Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Một cuộc đời, một ngôi sao
(Truyện Ngài Xá-Lợi-Phất)
Minh Ðức Triều Tâm Ảnh
1996

[10]

Với Ðề-Bà-Ðạt-Ða

Cái tin vua A-Xà-Thế (Ajàtasattu) bị Ðề-Bà-Ðạt-Ða xúi giục, âm mưu sát hại vua cha là Bình Sa Vương để chiếm ngôi làm mọi người bàng hoàng, chua xót. Công việc bại lộ, A-Xà-Thế bị bắt quả tang, và người cha đầy lòng nhân ái, bi mẫn ấy vốn là một Thánh đệ tử không đành lòng xử phạt con trai mà lại còn nhường ngôi, vì biết hoàng tử thèm muốn làm vua. Thế nhưng, để trả ơn, người con bèn hạ ngục, bỏ đói cha và vua Bình Sa đã chết một cách thê thảm. Cả Vương-Xá thành đều đau về nỗi đau này. Và Giáo Hội của Ðức Tôn Sư từ đây lại phát sanh lên một mụt nhọt, do bởi một con người bị lợi danh mù quáng, biến đổi nhân tâm, tham vọng ngông cuồng: đấy là Ðề-Bà-Ðạt-Ða!

Ðược vua A-Xà-Thế hậu thuẫn, xây cất cho một tu viện nguy nga đồ sộ, lại hằng ngày cung cấp tứ sự dư dã, Ðề-Bà-Ðạt-Ða khởi tâm muốn lãnh đạo Giáo Hội. Quy tụ xung quanh ông là mấy trăm tỳ-khưu ham muốn lợi dưỡng, khỏi phải đi khất thực, nhàn hạ thảnh thơi, nên lôi cuốn môn đồ ngày càng đông! Số tỳ-khưu này suốt ngày nịnh bợ, tâng bốc ông. Quần chúng không phân định được trắng đen nên họ hết lòng sùng bái. Vậy là danh tiếng Ðề-Bà-Ðạt-Ða có lúc lại vượt trội hơn cả Tôn giả Xá-Lợi-Phất.

Ðề-Bà-Ðạt-Ða thấy cơ hội đã đến, hôm kia, ông cùng với đông đảo tùy tùng môn đệ, đến hầu Ðức Thế Tôn, cất giọng có vẻ cao ngạo:

- Bạch Ðức Ðạo Sư! Lúc này Ðức Ðạo Sư niên trưởng đã cao, sức đã yếu, đệ tử thấy Ðức Ðạo Sư nên nghỉ ngơi, tịnh dưỡng là phải lẽ. Còn công việc của Giáo Hội, Ðức Ðạo Sư hãy để con làm chưởng quản, chăm sóc và lãnh đạo Chư Tăng.

Ðức Phật đã thẳng thừng từ chối:

- Này Ðề-Bà-Ðạt-Ða! Ông là gì mà đòi chưởng quản Giáo Hội? Ông tưởng rằng Giáo Hội Thánh hạnh này để cho một kẻ liệt tuệ, thiếu tư cách, thiếu phẩm chất như ông lãnh đạo hay sao? Ngay chính Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên, Như Lai thường coi như ngang hàng với Như Lai thế mà Như Lai vẫn chưa giao phó Giáo Hội cho hai ông ấy. Ông hãy đi đi! Từ rày trong Giáo Pháp này không có chỗ cho ông - một kẻ cuồng vọng!

Xin làm lãnh đạo không được, lại bị bẽ mặt, Ðề-Bà-Ðạt-Ða tức giận, nguyện trả thù.

Khi Ðề-Bà-Ðạt-Ða đi rồi, Ðức Thế Tôn cho gọi Tôn giả Xá-Lợi-Phất:

- Ông, Mục-Kiền-Liên cùng với đệ tử, hãy đi khắp thành Vương-Xá công bố về tất cả những hành động xấu xa của Ðề-Bà-Ðạt-Ða. Và xác định cho mọi người hay rằng, Ðề-Bà-Ðạt-Ða đã ở ngoài Giáo Hội; việc làm của ông ta sau này là trách nhiệm của chính ông ta, chứ không còn liên hệ gì đến Tam Bảo!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất ngại ngần:

- Trước đây, cũng tại Vương-Xá thành này, đệ tử đã từng đi công bố cho mọi người hay về phẩm hạnh trang nghiêm, trong sạch của Ðề-Bà-Ðạt-Ða rồi. Lẽ nào, hôm nay đệ tử lại tuyên bố ngược lại?

 

- Trước đây, ông công bố như thế có đúng sự thật không?

- Thưa, đúng sự thật.

- Vậy bây giờ ông đi công bố những điều Như Lai vừa nói, có đúng sự thật không?

- Thưa, đúng sự thật.

Ðức Thế Tôn liền phán:

- Vậy thì các ông hãy đi! Ðệ tử của Như Lai bao giờ cũng nói đúng sự thật cả!

Khi nghe tin Ðức Phật cho Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên đi công bố trong thành Vương-Xá về những việc làm xấu quấy của mình, Ðề-Bà-Ðạt-Ða tức giận điên cuồng. Lập tức, ông ta bỏ vàng bạc ra mua một số tay cung thiện xạ, rình để ám sát Ðức Phật.

Chuyện bất thành, những tên cung thủ kia đến sám tội với Ðức Phật rồi xin quy y Tam Bảo.

Lần thứ hai, khi Ðức Thế Tôn đi trên sườn núi Gijjakùta, chính Ðề-Bà-Ðạt-Ða lên đỉnh cao xô một tảng đá to lăn xuống để giết Ngài.

Chuyện cũng không thành, các tảng đá va đập vào nhau, chỉ có một mảnh nhỏ gây thương tích nhẹ cho Ðức Phật và có máu chảy.

Lần thứ ba, ông ta cho voi Nàlàgiri uống rượu mạnh đến say, rồi thả ra ngay chỗ Ðức Phật đang đi. Voi hung tợn, điên cuồng lao đến Ðức Phật. Tôn giả Ànanda định hy sinh tính mạng nên lật đật đứng chận trước. Nhưng Ðức Thế Tôn đã cảm hóa voi say bằng tâm từ của Ngài.

Những hành động tệ hại kia làm ông dần dần mất hết uy tín và dư luận cực kỳ chống đối lại ông. Chính vua A-Xà-Thế cũng chán nản ông, bỏ rơi ông, không nâng đỡ ông nữa. Mọi ân huệ của vua thế là mất hết. Khi lòng sân độc muốn hại Phật và lòng tham vọng đẩy ông đến chỗ xấu xa như thế thì mọi khả năng thần thông phép lạ của ông cũng tiêu tan luôn!

Thế nhưng ông chưa chịu ngừng lại. Với trí thông minh sẵn có, ông quay qua chiêu bài khác. Ông giả vờ đến sám hối Ðức Phật và xin Ðức Phật ban hành thêm năm điều cho hàng xuất gia:

 

- Thầy tỳ-khưu phải sống trọn đời trong rừng

- Thầy tỳ-khưu phải trọn đời khất thực.

- Thầy tỳ-khưu phải mặc y bằng vải lượm nơi nghĩa địa (vải bó xác tử thi).

 

- Thầy tỳ-khưu trọn đời phải sống chỗ không có mái che.

- Thầy tỳ-khưu trọn đời phải ăn ngũ cốc, rau trái, không được dùng các loại thịt!

Ðức Phật thấy rõ dã tâm của ông, nhưng Ngài chỉ nói lên điều đáng nói:

- Hôm nay mà ông còn đến đây để giả vờ xin những điều như vậy. Ông biết Như Lai sẽ từ chối, và rồi ông sẽ đi rêu rao đây đó rằng, những điều ông xin là cao thượng hơn. Thế là một số tỳ-khưu nhẹ dạ, quần chúng nhẹ dạ lại bị ông mê hoặc nữa.

Còn đệ tử của Như Lai thì năm điều kia có người thực hành là tốt mà không thực hành năm điều ấy cũng được. Ông nên nhớ rằng với ăn, mặc, ngủ... bao giờ Như Lai cũng hằng khuyên là: "thiểu dục tri túc". án, mặc, ngủ một cách thiểu dục tri túc và phải tu tập một Giáo Pháp như thế nào con người mới trở nên cao thượng! Chiêu bài của ông chỉ có thể lừa dối được người ngu, không bao giờ qua mắt được kẻ có trí đâu!

Thôi, ông hãy đi đi. Hôm nay Như Lai đã nói quá nhiều. Quả địa ngục đang chờ đón ông đấy. Hãy ghi nhớ lời ấy, và chỉ cần ghi nhớ một lời ấy mà thôi!

Ðức Phật đã cảnh tỉnh Ðề-Bà-Ðạt-Ða như vậy. Nhưng có chừng năm trăm tỳ-khưu bị Ðề-Bà-Ðạt-Ða dụ dỗ bởi chiêu bài cao thượng đã theo chân ông ta đến núi Xú điểu (kên kên ăn thịt) để hình thành một giáo đoàn riêng. Sự chia rẽ Tăng già đã đến hồi trầm trọng.

Tuy nhiên, Ðức Thế Tôn lại bảo Xá-Lợi-Phất:

- Bây giờ là đến phiên ông và Mục-Kiền-Liên. Cả hai ông hãy đi mau, theo chân Ðề-Bà-Ðạt-Ða, đến núi kên kên, thuyết pháp cho năm trăm tỳ-khưu nhẹ dạ. Như Lai biết rằng, khi trở về, năm trăm tỳ-khưu kia sẽ tháp tùng theo hai ông. Và từ đây cho đến cuối đời, Ðề-Bà-Ðạt-Ða không còn làm gì được nữa. Ông ấy sẽ chết trong cô quạnh, đầy ăn năn, hối hận, sầu muộn. Tuy nhiên, khi nhắm mắt, ông ta rất thành thật, muốn yết kiến Như Lai và sám hối với Như Lai. "Con xin thành kính quy y Ðức Phật" là câu nói cuối cùng của ông ta!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất khởi tâm từ ái:

- Bạch Ðức Thế Tôn! Sau này Ðề-Bà-Ðạt-Ða có khá hơn được không?

- Ông ấy bị đất rút, chịu quả báu ở địa ngục rất lâu, nhưng nhờ một thời gian tu hành trong sạch, nghiêm túc, ông ấy sẽ trở thành một vị Phật Ðộc Giác tên là Atthissara!

- Thật kỳ diệu thay, bạch Ðức Thế Tôn!

Và còn kỳ diệu hơn nữa, Tôn giả Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên đến núi Xú điểu khi Ðề-Bà-Ðạt-Ða đang nghỉ ngơi, hai vị đã thuyết pháp đến cho năm trăm thầy tỳ-khưu, sau thời Pháp, cả năm trăm thầy tỳ-khưu đều đắc quả Tu-Ðà-Huờn! Và họ đồng theo chân hai vị Trưởng lão về Trúc Lâm tịnh xá yết kiến Ðức Thế Tôn.

Ðề-Bà-Ðạt-Ða biết ra thì đã muộn, nhìn khung cảnh quạnh quẽ xung quanh, ông ta gục xuống, thổ ra một bụng máu tươi! Không ai phản ông cả mà bởi chính tâm cuồng vọng của ông đã đẩy ông đến tuyệt lộ!

Họ lần lượt ra đi

Hôm ấy, Tôn giả Xá-Lợi-Phất tự nghĩ:

"- Càng sống ta càng hiểu tất cả là do nhân duyên có sẵn từ trước. Quả thật, đôi khi không thể miễn cưỡng nếu không đủ nhân duyên. Như trường hợp tỳ-khưu Kolàlika đã một thời vu cáo, mạt sát ta với Mục-Kiền-Liên là "những kẻ sống theo dục vọng thấp hèn". Chính Ðức Phật giáo giới cũng không được huống hồ gì ta? Sau này, Kolàlika kết bè với Ðề-Bà-Ðạt-Ða để quậy phá Giáo Hội, một lần nữa Ðức Phật giáo giới cũng không xong. Như vậy, rõ ràng có những kẻ không bao giờ cảm hóa được! Tuy nhiên, bây giờ tỳ-khưu Kolàlika đang bệnh nặng, ta cần phải đến thăm viếng y."

Tôn giả Mục-Kiền-Liên đến tìm gặp Tôn giả Xá-Lợi-Phất đưa tin:

- Hiền huynh! Tôn giả Kiều Trần Như đã xin phép Ðức Thế Tôn, nhập diệt rồi!

 

- Thế ư? Tôn giả ấy nhập diệt ở đâu?

- Thưa, ở hồ Chaddanta trên Hy mã lạp sơn.

Cả hai ngồi đăm chiêu.

- Rồi đến lúc chúng ta cũng an nghỉ thôi. Nhưng bây giờ chúng ta hãy đi thăm tỳ-khưu Kolàlika.

- Thưa vâng, chúng ta nên như thế lắm. Ông ấy đi đâu cũng bị Chư Tăng và cận sự nam nữ xua đuổi, hiện giờ đang ở trong một cái chòi hoang sát bìa rừng, ngoại ô thành phố, về hướng Tây.

Thế rồi, cả hai vị đã tìm thấy. Tỳ-khưu Kolàlika đang nằm trên một chõng tre, tấm chăn rách nát, mụt nhọt lở loét hôi hám. Có một sa-di đi ngang thương tình ở lại chăm sóc chút cháo, chút hồ. Cả hai Tôn giả đi hái lá thơm, kiếm nồi nấu nước sôi, pha nguội, giặt khăn rửa ráy cho bệnh nhân. Ðôi mắt tỳ-khưu Kolàlika ứa ra hai giọt lệ, định nói gì nhưng Tôn giả Xá-Lợi-Phất xua tay:

- Hiền giả không cần phải nói gì cả. Cũng không cần thiết mở lời cám ơn.

Tôn giả Mục-Kiền-Liên đến bên, vỗ về:

- Tôi biết rõ hiền giả muốn sám hối những lỗi lầm trước đây của hiền giả với Ðức Thế Tôn, với cả hai chúng tôi. Ðiều ấy là tốt, nhưng cứ sám hối trong tâm thôi. Chúng tôi đã tha thứ lỗi lầm ấy cho hiền giả rồi!

Tỳ-khưu Kolàlika quá yếu, thoi thóp thở, lát sau, vật vả, đau đớn rồi từ trần, hai con mắt lòi ra không nhắm lại được!

Chú sa-di vô danh thở dài:

- Ai cũng mạt sát, phỉ nhổ vị tỳ-khưu này cả, nhưng thấy ông ta bị trả quả hiện tiền thật là kinh khủng, cũng tội!

Buổi chiều, dân làng hay tin, họ chất củi đầy cả chòi hoang rồi thiêu xác, họ bảo với nhau là ông Sa môn ấy bị quỷ ma bắt!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất nói như nói một mình:

- Ông ta còn biết sám hối đấy, nhưng quả thật là đã quá muộn màng!

Ngày hôm sau, Tôn giả Mục-Kiền-Liên bận việc đi giáo giới một người đệ tử ở rừng sâu đang gặp chướng ngại trong thiền định, Tôn giả Xá-Lợi-Phất lại phải rủ Tôn giả Mahà-Cunda đi thăm Trưởng lão Sa-Nặc (Channa) cũng đang trầm trọng trên giường bệnh. Tôn giả tự nghĩ:

"- Vị tỳ-khưu này đã từng kết oan trái với ta, nhưng dẫu sao cũng có duyên lành hơn tỳ-khưu Kolàlika!"

Trưởng lão Sa-Nặc đang bị cơn bệnh dày vò, quằn quại.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất quan tâm nhắc nhở:

- Hãy để tâm rỗng không, hiền giả! Tâm rỗng không nếu được an trú thuần thục sẽ chống đỡ được tất cả mọi đau đớn!

Trưởng lão Sa-Nặc phập phều:

- Tôi hiểu, tôi hiểu, cảm ơn Tôn giả! Tôn giả có tha thứ cho những lỗi lầm của tôi không?

- Nhất định như vậy rồi! Tôi đã tha thứ lỗi lầm cho hiền giả cách đây mấy chục năm kia đấy!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất lại ân cần nói:

- Chúng tôi sẽ tìm thuốc men và chút cháo phù hợp cho hiền giả dùng. Ráng thiền quán xem "cảm thọ chỉ là cảm thọ thôi!"

- Thưa vâng!

Thế rồi, Tôn giả Mahà-Cunda đến nhà đại thí chủ Visàkhà kiếm thuốc, Tôn giả Xá-Lợi-Phất đến nhà trưởng giả Cấp Cô Ðộc tìm cháo. Khi hai vị ra đi không bao lâu; Trưởng lão Sa-Nặc phát triển thiền quán, thấy rõ Vô Sanh; sau đó, Trưởng lão đi sâu vào định, chấm dứt hơi thở và chấm dứt luôn thọ mạng.

Khi hai vị trở về thì Ðức Thế Tôn đã có mặt bên cạnh, Ngài nói với tất cả chúng tỳ-khưu vây quanh:

- Này các thầy! Các thầy đừng nghi ngờ gì nữa cả. Sa-Nặc rất an lành. Sa-Nặc có trạng thái tâm hối quá rất tốt. Trước giờ lâm tử, Sa-Nặc đã phát triển thiền quán, tức khắc đắc quả A-La-Hán nhờ lời nhắc nhở của Xá-Lợi-Phất. Ông ta, sau đó đã trú định và ra đi, ý rằng không còn muốn phiền ai săn sóc cho mình nữa!

* * *

Khi hỏa thiêu thi hài Trưởng lão Sa-Nặc trở về, Tôn giả Xá-Lợi-Phất gặp Tôn giả La-Hầu-La, Ngài dừng chân lại.

- Ðã khá lâu không gặp con, lúc này dáng dấp và thần sắc của con uy nghi, đỉnh đạt như Ðức Thế Tôn.

Tôn giả La-Hầu-La mỉm cười:

- Thầy cũng vậy, con chưa bao giờ tìm ra được một nét nào là mệt mỏi ở nơi thầy.

- Thân xác này thì có mệt mỏi đấy con ạ!

Tôn giả La-Hầu-La nói:

- Con muốn thưa với thầy một chuyện.

- Con hãy nói đi?

- Con muốn ở trong phòng.

 

Khi đến tịnh thất, Tôn giả La-Hầu-La quỳ sát đất, đảnh lễ Tôn giả Xá-Lợi-Phất ba lần rồi nói:

- Con còn trẻ, thưa thầy! Thế mà cái thân của con đã mệt mỏi, tuổi thọ của con đã sắp hết rồi. Xin phép thầy cho con được nhập diệt.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất im lặng một hồi.

 

- Con lại muốn ra đi trước ta?

- Thưa, con tự biết sự đổi khác, biến hoại ở trong con. Con đã xin phép Ðức Thế Tôn.

Im lặng.

 

- Con muốn nhập diệt ở đâu?

- Thưa, vì có duyên với cõi trời, nên con sẽ an nghỉ vĩnh hằng ở cõi trời Ba Mươi Ba.

Lại im lặng.

- Ðức Thế Tôn có dạy bảo điều gì không?

- Ðức Ðạo Sư nhìn con một hồi rồi Ngài nói: "Các ngươi hãy đi trước hết đi, Như Lai đi sau cũng được".

- Thế là Giáo Hội càng ngày càng trống rỗng!

 

Tôn giả La-Hầu-La đảnh lễ rồi chấp tay:

- Từ ngày bước vô Giáo Hội cho đến khi thấy được đạo Bất Tử và cả sau này, con có lỗi lầm nào dầu vô tình hay cố ý, xin thầy hoan hỷ xá tội lỗi ấy cho con!

- Dĩ nhiên thế rồi! Có lỗi hay không có lỗi đều như gió thoảng mây bay, con biết thế mà!

- Thưa vâng!

- Còn gì nữa không con?

- Thưa, còn hai việc nữa?

- Vậy thì hãy ngồi lên đây mà nói chuyện - Tôn giả đứng lên, sửa soạn chỗ - con hãy qua đây, bên cạnh ta đây!

Sau khi yên vị, Tôn giả La-Hầu-La nói:

 

- Tỳ-khưu Losaka - cậu bé khốn khổ, nghe lời thầy, con vẫn săn sóc luôn, nhưng không bao giờ vị ấy được đầy đủ vật thực.

- Ta biết!

 

- Kể từ khi đắc quả A-La-Hán đến nay cũng vậy!

- Ta biết!

- Dường như, "thọ hành" (tuổi thọ) của vị ấy cũng không còn được bao lăm!

- Ðược rồi! Ta sẽ đi thăm tỳ-khưu Losaka! Còn việc thứ hai là gì?

- Con muốn đọc cho thầy nghe một bài thơ được cảm hứng sau giây phút chứng ngộ.

Tôn giả cười:

- Hay lắm! Thú vị lắm! Con hãy bắt đầu đi.

Thế rồi, Tôn giả La-Hầu-La đứng dậy, bước tới bước lui và đọc lên bài thơ tâm đắc của mình:

"- Ôi! Giữa thế giới ba ngàn này
có ai hai lần được diễm phúc như ta?
là con của Ðức Vô Thượng!
và là kẻ đã chiến thắng vinh quang,
chiến thắng Khổ Ðau và Sự Chết!
là bậc A-La-Hán Vô Sanh
ta xứng đáng được mọi người mến yêu,
tán dương và tôn trọng.
đáng thương thay chúng sanh
bị bít bùng trong màng lưới của tham ái, si mê và khát vọng!
như cá nằm trên thớt!
như thỏ nằm trong rọ!
ta đã xây lưng lại rồi
không còn nghe tiếng gọi của trần gian vô minh kia nữa!
ta đã cắt đứt mọi sợi dây trói buộc
chẳng còn cái chồi nào
cho các sợi dây leo và tua uốn
gốc rễ Tử Sanh đã được bứng tận
bao nhiêu lửa nóng đã bị vùi tro
giữa bầu trời mùa xuân mát mẻ
ta ca lên bài ca tự do!"

Tôn giả Xá-Lợi-Phất tán thán:

- Ðúng là một kiệt tác, đúng là một tuyên ngôn Bất Tử! Bài thơ này rồi sẽ còn được truyền tụng nhiều ngàn năm sau đấy, con biết không?

Tôn giả La-Hầu-La nhìn Tôn giả Xá-Lợi-Phất rất lâu.

- Giờ đã đến thời. Chúc thầy ở lại mạnh giỏi, con đi đây!

Tôn giả La-Hầu-La lại quỳ xuống đảnh lễ. Tôn giả Xá-Lợi-Phất ân cần nắm tay. Khi bốn bàn tay vừa rời ra thì Tôn giả La-Hầu-La đồng thời cũng biến mất, vô hình vô ảnh. Tôn giả Xá-Lợi-Phất bước ra khỏi tịnh thất, đăm đăm nhìn lên trời cao.

Tiếng Tôn giả Mục-Kiền-Liên nói sau lưng:

- Ðệ sẽ lên đó ngay lập tức. Bảo với Thiên Chủ Ðế Thích chuẩn bị một bảo tháp tôn nghiêm, quý trọng để tôn trí xá-lợi của La-Hầu-La!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất quay lại.

- Các người ai cũng muốn du hí thần thông trước mặt ta. Nhưng mà này, hiền đệ! Lên trên đó nhớ nhắc nhở Ðế Thích đừng quá phóng dật.

- Thưa vâng!

Tôn giả Mục-Kiền-Liên vừa nói xong thì cũng không còn thấy bóng dáng ở đâu nữa.

Ngài Xá-Lợi-Phất tự nghĩ:

"- Không trách gì người đời ai cũng ham muốn thần thông phép lạ."

* * *

Từ khi đứa bé được Tôn giả Xá-Lợi-Phất nhặt lên từ đống rác, đem về Kỳ Viên cho xuất gia sa-di, đến tuổi thọ đại giới, có tên là tỳ-khưu Losaka.

Losaka vì nghiệp quá khứ nên không có công đức, ít nhận được đồ ăn cúng dường. Dầu cho có cuộc bố thí lớn cách mấy, không có gì sánh nổi, bụng của Ngài cũng không được no, chỉ vừa đủ để duy trì mạng sống. Một muổng cháo thôi thì hình như đã đầy tràn miệng bát của Ngài. Người ta luôn cảm thấy bát của vị tỳ-khưu Losaka đã đầy dầu bên trong không có gì nên lại đem dâng cúng cho vị đi sau.

Tuy vậy, tỳ-khưu Losaka tu hành rất tinh tấn, thiền quán tăng trưởng, sau một thời gian, Ngài chứng quả A-La-Hán. Song, Ngài vẫn được cúng dường ít ỏi. Vì thiếu thốn vật thực nên "thọ hành" giảm thiểu và ngày nhập Niết Bàn đã đến!

Sau khi nghe Tôn giả La-Hầu-La mách bảo, Ngài Xá-Lợi-Phất tìm thăm, hướng tâm đến, biết được thọ mạng của người đệ tử sắp chấm dứt, bèn nghĩ rằng:

"- Tỳ-khưu A-La-Hán Losaka hôm nay sẽ nhập Niết Bàn. Ta sẽ làm thế nào cho vị ấy được một bữa ăn no bụng lần cuối cùng."

Thế rồi Tôn giả dẫn Ngài Losaka vào thành Xá-Vệ để khất thực. Dẫu cả thành phố ai cũng biết Tôn giả, kính trọng Ngài, nhưng hôm đó cả hai đều không nhận được một lời chào huống nữa là cúng dường. Thấy chuyện lặp lại đúng như trước dây, Tôn giả Xá-Lợi-Phất liền bảo Ngài Losaka về trước, ngồi tại giảng đường rồi Ngài sẽ gởi vật thực về sau.

Ðúng như Ngài nghĩ, khi Tôn giả Losaka vừa rời khỏi, Ngài liền đầy một bát, đầy hai bát. Tôn giả sớt ra nhiều phần, gặp vị tỳ-khưu nào, Ngài cũng bảo mang về cho Tôn giả Losaka đang ngồi đợi tại giảng đường. Tuy nhiên, vì nghiệp báo xui khiến, tất cả những người mang về đều quên, không đem những phần vật thực đến cho Ngài Losaka, hoặc họ ăn hết hoặc họ đem cho người khác.

Ðến trưa, khi về tịnh xá, Tôn giả Losaka đến gặp Ngài để đảnh lễ. Bậc Tướng Quân Chánh Pháp nói:

- Này con! Con có nhận được đồ ăn ta gửi về không?

Vì là bậc Thánh, Tôn giả Losaka trả lời:

 

- Thưa Tôn giả, thưa thầy! Rồi con sẽ nhận được!

"Rồi con sẽ nhận được, nghĩa là hiện giờ chưa nhận được!" - Tôn giả Xá-Lợi-Phất ngẩng đầu nhìn trời: đã quá ngọ!

- Hãy ngồi xuống đây, con! Hãy ngồi xuống đây! Tôn giả Xá-Lợi-Phất nói nhanh, chỉ đợi ta trong giây lát thôi!

Xong, như cánh chim ưng vàng, Tôn giả quăng bát qua hư không, vận thần thông lực (Ngài cũng có đại thần thông nhưng ít khi sử dụng) bay sang trú xứ của vua Kosala. Ở đây, sau khi nhận đủ bốn loại bánh ngọt - những thức ăn phi thời - Tôn giả mau chóng trở về với thời gian như viên lực sĩ duỗi cánh tay!

Tôn giả cầm bát, đứng và nói với Ngài Losaka:

- Này con! Hãy ăn đi! Ðây là những vật thực được phép dùng lúc phi thời. Ta cho phép con hãy lấy tay bốc và ăn.

Ngài Losaka vì lòng kính trọng thầy, không thể để thầy đứng cầm bát cho mình ăn, nên ngần ngại.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất phải giải thích:

- Này con! Hạnh cung kỉnh ấy rất quý báu, nhưng đây là do ta cho phép chứ không phải tự ý của con. Ta cầm bát và đứng. Con cứ thò tay bốc và ăn. Ta biết rõ rằng, khi hai bàn tay ta vừa rời khỏi bình bát thì sẽ không còn một tí vật thực nào ở trong ấy nữa.

Do thần thông lực của Bậc Tối Thượng Thủ duy trì, nên bánh không thể biến mất. Và nhờ vậy, Tôn giả Losaka được ăn một bữa như ý muốn, đầy đủ, no bụng.

Tôn giả Losaka quỳ xuống bên chân Ngài Xá-Lợi-Phất, nói rằng:

- Con đã thấy nghiệp của con rồi, và hôm nay con đã trả hết nghiệp. Con cũng chẳng còn luyến gì cái thân này nữa, thầy hãy cho con nhập diệt!

- À! Chỉ con biết lúc nào là phải thời! Vậy con muốn nhập diệt ở đâu?

- Thưa, ở đây, tại chỗ này! Tại chỗ mà nhờ ân đức của thầy, con được ăn một bữa no bụng, trong suốt cuộc đời!

Thế rồi, ngay chiều hôm ấy, Tôn giả Losaka nhập Niết Bàn không có Dư Y. Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác đứng một bên chứng kiến thi hài được hỏa táng.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất tự nghĩ:

"- Có mặt Ðức Thế Tôn thì quả là đại hạnh cuối cùng cho hiền giả Losaka vậy."

Ðã tiễn rất nhiều người rồi, thế mà Tôn giả còn phải tiễn một nhân vật quan trọng khác.

Con trai của trưởng giả Cấp Cô Ðộc đến đảnh lễ Ðức Thế Tôn, vấn an sức khỏe của Ðức Thế Tôn, và báo rằng bệnh tình của trưởng giả đã đến hồi trầm trọng, xin Tôn giả Xá-Lợi-Phất hãy mở lòng bi mẫn đến thăm viếng trước khi ông nhắm mắt. Nghe tin vậy, Tôn giả Xá-Lợi-Phất đã cùng Tôn giả Ànanda không chút chậm trễ, lên đường tức khắc.

- Ông có đau đớn lắm không? Có chịu đựng được không? Có triệu chứng tăng trưởng cơn đau hay là đang thuyên giảm?

- Thưa, có cái gì đó trong con đang băng hoại, đang rữa nát hay là đang bị vỡ vụn ra từng khúc! Cái thân con dường như không còn chịu đựng được nữa rồi!

- Dĩ nhiên là vậy! Tôn giả nắm tay ông - cái thân nào rồi cũng đến lúc bị hủy hoại, nhưng mà ông còn tỉnh trí không, còn sáng suốt không, hở người hiền trí?

- Thưa, con minh mẫn lắm! sự sáng suốt ở trong con không bị mây che!

- Vậy là rất tốt. này ông trưởng giả! Hãy chú tâm nhé, ta sẽ thuyết cho ông nghe một thời Pháp!

- Thưa vâng, con mong muốn lắm. Con sẽ rất chú tâm!

 

Rồi Tôn giả thuyết thời Pháp sau đây:

- Này trưởng giả kính mến! Hãy ghi nhận theo lời ta mà quán tưởng như thế này: "Này Người Thợ Sinh Diệt! Ta không còn dính mắc với đôi mắt, với lỗ tai, với cái lưỡi, lỗ mũi và làn da xúc cảm nữa! Ngươi cứ không ngưng nghỉ tạo ra những cảm thọ trống không vô vị; như bọt nước, như hoa đốm, như hoa trong gương, như trăng đáy nước... như con chó gặm khúc xương khô! Ngươi không còn lừa bịp ta được nữa đâu! Ngươi không còn làm gì được ta nữa đâu!

Này hỡi Người Thợ Sinh Diệt! Những ảo ảnh do ngươi ngụy tạo ra, ta đã nhìn thấy rồi! Những cái gọi là vừa lòng, êm ái, khoái lạc, ngon ngọt, thỏa thích, khả hỷ, khả ái từ lâu đã quyến dụ ta, mê hoặc ta như cá dính câu, như chim sa lưới, nay thì ta không còn mắc mưu ngươi nữa! Ôi! Tất cả rồi sẽ bị phân ly, biến hoại, rã tan. Dẫu thân này hay thân khác, dẫu thế gian này hay thế gian khác, không bao giờ có việc thường còn, cực lạc, hay trường sanh bất lão đâu. Tất cả đều là đau khổ và phiền não!

Này hỡi Người Thợ Sinh Diệt! Ta đã tu tập như vậy, ta đang tu tập như vậy, ta đã an trú như vậy thì ta nhất định sẽ chiến thắng ngươi. Từ nay, ngươi không còn làm gì nỗi ta đâu!"

Nghe xong thời Pháp, trưởng giả Cấp Cô Ðộc ràng rụa nước mắt. Thấy vậy Tôn giả Ànanda hỏi:

- Này trưởng giả kính mến! Ông lo sợ về điều gì? Ông buồn khổ về điều gì? Hay tinh thần ông đã trở nên quá suy nhược?

- Thưa không, bạch nhị vị Tôn giả! Lo sợ hoặc buồn khổ hoàn toàn không có ở trong con. Và tinh thần của con không chút giảm suy, trái lại, đang phấn chấn, đang thịnh mãn, đang phỉ lạc. Ấy chỉ vì mặc dầu đã dự thính rất nhiều bài Pháp do Ðức Tôn Sư giảng, con chưa hề được nghe một bài Pháp cao siêu như thế nầy!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất nói:

- Cũng đúng thôi, trưởng giả! Ðấy là những bài Pháp cao siêu chỉ để giảng cho những vị tỳ-khưu có trình độ tâm linh tiến hóa. Trong Tăng chúng rất nhiều vị chưa hề được nghe, huống hồ là cư sĩ, ngại rằng họ sẽ không thấu hiểu!

Trưởng giả kính mến! Ông cũng là cư sĩ, nhưng ông nghe được, tại sao? Vì ông có tâm của bậc đại nhân! Ông đã chi dùng một gia sản năm trăm bốn chục triệu đồng tiền vàng cho Giáo Pháp của Ðức Tôn Sư mà không một chút chau mày. Chí đến lúc chỉ còn cháo tấm và bột chua mà ông vẫn không chau mày, vẫn giữ đức tin tuyệt đối, bất động với Tam Bảo! Tâm ông quảng đại, đầy vị tha và nhân ái nữa. Những người nghèo khổ, cơ bần, cô độc cả thành Xá-Vệ coi ông như một người mẹ vĩ đại. Mái nhà của ông là bóng mát thân yêu cho hàng ngàn tỳ-khưu.

Này trưởng giả kính mến! Như vậy tâm linh ông tiến hóa, tinh thần ông vượt trội - lại là Bậc Thánh Thất Lai nữa - quả thật ông xứng đáng được nghe bài Pháp cao siêu ấy!

Trưởng giả Cấp Cô Ðộc muốn ngồi dậy đảnh lễ nhưng Tôn giả Ànanda ngăn lại - ông mỉm cười mà nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào:

- Tri ân Trưởng lão, tri ân nhị vị Tôn giả! Hiện giờ con rất sung sướng, nội tâm con bình an mặc dầu thể xác đau đớn kịch liệt. Con hoàn toàn mãn nguyện. Con chỉ có một lời thỉnh cầu.

- Ông cứ nói!

- Con chỉ mong Trưởng lão thỉnh thoảng giảng những bài Pháp cao siêu này đến cho những cư sĩ tiến bộ. Con lãnh hội được thì chắc cũng có một số cư sĩ sẽ lãnh hội được.

- Ðúng vậy! Ta sẽ xin với Ðức Tôn Sư từ lời thỉnh nguyện của ông!

Khi hai vị Tôn giả trở về không được bao lâu thì trưởng giả Cấp Cô Ðộc trút hơi thở cuối cùng, tức khắc tái sanh vào cung trời Ðâu-Suất.

Sáng ngày, Ðức Phật gọi Tôn giả Xá-Lợi-Phất rồi hỏi rằng:

- Hôm qua ông đã làm gì mà ông Cấp Cô Ðộc tán dương ông dữ vậy?

 

- Thưa, đệ tử...

- Hồi hôm vị trời Cấp Cô Ðộc từ cung trời Ðâu-Suất xuống đây đảnh lễ Như Lai và nói rằng phẩm hạnh và tài đức của ông còn sáng muôn vạn lần so với hào quang của tất cả vị trời cọng lại. Vị trời ấy ví von vậy cũng không sai lắm đâu!

- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử đã tự ý...

- Như Lai đã hiểu. Và ông làm vậy là đúng. Từ rày Như Lai cho phép Chư Thánh Tăng Trưởng lão giảng những bài Pháp cao siêu đến cho những cư sĩ có trí.

- Thưa vâng!

- Thôi ông hãy về đi! Ông cứ tiễn người này lên đường rồi người khác lên đường - cái thân quá mệt mỏi thì cũng nên cho nó nghỉ ngơi một tí!

- Vâng, bạch Ðức Thế Tôn!

 

Tôn giả Xá-Lợi-Phất cúi đầu, tự nghĩ:

"- Ðấng Ðạo Sư đã biết rõ cái thân ta bắt đầu biến hoại. Mọi người lần lượt ra đi, mình cũng không còn lâu nữa."

 

Cuộc từ giã vĩ đại

Sau khi an cư mùa mưa ở làng Beluva, Ðức Thế Tôn và Tăng chúng bộ hành qua nhiều chặn đường xa về Kỳ Viên tịnh xá. Tôn giả Xá-Lợi-Phất cảm thấy cơ thể rã rời, dường như không còn chút hơi sức nào.

Ngài biết rằng, tấm thân này đã như một cỗ xe quá cũ, các trục đã mòn, các căm đã lỏng lẻo hoặc hư mục. Rõ ràng đây là lúc phải tính chuyện ra đi!

Thế rồi, Tôn giả trở về tịnh thất, cất đặt y bát, quét dọn phòng, trải tọa cụ rồi đi vào định diệt thọ tưởng. Khi xả thiền thì trời đã vào khuya, lúc đứng dậy, Ngài nghe các khớp xương đau nhức và trong đầu như có cái gì bén nhọn đâm vào rồi lại kéo ra. Tuy thế, đi kinh hành một lát, Ngài lại trở về chỗ tọa cụ, ngồi xuống, nghĩ rằng:

"- Ta sẽ nhập diệt trước Ðức Thế Tôn hay là sau Ngài?"

Tôn giả hướng tâm đến, biết rằng, bao giờ vị Ðại Ðệ Tử cũng nhập diệt trước vị Phật.

"- Còn Mục-Kiền-Liên thì sao?"

Tôn giả lại biết Mục-Kiền-Liên sẽ nhập diệt sau Ngài nửa tháng. Và thọ hành của Ngài chỉ còn duy trì được bảy ngày. Vậy thì trong thời gian này, Ngài còn bổn phận gì trên đời cần phải thực hiện? Dĩ nhiên Ngài lại nghĩ đến mẹ. Mẹ Ngài là cái gì vẫn mãi canh cánh bên lòng.

Mặc dầu cả thảy bảy người con trong gia đình đều đắc quả A-La-Hán nhưng bà Sàrì không tin Tam Bảo, vẫn xem thường Ðức Phật và Tăng chúng, vẫn đặt niềm tin mù quáng theo ngoại đạo.

Tại sao Ngài lại không thể cứu độ mẹ được? Cả hàng ngàn Chư Thiên, Ngài đã từng an trú cho họ vào các tầng Thánh quả. Cả hàng ngàn gia đình cư sĩ, Ngài đã mở những cánh cửa trời cho họ bước lên? Cũng đã hàng ngàn tỳ-khưu và sa-di nhờ Ngài mà họ bước vào dòng Thánh? Kể cả các giáo phái chủ, giáo phái sư, Bà la môn trưởng giáo, Bà la môn hữu danh, vua chúa, đại thần, tướng quân, thương gia... dẫu kiêu căng, cứng đầu, trịch thượng - nhưng sau khi nghe pháp họ đã trở nên nhu thuận, dễ dạy! Thế thì tại sao Ngài lại bất lực trước mẹ Ngài? Có lẽ vì thiếu trí tuệ hoặc vì nhân duyên của bà chưa chín muồi?

Tôn giả Xá-Lợi-Phất lại trở nên trầm ngâm - Ngài đang hướng tâm quan sát căn duyên của mẹ. Chợt Ngài thốt lên:

"- Hay thay! Tuyệt diệu thay! Mẹ ta sẵn đủ căn duyên bước vào Thánh Ðạo!"

Rồi Ngài lại nghĩ tiếp: "Vậy ai là người có duyên để cứu độ mẹ ta?" Sau khi biết kẻ đó chính là mình, Ngài quyết định:

"- Vậy thì ta sẽ nhập diệt ở chốn cố hương, nơi chỗ mà ta chào đời để cứu độ mẹ ta!"

Sáng hôm sau, Tôn giả Xá-Lợi-Phất trình bày quyết định của mình cho Tôn giả Mục-Kiền-Liên hay. Cả hai ngồi yên lặng một hồi lâu.

- Ðại huynh tính như vậy thì tình, lý, thời đều trọn vẹn. Thôi, đại huynh đi trước, đệ sẽ đi sau nhé!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất đứng lên, nắm tay Mục-Kiền-Liên:

- Chúng ta sẽ không gặp nhau nữa.

- Cũng vừa đủ, đại huynh! Ðã kinh qua suốt cuộc đời, chúng ta đã không làm một con người vô ích, đã làm việc hết sức mình, cơ thể chúng ta đã không còn chịu đựng được nữa rồi!

- Ðúng là vậy, hiền đệ! Chúng ta làm bạn với nhau suốt trong tuổi thơ ấu, thanh niên, và hơn bốn mươi năm trong Giáo Pháp của Ðức Tôn Sư. Chúng ta đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong mọi công việc được Ðức Thế Tôn giao phó, chưa lần nào chúng ta tranh cãi một lời, luôn luôn thuận thảo, tương kính, luôn luôn tự hòa, hoan hỷ.

Thật là tốt đẹp thay một cuộc đời biết sống!

Tôn giả Mục-Kiền-Liên nắm tay xiết chặt, mỉm cười:

- Không biết mấy triệu năm mới có một cuộc tương ngộ và một cuộc vĩnh biệt như thế này? Hãy cho đệ đảnh lễ lần cuối cùng, một người anh duy nhất, cao cả và siêu việt!

Ðại Mục-Kiền-Liên quỳ xuống đảnh lễ. Tôn giả Xá-Lợi-Phất cũng quỳ xuống đảnh lễ theo. Cả hai đều rất trân trọng và thành kính.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất nói:

- Từ khi thấy được Giáo Pháp Bất Tử, huynh không tìm thấy chỗ nào là huynh, chỗ nào là đệ ở trong hai chúng ta cả. Ðây chỉ là sự tương kính Pháp. Huynh cũng đã đảnh lễ một người em duy nhất, cao cả và siêu việt!

Cả hai vị Tôn giả tối thượng từ giã nhau như vậy, vĩnh biệt nhau như vậy, thân thiết mà xa xôi, đậm đà mà lạnh lẽo, chẳng vướng bận gì, chẳng níu kéo gì. Như mây bay, như gió thoảng. Rỗng không như hư không.

Sau đó, Tôn giả Xá-Lợi-Phất đi khất thực. Ngài muốn đi một vòng quanh thành Xá-Vệ thăm viếng một lần cuối cùng nơi mà Ngài đã từng sống với Chư Tăng và mọi người trong bao nhiêu năm, nơi mà Ngài có đủ vật thực để hành đạo. Ngài phải biết tri ân điều đó.

Về lại tịnh xá Kỳ Viên, Ngài cũng đi thăm một vòng như thế. Ðộ ngo xongï, Ngài cho gọi Trưởng lão Cunda - là em của Ngài - đến rồi nói:

- Này Cunda! Hãy chuẩn bị về quê thăm mẹ, cùng với ta!

- Thưa vâng!

- Hãy bảo rằng là ý của ta, cho tụ họp năm trăm tỳ-khưu môn đệ, cùng bộ hành với ta về Nàlakà luôn thể!

- Thưa vâng!

Khi Cunda quay lưng bước đi, Tôn giả Xá-Lợi-Phất chợt kêu lại:

- Này Cunda! Trong bao năm sống với đại huynh, đại huynh có làm phiền gì đến em không?

- Dạ thưa không! Ðại huynh trắng bạch như vỏ ốc. Bảo làm phiền thì chẳng khác nào là em không có tai, không có mắt, không có tim, không có óc!

Tôn giả lại ân cần:

- Em đã là một Trưởng lão cao hạ rồi. Ta hỏi thế thôi chứ ta biết em an vui, tinh tấn, sống rất hài hòa với mọi người, lại được hạnh phúc trong Pháp nữa.

Trưởng lão ngần ngừ một lúc:

- Lần này có thể dắt mẹ qua bờ được không?

- Báo tin vui cho em hay là chắc chắn được!

Trưởng lão Cunda cảm thấy hoan hỷ trong lòng, chào Tôn giả rồi đi ngay. Ngài Xá-Lợi-Phất lấy chổi quét dọn tịnh thất, cất đặt mọi thứ đâu đó cho ngăn nắp. Dọn dẹp bên trong rồi Ngài ra dọn dẹp xung quanh hành lang.

Xong xuôi, đắp y, mang bát - Ngài bước ra bên ngoài, khép cửa lại. Ngài đi quanh ba vòng rồi bước ra xa, nhìn ngắm lại tịnh thất. Ngài nói thầm trong tâm rằng:

"- Cảm ơn ngươi đã che mưa đỡ nắng cho ta bao ngày. Ðây là cái nhìn cuối cùngcủa ta ngươi biết không? Nhưng khi ta đi rồi, thì hy vọng rằng, sau ta, nhiều vị A-La-Hán khác nữa sẽ ở trong vòng tay ấm cúng của ngươi."

Lát sau, Trưởng lão Cunda cùng năm trăm tỳ-khưu đi đến. Họ đều đảnh lễ Tôn giả và chờ lệnh.

Tôn giả nói:

- Các thầy sẽ vất vả bộ hành đường xa, nhưng rồi sẽ thâu hái được nhiều điều bổ ích. Bây giờ hãy cùng ta đến đảnh lễ Ðức Tôn Sư!

Ðức Thế Tôn đã biết, lúc ấy, Ngài đang chờ họ ở Ðại Giảng Ðường. Sau khi đảnh lễ, Tôn giả quỳ xuống bên chân Ðức Ðạo Sư:

- Hôm nay, đệ tử đến đây để chào Ðức Tôn Sư lần cuối cùng. Ðệ tử sắp từ bỏ huyễn thân và từ bỏ cõi đời trần tục này. Thọ hành của đệ tử như ngọn đèn leo lét. Xin Ðức Tôn Sư cho đệ tử được nhập diệt.

Ðức Thế Tôn im lặng.

Tôn giả lại cất giọng khẩn thiết:

- Ôi! Ðệ tử biết nói lời gì khi vĩnh biệt một bậc vĩ nhân siêu quần bạt tụy? Chính nhờ Ngài mà đệ tử bước ra khỏi bể khổ trầm luân để đi theo dấu chân giải thoát của Ngài. Từ đây, đệ tử sẽ không còn lang thang vô định, tới lui giữa sáu cõi khổ vui sinh diệt nữa. Ðây là lời phụng bái thứ nhất của đệ tử!

 

Tôn giả cung kỉnh đảnh lễ.

- Giờ đây, thân xác tứ đại của đệ tử bắt đầu rã tan, trả về cho tứ đại. Chỉ bảy hôm nữa, thọ hành của đệ tử sẽ chấm dứt vĩnh viễn, kể cả ngũ uẩn này cũng không còn tiếp tục chồng chất, rối loạn, lòe bịp ai được nữa. Thế là gánh nặng muôn đời đã được buông bỏ xuống. Ðệ tử sẽ hoàn toàn giải thoát, không còn bất kỳ một hạt bụi phiền não nào còn tồn tại. ạn đức ấy thuộc về Ðức Tôn Sư, triệu triệu năm không đền đáp được. Hãy cho đệ tử thêm một phụng bái nầy!

 

Tôn giả cung kính đảnh lễ.

-Ôi! Hồng ân của Ðức Tôn Sư là đời đời bất diệt. Từ khi bước chân vào Giáo Pháp Bất Tử, đệ tử đã biết sống một đời có ích, biết phục vụ và biết phát huy, tăng trưởng sung mãn những phẩm chất cao đẹp của con người. Thế nên biết bao chúng sinh đã được lìa xa khổ não? Biết bao Chư Thiên và nhân loại đã được nếm hương vị của Pháp mầu? Giờ đây, đệ tử đi vào Niết Bàn với tâm tư hoàn toàn thanh thản và mãn nguyện. Xin Ðức Thế Tôn cho phép đệ tử được nghỉ ngơi vì cái cỗ xe thân xác này đã đến lúc rã mục. Cho đệ tử được phụng bái một lần nữa, thay mặt chúng sinh, tri ân Bậc Vô Thượng Giác!

Cả hội trường im lặng như tờ. Ðâu đó dường như có tiếng khóc nho nhỏ. Rất nhiều Chư Tăng không ngăn được giọt lệ.

Ðức Thế Tôn cất giọng bình thản:

- Này Xá-Lợi-Phất! Ông sẽ nhập diệt ở đâu?

- Tại quê hương của đệ tử, làng Nàlakà, tại chỗ mà đệ tử được chào đời!

Ðức Phật hỏi tiếp:

 

- Thời gian từ đây đến đó có kịp không?

- Thưa, dư dã.

- Vậy thì đây là việc cần thiết, sau lần từ giã này, Chư Tăng và huynh đệ sẽ không còn cơ hội được gặp mặt ông nữa, ông hãy ưu ái đến hội chúng thuyết cho họ nghe thời Pháp cuối cùng.

Vâng lời, Tôn giả bước lên một bảo tọa thấp hơn, ngồi ngay ngắn, đoan nghiêm, nhiếp tâm thanh tịnh rồi ban một thời Pháp chưa từng được nghe. Thời Pháp như tiếng gió rì rào bất tận, như hải triều âm xa mù đại dương, từng đợt sóng cuộn va đập vào ghềnh đá. Liên miên. Bất tuyệt. Gió lại lặng, sóng lại tan... Cử tọa thính chúng chợt như thấy trước mắt mình một bình minh tươi sáng, một mùa xuân mát mẻ an lành hiện ra sau đêm đông lạnh lẽo. Tuyết tan, tiếng chim reo vui, muôn hoa đua nở, hương trời bàng bạc, dịu dàng như xoa dịu tất cả những tâm hồn khổ đau... Ngài nói về đời Ngài bị bít bùng bởi truyền thống, bởi tâm thức ngoại giáo, sống trong bóng tối nô lệ của thần quyền, bước đi trong mê lộ của những thứ triết học rối rắm, tơ vò, hợm hĩnh và cao đại. Có những lời, những chữ dệt gấm thêu hoa, kết nên tư tưởng dược đóng khung, được mạ vàng, được quảng cáo rầm rộ là chân lý bất diệt nhưng thực chất là rỗng không, không có linh hồn, không có sự sống. Tất cả đấy chỉ là lớp ngụy trang, là cái vỏ hào nhoáng che bên ngoài các bản ngã với những dục vọng thô thiển cũng như tế vi! Thế rồi từ đời này sang đời nọ, cha ông, cháu con, hệ hệ được nối tiếp, kế thừa; hình thành một tập cấp buôn thần bán thánh, rêu rao vì đại bi, vì phương tiện tối thượng thừa, vì lòng từ của Thượng Ðế! Chúng nắm độc quyền về tinh thần, miệng lưỡi trả giá như con buôn, thao túng bọn dân ngu khu đen, chụp vào bàn tay lông lá những đặc quyền đặc lợi, ăn trên ngồi trước, no nê phè phỡn, nhảy múa bên bờ vực thẳm của Tử Ma.

Thế rồi, tiếng trống Bất Tử có mặt giữa đời, xóa tan mây mù hôn ám; như một sinh khí mới, làn sóng Pháp bảo uy dũng và dịu dàng cuốn đi tất cả mọi rác rưởi xú uế của thần linh và con người ngu si để lại. Ðấng Vô Thượng Tôn ngự giữa tầng mây, gióng lên tiếng sấm, thức tỉnh mọi loài, một cơn mưa hoa nhân ái, sáng rỡ trí tuệ, mênh mông giải thoát; mở ra một lộ trình hướng thượng, một cánh cửa đã đóng kín tự ngàn xưa, đem chúng sanh đến các cõi chân phúc và xán lạn. Ôi! Con đường ấy là gì? Cánh cửa ấy là gì? Hỡi ai có chân để bước, có tay thì gõ mà vào! Một vị Chánh Ðẳng Chánh Giác đã xuất thế, qua hằng triệu năm tu tập công hạnh, thăng hoa phẩm chất, kết đài Trí Tuệ! Từ đỉnh Hy mã lạp sơn bước xuống, giòng sông Ðại Hằng mở ra, quả địa cầu cúi mình xuống thấp, nghênh đón bước chân nở bảy hoa sen; Ngài đi giữa chốn loài người bốn mươi lăm năm không mệt mỏi vì lợi ích và hạnh phúc cho Chư Thiên và Nhân Loại. Ðức Thế Tôn ấy là Thầy của Ngài, cho Ngài uống được giọt nước trong mát tận đầu nguồn Thánh hạnh... Ôi! Ðầu nguồn Thánh hạnh ấy là gì? Hỡi ai có tai để nghe, có trí để tìm hiểu!...

Vốn làu thông cả Ba Tạng, Tôn giả Xá-Lợi-Phất đã đi từ những pháp cao siêu nhất xuống những pháp gần gũi và giản dị nhất. Rộng thì rộng đến vô biên mà nhỏ thì có thể đựng đầu hạt cải. Và cuối cùng, lộ trình hướng thượng ấy, cánh cửa Bất Tử ấy chỉ còn là đứng đi nằm ngồi, mặc áo, ăn cơm, quét tịnh thất, tôn kính bậc trưởng thượng, giác tỉnh, nhu thuận, lặng lẽ, ôn hòa, thuần tịnh , nội tâm trong sạch không có cáu bợn phiền não...!

Cả Ðại Giảng Ðường mênh mông như vừa được tắm mát bởi thời Pháp của Tôn giả. Chư Thiên ngự đầy đặc cả không gian rải hoa ca ngợi.

Tôn giả bước xuống Pháp tòa, quỳ ôm đôi chân của Ðức Thế Tôn rồi cất lên tiếng lời uy dũng của Sư Vương:

- Kính lạy Bậc Thiên Nhân Sư! Hãy cho đệ tử lễ bái đôi chân này! Cũng chính nhờ lễ bái đôi chân này mà đệ tử được hoàn toàn giác ngộ, hoàn toàn giải thoát. Chính nhờ lễ bái đôi chân này mà đệ tử được sống giữa thời gian vô cùng và không gian vô tận, được sống vĩnh cửu trong mỗi chớp mắt thoáng trôi. Tất cả mọi nguyện vọng, hy cầu của đệ tử giờ đây đã được cụ túc, viên dung, trọn vẹn. Từ đây, đệ tử sẽ không còn được gặp Ðức Thế Tôn để đảnh lễ đôi chân này nữa. Ðây là giờ phút nghiêm trọng, thiêng liêng mà đệ tử có thể sờ được đôi chân của Ðấng Toàn Giác, đồng thời thấy rõ được cảnh giới Niết Bàn, không chết, không sinh, an nhiên, tự tại, tịnh mặc. Ðệ tử đảnh lễ đôi chân này vì đôi chân này cũng chính là đôi chân của vô lượng vị Phật quá khứ đã bước vào cảnh giới ấy và hiện giờ đây, đệ tử cũng đang lần bước theo.

Ðảnh lễ đôi chân một ngàn căm bánh xe của Ðức Phật xong, Tôn giả đứng lên rồi quỳ xuống lại.

- Bạch Ðức Thế Tôn! Từ trước đến nay, suốt bốn mươi bốn năm sống trong Giáo Pháp, nếu đệ tử có hành vi hay lời nói nào phật ý Ðức Thế Tôn, không được vừa lòng Ðức Thế Tôn vì trí tuệ non kém của đệ tử, ngưỡng mong Ðức Thế Tôn hỷ xả, tha thứ lỗi lầm ấy cho đệ tử.

Ðức Phật cất giọng chậm rãi, từ hòa:

- Này Xá-Lợi-Phất! Ông là một tỳ-khưu uyên bác, thông minh, có đạo hạnh cao cả, khiêm nhu, một Trí Tuệ vượt bậc, sắc bén và sáng sủa, lẽ nào ông có thể có hành vi hay cử chỉ tạo ra lỗi lầm với Như Lai? Ông đúng là một Sa môn ưu tú, mẫu mực, giềng mối cho Giáo Hội; gia dĩ có sự quở trách nào đó cũng chỉ vì muốn viên toàn bổn phận cho ông, hoặc ông sẽ tăng trưởng phương tiện thiện xảo để dẫn dắt Chư Tăng thay mặt Như Lai mà thôi.

Rồi Ðức Thế Tôn lại nói tiếp:

- Dầu ông có lỗi lầm hay không lỗi lầm Như Lai cũng đã tha thứ cho ông rồi. Mà thật ra, ông có lỗi lầm gì đâu, trọn cả cuộc đời, dầu là một hạt bụi nhỏ, ông cũng không để dính trên sợi lông chân của mình! Thôi, thì giờ cũng đã phải lẽ, ông hãy làm những gì mà ông nghĩ là đúng thời!

Ðức Phật đứng dậy. Tôn giả Xá-Lợi-Phất rời khỏi bàn chân của Ðức Thế Tôn.

Ngay lúc ấy, đại địa cầu rung chuyển, nước trong bốn đại dương dâng cao. Cả tầng mây, cả hư không dường như cũng dao động không ngớt! nếu đại địa cầu biết nói thì nó sẽ khởi lên tiếng nói như sau:

"- Ôi! Hỡi những hiện thân vĩ đại và siêu việt! Mặc dầu thân thể tôi đây có thể chịu đựng được những vết chém ngang dọc của những con sông to, sông nhỏ, mặc dầu thân thể tôi đây có thể chở mang, gánh nặng những ngọn Meru hùng vĩ, những thần sơn Cakkavàla cao ngất và đỉnh Himavantu - vua của loài núi, ngút mây! Thế nhưng, tôi đã không chịu đựng nỗi ngày hôm nay, một ngày mà Giới đức, Ðịnh đức, Tuệ đức cùng vô lượng phẩm chất cao đẹp khác của con người đồng quy tụ ở Ðại Giảng Ðường Kỳ Viên tịnh xá này!"

Chợt một tiếng sấm đầy uy vũ vang tận các tầng trời và không biết từ đâu, một đám mây khổng lồ che kín cả không gian, tối đen, và một trận mưa kinh hoàng, xối xả tuôn xuống mặt đất như thác đổ.

Ðức Thế Tôn nhìn trời, tự nghĩ:

"- Giờ đây, một vị Chưởng Pháp vô song sắp đi vào Tịch Diệt, trời đất đã khởi lên những hiện tượng của trăm ngàn đại kiếp mới có một lần. Thôi, như vậy là vừa đủ để còn nhiều người đưa tiễn con trai của ưu tú Như Lai!"

Trời lại quang, mây lại lặng. Ðức Thế Tôn rời Ðại Giảng Ðườøng bước về hương phòng, Ngài đứng trên tấm thảm ngọc nhìn ra. Tôn giả Xá-Lợi-Phất đi theo, chấp tay rồi đi quanh hương phòng ba vòng về bên mặt, bốn góc, đảnh lễ bốn phương; đến chính điện, chấp hai tay lên quá đầu, đảnh lễ Ðức Thế Tôn một lần nữa. Với tư thế lặng lẽ như vậy, Tôn giả nói ở trong tâm:

"- Giờ phút này, giữa không-thời-gian vĩnh cữu, bất diệt, không biết đã trải qua bao trăm ngàn đại kiếp, khi ta quỳ mọp dưới chân Ðức Phật Anomadassi và phát nguyện được gặp Ðấng Như Lai này? Nguyện vọng ấy giờ đã hoàn toàn viên mãn. Lần gặp gỡ đầu tiên với Ngài là sự kiện lớn nhất đối với ta. Còn đây là lần gặp gỡ sau chót, ta chiêm ngưỡng Ngài, để sau này chẳng còn cơ hội nào nữa cả."

Thế rồi, Tôn giả đứng dậy, vẫn giữ nguyên tư thế hai tay trên đỉnh đ?u, Ngài thụt lùi từng bước một chậm rãi, thụt lùi cho đến lúc không còn thấy Ðức Thế Tôn nữa.

Ðại địa cầu một lần nữa lại rung chuyển dữ dội, sóng nước từ bốn đại dương dâng cao, ì ầm, va đập giữa hư không!

Ðức Phật nói với Chư Tăng - lúc ấy họ đứng yên lặng đầy đặc cả Kỳ Viên tịnh xá:

- Các thầy hãy đi đi! Hãy đi tiễn ông anh cả của các thầy đi!

Nói xong, Ðức Thế Tôn quay lưng, khép cửa hương phòng lại. Chư Tăng cả hàng ngàn vị, hàng chục Ðại Trưởng lão đồng theo chân đưa tiễn Bậc Tướng Quân Chánh Pháp v? nơi an nghĩ cuối cùng. Dân chúng thành Xá-Vệ hay tin, họ khóc lóc kéo nhau thành từng đoàn, lũ lượt như từng dòng suối chảy cuồn cuộn, đổ ra từ các hang cùng ngõ hẻm. Chợ không đông, nhà nhà đóng cửa lại. Họ tỏ dấu chịu tang bằng cách tẩm ướt nước lên tóc, tay cầm tràng hoa, vật thơm đặt lên tất cả các lối đi.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất và Chư Tăng bị bít kín giữa rừng người, giữa rừng tiếng khóc và biển nước mắt.

Ngài phải đứng lên cao, nói lời an ủi, phủ dụ:

- Hỡi các hàng cận sự nam nữ và muôn dân thành Xá-Vệ yêu mến! Các người đã có lòng thương xót đến ta, kính mến ta thì hãy trở về. Ðưa tiễn ta như vậy là vừa đủ. Ai rồi cũng phải một lần vĩnh biệt. Nhưng ta ra đi không phải là về nơi đau khổ, ta đi về chốn giải thoát và tịnh lặng. Ta ghi nhận tấm lòng tri ân của các người, rồi phước báu sẽ hộ trì cho các người được hạnh phúc và an ổn!

Tôn giả lại nói với Chư Tăng cùng chư vị Trưởng lão:

- Tôi cũng rất biết ơn Chư Tăng cùng các vị Trưởng lão đã tận tình tiễn đưa. Trong bao năm chung sống trong Giáo Pháp thiêng liêng, cao cả - chư Tôn giả đã giúp đỡ tôi hết lòng, nhờ vậy Giáo Hội mới có được ngày hôm nay. Giờ phút cuối cùng này, và không bao giờ còn sự gặp gỡ nào khác, xin Chư Tăng và chư vị Trưởng lão xá tội cho tôi nếu tôi đã có gì lầm lỡ. Mong chư Tôn giả thay mặt tôi mà chăm sóc, hầu hạ sức khỏe cho Ðức Bổn Sư. Tôi xin thành kính đa tạ.

Chư Tăng lặng lẽ hơn nhưng không tránh khỏi còn nhiều tiếng khóc. Họ cũng không nói gì, đưa đôi mắt nhìn Tôn giả thật lâu, kính cẩn đảnh lễ, chào rồi từ từ quay gót. Tuy thế còn rất đông vị bịn rịn không chịu đi, Tôn giả ân cần nói mãi, họ vẫn khóc lóc, kể lễ:

- Này các thầy! Hãy đứng lại một lát đã. Trước đây người anh cả của chúng ta đi bao nhiêu lần cũng trở về, còn đây là chuyến đi không có ngày trở lại!

- Chúng ta sẽ không bao giờ được nghe những lời Pháp êm ái, ngọt ngào được tuôn chảy ra từ tấm lòng từ ái bao la của người Mẹ hiền nữa.

- Chúng ta sẽ không còn được nhìn ngắm khuôn mặt tuấn tú, đoan nghiêm; tác phong ôn nhu, khiêm tốn; nụ cười rực sáng hồn hậu của vị đại huynh trưởng kia nữa!

Tôn giả lại phải khuyên nhủ:

- Này các thầy! Ly hợp là thường tình, luyến thương là phiền não. Tất cả mọi cái được cấu tạo, do nhân duyên, do điều kiện đều bị chi phối bởi định luật tất yếu của sanh diệt, vô thường. Các thầy biết rõ điều ấy rồi thì đừng nên chuốc lấy đau khổ cho mình mới phải!

- Thưa vâng, bạch Tôn giả! Chúng tôi sẽ khắc cốt, ghi tâm những lời vàng ngọc ấy.

 

Lúc đó họ mới chịu bước đi.

Trong giờ phút tiễn đưa này, Tôn giả Xá-Lợi-Phất được gặp hầu hết các vị Trưởng lão. Chỉ có một số Tôn giả tránh gặp mặt, rút vào rừng sâu. Tôn giả Mục-Kiền-Liên viện cớ đi xa. Tôn giả Ànanda được Ðức Phật sai đi công việc ở nơi khác.

Tôn giả Li-Bà-Ða và A-Nậu-Ðà-La xin được đưa tiễn đến nơi đến chốn. Ngài Xá-Lợi-Phất đồng ý. Thế rồi, Ngài cùng với hai Tôn giả Thánh Tăng, Trưởng lão A-La-Hán Cunda và với năm trăm vị tỳ-khưu môn đệ nhắm hướng Nàlakà cất bước.

Ôi! Thật là một cuộc từ giã vĩ đại mà trong Giáo Pháp của Ðức Tôn Sư chỉ xảy ra một lần! Quả địa cầu đã không chịu đựng nổi.


Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11

 


Cập nhật: 28-5-2001

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang