Viết về cụ Nguyễn Du
mà chúng ta không nói đến lòng thương vô hạn của cụ đối với chính mình
đối với tha nhân, đối với xã hội thì đó là một vấn đề thiếu sót; viết về
Nguyễn Du mà không nói đến Phật giáo thì đó cũng là một thiếu sót quan
trọng, vì toàn bộ sự nghiệp văn thơ của cụ đều phát xuất từ hai quan
điểm này để từ đó cụ gởi gắm tâm sự của cụ lại cho hậu thế. Vì vậy cho
nên khi nghiên cứu về văn thơ của cụ thì bắt buộc chúng ta phải biết về
nhân sinh của chính cụ và qua quan niệm khổ của Phật giáo. Theo giáo lý
của đức Đạo sư thì nền tảng căn bản của việc học Phật được đặt trên ba
học Giới-Định-Tuệ, cho nên Thiền định được coi như là một pháp môn tu
học chung cho cả hai thừa Đại và Tiểu trong việc hoàn thiện ba nghiệp
thân-khẩu-ý thanh tịnh để chấm dứt khổ đau mà đức Đạo sư đã căn cứ vào
những hiện tượng duyên khởi-hiện hữu-vô thường-biến dịch của nhân sinh
và vũ trụ mà xác nhận rằng: “Thế gian là giả tạm, bất toàn, trống rỗng,
là khổ”. Ngay đến những trạng thái mà người đời cho rằng hạnh phúc an
vui cũng luôn bị luật vô thường chi phối nên chúng chỉ là những trạng
thái có được giả tạm không thật hữu, nên chúng cũng thuộc về khổ. Do đó,
khổ bao gồm tất cả mọi ý nghĩa được quan niệm có được phát xuất từ ba
phương diện: Khổ-khổ (dukkha-dukkha), hoại-khổ (viparināma-dukkha), và
hành-khổ (samkhāra-dukkha) [ba phương diện này chúng tôi đã giải thích
trong phần dẫn nhập], bằng vào giải thoát khổ đau do ba nghiệp sinh ra,
khi hành giả đạt được giải thoát hoàn toàn khổ đau thì tự nhiên an lạc
hạnh phúc hiển bày.
Và theo cái học của
Thiền thì gồm có: Thiền Thế gian, Thiền Tiểu thừa - Thiền Đại thừa (Như
lai Thiền) cuối cùng là Thiền của Tối thượng thừa (Tổ sư Thiền). Ba loại
Thiền trước được y cứ vào văn tự của kinh điển để học và thực tập, nhưng
riêng Tối thượng thừa Thiền thì không y cứ vào văn tự của kinh điển
thông thường mà chỉ tạm mượn những kinh nào khế hợp với căn cơ bén nhạy
tạo ra những nghi tình bất hợp lý đối với thế trí biện thông của thế
gian, cộng với những duyên sống để khai mở những vướng mắc của vô minh
khổ đau cho hành giả mà thôi, nên Tổ sư Bồ-đề Đạt-ma đã chủ trương “Dĩ
tâm truyền tâm, bất lập văn tự.”[1]
Ở đây Nguyễn Du tiên sinh cũng đã từng học Thiền và thực tập thiền qua
kinh Kim cương (một quyển Kinh mà Thiền tông Trung hoa mượn làm
duyên, để y cứ cho những người mới bước chân vào Tối thượng thừa Thiền
thực tập của Hoàng Mai ngũ tổ và, cũng nhờ Kinh Kim cương mà Tổ
Huệ Năng thành vị tổ sư thứ sáu của Thiền tông Trung hoa.[2]
Nhưng vì sao tiên sinh đã từng thực tập Thiền bằng cách độc tụng tư duy
về kinh Kim cương hàng nghìn lần mà cũng vẫn chưa ngộ được chỗ
rốt ráo của kinh, trong khi chỉ qua cái nhìn lại “dưới chân đài phân
kinh” của Thái tử Lương Chiêu Minh xưa kia còn để lại, thì ngộ ra được
cái bổn lai diện mục rốt ráo của Kinh Kim Cương chính là “Vô Tự”
thị chân kinh (Tối thượng thừa Thiền)? Thật ra ở đây cụ Tiên Điền, nếu
trước đó đã không độc tụng hàng nghìn lần kinh Kim Cương thì chưa chắc
qua cái nhìn đó cụ có thể ngộ ra được chỗ rốt ráo của kinh được! Nhưng
chính nhờ đã huân tập hàng nghìn lần về nghi tình “Ưng vô sở trụ nhi
sinh kỳ tâm,
應無所住而生其心”[3]
(nên sinh tâm mình vào nơi không có chỗ trụ). Vậy nơi nào là nơi không
có chỗ trụ? Đây chính là cái nghi tình được tạo ra bởi thiền Công Án
hay Tham Thoại Đầu của Tổ sư Thiền mà cụ đã được huân tập kinh qua
đến mức vừa đầy; bây giờ chỉ cần giọt nước cuối cùng đổ vào nghi tình đó
thì cái nghi tình đó sẽ bùng vỡ. Ở đây chính cái nhìn lại “Dưới chân đài
phân kinh” là giọt nước cuối cùng để Tiên sinh ngộ ra được “Vô tự” chính
là chân kinh, cũng chính là không chỗ trụ. Giờ đây đích thị Nguyễn Du
tiên sinh đã trở thành một Thiền sư. Nhưng trước khi để trở thành một
Thiền sư thì Nguyễn Du tiên sinh trước đó cụ đã kinh qua những năm tháng
dài độc tụng tư duy, nghiền ngẫm về kinh Kim Cương, và trước đó nữa tuy
chúng ta không biết được cụ đã học tập những kinh sách nào được ghi lại
qua văn thơ, nhưng qua tư tưởng Phật giáo, mà cụ đã thể hiện trong văn
thơ để lại ngoài truyện Kiều ra, cho chúng ta thấy rằng Phật giáo Tiểu
thừa đã ăn sâu vào trong tiềm thức của cụ qua nhân quả báo ứng của mỗi
cá thể được thay thế bởi mệnh Trời, thể hiện tư tưởng nhân duyên
sống của nhân sinh, qua đó chúng bị luật vô thường luôn chi phối đổi
thay. Mệnh Trời ở trong truyện Kiều chỉ là một tiền đề được cụ nêu lên
để đại diện cho một quan niệm của Nho giáo, bằng vào nhân bản tính qua
tác nhân tạo nghiệp của con người theo luật tắc nhân quả báo ứng của
Phật giáo mà phủ định đi tính siêu hình Định mệnh hay Thiên mệnh của Nho
giáo, điều này nếu không muốn nói là điều sai lầm của Nho giáo mà cụ
nhìn ra được. (việc này chúng tôi sẽ bàn kỹ qua nghiên cứu truyện Kiều).
Nguồn: www.quangduc.com
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/nguyendu.htm