Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

 Thiền sư Musō Soseki

Tâm Thái


Thiền sư Nhật Musō Soseki, (Mộng Sơn Sơ Thạch) (1275-1351) là một thiền sư danh tiếng và được vua  phong chức Quốc sư nên thường được gọi là Musō Kokushi (Quốc sư Mộng Sơn). Chẩng những thế mà sau nay nhiều vị vua khác cũng đều phong sư là Quốc sư, cả thảy bẩy lần.

Khi còn nhỏ Musō theo học phái Shingon (shingon-shū = Chân ngôn tông). Sau đó Musō theo học Thiền tông (Zen) với những vị thầy Trung Hoa và Nhật bản. Vị thầy thứ nhất là thiền sư I-shan I-ning là đại sứ Trung hoa đời Đường. Vị thầy Nhật bản của Musō là Kohō vốn là thái tử nhưng đã từ bỏ cung điện để xuất gia theo học Thiền tông với thiền sư Trung Hoa  là Wu-hsueh Tsu-yuan. Sư Musō là một thiền sư danh tiếng có tới hơn năm mươi đệ tử chứng đạo.

Thomas Cleary đã dịch tác phẩm Muchū Mondō (Dream conversations, Mộng trung vấn đáp ) của sư Musō, gồm những bài về Phật giáo và Thiền tông, trích từ những bức thư sư gửi cho vị tướng quân nổi tiếng thời đó là Ashikaga Tadayoshi. Những bài được dịch trong cuốn sách là những đoạn ngắn trích từ những bức thư đó, thường chưa tới một trang, nhiều là hai, ba trang. Văn từ mà sư Musō dùng trong thư thường là dản dị, dễ hiểu vì thư viết cho vị võ quan nên ít  dùng những thuật ngữ quá chuyên biệt của đạo Phật. Mục đích chính là sư muốn chỉ rõ những sai lầm trong việc tu tập. Những điều này rất có ích cho những thiền giả trong việc thực hành tu tập.

 

 Sách này do nhà xuất bản Shambala ấn hành năm 1994, với tựa đề là “Dream Conversations-  On Buddhism and Zen - Musō Kokushi.” Sau đây là vài đoạn chính trong cuốn sách.

 

*** Ghét hoặc sợ những vấn đề ma quỷ, đó là đang ở cảnh giới ma quỷ.  Nếu bám víu vào những hình ảnh Phật đạo cũng là ở cảnh giới ma quỷ. Khi nào không còn chấp vào những hình tướng trong cảnh giới đó mới là chứng được Phật đạo. Nhũng hành giả chân chính của đạo Phật không bám níu vào hình tướng trong Phật đạo, cũng như không sợ sệt hình tướng ma quỷ.

 

[Ghi chú: Kinh Kim Cang: “Nếu do sắc thấy ta, Do âm thanh cầu ta, Người ấy hành đạo tà, Không thể thấy Như Lai. »]

 

*** Tông chỉ của Thiền tông là thấy được trí bẩm sinh của mình. Đó không phải là cái biết do suy nghĩ theo ý thức đã thâu thập từ lúc sinh ra. Có thể nói là người mê thì bị sự mê chướng ngại, nhưng người trí thức thì cũng bị những suy tư chướng ngại.

Một cách để vượt qua những chướng ngại đó và đạt tới trí bẩm sinh là xả bỏ tất cả những gì ở trong tâm.

Đạt đạo không phải bằng sự hiểu biết của ý thức, mà cũng không phải là xóa bỏ hết những hiểu biết ý thức để chấp Không và Tịnh. Nói như vậy lại có người cho rằng phải bỏ tu học và những hiểu biết ý thức. Đó cũng là một điều sai lầm.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sinh đều có trí và đức của các đức Phật nhưng họ không đạt được bởi vì vọng tưởng và kiến chấp.” Nếu họ không hiểu được điều đó mà chỉ biết tìm học đủ thứ sách vở, học thuộc các ngữ lục để biết thật nhiều thì chỉ làm tăng trưởng bệnh vọng tưởng.

 

*** Có rất nhiều điều hiểu biết sai lầm về đạo Phật và Phật pháp. Sau đây là một số sai lầm thường gặp:

1.      Tịnh độ và uế độ, niết bàn và cõi ta bà, là khác biệt; mê và ngộ, phàm và thánh là khác.

2.      Không có gì khác biệt giữa phàm và thánh, giữa tịnh và uế.

3.      Trong Phật pháp có sự khác biệt giữa tiểu và đại (thừa), giữa phương tiện và cứu cánh (quyền và thật), giữa bí truyền và công khai, giữa thiền và giáo.

4.      Phật pháp hoàn toàn bình đẳng, không có pháp này hay hơn pháp kkhác.

5.      Các hành và tưởng chính là Phật pháp.

6.      Phật pháp khác thế gian pháp.

7.      Mọi vật đều thật có.

8.      Mọi vật đều vô thường.

9.      Mọi vật là thường còn hoặc hoàn toàn tiêu diệt.

10.  Mọi vật đều huyễn và không, hoặc giữa có và không.

11.  Không có chân lý ngoài giáo pháp.

12.  Có chân lý ngoài giáo pháp và hay hơn giáo pháp.

Những ý niệm trên thường gặp trong những giải thích về Phật pháp. Nhưng nên biết chúng chỉ là những giải thích từng phần dùng vào các mục đích tạm thời. Nếu coi chúng như những ý niệm cố định thì chúng trở nên sai lầm. Nếu muốn hiểu Thiền tông thì nên đừng chấp chặt chúng.

Những người chưa chứng đạo mà giải thích những ý niệm đó theo văn tự chỉ là giải thích sai lầm.

 

*** Khi trồng cây mà có được rễ cây tốt thì cành và lá, hoa và quả sẽ mọc đều đặn. Vì vậy khi trồng cây cần phải chăm bón rễ cây hơn là chỉ chăm sóc cành và lá. Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là chỉ biết có chăm sóc rễ cây thôi. Chăm sóc rễ cây là để có cành, lá, hoa quả tốt. Trong Thiền tông, rễ chính là “lý”, cành lá là “sự”.

 

*** Có nhiều người nói là tin theo đạo Phật, hoặc Thiền tông, đã tu hành nhiều năm mà không có kết quả. Vấn đề là họ mong muốn những kết quả gì?

Có người tu hành vì muốn được thiên hạ biết đến hoặc có được những sự lợi lạc nào đó. Có người cầu Phật hoặc những vị thánh để tránh khỏi tai ương và được giầu có. Có người chỉ muốn tìm tòi để tăng sự hiểu biết. Có người tu tập những pháp huyền bí để mong có những thần thông. Có người tu tập để mong được hơn người khác. Có người tu tập để chữa bệnh. Những điều mong cầu đó không phải là tông chỉ của Thiền tông

Thiền tông có ghi: “Cái đó bẩm sinh trong mồi người, đầy đủ trong mỗi người, cái đó không nhiều trong bậc thánh, không ít trong kẻ phàm.” “Cái đó tròn đầy như hư không, không thiếu, không dư.” Nếu nghĩ rằng tu hành theo đạo Phật để được điều gì thì cũng như muốn tăng thêm gì đó vào hư không, nếu nghĩ rằng không được gì cả thì cũng như giảm bớt hư không đi. Cả hai trường hợp đều không đúng.

 

[Ghi chú: Tác giả cuốn sách thường dùng danh từ “Cái đó” là để chỉ chỗ tuyệt đối mà thường có nhiều tên như: Tự tánh, Chân tâm, Phật tánh …

Trích dẫn: Kinh Pháp Bảo Đàn:

“Một hôm Tổ (Huệ Năng) bảo chúng:

Tôi có một vật không đầu, không đuôi, không danh, không tự, không lưng, không mặt, các người lại biết chăng?

Thần Hội bước ra nói rằng:

Ấy là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.

Tổ bảo:

Tôi đã nói với ông không danh, không tự, ông liền gọi là bản nguyên, là Phật tánh, ông nhằm đi lấy cỏ tranh che đầu, cũng chỉ thành cái hạng tông đồ của tri giải.” (Kinh Pháp Bảo Đàn, HT Thích Thanh Từ dịch)]

 

*** Yếu chỉ của Thiền tông không phải là diệt hết những niệm khởi và giữ cho thân bất động, nên không thể nói rằng cần phải ngồi quay mặt vào tường và ngưng hết mọi ý niệm. Và cũng không phải là quán kỹ kinh điển, nên không thể nói là phải thấu rõ hết kinh điển.

Không cần phải giầu có mới tu được, tức là không phải nghèo thì không tu được. Không cần phải có sức lực mới tu được, như vậy không thể nói sức khỏe yếu kém thì không tu được. Không chấp nhận rằng không có Phật pháp trong thế tục, nên không thể nói phàm nhân không tu được.

Lễ hội và lễ nghi là việc tu hành do thân, nên không thể làm những việc đó trong khi đang phải làm những việc khác. Tụng niệm là việc làm của miệng, nên không thể cùng làm được khi cần phải nói năng việc khác. Quán các pháp là việc làm của ý, nên cũng không thể cùng lúc nghĩ đến những việc khác được.

Nói là Thiền tông cho rằng không thể tu bằng thân, khẩu, ý, có nghĩa rằng tu không phải chỉ là dứt sạch  tất cả mọi ý niệm, mọi cảm thọ hoặc hành xác khổ hạnh. Thiền tông thấy rằng  những ý niệm thông thường về thân và tâm đều là huyễn, nên tránh những việc như lễ nghi, tụng niệm, quán chiếu mà phàm nhân cho là thật có. Đó là điều mà kinh có nói: “Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý”.

Kinh có nói rằng “Giác ngộ không thể đạt được bằng thân, cũng như bằng tâm. bởi vì thân và tâm đều là huyễn hóa.” Kinh khác nói rằng “Phật đạo không thể đạt được bằng tâm hay bằng sắc”. Cũng kinh đó nói rằng Phật đạo không thể đạt được bằng thân hoặc bằng ý.

Phàm nhân cho rằng sự hiểu biết là do các giác quan, nhưng đạo Phật thấy rằng sự hiểu biết còn do ngoài các giác quan đó. Những người không biết vậy nên đã hoang mang khi thấy Thiền tông nói rằng tu hành không liên quan gì đến thân, khẩu hoặc ý.

 

*** Những giáo lý, những pháp tu trong đạo Phật được dẫn ra chỉ là những phương tiện để hướng dẫn chúng sanh tùy theo nhu cầu và căn cơ của họ. Đó là để dẫn dắt họ đến chỗ giác ngộ, và chỉ áp dụng khi họ vẫn còn giữ phân biệt giữa si mê và giác ngộ.

Trái lại Thiền tông nhắm thẩng vào bản nguyên, nơi đó không có sự phân biệt nào cả. Vì vậy Thiền tông không chấp nhận những pháp tu nào còn căn cứ vào sự phân biệt, và chỉ thẳng vào tánh đơn nhất bản nguyên nằm sâu dưới sự phân biệt giả có đó. Tam Tổ có nói “Lấy tâm lập tâm là sai lầm”.

 

*** Việc chỉ trích, phân tách những lời giảng của các vị thiền sư chỉ là việc làm vô vị và ngụy biện. Họ không hiểu rõ đặc tánh và mục đích thật sự của những lời giảng của các thiền sư.

Các thiền sư có khi dạy phải quán về các công án Thiền, hoặc có khi lại nói là không nên làm như vậy. Các thiền sư không có một pháp tu cố định nào. Mỗi thiền sư, tùy theo mỗi đệ tử và mỗi trường hợp mà chỉ dậy pháp tu, chứ không giảng về những lý luận tổng quát. Những lời giảng đó thường phát xuất một cách tự nhiên giữa thầy và trò. Vì vậy không nên coi những lời giảng đó như những pháp cố định.

 

[Trích dẫn : Kinh Kim Cang : « Nếu người nói Như Lai có nói pháp tức là phỉ báng Phật, không thể hiểu nghĩa ta đã nói. Này Tu-bồ-đề, nói pháp đó không có pháp có thể nói ấy gọi là nói pháp. »]

 

Những thiền sư đã chứng đắc thì có thể giảng theo bất cứ cách nào. Còn những thiền sư  không chứng đắc thì dù có nói gì cũng chỉ làm mù mắt đệ tử.

Không thể căn cứ vào văn tự để tìm hiểu những lời chỉ thẳng của Thiền tông. Cho nên chỉ những thiền sinh lợi căn mới hiểu rõ được ý chỉ ngoài văn tự. Những thiền sinh độn căn thì luẩn quẩn với văn tự nên không thấy được ý chỉ, nhưng nếu họ có nhiệt tâm tu tập thì tâm trí của họ có thể bị đông đọng trong mối nghi tình. Mối nghi tình đó chặn đứng những suy luận thường có của ý thức, và đến lúc nào đó đạt được sự đột phá siêu ý thức. Vì vậy các tổ thường nói là đại nghi, đại ngộ.

 

***Những người tu hành đã đạt được lý  thì có thể làm công việc thường ngày mà vẫn giữ tâm thiền, đối với họ không có gì khác biệt giữa công việc thường ngày và hành thiền.

Nhưng đối với những người chưa được như vậy thì phải có những buổi ngồi thiền. Ở vào thế kỷ thứ 12 họ thường ngồi thiền mỗi ngày bốn lần tại các thiền đường.

Những người đã quyết chí cầu đạo thì dù làm những công việc thường ngày họ vẫn giữ chánh niệm về đạo lý. Nhưng nếu họ còn có ý phân biệt giữa công việc thường ngày và hành thiền thì tâm họ sẽ bị công việc thường ngày lôi cuốn và quên đi việc hành thiền. Như vậy là bởi vì họ còn thấy sự vật ngoài tâm.

Cổ nhân có nói: “Núi, sông, thế giới, vạn pháp chỉ là một”. Nếu thấu được nghĩa đó thì không có gì ngoài thiền, mặc áo là thiền, ăn cơm là thiền, đi, đứng, ngồi, nằm là thiền, thấy biết là thiền, vui, giận, buồn, sướng là thiền. Nhưng dù được như vậy cũng mới chỉ là đạt được phần nào chứ cũng chưa thâm nhập được nguồn Thiền.

Nói như vậy thì có vẻ trái ngược với Thiền tông và các môn Thiền khác trong đạo Phật, vì những pháp Thiền đó thường dạy là phải xả bỏ hết để không dính mắc với sự vật.

Cổ nhân có nói: “Pháp môn này không có gì là cố định, bất cứ pháp nào cũng là từ bản thể.” Vì vậy khi các vị đó chỉ dạy cho đệ tử thường không có theo một pháp hành cố định nào. Theo nguyên lý là không có sự khác biệt giữa Phật đạo và thế tục nên không có có thiền sư chân chánh nào lại cho rằng việc tu hành phải ở ngoài thế tục.

Dầu sao vì như vậy thì các đệ tử không hiểu hết lại có những quan niệm sai lầm về thế tục nên các thiền sư tùy phương tiện mà nói họ phải tạm thời xả bỏ những việc thường ngày để họ tránh khỏi bị đam mê.

 

*** Có người thắc mắc là không biết các vị đắc đạo có phép thần thông hay không. Thực ra các thày phù thủy, các nhà ảo thuật cũng có thể tập luyện để có thần thông, nhưng như vậy không thể nói là họ đã đắc đạo.  Ngay những vị thánh trong đạo Phật dù có được thần thông nhưng chưa thấu lý trọn vẹn thì vẫn chưa phải là đắc đạo.

 

*** Thật là một sự sai lầm lớn nếu cho rằng hành Thiền là xả bỏ tất cả những ý thức. Cổ nhân có nói:  “Cái đó không thể thấy được bằng ý thức hay bằng tiềm thức, không thể đạt được bằng lời nói hay bằng im lặng.”

Ngay trong các thiền sinh cũng có những người y theo lời nói của cổ nhân là “vô trụ”, rồi cho rằng Thiền tông dạy là phải từ bỏ hết nghĩa và lý, không phân biệt thứ bực trong pháp tu, từ bỏ luôn cả Phật pháp và thế gian pháp. Cổ nhân chế diễu cái đó và gọi là “Thiền thuổng”, vì thuổng dùng để đào đất, với ý là họ chỉ biết đào và cho rằng Thiền tông là từ bỏ tất cả mọi ý thức.

Lý cứu cánh cũng chỉ là danh từ tạm gọi để dùng khi mà vẫn còn ý thức phân biệt giữa vọng tưởng và giác ngộ. Lý đó là chỗ đó không ngôn ngữ nào diễn tả tới, ngay cả các pháp siêu việt cũng không đạt tới. Chỗ đó gọi là “đại sự”, “bản lai diện mục”, “ông chủ”. Đó cũng chỉ là tạm đặt tên để hướng dẫn tới thực tại.

Đạo Phật nói về tâm địa, hay Phật tánh là vì chúng sanh vẫn còn phân biệt giữa phàm phu và Phật. Thiền tông không nói về tâm địa như vậy vì không còn thấy có sự phân biệt giữa phàm phu và Phật.

Một khi đạt được lý thì những danh từ như Phật tánh, tâm địa, như như, chân như, thực tánh và ngay cả thế tục cũng chỉ là bản tâm.

Có Thiền sư nói: “Cái đó luôn ở ngay đó, ngay chỗ các ông đó, nếu các ông muốn tìm nó thì lại càng không thấy nó.” Bản tâm không ở trong thân và tâm, không ở ngoài thân và tâm, cũng không phải là ở toàn thể thân và tâm.

Phật trí, thánh trí, thân tâm của chúng sanh, ngay cả thế giới, đại địa cũng đều từ đó mà sanh ra, cho nên gọi đó là bản thể.

Kinh Kim Cang nói: ‘Tất cả chư Phật và các pháp toàn giác đều sanh từ kinh này.” Sự hiểu biết sáng suốt này chính là từ bản tâm.

 

[Trích dẫn: Kinh Kim Cang:“Này Tu-bồ-đề, tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ nơi kinh này ra. »]

Kinh Viên Giác nói: “Tất cả cái thấy về như như, giác ngộ, niết bàn và các pháp siêu việt đều từ cái viên giác mà ra.” Cái viên giác này là bản tâm.

[Trích dẫn:” Này Thiện nam, tất cả chúng sanh và mọi vật huyễn hóa đều sanh từ Viên giác Diệu tâm Như Lai.

-Y pháp huyễn mà nói giác cũng gọi là huyễn nữa.

-Này thiện nam, tâm Diệu viên giác của tất cả Như Lai vốn không có Bồ-đề và Niết-bàn, cũng không có thành Phật và chẳng thành Phật, không có vọng luân hồi và phi luân hồi.

-Sanh tử và Niết-bàn, Phàm phu cùng chư Phật. Như hoa đốm trong không.

 (Kinh Viên Giác, HT Thích thanh Từ dịch)]

 

***Khi thấy nói bản tâm không ở trong các pháp thế gian, mà cũng không ở trong các pháp siêu thế gian thì các thiền giả hoang mang không biết làm sao để đạt được. Câu hỏi này chứng tỏ là họ không hiểu về bản tâm.

Nếu cho rằng cái đó thuộc hữu vi, thí dụ như “nghệ thuật” thì thấy rằng cần phải học các phương pháp, tài năng để làm được. Còn nếu cho rằng cái đó siêu việt muôn pháp nên thấy rằng nếu không có ý thức thì làm sao đạt được.

Muốn đạt đến bản tâm không phải giống như đi từ chỗ này qua chỗ khác. Thực ra chỉ là tỉnh dậy khỏi giấc ngủ mê thôi. Những câu hỏi thế nào là bản tâm, và làm sao đạt được, chỉ là trong cơn mê, khởi những ý niệm về cơn mê.

Dù cho chưa tỉnh giác, nhưng nếu biết rằng những ý niệm và hành động đều như trong cơn mê ngủ nên không dính mắc, không bám níu, không phân biệt thì cũng gần có giá trị như đã thức tỉnh khỏi cơn mê, ít nhất đã có lòng tin vào sự hiện hữu của thực tại.

Ở nơi đó không có phân biệt phàm/ thánh, thanh tịnh/ ô nhiễm. Vì còn trong cơn mê đầy tạp tục nên ngay nơi vô tướng mà vẫn thấy có thanh tịnh và ô nhiềm, ngay nơi vô sanh mà còn thấy có phàm/ thánh.

Kinh Viên giác nói: “Chúng sanh nhận tứ đại làm thân mình, nhận bóng dáng nơi sáu căn làm tâm mình. Như thế cũng như thấy hoa đốm giữa hư không, hoặc mặt trăng thứ hai. Vì vậy nên mãi lăn lộn trong vòng sanh tử. Đó gọi là si mê.”

Kinh Viên giác nói: ”Khi hạt châu phản chiếu năm sắc, người ngu cho rằng hạt châu có năm sắc. Cũng như vậy, thân và tâm ứng hiện từ nơi bản tánh thanh tịnh, mà người ngu nghĩ rằng mình thật có thân và tâm. Vì vậy thân và tâm được gọi là huyễn hóa.”

 

[Trích dẫn: “Này thiện nam, ví như hạt châu ma-ni trong trẻo, tùy theo mỗi phương chiếu hiện ra năm màu. Những người ngu thấy hạt châu ma-ni có năm sắc thật. Này thiện nam, tánh Viên giác thanh tịnh tùy theo thân tâm mỗi chủng loại mà ứng hiện. Kẻ ngu nói tánh Viên giác thanh tịnh thật có như vậy, tự tướng thân tâm cũng lại như thế. Vì thế mà không xa lìa các thứ huyễn hóa, cho nên ta nói thân tâm là huyễn cấu (chúng sanh). (Kinh Viên giác) ]

 

*** Khó mà nói rõ thế nào là chân tâm và vọng tâm. Nếu nói là chân tâm và vọng tâm như nhau thì sai lầm, nhưng nói là chân tâm và vọng tâm khác nhau thì cũng sai lầm.

Thí dụ ta lấy ngón tay ấn vào con mắt thì nhìn thấy hai hình giống nhau, như trường hợp nhìn thấy hai mặt trăng. Vậy việc nhìn thấy mặt trăng thứ hai là do ngón tay ấn vào mắt chứ nó không thật có.

Như vậy không thể nói rằng nếu không muốn nhìn thấy mặt trăng thứ hai thì phải dẹp bỏ nó đi để nhìn thấy mặt trăng thật. Đúng ra chỉ cần không dùng ngón tay ấn mắt nữa thì tự khắc không nhìn thấy mặt trăng thứ hai. Còn nếu chỉ lo tìm cách dẹp mặt trăng thứ hai mà không biết nhấc ngón tay đang ấn vào mắt thì chẳng bao giờ được.

Còn người không lấy ngón tay ấn vào mắt thì không nhìn thấy mặt trăng thứ hai, vậy đâu cần bàn cãi làm thế nào để không thấy mặt trăng thứ hai. Như vậy vấn đề phân biệt giữa chân tâm và vọng tâm chỉ đặt ra khi ta ấn vào con mắt chân tâm với ngón tay vọng tưởng.

Có người tu học Phật đạo cho rằng diệt trừ vọng tưởng là mục đích cứu cánh của đạo Phật. Kinh Viên giác nói: “Thân huyễn diệt nên tâm huyễn diệt, tâm huyễn diệt nên những trần huyễn diệt. Trần huyễn diệt nên cái huyễn cũng diệt. Tuy cái huyễn diệt nhưng cái không huyễn (chân tâm) không diệt. Ví như mặt gương khi lau hết bụi nên ánh sáng hiện. Thân và tâm đều là huyễn hóa nhơ bẩn, khi tướng nhơ bẩn đó diệt nên đâu đâu cũng thanh tịnh.”

Có người đã hiểu lầm đoạn kinh đó và chưa ngộ được chân tâm nên cho rằng phải dẹp bỏ thân và tâm để đạt thanh tịnh và đắc đạo. Đó là sự mê muội chấp đoạn kiến của hàng tiểu thừa và Ấn độ giáo.

 

*** Vị tổ Thiền tông từ Ấn độ qua Trung hoa đã dạy Không lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Kinh điển Đại thừa nói rằng tâm mình là Phật. Vậy tại sao lại nói thấy tánh thành Phật mà không nói thấy tâm thành Phật?

Có người hỏi đại sư ở Trung hoa là làm sao để phân biệt tâm và tánh. Sư trả lời: “Khi lạnh thì nước đông lại thành nước đá, khi nóng thì nước đá tan thành nước. Cũng vậy, khi còn si mê thì “tánh” đông lại thành “tâm”, khi giác ngộ thì “tâm” thành “tánh”.  Tâm và tánh cũng như nhau, chỉ sai khác tùy theo mê và ngộ.”

Mặc dầu lời nói đó là của vị đại sư nhưng điều giải thích đó cũng chỉ là phương tiện không nên chấp vào văn tự đó.

Chữ “tánh” có nhiều nghĩa. Có thể nói là có ba nghĩa trong đạo Phật.

Một là tánh cách không thay đổi. Tánh của ớt và mía khác nhau. Ớt không ngọt, mía không cay.

Hai là sự phân biệt, như động vật và bất động vật.

Ba là thực thể. Đó là bản nguyên của tất cả các pháp, là cái thể bẩm sanh, bất nhị.

Trong câu: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” chúng ta dùng chữ “tánh” thay vì “tâm” để chỉ cho phàm nhân thấy rằng cái mà họ gọi là “tâm” chỉ là mặt trăng thứ hai.

Tuy nói là “thấy” tánh nhưng không nên hiểu là “thấy” bằng mắt. Cũng không phải là thấy bằng tâm hoặc bằng sự suy tư. Giác ngộ không có nghĩa là được tôn vinh hoặc là phát chiếu hào quang; đó là chỉ như là người say rượu đã tỉnh táo lại. Khi hết hoang mang và ảo tưởng đã ngưng và trực nhận được chân lý thì được gọi là thấy tánh và giác ngộ.

Một đại sư nói: “Những thiền sư mù phạm lỗi lầm là chỉ vào tâm người, nói đó là tánh và cho rằng như vậy để giác ngộ đệ tử.” Cũng có những thiền sư khác giảng kỹ về nghĩa và lý của tâm và tánh và cho rằng như vậy là “chỉ thẳng”. Các đệ tử tin rằng hiểu như vậy là đắc đạo rồi. Những trường hợp đó phải gọi là nói về tánh, chứ không phải là thấy tánh.

 

 

***

 

Tiểu sử thiền sư Musō Soseki

(trích từ cuốn “Từ điển Phật học” của Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách)

 

“Mộng Song Sơ Thạch

; J: musō soseki; 1275-1351;

 

Thiền sư Nhật Bản danh tiếng thuộc tông Lâm Tế. Sư là người rất có công trong việc truyền bá tông phong Lâm Tế tại Nhật, được Nhật hoàng phong danh hiệu Quốc sư.

Sư sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi quí tộc, mất mẹ năm bốn tuổi. Vừa lên tám, Sư đã xuất gia và ban đầu chuyên tu tập theo Mật giáo (j: mikkyō). Trong khoảng thời gian 10 năm, Sư thu thập tất cả những ấn tượng huyền bí của Mật giáo tại đây. Một năm sau khi thụ giới cụ túc (1292), Sư chuyển sang tu tập theo phương pháp của Thiền tông. Nguyên nhân của sự thay đổi này chính là cái chết bi thảm của một vị thầy. Sư tự thấy rằng, vấn đề chính của cuộc sống là sinh tử luân hồi không thể giải quyết được bằng tri thức uyên bác, kiến thức của một học giả. Trong thời gian 100 ngày sau khi vị thầy lâm chung, Sư tụng kinh cầu an cho vị thầy và nhân đây, Sư có một giấc mộng rất quan trọng. Trong giấc mộng này, Sư được gặp hai vị Thiền sư Trung Quốc quan trọng đời Ðường là Thạch Ðầu Hi Thiên ( ; c: shítóu xīqiān; j: sekitō kisen) và Sơ Sơn Quang Nhân ( ; c: chūshān guāngrèn; j: sozan kōnin), một môn đệ của Ðộng Sơn Lương Giới. Thạch Ðầu xuất hiện dưới dạng một vị tăng của Chân ngôn tông, Sơ Sơn dưới dạng Bồ-đề Ðạt-ma. Sau giấc mộng này, Sư tự đặt tên cho mình là Sơ Thạch (so-seki) – ghép từ hai chữ đầu của Sơ Sơn và Thạch Ðầu. ›Cửa sổ của giấc mộng‹ ( ; Mộng Song; j: musō) đã mở rộng, hướng dẫn Sư trên con đường Thiền.

Sau đó, Sư yết kiến nhiều vị Thiền sư danh tiếng đương thời – một trong những vị này là Nhất Sơn Nhất Ninh (c: yīshān yīníng; j: issan ichinei), một vị Thiền sư Trung Quốc danh tiếng – nhưng không hài lòng với những phương pháp tu tập của những vị này. Nghe danh của Thiền sư Cao Phong Hiển Nhật ( ; j: kōhō kennichi), Sư liền đến tham học. Sư học không lâu nơi Cao Phong nhưng vẫn được xem là môn đệ vì sau này Cao Phong chính là người Ấn khả cho Sư.

Vào một ngày tháng năm (1305), đang trên đường trở về am và trong lúc mệt mỏi, Sư vừa muốn dựa lưng vào tường thì có cảm giác bức tường bỗng nhiên biến mất, Sư té xuống và nhân đây ngộ được yếu chỉ thiền.

Sau sự việc quan trọng này, Sư vẫn chu du đây đó, chú tâm đến việc Tọa thiền (j: zazen). Cuối cùng, Sư nhận lời mời trụ trì Thiên Long tự (j: tenryū-ji) tại Kinh Ðô – một ngôi chùa được xếp vào hệ thống Ngũ Sơn (j: gosan) – và trở thành một nhân vật quan trọng của nền văn hóa Phật giáo tại đây.

Sư cũng là một trong những tác giả đứng hàng đầu của phong trào Ngũ Sơn văn học (j: gosan bungaku), một phong trào rất quan trọng trong việc truyền bá văn hóa, khoa học và nghệ thuật của Trung Quốc sang Nhật. Tên của Sư gắn liền với nhiều việc khai sơn, sáng lập thiền viện và đích thân Sư cũng trụ trì nhiều thiền viện danh tiếng, trong đó có Nam Thiền tự (nanzen-ji), một ngôi chùa với những kiến trúc, vườn cảnh nổi danh trên thế giới. Dưới sự chỉ đạo của Sư, một vị Tướng quân (shōgun) với tên Túc Lợi Tôn Thị (j: ashikaga takauji) truyền lệnh lập 66 ngôi chùa ở 66 nơi khác nhau với tên An Quốc tự (j: ankoku-ji) và từ đây, Thiền tông được truyền bá khắp nước Nhật. Một trong những tác phẩm quan trọng của Sư là Mộng trung vấn đáp (muchū-mondō), trong đó, Sư trình bày các yếu chỉ của Thiền tông qua các câu hỏi và trả lời. Ngoài ra, Sư cũng nổi danh trong nghệ thuật Thư đạo (shodō). Sư được bảy vị Nhật hoàng tôn làm thầy và được phong bảy danh hiệu khác nhau. Dưới danh hiệu Mộng Song Quốc sư, Sư đi vào lịch sử của Phật giáo Nhật Bản.”

 

-o-0-o-

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/nguoi/thiensuMuso.htm

 


Vào mạng: 01-9-2009

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang