Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
ĐẤT NƯỚC TRUNG QUỐC TRONG KINH ĐIỂN ĐẠI THỪA.
(Tg. Ht Ấn Thuận, Diệu vân tập, hạ biên chi cửu, Phật giáo sử địa khảo luận, tr.251-270./ Phước Năng dịch.)

 

Sự giao lưu văn hoá giữa Trung Quốc và Ấn Độ, tôi tin tưởng là có từ rất sớm. Ở Trung Quốc, bộ Sơn Hải kinh[1] đã nói nói đến nước ‘Quyên Độc[2]’. Ví như vị thần lửa A Kỳ ni[3] của Ấn Độ, chính là vị tiên An Kỳ Sinh trong thần thoại của Trung Quốc; mặt trời và con ngựa, mặt trăng và con thỏ, những truyền thuyết thần thoại ấy của Trung Quốc, cũng sớm đã ăn khớp với thần thoại Ấn Độ. Cho nên, tới thời đại Chu – Tần (1066 BC – 206 BC), nước Trung Quốc đối với nền văn hoá của Ấn Độ, sớm đã có sự tiếp xúc. Về phía Ấn Độ, sẽ không sai khi ta nghĩ rằng cũng đã biết sớm về Trung Quốc. Trung Quốc, tiếng Phạn (Ấn Độ-Sanskrit) là Cina, dịch âm là Chi Na, Chí Na, Chỉ Na, Chấn Đán, Chân Đan…, dịch nghĩa là Hán, Tần, Tấn, Tuỳ, Đường…đấy là cách gọi của người Ấn Độ đối với Trung Quốc. Trong hai thiên trường ca [4] còn hiện của Ấn Độ, đã có nói đến tên Chi Na, có điều hai bộ trường ca này được biên tập trong suốt một thời gian dài, nên không thể suy đoán rằng đó là sự ghi chép sớm nhất của Phạn văn về đất nước Trung Quốc.

Việc Phật giáo được truyền đến Trung Quốc (sớm hơn thời vua Minh  Đế nhà Đông Hán, [206 BC – 23 AC]), chắc chắn đã củng cố thêm mối quan hệ văn hoá của hai miền. Đến khi các Tăng nhân cầu Pháp của Trung Quốc sang phương Tây, thì mối quan hệ văn hoá càng gắn bó. Phật giáo phát triển ở Trung Quốc, trong các kinh điển Phật giáo truyền đến Trung Quốc, nhất là các kinh Đại thừa của vùng Bắc Ấn, rất hay nói đến Trung Quốc. Điều này cho thấy, có mối quan tâm của Phật, Bồ tát và các Tổ sư đối với Trung Quốc,  bởi vì Trung Quốc là trung tâm của Phật giáo Đại thừa vậy. Tuy cái diện tích đất đai mà chữ Chi Na chỉ đến, các học giả chưa  hoàn toàn nhất trí với nhau, nhưng trong kinh Đại thừa, nhất định là chỉ cho đất nước Trung Quốc. Từ đời Hán (206 BC – 23 AC) trở đi, Tây Vực (nay là tỉnh Tân Cương) đã trở thành một phần của lãnh thổ Trung Quốc, cho nên lấy lãnh thổ Trung Quốc hiện nay làm phạm vi mà kể lại những điều có liên quan đến Trung Quốc trong kinh Đại thừa. Vì ngẫu nhiên nghĩ ra, đọc lướt lại một lần kinh điển Đại thừa, nên chắc chắn sơ sót còn nhiều.

 

1. PHẠM VI LÃNH THỔ CỦA TRUNG QUỐC.

Trước tiên, đất nước Chi Na mà trong kinh nói đến, có Chi Na và Ngoài Chi Na, nói ngược lại, có đất nước Trung Quốc và các vùng phụ thuộc Trung Quốc. Tác phẩm Chính Pháp niệm xứ kinh của Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi dịch vào đời Nguyên Nguỵ[5], quyển 68, nói: “Lần lượt đến nước thứ 15, tên là nước Hán, lãnh thổ của nó ngang dọc khoảng một nghìn do tuần[6]; đất đai, lầu gác của quan lại (trong nước ấy) tổng cộng khoảng một nghìn do tuần. Nhà Hán thật sự chỉ có hai trăm do tuần.” Nhà Hán và Nhà Hán thật sự, ở đây, đối chiếu với tác phẩm La Ma Da Na sử tụng trong văn chữ Phạn, thì là Cina và Aparracina, tức là vùng Chi Na và Ngoài Chi Na. Tác phẩm Chính Pháp niệm xứ kinh trong Đại tạng kinh của Tây Tạng, dịch thẳng rằng: “Nước thứ 15 tên là Quảng Hắc (tức Chi Na), và những nước chung quanh nó, tổng cộng khoảng là một nghìn do tuần. Nước thứ 16 tên là Ngoài (nước) Quảng Hắc, rộng khoảng hai trăm do tuần.” Hai vùng khác nhau này, tác phẩm Đại Phương quảng Bồ tát tạng Văn Thù Sư Lợi nghi quỹ kinh được dịch bởi Thiên Tức Tai đời Triệu Tống (960-1279) gọi là ‘nước Chi Na nhỏ (Cina-desa), nước Chi Na lớn (Maha-cina)’. Sớm hơn (thời gian đó), trong bộ Quán Đỉnh kinh của Bạch Thi Lợi Mật Đa La dịch thời Đông Tấn (317-420), quyển 06, đã nêu ra sự khác biệt của hai khu vực này, như nói: “Trong nước Chấn Đán lại có các nước nhỏ, không biết lẽ phải, không có lễ nghi…Những nước ngoài Chấn Đán, của các dân tộc do các vua nhỏ lãnh đạo, không có pháp luật, không biết lẽ phải.” Cho nên, nước Chi Na (hay nước Chi Na lớn - nước Hán) có diện tích một nghìn do tuần, còn nước Ngoài Chi Na (hay Chi Na nhỏ - nước Hán thật sự) chỉ có hai trăm do tuần. Chi Na nhỏ vốn là chữ dùng chỉ cho các nước phụ thuộc nằm xung quanh Trung Quốc; Nước Nguyên Nguỵ được thành lập ở phương Bắc (của Trung Quốc), nên người dịch[7] bị lầm, nói cái đất nước hai trăm do tuần kia là nước Hán thật sự. Như vậy, đất nước Chi Na trong được nói đến trong kinh Đại thừa, chính là chỉ cho đất nước Trung Quốc, điều này dứt khoát không còn nghi ngờ gì.

Có một số tác phẩm ghi chép về địa lý của dãi đất từ nước Trung Quốc chính thống kéo dài đến Tây vực, như Đại Bảo Tích kinh, hội thứ hai Kim Cương lực sĩ hội, là tác phẩm được dịch bởi Trúc Pháp Hộ vào đời Đông Tấn (317-420). Trong đó, quyển 01 (của Lực sĩ hội) nói rằng: “[Các nước] Thích Chủng (chỉ cho Tắc Chủng), An Tức, Nguyệt Chi, Đại Tần, Kiếm Phù, Nhiễu Động, (những nước nằm từ dãi núi Thông Lĩnh trở về phía Đông như) Binh Từ, Vu Điền, Sa Lặc, Thiện Thiện, Ô Kỳ, và vài nước quanh đó, Hung Nô, Tiên Ty, Ngô, Thục, Tần Địa, và các nước Man – Di - Địch.” Bộ A Dục vương tức Hoại Mục nhân duyên kinh được dịch bởi Đàm Ma Nan Đề đời Phù Tần (350-394),  tuy thuộc về  Thí Dụ Tập[8], nhưng cái thời gian dịch ra, và nội dung kinh, đều là gần giống với tác phẩm trên, như nói: “[Từ] Sông Tân Đầu (Ấn Độ), đến nước Bà Ca (Tắc Ca), Càn Đà Việt, xóm Ô Trì, Kiếm Phù, An Tức, Khương Cư, Ô Tôn, Quy Tư, Vu Điền, rồi đến đất Tần.”

Lực sĩ hộiHoại mục nhân duyên kinh đều là nói vượt qua sông  Ấn Độ, qua A Phú Hãn (Afghanistan), qua vùng Trung Á thuộc nước Nga, từ sông Y Lê mà tiến vào vùng Tân Cương của Trung Quốc ngày nay. Con đường này, cùng với con đường sang Ấn Độ từ phía Bắc Trung Quốc (có từ thời Hán trở đi), rất phù hợp.

Tuy nhiên, vào khoảng cuối thời Đông Tấn, từ Trung Quốc đi sang Ấn Độ, trãi qua con đường Lạc Đà nổi tiếng, không phải chỉ có một mình Pháp Hiển. Về vấn đề địa lý của con đường này, trong bộ Đại Phương đẳng Nguyệt Tạng kinh do Na Liên Đề Lê Da Xá thời Cao Tề[9] dịch, có hai chỗ nói đến. Nay đối đối chứng và liệt kê ra, điều này đối với vấn đề địa lý, có giá trị rất quan trọng. Ví như nước Kiệt Xoa mà Pháp Hiển đã đi qua, quyết không phải là nước Khư Sa (Sa Lặc), bởi vì ngoài nước Sa Lặc, thật sự còn một nước tên là Kiệt Xoa.

 

Đại Phương đẳng Nguyệt Tạng kinh

Q.09. Các nước          Q.10. Nơi                       Nhận định.

ủng hộ Phật pháp        chư Phật xuất hiện                                         

Kế Tân                  Kế Tấn na                Ca Thấp Di La trong Tây vực ký.

Ưu La Xa              Ưu La Xa                Ô Thích Thi trong Tây vực ký

Khư La Bà La       Khư La Bà La          Luật Căn Bản của Hữu Bộ chép, Ca

                                                            Chiên Diên đi qua thành phố Ca La,

                                                            đến Lạm Ba, rồi dần đi đến Bộ Ca

                                                            Nả. Do vậy, Khư La Bà La có lẽ là

                                                            thành phố Ca La Bổ La.

A Sơ Câu Ca         A Sơ Cư Ca            Chưa rõ

Đạt La Đà             Đà La Đà                 Đà Lịch trong bộ Phật quốc ký của 

                                                            Pháp Hiển.

0----                      Ba Lư Na                Bột Luật trong Đường Thư.

Phất Lê Sa             Phất Ly Sa               Chưa rõ.

Ca xa                    Ca Sa                      Kiệt Xoa trong Phật quốc ký của                         Pháp Hiển                     

Già Cư Ca            Già Câu Ca              Trác Câu Ca của Tây vực ký

Tỷ Đề                   Tỷ Đề                      Nghi là nước Tây Dạ trong Hán Thư

Sa Lặc                  Sa Lặc                     Khư Sa trong Tây vực ký

Quy Tư                 Quy Tư                   Quật Chi trong Tây vực ký

Bà Lâu Ca             Bà Lâu Ca               Bạt Lục Ca trong Tây vực ký

Hề Chu Ca            Hề Chu Ca               Chưa rõ

0----                      Ức Ni                      Nghi là Vu Nê trong Hán Thư

Thiện Thiện           Thiện Thiện             Thiện Thiện trong Hán Thư

Khẩn Na La           Khẩn Na La             Không rõ

ChấnĐánHánquốc Chấn Đán                Chỉ Bắc Triều[10].

0----                      La La                       Không rõ

0----                      Ngô Địa                   Chỉ Nam Triều.

 

 

2. CÁC VỊ THẦN HỘ PHÁP CỦA TRUNG QUỐC

Trong kinh Đại thừa, rất coi trọng việc hộ Pháp của các quỷ Dạ Xoa. Trung Quốc đã là trung tâm của Phật giáo Đại thừa, đương nhiên cũng có các vị thần hộ Pháp, vả lại còn cho rằng đó là các vị thần được đức Phật an bày, phó chúc dặn dò họ đến để hộ trì cho người Trung Quốc. Vị hộ Pháp mà Phật giáo giới Trung Quốc rất quen thuộc, là Vi Đà Thiên tướng – hay là Vi Côn tướng quân, vị này xuất phát từ thời Đường (618-907), từ Đạo Tuyên luật sư. Quan Công – hay Quan Đế, là vị hộ Pháp có liên quan đến Đại sư Trí Giả của tông Thiên Thai đời Tuỳ (581-619). Đấy toàn là những vị hộ Pháp được phát hiện bởi các vị tổ sư Trung Quốc. Trong các kinh điển Đại thừa, lại còn rất nhiều vị thần hộ Pháp nữa.

Tác phẩm Chuyển Pháp luân Bồ tát tồi ma oán kinh, được Bất Không đời Đường dịch, phần phụ chú có ghi: “Những vị sau đây là những vị thần hộ quốc của nước Đại Đường: (10 vị đại Dược xoa) Dược xoa Tỳ Thủ Yết ma, Dược xoa Kiếp Tỷ La, Dược xoa Pháp Hộ, Dược xoa Kiên Mục, Dược xoa Quảng Mục, Dược xoa Hộ Quân, Dược xoa Chu Hiền, Dược xoa Mãn Hiền, Dược xoa Trì Minh, Dược xoa A Tra Phệ Câu. (3 vị đại Long vương) Long vương Phạ Tô Chỉ, Long vương Tô Ma Na, Long vương Bổ Sa Tỳ Ma. (3 vị đại Thiên Hậu) Thiên hậu Ha Lợi Đế, Thiên hậu Ế La Phệ Sai, Thiên hậu Song Mục. Mỗi vị ấy đều có 5000 thần tướng làm quyến thuộc.”

Truyền thuyết của Bất Không, cùng với Nguyệt Tạng phần, quyển 9, của Đại Tập kinh khá giống nhau. Nhưng Nguyệt Tạng kinh (tức Nguyệt Tạng phần) cho rằng Tỳ Thủ Yết Ma là một vị trời nam, và riêng thêm vào Dược xoa Ban Chi Ca. Bộ Phật mẫu Đại khổng tước Minh vương kinh của Bất Không dịch (quyển trung) nói: “Dược xoa Bán Chi Ca, ở tại nước Yết Thấp Di La. Có 500 con trai, có quân đội mạnh, có sức lực mạnh. Đứa con lớn của bà tên là Kiên Mục, sống tại nước Chi Na.” Bản dịch của Nghĩa Tịnh đời Đường cũng giống vậy. Thế thì, Ban Chi Ca là mẹ của Kiên Mục, và bà ấy không nằm trong số 10 đại Dược xoa ở trên. Tuy nhiên, theo bản dịch của Tăng Già Bà La: “Dạ xoa Ban Chi Cá, sống tại nước Kiếp Tân, có 500 con, có quân đội mạnh, có sức lực mạnh. Đứa con lớn nhất tên là Ban Chỉ Cá, sống ở nước Chỉ Na. Dạ xoa Sa Can Xã (tức Kiên Mục) sống ở nước Tu Đa La.” Điều này cho thấy hình như có một Dạ xoa tên là Ban Chỉ Cá (con trai lớn cùng tên với mẹ). Trong kinh văn chữ Phạn cũng nói như vậy. Cho nên tôi nghĩ, Nguyệt Tạng kinh nói đúng. Cái khu vựcTân Cương ngày nay, trong Nguyệt Tạng kinh, quyển 9, đức Phật cũng dặn dò các vị thần đến đó hộ Pháp, như sau:

Nước Ca Xa: Càn thát bà Trì Hoa, Càn thát bà Ma Hầu La Ca, Dạ xoa Kim Chỉ Trì, Dạ xoa Tỳ Trì, Long vương Quang Chưởng, Long vương Thắng Đoạt, Thiên nữ (vị trời nữ, Tiên nữ) A Lâu Ni, Thiên nữ Hoa Nhật.

Nước Già Cư Ca: Long vương Kiếm Bà La, Cưu bàn trà Cực Ác, Tỳ xá già Na Mễ Ba, Nữ La sát Nguyệt  Tinh, Ngạ quỷ Thiên Khải, Dạ xoa Yết Ác.

Nước Tỷ  Đề: Long vương Cụ Túc, Long vương Thiện Đạo, Cưu bàn trà Kiên Mục, Thiên nữ Tỳ Na Dạ Ca, Thiên nữ Đạo Thần, Thiên nữ Thi Lợi, Thiên nữ Kha Cụ, Thiên nữ An Trụ.

Nước Sa Lặc: Thiên tử (vị trời nam, Tiên nam) Phát Sắc, Càn thát bà Hộ Quốc, Dạ xoa Phật Hộ, Dạ xoa Trợ Bạc, Long vương Khổng Tước Hạng, Long nữ Sơn Mục, Cưu bàn trà Ngật Lợi Ba Xa, Thiên nữ Trì Đức, Thiên nữ Long Hộ.

Nước Vu Điền: Thiên tử Nan Thắng, Dạ xoa Tán Chỉ, Dạ xoa Cổ Dương Cước, Dạ xoa Kim Hoa Man, Long vương Nhiệt Xá, Thiên nữ A Na Khẩn Thủ, Thiên nữ Tha Nan Xà Lê, (Thiên?)[11] VươngTỳ Sa Môn.

Nước Quy Tư: Thiên tử Mâu Khải, Dạ xoa Hoàng Đầu, Nữ La sát Yếm Tài, Dạ xoa Hầu Hộ, La sát Thi Lợi Già Tra , La sát Lộc Xỉ, Cưu bàn trà Sớ Xỉ.

Nước BÀ Lâu Ca: Dạ xoa Khiên Trà, Cưu bàn trà A Bà Ca Lợi, La sát Thuỳ Nhũ.

Nước Hề Chu Ca: Càn thát bà Vương Hoạt, Long (vương?) Hề Ty La.

Nước Ức Ni: Dạ xoa Dũng Kiện Chấp Lê, Long vương Tượng Nhĩ, Nữ La sát Kiết Ca Tri, Nữ La sát Tuyết Trì.

Nước Thiện Thiện: Thiên tử A La Tri, Dạ xoa A Sa Ca, Nữ La sát Vô Trước.

Nước Khẩn Na La: Dạ xoa Xích Mục, Cưu bàn trà Bất Động.

Sự phân chia công tác của các vị thần Hộ Pháp này, hình như là không cố định. Như Dược xoa Pháp Hộ là hộ Pháp của nước Chi Na, lại là vị Hộ Pháp của nước Ca Xa. Đại Tập kinh, Hư không mục phần, quyển 01 nói: “Nước Quy Tư có một Long vương, tên là Hải Đức….Nước Vu Điền có một Long vương, tên là Lạc Bảo Tạng. …Nước Chân Đan có một Long vương, tên là Tam Giác.” Cái tên Long vương Tam Giác này, không thấy trong 3 vị Long vương hộ trì nước Chi Na. Ngược lại, trong Đại Tập kinh, Nhật Tạng phần, quyển 11, nói: “Ở nước Hán Chấn Đán trong cõi Diêm Phù Đề, là nơi ở của thánh nhân Na La Da Na Phất La Bà Sa Mâu ni, phó chúc cho Long vương Hải Đức (bảo hộ). Cũng trong cõi Diêm Phù Đề, gần bên bờ một con sông trong nước Vu Điền, là nơi ở của Cù Ma Sa La Hương Đại Thánh nhân Chi Đề, phó chúc cho Long vương Ngật (Chi) Lợi Ha Bà Đạt Đa.” Sự sắp xếp công tác của các vị Hộ Pháp không cố định, không biết việc ấy có quan hệ gì với lòng nhiệt thành và trách nhiệm của các vị hay không?

Ngoài ra, Nguyệt Tạng phần, quyển 10, lại có đoạn đem tất cả các nước, phó chúc cho nhị thập bát tú  (28 vì  sao), bảo các vì sao ấy  nên “bảo vệ và nuôi lớn” chúng sinh. Ngô Địa và Vu Điền, phó chúc cho Mão tú (sao Mão). Sa Lặc, Ức Ni, phó chúc cho Tất tú (sao Tất). Chấn Đán phó chúc cho Sấm tú (sao Sấm). Quy Tư phó chúc cho cho Nữ tú. Bà Lâu Ca phó chúc  Ca phó chúc cho Nguy tú. Còn nước Hà Chu Ca lại cho chúc cho hai sao Phòng và Sâm, nước Kkư Sa phó chúc cho sao Giác và sao Hư. nước Tỷ  Đề phó chúc cho ba sao Tất, Nữ và Hư. Tuy đây không phải là chuyên về hộ trì chánh pháp, những cũng có liên quan đến người Trung Quốc.

  

3. CÁC VỊ VUA THÁNH (THÁNH VƯƠNG) CỦA TRUNG QUỐC.

Sự phát triển của Phật giáo, cần phải được sự ủng hộ của chính phủ. Như vua A Dục, vua Ca Nị Sắc Ca…, đứng lên ủng hộ Phật Pháp, nhờ thế Phật giáo mới có cơ hội phát triển vượt bậc. Cho nên Phật giáo ở Trung Quốc vốn rất hết sức hưng thịnh, nhất định phải có vua hiền ủng hộ. Liên quan đến vấn đề này, trong kinh Phật đã có dự báo từ trước. Tôi nghĩ, lời dự báo dù không ứng nghiệm, cũng là một lời dạy rất khéo cho chúng ta hôm nay. Việc này chủ yếu là liên quan đến lời tiên đoán cho Bồ tát Nguyệt Quang. Bộ kinh được cho rằng dịch vào thời Phù Tần (350-394) hoặc Diêu tần (384-417), mất tên người dịch, là Thân Nhật kinhược truyền rằng do Trúc Pháp Hộ dịch, nhưng Pháp Hộ cũng đã có dịch rồi một bộ kinh tên là Phật thuyết Nguyệt Quang Đồng tử  kinh), nói rằng: “Sau khi Ta vào Niết bàn khoảng một nghìn năm, kinh điển và giáo Pháp đã muốn mất hết, Đồng tử (chú bé) Nguyệt Quang sẽ đầu thai làm Thánh vương ở nước Tần, quy y Phật pháp, tuyên truyền và làm hưng thịnh Đạo ta. Nước Tần và các nước xung quanh - Thiện Thiện, Ô Trường, Quy Tư, Sa Lặc, Đại Uyển, Vu Điền, và các nước Khương, Lỗ, Di, Địch, đều kính trọng Phật Pháp.” Đây rõ ràng là tình hình Phật giáo thời vua Phù Kiên và Diêu Hưng. Sau đó một chút, tác phẩm (mất tên người dịch), đời Lưu Tống (420-479) là Phật thuyết Pháp diệt tận kinh, cũng có câu: “Khi Nguyệt Quang ra đời, gặp lại được Phật Pháp, làm hưng Phật Pháp khoảng 52 năm.” Đến thời Tuỳ, Bộ kinh cùng nguyên bản ấy được dịch khác đi, lấy tên là Đức Hộ Trưởng giả  kinh, do Na Liên Đề Lê Da Xá dịch, càng nói rõ hơn: “Chú bé này sau khi Ta vào Niết bàn…trong nước Chi Na của cõi Diêm Phù Đề (có khi viết thẳng là nước Tuỳ) là vua, tên hiệu là Đại Hạnh…Vua Đại Hạnh với lòng tin sâu sắc, với sức uy đức lớn, cúng dường cái bát của Ta.” Đại Hạnh cùng với niên hiệu Đại Nghiệp của vua Dượng Đế khớp nhau, Hạnh và Nghiệp, trong tiếng Phạn, không chỉ ý nghĩa gần nhau, mà chữ cũng khá giống. Nhưng Dượng Đế không thể được gọi là vua hiền trong Phật giáo, có lẽ là Văn Đế vậy!

Đến thời Đường, bộ kinh được dịch lần thứ 03 bởi Bồ Đề Lưu Chí là  Phật thuyết Bảo vũ kinh, nói: “Phương Đông có một vị trời, tên là Nguyệt Quang...Phật nói với vị trời rằng: Sau khi Ta mất, thời gian cuối cùng (thời mạt Pháp), trong khoảng những năm 400-500, chánh Pháp muốn diệt, người ở cõi Ta Bà này, trong nước Ma ha Chi Na, làm vị Bồ tát Như Nhất sinh Bổ xứ, nên hiện làm vị (vua) Tự Tại vương bằng thân nữ, sống đời dài lâu, dùng chính Pháp để cai trị dân chúng.” Đây rõ ràng là thời đại của vua Võ Tắc Thiên. Trong bản kinh Bảo vũ  kinh dịch lần thứ nhất, hoàn toàn không có đoạn ấy, đây nhất định là Bồ Đề Lưu Chí đã dung hợp hai thuyết Nữ vương trong Đại Tập kinh và Nguyệt Quang trong truyền thuyết, để hợp với tâm lý của nhà vua nữ đương thời. Các vị Thánh vương của Trung Quốc được nói trong kinh Đại thừa, đại để là như vậy.

 

4. NHỮNG THÁNH ĐỊA CỦA PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC

Bốn ngọn núi nổi danh của Trung Quốc, là Đạo tràng (nơi hoằng bá đạo Pháp) của bốn vị Bồ tát, đây là truyền thuyết hình thành ở Trung Quốc. Ngọn núi được kinh Đại thừa nói tới, có lẽ là Ngũ Đài sơn. Bộ Hoa Nghiêm kinh dịch vào đời Đường (quyển 45), Bồ tát trụ xứ phẩm, có hai chỗ: 1. "Phía Đông Bắc có một nơi gọi là núi Thanh Lương,...hiện nay có Bồ tát Văn Thù Sư Lợi." 2. "Nước Chấn Đán có một nơi, gọi là hang Na La Diên".  Liên quan đến hang Na La Diên, Nhật Tạng kinh quyển 11, cũng có nói: "Nước Hán Chấn Đán là nơi ở của Thánh nhân Na La Da Na Phất La Bà Sa Mâu ni.” Theo Hoa Nghiên kinh, núi Thanh Lương hoàn toàn chưa hề được nói rõ là thuộc về Trung Quốc, đồng thời không phải là chung một chỗ với hang Na La Diên. Nhưng việc cho rằng núi Ngũ Đài là núi Thanh Lương, sớm đã là niềm tình chung của tín đồ Phật giáo Trung Quốc; rồi hang Na La Diên cũng bị giải thích là nằm trong núi Ngũ Đài. Hai miền đất trong Hoa Nghiêm kinh, trên thực tế đã được quy về một nơi ở Trung Quốc. Cái niềm tin này hết sức là phổ biến, đến khi Bồ Đề Lưu Chí đời Đường dịch ra bộ Văn Thù Sư Lợi Bảo tạng Đà la ni kinh, càng chứng minh cho niềm tin ấy- núi Thanh Lương chính là núi Ngũ Đài. Như nói rằng: “Sau khi ta mất, ở hướng Đông Bắc của châu Diêm Phù đề này, có một nước tên là Đại Chấn Na; trong nước ấy, có ngọn núi tên là Ngũ Đỉnh, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, đi dạo qua đó và ở lại, vì chúng sinh trong vùng đó mà thuyết Pháp.” Sau đó, bắt đầu có những ghi chép về việc người ta gặp được đức Văn Thù rồi, như kinh bộ Phật thuyết tối thượng ý Đà là ni kinh của Thi Hộ đời Triệu Tống (960-1279) dịch, nói: “Có vị Tỷ khưu tên là Truyền Giáo. Vào Ngày 15 hắc ngoạt tháng 9 (ngày 30 tháng 9 âm lịch), đi về phương Bắc, đến nước Chi Na không xa, khoảng 04 do tuần. Chợt thấy bên đường có một vị thần…Kỹ lưỡng nhìn lại, ấy không phải người nào lạ, mà chính là Đồng tử (chú bé) Diệu Kiết Tường.”

 

5. CÁC BẬC THÁNH Ở TRUNG QUỐC

Phật giáo Trung Quốc hưng thịnh như thế, những hành giả tu chứng nhất định là rất nhiều. Nay chỉ dựa theo kinh điển nói về các vị Phật, Bồ tát hoá thân đến Trung Quốc hoá độ mà thôi.

Văn Thù Bồ tát ở núi Ngũ Đài, điều này không cần phải nói nữa. Ngoài Bồ tát Văn Thù, Quán Đỉnh kinh được Bạch Thi Lê Mật Đa La dịch vào đời Đông Tấn (317-420), quyển 06 nói: “Trong cõi Diêm Phù Đề, có nước Chấn Đán, ta sai ba vị Thánh đến đó giáo hoá.” Bộ Thanh tịnh Pháp Hành kinh, vốn bị cho là nguỵ tạo, nói: “Bồ tát Nguyệt Quang, ở đấy (Trung Quốc) xưng là Nhan Hồi; Bồ tát Tịnh Quang, ở đó gọi là Trọng Ni (Khổng Tử), Bồ tát Ca Diếp, ở đó gọi là Lão Tử. Mặc dù Pháp Hành kinh không đáng tin, nhưng Quán Đỉnh kinh là bộ kinh có tính chất biên tập (nghĩa là có tính chất chung như tất cả kinh điển vốn có xưa nay của Phật giáo), cho nên việc ba vị Thánh đến Trung Quốc giáo hoá, có đáng tin hay không, cần được những công trình nghiên cứu sau này.

Trong Đại Tập kinh, Nguyệt Tạng phần, quyển 11, nói rằng những vị hoá Phật đến Trung Quốc, hết sức là nhiều. Như nói: “Lúc ấy, Đức Thế Tôn vui vẻ mĩm cười, từ khuôn mặt Ngài phóng ra rất nhiều luồng ánh sáng, soi sáng khắp nơi, lập tức trong khắp bốn châu thiên hạ này, có vô lượng trăm nghìn đức Phật xuất hiện…Nước Ca Sa có 28 vị Phật xuất hiện, Nước Già Cư Ca có 20 vị Phật xuất hiện, nước Tỷ  Đề có 45 vị Phật xuất hiện, nước Sa Lặc có 98 vị Phật xuất hiện, nước Vu Điền có 180 vị Phật xuất hiện, nước Quy Tư có 99 vị Phật xuất hiện, nước Bà Lâu Ca có 24 vị Phật xuất hiện, nước Hề Chu Ca có 18 vị Phật xuất hiện, nước Ức Ni có 80 vị Phật xuất hiện, nước Thiện Thiện có 29 vị Phật xuất hiện, nước Khẩn Na La có 80 vị Phật xuất hiện, nước Chấn Đán có 255 vị Phật xuất hiện, nước La La có 24 vị Phật xuất hiện, nước Ngô Địa có 50 vị Phật xuất hiện, nước Tân Đà Bạt Trì có 25 vị Phật xuất hiện. Phật nói: Này các vị! Các vị Phật nhiều như thế, xuất hiện khắp nơi trong bốn châu thiên hạ, từ thành thị, thôn ấp đến rừng núi.Ta nay dùng sức thần gia bị, trong (bốn châu thiên hạ), lại dựng lên số chùa tháp nhiều cũng như vậy.” Các vị Hoá Phật trong lãnh thổ Trung Quốc rất nhiều, nhiều hơn cả nước gốc là Ấn Độ. Trung Quốc có rất nhiều các chùa tháp nổi tiếng như thế, là vì có nhiều vị Hoá Phật xuất hiện. Đấy cũng là nhờ sức phò hộ của Phật. Như thế cũng là nói, sự tạo lập các ngôi chùa tháp nổi tiếng nơi các danh sơn, đều là do uy lực của chư Phật vậy.

 

6. NƯỚC VU ĐIỀN

Về nước Vu Điền được nói đến trong kinh Đại thừa, có một sự tất yếu phải bàn đến. Nước vu Điền có 180 vị Phật xuất hiện, là khu vực Phật giáo Đại thừa thứ hai sau nước Trung Quốc chính thống. Ngôi chùa tên Ngưu Đâù Sơn Tự ở phía Tây Nam của kinh đô, là một thánh địa khá nổi tiếng. Đại Tập kinh, Nhật Tạng phần, quyển 10  nói: “Trong cõi Diêm Phù Đề, ở nước Vu Điền, trên bờ một dòng sông, bên chân núi Ngưu Đầu, cạnh bờ sông là nơi ở của Cù Ma Sa La Hương Đại Thánh nhân Chi Đề, phó chúc cho Long vương Ngật Lợi Ha Bà Đạt Đa, bảo vệ và cúng dường cho thánh nhân ấy…Phật bảo Long vương: Ta nay không lâu sau sẽ đến thăm nơi ở của Cù Ma Sa La Mâu ni, toạ thiền 07 ngày, hưởng niềm vui giải thoát.” Bộ Tây vực ký và truyền thuyết của Tây Tạng, cũng có chép việc này. Tuy nhiên, Hoa nghiêm kinh (bản 80 quyển), quyển thứ 45, lại nói: “Nước Sa Lặc có một nơi ở, gọi là Núi Ngưu Đầu.” Tuy nhiên, trong bộ Hoa nghiêm kinh được dịch vào đời Tấn, nước Sa Lặc được gọi là nước Biên Di, nhưng người chủ (việc) dịch này kinh này là Thật Xoa Na Đà, là người nước Vu Điền, ông ấy vì sao lại nói là nước Sa Lặc? Đây thật là một điều thật khó lý giải. Núi này, theo Nhật Tạng kinh  thì có chỗ gọi là núi Ngưu Giác, có chỗ gọi là núi Ngưu Đầu. Ngôi chùa mang tên là Cù Ma Sa La Hương, hoặc gọi là Cù Ma Sa La Càn Đà, cho nên gọi chung là (chùa) Ngưu Đầu Hương tự.

Đức Phật từng nói về nước Vu Điền ngày xưa, như: “Thời Phật Ca Diếp, nước Vu Điền kia tên là Ca La Sa Ma (nước ngoài gọi là Ca La Xa Ma)…Chúng sinh trong nước ấy, thường hay phóng dật, tham đắm ngũ dục, chê khinh thánh nhân, gieo tiếng xấu cho thánh nhân, lấy bụi quăng ném vào thánh nhân. Các vị tu hành khi ấy, sau khi bị nhục, đều đã lìa bỏ nước này, đi sang nước khác…Trong nước ấy, thần lửa thần nước đều nổi giận, tất cả nước trong sông hồ ao giếng đều bị cạn kiệt. Chúng sinh trong nước ấy, không có nước và lửa để sống, chết đói và chết khát cả. Khi ấy, toàn bộ đất nước tự nhiên tan hoang.” (Nhật Tạng kinh, quyển 10). Sự hoang phế một thời cuả nước Vu Điền, Tây vực ký nói đó là câu chuyện nước Hạt Lao Lạc Ca bị bão cát vùi lấp, nhưng nước Lao Bạc Ca thật ra là ở Ấn Độ. Trong truyền thuyết của Tây Tạng thì chuyện này giống với câu chuyện cái hồ lớn của nước Ca Thấp Di La. Nước Sa Ma (trong kinh), chính là nước Tắc Chủng; Ca La Xa Ma, có lẽ vốn là miền đất mà dân Tắc Chủng cư trú.

Sự kiến thiết trở lại của nước Vu Điền, là do dân di cư từ nơi khác đến. Nhật Tạng phần lại nói: “Những thành trì thôn xóm của nước ấy, đều đã hoang tàn; những dân cư trong đó, toàn là từ phương khác đến ở…Nước Vu Điền sau khi ta mất khoảng 100 năm, mới khôi phục lại được.” Tây vực ký và truyền thuyết của Tây Tạng, đều nói khi nước Vu Điền phục hưng là thời đại vua A Dục, vua A Dục ra đời sau khi Phật mất khoảng một 100 năm, nên điều này cùng với kinh nói là phù hợp. Sự kiện này, đáng làm cứ liệu để tham khảo về vấn đề lịch sử.

Sự truyền bá Phật giáo vào nước Vu Điền, Nguyệt Tạng kinh  có nói: “Khi ấy, có 20.000 nghìn người có phước đức lớn, hiểu biết Phật Pháp, từ nước Sa Lặc đi đến nước ấy trú ngụ. Vì 20.000 nghìn người có phước đức lớn này, thường đến nơi đại chi đề của núi Cù Ma Sa La Hương ngày đêm thường đến cúng dường Chi Đề.” Cái thông tin này, có thể giải thích rằng sự truyền bá và phát triển Phật Pháp vào nước Vu Điền có mối quan hệ với Tăng chúng đến từ nước Sa Lặc. Tôi nghĩ, ngôi chùa ở núi Ngưu Đầu có thể vốn là thánh địa của nước Sa Lặc, từ khi các vị sư hoằng Pháp từ nước Sa  Lặc đến nước Vu Điền, Vu Điền mới bắt đầu có chùa núi Ngưu Đầu (trong Phật giáo, tình hình này khá phổ biến). Phật giáo Đại thừa ở Vu Điền, phát triển hơn cả nước Sa Lặc, chùa núi Ngưu Đầu bèn trở thành ngôi chùa chuyên biệt của nước Vu Điền.

Trong phần phó chúc hộ trì Phật Pháp của Nguyệt Tạng kinh, nước Vu Điền có Tỳ Sa Môn Thiên vương, điều này cùng với sự ghi chép của Huyền Trang thật hoàn toàn phù hợp.

 

7. TÌNH HÌNH TRUYỀN BÁ ĐẠO PHÁP CỦA PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC

Trong kinh, những chỗ ngầm chỉ cho nước Trung Quốc, cũng có rất nhiều, ở đây chỉ giới thiệu những nơi nói trắng ra. Phật thuyết Phân biệt kinh  của Trúc Pháp Hộ dịch nói: “Sau khi Ta vào Niết bàn một nghìn năm, Ma Đạo sẽ rất thịnh…Tại nước Chân Đan, sẽ có một nghìn vị Tỷ  khưu cùng ở trong nước ấy, giáp biên giới với nước Ma. Trong số những người thông minh của số Tỷ khưu này, chỉ có một hai vị là đệ tử của Phật…Sau khi Ta vào Niết bàn, sẽ có đời ác năm trược xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, trong nước Chân Đan, Ma sự rất thịnh hành, bít lấp chánh Đạo. Tuy là có kinh Pháp, nhưng ít người  học. Ví có người học, ít có người hành. Đời ấy, có những Tỷ khưu, ít có khả năng tự giữ gìn thanh tịnh, thường làm theo những thói tục, mơ ước cao xa, không khác người đời, thích mặc đồ đời, học chữ nghĩa của đời, thích các sự giao tế qua lại của thói đời, kéo bè kéo đảng để tìm nguồn vui.” Nếu xem đây là tình hình Trung Quốc thời Trúc Pháp Hộ, há không đúng hay sao?!

 Bộ Quán Đỉnh kinh do Bạch Thi Lê Mật Đa La biên tập vào đời Tấn, nói: “Trong nước Chấn Đán, lại có các nước nhỏ, không biết lẽ phải, không có nghi lễ; chỉ biết giết hại, không có từ tâm…Muốn diệt bỏ Phật Pháp, khiến chánh Pháp không còn tồn tại, phá chùa diệt Tăng.” Không biết là đoạn này chỉ cho cái vùng nào của Trung Quốc.

Bộ Đưong lai Biến kinh, mất tên người dịch, nói: “Về phương Bắc, trong nước Tấn, có một vị trời, tên là Kiền Thu. Khi Phật Pháp sắp diệt, (vị trời này) ba lần xuất hiện làm vua nước Tấn, phá hoại đất nước. Tuy nhiên, việc ba vị vua xuất hiện phá hoại Phật Pháp, vốn chỉ cho nước An Tức, Tắc Ca, Du Na (Hy Lạp). Đương lai Biến kinh là bản kinh dị dịch của bộ Ca Đinh Tỷ khưu Thuyết Pháp diệt tận kinh, người dịch đem nó giải thích là nước Trung Quốc, đối với sự phi Pháp của Phật giáo đồ Trung Quốc, chỉ trích một cách mạnh mẽ. Tình hình thực tế của Phật giáo thời Lưỡng Tấn (265-316), từ bộ kinh này và bộ Phân biệt kinh của Trúc Pháp Hộ dịch, có thể ít nhiều thấy được điều đó.

 

8. NHỮNG VIỆC KHÁC

Còn một vài việc khác liên quan đến Trung Quốc, như sau.

1.     Cái bát của Phật truyền đến nước Sa Lặc và Trung Quốc.

     Đức Hộ trưởng giả kinh nói: “Vua Đại Hạnh (ở Trung Quốc) dùng lòng tin lớn, dùng uy đức lớn, cúng dường bát của Ta. Ở đây vài năm, bát của Ta sẽ đi đến nước Sa Lặc, từ đó lần lượt đi đến Trung Quốc.” Ngày xưa có Bát ký kinh, nay đã mất. Bộ Pháp uyển Châu Lâm, (quyển 30) phần lược dẫn nói: “Sau khi Phật Niết bàn, bát này tuỳ duyên đi các nơi, làm phước cho chúng sinh. Lần hoá hiện làm phước sau cùng, là ở nước Hán.” Điều này cùng với câu nói trong Pháp Hiển truyện: “Khoảng trăm năm hay nghìn năm sẽ đến nước Vu Điền. Ở đó trăm năm hay nghìn năm sẽ đến nước Quật Thứ. Khoảng trăm năm hay nghìn năm lại sẽ đến đất Hán.”, rất là ăn khớp. Có điều, trừ nước Sa Lặc truyền lại rằng La Thập thường đội bát Phật trên đầu ra, ở tất cả nơi đều chưa từng thấy xuất hiện.

2.   Phật cũng biết nói tiếng Trung Quốc.

Đại Tỳ Bà Sa Luận, quyển 79, nói: “Khi ấy, người nước Chi Na đến dự trong hội, nói về âm và nghĩa chữ Chi Na cho Phật nghe.” Hoá ra, Phật cũng từng học qua tiếng Trung Quốc, như Phương Quảng Đại Trang nghiêm kinh, phần Thị Thư phẩm, rõ ràng có nói tới “Sách vở Trung Quốc”. Trong Phật Bản hạnh kinhPhổ Diệu kinh cũng có nói như thế.

3.     Trung Quốc là vùng đất tu dễ chứng Đạo.

          Như Đại Phương Đẳng Bồ tát tạng Văn thù Sư Lợi Nghi Quỹ kinh  nói.

4.     Ở Trung Quốc cũng có Chuyển Luân Thánh vương.

          Xưa nay đều nói Chuyển Luân Thánh vương xuất hiện ở Ấn Độ, trên thực tế mà nhìn, một đất nước rộng lớn mênh mông như Trung Quốc, lẽ nào không có vua ấy xuất hiện hay sao? Tỳ Bà Sa Luận, quyển 25 nói: “(Những vị vua) Chuyển Luân vương, như  là vua Chi Na…”

5.     Trong những sản phẩm nổi tiếng ở Trung Quốc, có tơ lụa và bảo kiếm.

          Đại Tỳ Bà Sa Luận, quyển 136, nói: “Nước Chi Na có loại Cương đao rất trứ danh.” Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ luật Tạp sự, quyển 24 cũng có câu nói: “Chi Na bảo kiếm”. Rõ ràng, Can Tương, Mạc Da, trong thời đaị Đông Chu (770 BC – 256 BC), sớm đã là những bảo kiếm trứ danh. Liên quan vấn đề tơ lụa, Bà Sa Luận quyển 12 nói: “ Đến như Trung Quốc, tuy là nô bộc, mà vẫn mặc áo lụa, những người cao quý ở các nước khác chưa chắc đã bằng.” Tơ lụa là một thứ còn nổi tiếng hơn kiếm báu của Trung Quốc .

6.     Đường từ Ấn Độ đến Trung Quốc, rất là xa.

Bà Sa luận, quyển 101 nói: “Những người thời nay, đến nước Chi Na, rất ít kẻ trở về.” Để hình dung sự xa cách nhau của hai miền đất, quyển 70 lại nói: “Cha ở Ca Thấp Di La, con ở Chi Na”, hoặc có câu nói: “Mẹ ở Ca Thấp Di La, cha ở Chí Na.:”


 

[1] Bộ sách cổ của Trung Quốc. Được biên soạn bởi nhiều tác giả từ thời Chiến Quốc (475 BC – 221 BC) đế thời Tây Hán (206 BC – 23 AC). Ghi chép về những mối quan hệ đất nước, con người, sản vật, sông núi…Rất có giá trị về mặt lịch sử.

[2] Tên của nước Ấn Độ thời xưa.

[3] Agni

[4] Có lẽ là Ramayana và Mahabharata.

[5] Không rõ là nước Nguỵ nào, vì có hai nhà Nguỵ được dựng nên bởi người họ Nguyên. Đó là Đông Nguỵ (534-550) và Tây Nguỵ (535-554).

[6] Do tuần Yojana (S) Đơn vị đo lường thời xưa. Theo thuyết J. Fleet, một do tuần xưa dài 19.5 km, căn cứ vào quốc tục Ện dài 14.6km, theo Phật giáo thì dài 7.3km. Theo thuyết của Major Vost, một do tuần xưa dài 22.8 km, căn cứ vào quốc tục Ện dài 17km, theo Phật giáo thì dài 8.5km. Theo Đại đường Tây vực ký, một do tuần xưa dài 20 km, căn cứ vào quốc tục Ện dài 15km, theo Phật giáo thì dài 8km. (lấy theo từ điển của BuddhaSasana)

[7] Ý nói Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi.

[8] Có lẽ là một trong 12 bộ kinh, kể về những điều nho nhỏ quanh các bài kệ Phật Pháp, các đệ tử Phật …như Vô Vấn Tự Thuyết, Ba La Diên, Đế Kiến, Tiên Nhân Tụng, Hiền Nhân Tụng, Nghĩa Phẩm trong chữ Phạn.

[9] Có lẽ là nói Bắc Tề (550-577), do Cao Dương dựng lên.

[10] Nam Bắc Triều là thời gian đất nước Trung Quốc chia làm 09 nước nhỏ,  thời gian này là 420-589. Nam Triều gồm 04 nước: Tống, Tề, Lương, Trần. Bắc Triều gồm 05 nước: Bắc Nguỵ, Đông Nguỵ, Bắc Tề, Tây Nguỵ, Bắc Chu.

[11] Có lẽ do nguyên bản đánh thiếu.

 http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/trungquoc_kinhdaithua.htm

 


Vào mạng: 1-7-2006

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang