- Tiểu sử ngài Liễu Quán
- TT. Thích Khế Chơn
(Do Thượng tọa Thích Khế Chơn đọc
nhân lễ đặt đá trùng tu Tổ đình Thiền Tôn ngày 19.1.2000)
Hôm nay dưới bóng mát thiền lâm
Thiên Thai pháp phái, trước giây phút thiêng liêng tỏa ngát hương đàm,
chúng con đang qui tụ về đây, nơi vùng đất Thánh, nơi đã ghi đậm nét
lịch sử một đời người xuất thị nhập sơn, tầm rong độ nhật, nơi
Ngài đã thể hiện công án thoại đàu, luôn luôn quấn quýt đeo đẳng tâm
tư với những tháng năm dài chẻ chia suy cứu- Thiền pháp trầm tịch nhưng
hưng suy, trừng thanh nhưng hoạt diễm ấy đến nay vẫn còn phong khí nức
hương.
Ôn lại lịch sử đời Ngài là ôn
lại bước chân truyền thống bên trong chiều sâu ’Hải để tẩu mã,
sơn thượng hành thuyền’ chiết trung là cả một dòng suy tưởng lớn
trong đại pháp bạt ngàn huyền nhiệm. Ngài sinh vào giờ Thìn, ngày 13
tháng 11 năm đinh Mùi (1667) tại làng Bạch Mã Sông Cầu, huyện đồng Xuân,
tỉnh Phú Yên bên cạnh dãy Trường Sơn hùng vĩ là xương sống của tổ
quốc Việt nam. Ngài sinh ra trong một gia đình bình dân, mồ côi mẹ từ
thuở lên sáu. Ngài hiện hữu như một sự thách thức với phong khí thiên
nhiên, sông thâm núi hiểm.
đã hơn một lần trắc nghiệm tâm
linh, ngày lại ngày qua hạt giống từ tịnh giác quang trứt mầm nở hạt
đó là lúc Ngài được thân phụ dẫn đến ngưỡng cửa Hội Tôn bái yết
Hòa thượng Tế Viên lúc 12 tuổi. Trong thời gian sáu bảy năm trời ở Thiền
viện Hội Tôn tuy bên ngoài thị hiện một chú tiểu đồng chất phác
ngây ngô, nhưng bên trong tàng ẩn hạnh nguyện vị tha tuyệt luân xuất
chúng. Ngài đã sống trọn vẹn với lý tưởng ‘Thật tế lý địa, bất
thọ nhất trần, Phật sự môn trung, bất xã nhất pháp’. Ngài có tiếng
hầu thầy tận trung, học bạn tận tín ; với phong thái đó Ngài chững chạc
bước vào rừng pháp luật nghi với đôi chân vững chắc, quả tim nhiệt
tình và khối óc tin yêu. Nhưng cũng trong thời gian đó Sư phụ viên quy Phật
cảnh, nên tâm thức Ngài thêm một lần chấn động hoang tiêu, Ngài cư
tang trong niềm mất mát quặn lòng.
Tuy xứ Phú Yên dừa xanh bát ngát,
thuyền khí ni thiên cũng không tài ngăn được bước chân Ngài khi chí nguyện
kiên trinh đã hướng thẳng về một trời Bắc phương đang đón chờ cơ
duyên xiển khai hưng phát. Ngài đã đạp nát ngai chông, băng đèo vượt
ải, hơn mấy trăm cây số ngàn Phú Yên-Thuận Hóa đã xích lại gần hơn
trong tâm khảm Ngài. Thế rồi một bóng đơn phương, cô thân chích ảnh,
dòng máu xuất trần đang thúc hối, giục ruổi đôi chân, với gói hành
trang đơn hàn bé bỏng. đôi guốc mộc của Ngài đã đạp bằng cát bụi
Trường Sơn để đặt chân lên xứ Huế. Năm Canh Ngọ (1690), Ngài hướng
đến Hàm Long Thiên Thọ - tức Tổ đình Báo Quốc ngày nay để bái yết
Giác Phong Lão Tổ. Cư trú ở đây gần được một năm, hay tin thân phụ
ngọa bệnh nan y, Ngài trở lại cố hương phụng dưỡng cha già. Hằng
ngày vào rừng đốn củi để đem về đổi gạo nuôi cha. Ròng rã bốn năm
trời, sau thân phụ vĩnh biệt ra đi, Ngài tận tụy lo tròn hiếu đạo.
Trong thời gian bảy năm trời, ngài đã hai lần chứng kiến cảnh tử biệt
sinh ly. Ngoại cảnh hơn một lần chấn động tâm linh, nhưng cũng chính âm
ba đó đã thôi thúc Ngài trực nhận phân minh bến bờ sinh tử. Cánh hải
âu đã lồng lộng lướt gió tung mây, những cụm tơ trời làm sao cột chặt
tâm hồn vốn sẵn tư phong tầm nghiên chân lý.
Năm Ất Hợi (1695), Ngài trở ra Thuận
hóa chọn vùng đất này thọ giáo cầu tu. Ngài đã thọ Sa-di với Ngài
Hòa thượng Thạch Liêm và hai năm sau - tức năm đinh sửu (1697)- Ngài đã
đăng đàn thọ Cụ túc giới.
đối với Ngài, bản hoài tự độ
độ tha không phải là cơm chén nước ly mà bước hoạn đồ phải lắm
gian truân thao thao khổ lụy. Cảnh thấy trước mắt, tiếng động bên tai,
lục căn đối trần vẫn là ba động trường canh thoạt sinh thoạt diệt.
Cho nên, niềm tâm tư khắc khoải vẫn nằm trong vức giới suy tưởng dâng
trào. Muốn đạt đến chân trời cứu cánh đó, không gì khác hơn cần nỗ
lực tấn tu, nghiên tầm pháp yếu... đến năm Kỷ mão (1699), Ngài bắt đàu
tham lễ khắp chốn Thiền lâm, hễ nghe đâu có danh tăng xuất hiện là ở
đó có bóng hình Ngài. Trên dặm đường tầm pháp ấy, Ngài đã dõng mãnh
vượt thoát bao nỗi gian truân. Với Ngài, trở lực chính là bước thăng
hoa, là mốc giới đánh dấu con đường hiển thánh. Nhưng cánh chim hồ hải
đâu có thể bay mãi đến vô cùng và chính phong khí Long sơn nơi Tổ Từ
Dung hoằng hóa, khai sơn Tổ đình Từ đàm, lưới pháp huyền linh đã cột
chặt chân Ngài trong yếu chỉ thoại đàu ‘Vạn pháp quy nhất, nhất
quy hà xứ’(Muôn pháp về một, một về chỗ nào). Với dòng tâm linh
trơn trợt thuận chiều, lối suy tư đó đã được gút lại trong vỏ cứng
tư duy, cần dũa mài đẽo gọt và đợi chờ chuỗi ý thức bùng vỡ.
Hoát nhiên bùng vỡ là hoát nhiên
đại ngộ. Những sự kiện ấy cần kinh qua thời gian chiêm nghiệm, quá độ
của chiêm nghiệm là thực tại bức thúc, chia chẻ, chiết ly. Chính điều
này đã đeo đẵng Ngài suốt bảy tám năm trời chết sống. Nội tại tâm
giới qua những lần sống chết triền miên - vạn pháp hiện hữu đơn vị.
Vạn pháp sẽ về một, về với cội nguồn chơn chất bản lai; nhưng một
sẽ về chỗ nào nếu không phải là đắng cay tủi nhục ôm lấy bó gai nhọn
khó khăn này. Ngài bắt đầu tìm về núi Thiên Thai kết bạn với hoa ngàn
cỏ nội, gần gủi với thú dữ ma thiêng... Ngài sống cảnh rong rêu độ
nhật, hoa quả đoạn ngày, một mình một bóng, tháng lại ngày qua, năm chầy
tiết mãn. Tất cả cho tâm giới suy tư, tất cả cho vết hằn xé óc, tim
buốt, gan nhừ. đi tìm nguyên ủy nhất như chính là đi tìm cái ta trong ta,
Pháp trong Pháp, Phật trong Phật. Rồi một buổi nọ, sau bảy tám năm trời
suy tầm chiêm nghiệm, Ngài đã gõ đúng ô cửa ‘truyền đăng’mà một
chỉ là ‘Chỉ vật truyền đăng, nhất bất hội xứ’. Bỗng nhiên
Ngài được bừng sáng.
Mùa xuân năm Mậu tý (1708), trên
con đường trở lại Kinh đô, cỏ dại rêu phong sau 2920 ngày đã lấp đầy
lối cũ. Ngài tìm đến Long sơn cầu Hòa thượng Tử Dung ấn chứng. Ngài
đem chỗ công phu của mình tuần tự bộc bạch rõ ràng. Hòa thượng Tử
Dung đã cho Ngài nếm thêm một lần pháp dược:
- ‘Ra nơi hố thẳm buông tay,
- Lao mình nhảy xuống hiểm nguy cam đành.
- Chết đi sống lại chính mình,
- Không còn ai kẻ dối khinh được nào!’
Như khế hợp với niềm mong ước
từ lâu, Ngài vỗ tay reo cười với nỗi mừng vui cháy sáng. Như con chim đã
chui qua mạng lưới, Hòa thượng Tử Dung đã xé toạc những mắc võng cuối
cùng bằng lối phủ nhận có dấu than. Tổ dạy: ‘Chẳng nhằm, chẳng nhằm!’.
Có nghĩa là không nhằm nhưng không nhằm mới đích thị là nhằm. đây là
triển khai lý sắc không Bát-nhã. Chính vì điểm khế hội ấy nên Ngài nhậm
lẹ đối ngôn:
- ‘Xưa nay sự thật rõ ràng,
- Quả cân này vốn làm bằng sắt kia’.
Lại hai chữ ‘không nhằm’toát
ra từ kim khẩu của Tử Dung Lão Tổ. đây chính là lưỡi dao sắc, cắt nốt
mắt lưới cuối cùng để cho cánh hồng điểu tung trời lướt gió.
- ‘Nếu như sớm biết đèn là lửa,
- Nếu chắc chắn rằng cơm chín đã lâu’.
Bấy giờ hoàng điểu đã cao bay,
càng lúc càng cao, cao tận chóp đỉnh trời xanh lồng lộng. Tổ Tử Dung thỏa
dạ thúc đẩy cho chim thoát gió băng ngàn bằng pháp yếu :
- ‘Xưa nay Phật, Tổ truyền nhau,
- Chẳng hay Phật, Tổ truyền trao vật gì ?’
Có sẵn vốn am tường nhất chơn
pháp giới đã được ngộ hoạch, Ngài thưa đáp lại lời Tổ Tử Dung nhưng
cũng chính là trả lời cho mình:
- ‘Tảng đá mọc măng cao một trượng,
- Lông rùa làm chổi nặng ba cân’.
Tổ Tử Dung tiếp:
- ‘Lung linh nước chảy qua đèo,
- Ngựa đua dưới nước, thuyền chèo trên non’.
Ngài ứng khẩu:
- ‘Trâu đất gãy sừng thâu đêm rống,
- đàn cầm dây đứt suốt ngày rung’.
Sau khi đã mở được những chuỗi
khóa siêu tuyệt, bằng lối phép ngôn thấn đối đó, Tử Dung Lão Tổ đã
ấn chứng, Ngài lại trở bước lên đường hoằng du độ thế. Với khối
óc, con tim và đôi chân không biết mỏi mệt, Ngài đã vân du hóa độ đó
đây. Hết Huế đến Phú Yên, xong Phú Yên trở lại Huế, từ vua quan tể
tướng cho đến sĩ thứ nhân dân, xã hội có bao nhiêu giai tầng là có bấy
nhiêu ứng thân hóa hiện.
Suốt dọc chặng đường miền
Trung không đâu là không có bước chân Ngài và lắm lúc Ngài đã sử dụng
thần thông để thâu ngắn những quãng đường hóa đạo. Suốt cuộc đời
Ngài là một chuỗi ngày dài thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.
Mùa xuân năm Nhâm dần (1722), Ngài
về Huế ở thảo am Thiên Thai, tức Tổ đình Thiền Tôn bây giờ. Trong những
năm Quý sửu (1733), Giáp dần (1734), Ât hợi (1735), Ngài khai liên tiếp bốn
đại giới đàn theo lời thỉnh cầu của hàng xuất gia, của các quan viên
hộ pháp cũng như thiện tín Phật tử gần xa. Năm Canh Thân (1740), sau khi
truyền giới tại Giới đàn Long Hoa, Ngài đã trở về thảo am.
đương thời Hiếu Minh vương Nguyễn
Phúc Chu cảm phục đạo đức và danh tiếng của Ngài, muốn thỉnh Ngài
vào cung, nhưng Ngài chỉ thích thanh tịnh, tự tại ở chốn Thiền lâm nên
đã từ tạ lời thỉnh cầu mà không đến.
Ngoài thời gian tu luyện ở thảo
am dưới chân núi Thiên Thai, Ngài còn khai sơn chùa Viên Thông, nơi đây vua
quan và Phật tử thường tới lui học đạo. Mùa xuân năm Nhâm tuất
(1742), Ngài chứng minh đại giới đàn tại chùa Viên Thông. đây là Phật
sự tối hậu của cuộc đời Ngài.
Suốt hơn bảy mươi năm trong thế
giới này, hơn bảy mươi mùa lá đổ mưa sa, nhưng nước đổ về nguồn,
lá rơi về cội, đó là định kiến pháp nhĩ hiển nhiên. Cũng thế, tấm
thân tứ đại của Ngài đã phân hóa hao mòn theo lớp bụi thời gian chồng
chất. Mảnh cà sa phấn tảo năm nào bây giờ đã nhuộm đày phong sương
trong suốt những tháng năm dài hoằng hóa và đã chọn vùng đất này làm
chỗ sở quy thị hiện Niết bàn vào trưa 22 tháng 11 năm Nhâm tuất (1742)
sau khi hội họp môn đồ lại để dạy bảo lần cuối cùng và phú kệ
cho đồ chúng:
- ‘Thất thập dư niên thế giới trung,
- Không không sắc sắc diệc dung thông,
- Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý,
- Hà tất bôn man vấn Tổ tông’.
- (Ngoài bảy mươi năm trong thế giới,
- Không không sắc sắc thảy dung thông,
- Ngày nay nguyện mãn về quê cũ,
- Nào phải ân cần hỏi Tổ tông?)
Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 3, chúa
Nguyễn bấy giờ ban thụy hiệu là ‘Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng’.
Ngài thọ 76 tuổi đời và 45 tuổi hạ. đệ tử xuất gia danh tiếng có 49
vị và rất đông đệ tử tại gia. Tang lễ của Ngài được tổ chức suốt
gần 3 tháng, đến ngày 19 tháng 2 năm Quý hợi mới cung nghinh kim quan của
Ngài an táng và được triều thần tôn tạo ngôi bảo tháp hùng vĩ đến
ngày nay.
Sự thoát hóa quy Tây của Ngài đã
để lại biết bao thương cảm. Dòng Hương giang soi bóng năm xưa bây giờ
đã mất đi hình ảnh cố nhân và mây đỉnh Ngự bình như sững sờ không
chịu cuốn theo chiều gió:
- ‘Núi Ngự tuần đầy mây chẳng rã,
- Sông Hương ngày trọn nước không trôi’.
Bấy giờ chúng hậu còn ngậm ngùi
nước mắt trông theo, và trên đỉnh cao thâm thiên giới một vì sao chợt
biến giữa hoàn vũ bình nhiên đang đợi đón đưa Ngài vào cảnh giới bất
diệt bất sinh.
Ngưỡng bạch Giác linh đại Lão Tổ
sư,
Giờ đây, trước đỉnh trầm tỏa
ngát hương từ, đàn hậu bối chúng con hiệp tụ về đây, ôn lại đời
Ngài để học đòi đạo hạnh cao khiết, đức nhẫn nan suy, hiếu đạo trọn
đường, pháp lưu sơn thủy.
Hồi tưởng lại ba trăm năm trước,
đây là vùng rừng sâu núi thẳm, chân người tuyệt dấu,sơn lam chướng
khí, thú dữ vây quanh, bao mối hiểm nguy thường xuyên đe dọa. Chúng con
liên tưởng về những đêm đông giá rét mà Ngài trải qua ròng rã bảy năm
dài, những đói lạnh làm sao tránh khỏi khi thiền sàng chỉ là bông cây
thảm cỏ, rong xanh đáy hồ đã góp phần duy trì mạng mạch sắc thân. độc
cư ở chốn u tịch hoang vu, một tiếng xào xạc cũng làm lạnh người rợn
gáy... Thế nhưng tất cả đói lạnh hiểm nguy, sợ sệt đã lùi bước
trước chí nguyện siêu phàm của Ngài.
Hơn hai thế kỷ rưỡi trôi qua, sau
khi Ngài nhập diệt nhưng chúng sinh vẫn còn đó với nghiệp chướng sâu
dày, giáo pháp nhiệm màu vô thượng vẫn còn đây. đệ tử chúng con nguyện
bước theo gót chân Ngài với tất cả tấm lòng hưng đạo độ mê.
Bóng hình Ngài tuy không còn nữa nhưng
đạo phong trác tuyệt xuất thế của Ngài đã nhuận đượm khắp cả khoảng
thời gian vô cùng và không gian vô tận. Ân triêm ấy Ngài đã ban cho chúng
con là cả một gia tài quý báu, chúng con nguyện khắc cốt ghi tâm và mãi
mãi xứng danh là cháu con của một vị đắc truyền Tổ đạo Việt Nam.
Trong giờ phút linh thiêng và thanh tịnh
này, nhạc thông gió ngàn tấu khúc hòa cùng thành tâm cung kính của đệ tử
chúng con. Ngưỡng kính Giác linh Ngài phò trì gia bị cho chúng con đi trọn
quãng đường còn lại trong sự nghiệp hoằng pháp độ sinh và tiến hành
Phật sự đại trùng tu Tổ đình Thiền Tôn sớm được thành tựu viên
mãn.
Chúng con thành kính đảnh lễ Giác
linh Ngài.
Nam mô Lâm Tế Chánh tông tam thập
ngũ thế khai sơn Thiên Thai Thiền Tôn tự, húy thượng Thật hạ Diệu hiệu
Liễu Quán đại lão Tổ sư.
Các bài tham khảo
thêm
- Chân thành cảm ơn cư sĩ Trần Tiên
Tiến đã tặng bản điện tử. ĐPNN, 1-3-2001