Đại lão Hòa thượng
Thích Từ Mãn viên tịch
HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH, HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
GHPGVN - BAN TRỊ SỰ TỈNH HỘI PHẬT GIÁO LÂM ĐỒNG VÀ MÔN ĐỒ PHÁP QUYẾN
Vô cùng thương tiếc báo tin: Đại lão Hòa thượng THÍCH TỪ MÃN
- Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, nguyên Uy viên Hội đồng Trị
sự, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng, Hiệu trưởng
Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng, viện chủ chùa Linh Sơn, TP.Đà
Lạt, đã an nhiên thị tịch vào lúc 1 giờ 15 phút, ngày 30 tháng 11
năm 2007 (nhằm ngày 21 tháng 10 năm Đinh Hợi). Trụ thế: 90 năm - Hạ
lạp: 67 năm
Lễ nhập quan được cử hành vào lúc 17 giờ,
ngày 30 tháng 11 năm 2007 (nhằm ngày 21 tháng 10 năm Đinh Hợi), kim
quan được tôn trí tại chùa Linh Sơn, TP.Đà Lạt.
Lễ viếng bắt đầu từ ngày 1 tháng 12 năm
2007 (nhằm ngày 22 tháng 10 năm Đinh Hợi).
Lễ truy niệm và cung tống kim quan nhập
tháp tại chùa Linh Sơn, phường 2, TP.Đà Lạt chính thức được cử hành
vào lúc 7 giờ, ngày 5 tháng 12 năm 2007 (nhằm ngày 26 tháng 10 năm
Đinh Hợi).
CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ
từ ngày 30/11 đến ngày 05/12/2007 (nhằm ngày 21/10 đến ngày 26/10/Đinh
Hợi)
Ngày 30/11/2007 (21/10/Đinh Hợi):
17giờ00: Lễ Nhập Quan
18giờ00: Lễ Khai Kinh Bạch Phật - Lễ Thọ Tang
19giờ00: Cúng trà
Ngày 01, 02,03/12/2007 (22,23,24/10/Đinh Hợi):
06giờ00: Cúng trà
08giờ00: Lễ viếng và luân phiên tụng niệm
10giờ00: Lễ Cúng Ngọ và Cung Tiến Giác Linh
14giờ00: Lễ Viếng và luân phiên tụng niệm
16giờ00: Cúng trà
18giờ00: Lễ viếng và luân phiên tụng niệm
Ngày 04/12/2007 (25/10/Đinh Hợi):
06giờ00: Cúng trà
08giờ00: Lễ viếng và luân phiên tụng niệm
10giờ00: Lễ Cúng Ngọ-Lễ Triêu Điện Cung Tiến Giác Linh
14giờ00: Lễ Viếng và luân phiên tụng niệm
15giờ00: Thỉnh Giác Linh lễ Phật yết Tổ tại Tổ Đình Linh Quang
(133 Hai Bà Trưng - Phường 6 - Đà Lạt - Lâm Đồng)
17giờ00: Lễ Tịch Điện- Thỉnh Giác Linh lễ Phật yết Tổ tại Bổn Tự
18giờ00: Lễ Sơ dạ cáo Giác Linh
Ngày 05/12/2007 (26/10/Đinh Hợi):
07giờ00: Lễ Khiển Điện Phất trần
08giờ00: Lễ Truy điệu (có chương trình riêng)
09giơ30: Lễ Cung Tống Kim Quan nhập Huyền Tháp
10giờ30: Thỉnh Giác Linh an vị
11giờ30: Hoàn mãn
TM.BAN TỔ CHỨC TANG LỄ
Trưởng Ban
Hoà Thượng THÍCH MINH CHÂU
___________________
TIỂU SỬ
Hòa thượng Thích
Từ Mãn
(1918-2007)
Trưởng lão Hòa
Thượng thượng TRỪNG hạ CHIẾU, tự GIÁC HẠNH, hiệu HƯNG PHƯỚC, đạo
hiệu TỪ MÃN:
• Thành Viên Hội Ðồng
Chứng Minh GHPGVN
• Ủy Viên Hội Ðồng Trị Sự Trung Ương GHPGVN
• Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Hội PG Lâm Ðồng
• Hiệu Trưởng Trường Trung Cấp PH Lâm Ðồng
• Trú Trì chùa Linh Sơn Thành phố Ðà Lạt
• Viện chủ Tịnh Viện Từ Phong
THÂN THẾ
Hoà Thượng, họ Hoàng huý Ngọc Chân, pháp danh Trừng Chiếu, tự Giác
Hạnh, hiệu Hưng Phước, đạo Hiệu Từ Mãn, sinh ngày 20 tháng 4 năm
1918 (nhằm năm Mậu Ngọ) tại làng Ðại Lộc, xã Ðiền Lộc, huyện Phong
Ðiền, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ là cụ ông Hoàng ngọc Cử và thân mẫu
là cụ bà Trần thị Thừa. Hòa Thượng là con thứ 5 trong một gia đình
gồm 6 anh em 4 trai 2 gái.
THỜI KỲ HỌC ÐẠO
Hoàng tộc vốn là một gia đình nhiều đời tin Phật, đặc biệt đã hơn
bốn thế hệ luôn có người xuất gia tu hành, trở thành những Tỷ-kheo
trong đoàn thể Tăng già Phật Giáo. Tiếp nối truyền thống cao đẹp ấy,
vào năm 12 tuổi (1930), khi túc duyên hội đủ, Hoà Thượng được phép
của song thân xuất gia tu học với đức Cố Ðại lão Hòa Thượng thượng
Tâm hạ Khoan, đương thời là Tăng Cang chùa Sắc Tứ Báo Quốc – Cố Ðô
Huế .
• Năm 16 tuổi (1934)
Hoà Thượng được Bổn Sư cho thọ giới Sa Di với pháp danh Trừng Chiếu.
• Năm 18 tuổi (1936),
sau khi bổn sư của Hoà thượng viên tịch, Hoà thượng cầu Y Chỉ với
đức Ðại lão Hòa Thượng Tịnh Khiết, Tăng Thống Giáo Hội Phật Gíao
Việt Nam Thống Nhất.
• Năm 21 tuổi (1939)
Hòa Thượng theo học trường Trung Ðẳng Phật Học tại chùa Tây Thiên
Huế do Sơn Môn tổ chức. Trong thời gian này cũng có một trường khác
tại chùa Báo Quốc do phong trào chấn hưng Phật Giáo thành lập.
• Năm 23 tuổi (1941)
Hoà Thượng được phép thọ Tỷ-kheo giới tại Ðại Giới Ðàn Thuyền Tôn do
chính Hoà Thượng Y Chỉ của ngài, tức Ðức Ðại Lão Hoà Thượng Thích
Tịnh Khiết, làm Ðường Ðầu Hoà Thượng.
• Vào năm 1945, tình
hình chính trị trong nước hết sức phức tạp, xã hội loạn ly, các
trường Phật Học ở Huế đều tạm nghỉ; Hoà Thượng trở về tu học tại
chùa Kim Tiên. Sau đó, vì hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, Hòa Thượng
cùng với chư tăng vân tập về Tổ Ðình Thuyền Tôn, Huế, để lao động
sản xuất, thực hiện phương châm Bất tác bất thực.
THỜI KỲ HÀNH ÐẠO và KIẾN LẬP ÐẠO TRÀNG
• Năm 1947, lúc ngài 29 tuổi, Hoà Thượng được Tổng Hội Phật Giáo
Trung Việt bổ nhiệm làm Trú Trì Chùa Linh Sơn Ðà Lạt -Tỉnh Lâm Viên
và Hòa Thượng Thích Thiện Minh làm giảng sư, đồng thời là Ðại Diện
Tổng hội lãnh đạo các tỉnh miền Nam Trung Việt và 3 tỉnh Cao Nguyên
.
• Năm 1950, Hội Phật
Học Trung Phần đã tổ chức Khoá Hạ An Cư tập trung tại chùa Linh
Phong Ðà Lạt do Hoà Thượng Thích Bích Nguyên sáng lập. Khoá Hạ gồm
các Hòa Thượng Thích Quảng Nhuận, Thích Minh Cảnh, Thích Bích
Nguyên, Thích Từ Mãn, Thích Thiện Minh, Thích Hoa Sơn ở chùa Giác
Hoàng, Ðơn Dương - thầy Ðăng (Am bà Cai Thỏ). Sau mùa An cư, với sự
đề nghị của chư Tôn đức, Hoà thượng Bích Nguyên đã hỷ cúng chùa Linh
Phong để làm cơ sở cho Ni Bộ tại Tỉnh Tuyên Ðức, và ngôi Tam Bảo này
chính thức trở thành trụ sở của Ni Bộ Bắc Tôn vào năm 1952. Trong
khoảng thời gian này, Ngài thường lên xuống Nha Trang để giảng dạy
Trường Sơ Cấp Phật Học tại chùa tỉnh Hội Long Sơn. Ngôi trường này
là tiền thân của Phật Học Viện Nha Trang.
• Năm 1952, Ngài cung
thỉnh Ðại Lão HòaThượng Hội Thích Tịnh Khiết, Hội Chủ Giáo Hội Trung
Phần vào Ðà Lạt để chứng minh lễ đúc Tượng Phật và Ðại Hồng Chung
chùa Linh Sơn.
• Cũng vào năm 1952,
thể theo lời mời của Thái Hậu Từ Cung, mẹ vua Bảo Ðại, Ngài được Hội
Phật Học Trung Phần bổ nhiệm làm Trú Trì Chùa Sắc Tứ Khải Ðoan,
thành phố Buôn Mê Thuột. Tại đây, Ngài đã lãnh đạo Tăng Ni Phật Tử
chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Ðình Diệm.
Trong thời gian làm Phật sự tại Buôn - Mê-Thuột, Hoà Thượng đã đặt
đá xây dựng các chùa Hoa Nghiêm, Huyện CưMgar, Dăklăk (1958), chùa
An Lạc, Buôn Hồ, Dăklăk, chùa Nam Thiên, Xã Hoà Thuận, Dăklăk
(1958).
• Năm 1964 sau khi
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập, Hoà Thượng được
Viện Hóa Ðạo tái bổ nhiệm làm Trú Trì chùa Linh Sơn Ðà Lạt, kiêm
Trưởng Ban Quản Trị trường Bồ Ðề Ðà Lạt.
• Năm 1966, Hoà Thượng
đã cùng Ban Ðại Diện Tỉnh Hội xây dựng Giảng đường chùa Linh Sơn Ðà
Lạt, nay là Trường Trung Cấp Phật Học Lâm Ðồng, nhằm đáp ứng nhu cầu
giáo dục của Tỉnh nhà đồng thời làm Hội Trường cho Ðại Hội Phật Giáo
Toàn Quốc. Trong khoảng thời gian từ 1964 - 1974, Hoà Thượng đã cùng
với Giáo Hội địa phương thành lập và xây dựng một hệ thống các Chi,
Khuôn Giáo Hội, Ký Nhi Viện Nhị Trưng, Kiều Ðàm, Thái Phiên và Chẩn
Y Viện Phật Giáo.
• Năm 1973, Hoà Thượng
được cung thỉnh làm Phó Chủ Ðàn Giới Ðàn Phước Huệ do Viện Hoá Ðạo
tổ chức tại chùa Tỉnh Hội Long Sơn, Nha Trang. Cố Ðại Lão Hòa Thượng
Thích Trí Thủ là Chánh Chủ Ðàn và Ðại Lão Hoà Thượng Thích Phúc Hộ
là Ðàn Ðầu Hoà Thượng.
• Từ năm 1974-1980,
Hoà Thượng được cung cử làm Chánh Ðại Diện tỉnh Tuyên Ðức, kiêm Trú
Trù Chùa Linh Sơn Ðà Lạt.
• Năm 1980 Ngài được
Viện Hoá Ðạo mời làm Phó Ban Kiến Ðàn Ðại Giới Ðàn Thiện Hoa tại Tổ
Ðình Ấn Quang – TPHCM.
• Năm 1981, sau khi
GHPGVN được thành lập tại Hà Nội, Ngài được suy cử vào Uỷ viên Hội
Ðồng Trị Sự TWGHPGVN nhiệm kỳ I.
• Từ năm 1982-2007,
tại các Ðại Hội Ðại Biểu Phật Giáo Tỉnh Lâm Ðồng lần thứ I đến lần
thứ VI, Hoà Thượng liên tiếp được Giáo Hội, Tăng Ni và Phật tử tỉnh
suy cử làm Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo Lâm Ðồng suốt sáu nhiệm kỳ.
• Năm 1991, Trường Cơ
Bản, nay là Trung cấp Phật Học Lâm Ðồng, được thành lập; Hoà thượng
được cung thỉnh làm Hiệu Trưởng .
• Năm 1993, để hỗ trợ
cho việc xiển dương thiền học, đặc biệt là Thiền Phái Trúc Lâm Việt
Nam, Ngài đã vận động chính quyền Tỉnh Lâm Ðồng và thành phố Ðà Lạt
cấp đất tại Hồ Tuyền Lâm, sau đó chuyển giao cho Hoà Thượng Thanh Từ
xây dựng nên Thiền Viện Trúc Lâm ngày nay.
• Năm 1994, Ngài được
Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Ðồng cung thỉnh làm Ðàn Ðầu Hoà
Thượng cho Ðại Giới Ðàn Nhơn Thứ, tổ chức tại chùa Linh Sơn Ðà Lạt.
• Năm 1997, Ngài đã
được Ðại Hội Ðại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Nhiệm Kỳ IV (1997-2002)
suy tôn làm Thành Viên Hội Ðồng Chứng Minh TWGHPGVN.
• Năm 1998, Ngài được
Giáo Hội Tỉnh cung thỉnh làm Ðàn Ðầu Hòa Thượng cho Giới Ðàn Trí
Thủ, tổ chức tại chùa Linh Sơn Ðà Lạt.
• Năm 2002, Ngài
chứng minh và đặt đá xây dựng Thích Ca Phật Ðài, Niêm Hoa Vi Tiếu,
tạc theo truyền thuyết của Thiền Tông, cao 24mét, tại Thiền Viện Vạn
Hạnh, Phường VIII, Ðà Lạt.
• Năm 2003, lại một
lần nữa Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Ðồng cung thỉnh Hòa Thượng
làm Ðàn Ðầu Hoà Thượng cho Ðại Giới Ðàn Diệu Hoằng tại chùa Linh Sơn,
Ðà Lạt.
Có thể thấy rằng Hoà Thượng đã đem hết tâm tư và khả năng để phụng
sự chúng sanh nhằm báo đáp ân Phật. Ðể tán thán công đức của Hoà
Thượng, Hội Ðồng Trị Sự Trung Ương GHPhGVN đã trao bằng Tuyên Dương
Công Ðức. Tỉnh Uỷ, Ủy Ban Nhân Dân, Uỷ Ban Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Lâm
Ðồng cũng đã nhiều lần tặng Bằng Khen cho Hoà Thượng để ghi nhận sự
đóng góp to lớn của Ngài cho Ðạo Pháp và Dân Tộc.
NHỮNG NGÀY THÁNG CUỐI CÙNG
Với sự vô tình của thời gian, như một chiếc xe cũ đã đến hồi mục nát,
thân tứ đại của Ngài mỗi ngày mỗi suy yếu. Biết được sự giới hạn của
tự thân, nhiều lần Ngài đã ngõ ý trao lại mọi trọng trách của Giáo
Hội lại cho Tăng-già để tập trung vào con đường giải thoát tâm linh.
Tuy nhiên, bao nhiêu lần xin từ chức, bấy nhiêu lần Giáo Hội địa
phương cũng như Trung Ương yêu cầu lưu nhiệm. Bởi vì, trong hoàn
cảnh lịch sử đặc thù của địa phương, Phật Giáo Lâm Ðồng không những
cần một bậc lãnh đạo sáng suốt, sắc bén, trầm tĩnh để giải quyết
những công tác Phật sự vô cùng nóng bỏng và tế nhị; Tăng Ni, tín đồ
Ðà Lạt không những cần một bức bình phong vững chắc, “Sơn Môn Bảo
Chướng”, để ngăn che chướng khí khi trời đất không giao hoà, mà nhân
tâm ở đây còn cần một tấm lòng bao dung, độ lượng, từ bi hỷ xả để
hoá giải những bất đồng nếu có, những xung đột nếu xảy ra, và những
ngộ nhận vốn hữu trong cuộc sống.
Quả thật, ở đâu mà
bước chân của Ngài đặt đến, ở đó, đất nở hoa hoan hỷ. Dù hoàn cảnh
ví như dầu sôi lửa bỏng, hình bóng Hoà Thượng xuất hiện như là đám
mây “Biến Phú Từ Vân” làm mát diệu nhân tâm cũng như môi trường ở đó.
Cũng vì lẽ ấy, dù đã ở tuổi 90, Ðại Hội Ðại Biểu Phật Giáo Tỉnh Lâm
Ðồng một lần nữa cầu thỉnh Ngài tiếp tục lưu nhiệm chức vụ Trưởng
Ban. Và lần này, Ngài cũng không thể chối từ dù chỉ giữ vai trò
chứng minh, cố vấn.
Nhưng sức người không thể cưỡng lại quy luật vô thường, thân ngũ uẩn
của Ngài đã đến lúc phải trả hoàn về cát bụi. Vào tháng 11-2007, Hoà
thượng lâm trọng bệnh. Môn đồ, Phật tử đã thỉnh Ngài vào Bịnh Viện
Lâm Ðồng và Bịnh Viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh để chữa trị. Mặc
dầu đã được các giáo sư, bác sĩ của các bịnh viện, đặc biệt là Ban
Giám Ðốc, các Bác Sĩ, Ðiều Dưỡng, Y Tá Bịnh Viện Tỉnh Lâm Ðồng không
kể ngày đêm, chẳng quản mưa nắng, dồn hết tâm sức, tận tình cứu chữa,
nhưng do tuổi già sức yếu, Hoà thượng an nhiên thị tịch vào lúc
01.15 phút sáng, ngày 30 tháng 11 năm 2007 (nhằm ngày 21 tháng 10
năm Ðinh Hợi); hưởng thọ 90 tuổi đời, 67 hạ lạp.
Lúc sinh thời Hoà Thượng luôn sách tấn hàng Phật tử tại gia hãy tinh
tấn hành trì lời Phật dạy để lợi mình lợi người. Riêng đối với hàng
Tăng Ni trẻ, Ngài thường dạy rằng “các con là những hoa sen mọc lên
từ chông gai sỏi đá. Các con cố gắng nỗ lực vươn lên khỏi chông gai
sỏi đá để trở thành đoá sen làm thơm đẹp cuộc đời ”. Hôm nay Hoà
Thượng đã xã báo an tường, đi vào cõi tịnh, nhưng hạnh nguyện độ
sinh, lòng từ vô lượng của Hoà thượng và những lời dạy của Ngài sẽ
mãi song hành với Tăng Ni, Phật tử Lâm Ðồng, thành phố Ðà Lạt.
NAM MÔ TỰ LÂM
TẾ CHÍNH TÔN, TỨ THẬP NHỊ THẾ LINH SƠN TỰ TRÚ TRÌ, LÂM ÐỒNG TRỊ SỰ
TRƯỞNG BAN, huý thượng TRỪNG hạ CHIẾU, tự GIÁC HẠNH, hiệu HƯNG PHƯỚC,
Ðạo hiệu TỪ MÃN HÒA THƯỢNG GIÁC LINH thuỳ từ chứng giám.
(đệ tử Tỳ Kheo Thích Viên Trí
phụng soạn)
Source :
http://quangduc.com
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/htTuManvientich.htm