Để rộng đường dư luận, nhóm phóng viên
Phattuvietnam.net thường trú tại TP.HCM đã gặp Nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản để
nắm thêm một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Vừa qua nhạc sĩ Vũ
Ngọc Toản đã nhận bảng xác lập kỷ lục do Vietbook công nhận là nhạc sĩ
viết ca khúc Phật giáo nhiều nhất Việt Nam, sự kiện trên đã gây xôn xao
dư luận Tăng Ni Phật tử trong và ngoài nước, đặc biệt là giới nhạc sĩ
Phật giáo đang công tác trong ngành Văn hoá Phật giáo. Họ cho rằng xung
quanh việc Nhạc Sĩ được công nhận như thế có nhiều điều bất cập, và nhạc
sĩ Vũ Ngọc Toản thực chất đã đạo một số bài nhạc.
Cùng lúc đó, trong mấy
ngày qua, trang tin điện tử Phattuvietnam.net đã nhận rất nhiều Email,
cũng như thư viết tay của nhiều độc giả, các tổ chức, các hội nhóm trong
giới Văn nghệ sĩ và nhạc sĩ Phật giáo trong lẫn ngoài nước yêu cầu làm
sáng tỏ chuyện này.
Để rộng đường dư luận,
nhóm phóng viên Phattuvietnam.net thường trú tại TP.HCM đã gặp
Nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản để nắm thêm một số thông tin liên quan đến vấn đề
này.
PV: Thưa nhạc sĩ,
trong mấy ngày qua, dư luận trong công chúng Phật giáo đang lên tiếng về
việc anh không đủ tư cách để nhận bằng xác lập kỷ lục “Là
nhạc sĩ viết nhiều ca khúc Phật giáo nhất” với 639 bài lập nên kỷ
lục đó. Họ cho rằng anh “Đạo nhạc”, không phải do chính mình sáng tác.
Xin anh cho độc giả Phattuvietnam.net biết suy nghĩ và cảm nhận của mình
về dư luận vừa nêu trên?
Nhạc sĩ Vũ
Ngọc Toản: Vâng, đầu tiên tôi xin cảm
ơn Phattuvietnam.net đã cho tôi có cơ hội trình bày rõ quan
điểm của mình xung quanh việc tôi được xác lập kỷ lục.
Tôi xin khẳng định một
điều, là mình hoàn toàn khách quan đứng bên lề của tiến trình xác lập kỷ
lục. Mọi việc bắt đầu khi nhân viên củaTrung tâm kỷ lục VietBook tìm đến
nhà tôi. Họ đã xin tôi bản thảo của những ca khúc tôi đã viết về Phật
Giáo, tổng cộng 639 bài. Thú thật một điều là tôi chẳng biết mục đích
thật sự họ xin để làm gì. Vì tôi quan niệm, đã là ca khúc Phật Giáo, bất
cứ người nào xin tôi đều cho mà không có Tâm phân biệt. Vì nhạc của Phật
giáo mà được truyền đi khắp nơi, mang ánh sáng của chính pháp đến mọi
nơi thì tôi rất mừng .
Bởi vì, mục đích thật
sự của tôi viết nhạc, xem âm nhạc như một phương tiện cúng dường chư
Phật, chuyển tải nội dung Phật Pháp vào đời sống, phục vụ chúng sinh.
Dù dư luận có thế nào đi nữa thì tôi không bận tâm lắm. Việc tôi làm,
xuất phát từ chữ Tâm thật sự, là đúng đắn. Hơn nữa, toàn bộ những tác
phẩm đã tạo nên kỷ lục cho tôi, chính xác là 639 bài, đều là đứa con
tinh thần mà tôi đã sinh ra. Trong số đó, 95% là phổ nhạc từ thơ của bạn
bè và đọc giả khắp nơi gửi đến cho tôi.
Nhóm
phóng viên Phattuvietnam.net thường trú tại TP.HCM đang phỏng vấn NS Vũ
Ngọc Toản
PV: Vậy cảm nhận
của anh là gì khi biết mình được nhận cúp kỷ lục?
NS Vũ Ngọc Toản: Tôi xin chia sẻ một chút xung quanh
việc sáng tác 639 ca khúc này. Tôi đã học qua 7 năm lớp giáo lý Phật học
căn bản. Trong quá trình đó, tôi cảm nhận được sự sâu sắc, màu nhiệm và
chân lý tuyệt vời của Đạo Phật. Chính ca khúc đầu tiên về Phật giáo của
tôi là Niềm An Vui, đã ra đời trong tâm tư đó. Tôi thật sự cảm
nhận được niềm an vui khi đến với Đạo, mà không chỉ tôi, niềm an vui đó
còn nằm trên khuôn mặt các bạn trẻ dẫn nhau đi chùa. Tôi hoàn toàn không
có mục đích là phải viết bài để nhận kỷ lục, đơn giản và thật sự là tôi
viết với tấm lòng một người Phật Tử.
639 ca khúc được xét
kỷ lục, tôi viết trong 5 năm. Tôi đã thực hành cuộc sống của một người
Phật Tử chân chính: tôi ăn chay, giữ giới, không tham gia vào các cuộc
ăn nhậu vô bổ của bạn bè cùng giới, trước mỗi khi viết bài, tôi đều lắng
lòng, ngồi thiền 45 phút rồi mới viết.
PV: Nhưng nhiều nhạc sĩ cùng một số Tăng Ni Phật tử, đã phản ánh là
nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản lấy nhạc khác thay lời lại. Như nhạc Bao Công,
Người Đến Từ Triều Châu, Ra Giêng Anh Cưới Em… Nhạc sĩ sẽ nói gì việc
này?
NS Vũ Ngọc Toản: Tôi nghĩ họ nói thế vì chưa nắm rõ
danh sách những bài dự thi của tôi. Như tôi đã khẳng định, 639 bài hát
dự thi, hoàn toàn là những đứa con tinh thần của tôi, nếu cần thì xin
mời thẩm tra văn bản. Còn các bài hát khác tôi đều ghi rõ là nhạc ngoại
lời Việt. Vì tôi nghĩ việc truyền bá chính Pháp qua âm nhạc là một việc
rất nên làm. Tôi vận dụng nó như một phương tiện, để đưa những bài học
Phật Pháp vào cuộc sống. Hơn nữa những nhạc này rất phổ biến nên tôi đã
viết thêm lời Việt để tạo sự gần gũi, dễ thuộc dễ nhớ. Nhưng tôi rất tôn
trọng tác quyền và ghi rõ là nhạc ngoại lời Việt.
PV: Tâm trạng của
anh bây giờ ra sao?
NS Vũ Ngọc
Toản: Tôi cám ơn vì đã có những luồng
dư luận này. Có vậy thì tôi mới thử thách được Tâm của mình. Dù gì xảy
ra, tôi luôn cô giữ cho mình sự an lạc, thảnh thơi.
Ngay trong chính thời
điểm gây cấn này, tôi đã sáng tác ra bài nhạc mới, như 1 lời cho chính
mình: Xin cho con bình yên. “Xin cho con bình yên,
không nói lỗi của người, chỉ khe khẽ niệm Phật, cầu cho người hết lỗi,
xin đừng ai khen thưởng hết phước rồi chẳng mong… Xin lời ca Phật Pháp,
lan tỏa về ngàn nơi, cho niềm đau tan hết, hạnh phúc đến muôn loài…”
PV: Còn về phía
công ty trao kỷ lục Vietbook đã nhìn nhận ra sao?
NS Vũ Ngọc Toản: Tổng giám đốc công ty Vietbook có nói
với tôi rằng: “Bất cứ một giải cá nhân nào cũng đều xảy ra những luồng
dư luận trái chiều nhau như vậy. Chúng tôi trao giải thưởng kỷ lục cho
anh Ngọc Toản là để tán dương công đức về sự cống hiến cho đạo Pháp. Ở
nước ngoài người ta thay đổi kỷ lục trong từng giờ, còn ở nước ta thế
nào? Rất ít là đằng khác. Toàn bộ nhân viên của công ty Vietbook đều là
những người rất có trình độ, chúng tôi đã thẩm định rất kỹ, cân nhắc
trước khi trao kỷ lục cho một ai đó. Trao giải cho anh Ngọc Toản, đó là
điều tất nhiên vì số lượng bài nhạc Phật giáo của anh hiện nay cao nhất
so với các nhạc sĩ viết nhạc Phật giáo khác.”
PV: Cảm xúc của
anh như thế nào về những bài nhạc mà anh đã cho ra đời với số lượng đạt
kỷ lục như vậy? Đạt kỷ lục rồi anh còn viết nữa không hay dừng lại tại
đây?
NS Vũ Ngọc Toản: Tôi rất hạnh phúc khi được viết về
nhạc Phật giáo, hạnh phúc hơn nữa khi được nhìn hàng ngàn em nhỏ trong
các trại hè Phật Giáo hát lên những ca khúc của mình. Sáng tác đầu tiên
của tôi là bài “Niềm an vui” và đến bây giờ nó đã rất phổ biến.Tôi luôn
muốn viết những ca khúc thật dễ hiểu, gần gũi, giai điệu ngọt ngào. Như
vậy Phật Pháp mới đi vào lòng người. Theo tôi, tuyệt đỉnh của một ca
khúc không phải là phải thật dài, có thể nó rất ngắn nhưng phải lột tả
nhiều nội dung, đạo lý trong đó. Những ca khúc của tôi đang có trong tay,
nhiều hơn số mà kỷ lục đã thông báo. Tuy nhiên tôi không muốn giậm chân
tại chỗ, tôi viết nhạc hằng ngày và đó như là cuộc sống của tôi.
Nhạc
sĩ Vũ Ngọc Toản đang đọc một số bức thư "Tố" ông đạo nhạc
PV: Trước những
luồng thông tin trái ngược nhau đang diễn ra như vậy, bản thân lại là
người trong cuộc, anh sẽ nói điều gì với công chúng?
NS Vũ Ngọc
Toản: Điều đầu tiên mà tôi sẽ nói là
nhắn nhủ đến tất cả những người có liên quan, các vị đang chịu trách
nhiệm với Văn hóa, Văn nghệ Phật giáo là: hãy sống, nói và làm đúng
chính pháp. Xin quý vị, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, với bản thân tôi
Vũ Ngọc Toản, hay với bất kỳ một ai khác nữa là hãy công tâm, khách quan.
Có như vậy, sự bình an thanh thản mới ở lại trong tâm hồn mình.
Là những Văn Nghệ Sĩ
Phật Giáo, thì không nên chỉ chạy theo danh lợi, cạnh tranh nhau không
khác gì sân khấu ngoài đời. Chúng ta hãy cống hiến thật nhiều, đừng nghĩ
âm nhạc Phật Giáo như một mảnh đất cần khai phá. Cứ cống hiến đi, bạn sẽ
gặt hái thành quả chính mình, chứ không phải làm cho mọi chuyện xôn xao
lên như vậy. Tu là sống và thực hành đúng Chính Pháp mà. Nhạc Sĩ Phật
Giáo, viết được thì làm được như những gì mình viết. Tôi chỉ có thể nói
như vậy thôi!
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/nhacsiVuNgocToan.htm