Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

 Lễ đăng quang của đức Lorepa

Vô Úy, Tây Thiên Phù Nghì


Gyalwa Lorepa là một trong hai đại đệ tử thượng thủ của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ I, bậc đứng đầu Dòng Truyền thừa Drukpa, một trong những dòng truyền thừa Mật giáo có tầm ảnh hưởng nhất vào thế kỷ thứ 12 tại Tây Tạng. Dưới sự hướng đạo của bậc Căn Bản Thượng sư là Pháp vương Gyalwang Drukpa, Gyalwa Lorepa đã nhiều năm miên mật thực hành các giáo pháp của truyền thừa Drukpa tại nhiều các thánh địa xa xôi, trong đó giành hơn 13 năm ẩn tu tại khu vực đỉnh Kailash quanh năm tuyết phủ. Sau đó khi nhân duyên đã chín muồi, ngài đã thực hiện vô số các công hạnh lợi tha, hoằng dương rộng khắp giáo pháp của dòng truyền thừa Drukpa, kiến lập rất nhiều các tự viện, và khi đó ngài đã có hàng ngàn các đệ tử là các hành giả yogi vĩ đại. Ngài kiến lập nên dòng Drukpa Hạ, một trong ba nhánh lớn của dòng truyền thừa Drukpa.

Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, người đã viếng thăm Việt Nam hai lần vào năm 2007 và 2008, đã chính thức ấn chứng sự hóa thân chuyển thế của “cậu bé Gyalwa Lorepa” chính là đệ tử của mình sau hơn 800 năm. Tại đại hội Drukpa Thường Niên lần thứ nhất tổ chức tại núi Druk Amitabha, vào tháng 4/2009, Ngài đã tấn phong đăng quang cho đức Lorepa theo đúng nghi thức một đại lễ vô cùng tôn nghiêm. Đức Lorepa sẽ được thụ nhận sự rèn luyện, giáo dưỡng trực tiếp từ Bậc Thượng sư của mình là Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu lời khai thị của đức Pháp vương về ý nghĩa, tầm quan trọng và tâm nguyện của các bậc Hóa thân chuyển thế trong buổi lễ đăng quang của đức Lorepa. Sự kiện đã được đăng tải trên rất nhiều website lớn, các phương tiện thông tin đại chúng trong mấy ngày gần đây.

Trong những thư tới, chúng tôi xin tiếp tục được cập nhật tiểu sử và công hạnh của đức Lorepa vào thế kỷ thứ XII vẫn còn được lưu giữ trong tư liệu lịch sử của dòng truyền thừa Drukpa.

Vô Úy, Tây Thiên Phù Nghì, www.Drukpavietnam.org.

 

 

BẢN TIN VỀ LỄ TẤN PHONG NGÀI GYALWA LOREPA
(Báo Telegraph - Calcutta, India October 29, 2009)

 

Cậu bé ở Boston được ấn chứng là hóa thân chuyển thế của một trong các vị Lama. 

Đối với những bạn học cũ của mình tại Boston, Jigme Wangchuk chỉ là một cậu bé 11 tuổi bình thường, nhưng tại Ấn Độ, cậu được hàng ngàn Phật tử tôn  kính là bậc bậc hóa thân chuyển thế của một trong những nhân vật Phật Giáo đáng tôn kính nhất. 

Cha mẹ của  Jigme Wangchuk  đã tạm dừng công việc kinh doanh nhà hàng để chuyển đến gần cậu tại tự viện Drukpa Sangag Choeling

Cậu bé đã từ bỏ cuộc sống ở Mỹ để đến tu tập tại một tự viện ở thị trấn Darjeeling bên dãy Himalaya để thực hiện sứ mệnh của mình là một nhà lãnh đạo tinh thần và sống cùng các đệ tử trên khắp Bhutan, Nepal và Ấn Độ.

Cha mẹ cậu cho biết hai năm về trước, họ đã phát hiện ra con trai của mình không như những đứa trẻ bình thường khác khi cậu bắt đầu kể về đời sống quá khứ của mình. Lúc đầu, họ bác bỏ chuyện này  vì cho rằng đó chỉ là những tưởng tượng trẻ con. Nhưng trong chuyến viếng thăm một tự viện ở vùng Mysore, miền nam Ấn Độ,  cậu bé đã không chơi đùa nữa mà đi vào trạng thái nhập định, thuật lại toàn bộ chi tiết về đời sống quá khứ của mình, là một vị Dalai Lama Gyalwa Lorepa, viên tịch vào năm 1250 tại Tây Tạng.

Trong lúc nhập định, cậu bé mô tả một tự viện nổi tiếng với một con rồng dài 35 thước trên mái. Sau khi nghe cậu mô tả về tự viện cậu nơi cậu chưa từng đặt chân đến, cậu đã được ấn chứng chính là hóa thân chuyển thế của Đức Lama Gyalwa Lorepa, một trong những đệ tử thượng thủ của đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ nhất vào thế kỷ thứ 12.

Hiện tại  cậu bé sẽ trải qua 10 năm để trau dồi đức hạnh trong tự viện và chỉ có thể liên lạc với những bạn học cũ của mình qua thư điện tử. “Đó là một khoảng thời gian vô cùng khó khăn cho chúng tôi trong suốt hai năm qua, tôi đã khóc gần 5 tháng trời, nhưng cuối cùng mọi chuyện đều ổn”, bà Dechen, mẹ cậu bé cho biết. “Khi chúng tôi đang trên đường từ New Dehli đến Darjeeling, tôi hỏi con xem thử  có muốn trở lại Boston không thì Walchuk  trả lời mình phải hoàn thành trách nhiệm đối với người dân của mình”. “Con sẽ phải bỏ học, sẽ rất nhớ thầy cô và bạn bè, nhưng con rất hạnh phúc trong sứ mệnh mới của mình, con thích được sống nơi đây”,  Jigme Wangchuk  đã nói với cha mẹ cậu như vậy. 

Theo The Telegraph

 

Cung đón Hồi hương

Chủ  nhật, 24 tháng Mười 2009

Trình duyệt của bạn có thể không hỗ trợ hiển thị hình này. 
Đức Lorepa đăng quang tại đại hội ADC lần thứ nhất.

Chúng ta vẫn cho rằng khi thiên tai thảm họa xảy ra liên tục là do quy luật nhân quả, trên thực tế chẳng có không gì có thể thoát khỏi nhân quả, cho dù bạn có tạo hành động thiện hay bất thiện cũng đều dẫn đến nghiệp quả. Loài người chúng ta quả thật rất lạ kỳ, khi làm những việc tốt, chúng ta luôn mong chờ kết quả tốt đẹp ngay tức thì, mà không hề nghĩ rằng chúng ta đã tích lũy biết bao nhiêu nghiệp xấu từ vô số kiếp đã qua. Khi chúng ta làm một việc bất thiện, đặc biệt là để thỏa mãn ích kỷ tự ngã và dục lạc giả tạm nhất thời, chẳng hạn như hủy hoại những chúng sinh khác, gây tác hại cho môi trường của chính chúng ta và gây đau khổ cho những người mà chúng ta coi là kẻ thù, chúng ta lại luôn mong cầu rằng chúng ta sẽ không phải chịu nghiệp quả đau khổ do những ác hạnh đó, và đôi khi có những người còn hung hăng tới mức thậm chí nghĩ rằng họ không chịu sự chi phối của luật nhân quả.

Chắc hẳn tất cả các bạn đều đã biết, tôi sẽ đến Darjeeling để tấn phong ngài Gyalwa  Lorepa. Lễ ấn chứng, tấn phong cũng như mọi nghi thức khác cũng đều là kết quả của nghiệp. Các bậc Thượng sư vĩ đại như Ngài vẫn luôn quay trở lại cõi chúng ta không chỉ bởi các Ngài đã phát đại nguyện cứu khổ, cứu nạn mọi loài chúng sinh, mà cũng vì mối thiện duyên với chúng ta. Bởi vì các Ngài là những bậc chứng ngộ nên lễ tấn phong đăng quang vô cùng quan trọng để chúng ta cung đón sự giáng lâm của một bậc giác ngộ, cũng có thể nói là chúng ta cung đón sự giáng lâm của một bậc giác ngộ có nhân duyên kết nối với chúng ta từ những đời trước. Lễ tấn phong biểu trưng cho sự thừa nhận những phẩm hạnh giác ngộ trong hình tướng một con người và khẳng định rằng giác ngộ là điều  chắc chắn có thể.

Ngày này có đến một nửa số người trên trái đất không tin vào sự tái sinh, và vì thế họ thậm chí còn không tin hay chẳng màng quan tâm tới nghiệp. Nếu không hiểu biết và không tin vào nghiệp, thế giới này sẽ trở nên rối loạn bởi lẽ người ta sẽ không tin rằng làm thiện nghiệp sẽ mang lại phúc báo và gây ác nghiệp sẽ đưa đến quả báo. Đạo đức sẽ không được coi trọng. Sự tấn phong một bậc giác ngộ không chỉ minh chứng cho thế giới thấy các ngài đã hóa thân chuyển thế, mà còn nhắc nhở mỗi người trong chúng ta về quy luật nghiệp nhân quả đồng thời khích lệ sách tấn chúng ta rằng chính chúng ta cũng có thể chứng đạt giác ngộ giải thoát. Mỗi sự tấn phong giống như một sự ấn chứng về khả năng đạt tới cảnh giới toàn hảo siêu việt luân hồi khổ não.

Sự  hóa thân chuyển thế của Ngài Lorepa đặc biệt quan trọng với dòng Truyền thừa Drukpa chúng ta vì Ngài là một trong hai đại đệ tử thượng thủ của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ Nhất, Tsangpa Gyare, vị đệ tử còn lại là ngài Gyalwa Gotsangpa. Dòng Truyền thừa Drukpa là một trong những dòng truyền thừa trứ danh nhất vào thế kỷ thứ 12 tại Tây Tạng và từ Đức Tsangpa Gyare cùng các đệ tử của Ngài đến các đệ tử đời sau của họ đã có ba nhánh truyền thừa được phát triển – Drukpa Thượng, Drukpa Trung và  Drukpa Hạ, được mệnh danh dựa theo tên vùng miền  nơi dòng truyền thừa đó phát triển thịnh vượng. Đức Gyalwa Lorepa là người đứng đầu dòng Drukpa Hạ và theo lý Ngài đã phải hóa thân chuyển thế giữa đời đầu tiên đó và đời này, song những hóa thân của Ngài đã không được tìm ra và không được ấn chứng, cho tới tận hóa thân hiện nay.

Có rất nhiều cách để tìm kiếm các hóa thân của các bậc thượng sư giác ngộ, hoặc thông qua những linh kiến thiền định, hoặc nhờ vào những lời huyền ký do hóa thân đời trước của các Ngài để lại trước khi thị hiện viên tịch, hoặc qua những di huấn do các Ngài truyền lại cho những đệ tử lân mẫn nhất và đôi khi còn thông qua những lời sấm huyền ký. Hóa thân đời này của Đức Gyalwa Lorepa đã được phát hiện bởi một hộ pháp ở Bhutan. Một hộ pháp đã thị hiện trong hình tướng của một vị tiên tri đáng kính và nói với chú của Ngài là Karma Rinpoche, lúc đó đang có mặt ở Bhutan trong một chuyến hành hương triều bái thánh địa, rằng nên trao Ngài cho tôi. Từ khi còn nhỏ, Ngài đã thường nói với mẹ Ngài rằng Ngài phải trở về nhà, một ngôi nhà bên trên có rất nhiều đá. Trên thực tế đó là ngôi nhà của Đức Gyalwa Lorepa ở Bhutan, được gọi là Tharpa Ling, đã tồn tại từ hơn 700 năm nay. Thậm chí mẹ của Ngài đã từng tới Bhutan để kiểm chứng xem ngôi nhà đó có tồn tại không và đúng là ngôi nhà vẫn đang ở đó.

Nghiệp hay duyên nghiệp hay khuynh hướng nghiệp, cho dù bạn có gọi là gì đi nữa, thì một cách rõ ràng và chắc chắn nó vẫn tồn tại không thể mảy may nghi ngờ. Nếu không như vậy thì làm sao một đứa trẻ ở tận Boston nước Mỹ lại có thể nhớ ngôi nhà của mình sau hàng trăm năm như vậy? Khi nhân duyên chín muồi, Ngài đã hóa thân chuyển thế trở lại với chúng ta.

 

Đức Pháp Vương Tsangpa Gyare và hai đại đệ tử là Gotsanpga và Lorepa

Xin thay mặt cho toàn thể gia đình Drukpa của chúng ta, cung đón ngài với sự nồng hậu nhất: “Xin cung đón Ngài đã Hồi hương!”

Tôi hy vọng ở Darjeeling có kết nối mạng tốt để tôi có thể chia sẻ với các bạn vài tấm ảnh cùng tin tức.

Tôi xin tạm dừng lại ở đây!

 Vô Úy, Tây Thiên Phù nghì. Nguồn: www.Drukpavietnam.org

 

 

Lễ tấn phong Ngài Gyalwa Lorepa

Thứ sáu, ngày 30 tháng Mười năm 2009 13:50 Tin tức năm 2009

E-mailPrintPDF

Đức Lorepa đăng quang tại đại hội ADC lần thứ nhất

Đối với tôi, quả là một niềm an lạc và hoan hỷ vô biên được cử hành lễ tấn phong đăng quang Ngài Gyalwa Lorepa trong ngôi tự viện do chính bậc Thượng sư của tôi kiến lập nên. Đây chính là nơi tôi đã sống thời thơ ấu cùng với bậc Thầy tôn quý của tôi là Ngài Thuksey Rinpoche. Lần đầu tiên hạnh ngộ Ngài, ngay tức thì tôi đã không thể rời mắt khỏi Ngài, cho dù khi đó tôi mới chỉ lên 3 tuổi còn Ngài đã ngoại ngũ tuần. Nếu phải mô tả lại thì tôi sẽ cho đó thực sự là lòng kính ngưỡng phát khởi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ha ha! Dù thế nào, tôi vẫn tin rằng giữa Gyalwa Lorepa và tôi cũng có nhân duyê sâu sắc ngay từ lần đầu tiên gặp mặt. Cho dù cha mẹ Ngài có nói với tôi rằng điều này thực sự lạ kỳ, song tôi nghĩ nếu bạn hiểu được sự vận hành của nghiệp và biết được thực tế lịch sử rằng Ngài Gyalwa Lorepa là Pháp tử của Đức Tsangpa Gyare, tức là “hóa thân chuyển thế của tôi” cách đây hơn 800 năm về trước, thì bạn sẽ không cảm thấy ngạc nhiên về điều này. Tất nhiên, có thể giải thích một cách dễ hiểu hơn rằng đây là mối liên hệ nhân duyên không thể nào bị phủ nhận hay phá hủy.

Đôi lúc tôi nghĩ rằng thật là khó khăn cho các bậc thầy tâm linh vì chúng tôi cứ luôn phải quay trở lại và dường như đây là một công việc chẳng có hồi kết thúc và cũng không mang lại nhiều thành quả. Đôi khi tôi cảm thấy rất buồn khi phải ấn chứng những bậc ấu nhi đặc biệt bởi các Ngài sẽ phải rời khỏi cha mẹ khi tuổi còn rất nhỏ, phải tới một nơi xa lạ, sống với những người không quen biết và học nói một ngôn ngữ mà có thể họ chưa từng nghe hoặc không hề quen thuộc. Song các bậc ấu nhi này đã tới đây vì một sứ mạng vô cùng lớn lao mà tâm phàm trần của chúng ta khó có thể cảm nhận được. Sẽ không dễ dàng gì để hoằng truyền rộng rãi tâm linh chân chính trong thế giới vô cảm ngày nay khi mọi thứ đều tôn sùng và tuyên dương tám món bận tâm thế tục, tức là đối lập hoàn toàn với Chân lý tối thượng và chân chính. Vì vậy, khi các nhà báo hỏi tôi vì sao Ngài Gyalwa Lorepa lại quay trở lại sau 700 năm dài, trong tâm trí tôi đã có một câu trả lời mà tôi đã không chia sẻ với họ, rằng “Tôi nghĩ thế giới này cần có thêm rất nhiều bậc Thượng sư chân chính để hoằng dương giáo pháp chân chính, tức là tình yêu thương, hạnh phúc chân chính, sự hòa hợp, hòa bình thực thụ, và tất cả đều không thể bị phá hủy bởi bất cứ cảm xúc, ngờ vực hay sự mê tín nào”. Chính nhờ vậy có thể nói rằng thế giới hỗn độn của chúng ta vẫn còn có hy vọng. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến tôi vô cùng thận trọng và cố thủ khi ấn chứng các bậc hóa thân, bởi tất thảy họ đều phải gánh trách nhiệm nặng nề biến cõi trầm luân trở thành một tịnh độ tốt đẹp cho hết thảy chúng sinh.

Tôi vô cùng xúc động trước sự thành tâm và chân tín của cha mẹ Ngài Gyalwa Lorepa, họ có những phẩm hạnh vô cùng hiếm thấy trong thời đại ngày nay. Chẳng có gì phải nghĩ bàn vì sao Ngài Gyalwa Lorepa lại chọn họ làm cha mẹ. Tôi rất tự hào khi họ cũng trở thành những thành viên trong gia đình của chúng ta. Như các bạn đã biết, đại gia đình Drukpa của những hành giả yogi và các Phật tử chúng ta nhìn chung sống khá đơn giản và dễ dàng, đôi khi quá đơn giản và quá dễ dàng khiến cho những người bên ngoài có thể cho rằng chúng ta chưa làm được gì nhiều lắm. Tôi nghĩ chúng ta đã làm được nhiều hơn là nói về những gì mình làm. Mặc dù vậy, nếu như nói nhiều hơn về những gì mình làm có thể giúp ích được cho nhiều chúng sinh hơn, thì từ nay trở đi chúng ta nên chia sẻ nhiều hơn nữa những trải nghiệm của chúng ta. Vì thế, sắp tới tôi sẽ thỉnh Ngài Gyalwa Lorepa cùng cha mẹ Ngài cùng đi với tôi trong chuyến du hóa tới Ladakh, ở đó họ sẽ có thể tích lũy được vô số công đức khi cùng chúng tôi trì tụng một trăm triệu biến thần chú Vajra Guru (Đạo Sư Liên Hoa Sinh) và thần chú Amitabha (A Di Đà), đồng thời họ cũng cần được biết thêm đôi chút về tôi vì giờ đây tôi đã trở thành người cha tâm linh của con trai họ, và quan trọng hơn cả họ sẽ hiểu thêm về sự nghiệp vĩ đại của các bậc Truyền Thừa Thượng Sư của chúng ta tại các vùng Himalaya, về di sản tâm linh giàu có và chiều sâu lịch sử của Truyền Thừa Drukpa. Ngoài ra, trong chuyến đi này, một trong những bậc lãnh đạo vô cùng quan trọng của Truyền Thừa Drukpa, Ngài Kyabje Drukpa Yongdzin Rinpoche, sẽ được tấn phong. Ngài là Căn Bản Thượng Sư của Đức Taktsang Repa đời thứ Nhất, người đã tới Ladakh và hoằng truyền rộng rãi giáo pháp Truyền Thừa Drukpa tới khắp nơi trong vùng. Ngài Drukpa Yongdzin Rinpoche thực sự là suối nguồn quan trọng của giáo pháp dòng truyền thừa Drukpa tại Ladakh và các vùng lân cận, do vậy lễ tấn phong tại Ladakh lần này được tổ chức cũng chính là tâm nguyện trong sinh nhật của tôi cũng như tâm nguyện của mọi người dân Ladakh đang trở thành hiện thực.

Giờ đây tôi vô cùng hoan hỷ được chia sẻ với các bạn những bức ảnh chụp trong buổi lễ tấn phong lần này. Xin các bạn hãy hoan hỷ và đừng than phiền rằng ảnh quá ít bởi lẽ đường truyền ở đây rất chậm.

Buổi chuyện trò thân mật với các Pháp tử và cha mẹ Ngài Gyalwa Lorepa

 

 

 

Ngài Gyalwa Lorepa mới gia nhập đại gia đình Drukpa nhưng đã cảm thấy như ở nhà

 

 

Sau lễ khánh thành căng-tin mới xây tại tự viện Darjeeling

 

 

 

Tôi không thể nhớ nổi tại sao mình và Ngài Karma Rinpoche lại có những giây phút hỉ lạc dường vậy

 

 

Ngày lễ tấn phong Ngài Gyalwa Lorepa

 

Chư tăng xếp thành hàng dâng phẩm vật cúng dường lên Ngài Gyalwa Lorepa

 

Ngài Gyalwa Lorepa đội chiếc mũ của Gompopa

 

Chư Đại Đức Tăng cúng dường Mandala

 

Các Ngài Thuksey Rinpoche, Khamtrul Rinpoche, Tsaptrul Rinpoche, Khamdag Rinpoche và Karma Rinpoche đều tham dự đại lễ này

 

 

 

Ba Pháp tử trân quý của tôi

 

 

 

 

 

 

 

 

Tôi và Ngài Gyalwa Lorepa trẻ tuổi

 

 

 

 

 

 

 

Cha mẹ và cô em gái rất giỏi tiếng Tạng của Ngài Gyalwa Lorepa, Tôi xin gửi lời tri ân tới cha mẹ của Ngài vì đã tin tưởng gửi gắm con trai của mình cho tôi. Đây thực sự là một hành động vô ngã vị tha chắc chắn sẽ tăng trưởng nghiệp lành. Tự tận đáy lòng, tôi luôn cầu nguyện họ sống trường thọ, hạnh phúc bình an

 

 

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/sukien/ledangquang.htm

 


Vào mạng: 11-11-2009

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang