Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

 Đại đức Hui Li 

Một trong những bài học đầu tiên trong Phật giáo là Vô thường

Hoàng Phong dịch


 

Bài phỏng vấn của nữ ký giả Béatrice HOPE

 

Lời giới thiệu của người dịch : Phật giáo ngày nay không những được phổ biến trong các quốc gia tân tiến ở Âu châu và Mỹ châu mà còn đi sâu vào những vùng xa xôi mà phần đông chúng ta không ngờ đến. Dưới đây là phần chuyển ngữ một bài báo phỏng vấn một nhà sư người Đài Loan rất tích cực trong việc hoằng pháp trên lục địa Phi châu. Bài báo được đăng ngày 30.10.09, trên tạp chí L’Express bằng tiếng Pháp của xứ Maurice và trên mạng epaper.lexpres.mu cũng của quốc gia này.

 

Lời giới thiệu của ký giả Béatrice Hope : Nhà sư Hui Li đã ghé vào đảo Maurice từ 26 đến 28 tháng 10, năm 2009. Ông dự định mở một tu viện để nuôi trẻ mồ côi tại đây. Nhu cầu nuôi dưỡng và chi phí giáo dục trẻ mồ côi sẽ được chu cấp đầy đủ, đồng thời giáo lý của Đức Phật cũng sẽ được mang ra giảng dạy cho các em. Đại đức Hui Li là một nhà sư được nhiều người biết đến, nhất là giới phật tử trong các quốc gia như Đài Loan, lục địa Trung quốc, Nam Phi. Dưới danh nghĩa Phật giáo Đài Loan và chùa Fo Guang Shan (Phổ Quang Sơn ?), chính ông đã đứng ra xây dựng ngôi chùa đầu tiên và và cũng là ngôi chùa lớn nhất trên lục địa Phi châu vào năm 1992, ngôi chùa này mang tên là Nan Hua và cũng là nơi dùng để giảng dạy Phật Pháp. Ngôi chùa Nan Hua tọa lạc trong vùng Bronhorstpruit tại Nam Phi.

 

Bài phỏng vấn nhà sư Hui Li

 

Thưa ông, ông thuộc vào trường phái Phật giáo nào ?

 

Tôi là đệ tử của Hòa thượng Hsing Yun người đã thành lập ngôi chùa Phổ Quang Sơn ở Đài Loan. Tôi thuộc học phái Thiền tông, tiếng phổ thông gọi là Chan và tiếng Nhật gọi là Zen, đó là một học phái chú trọng đến sự suy tư và nhập định.

 

Những sinh hoạt của ông hiện nay là gì ?

 

Ngoài ngôi chùa Nan Hua, tôi còn xây dựng được nhiều trung tâm khác ở Phi châu để nuôi dạy trẻ mồ côi. Tôi xây dựng trung tâm đầu tiên Amitofo Care Centre (Trung tâm Bảo dưỡng A-Di-Đà) vào năm 2003.

 

Hiện nay thì tôi đang quản lý tất cả năm Trung tâm như thế : hai ở Malawi, một ở Zimbabwe, một ở Lesotho và một ở Swaziland . Tôi cũng đang dự tính thành lập thêm nhiều trung tâm khác trên phần lục địa này.

 

Hiện nay có khoảng 3000 trẻ em đang được nuôi dững trong các trung tâm A-Di-Đà trên đây. Các em thuộc vào lứa tuổi từ 4 đến 15. Chúng tôi chăm sóc chúng như con nuôi vì cha mẹ chúng đã chết vì bịnh SIDA/HIV. Chúng tôi muốn mở ra cho chúng một chút viễn tượng của tương lai.

 

Ông đã dạy dỗ cho chúng những điều gì?

 

Các môn như tiếng phổ thông, cách hành thiền và võ thiếu lâm là các môn chính được đem ra dạy dỗ cho các em. Hiện nay, chúng tôi chỉ đủ sức phụ trách giảng dạy đến cấp tiểu học. Tuy nhiên cấp trung học sẽ được mở thêm trong tương lai gần đây.

 

Động cơ nào đã thúc đẩy ông ghé đến đảo Maurice ?

 

Tôi nhận lời mời của Ni sư Shi-sen Miow sinh sống ở Maurice. Bà đã ngỏ lời mời tôi nhiều lần, tuy nhiên trước đây tôi chưa tìm được dịp nào thuận tiện.

 

Ông có dự tính thiết lập một trung tâm hay một ngôi chùa nào ở đây hay không ?

 

Tôi cũng đang nghĩ đến việc ấy. Tốt hơn hết có lẽ nên thành lập một tu viện tiếp nhận trẻ mồ côi trước đã. Dù sao thì tôi cũng đang bận rộn trong việc quản lý và xây dựng thêm các trung tâm A-Di-Đà trên lục địa Phi châu... Hơn nữa, còn nhiều trở ngại trong công tác vận động trên phần đất này vì chúng tôi không nói được các ngôn ngữ của quý vị. Ngoài ra còn một điều nữa là chính quyền Maurice có sẵn sàng cấp cho chúng tôi giấy phép xây cất hay không. Hiện nay thì tôi chưa có thể tuyên bố gì cả....Còn phải chờ xem sao.

 

Phật giáo đã hiện diện trên lục địa Phi châu. Vả lại cũng phải nói là Phật giáo ngày càng phổ cập khắp nơi trên thế giới. Vậy ông có thể giải thích thật đơn giản giáo lý của Đức Phật là gì ?

 

Phật giáo được thiết lập bởi một người mang tên là Sĩ-đạt-ta Cồ-đàm. Vị ấy là vị Phật đầu tiên.

 

Đối với các tôn giáo khác, Trời chính là vị đã sáng tạo ra Địa cầu. Đức Phật không hề tự gán cho mình cái chức năng ấy. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải tin một cách mù quáng vào các lời giáo huấn của Ngài. Trái lại Ngài chỉ đơn giản khuyên bảo chúng ta hãy đem thực hành những lời giáo huấn ấy trước đã và sau đó tự mình xác định xem có thích hợp cho mình hay không.

 

Một trong những bài học đầu tiên trong Phật giáo là vô thường. Chúng tôi hiểu rằng tất cả mọi hiện tượng đều đổi thay. Chỉ có chính sự kiện đó [tức là vô thường] là không thay đổi mà thôi.

 

Chúng tôi cũng quán nhận được là những cảm nhận của chúng tôi về thế giới này được tạo dựng là do những gì đang xảy ra theo từng giây phút một trong con tim của chúng tôi, những phát hiện đó xảy ra một cách thật trung thực trong từng giây phút một.

 

Chính vì thế mà suốt trong 24 giờ, trong mỗi cá thể con người đều hiển hiện ra 1 000 tư duy khác nhau chung với thật nhiều thể dạng tâm thức khác nhau, tương đương với con số những tư duy.

 

Mỗi con người đều cảm nhận được sự vui mừng, giận dữ, buồn khổ... Tất cả những giác cảm ấy đều phát sinh từ một con tim duy nhất.

 

Một bài học khác là sự tương liên  của tất cả những gì hiện hữu. Chúng tôi hiểu rằng mỗi vật thể đều được cấu hợp bởi vô số thành phần. Khi đem tách rời các thành phần, thì vật thể ấy không còn nữa. Bởi vì tất cả đều liên kết với nhau.

 

Tuy nhiên một trong những lời dạy bảo căn bản nhất của Đức Phật là trong cuộc sống này ta phải luôn luôn canh chừng từng tư duy và từng hành động của mình. Chúng sẽ tích lũy và ảnh hưởng đến nghiệp của chính mình. Vì lý do đó mà chúng ta phải hành động một cách thật chín chắn. Vả lại cũng có thể nói rằng « Phật » chính là sự « Giác ngộ »..

 

Ghi chú của người dịch :

 

          Nước Cộng Hòa Maurice được chính thức thành lập vào ngày 12 tháng 3 năm 1992 sau khi dành được độc lập vào năm 1962. Thật ra lãnh thổ Công hòa Maurice chỉ là một hòn đảo nhỏ nằm vào phía tây nam của Ấn độ dương bên cạnh đảo Madagascar, thuộc bờ đông nam của lục địa Phi châu.

          Đảo có diện tích 1866 km², dân chúng sống nhờ vào kỷ nghệ trồng mía và trà, vì thế rừng bị tàn phá gần hết chỉ còn lại một vài đốm nhỏ trong các vùng núi. Người Hòa lan tìm ra đảo này trước nhất. Người Pháp tuy đến sau nhưng lại thành lập được thuộc địa tại đây. Dân số hiện nay là 1 268 835 người (thống kê ngày mùng 1 tháng 7 năm 2008).

          Trước tiên là người Pháp kéo nhau đổ bộ lên đảo để thiết lập thuộc địa, sau đó đến lượt người Anh và tiếp theo đó là các sắc dân nô lệ do người da trắng đưa từ lục địa Phi châu lên đảo. Sau hết là người Trung hoa và người Ấn độ cũng di dân đến đây. Ngôn ngữ chính gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng créole tức là một thứ ngôn ngữ pha trộn của dân địa phương sinh đẻ trên đảo. Các ngôn ngữ phụ gồm có các tiếng : hindi, bhojpuri, ourdu, tiếng phổ thông, hakka và tamoul.

          Hiện nay người gốc Ấn chiếm 68% dân số, trong số này có 16% theo Hồi giáo. Nhóm người này đang tích cực « Ấn hóa » toàn thể đảo Maurice, họ chiếm giữ chính quyền mà trước đây thuộc vào tay của thiểu số người da trắng. Dân lai da trắng sinh đẻ tại chổ gọi là dân Créole chiếm 27%, số người này theo Thiên chúa giáo. Người Trung hoa chỉ chiếm 3%, nhưng lại là nhóm dân tích cực hơn cả, họ nắm giữ thương trường và kinh tế. Sau hết là thiểu số người da trắng gồm 2%, tượng trưng cho tầng lớp « quý phái » của thời kỳ thuộc địa rơi rớt lại.

 

Bures-Sur-Yvette, 31.10.09

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/nguoi/daiducHuiLi.htm

 


Vào mạng: 19-12-2009

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang