Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

               
...... ... ..  . ..  .  .

Phật hoàng Trần Nhân Tông

Giao Hưởng


Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng đá - Ảnh: tư liệu

* Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn, ông tổ Thiền tông VN

Hôm nay 16.12.2009 (nhằm 1.11 Kỷ Sửu), đại lễ tưởng niệm 701 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308 - 2009) sẽ cử hành trọng thể tại nhiều nơi trong nước. Vì sao Phật hoàng Trần Nhân Tông được cả người trong đạo lẫn ngoài đời tôn vinh?

Trong vòng mấy thập niên qua, Phật giáo đời Trần với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do ngài làm sơ tổ (vị tổ đầu tiên), lại có vận hội mới để khôi phục mạnh mẽ. Bằng chứng là rất nhiều ấn phẩm liên quan đến thiền phái, cũng như một số thiền viện mang tên Trúc Lâm như Trúc Lâm Lâm Đồng, Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Tây Thiên, Trúc Lâm Bạch Mã...  đã và đang xây dựng trang nghiêm từ Nam chí Bắc để làm đạo tràng thực hành tu học theo chủ trương của thiền phái Việt Nam.

Các vua Trần có phạm tội sát sanh?

Điều làm nhiều người thắc mắc là, Phật giáo đời Trần với các vị vua như Trần Thái Tông (Trần Cảnh) và nhất là Trần Nhân Tông (Trần Khâm) đã trực tiếp lãnh đạo tướng sĩ, quân dân thời đó đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông, máu giặc nhiều trận nhuộm đỏ nước sông Bạch Đằng, xác giặc trôi ngổn ngang trong dòng, phơi đầy ngoài biên ải, như thế xét về mặt giáo lý của nhà Phật, thì các vị vua ấy có phạm tội sát sanh hay không?

Để trả lời, hòa thượng Thích Thanh Từ - người khởi xướng và chủ trương khôi phục Phật giáo đời Trần hiện nay - đã thử so sánh hành động của vua Lương Võ Đế bên Trung Hoa (thế kỷ 5 - 6) với vua Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông ở Việt Nam (thế kỷ 13). Rằng khi vua Lương Võ Đế bị quân của Hầu Cảnh kéo đến vây chặt thành Kiến Khương (kinh đô nhà Lương), bấy giờ quần thần xin xuất quân chống giặc nhưng vua không cho, lại ra lệnh đóng chặt cửa thành, tụng kinh cầu nguyện cho giặc lui. Nhưng: “kết quả giặc chẳng lui, mà ông (vua Lương Võ Đế) bị mất nước (về sau nhịn đói chết). Trái lại vua Trần Thái Tông (và Trần Nhân Tông) là người ngộ được Thiền tông, khi giặc Nguyên - Mông xâm lăng vua chỉ huy cầm quân đánh giặc, giặc thua rút lui về, đất nước thái bình, vua mới ngồi yên tu thiền. Hai thái độ của hai ông vua đồng kính mộ đạo Phật, mà xử sự mỗi bên mỗi khác”. Rồi kết luận, khi bị giặc vây khốn, vua Lương Võ Đế không dụng binh mở vòng vây, mà chỉ ngồi trong thành tụng kinh cầu cho giặc lui, như thế là vọng tưởng, vì “đây là đem tôn giáo áp đặt lên chính trị nên phải mắc họa. Vua Thái Tông tách bạch phân minh phần nào thuộc tôn giáo, phần nào thuộc chính trị, nên cứu được đất nước khỏi lâm nguy. Tu theo Phật giáo là trau dồi đạo đức rèn luyện tâm linh là việc riêng của mỗi người phật tử, tức là lĩnh vực của tôn giáo. Giặc ngoại bang xâm lăng Tổ quốc, toàn dân đứng lên chống giặc, người lãnh đạo cổ động lòng yêu nước của dân và đứng ra chỉ huy đánh giặc là lĩnh vực chính trị. Phân rành lĩnh vực tôn giáo, lĩnh vực chính trị là vấn đề rất thiết yếu. Người phật tử thọ tam quy trì ngũ giới, nếu phạm giới sát sinh là có tội, đó là phần tu hành riêng của phật tử, thuộc lĩnh vực tôn giáo. Đất nước bị xâm lăng, toàn dân đứng lên chống giặc là trách nhiệm của mỗi công dân, thuộc lĩnh vực chính trị. Dù trong cuộc chiến có nhiều phật tử giết nhiều sinh mạng kẻ thù, song không thể mang tội sát sanh đặt vào chỗ này được”.

Từ so sánh ấy, có thể rút ra trường hợp Phật hoàng (khi còn là Hoàng đế Trần Nhân Tông) vì lợi ích của toàn dân động binh chống giặc, là hoàn toàn đúng. Nên Phật hoàng được ca ngợi vì phước báu cứu người cứu nước từ xưa.

Trường tồn qua 7 thế kỷ

Tháp Huệ Quang thờ Phật hoàng ở chùa Hoa Yên, núi Yên Tử (Quảng Ninh) - Ảnh: tư liệu

Mới đây, theo tinh thần thông tư của Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nội dung thư mời dự tưởng niệm 701 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt đã ghi rõ đại lễ này nhằm “tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật hoàng Trần Nhân Tông, người anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại của non sông đất nước ta, là người đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam - thiền phái duy nhất trong lịch sử Việt Nam có sơ tổ là một thiền sư người Việt”. Theo đó, có ba điều trong cuộc đời Phật hoàng được mãi mãi tôn vinh:

Thứ nhất, Phật hoàng Trần Nhân Tông là một hoàng đế anh hùng của dân tộc, lên ngôi năm 1279, lúc 21 tuổi. Dưới triều đại của ngài, hai hội nghị vang dội lịch sử là Hội nghị Diên Hồng và Hội nghị Bình Than đã được mở ra vì mục đích cứu nước. Ngài lãnh đạo quân dân tướng sĩ thời đó đánh tan giặc Nguyên - Mông hai lần. Lần đầu vào năm 1285 khi đánh bại đại binh của nhà Nguyên, rượt đuổi thái tử Thoát Hoan chui vào ống đồng trốn về nước, chém đầu nguyên soái Toa Đô, giết Lý Hằng và tùy tướng Lý Quán tại trận... Lần thứ hai vào năm 1288 ở sông Bạch Đằng, quân ta đóng cọc nhọn phủ cỏ lên trên, dụ thuyền giặc đến theo nước thủy triều, rồi vua tung quân đánh lớn, khiến quân xâm lược Nguyên bị “chết đuối nhiều không kể xiết”, thu 400 thuyền, bắt sống nguyên soái Ô Mã Nhi, Tích Lê Cơ, tham chính Sầm Đoàn, Phàn Tiếp, nguyên soái Điền, cùng các Vạn hộ, Thiên hộ đem về làm lễ báo cáo đại thắng ở Chiêu lăng. Vua nhân từ, sau thắng giặc, ra lệnh đại xá thiên hạ, tha thuế toàn phần cho những nơi bị giặc đốt phá. Giặc rút về, quân ta thu được cái hòm biểu đựng nhiều giấy xin hàng quân Nguyên của một số quan lại lúc đó. Thay vì trị tội, Phật hoàng ra lệnh đem hòm kia đốt đi, không truy tội, để làm yên lòng những kẻ trót tâm phản trắc.

Thứ hai, Phật hoàng là nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Ngài cải tiến chế độ thi cử, phát triển thơ văn chữ Nôm, chỉ đạo biên soạn các bộ sách quan trọng, cùng những hoạt động trí thức khác đã thực sự góp phần đẩy mạnh đà phát triển của nền văn hóa Đại Việt. Những thành công ấy, chẳng hạn về lĩnh vực văn học, đến thế kỷ 20 vẫn được các tác gia có uy tín ghi chép. Như Trần Trọng Kim qua Việt Nam sử lược nêu rõ “đời vua Nhân Tông có nhiều giặc giã, tuy vậy việc văn học cũng hưng thịnh lắm. Xem bài hịch của Hưng Đạo vương, thơ của ông Trần Quang Khải và của ông Phạm Ngũ Lão thì biết là văn chương đời bấy giờ có khí lực mạnh mẽ lắm. Lại có quan Hình bộ thượng thư là ông Nguyễn Thuyên khởi đầu dùng chữ Nôm mà làm thơ phú (Văn tế cá sấu)”. Chính Phật hoàng cũng sáng tác các tác phẩm như: Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Đại hương hải ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thạch thất mị ngữ (do ngài Pháp Loa soạn lại).

Thứ ba, Phật hoàng là ông tổ Thiền tông đầu tiên người Việt Nam. Trước ngài, một số hệ phái Thiền tông xuất phát từ Trung Hoa truyền sang như thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, thiền phái Vô Ngôn Thông, thiền phái Thảo Đường với các vị đứng đầu gốc gác người Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Đến thời Phật hoàng Trần Nhân Tông thì ngài mới lập phái thiền Trúc Lâm Yên Tử và là phái thiền đầu tiên - duy nhất đến nay có sơ tổ là Hoàng đế Việt Nam. Đến nay, những vị chủ trương khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần do xuất phát từ nhận định “giá trị Phật giáo ở Ấn Độ thật siêu xuất, giá trị Phật giáo Việt Nam cũng phi thường, mới đủ sức thuyết phục một ông hoàng, một ông vua đi tu. Ở Việt Nam đời Trần ông vua đi tu Phật (Trần Nhân Tông), ông trạng nguyên đi tu Phật (Huyền Quang), chúng ta thử xét giá trị đời ấy cao siêu đến ngần nào. Phật pháp đã cao siêu, người tu cũng đáng kính, cho nên Phật giáo rất thịnh hành trong thời Trần. Chúng tôi nhằm khôi phục Phật giáo đời Trần cốt nâng cao Phật giáo Việt Nam hiện nay là như thế”.

Những điều nêu trên về Phật hoàng Trần Nhân Tông là những giá trị vĩnh cửu, cho dù Phật hoàng đã nhập Niết bàn từ hơn bảy thế kỷ qua...

Sơn Phòng Mạn Hứng

Thùy phược cánh tương cầu giải thoát
Bất phàm hà tất mích thần tiên
Viên nhàn mã quyện nhân ứng lão
Y cựu vân trang nhất tháp thiền.

Thị phi niêm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn

Thơ Trần Nhân Tông

Phòng núi khởi hứng

Ai trói mà mong cầu giải thoát
Chẳng phàm, nào phải kiếm thần tiên?
Vượn nhàn, ngựa mỏi, người đã lão
Như cũ vân trang một chõng thiền.

Phải quấy niệm rơi hoa buổi sớm
Lợi danh tâm lạnh với mưa đêm
Mưa tạnh, hoa trơ, non vắng lặng
Chim kêu một tiếng lại xuân tàn.

(Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch)

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200951/20091216001210.aspx

 

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/phathoang.htm

 


Vào mạng: 16-12-2009

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang