- Bần Tăng nhờ để tâm thường trú trong Thiền Pháp Tứ Niệm Xứ." (theo Tạp A Hàm số 52/10).

Một hôm, Trưởng lão Xá Lợi Phất (Sàrìputta) đến thăm A Nậu Lâu Ðà vào buổi tối, và hỏi vị sư đệ này hiện tại đang thực hành thiền pháp gì, mà nét mặt ông luôn luôn tươi tỉnh và thanh tịnh, thì được trả lời:

- Bạch đại huynh! Tiểu đệ hằng giây hằng phút thường an trú tâm thức trong thiền Tứ Niệm Xứ! Vì niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm, và niệm Pháp là bốn sinh hoạt trong đời sống tinh thần của một bậc giải thoát A-la-hán.

Nhờ đó Trưởng lão Xá Lợi Phất mới biết được sự đắc quả Thánh Bất Lai của A Nậu Lâu Ðà. Trưởng lão liền tỏ lòng hoan hỷ, và tán thán công phu của vị Thánh nhân sư đệ. (theo Tạp A Hàm số 52/9: Samyutta Nikàya 52/9).

Một lần khác, cả hai Trưởng lão Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên (Sàrìputta ca Mahà Moggallàno ca), nhân cùng dịp luận đạo với A Nậu Lâu Ðà (Anuruddha), bèn hỏi ông sự khác biệt giữa một bậc đang tu tập (Sekhà) để tiến lên Thánh quả A-la-hán, với một bậc đã hoàn toàn giải thoát, không còn rèn luyện tâm tánh nữa (Asekhà), thì cũng được ông trả lời như sau:

 

- Bạch nhị vị đại huynh! Sự khác biệt giữa hai bậc ấy có thể nhìn thấy rất rõ ràng trong tư cách thực hành Thiền pháp Tứ Niệm Xứ của họ! Bậc thứ nhất chỉ thuần thục một phần trong Thánh Pháp này, nên phải còn tu luyện thêm nữa, còn bậc thứ hai đã hoàn toàn thụ đắc, rồi đạo quả luôn luôn nằm trong tâm tư họ, khiến họ "sống bằng Tứ Niệm Xứ" chứ không phải cố gắng thực hành Tứ Niệm Xứ nữa (theo Tạp A Hàm các số 52/4 - 52/5: Samyutta Nikàya 52/4-5).

 

(Lời thêm của dịch giả: Theo kinh điển Phật Giáo Nam truyền thì chữ "Sekhà" thường được dịch là bậc "Hữu học", ám chỉ ba hạng Thánh đầu tiên là Tu Ðà Hườn, Tư Ðà Hàm, và A Na Hàm. Họ còn luân hồi từ một đến bảy kiếp nữa, mới được giải thoát, nên phải tiếp tục tu tập. Nhưng chữ "Asekhà" ám chỉ Thánh quả A-la-hán, nghĩa là bậc "hết học" hay "vô học", không bị luân hồi nữa. Hạng Thánh nhân A-la-hán này, khi hết tuổi thọ là nhập Niết bàn, giải thoát, như đức Phật vậy).

Ngoài ra, A Nậu Lâu Ðà cũng tiết lộ là ông đã đắc được "Thập Ðại Thần Công" (Dasatathàgatabàla) như một vị Phật. Tuy nhiên, chú giải lại ghi rằng "Thập Ðại Thần Công" của A Nậu Lâu Ðà không hoàn toàn như "Thập Ðại Thần Công" của một bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác. (theo Tạp A Hàm số 52/15-24: Samyutta Nikàya 52/15-24).

Lời nói đầu | Phần 1 | Phần 3 | Phần 4

 


Cập nhật: 14-3-2001

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang