- Những mối đe
dọa Hòa bình Tôn giáo tại Nam Hàn
Thích Minh Trí dịch (Theo Choe
Sang-Hun, IHT)
Seoul, Nam Hàn, 14.10.2008 --- Chùa Jogye
thường là một hải đảo an toàn của người Phật tử. Các sỹ quan mật vụ đã
chốt chặt các lối ra vào ngôi chùa này để chộp bắt bất cứ ai muốn mạo
hiểm đào tẩu. Tá túc trong khuôn viên chùa là lãnh đạo của các cuộc biểu
tình phản đối chính phủ dữ dội. Các lãnh đạo này bị buộc tội chủ mưu gây
ra bạo động. Họ bị cho là đến chùa không vì mục đích phát triển năng lực
tâm linh mà vì tìm kiếm nơi tỵ nạn chính trị. Một viên chức cao cấp của
chính phủ đã gọi các lãnh đạo ấy là “những quỷ Sa-tăng”.
Khi
tiếng chuông của tháp chuông tọa lạc gần chùa Tào Khê ở trung tâm thủ đô
Seoul vang lên, các Phật tử tham dự khóa lễ chiều vân tập về chùa - trụ
sở của tông phái Phật giáo lớn nhất Hàn Quốc. Họ bước đi dưới tán của
6200 chiếc đèn lồng hoa sen. Những chiếc đèn lồng hoa sen này được xếp
theo màu sắc thành một từ tiếng Anh là “OUT” (Hãy cút đi) - một lời
khiển trách nghiêm khắc đối với Tổng thống Lee Myung Bak xuất phát từ
các Phật tử vốn có thời từng sống nhẫn nại và phi chính trị trong đất
nước Nam Hàn.
Người phát ngôn cho Tông phái Tào Khê, nhà sư Park Jeong Kyu nói:
“Hòa bình tôn giáo tại Nam Hàn đang bị đe dọa bởi những người mơ ước
biến quốc gia này thành vương quốc của Chúa như thời Trung cổ thông qua
một ông tổng thống trưởng lão của giáo hội Thiên chúa”.
Tổng
thống Nam Hàn Lee Myung-bak , 66 tuổi, một trưởng lão của giáo hội
Trưởng Lão (Presbyterian) tại thủ đô Hán Thành. Kể từ cuộc bầu cử của
Tổng thống Lee vào tháng 12/2007, các Phật tử đã lên tiếng cảnh báo các
hội thánh Tin Lành bảo thủ của Nam Hàn. Những hội thánh này không những
ủng hộ Tổng thống Lee mà còn làm ngứa mắt nhiều người Hàn Quốc - không
hẳn chỉ riêng đối với các Phật tử - bằng việc thực hiện các cuộc cải đạo
có tính quyết liệt, bất chấp các tôn giáo khác.
Tháng 8/2008, hàng chục ngàn Tăng ni, Phật tử Hàn Quốc đã tiến vào trung
tâm thủ đô Seoul, buộc tội Tổng thống Lee và nội các chính phủ của ông
ta vì sự kỳ thị chống lại các Phật tử và thiên vị các tín hữu Tin Lành.
Cuộc
biểu tình phản đối này là loại biểu tình đầu tiên bùng phát tại Nam Hàn.
Nó không những báo hiệu sự nhận thức về chủ nghĩa thực tiễn của chính
trị trong số các tu sỹ của Phật giáo Hàn quốc mà còn tiềm ẩn viễn cảnh
về cuộc xung đột giữa các giáo phái, một cái gì đó chưa từng thấy trong
lịch sử hiện đại Nam Hàn.
Một
giáo sư xã hội học về tôn giáo tại Đại học Kyung Hee, ông Song Jae Ryong
nói: “Cái mà chúng ta thấy là bất thường, bởi vì đất nước này mặc dù
thường xuyên nhỏ lệ đau thương bởi các cuộc chiến tranh, các cuộc bạo
động do ý thức hệ và các hoạt động chính trị bè phái nhưng vẫn luôn luôn
duy trì sự hài hòa tôn giáo”.
Người luôn bị chỉ trích trong các tranh luận chính là Tổng thống Lee,
người đã có lần làm các Phật tử bức xúc vì lời thề xin “dâng ” thủ đô
Seoul cho Chúa khi ông còn là thị trưởng thủ đô Seoul.
Hiến
pháp Hàn Quốc nghiêm cấm chỉ định bất kỳ tôn giáo nào làm quốc giáo. Gần
một nửa trong số 47 triệu dân Hàn Quốc khước từ theo bất kỳ tôn giáo
nào. Tôn giáo mà trong đó Phật giáo chiếm 10.7 triệu tín đồ, Tin Lành
8.6 triệu, Công giáo La Mã 5.1 triệu và còn lại là Khổng giáo và các tôn
giáo khác, đã có một thời gian dài cùng chung sống một cách hòa bình,
thậm chí ngay cả trong cùng một gia đình.
Tổng
thống Lee không phải là giáo dân Thiên Chúa đầu tiên được người dân Nam
Hàn bầu lên. Trước đó, đã có 2 trong số 3 tổng thống tiền nhiệm trước
đời Tổng thống Lee là giáo dân Thiên Chúa giáo.
Nhưng mối bất hòa đã bùng phát sau khi Tổng thống Lee tuyên thệ nhậm
chức vào tháng 2/2008.
Các
Phật tử Nam Hàn phàn nàn rằng, trong số 16 thành viên trong nội các của
Tổng thống Lee thì có đến 13 thành viên là tín hữu Ki-tô giáo, và chỉ có
1 thành viên là Phật tử. ( còn 2 thành viên khác không theo tôn giáo nào).
Mối
nghi ngờ Tổng thống Lee của các Phật tử Nam Hàn càng gia tăng hơn vào
tháng 6/2008 khi Bộ Địa chính – Giao thông – Hàng hải đã đăng tải trên
trang nhà của bộ này một tấm bản đồ Seoul vĩ đại mà tảng lờ quên không
đăng tải địa điểm của các ngôi chùa, - thậm chí những ngôi chùa danh
tiếng, trong khi đó thì lại đánh dấu vị trí của các giáo xứ, - ngay cả
những giáo xứ thứ yếu.
Sau
đó, vào tháng 7/2008, trong nỗ lực truy bắt những người phản đối nhập
khẩu thịt bò điên của Mỹ lẩn trốn trong chùa Tào Khê, các sỹ quan cảnh
sát Nam Hàn đã chận và khám xét xe của Hòa thượng Jigwan, lãnh đạo cao
cấp nhất của Tông phái Tào Khê.
Trước đó, một quan chức cao cấp phụ trách văn phòng tiếp dân của Tổng
thống Lee, cũng là một mục sự Tin Lành, đã gọi những người biểu tình
phản đối ấy là “những quỷ Sa-tăng”.
Vào
tháng 8/2008, một mục sư Tin Lành xuất sắc được mời làm lễ cầu nguyện
tại buổi tiệc mà Tổng thống Lee tổ chức chiêu đãi Tổng thống Hoa Kỳ,
George W.Bush tại Dinh Tổng Thống.
Các
Phật tử Nam Hàn đã nắm lấy cơ hội này và các sự kiện tương tự để buộc
tội Tổng thống Lee và các hội thánh Tin Lành là đã “sử dụng chính phủ
như là một phương tiện để thực hiện việc cải đạo”.
Chính phủ đã xin lỗi vì cái mà nó gọi là những sai sót không cố ý của
bản thân, như chuyện bản đồ, và cũng đã bày tỏ sự hối tiếc vì đã tạo cho
những người chỉ trích sự hiểu lầm đối với các vấn đề khác . Ví dụ như,
ngay cả trước đời Tổng thống Lee, các giáo dân Thiên chúa giáo luôn là
những ứng viên nặng ký trong các chức vụ trọng yếu của chính phủ. Và
Tổng thống đã duyệt lại bộ luật hành xử của viên chức để thêm vào một
điều khoản chống lại sự thiên vị tôn giáo.
Sau
cuộc họp kéo dài hôm 26/9/2008, các Viện chủ lãnh đạo của Tông phái Tào
Khê đã chấp nhận thiện chí hòa giải của Tổng thống Lee. Sự kiện này có
phần giúp làm lắng dịu tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, các Viện chủ đã
khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục tổ chức một cuộc biểu tình Phật tử lớn
vào ngày 1/11/2008 tại tỉnh Daegu, quê hương của ông Park Geun Hye, một
đối thủ bảo thủ chính trong nội các của Tổng thống Lee.
Các
lãnh đạo Tông phái Tào Khê cũng yêu sách Tổng thống Lee phải cất chức
viên cảnh sát trưởng, một tín đồ Tin Lành, và giới thiệu một bộ luật
trừng phạt các quan chức biểu lộ thái độ thiên vị tôn giáo trong khi thi
hành nhiệm vụ. Họ cũng thúc giục Tổng thống Lee không được bắt giữ các
nhà hoạt động chính trị - xã hội đã tá túc tại chùa Tào Khê.
Đạo
Phật hiện diện tại bán đảo Triều Tiên đến nay đã được 1600 năm. Nhưng
đạo Phật đã để mất đất sống của mình, đầu tiên là nhượng lại cho
Công giáo La Mã, thứ đến là cho các giáo phái Tin Lành. Các nhà
truyền giáo Hoa Kỳ đã truyền giáo lý Tin Lành đến Hàn Quốc chỉ mới cách
đây 1 thế kỷ, nhưng đã bành trướng nó song song với tiến trình hiện
đại hóa Hàn Quốc trong vài thập niên qua.
Các
hội truyền giáo Thiên Chúa đã giới thiệu nền giáo dục và y học Phương
Tây. Và các giáo dân Thiên Chúa Hàn Quốc tích cực hoạt động tranh đấu
cho dân chủ trong suốt những thập niên sống dưới kỷ luật quân đội.
Trái
lại, đạo Phật, với điểm nổi bật của nó là thiền định và ẩn tu trong thâm
sơn cùng cốc, càng ngày càng tạo cho các thế hệ mới của Hàn Quốc một ấn
tượng như là đang bị ràng buộc vào các truyền thống và các pháp môn
bí truyền. Đối với nhiều người Hàn Quốc, Phật giáo là di sản văn hóa hơn
là một tôn giáo.
Trong khi đó, cách đây vài năm, khi chùa Jogye chịu trách nhiệm phát
hành một bộ phim có tính bạo lực, kể lại những kẻ ác ôn đội lốt tu hành,
trong đó các phe phái tu sỹ kình chống đấm đá lẫn nhau trong một cuộc
chiến trần tục để tranh giành quyền kiểm soát tông phái ngõ hầu sở hữu
những tài sản to lớn, các tu sỹ Phật giáo Hàn Quốc đều đã chằm hăm vào
xem phim đó.
Ông
Bae Byoung Tae, tổng thư ký Viện Nghiên Cứu Hàn Quốc Liên Kết Với Phật
Giáo Vì Tự Do Tôn Giáo, nói: “Phật giáo Hàn Quốc đã đánh mất một
vai trò xã hội quan trọng. Nhưng các giáo phái Tin Lành, số lượng
hội viên của các giáo phái ấy đã nhanh chóng nhân lên bên cạnh việc
phát triển kinh tế trong suốt các thể chế độc tài, đồng thời họ cũng
chấp nhận những phương pháp cải đạo có tính độc quyền. Họ không tôn
trọng và công nhận các tôn giáo khác”.
Các
Phật tử vẫn còn bất bình về một sự kiện vào năm 1948, khi ông Syngman,
cựu tổng thống đã thiết lập thể chế độc tài tại Nam Hàn và cũng là một
trưởng lão Tin Lành, đã quyết định lấy ngày Chúa giáng sinh làm ngày
nghỉ lễ của quốc gia, trước khi ngày Lễ Phật đản được công nhận giống
như vậy 27 năm trước.
Giống như các phe đảng của Nam Hàn, các hội thánh Tin Lành Nam Hàn dường
như cũng là nỗi ám ảnh chẳng thua kém các phe đảng ấy chút nào.
Thủ
đô Seoul là địa điểm tổ chức của 11 trong số 12 hội nghị Thiên chúa giáo
lớn nhất thế giới. Hội Truyền bá Phúc Âm Yoido, mà mục sư xuất sắc của
hội thánh này đã cử hành khóa lễ cầu nguyện tại buổi tiệc chiêu đãi Tổng
thống Hoa Kỳ George Bush do Tổng thống Lee tổ chức, khoe rằng có 800.000
hội viên.
Các
hội thánh Tin Lành tổ chức các cuộc chạy ma-ra-tông cầu nguyện thâu đêm
suốt sáng. Sự sốt sắng truyền bá Phúc âm của họ đã tạo nên hàng loạt bản
tin vào năm 2007 khi 23 trưởng lão của họ bị bắt cóc tại Afghanistan bởi
phiến quân Taliban và 2 trong số họ đã bị tử hình.
Những người theo trào lưu Thiên Chúa giáo đã châm dầu vào ngọn lửa bất
bình bằng việc cố ý phá hủy tôn tượng đức vua Dangun, vị khai
quốc công thần trong huyền sử của bán đảo Triều Tiên. Nhiều gia đình Hàn
Quốc cũng bị ly tán chỉ vì càng ngày càng gia tăng số lượng các tín hữu
Tin Lành khước từ tham dự lễ bái tổ tiên của Khổng giáo, và những buổi
lễ vốn thường được cử hành trong tất cả các gia đình không quan tâm sáp
nhập bất cứ tôn giáo nào.
Sự
bất bình của các Phật tử đang tăng cao trong những tuần lễ gần đây khi
các cuộn phim video được phát tán trên mạng internet trình chiếu những
người truyền giáo Tin Lành hừng hực khí thế, và một trong số họ đã hướng
dẫn cộng đoàn của họ hét vang khẩu hiệu “phá sập các ngôi chùa
Phật giáo”.
Trong 1 clip khác, một nhà truyền bá Phúc Âm thuộc giới lãnh đạo, ông
Jang Kyong Dong nói: “Các tu sỹ Phật giáo đang chờ thời gian. Họ
nên đi theo chúa Giê-su. Có một quốc gia Phật giáo nào trên thế giới mà
giàu có không?”.
Suốt
thời gian quản trị của 2 tổng thống tiền nhiệm trước đời Tổng thống Lee,
các nhóm Tin Lành bảo thủ nổi lên như là một lực lượng trấn giữ các vị
trí then chốt trong nội các chính phủ. Họ tổ chức biểu tình phản đối bên
ngoài [Dinh Tổng Thống], lên án tất cả các lãnh đạo Bắc Hàn lẫn chính
phủ thiên tả ở Seoul như là “quỷ Sa-tăng”. Họ đã ủng hộ Tổng thống Lee
trong cuộc tuyển cử tháng 12/2007.
Hiện
tại, Tổng thống Lee đang nắm quyền lực trong tay, và cũng đang cảm thấy
thấm thía những phản kháng dữ dội [đã xảy ra và có thể sắp xảy ra].
Ông
Yang Se Jin, tổng thư ký tổ chức Vận động Đạo đức Thiên chúa của Nam Hàn,
một đoàn thể giáo dân Tin Lành, đặt vấn đề ấy theo cách này: “Cảm
thức khủng hoảng của người Phật tử về sự ảnh hưởng của họ bị suy giảm
trong xã hội Nam Hàn, không hẳn là người Phật tử Hàn Quốc đã làm cho nó
bùng nổ dưới thời chính quyền của Tổng thống Lee đâu, [mà họ đã cảm thấy]
khó chịu với việc cải đạo có tính gây hấn của người Tin Lành Hàn Quốc [và
đã muốn cho nó nổ tung ra từ lâu rồi]”.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/sukien/nhungmoidedoa.htm