Những dòng suy tư dưới đây
xuất phát từ cảm nghĩ chân thành của người con Phật, của một tấm
lòng trước lẽ thịnh suy của Phật giáo, trước những tồn vong của đạo
Phật Việt nam. Có thể coi đây là những suy nghĩ nhất thời, thiển cận,
xem qua rồi bỏ vào xó rác. Cúi xin chư tôn đức Tăng-Ni, chư vị thức
giả gần xa mở lòng từ bi rộng lớn, cho con đê đầu sám hối!
Hơn ba thập niên qua, ngoài
những thuận duyên có được, đạo Phật Việt nam đã hiện hữu trong lòng
dân tộc, chung vai với đất nước để gánh chung những hậu quả của
chiến tranh.
Hơn 30 năm qua, đạo Phật
Việt nam đã theo gót chân của những con dân nước Việt, hiện hữu khắp
nơi trên thế giới. Một mặt chia sẻ những buồn vui thăng trầm của
cuộc sống mới, một mặt cố gắng duy trì và thiết lập nền tảng đạo đức
truyền thống trong một xã hội tân thời, khác biệt với truyền thống
tổ tiên dân tộc năm xưa. Vì vậy, có thể nói, như một quy trình lịch
sử tất nhiên, đạo Phật Việt nam đã và sẽ khắc ghi thêm những trang
sử bao gồm gian nan thử thách và thành công rực rỡ trong mọi lĩnh
vực, để góp phần nhỏ nhoi của mình trong sự tồn sinh của dân tộc
Việt.
Trên tinh thần đó, đạo Phật
Việt nam, trong quá khứ, ngay hiện tại và tương lai, lúc nào cũng
tiếp tục truyền thống tốt đẹp của liệt vị tổ sư, tiếp tục dấn thân,
phụng hiến phần mình trong cộng đồng dân tộc và gắn bó trong từng
bước chân, từng hơi thở của người Việt hải ngoại.
ĐÀO TẠO TĂNG-NI
Tăng-Ni không chỉ là trụ cột
của Phật giáo mà còn là những vị thầy tinh thần, là những nhà đạo
đức gương mẫu cho hàng Phật tử. Vì vậy, việc đào tạo, giáo dục
Tăng-Ni, trong bất cứ thời điểm nào, bất cứ địa vực nào đều đóng vai
trò hết sức quan trọng trong kế hoạch duy trì và phát triển của đạo
Phật.
Từ những năm đầu sau 1975,
Phật giáo đã gặp khó khăn trong việc mở trường và đào tạo Tăng-Ni.
Chư vị xuất gia phải học trong tình trạng gia giáo ở các chùa. Trước
tình thế như vậy, một số chư tôn đức Tăng-Ni trụ trì tại các trú xứ,
đã không quản ngại những khó khăn nhất thời, thể hiện tinh thần ‘vô
quái ngại’ trong kinh điển Phật giáo, âm thầm tổ chức những lớp học
Phật pháp. Qua đó, mặt dù trong khó khăn, nhưng quý Ngài đã đào tạo
được nhiều Tăng-Ni thật học, thật tu, xuất sắc cả về học thuật lẫn
phẩm hạnh.
Từ đầu thập niên 1980 trở
lại đây, ở trong nước, sự ra đời của trường Cao Cấp Phật Học Việt
Nam (nay là Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại các ba thành phố lớn của
cả nước) và các trường Cao-Trung-Sơ đẳng Phật học trên toàn quốc, đã
mở ra một trang sử mới trong kế hoạch đào tạo Tăng-Ni cho Phật giáo.
Hiện nay, Phật giáo trong nước đã đào tạo được hàng ngàn Tăng-Ni tốt
nghiệp Cử nhân Phật học, hàng chục ngàn Tăng-Ni tốt nghiệp từ các
trường Cao đẳng, Trung Đẳng và Sơ đẳng Phật học.
Tuy nhiên, hơn 20 năm qua,
vì lý do nội tại và ngoại tại, các trường, từ Đại học đến Sơ Đẳng
Phật học vẫn chưa thực hiện được ước nguyện nội trú một cách tuyệt
đối cho Tăng-Ni sinh. Điều này đã vô tình tạo một khe hở để một số
ít Tăng-Ni sinh dễ bung mình ra khỏi hàng rào Giới luật, phan duyên
theo trần cảnh, lắm lúc chạy theo nhu cầu vật chất không cần thiết,
đánh mất sự thuần tuý và bản chất thánh thiện của người xuất gia.
Đây thật là một điều đáng buồn, một vấn nạn lớn, một thực tế phức
tạp đối với những người có tấm lòng quan tâm đến đời sống giới hạnh,
đến việc học tập và hành đạo của thành phần xuất gia trẻ tuổi.
Ngoài ra, do vì hiện nay
Phật giáo không có một nguồn ngân quỹ giáo dục cố định, nên các
trường Cao Đẳng, Trung Đẳng và Sơ Đẳng Phật học, trong những năm gần
đây đã buộc phải thâu tiền Tăng- Ni sinh để trang trải các khoảng
chi phí và điều hành của trường.
Vì tương lai của Tăng-Ni
sinh, vì sự nghiệp đào tạo nhân tài, phụng sự đạo Phật và cuộc đời,
thiết nghĩ, Phật giáo nên, bằng cách này hay cách khác, cố gắng tổ
chức hay mở các ngân quỹ bảo trợ học miễn phí cho các Tăng-Ni đậu
vào các kỳ tuyển sinh ở các cấp Đại học, Cao Đẳng và Trung Đẳng. Bởi
vì, trong khi tu sĩ Phật giáo không có nghề nghiệp để gặt hái ra
tiền như người đời, việc yêu cầu đóng học phí đã vô tình đưa đẩy các
Tăng-Ni trẻ, vốn dĩ hồn nhiên trong tâm thức, tràn đầy tính chất
‘đồng chơn nhập đạo’, trở thành các tu sĩ chuyên làm nghề ma chay,
hay những tệ đoan phát sinh kết giao làm con nuôi, em nuôi của những
Phật tử, để cầu mong được một chút tài chánh đóng cho những nơi mình
đang theo học.
Nếu Phật giáo không chu toàn
nỗi học phí cho Tăng-Ni sinh đang theo học tại các trường Đại học,
Cao Đẳng và Trung Đẳng Phật học, về sau Phật giáo khó có thể kêu gọi
những nhân tài lớn lên từ các trường nói trên phát tâm dấn thân phục
vụ. Nói chung, nếu Phật giáo không đủ ngân sách để đào tạo miễn phí
cho Tăng-Ni, thì Phật giáo nên tạo các nguồn ngân quỹ bằng những
hình thức thiết thực, hiệu quả mà một số quý Thầy-Cô đang có kinh
nghiệm thực hiện.
Nếu Phật giáo cũng không thể
tạo ngân quỹ giáo dục cho Tăng-Ni, thì Phật giáo nên bắt đầu chương
trình hạn chế số lượng xuất gia. Bởi vì, hiện tại, số lượng tu sĩ
xuất gia ngày càng đông, trong một tương lai gần, nếu không có
chương trình đào tạo cụ thể, không có trường lớp đáp ứng đầy đủ, thì
số lượng người xuất gia sẽ nhiều hơn nhu cầu xã hội và đạo Phật cần
đến. Nếu như, một tôn giáo có nhiều tu sĩ không được đào tạo nghiêm
túc, cả về chuyên môn cũng như phẩm hạnh, thì giống như một gia đình
nghèo không cho con ăn học đến nơi đến chốn, không giáo dục đạo đức
kỹ càng, gia đình đó sẽ gặp nhiều khốn khó trong việc giáo dục con
em của mình. Tương tự như vậy, Phật giáo sẽ không may yếu đi về mọi
mặt năng lực, đạo lực của nhân sự, sẽ khó kiện toàn trong những hoạt
động dấn thân phục vụ xã hội, và khó có một hình ảnh tuyệt vời dưới
nhân dáng của một “thiên nhân chi đạo sư”.
Để khắc phục và phát triển
một cách tốt đẹp, Phật giáo nên tiếp tục truyền thống thời đức Phật,
nên đặt trọng tâm vào chất liệu tu tập nhiều hơn số lượng. Đạo Phật
trong thời điểm hiện tại cũng thế, cần nên chú trọng vào phẩm chất
đạo đức và chất lượng tu học của người tu sĩ hơn là số lượng và hình
thức. Nếu cần thiết, Phật giáo nên đưa ra các tiêu chuẩn nghiêm túc
trong việc tuyển chọn người xuất gia. Bởi vì, việc cho xuất gia đại
trà, thiếu phương tiện và chương trình giáo dục, đào tạo sẽ có thể
dẫn đến tình trạng Tăng-Ni thiếu kiến thức Phật học, đi sai đường
lạc hướng của tông chỉ đạo Phật, dẫn đến các tệ nạn khác, vô tình
làm cho nội bộ Phật giáo không ổn định, không phát triển.
Phật giáo nên quy định mỗi
người cư sĩ muốn xuất gia cần phải trải qua thời gian tập sự từ 6
tháng đến 1 năm để vị bổn sư huấn luyện và xem xét động cơ, hành vi
tu học của người đó. Sau thời gian huấn luyện, nếu người muốn xuất
gia thể hiện được ý nguyện xuất gia và có khả năng sống phù hợp với
nếp sống đạo hạnh trong chốn thiền môn, thì vị bổn sư mới đồng ý cho
xuất gia. Những ai không đáp ứng được các tiêu chuẩn đạo đức phẩm
hạnh và kiến thức Phật pháp, thì dù sau khi đã xuất gia, cần phải
được giáo dục đào tạo nghiêm túc kỹ lưỡng hơn, cần phải bỏ nhiều
thời gian tu tập hơn, để tránh những hành vi tự phá vở phạm hạnh và
hình ảnh tuyệt vời của Tăng đoàn.
Hơn nữa hiện nay, xuất gia
là một vấn nạn lớn đang gặp tại những quốc gia có số lượng người
Việt định cư đông đúc trên thế giới.
Nhờ sự hy sinh, dấn thân cao
cả của chư tôn đức Tăng-Ni thế hệ đi trước, quý Ngài đã vượt qua
muôn ngàn chướng duyên nghịch cảnh để tạo lập đạo tràng, chùa viện,
hầu tiếp tục đào tạo Tăng-Ni tài đức, phụng sự chúng sanh và xã hội.
Bên cạnh đó, có những nơi, số lượng người xuất gia, đặt biệt là
thành phần trẻ tuổi lại quá ít, nếu không nói là khan hiếm. Ngược
lại, thành phần cao niên càng nhiều, điều kiện xã hội, nhân duyên
gia đình không gặp trở ngại lớn nào, nên việc xuất gia, đối với họ
không có gì khó khăn. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng và chưa hiểu chính xác
ý nghĩa ‘dân chủ, tự do’ của Âu-Tây, nên đã có nhiều người xuất gia,
chỉ nương với vị Bổn sư một thời gian ngắn, rồi tự động rời xa đại
chúng, tạo lập đạo tràng, hướng dẫn Phật tử cùng tu tập. Lại có hiện
tượng một số vị tự động cạo tóc, đắp y, lập chùa và đương nhiên,
đường hướng sinh hoạt và phương pháp hành trì sẽ không chuẩn xác
theo tinh thần Phật giáo.
Vì vậy, để chất lượng tu
tập, thực nghiệm tâm linh và hình ảnh tự tại giải thoát của người
xuất gia đẹp mãi trong tâm thức người Phật tử và cộng đồng xã hội,
thiết nghĩ, đối với những thành phần mới xuất gia tu học, các vị trụ
trì, chư vị bổn sư cần thể hiện tinh thần giáo dục, trách nhiệm đào
tạo đệ tử của mình, để họ có thể trưởng thành cả về mặt đạo đức tâm
linh và kiến thức Phật pháp.
Cuối cùng và trên hết, trong
thời đại bùng nổ thông tin, thời đại điện toán toàn cầu, những
chương trình giáo dục và đạo tạo giới xuất gia, dù là trong nước hay
ở nước ngoài, dù là gia giáo ở chùa hay ở các Phật học viện, ngoài
chương trình nội điển, còn phải bao gồm các kiến thức về so sánh tôn
giáo, xã hội học, đạo đức học, tâm lý học, môi trường học, quản trị
học, các nghi lễ thông dụng trong chùa, kiến thức khoa học phổ thông
và điện toán, v...v... Những kiến thức này rất cần thiết cho tu sĩ
trong mọi lúc, mọi thời, nhất là không thể thiếu đối với những ai
phát tâm, phát nguyện dấn thân phục vụ, đi theo lý tưởng nhập thế
hành đạo, hầu mang nguồn hạnh phúc an lạc đến nhân quần xã hội.
Hơn thế nữa, những điều vừa
trình bày trên, tuy rất nhỏ nhoi so với những thành tựu của Phật
giáo hiện thời, nó chỉ là những giọt nước rĩ, những đóm than nhỏ,
nhưng lâu ngày sẽ dễ trở thành mối hiểm hoạ lớn. Vì vậy, ước mong
các bậc cao minh, chư Tôn đức Tăng-Ni hữu trách quan tâm nhiều hơn
trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhân tài cho đạo Phật và cuộc
đời.
Thực hành được như vậy, thì
sứ mạng, trọng trách của người con Phật sẽ thực sự đúng nghĩa, sẽ
tiếp nối mạng mạch, báo đền ân đức của chư Phật, chư vị tiền bối Tổ
sư. Làm được như vậy, lý tưởng xuất gia, sơ tâm cầu đạo mới thi
thiết và mãnh liệt, sẽ không bị bất cứ mãnh lực của tham vọng, tranh
đua học vị văn bằng, những nhỏ nhoi của quyền tước cao sang lôi kéo!
GIÁO DỤC PHẬT TỬ
Mặc dù đạo Phật chiếm khoảng
80 % dân số nhưng người Phật tử hiểu được đức Phật và Phật pháp
không thể hơn được 1/5 con số trên. Nghĩa là cứ 5 người Phật tử thì
có đến 4 người mù chữ Phật pháp. Mù chữ về Phật pháp là một loại mù
chữ về thông điệp Từ bi, giải thoát mà đức Phật đã dày công tuyên
giảng.
Để giúp người Phật tử hiểu
rõ, sống hợp, sống đúng với tinh thần giáo pháp, cảm nhận được những
sự mầu nhiệm của đạo Phật, tận hưởng những hương vị chánh pháp, Phật
giáo nên có các chương trình đào tạo Phật tử cụ thể và dài hạn.
Thiết nghĩ, ngoài những
chương trình hướng dẫn tu học của từng Chùa, Viện, Trung Tâm Tu Học,
vị trụ trì hay những vị giáo thọ của từng địa phương, nên cố gắng
giảng dạy những giáo lý nồng cốt, thiết yếu của đạo Phật. Những bài
thuyết pháp nên cố gắng được liên hệ đến những sinh hoạt thường nhật
của người Phật tử. Làm sao cho họ hiểu đúng và biết ứng dụng giáo lý
đạo Phật vào đời sống của họ. Song song với chương trình giảng dạy
và tu học tại các Chùa, Viện, Phật giáo cần phải có một quyển sách,
hay một CD, một MP3 tạm gọi là: Cẩm Nang Cho Người Phật Tử.
Có thể được trao tặng hay ấn tống tại các chùa, trong những dịp
khi Phật tử khi phát tâm quy y. Đây là hình thức tốt để người Phật
tử có thể hiểu và sống đúng tinh thần Phật dạy. Quyển cẩm nang này
bao gồm các vấn đề cơ bản như: đức Phật Thích Ca là ai? nguồn gốc
và sự phát triển đạo Phật dưới dạng đại cương, tại sao phải quy y và
giữ gìn 5 giới, Tam bảo là gì; hoặc các giáo lý căn bản như: Tứ Diệu
Đế, Ba pháp ấn, Mười hai nhân duyên, Nhân quả và Luân hồi, Bát chánh
đạo và 10 hạnh ba-la-mật (theo Nam tông) hay 6 ba-la-mật (theo Bắc
tông).
Ngoài ra, quyển cẩm nang
trên còn hướng dẫn các nghi thức thường gặp của người Phật tử như:
Lễ sám nguyện; Lễ Cầu An, Lễ Cầu Siêu, Lễ Hằng Thuận.
Trong khi chờ đợi biên soạn
quyển cẩm nang tiêu chuẩn, áp dụng rộng rãi mọi nơi, Phật giáo hay
một số Chùa, Viện nên vận động ấn tống những quyển giáo lý căn bản
sau đây: (i) Để Trở Thành Người Phật Tử của cố HT Thích Thiện
Hoa, (ii) Là Phật Tử của cố HT Thích Thiện Châu, (iii) Phật Giáo
Chánh Tín của HT Thích Thánh Nghiêm, (iv) Học Phật Quần Nghi của HT
Thích Thánh Nghiêm. Những cuốn này có thể xem là sách gối
đầu giường cho người Phật tử, giúp họ hiểu và hành trì đúng chánh
pháp sau khi phát nguyện quy y tam bảo.
Tại các quốc gia Phật giáo
Nam tông xưa nay cũng như các nước PG Đại thừa, chùa chiền không chỉ
là nơi thực nghiệm tâm linh, truyền bá thông điệp Từ bi giải thoát
của đức Phật, mà còn là môi trường giáo dục, là những chiếc nôi đào
tạo không biết bao nhiêu thế hệ nhân tài. Vì thế, mỗi đơn vị Chùa,
Viện đã trở thành trung tâm giáo dục thế học và đạo học cho địa
phương. Mỗi Tăng-Ni đều trở thành một vị thầy cô giáo hướng dẫn đạo
đức và kiến thức cho người Phật tử.
Dựa trên truyền thống tuyệt
đẹp này, PGVN cần duy trì và phối hợp nhiều hơn nữa để xuất bản
nhiều kinh sách hữu ích theo quan điểm đạo đức Phật học. Trong thời
gian gần đây, những hình thức truyền bá kinh sách Phật giáo được
ngày càng mở rộng. Để người Phật tử các giới hiểu giáo lý đạo Phật
một cách dễ dàng, những truyện tích hay kinh sách Phật giáo dưới
dạng tranh hình nên tiếp tục phát triển và phổ biến rộng rãi hơn.
Song song, cần phát huy
nhiều hơn nữa những sinh hoạt của các Gia Đình Phật Tử tử từ cấp địa
phương đến toàn quốc, từ đơn vị Chùa, Viện đến cấp tiểu bang, liên
bang. Nên cập nhật chương trình sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử. Về
mặt nội dung, có thể giữ nguyên, nhưng về mặt hình thức giáo dục và
sinh hoạt, nên nghiêm túc xem xét lại sao cho chương trình sinh hoạt
hấp dẫn các em, để tránh tình trạng, sau một thời gian sinh hoạt từ
3 đến 5 năm, các em không còn muốn sinh hoạt với gia đình nữa. Đây
chính là nỗi ưu tư của những ai có lòng quan tâm đến vận mạng và sự
tồn sinh của Gia Đình Phật Tử.
Mặc khác, cần phải thấy rõ
một thực tế là, các tổ chức Gia Đình Phật Tử có thể đóng vai trò
quan trọng trong việc duy trì những truyền thống đạo đức, luân lý
của đạo Phật Việt Nam. Nếu có được một chương trình thu hút, hấp
dẫn, thì giới trẻ có thể có cơ hội xa lìa những tệ đoan xã hội như
xì ke, ma túy, rượu chè, cờ bạc v...v... Thay vào đó, giới trẻ sẽ ý
thức và sống một đời sống hướng thiện lành mạnh, tích cực góp phần
nhỏ bé của mình cho gia đình, tha nhân và cộng đồng xã hội!
TOÀN CẦU HOÁ ĐẠO PHẬT VIỆT NAM
Đến nay, đạo Phật Việt Nam,
ngoài những hình thức lễ hội, những sinh hoạt văn hoá, xã hội mang
tính cấp bách, thời sự tại các Chùa, Viện hay ở những công viên tại
các quốc gia Âu-Mỹ, hay gần đây nhất, hình ảnh Đại Lễ Phật Đản Liên
Hợp Quốc tại Việt nam, đã làm cho người ngoại quốc có cơ hội ít
nhiều hiểu biết thêm về đạo Phật Việt nam. Nhưng điều này chưa cân
xứng với chiều dài lịch sử của đạo Phật.
Nhìn lại dòng lịch sử, đạo
Phật Việt Nam trên dưới 2000 năm tuổi thọ đã không mấy được người
ngoại quốc biết đến một cách chính xác. Có nhiều lý do để giải
thích. Trong đó, các lý do chính là (i) toàn bộ các sáng tác của đạo
Phật Việt Nam chỉ giới hạn trong tiếng Việt và phạm vi truyền bá
phần nhiều vẫn còn nằm trong nước; (ii) Các sáng tác bằng tiếng Anh
nếu có chưa đủ sức thuyết phục đối với cộng đồng độc giả và những
nhà nghiên cứu đạo Phật nghiêm túc; (iii) đạo Phật Việt nam chưa có
các chương trình hoằng pháp thống nhất tầm vóc; (iv) ngoài một số
chư tôn đức Tăng-Ni tài đức hiện đang hoằng pháp thành công tại hải
ngoại, đạo Phật Việt nam vẫn còn thiếu những thành phần pháp sư,
giảng sư thông thạo Anh ngữ và một số ngôn ngữ quốc tế thông dụng
khác, để dễ truyền bá chánh pháp đến người nước ngoài; (v) đạo Phật
Việt nam vẫn còn hạn chế về các phương tiện thông tin đại chúng,
nhất là chưa có các website tầm vóc, nghiêm túc, đầy đủ để giới
thiệu bản chất và đặc điểm của đạo Phật Việt nam bằng Anh ngữ, chưa
có văn phòng thông tin phổ biến những tin tức Phật sự cần thiết, hầu
tác động mạnh vào tâm thức người nước ngoài, mang lại niềm tin vào
lòng người ngoại quốc.
Thiết nghĩ, Tổng vụ hoằng
pháp cần kết hợp với Tổng vụ Giáo Dục, Tổng vụ Tăng Sự, Tổng vụ Quốc
Tế gấp rút thành lập một hay nhiều phân ban chuyên trách về việc
hoằng pháp khắp nơi với các phương tiện thông tin hiện đại.
Trong lúc này, cần phải có
ít nhất 3 tác phẩm bằng tiếng Anh giới thiệu về đạo Phật Việt nam,
phổ biến ở nước ngoài. Nếu chưa có tác giả tự viết trực tiếp bằng
Anh ngữ, có thể thành lập một phân ban phiên dịch, cố gắng càng sớm
càng tốt, chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa từ các
tác phẩm tiếng Việt của chư tôn đức Tăng-Ni. Những tác phẩm sau đây
cần nên chuyển dịch ra 3 ngôn ngữ, Anh-Pháp-Hoa: (i) Tăng Già
Thời Đức Phật; Phật Giáo Việt Nam của HT Thích Trí Quang; (ii) 50
Năm Chấn Hưng Phật Giáo của cố HT Thích Thiện Hoa; (iii) Lịch Sử
Phật Giáo Việt Nam của cố HT Thích Thanh Tòng; (iv) Việt Nam Phật
Giáo Sử Luận của HT Nhất Hạnh; (v) Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của
học giả Lê Mạnh Thác.
Các tác phẩm này một khi
được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa và có mặt ở hải
ngoại sẽ là một nhịp cầu giới thiệu đạo Phật Việt nam một cách hữu
hiệu, góp phần nâng cao kiến thức người nước ngoài về đặc sắc của
một đạo Phật Việt Nam!
MỞ RỘNG MẠNG LƯỚI PHẬT PHÁP TRÊN SIÊU XA LỘ
THÔNG TIN
Song song với việc dịch
thuật và xuất bản các sách giới thiệu về đạo Phật Việt nam bằng
tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hoa, Phật giáo cũng nên thành lập một
hay nhiều trang web bằng hai thứ tiếng: Anh-Việt, Pháp-Việt, hay
Việt-Hoa, để giới thiệu Phật pháp căn bản cho các độc giả người Việt
cũng như người ngoại quốc am tường.
Các trang mạng internet giới
thiệu Phật giáo bằng tiếng Anh đã nở rộ vào đầu thập niên cuối cùng
của thế kỷ 20. Chỉ trong vòng 10 năm, các trang mạng Phật giáo do
người nước ngoài phụ trách đã lên đến hơn 100 (một trăm) trang mạng,
nhằm giới thiệu các phương pháp tu tập khác nhau trong các truyền
thống Phật giáo trên khắp thế giới.
Riêng các trang mạng Phật pháp do các Chùa, Viện,
Trung Tâm Tu Học do chư Tăng-Ni hay cư sĩ Việt Nam phụ trách hiện
nay khoảng trên 200 mạng, nhưng trong đó, những trang nhà được nhiều
độc giả tham khảo có khoảng trên dưới 20 trang mạng.
Một số trang mạng của Chùa, Viện ở Hoa Kỳ, Pháp
Quốc, Canada, Úc Châu hay ở Việt Nam, rất phong phú, có thể đáp ứng
được những nhu cầu hiện tại cho học giả tham khảo. Cũng phải kể đến
những trang mạng sau đây: Thư Viện Hoa Sen, do cư sĩ Tâm Diệu biên
tập; Lotus Production, do cư sĩ Tâm Kiến Chánh biên tập;
BuddhaSasana, do cư sĩ Bình Anson biên tập, Quảng Đức, do đại đức
Thích Nguyên Tạng biên tập, Đạo Phật Ngày Nay, do đại đức Thích Nhật
Từ biên tập, Chuyển Pháp Luân, do Thượng toạ Thiện Bảo biên tập,
Phật Việt, do Thượng toạ Tuệ Sĩ chủ trương, Chùa Hoằng Pháp, Thư
Viện Phật Học Xá Lợi, Chùa Vĩnh Nghiêm, Phật Giáo Nguyên Thuỷ, Viện
Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Sách Nói Phật Giáo, Giao Điểm Online,
Vĩnh Hảo net, do đạo hữu Tâm Huy Vĩnh Hảo chủ biên, Gia Đình Phật Tử
Việt Nam, Chùa Pháp Vân do Trung Tâm Văn Hoá Pháp Vân, Canada thực
hiện, Làng Mai do Tăng thân Làng Mai, Pháp quốc thực hiện, Chùa Hoa
Nghiêm, Chùa Quang Minh, Chùa Việt Nam, Thiền Viện Quang Chiếu…đều
do Phật tử các chùa này thực hiện, dưới sự chứng minh của chư tôn
đức Tăng.
Trong đây, có những trang
nhà được trang bị song ngữ Việt-Anh, có những trang chỉ thuần tiếng
Việt. Nhưng, nhìn chung đều rất phong phú, đa dạng với nhiều chủ đề
khác nhau như: chuyên đề về Phật giáo Việt Nam, Phật giáo nguyên
thuỷ, Phật giáo phát triển, Phật giáo thế giới, từ thiện xã hội, hay
về hoằng pháp, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Văn hoá Phật
Giáo, Tân nhạc Phật giáo, Âm nhạc Phật giáo, Nghi lễ Phật giáo, Cổ
nhạc Phật giáo, Phim ảnh Phật giáo. Đây là những cố gắng của các
Chùa, Viện khắp nơi, là những đóng góp cao quý của chư tôn đức
Tăng-Ni phụ trách những công việc trọng đại này. Nó phần nào đáp ứng
được những nhu cầu căn bản cho người đệ tử Phật khi muốn tìm hiểu và
học Phật trên siêu xa lộ thông tin.
Hơn nữa, thế kỷ 21 không chỉ
là thế kỷ của các khoa học kỹ thuật mà còn là thế kỷ của công nghệ
thông tin trên siêu xa lộ toàn cầu. Mạng lưới internet do đó có thể
được xem là một phương tiện truyền bá Phật pháp hữu hiệu và nhanh
chóng trong thời đại điện tử hôm nay.
Nhu cầu điện tử của thời đại
đòi hỏi các pháp sư, giảng sư Phật giáo nói chung, chư Tăng-Ni nói
riêng phải biết sử dụng điện thư (email) để chuyển tải và truyền bá
thông tin Phật pháp đến người hữu duyên một cách nhanh chóng. Các
nhà hoằng pháp, các nhà giáo dục nên biết sử dụng email trong việc
giáo dục hoằng pháp cho những người hữu duyên ở tận chân trời khác.
Email và Internet đã giúp
cho pháp sư, giảng sư không cần phải đáp máy bay đến tận vùng đất xa
xôi để truyền đạo cho người cách xa hàng ngàn cây số, mà vẫn có thể
truyền trao giáo pháp đến với họ một cách hiệu quả. Vì vậy, những
hiểu biết và vận dụng Internet đã trở thành một nhu câu không thể
thiếu đối với những người có trách nhiệm truyền bá giáo lý đức Phật
trong thời đại điện tử này.
Các phương tiện siêu xa lộ
thông tin toàn cầu, một mặt giúp cho đạo Phật Việt Nam có thể giao
lưu với các nước có Phật giáo hay những nơi có cộng đồng người Việt
sinh sống. Điều này phần nào giúp họ hiểu những giá trị lời Phật dạy
và hiểu rõ về bản chất của đạo Phật. Mặt khác, đây cũng là dịp, chư
tôn đức Tăng-Ni và Phật tử Việt Nam đang sinh sống và hoằng pháp
khắp nơi có điều kiện tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm hoằng pháp của
các nước Phật giáo tiên tiến, nhằm góp phần phát triển một đạo Phật
hữu ích trong đời sống hiện đại!
BÁO CHÍ, NHÀ XUẤT BẢN, TRUYỀN THANH, TRUYỀN
HÌNH PHẬT GIÁO
Hiện nay Phật giáo Việt nam
có một số Tạp chí nghiên cứu Phật học, Tuần San, Tuần báo sau:
Tuần báo Giác Ngộ; Nguyệt San Giác Ngộ; Tạp Chí Văn
Hoá Phật Giáo; Tạp San Nghiên Cứu Phật Học; Tạp San Pháp Luân;
Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học.
Một tôn giáo có trên 80 %
dân số là Phật tử, thế mà chúng ta có quá ít các phương tiện truyền
thông Phật pháp, đáp ứng nhu cầu tu học của người con Phật. Phật
giáo Việt nam đến nay, chưa có một nhà xuất bản Phật giáo nào như
trước năm 1975.
Trong khi đó, một số nơi
trên thế giới, những ngôi chùa nhỏ, những đạo tràng tu học còn rất
khiêm nhường lại dễ dàng thành lập một tờ báo, một tạp chí Phật học
định kỳ, Nguyệt san, Tam cá nguyệt hay một nhà xuất bản dễ dàng.
Ở hải ngoại, nếu nơi nào đã
có nhà xuất bản, nên cố gắng duy trì và chuyên xuất bản các kinh
sách Phật giáo có chiều sâu tu tập và chất lượng nghiên cứu cao, để
làm kim chỉ nam cho sự tu học của Phật tử và Tăng-Ni.
Nếu như ở một số quốc gia,
mỗi ngôi Chùa, hoặc đạo tràng có thể thực hiện một Tạp chí Phật học,
thì tại sao, chúng ta không cố gắng thực hiện những Tạp chí Phật học
hoặc ít ra cũng như những hình thức Đặc San hay Nội San Phật giáo
mang tính chuyên nghành. Ví dụ: Tạp Chí Hoằng Giới; Tạp chí
Hoằng Pháp; Tạp chí Giáo Dục; Tạp chí An Cư Kiết Hạ; Tạp chí Gia
Đình Phật Tử; Tạp chí Từ Thiện Xã Hội, Tạp chí Bang Giao Quốc Tế;
hay phân loại theo các Tông Phái, chẳng hạn: Tạp Chí Nam Tông, Tạp
Chí Bắc Tông, Tạp Chí Giới Luật; Tạp Chí Mật Tông; Tạp Chí Tịnh Độ;
Tạp Chí Thiền tông; Tạp Chí Pháp Hoa; Tạp Chí Hoa Nghiêm, Tạp Chí
Duy Thức…Thực hiện được điều này, có thể nói là một điểm
son, một hình thức tích cực góp phần cho những ai muốn nghiên cứu
chuyên ngành một cách dễ dàng hơn.
Song song với việc thành lập
nhà xuất bản, in ấn kinh sách, xuất bản những Tạp chí chuyên nghành,
chúng ta cũng nên quan tâm đến việc thực hiện Đài Phát Thanh
Phật Giáo.
Ở Hoa Kỳ, những năm gần đây,
đã có một số đài Phát Thanh Phật giáo, do quý cư sĩ trực tiếp điều
hành, nhưng vẫn còn hoạt động trong khiêm tốn, vẫn còn hạn chế trong
chuyên môn.
Hay ở Úc Châu, cũng có
chương trình phát thanh Phật giáo, nhưng là hình thức mua giờ lại
của một đài phát thanh khác. Nơi đây, chương trình phát thanh Phật
giáo chỉ được thực hiện trong những dịp lễ quan trọng của Phật giáo,
vỏn vẹn được một giờ mà thôi. Trong khi, ở Đài loan, từ lâu đã có 3
đài phát thanh Phật giáo chuyên nghiệp. Đây đáng là một suy nghĩ đối
với những người có lòng hướng đến một đạo Phật hoàn chỉnh về mọi
phương diện xã hội.
Hoằng pháp trên đài
truyền hình có tác dụng và lợi ích
rất thiết thực. Giảng dạy kinh điển hay giáo lý Phật giáo trên đài
truyền hình hiện nay, trong cũng như ngoài nước Việt nam vẫn chưa đủ
nhân duyên thực hiện. Trong khi đó, tại Hoa kỳ chỉ có một ít cá nhân
chư tôn đức Tăng được sự kính trọng của Ban giám đốc đài, nên đã
được thỉnh mời để thuyết pháp trên đài truyền hình đó. Hiện tại, ở
Đài Loan có đến 5 kênh truyền hình Phật giáo với nội dung phung phú,
đáp ứng được những nhu cầu tu học của người Phật tử. Đây là điều
đáng ưu tư, nếu không nói là đáng buồn cho Phật giáo Việt nam ở khắp
nơi, khi chưa thực hiện được công việc hoằng pháp trên đài truyền
hình cho quần chúng Phật tử.
Bù lại, hiện tại, trên nhiều
trang nhà điện tử, những người phụ trách mạng đã và đang khéo léo
đưa lên trang mạng mình những băng giảng với nhiều hình thức như:
băng Audio, Video, VCD, DVD, CD hoặc MP3. Có thể nói, đây là một
trong những nỗ lực của quý Tăng-Ni, Phật tử khi đưa những băng giảng
Phật pháp ngày càng phong phú, đáp ứng được nhu cầu tu học cho Phật
tử gần xa.
Càng ngày, các kinh sách
Phật giáo có giá trị tu học được đọc và thu thanh với chất lượng
cao. Tam tạng giáo điển tiếng Việt cũng đã được đọc và được nén dưới
dạng MP3 để dễ nghiên cứu. Nhiều băng cassette, đĩa CD hoặc MP3 được
phổ biến rộng rãi hơn, đi sâu vào quần chúng Phật tử nhiều hơn.
Nói cách khác, càng nhiều
phương tiện truyền bá, truyền thông, truyền hình, in ấn, đến với
những người yêu thích đạo Phật hay những người chưa biết gì về đạo
Phật, sẽ có được cơ duyên tốt trong việc tu học chánh pháp của đức
Phật, làm lợi lạc cho bản thân, tha nhân và xã hội.
Vì vậy, một khi Phật giáo có
được nhà xuất bản độc lập, kinh sách xuất bản không cần xin phép hay
kiểm duyệt, các truyền bá Phật giáo dưới các hình thức nghe nhìn
khác nhau được phổ biến rộng rãi, thì lợi ích tu tập của người Phật
tử và Tăng-Ni sẽ hết sức cụ thể và thiết thực.
Trong khi chờ đợi đủ nhân
duyên thực hiện, thiết nghĩ, chư tôn đức Tăng-Ni hữu trách, nên bắt
đầu chọn lựa nhân sự, tạo điều kiện để những thành phần này cập nhật
kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực in ấn, truyền thông, truyền
hình, hầu sẽ thực hiện công việc một cách hữu hiệu!
MỞ RỘNG PHẠM VI XÃ HỘI CỦA ĐẠO PHẬT
Đức Phật ra đời vì một nhân
duyên lớn, đó là, mở rộng cánh cửa Từ bi, giới thiệu cho chúng sinh
hiểu rõ những đức tính cao thượng luôn hằng hữu trinh nguyên trong
tâm thức chúng sinh và luôn mong mỏi chúng sanh được giác ngộ hoàn
toàn. Do vậy, nền tảng giáo lý của đạo Phật phải được xem là đạo xã
hội, vì con người tại trần gian này.
Đạo Phật ra đời và tồn tại
trong xã hội, vì sự hưng vong và lợi ích của con người. Bởi thế, khi
nào đạo Phật thu hẹp trong phạm vi Chùa, viện, hay bàng quan trước
nỗi thống khổ của con người, thì đạo Phật không còn là đạo “tuyên bố
và chỉ ra con đường diệt khổ” nữa. Nói cách khác, đạo Phật lúc đó sẽ
mất đi đặc tính phục vụ chúng sanh, cứu khổ ban vui.
Thể hiện tinh thần cứu khổ
ban vui của đạo Phật, người đệ tử Phật không thể đứng ngoài dân tộc,
mà cần phải sát cánh chung vai với dân tộc trong những bước thăng
trầm của lịch sử, để phục vụ dân tộc. Một trong bốn trọng ân mà đức
Phật dạy là ân tổ quốc. Ân này dạy chúng ta, dù là Tăng hay tục,
người con Phật cần phải có trách nhiệm với sự phồn vinh của đất
nước.
Để góp phần xây dựng, người
đệ tử Phật nên cố gắng phát triển những hoạt động từ thiện xã hội
một cách lâu dài, quy mô và có tổ chức. Phải hoạch định rõ chương
trình ngắn hạn và dài hạn. Có thể lấy ngắn nuôi dài, hay ngược lại,
chẳng hạn như: mở các lớp học tình thương Phật giáo, các ngôi nhà
tình nghĩa Phật giáo, các cô nhi viện Phật giáo, viện dưỡng lão Phật
giáo, trạm y tế Phật giáo, nhà thương Phật giáo v...v.. song song
với các hoạt động cứu trợ bão lụt thiên tai, thăm và tặng quà tại
các trại tù.
Bên cạnh những việc làm mang
tính cấp bách, thiết thực, Phật giáo, nhất là Tổng Vụ Từ Thiện Xã
Hội nên kết hợp với Tổng Vụ Tài Chánh, tự động tạo ra nguồn vốn, tự
động xoay xở nguồn kinh phí cố định, bằng nhiều loại hình khác nhau:
như tổ chức cơm chay, văn nghệ gây quỹ, tổ chức đầu tư nhỏ, hay thậm
chí, tổ chức kinh doanh mang hình thức liên doanh với các nhà kinh
doanh tầm vóc.
Nếu thực hiện được như vậy,
thì trong tinh thần ban bố sự vô uý và an vui đến với chúng sinh đau
khổ, đạo Phật mặc nhiên đã mang lại pháp thí cho con người với hình
thức tài thí.
Hãy để cho bản chất của các
hoạt động từ thiện bất vụ lợi theo tinh thần Phật dạy trở thành
những bài pháp không lời, giáo hoá người hữu duyên trong những lần
khốn khổ!
TRUYỀN BÁ ĐẠO PHẬT VÀO CÁC VÙNG SÂU VÀ VÙNG XA
Kể từ khi đạo Phật mất gốc ở
Ấn Độ sau cuộc xâm lăng của đế chế Hồi giáo cho đến ngày nay, quần
chúng Phật tử ở Ấn Độ bao gồm các thành phần sau: (i) cộng đồng PG
Ấn Độ bao gồm các giáo hội PG Ấn và cộng đồng người Ấn thuộc giai
cấp thấp có nguồn gốc Ấn giáo đổi đạo theo Phật, (ii) cộng đồng Phật
giáo Tây Tạng, (iii) Hiệp hội các nhà truyền giáo đạo Phật đến từ
Tích Lan và các nước Phật giáo ở châu Á.
Nhìn lại lịch sử Phật giáo
Ấn Độ, các nhà hoằng pháp Ấn đã dấn thân vào các phong trào đấu
tranh xoá bỏ giai cấp mà Ấn giáo đã đẩy hàng cùng đinh của xã hội
vào thiên chức duy nhất là làm nô lệ cho các giai cấp khác. Vận dụng
các học thuyết bình đẳng của đức Phật, các nhà hoằng pháp Ấn Độ đã
dấn thân và giúp đỡ các hạng cùng đinh của xã hội Ấn Độ là cách làm
Phật sự lớn nhất và hay nhất của PG Ấn Độ trong thời hiện đại.
Việt Nam không có tệ nạn
giai cấp như đất nước Ấn Độ, nhưng chúng ta có nhiều dân tộc thiểu
số ở các vùng núi xa xôi. Họ là những người sống ở vùng sâu và vùng
xa của đất nước, chủ yếu theo tín ngưỡng dân gian, với một niềm tin
có nhiều thần linh ban phước giáng hoạ. Họ là thành phần của dân tộc
cần được đạo Phật đặc biệt quan tâm. Trong nhiều năm qua, giáo hội
Tin Lành đã vận dụng các phương pháp viện trợ kinh tế qua con đường
từ thiện, nên đã thu hút được số lượng khá lớn đổi đạo.
Hiện tại, đạo Phật Việt Nam
chưa chính thức nghĩ đến chương trình hoằng pháp ở các vùng dân tộc
thiểu số xa xôi hẻo lánh. Thời gian gần đây, đã có một vài nhóm
Tăng-Ni, hay một ít cá nhân Phật tử tràn đầy từ tâm, đã không quản
những khó khăn đến tận nơi để giúp đỡ và hoằng pháp trên các vùng
sâu xa này.
Trộm nghĩ, bằng con đường từ
thiện bất vụ lợi của đạo Phật, bằng trái tim Từ bi vô bờ bến, Phật
giáo sẽ có thể tiến hành các chương trình hoằng pháp, bên cạnh các
chương trình từ thiện, để, một mặt, có cơ hội giúp đở đồng bào, một
mặt lại giới thiệu đạo Phật, đạo của tình thương, trí tuệ, giác ngộ
và giải thoát. Được như vậy thì tài thí cũng chính là pháp thí và vô
uý thí!
ĐẠO PHẬT VÀ MÔI TRƯỜNG XANH
Ngày nay, mọi tiến bộ khoa
học kỹ thuật và công nghệ thông tin của thế kỷ 20 đã xoá đi các
chướng ngại về địa dư và ngôn ngữ. Thế giới dường như được thu nhỏ
lại thành một ngôi làng với các phương tiện thông tin đại chúng thần
tốc. Mặt khác, con người trong hành tinh này đang phải đương đầu với
nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị tiêu diệt và khánh tận. Khủng
hoảng môi trường, khủng hoảng nguồn nước đã đến lúc báo động. Bầu
khí quyển ngày càng bị ô nhiễm, nạn rừng bị phá huỷ một cách có ý
thức, và nguồn nước uống dần dần không còn trong sạch nữa. Đứng
trước tình thế đó, người con Phật cần phải có ý thức và trách nhiệm
trong việc bảo vệ môi trường, như nền tảng cho sự sống còn của tất
cả các loài hữu tình và vô tình trên hành tinh nhỏ bé này.
Cuộc đời của đức Phật là một
tấm gương bất hũ về sự nghiệp bảo vệ môi sinh, không chỉ cho giới
Phật tử mà còn cho những ai ưu tư đến một hành tinh xanh, với bầu
không khí trong lành. Đức Phật được sinh ra dưới một cây Vô Ưu,
trong rừng cây xanh bát ngát, trên đường Mẫu hậu trở về quê ngoại
gần lúc lâm bồn.
Đức Phật sống ẩn sĩ, quyết
tâm tu học suốt 6 năm trong rừng xanh núi thẩm để tìm cầu chân lý.
Ngài giác ngộ đạo quả vô thượng bồ-đề dưới gốc cây Bồ-đề, sau 49
ngày tham thiền nhập định. Bài pháp đầu tiên được Ngài thuyết giảng
cho 5 anh em đồng tu tại khu vườn Nai. Ngài nhập vô dư niết-bàn dưới
gốc cây Ta-la song thọ. Kim thân của Ngài được hoả thiêu giữa rừng
cây ở Kusinaga. Cuộc đời của Ngài đã gắn liền với thiên nhiên trong
sự giác ngộ và giải thoát.
Giới thứ nhất trong năm giới
căn bản của người Phật tử tại gia, đức Phật dạy không được sát hại
sanh linh. Điều này bao gồm tình thương đối với các loài động vật và
ý thức bảo vệ cây xanh và môi sinh chúng ta đang sống.
Một trong 90 điều khoản Xã
Đoạ của giới bản Tỳ-kheo, đức Phật đã dạy giới tu sĩ không được chặt
phá cây xanh. Ba tháng mùa mưa mùa an cư, đức Phật dạy các Tăng-Ni
nên hạn chế tối đa việc đi lại. Bởi vì, ngoài việc trau dồi tam
nghiệp thanh tịnh, trao đổi kinh nghiệm tu học và hành đạo, còn là
cơ hội bảo vệ sự sống các loại côn trùng, thảo mộc sinh trưởng trong
mùa hè.
Trên tinh thần bài học về
cuộc đời của đức Phật gắn liền với thiên nhiên và những lời dạy của
Ngài trong việc bảo vệ môi trường, đạo Phật nên phát động phong trào
trồng cây xanh ở các Chùa, Viện hay Trung Tâm Phật Giáo. Khuyến
khích, giáo dục người Phật tử nên hết lòng bảo vệ rừng, giữ sạch
nguồn nước. Bên cạnh tạo môi trường tâm linh, người đệ tử cũng nên
tạo một quang cảnh thanh tịnh, trong lành ở những nơi mình cư trú!
THAY LỜI KẾT
Những tiêu chí trong bài viết này hoàn toàn mang
tính gợi ý, gợi suy nghĩ cho những ai có tấm lòng ưu tư về một đạo
Phật đúng như bản chất và ý nghĩa của nó. Từ đó, có thể tìm ra một
nhân dáng tuyệt vời, một phương hướng khả thi, một giải pháp tương
thích cho công cuộc phụng sự chúng sinh của đạo Phật.
Hơn nữa, bản chất của đạo
Phật vốn dĩ là hoà hợp, đoàn kết, hợp tác để cùng tiến bộ, cùng đạt
được giác ngộ và giải thoát. Bản chất của đạo Phật là Từ bi, thứ
tha, độ lượng, vô ngã vị tha, điều gì đi ngược lại những ý nghĩa cao
thượng này đều có thể ít nhiều làm cho tiềm năng và sức mạnh của đạo
Phật Việt Nam trở nên yếu ớt, thu hẹp trong phạm vi nhỏ bé.
Vì vậy, để kiện toàn ngôi
nhà Phật giáo, thiết nghĩ, chư tôn đức Tăng-Ni, những người đã từng
dang rộng đôi bàn tay bao dung, tha thứ, xin hãy cố gắng mở rộng
thêm chút nữa, để tiếp tục truyền thống lâu đời của liệt vị Tổ sư,
nhất tâm cung thỉnh, tiếp đón mọi thành phần Phật giáo, cùng tham
gia các hoạt động Phật sự chung trong đạo Phật. Một mặt, cho cộng
động Phật tử gần xa thấy được tấm lòng và thái độ bao dung tha thứ
của đạo Phật, để niềm tin chánh pháp của họ ngày càng tăng trưởng;
mặt khác, để giáo dục cho các thế hệ Tăng-Ni trẻ, các thế hệ sẽ tiếp
tục dấn thân phục vụ, thấy được tinh thần tương thân, tương kính của
chư Tôn đức xa gần, để những thành phần này có thể cất bước chân
theo. Đây là bài pháp hùng hồn nhất, là hình ảnh tuyệt vời nhất để
chúng đệ tử noi theo, để tất cả những ai có lòng ưu tư cho sự tồn
vong của Phật giáo có dịp đóng góp.
Ngoài ra, Phật giáo cũng nên
có kế hoạch cụ thể trong việc đón mời các tầng lớp trí thức thật tu,
không phân biệt Tăng-Ni hay cư sĩ, để cùng nhau khôi phục, chấn
chỉnh và phát huy tiềm năng của Phật giáo Việt nam trên thế giới.
Nếu như những hoạt động phát
triển tâm linh, hoằng pháp lợi sinh, giáo dục đào tạo, xây dựng cơ
sở, in ấn xuất bản, từ thiện xã hội trong những thập niên qua được
coi là những thành tựu đáng kể của đạo Phật Việt nam, thì trong giai
đoạn hiện tại để nhìn về tương lai, đạo Phật Việt nam nên cố gắng
kiện toàn tổ chức, tiếp tục vận dụng mọi tiềm năng sẳn có của mình
và hết lòng phụng hiến cho cộng đồng nhân giới một nhân dáng đạo
Phật Việt nam.
Cuối cùng và trên hết, với mục đích cố gắng tìm
ra một nhân dáng tuyệt vời, một hướng đi đích thực cho Phật giáo
Việt nam, thiết nghĩ, người con Phật trước nhất nên xoá bức tường
“vạn lý trường thành” ngăn cách giữa các giáo hội, giữa những suy
nghĩ ‘tông môn pháp phái’, giữa những hạn hẹp ‘vùng miền’, giữa các
thành phần Phật tử trí thức hay bình dân trong đạo Phật. Được vậy,
thì chắc chắn, cánh cửa phục vụ chúng sanh, đạo pháp sẽ mở rộng, sẽ
chào đón mọi người, sẽ làm cho cuộc đời có thêm hoa trái xanh tươi!!
- Chùa Phật Đà, Úc Châu
- Tháng
07 năm 2008
- Tỳ Kheo Thích Thiện Hữu
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/ditimmotnhandang.htm