Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VỀ PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG – DANH NHÂN VĂN HÓA
 
 TS. Trần Hồng Liên
(Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ)

Tham luận tại hội thảo khoa học: “Đức Vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp (nhân 700 năm ngày nhập niết bàn (1308-2008”) ngày26/11/2008 tại Tỉnh Quảng Ninh.

Bảy trăm năm đã trôi qua từ ngày Trần Nhân Tông viên tịch, nhưng những gì thiền sư để lại cho đời, cho Phật pháp thật sự có một ý nghĩa vĩnh cửu. Trong quá trình tiếp nhận và hoằng truyền một nền Phật giáo mang tính dân tộc, khá nhiều bài viết đã khơi dậy, lý giải, phân tích nét đặc thù, độc đáo trong đường hướng thiền học của thiền phái Trúc Lâm do Người khởi xướng. Điều gì đã làm nên hào quang đó? Phải chăng là qua Phật giáo đời Trần, với tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm, Phật giáo Việt Nam như được làm sống dậy, được đúc kết thành một mô hình hoằng pháp có ý nghĩa và giá trị cho nhiều thế hệ sau suy gẫm và tiếp nối?

 

1.Về một số tính chất nổi bật của Phật giáo đời Trần qua Trần Nhân Tông

Có thể tìm hiểu một số đặc tính nổi bật trong đường hướng của thiền phái do Người khởi xướng như tính dân tộc, tính nhập thế, tính vô vi trong Phật giáo thời Trần.

 

1.1              Tính dân tộc

 

 Không phải ngẫu nhiên mà trong dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam, khi nhìn lại quá trình hoằng truyền đạo pháp, không ai có thể phủ nhận sự đóng góp của Phật giáo thời Trần cho nền văn hóa dân tộc cũng như cho văn hóa Phật giáo. Sự đóng góp ấy đã góp phần nâng cao vị thế của Phật giáo thời Trần trong lịch sử, đã làm cho triều đại nhà Trần, cùng với nhà Lý, làm nên thời kỳ vàng son, phát triển rực rỡ của Phật giáo Việt Nam.

Trong điều kiện của những tác động mạnh mẽ từ bên ngoài, có ảnh hưởng sâu đậm đến hoạt động Phật giáo Việt Nam, từ kinh sách đến dòng phái, từ những bài kệ truyền thừa được du nhập ở Trung Quốc vào, đã tạo nên một hệ thống, một mạng lưới rộng khắp của một nền Phật giáo Bắc tông, mang âm hưởng và hương vị của Phật giáo Trung Quốc khá đậm nét. Tiếp nối triều đại nhà Lý, các vị vua anh minh của nhà Trần đã kế thừa, xiển dương một đường hướng Phật giáo mới, mang tính dân tộc rõ nét. Sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của Phật giáo Trung Quốc không phải là  không có. Chính từ những cốt lõi của nền Phật giáo Trung Quốc đậm tư tưởng Thiền, Tịnh, Mật, mà Phật giáo thời Lý và thời Trần có điều kiện để nhìn lại nền Phật giáo nước nhà. Các thiền sư Việt Nam, trong thời điểm đã qua nhiều thế kỷ chịu sự tác động của Phật giáo Đại thừa Trung Quốc, đã đúc kết, dung hợp 3 dòng thiền đã có trong lịch sử: dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, để sáng tạo nên một đường hướng mới mẻ, mang tính dân tộc rõ nét, đồng thời cũng bộc lộ một xu hướng mới, xu hướng “về nguồn” cho nền Phật giáo nước nhà. Trở về với nét riêng có của Phật giáo Việt Nam, trong điều kiện bối cảnh xã hội Việt Nam và những đặc trưng tộc người Việt Nam, cũng chính là làm hiển lộ giáo lý chân truyền của đức Phật Thích Ca về tính tùy thuận của Phật giáo trong dòng chảy của Phật giáo từ quê hương gốc Ấn Độ, chính là thể hiện tính dân tộc, góp phần làm rõ đặc trưng tộc người Việt trong quá trình lịch sử.

Sách Tam tổ thực lục có chép rằng vua Anh Tông đã cho viết và khắc bản tác phẩm của Trúc Lâm để vào Đại tạng kinh, điều đó cũng có nghĩa rằng Đại tạng kinh của Phật giáo thời Trần và cũng là của Phật giáo Việt Nam đã có những nét riêng, đã thể hiện tư tưởng của Trúc Lâm trong ấy!

 

1.2 Tính nhập thế   

 

Với Trần Nhân Tông và sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Phật giáo Việt Nam thể hiện tính nhập thế tích cực. Tinh thần này được thể hiện qua lời nói, qua hành động của Điều Ngự Giác Hoàng, một trong tam tổ sáng lập phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, mà cũng đồng thời là vị vua cai trị muôn dân.

 

Trần Nhân Tông đã hai lần cầm quân đánh tan xâm lược Nguyên Mông. Đây chính là hành động yêu nước, thương dân, là một đặc điểm nổi bật trong truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đối với mình thì Trần Nhân Tông thực hành “vô ngã, vị tha”; với người thì mang lại “lợi lạc quần sinh”. Cầm quân ra trận cũng chính là nhằm mang đến niềm vui thái bình, an cư lạc nghiệp cho muôn dân vậy! Đó là nhiệm vụ cao cả nhất về mặt đời của một đấng tối cao trị vì muôn dân cần làm.

 

Về phần đạo, thiền sư Điều Ngự Giác Hoàng đã “vân du hành đạo” để  khuyên người dân hành thập thiện, điều này đã cho thấy dưới thời Trần và qua Trần Nhân Tông, Phật giáo đã đi sát vào việc cải tạo xã hội, chuyển đổi nhận thức con người chính là từ tâm vị tha. Từ đó, xã hội sẽ dần được an ổn, người dân sẽ dần sống trong môi trường của suy nghĩ về điều thiện và hành động việc thiện. Như vậy, qua tính nhập thế của Phật giáo, xã hội đã dần được chuyển hóa từ gốc rễ. Xây dựng một xã hội mới trên căn bản kêu gọi thập thiện chính là qua đó Trúc Lâm muốn đưa giáo lý nhập thế, vốn là giáo lý căn bản của đạo Phật, làm căn bản cho nền đạo đức xã hội. Nhập thế theo tinh thần của Trúc Lâm chính là đã kết hợp được hai yếu tính quan trọng của đạo Phật, là từ bi và trí tuệ. Chỉ khi con người có bi tâm thì mới có thể đem tình thương ban rãi, mới thấy được mọi người chỉ có thể gắn kết, gần gũi nhau qua tình thương yêu, từ đó mới thôi thúc con người hành thiện, mới đưa họat động thiện vào cuộc đời. Trên căn bản của việc thực hành hai yếu tính ấy cùng lúc nên đạo và đời trong quan niệm của Trúc Lâm đã nhập làm một,  không còn có sự ngăn ngại. Chính bởi vì khi tư tưởng của đạo được đưa vào đời để thực nghiệm, được hành xử trong đời thì đạo mới hoàn thành được chức năng cao cả của nó. Và cũng chính bởi dựa trên nhận thức ấy mà trong đường hướng lãnh đạo muôn dân, thế quyền và thần quyền đã nhập làm một! Đạo và đời không còn ranh giới! Lãnh đạo giáo hội có lúc là thiền sư, có lúc là vua đã lên làm Thái thượng hoàng. Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm đâu phải ngẫu nhiên đã chọn ngọn núi Yên Tử chỉ để làm nơi tu hành. Chính từ vị thế mang tính chiến lược ấy, việc quan sát để bảo vệ biên cương từ phương Bắc sẽ được thuận lợi hơn.

 

1.3 Tính vô vi  

 

Cùng với việc thể hiện tính nhập thế, đưa đạo vào đời của thiền phái Trúc Lâm thông qua vị vua anh minh, vừa là một thiền sư lỗi lạc, tính vô vi trong Phật giáo thời Trần đã được vận dụng. Không phải ngẫu nhiên mà sau này, khi khai quật nhiều di chỉ khảo cổ thuộc triều đại nhà Trần, ta ít tìm thấy tượng thờ. Lấy tâm làm trọng nên không đặt nặng hình tướng, không thờ tượng cốt. Từ đó, khi tìm hiểu về triều Trần và những thiền sư của giai đoạn ấy, nhiều nhà khoa học đã cho rằng đó là một nền Phật giáo biện tâm. Yếu chỉ của thiền Trúc Lâm chính là đã chỉ rõ: Phật tức tâm. Đó là sự thể hiện giáo lý Phật đà qua câu nói bất hủ của Đức Thích Ca Mâu Ni: “ Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Tinh thần này đã làm rõ tính bình đẳng của đạo Phật. Đó là việc xóa nhòa sự khác biệt về màu da, về giới tính, về giàu nghèo, về việc có đạo hay không theo đạo…để chỉ lấy con người làm mục tiêu cuối cùng, lấy hạnh phúc và sự an lạc của con người làm đích đến. Đạo có mặt vì con người và cho con người. Chỉ khi không còn đặt nặng vào hình tướng, không phân biệt ta-người, không phân chia cao-thấp, sang-hèn, thì khi ấy tư tưởng bình đẳng mới được phát huy trọn vẹn. Chính từ đây, tinh thần Phật giáo mới có thể soi rọi, định hướng cho chính sách cai trị mang màu sắc thân dân và dân chủ! Tinh thần vô ngã đã được các vị vua thời Trần thấm nhuần, và đặc biệt là Trần Nhân Tông, mới có thể làm cho một đấng trị vì muôn dân, đến thăm hỏi và khuyên bảo người dân hành thiện. Và cũng chỉ khi đã rủ bỏ hoàn toàn mọi lôi cuốn về danh vọng và quyền lực, nhà vua mới có thể nhẹ nhàng nhường ngôi cho con, lên làm Thái Thượng Hoàng trong điều kiện vẫn còn sức khỏe và tuổi đời còn khá trẻ. Chỉ có ở thời Trần và chỉ với tinh thần vô vi, không xem trọng hình tướng, coi nhẹ quyền lực đi kèm với những danh và lợi, các vì vua mới thực hiện được tinh thần biện tâm này. Như vậy chính Nhân Tông đã sử dụng tinh hoa của đạo Phật để phục vụ chính trị, đem lại lợi lạc cho nhân sinh. Từ đó, Người đã tạo niềm tin cho con người, cho cộng đồng. Sức mạnh tự tin của cộng đồng tạo nên sức mạnh của một dân tộc.

  

2. Sự kế thừa và phát huy tinh hoa của Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Ba tính chất quan yếu trong tư tưởng và hành động của vua Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là của thiền sư Trúc Lâm, đã tạo nguồn mạch không đứt đọan, thành dòng chảy xuyên suốt hơn nửa thiên niên kỷ qua, thấm nhuần từ Bắc vào Nam.Trong bối cảnh xã hội Nam kỳ giữa thế kỷ 19, đạo Phật Bửu Sơn Kỳ Hương do Đòan Minh Huyên sáng lập đã dựa trên nền tảng vô vi, không hình tướng  của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Những người theo Bửu Sơn Kỳ Hương đã cho rằng “ chú trọng về cư sĩ tại gia và chủ trương chỉnh bị giai đọan nhập thế để tiến đến xuất thế (…) Bửu Sơn Kỳ Hương là hóa thân hay hậu thân của Trúc Lâm Yên Tử”[1]. Với chủ trương Phật tại tâm, Bửu Sơn Kỳ Hương chỉ thờ trần điều làm biểu tượng chính, không thờ tượng cốt, bác bỏ hẳn những điều phiền toái trong nghi lễ.

Thế kỷ 20, thiền sư Thanh Từ đã xiển dương dòng Thiền Trúc Lâm, xây dựng và phát triển dòng mạch ấy đến nay đã được 27 thiền viện trong cả nước[2].

 

Tóm lại, qua tìm hiểu những nét khái quát nhất về những hành xử của vua Trần Nhân Tông cho xã hội và người dân dưới triều đại nhà Trần, có thể thấy rằng, ở Trúc Lâm đầu đà, một thiền sư và Trần Nhân Tông, một vì vua mà lời nói và hành động đã nhập làm một; đạo và đời không bị ngăn ngại. Bằng việc vận dụng tài tình những tinh hoa trong giáo lý đạo Phật, vua đã đưa đạo vào đời để từ đó làm lợi lạc cho chúng sinh, đem lại một xã hội thái bình bằng vào tài trị nước, yên dân; bằng vào việc thực hiện tinh thần “vô ngã, vị tha”, bằng vào việc khuyến thiện và hành thiện.

 

Nhân cách ấy chính là nhân cách lớn của một con người trọng tinh thần nhân bản, đậm yếu tố nhân văn sâu sắc. Nhân cách ấy của một con người đã sống cách chúng ta gần một thiên niên kỷ mà những suy tư, hành động của Người vẫn mãi còn để chúng ta suy ngẫm và noi theo. Vị vua Trần Nhân Tông, vừa là thiền sư Trúc Lâm đầu đà, xứng đáng được gọi là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, bởi cả hai vị trí tối cao trong xã hội ấy, của đạo và đời, Người đã vận dụng, kết hợp để đem lại lợi lạc cho người dân, đồng thời cũng là những chúng sinh của Phật Đà.

 

Kỷ niệm 700 năm ngày mất của Người, không gì ý nghĩa hơn chính là học và hành theo hạnh nguyện và hành xử của Người, nhằm đem lại một xã hội Việt Nam bình đẳng-dân chủ-văn minh trong thế kỷ 21. Phật Hoàng Trần Nhân Tông xứng đáng là một danh nhân văn hóa thế giới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Nguyễn Lang 1974.Việt Nam Phật giáo sử luận. Lá Bối xuất bản.

Thích Đồng Bổn 2006. Vai trò chính trị của các tăng sĩ Phật giáo ở thời đại Lý-Trần. Hà Nội. Nxb Tôn giáo.

Trần Hồng Liên  2004. Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ. Hà Nội. Nxb KHXH.

Vương Kim-Đào Hưng 1966. Bửu Sơn Kỳ Hương. Nxb Long Hoa.

 


 

[1] Vương Kim-Đào Hưng 1966.  Bửu Sơn Kỳ Hương. Long Hoa , tr. 19.

[2]  Có 5 thiền viện ở Hà Nội; 1 thiền viện ở Thanh Hóa; 1thiền viện ở Huế  ; 5 thiền viện ở Bà Rịa-Vũng Tàu; 11 thiền viện ở Đồng Nai; 1 thiền viện ở Đà Lạt; 1 thiền viện ở Vĩnh Long; 1 thiền viện ở Tp.HCM; 1 thiền viện ở Bình Dương. 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/vePhatHoangTranNhanTong.htm

 


Vào mạng: 28-12-2008

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang