LTS:
Đại lão Hòa thượng thượng Trí hạ Tịnh - Đệ nhất Phó Pháp chủ, Chủ tịch
HĐTS GHPGVN - là bậc Tòng lâm thạch trụ và là một trong những đại dịch
giả của Phật giáo Việt Nam. Mặc dù tinh thông cả Thiền lẫn Giáo, song
Hòa thượng một đời chuyên tâm hành trì pháp môn Tịnh độ và luôn luôn
khuyến tấn Tăng Ni, Phật tử ăn chay, giữ giới, niệm Phật...
Nhân dịp thực hiện
chuyên đề về pháp tu Tịnh độ tại Việt Nam, đại diện Ban Biên tập và bộ
phận biên tập Nguyệt san Giác Ngộ đã có cuộc thỉnh vấn, đảnh lễ Hòa
thượng. Bài viết sau đây là lời kể về cuộc đời tu và lời dạy của Ngài về
pháp môn Tịnh độ. Xin hân hạnh giới thiệu cùng quý độc giả.
NSGN
Niệm Phật từ thuở thiếu thời
“Thuở nhỏ ở nhà, lúc đó khoảng 12-13 tuổi,
tôi đã tự mình niệm Phật”, Hòa thượng kể. “Tôi đọc trong Tây phương trực
chỉ, thấy có nói hễ niệm được 300 ngàn câu Phật thì được vãng sanh Cực
Lạc. Tôi tin mà làm. Nhưng vì sao tin thì tôi không biết!”
“Tôi lấy quyển sách quảng cáo thuốc của ông
anh (anh tôi làm chủ tiệm thuốc Bắc) đem về đặt trên gối ở đầu giường,
cứ mở sách ra rồi... niệm Phật! Cứ tính niệm được 100 câu Phật thì lật
một tờ. Mọi người tưởng tôi đọc truyện, bởi người ta có in kèm truyện
trong sách. Tôi ở nhà mà niệm Phật lén vậy, không ai hay biết”.
Sinh năm 1917 trong một gia đình nhà nông
chân chất tại Sa Đéc (Đồng Tháp), thân phụ của Hòa thượng qua đời từ lúc
ngài lên ba, đến năm lên bảy thì thân mẫu cũng tạ thế, Hòa thượng sống
với người anh thứ ba.
“Lúc tôi biết mến đạo là vào khoảng năm 1928,
thời điểm người ta bắt đầu xây dựng Thánh thất Cao Đài ở Tây Ninh. Một
số người bà con của tôi cũng ở gần đó, theo Cao Đài, để tóc bới và ăn
chay trường. Tôi cũng ăn chay trường một mình ở nhà, thường ăn với nước
cơm, nước muối. Bởi hễ thấy thịt cá là tôi nhớ ngay đến cảnh người ta
đánh vảy, cắt cổ, làm thịt nên không ăn được”.
Hòa thượng không theo Cao Đài vì cảm thấy
“không hạp”, dù ngài vẫn thường mượn các sách Thông thiên học của mấy
thầy cô giáo để đọc.
“Tôi tin pháp môn niệm Phật, không lúc nào
quên đạo Phật, nhưng lại vô chùa không được, vì chùa lúc nào cũng tối om
om, tượng thì ông nào cũng đội khăn đỏ trên đầu, chỉ có một đốm sáng nơi
lỗ mũi, về nhà thấy muốn nóng lạnh. Ngoài đường thì có một ông thầy đi
trước, thằng nhỏ theo sau, đầu đội cái thúng, trong để chuông mõ, tượng
Phật và đồ minh khí để đốt. Tôi nghĩ tu hành gì kỳ vậy nên không mến
được!”
Đại diện Ban biên tập và bộ phận Biên tập NSGN đảnh lễ và thỉnh vấn
Hòa thượng
Năm 15, 16 tuổi, Hòa thượng hết tuổi học
trường Pháp Việt, qua cấp khác thì không đủ điều kiện, nên quyết định
học nghề - từ học sửa xe đạp đến học sửa đồng hồ rồi theo người anh làm
không công để học thuốc. Nhờ đọc sách thuốc mà Hòa thượng dần dần thông
chữ Hán. Trong khi đó, gia đình người anh thường xảy ra cảnh lục đục nên
Hòa thượng có ý xuất trần.
“Tôi muốn đi lắm, nhưng cha mẹ không có, tôi đang ở với anh chị nên cũng
khó. Tôi lại còn người chị thứ sáu - bây giờ chị vẫn còn sống - hai chị
em hủ hỉ có nhau, vui buồn chia sớt, nếu đi thì bỏ chị lại. Tôi học nghề,
nghĩ rằng nếu chị ở vậy thì hai chị em có thể nuôi nhau”.
“Đến năm tôi 20 tuổi, chị lập gia đình. Tôi
bắt đầu tính chuyện giải thoát thế gian. Nghe người ta nói ở Thất Sơn -
Tà Lơn có nhiều người tu theo đạo Phật, có chùa, am, cốc, nên tôi bèn dò
la, biết được chùa am chủ yếu tập trung ở Núi Cấm. Đầu năm 21 tuổi, tôi
bỏ nhà lên núi, để lại lá thơ chớ không cho ai biết. Lúc đó nhằm ngày
14-2-Đinh Sửu. Khoảng hơn 2 giờ chiều thì tới chân núi, tôi quăng guốc
chạy chân không, cảm thấy lòng nhẹ nhõm như không còn gì dính líu. Chạy
rát chân thì đứng lại, leo lên gộp đá bên đường ngó bốn phía, tôi khấn
vái rằng mình là người phàm mắt thịt, không biết đâu thánh phàm, nguyện
ơn trên chỉ dẫn, cứ một mặt phía truớc mà bước đi, gặp chỗ nào thì ở đó
chớ không chọn lựa”.
Khóa tu Phật thất năm 2007 tại chùa Vạn Linh - Núi Cấm, An Giang
“Khoảng hơn 5 giờ thì tôi tới Vạn Linh, nghe
nói thầy đang ở ngoài cốc, đến tối mới gặp được. Sau thời Tịnh độ, thầy
vào ngồi bên bàn, bóng đèn leo lét. Tôi đứng một bên; năm, bảy huynh đệ
đứng bên kia thưa chuyện. Thầy chỉ tôi mà mắt nhìn mấy huynh đệ, nói: "Mấy
đứa bây đừng coi thường cái thằng nay nghe. Đời trước nó là Hòa thượng,
bây giờ nó cũng sẽ là Hòa thượng đó!". Thầy nói thêm một mình: "Làm Hòa
thượng nhưng nó cũng thích nhìn con gái lắm, nên sẽ bị tật con mắt suốt
đời không hết". Mấy tiếng này thầy nói chậm lắm. "Này, coi sửa soạn mai
rằm cho nó tu!". Tôi nghe vậy thì mừng lắm, không nghĩ đến việc bịnh tật
hay Hòa thượng gì cả, mà cũng không biết Hòa thượng là gì, được chấp
nhận cho ở chùa tu là mừng lắm rồi!”.
“Chỉ trong vòng 2 tháng, mấy thời công phu
trong chùa tôi thuộc không thua ai khác, trong đó phẩm Phổ Môn tôi thuộc
đầu tiên. Nguyên do là tôi không có áo dài mặc lễ Phật. Chùa có mấy cái
dành cho Phật tử, tôi mượn để tụng kinh. Sau có một Phật tử phát tâm
cúng bốn thước vải đà, yêu cầu tụng 60 biến Phổ Môn. Mấy huynh đệ thấy
tôi không có áo dài mặc nên bảo tôi tụng. Do đó mà tôi thuộc lòng phẩm
Phổ Môn, rồi mến luôn kinh Pháp Hoa”.
Hòa thượng được phân công viết sớ, được cho ở
trong một cái cốc nhỏ nơi vườn chùa. Nhờ vậy mà ngoài việc tụng kinh,
Hòa thượng còn tranh thủ tụng thêm bốn thời nữa, rất tinh cần. Nghe mấy
huynh đệ nói đến việc tu khổ hạnh, Hòa thượng cũng quyết thực hiện.
“Tôi bỏ ngủ, không nằm nữa, đến độ lên quả
đường cầm chén cơm ngồi sững mà ngủ, rớt hồi nào cũng không hay, vậy mà
cũng không thành gì, nên thôi. Rồi tôi lại tuyệt cốc, chỉ ăn rau, ăn
riết rồi đi lên dốc cũng không nổi, yếu quá mà cũng không thành ông gì,
lại bỏ!”.
Do được đọc tạp chí Từ Bi Âm mà Hòa thượng
phát khởi ý nguyện cầu học Phật pháp, vì ngoài các thời trống phách kinh
kệ, ngài không được học gì thêm. Cuối năm 1939, Hòa thượng xin phép Bổn
sư xuống núi về Sài Gòn rồi ra Trung cầu học. Đoạn đường hết sức gian
nan, không ai giúp đỡ, không có phương tiện, ngài chỉ ôm gói quần áo mà
đi, từ Sài Gòn ra Phan Thiết, tới Bình Định rồi đến Huế. Ban đầu Hòa
thượng ở chùa Tây Thiên, sau nhờ thầy Giác Tâm (người Bến Tre) giới
thiệu đến chùa Báo Quốc theo học Phật học. Bấy giờ là năm 1940, trường
chỉ có duy nhất một lớp, đang học đến năm thứ 6 Sơ đẳng, còn vài tháng
nữa thì lên Trung đẳng, song Hòa thượng cũng được nhận vào học, lại được
cấp học bổng và cho nội trú. Năm 1941, ngài thọ Sa di giới rồi tiếp tục
học lên Trung đẳng và tốt nghiệp vào năm 1942, đến năm 1945 thì tốt
nghiệp Cao đẳng. Tiếp theo là thời kỳ Hòa thượng ra làm việc, phụng sự
Đạo Pháp...
Năm 1955, Hòa thượng thành lập Cực Lạc Liên
hữu tại chùa Vạn Đức (Thủ Đức), khuyến tấn mọi người niệm Phật, cầu vãng
sanh Tịnh độ. Ngài là vị thầy đương thời chấn hưng Tịnh độ trong tòa nhà
Phật giáo Việt Nam. Tịnh độ Liên hữu do ngài sáng lập được duy trì trong
suốt mười năm - cho đến năm 1964, khi GHPHVNTN thành lập - khơi dậy một
phong trào tu tập mạnh mẽ, giúp cho rất nhiêu hành giả quy hướng Tịnh độ.
Những lời dạy của Hòa thượng về pháp tu Tịnh
độ
“Pháp môn trì danh niệm Phật đơn giản lắm”,
HT nói. “Trước hết, luôn luôn phải có lòng tin. Tin ở nơi lời giới thiệu
của Đức Phật Thích Ca về Cực Lạc thế giới của Đức Phật Di Đà là chơn
thật; tin vào y báo, chánh báo của cảnh giới ấy, vì đó là chỗ mà tất cả
chúng sanh và các bậc Thánh đều phải nên về. Do là y báo, chánh báo của
cảnh giới Cực Lạc có thể đưa mình đến nơi bậc thánh, thành Phật chứ
không ngưng trệ hay do duyên gì mà thối lui. Tiếp theo là tin nơi Pháp
mà Phật Thích Ca đã dạy, phải như thế nào thì mới có thể về cảnh giới
Cực Lạc”.
“Có nhiều cách để vãng sanh Cưc Lạc, song
cách trì danh là đơn giản nhất. Bởi theo danh tự mà niệm thì dễ, còn
quán tưởng thì trí lực của người rất khó đến. Muốn ở nơi sự quán tưởng
đúng theo kinh nói thì các bậc hiền thánh mới có thể thực hiện được.
Trong khi trì danh thì dẫu kẻ phàm phu, tục tử vẫn có thể niệm, cứ đúng
theo Nam mô A Đi Đà Phật mà hành trì”.
“Quý huynh đệ thấy, nếu quán về 32 tướng tốt của Phật, ngay chỉ tướng
lông trắng giữa chặn mày của Phật A Di Đà thôi cũng đã lớn bằng năm hòn
núi Tu Di, như vậy thì làm sao nghĩ tới? Ở đây, ánh sáng lại tỏa ra khắp
mười phương. Còn cặp mắt của ngài thì bằng bốn đại hải - đại hải đó
không phải như ở biển ta, biển ở ta so ra thì chỉ là một cái cù lao -
tưởng tượng sao nổi?”
“Cái tướng lông trắng đó của bất kỳ vị Phật
nào, nếu kéo thẳng ra thì cũng đều đụng tới gót. Mà theo kinh, bề cao
của thân Phật Di Đà là 60 muôn ức Na do tha số các sông Hằng (theo luận
Câu xá thì một Na do tha bằng khoảng 100.000 tỷ - GN) - một hột cát được
tính là một do tuần (khoảng 15-20 km), cộng lại là ra chiều cao thân
Phật. Thử nghĩ, một sông Hằng có bao nhiêu hột cát, bao nhiêu do tuần?
Mà thân ngài cao đến 60 muôn ức na do tha số cát sông Hằng! Do đó, tướng
lông trắng đó cũng dài tương đương như vậy, xoắn tròn lại to bằng năm
hòn núi Tu Di”.
“Đó không phải là cách nói tượng trưng đâu,
mà Phật Thích Ca nói đúng thiệt như vậy. Nếu chỉ quán tưởng thân ngài
cao như tượng mình thờ thì không chính xác. Còn nếu quán thật tướng chân
như lại càng khó hơn nữa. Dù cũng có người làm được, nhưng chỉ là những
bậc hiền thánh hiện thân. Do vậy, trì danh được xem là thấp nhất và dễ
nhất. Mình đang đi bộ hay đi trên xe niệm Phật cũng được. Mình đang
đứng ngắm cảnh cũng niệm được. Mình đang ngồi làm việc cũng niệm được và
khi mệt mỏi quá nằm niệm cũng được. Chỉ trừ lúc nói chuyện là không niệm
được thôi!”
“Trì danh nói là thấp song hành trì không dễ.
Phải tin thực sâu, nguyện thực thiết và công hạnh phải chuyên cần thì
mới hiệu nghiệm, nếu không thì cảnh khác chen vô phá hết. Khi niệm thì
tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau. Nghĩa là tâm phải duyên theo tiếng,
tiếng phải ở trong tâm, đừng để nó xao lãng theo một tiếng gì khác, hễ
nó rời ra thì phải kéo nó lại. Muốn được vậy, tiếng niệm phải cho rõ
ràng, rành rẽ. Niệm như vậy phải chuyên cần, phải nhiều thời gian, phải
đều đặn, phải tinh tấn lắm mới đắc lực. Khi niệm đã đắc lực thì tự nhiên
trong tâm mình nổi lên tiếng niệm Phật mà mình không cần đề khởi, không
cần nghĩ đến nó vẫn tự niệm. Ban đầu thì lúc được lúc mất, được thì ít
mà mất thì nhiều. Cố gắng thêm thì được nhiều mất ít, cho đến khi không
còn gián đoạn nữa thì gọi là niệm lực tương tục. Và như vậy mới đúng
nghĩa "chấp trì danh hiệu". Đó mới là nhơn của niệm Phật tam muội. Được
vậy thì sự vãng sanh mới bảo đảm”.
“Tôi nói với mấy huynh đệ về chữ "chấp trì
danh hiệu". Chấp nghĩa là cầm, còn trì là giữ lại. Giống như tôi nắm
quyển sách không buông ra vậy, hễ bỏ ra là không trì. Khi mình xưng danh
hiệu ‘Nam Mô A Di Đà Phật’, làm sao trong tâm mình chỉ có ‘Nam Mô A Di
Đà Phật’ mà thôi. Đừng có cái gì khác, đừng cho một niệm gì xen vào hết.
Trong lúc niệm Phật mà còn niệm những thứ khac nữa thì không phải niệm
Phật. Nếu chấp trì được danh hiệu như Phật Thích Ca nói thì nhất định
vãng sanh. Làm không đúng thì không có kết quả. Lời Phật nói không khi
nào sai cả, chỉ tại mình hiểu chưa đúng, mà khi hiểu đúng thì cũng không
hẳn đã làm đúng”.
“Cũng có nhiều người đến than thở với tôi là
muốn giữ cái tâm lại, nhiếp tâm để chấp trì danh Phật mà làm hoài nó vẫn
cứ chạy. Vì cái chạy đó nó quen lâu năm rồi. Không phải lâu năm trong
đời này, mà nó đã lâu năm trong nhiều đời trước nữa. Cho nên, mình phải
cột, phải nắm lại, rồi lần lần ‘cột nắm’ cũng dần quen. Khi đứng lại thì
nó cũng quen đứng luôn. Vậy nên, phải thật chịu khó để đạt nhất tâm bất
loạn, tức niệm Phật tam muội. Trong Quán kinh nói, lúc Phật Di Đà hiện
tiền thì các Phật khác cũng hiện tiền. Hiện tiền là hiện ra trước mắt
chứ không phải chiêm bao”.
Hòa thượng nói thêm: “Khi dịch các kinh điển
Đại thừa khác, tôi thấy trong các kinh đó đều có nói đến cảnh giới Cực
Lạc của Đức Phật A Di Đà. Như trong kinh Hoa Nghiêm, ngay cả các vị Đại
Bồ tát nhập Bất khả tư nghì Giải thoát cảnh giới, khi các vị ngồi kề bên
Phật còn khuyên với nhau xả bỏ thân này để về Cực Lạc, bởi duyên Cực Lạc
khó có nước nào bằng. Vậy nên, chúng ta hãy chuyên tâm niệm Phật”.
Nguồn: http://www.giacngo.vn/lichsu/2008/10/26/564013/
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/HTTriTinh.htm