Thượng tọa Thích Minh Khuê thế
danh Nguyễn văn Tam. Sinh năm Nhâm Tý (1912) tại Quận Long Điền, tỉnh Bà
Rịa.
Phụ thân là cụ ông Nguyễn Văn
Tâm, nguyên Giáo học và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Nam một phụ nữ tứ
đức vẹn toàn, đều kính tin Tam Bảo.
Sống trong một gia đình trung
lưu trí thức, gồm 4 anh em, Ngài là con trưởng lại là trai duy nhất nên
được song thân thương yêu rất mực. Tuy vậy; Ngài có đức tính khiêm cung,
hiếu học và bản chất thông minh vốn sẳn đã làm đẹp lòng cha mẹ và thầy
bạn chung trường.
Năm 20 tuổi, Ngài nối chí Nghiêm
đường bằng sứ mệnh giáo dục làm nền tảng cho sự nghiệp đạo đức tương lai.
Năm Giáp Thân (1944) vì hiếu đạo,
Ngài vâng lời song thân, lập gia thất để nối dõi tông đường, đồng thời
được suy cử chức Đốc học Trường Long Điền.
Năm Ất Dậu (1945), Cách Mạng
tháng 8 thành công và sau đó Pháp tái chiếm xâm lăng, thì nhân dân Nam
bộ đồng kháng chiến. Với trách nhiệm sĩ phu yêu nước; Ngài thoát ly gia
đình cùng toàn dân tham gia kháng chiến, chống giặc ngoại xâm, nhằm bảo
vệ quê hương đất nước, làm tròn bổn phận của một công dân thời nước nhà
ly loạn.
Năm Đinh Dậu (1957) thiện duyên
Phật pháp đã đến; sau bao lần vào sanh ra tử trong thời gian 09 năm
kháng chiến, thấu rõ lý vô thường, Ngài thức tâm tỉnh ngộ, quy y Tam bảo
và lập chí xuất trần, phát nguyện 3 năm công quả, thực tập hạnh xuất gia
tại Đại Tòng Lâm.
Trọn ba năm tâm lành nung nấu
trong bể khổ trần gian; ba năm sắt son kiên tâm bền chí, trần duyên rũ
sạch, Bồ đề tâm khai phát để làm tiền đề cho Bát Nhã đơm bông. Thật là
“Đàm hoa nhất hiện” khi những sợi tóc não phiền rơi rụng theo từng nhát
kéo đong đưa, thì đại nguyện cũng tùy thời ứng hiện, đó làm năm Canh Tý
(1960), Ngài được đại Lão Hòa thượng Thích Thiện Hòa tế độ xuất gia và
ban pháp hiệu Minh Khuê. Sau đó, Ngài được Hòa thượng Bổn sư đặc trách
làm Tri khách tại Đại Tòng Lâm.
Năm Giáp Thìn (1964), Ngài được
Hòa thượng Bổn sư cho đăng đàn thọ Sa Di giới tại đại giới đàn Việt Nam
Quốc Tự.
Năm Bính Ngọ (1966), Ngài chính
thức thọ tam đàn Cụ túc, Tỳ Kheo, Bồ tát giới tại đại giới đàn Phật học
Viện Huệ Nghiêm. Sau đó được suy cử đảm nhiệm chức Chánh Đại diện Phật
giáo Thống Nhất, Quận Long Điền, tỉnh Phước Tuy.
Năm Đinh Dậu (1967), Ngài cùng
chư tôn đức trong Ban Đại diện Phật giáo Thống Nhất tỉnh Phước Tuy,
xuống đường tuyệt thực để thức tỉnh nhân tâm chính quyền nhà nước đương
thời, nhằm xóa bỏ nạn tăng binh bắt dân đi quân dịch.
Năm Canh Tuất (1970), Ngài được
suy cử chức Chánh Đại Diện Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất tỉnh phước
Tuy. Văn phòng Tỉnh Hội Phật giáo đặt tại Chùa Thiện Quang, Quận Long
Điền do Ngài Khai sơn.Năm Nhâm Tý (1972), Ngài tổ chức Đại giới đàn tại
Trụ sở Tỉnh Giáo Hội Phật giáo Thống Nhất, Chùa Thiện Quang và cung
thỉnh Đại lão Hòa thượng Bổn sư Thích Thiện Hòa làm Đường Đầu Hòa thượng.
Trong suốt quá trình hành đạo,
Ngài đã thể hiện đúng tinh thần nhập thế qua phương châm : “Phục vụ
chúng sinh là cúng dường chư Phật, trong sứ mệnh hoằng dương Phật pháp”.
Ngài rất quan tâm đến thế hệ trẻ,
trong sự nghiệp trăm năm trồng người. Bởi vì Ngài cho tuổi trẻ là sức
sống của nước nhà và tương lai của Đạo Pháp – Dân Tộc.
Ngài đã đào tạo và phát triển
nhiều gia đình Phật tử trong tỉnh để giáo dục Thanh thiếu niên trở thành
những người hữu dụng cho quê hương đất nước và đạo pháp sau này. . .
Đồng thời điều đó, đã đem lại lợi ích thiết thực cho nước cho dân, cơm
no áo ấm và cuộc sống bình yên.
Ngoài ra; đối với việc cứu tế xã
hội thì Ngài tích cực vận động ủy lạo cứu trợ đồng bào nghèo, tai nạn
chiến tranh. Đối với chiến sỹ Cách mạng thì Ngài ủng hộ quân lương và
chiến sỹ hy sinh vì nước quên mình, thì Ngài tổ chức vận động Phật tử
đi tìm thi thể đem về mai táng, mồ yên mã đẹp và niệm kinh Siêu độ vong
linh chiến sỹ. . .
Với tình nghĩa gia đình thì Ngài
đã ân cần hướng dẫn và giác ngộ người bạn đời xuất gia tu hành và anh em
gia đình đều quy y Tam Bảo.Ngài không thích ăn sang mặc đẹp, và hết sức
tiết kiệm tài lực để lo bố thí, kiến tạo Phật Tự nhiều nơi. Ngài rất
giống tính Hòa thượng Bổn Sư Thích Thiện Hòa, là chủ trương làm
hơn nói; cho nên trong những buổi họp với tư cách Chủ tọa mà Ngài
phát biểu ý kiến rất ít, chỉ nói khi nào rất cần. Ngài âm thầm làm, lặng
lẽ làm, quyết chí thực hiện cho nên việc làm nào cũng thành công.
Từ tâm Bồ tát hạnh với tinh thần
nhập thế, Ngài đã thể nghiệm giáo lý Phật Đà qua Tứ Nhiếp Pháp là một
bài pháp sinh động và sống thực trong trang sử đời Ngài.
Ngài lâm trọng bệnh vào lúc Hòa
thượng Bổn sư Thích Thiện Hòa Viên tịch tại Tổ đình Ấn Quang, cho đến
mười tháng sau gần ngày viên mãn báo thân, thì Ngài đứng niệm Phật suốt
một tuần bảy này.
Sau khi lễ vía Phật A Di Đà xong
thì qua ngày sau, 18 tháng 11 năm Mậu Ngọ (nhằm ngày chủ nhật 17 –12
1978), Ngài chánh niệm, an nhiên Thị tịch.Trụ thế 67 Xuân.
Giới lạp 12 Hạ.Trụ trì 14 Đông.
Tuy không bao lâu trong sự
nghiệp đạo hành, nhưng Ngài đã để lại trong hàng tứ chúng Phật tử nơi
đây vô vàn kính tiếc và biết ơn.Công hạnh của Ngài để lại gồm kiến thiết
Khai sơn tạo Tự và biên soạn tài liệu giáo lý giảng dạy.
Về phần kiến thiết xây dựng như
các chùa :
Khai sơn Chùa Thiện Quang, Quận
Long Điền.
Khai sơn Chùa Thanh Quang, Xã
long Toàn, Bà Rịa.
Khai sơn Chùa Phổ Quang, xã Bình
Ba, Quận Châu Đức.
Khai sơn Chùa Viên Quang, Suối
Nghệ, Châu Đức.
Khai sơn Chùa Phước Quang, Suối
Nghệ, Châu Đức.
Khai sơn Chùa Minh Quang, Quận
Xuyên Mộc.
Niệm Phật Đường, Xã Tam An, Quận
Long Điền. . .
Những tập sách biên soạn như :
-
Sự Lợi ích về vấn đề tu học.
-
Con người với vấn đề tín ngưỡng.
-
Người Phật tử với vấn đề Nhân Quả.
-
Nghiệp báo Luân hồi.
-
Khổ và phương pháp diệt khổ.
-
Niệm Phật một pháp môn dễ tu chứng.
-
Quy Y Tam Bảo.
-
Ngũ Giới, con đường tu của Nhân thừa.
-
Thập thiện, con đường tu của Thiên thừa.
-
Tứ Diệu đế, con đường tu của Thanh Văn thừa 03 bài.
-
Thập Nhị Nhân Duyên, con đường tu của Duyên Giác thừa.
-
Lục Độ, con đường tu của Bồ Tát thừa 02 bài.
-
Lịch sử Phật pháp.
-
Ngũ Đình Tâm Quán, Quán Nhân Duyên.
-
Thờ, lạy Phật, tụng Kinh, niệm Phật.
-
Đức Di Lặc và Hội Long Hoa.
-
Lễ Vu Lan, Rằm tháng 7.
-
Tu Tâm . . .
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/tieusuTTMinhKhue.htm