Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
TIỂU SỬ
HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC NHIÊN
TĂNG THỐNG GHPGVNTN 
Văn phòng Viện Tăng thống Phụng soạn  



DANH HIỆU

Trên phương tiện tôn vinh và nhiệm mệnh thực tế, chức vụ Tăng thống có từ đời vua Đinh Tiên Hoàng (theo tài liệu; Con người Bồ-tát, Tạp chí Hải Triều Âm, số 4-5 của Thạch Trung Giả). Sau khi khai đạo cho vua, Khuông Việt Thái sư đã nghiễm nhiên trở thành vị Tăng thống đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, do vua Đinh Tiên Hoàng sắc phong. Năm tháng trải dài trên 10 thế kỷ, chức vụ đó, có khi được hoán vị thành hình, sự suy tôn Tăng thống được bắt đầu phục hồi. Đặc biệt trong lúc này, việc tấn phong không do triều đình hay chính quyền mà do đại diện của toàn thể tín đồ Tăng Ni Phật giáo suy tôn.

Lúc này, vị Đệ nhất Tăng thống của Giáo hội là đức Cố Hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Kế đến là đức Đệ nhị Tăng thống Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên, mà hom nay, chúng ta đang ôn lại quãng đời của Ngài. Ngôi vị đó, kết tinh công hạnh phụng đạo cứu đời trong dòng truyền thừa Chánh pháp.

 

THÂN THẾ

Ngài tên thật là Võ Chí Thâm, sinh ngày 07 tháng 01 năm 1878, tại làng ATử, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; con của cụ Võ Văn Xưng và bà Trần Thị Diều.

 

THỜI ẤU THƠ

Năm lên bảy, Ngài bắt đầu theo học chữ Nho. Với tư chất thông minh, không bao lâu, Ngài đã tinh thông Nho học. Nhờ túc duyên của nhiều đời, chí xuất trần sẵn cưu mang trong chủng tử, Ngài đã phát tâm xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Tâm Tịnh (Trú trì chùa Tây Thiên - Huế, lúc bấy giờ) và được ban pháp danh là (thượng) TRỪNG (hạ) Thủy), pháp tự là Chí Thâm, pháp hiệu là Giác Nhiên.

 

THỜI GIAN TU HỌC:

Sau 23 năm tu học, Ngài chuyên tâm nghiên cứu tinh yếu của Kinh luật Đại thừa; đặc biệt, Ngài đã sử dụng phần lớn thời gian trong việc thiền định. Vì thế, đạo phong của Ngài ngày càng đượm nét Thiền sư.

Đến năm Canh Tuất (1895), triều Duy Tân, Ngài cùng với Hòa thượng Tịnh Khiết (Cố Đệ nhất Tăng thống GHPGVNTN) thọ tam đàn Cụ túc tại Giới đàn chùa Phước Lâm (Hội An). Đại giới đàn này do Ngài Vĩnh Gia làm đàn đầu, Ngài Tâm Truyền làm Yết-ma và Ngài Hoàng Phú làm Giáo thọ. Từ đó, giới đức tinh nghiêm, pháp thân thanh tịnh là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời hành hóa của Ngài sau này.

 

CÔNG NGHIỆP HOẰNG PHÁP

Mãi đến năm 1932, cùng các Hòa thượng Phước Huệ (chùa Thập Tháp - Bình Định), Giác Tiên, Hòa thượng Tịnh Hạnh, Cư sĩ Tâm Minh, Trương Xướng... sáng lập Hội An nam Phật học. Hội đã cung thỉnh Ngài đảm nhiệm chức vụ Chứng minh Đại đạo sư và kiêm nhiệm Giám đốc Phật học đường Tây Thiên - Huế.

Năm 1934, Ngài làm Trú trì Quốc tự Thánh Duyên (Túy Vân - Huế), một trong ba quốc tự lớn tại Thừa Thiên (Linh Mụ, Thánh Duyên, Diệu Đế).

Năm 1936, trều đình phong chức Ngài làm Tăng cang. Cùng năm đó, Tạp chí Viên Âm, phương tiện hoằng pháp của Phật giáo, do Ngài và Hòa thượng Giác Tiên chứng minh.

Năm 1938, do ủy nhiệm của các vị Tôn đức thiền gia, Ngài nhận chức Trú trì Tổ đình Thuyền Tôn (Thừa Thiên). Tổ đình này thuộc phái Lâm Tế, do Tổ Liễu Quán khai sơn. Ngài là đời thứ VIII, dòng Thiền Liễu Quán.

Năm 1956, Ngài được Giáo hội Phật giáo Trung phần cung thỉnh vào chức vụ Viện trưởng Phật học viện Hải Đức - Nha Trang (cơ quan đào tạo Tăng tài của Phật giáo Trung phần).

Năm 1958-1926, Ngài đảm nhiệm chức Chánh hội trưởng Tổng trị sự Hội Phật giáo Trung phần trong suốt bốn niên khóa. Trong thời gian này, với tuổi trên tám mươi vẻ đẹp tùy hình, Ngài vẫn chu toàn nhiệm vụ, kinh lý, nhiều lần đến các Hội Phật giáo khắp nơi ở Cao nguyên và Trung nguyên.

Xúc động hơn nữa, cũng chính Ngài, năm 88 tuổi, sức yếu thân gầy, trong tay chiếc gậy trúc Ngài không từ nan, quyết một lòng hy sinh vì đạo, đích thân dẫn đầu cuộc biểu tình của Tăng tín đồ Phật giáo Thừa Thiên - Huế mở đầu phong trào vận động đòi hỏi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo vào chiều 14 tháng 4 năm 1963 (Quý Mão). Trong cuộc vận động và đấu tranh, Ngài đã không ngừng chung lưng đấu cực, xẻ đắng chia cay cùng với phong trào cho đến ngày thành tựu mỹ mãn.

Một công việc hoằng pháp trọng yếu hơn nữa, Ngài đã nhiều lần làm Đàn đầu Hòa thượng truyền giới cho đồ chúng xuất gia, tại gia qua các đại giới đàn: Giới đàn Hộ Quốc tại Phật học viện Trung phần, chùa Hải Đức - Nha Trang (1956), giới đàn Vạn Hạnh tại chùa Từ Hiếu - Huế (1965), Giới đàn Vĩnh Gia tại Phật học viện Phổ Đà - Đà Nẵng (1970).

Môn đồ của Ngài không nhiều, người còn kẻ mất, đều đã góp công làm nên lịch sử Phật giáo hiện đại, và hầu hết, là những cấp lãnh đạo của Giáo hội từ trung ương đến các miền, tỉnh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, như Thượng tọa Thiện Siêu, Thượng tọa Thiện Minh, Thượng tọa Thiện Bình...

Trang trải đã quá nửa đời người, nghịch cảnh, chướng ngại vẫn còn bủa vây Giáo hội cùng dân tộc. Tuy nhiên, nhất thâm nhật hậu, với bản chất cố hữu "vô ngôn bất động" của Ngài qua giới, định, tuệ đã tạo nên một sức mạnh nội tại phi thường như thế tiếp sức cho những đứa con tinh thần, đang trên đường làm sứ mệnh Phật giáo Việt Nam.

Rồi tin ngưng bắn được loan đi vào ngày 28-01-1973, đất nước sẽ sang một giai đoạn mới, từ đó, Giáo hội cũng bắt đầu đối mặt với một hoàn cảnh khá phức tạp... Không bao lâu, sau đức Tăng thống của Giáo hội thị tịch (1973) - sinh hoạt của Giáo hội trở nên chông chênh không người lèo lái. Trước hoàn cảnh đó, Ngài đã nhận chức vụ Đệ nhị Tăng thống do Đại hội Phật giáo kỳ V suy tôn vào ngày 10 tháng mười hai nhập năm 1973, trong chí nguyện "thiệu long Tam bảo" để kế tục lãnh đạo Giáo hội. Đây là chức vụ vừa tối cao và cũng là cuối cùng của đời Ngài.

 

VẬN ĐỘNG HÒA BÌNH, CHẤM DỨT CHIẾN TRANH

Sau ngày tân nhiệm, chiến tranh vẫn tiếp diễn khốc liệt, gieo rắc chết chóc tang thương trên khắp đất nước, nền hòa bình dân tộc đang là bóng dang mù khơi. Ngài đã và đang chứng kiến những chứng tích được dệt bằng máu và nước mắt của không ai khác hơn là dân tộc Việt Nam nói chung và quần chúng Phật tử nói riêng. Ngài đã đau khổ nỗi khổ đau của chúng sinh; cho nên, ngoài sứ mệnh lãnh đạo Giáo hội đúng con đường Chánh pháp, Ngài vẫn hằng quan tâm đến vấn đề hòa bình đất nước và sự an lạc của toàn dân. Niềm suy tư và ước vọng này của Ngài đã được thể hiện qua các "Thông Điệp" kêu gọi ý thức trách nhiệm của mỗi người để dập tắt chiến tranh, đem lại an lạc hòa bình cho đất nước và sự an cư lạc nghiệp cho toàn dân.

Sau ngày nước nhà được hòa bình thống nhất, sự lãnh đạo Giáo hội và và nhiếp hóa chúng sinh của Ngài lúc này là huấn dụ Tăng Ni nghiêm trì giới luật, Ngài dạy: "Tỳ-ni tạng trụ, Phật pháp diệc trụ". Ngài cũng khuyên Tăng Ni hãy sống nếp sống phạm hạnh, theo tinh thần "Bách Trượng thanh quy". Ngài dạy: "Tôi nay đã già rồi, hơn trăm năm qua, tôi đã sống và đã chứng kiến bao đổi thay của đất nước thân yêu. Tôi thấy không có gì hơn là sống nếp sống phạm hạnh. Cho nên, tôi chỉ mong hàng Phật tử xuất gia hãy sống hoan hỷ trong nếp sống phạm hạnh; giữ gìn Giới - Định - Tuệ để hành đạo, giúp đời... Với Phật tử tại gia, hãy tu tâm dưỡng đức, biết thương yêu mọi người, làm tròn trách nhiệm của mình đối với đạo, đối với đời để cùng nhau phát huy tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật và xây dựng một nước Việt Nam vinh quang giàu mạnh". (Thông điệp Phật đản 2522 - 1978)

 

NHIẾP HÓA ĐỒ CHÚNG

Mặc dầu công việc đối ngoại của Giáo hội đa đoan và phức tạp, Ngài vẫn không xao lãng việc nhiếp hóa đồ chúng. Ngài từng huấn dụ Tăng Ni: "Đạo Phật tồn tại, không chỉ ở những hình thức chùa tháp, lễ nghi, kinh điển. Mặc dù kinh điển là chỉ nam, hướng dẫn ta đến đạo quả Vô thượng Bồ-đề, nhưng sự tồn tại đích thực chính là ở sự thể hiện đạo phong. Những nếp sống gương mẫu của các bậc Tăng-già nghiêm trì giới luật và biết tận lực phục vụ chánh pháp, để chánh pháp tồn tại mãi mãi với thế gian và làm lợi ích chúng sinh..." (Thư gửi Tăng Ni nhân mùa An cư 1976).

Thật vậy, mặc dầu đã 102 tuổi, nhưng nơi Ngài không hề thấy có triệu chứng thông thuờng của những bậc luống tuổi. Pháp thể tuy có gầy ốm, nhưng Ngài vẫn đi đứng bình thường. Dáng đi mạnh mẽ khoan thai, oai nghiêm đĩnh đạc, không phiền người dìu dắt, không hề nắm gậy, ngồi hàng giờ lưng không biết đau, gối không biết mỏi, mắt không mờ, tai không lãng, nói năng rõ ràng không hề lẫn lộn và trí tuệ minh mẫn một cách lạ thường.

Mắt mờ, tai lãng, gối mỏi, lưng đau, nói năng lẫn lộn, trí nhớ mất đi và đi đâu phải chống gậy, đó là những triệu chứng thường tình, có ở nơi các bậc luống tuổi. Nhưng ở Ngài thì không. Phải chăng nhờ công hạnh tu trì của Ngài đã làm thay đổi những triệu chứng thường tình của thế nhân. Ngừng ấy đức tính đặc hữu nơi Ngài, đủ làm chúng ta kính phục và tăng trưởng đạo tâm.

 

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG:

Trong dịp đầu xuân Kỷ Mùi, khi Hòa thượng Đôn Hậu, Chánh thư ký Viện Tăng thống và quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức trong Giáo hội Thừa Thiên đến Tổ đình Thuyền Tôn để đảnh lễ và chúc thọ đầu năm (04-01-Kỷ Mùi). Hôm đó, trời trở lạnh, Ngài đang nghỉ, Hòa thượng Đôn Hậu và Ban Đại diện Phật giáo vào tận chỗ nghỉ, Ngài hỏi bằng một giọng nhẹ nhàng và vô cùng cảm mến: "Ai đó?". Sau khi được trình lại, Ngài sửa soạn định ngồi dậy, Hòa thượng Đôn Hậu: "Xin thỉnh Ôn cứ nằm, cho phép chúng con được đảnh lễ, chúc thọ đầu năm". Ngài dạy: "Để tôi ngồi dạy một tí với các Thầy, nằm ri e không phải lễ với các Thầy chừ". Đoạn Ngài ngồi dạy, nhìn quanh rồi hỏi: "Thầy Đức Tâm mô? Răng không vào cho tôi thăm với?". (Hôm đó Thầy Đức Tâm, Phó Đại diện Giáo hội tỉnh Thừa Thiên Huế bị bệnh, không đi được). Ngừng ấy lời lẽ, đầy đủ Ngài sáng suốt đến chừng nào.

Sau lễ Chúc thọ, như một vị Bồ-tát "dự tri thời chí", linh cảm trước được sự ra về vĩnh viễn của mình, Ngài ân cần dạy bảo những lời đầu năm vô cùng xúc động: "Tôi nay tuổi đã già rồi, tôi thấy sức khỏe tôi kém nhiều. Chưa biết chừng sự chết sẽ đến nay mai. Nay, nhân dịp đầu năm, Hòa thượng và các Thầy đến thăm tôi, tôi xin cám ơn và xin cầu Phật gia hộ Hòa thượng và các thầy nhiều sức khỏe, cố gắng kiên nhẫn trước mọi nghịch cảnh để phục vụ Giáo hội, dìu dắt Tăng Ni tín đồ tu niệm. Tôi thật không có gì vui mừng hơn".

Ngờ đâu, lời huấn thị đầu xuân và cũng là lời di giáo tối hậu của đức TĂNG THỐNG. Chỉ vỏn vẹn một ngày sau, và cũng chỉ sau vài giờ pháp thể khiếm an, Ngài dạy: "Vô thường thị thường", rồi an nhiên xả báo thân vào hồi 06giờ 30 ngày mồng 6 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, 01-02-1979. Ngài hưởng thọ 102 tuổi đời, 84 hạ lạp. Bảo tháp của Ngài hiện tôn trí tại khuôn viên Tổ đình Thuyền Tôn - Huế.

Ngài ra đi, để lại mối cảm hoài vô hạn trong lòng mọi người con Phật...


BI CHÍ

Chơn Như vẵng lặng, vốn không đến cũng không đi,
Huyễn tướng duyên sanh, đã có sanh tức có diệt.
Mê chơn như chấp huyễn tướng là chúng sanh,
Ngộ huyễn tướng tức chơn như là Bồ-tát.

Đức Đại lão Hòa thượng húy Trừng Thủy, hiệu Giác Nhiên kế thừa đời thứ 42 dòng Thiền Lâm Tế, đời thứ 8 Pháp phái Liễu Quán, tên thật là Võ Chí Thâm sinh năm Mậu Dần 1878 tại làng Ái Tử phủ Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Năm 18 tuổi xuất gia đến cầu pháp với Hòa thượng Tâm Tịnh chùa Từ Hiếu, hai năm sau thọ giới Sa-di. Năm 28 tuổi thọ giới cụ túc với Hòa thượng Vĩnh Gia chùa Phước Lâm Quảng Nam, tham học với Hòa thượng Tuệ Pháp chùa Thiên Hưng và Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp Bình Định. Với chí nguyện truyền trì chánh pháp, hành đạo độ sanh, Ngài đã lần lượt giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong Giáo hội. Năm 1936 Tăng cang Quốc tự Thánh Duyên. Năm 1938 trú trì và sùng hưng chùa Thiền Tôn ... năm 1973 đức Tăng Thống Tịnh Khiết viên tịch, Giáo hội suy tôn Ngài kế vị Tăng Thống cho đến ngày viên tịch lúc 6 giờ 30 sáng mồng 6 tháng giêng năm Kỷ Mùi 1979 tại Tổ đình Thiền Tôn thọ 102 tuổi đời và 74 tuổi hạ.

Đời Ngài dài hơn thế kỷ, rạng ngời giới đức tinh nghiêm, đạo hạnh cao khiết, khoan từ giản dị, thiền phong trác việt, chí nguyện kiên trinh, tuệ tâm siêu thoát. Dẫu tuổi đã rất cao mà thân tâm vẫn khinh an sáng suốt lạ thường. Ngài đã viên tịch giữa muôn vạn tấm lòng ngưỡng mộ tôn sùng như một vị Bồ-tát hóa thân.

PHẬT LỊCH 2522 CUỐI THÁNG 2 KỶ MÙI 1979
GIÁO HỘI VÀ MÔN ĐỒ ĐỆ TỬ ĐỒNG PHỤNG LẬP

Các bài tham khảo thêm

Tổ Đình Thiền Tôn.   HT. Thích Thiện Siêu
Tổ đình Thiền Tôn: Các thế hệ truyền thừa. (WORD, VNToronto) TT. Thích Hải Ấn
"Tiểu Sử Ngài Liễu Quán"   TT. Thích Khế Chơn

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/011-tangthongGiacNhien.htm

 


Cập nhật: 14-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang