Phật giáo, hai từ rất gần gũi đối với bất cứ ai
trên mảnh đất có hình cong chữ S này từ hai ngàn năm qua cho đến bây
giờ và mãi tận ngàn sau. Bởi vì Phật giáo đã hòa quyện cùng dân tộc
như nước với sữa, nên chuyện của dân tộc là chuyện của Phật giáo: “Mái
chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Cho nên khi dân tộc chuyển sang thời hội nhập để phát triển bền vững
cùng thế giới thì vai trò của Phật giáo cũng nâng lên một tầm cao
mới trong cách hành đạo và truyền đạo để cùng dân tộc bước lên đỉnh
cao Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa đất nước.
I.
Nhập thế:
a) Không thụ động, nhập thế là chủ đích bao
đời của đạo lý Phật giáo: Thông
thường, người ta nghĩ đã tu hành là người xuất gia sống một
thế giới riêng biệt, kể cả người theo Phật giáo cũng sống nhàn; tức
là cuộc sống làm ăn càng ngày càng thu hẹp “sống biết đủ”,
bởi đã tu rồi còn gì mà tranh đua với cuộc đời! Đó là quan điểm sai
lệch, Phật giáo không chủ trương sống tiêu cực như thế cho người
Phật tử bao giờ.
Thực tế cho thấy, Tăng sĩ từ ngàn xưa đã trở
thành những vị danh tăng: Vạn Hạnh,
Đỗ Thuận,
Khuông Việt…
mà đặc biệt là sư Vạn Hạnh khi thấy Vua Lê Ngọa triều bạo ngược làm
cho trăm họ oán giận, mong một vua mới có đức, có tài lên trị vì.
Trong bối cảnh đó, sư Vạn Hạnh đã làm các bài thơ cho lan truyền
trong dân gian, như đồng dao:
“Tột Lê trầm Bắc thủy
Lý tử thụ Nam thiên
Tứ phương can qua tĩnh
Bát biểu hạ bình an”.
Dịch nghĩa:
“Gốc Lê chìm bể Bắc
Chồi Lý mọc trời Nam
Bốn phương tan giáo mác
Tám cõi được bình an”.
Đúng như lời bài thơ, năm 1009 Lý Công Uẩn lên
ngôi vua lấy niên hiệu Thuận Thiên. Từ đó mở ra kỷ nguyên mới của
nước Đại Việt.
Điều đó cho thấy rằng, từ ngàn xưa tăng sĩ Việt Nam đã hội nhập theo
từng góc độ và từng thời kỳ. Vào ngày 25/8/1945 đất nước chúng ta
lật sang trang mới chấm dứt chế độ quân chủ chuyển sang xã hội dân
chủ.
Ngày nay, con người hiện đại và nhận thức dân tộc
ở tầm cao mới nên tăng sĩ cũng đã thay đổi cách đóng góp như, giảng
dạy không còn nhận thức trừu tượng mà đã có minh họa theo từng chủ
đề qua băng đĩa, hoặc trình chiếu màn hình rộng, hay giảng thuyết
không còn độc thoại mà đã có nhiều giảng sư tham gia một chủ đề. Như
mấy năm gần đây Phật giáo Kiên Giang đã tiên phong trong lĩnh vực
này rất thành công. Cách tụng niệm cũng dần chuyển tải tiếng
Hán-Việt ra thuần Việt để đáp ứng nhu cầu cho quần chúng Phật tử lên
một tầm cao mới qua nhận thức và tu tập.
b) Sự hòa
quyện giữa đạo và đời: có thể nói khó mà phân biệt được đâu
là đạo lý Phật giáo và đâu là nhận thức của xã hội tự nhiên. Vì vậy,
ngày nay lại được sự phát huy hơn nữa nên Đạo không phải chỉ nơi
Chùa, Tịnh Thất, Niệm Phật Đường…, còn đời không phải chỉ ở nơi quan
trường, chính sự, doanh thương sản nghiệp, gia đình, và cuộc sống.
Hai thứ ấy đã hòa quyện tạo nên một xã hội Việt Nam đặc thù, không
tìm đâu trên thế giới. Ngoài ra, các tôn giáo sống với nhau thoải
mái, thậm chí trong một đình có đến 4 tôn giáo. Điều đó cho thấy dân
tộc Việt Nam luôn biết chọn lọc cái hay cái đẹp, để hướng thiện nhằm
tạo cho mình một đời sống có sự thăng bằng giữa vật chất và tinh
thần.
Đời và đạo có thể được xem như
hai trạng thái có liên hệ mật thiết với nhau trong một thực thể thống
nhất. Đời có thể hình dung như thế giới vật chất hữu hình sinh động
bên ngoài, còn đạo lại bao hàm cảnh giới tâm tinh thần trầm mặc bên
trong nội thể con người. Cho nên, dù là vật chất hay tinh thần đều
không độc lập tách rời nhau, mà phải nhịp nhàng hỗ tương qua lại.
Vì vậy, trong 25 năm qua
Tăng Ni, Phật
tử đã đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng, công tác hoằng
dương chánh pháp phát triển rộng khắp, làm sáng tỏ giáo lý trong
cuộc sống nhân gian; công tác từ thiện xã hội được thực hiện kịp
thời, góp phần tích cực cùng toàn dân giải quyết những vấn đề xã hội,
khắc phục hậu quả thiên tai; quan hệ của Phật giáo trong cộng đồng
thế giới được củng cố và rộng mở.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Những đóng góp
thiết thực của Phật giáo Việt Nam đã chứng tỏ Phật giáo hoàn toàn là
tôn giáo nhập thế, luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần xây dựng
đất nước ngày càng giàu đẹp, đồng thời cũng cho thấy vai trò quan
trọng của đời sống Phật giáo trong đời sống xã hội ngày nay.”
II. Sự phát triển:
a) Cuộc đời là đối tượng độ sinh:
Phật giáo lấy chủ đạo là nhân bản, nên các trường phái và học thuyết
điều xoay quanh đối tượng con người là chính. Cho nên chúng ta có
thể nói giáo pháp của đức Phật là “hiện sinh” nó đúng mọi
hoàn cảnh. Vì vậy, Albert Einstain-một triết gia vĩ đại người Đức
nhận định một cách hùng hồn tiên đoán như sau:
“Tôn giáo của tương
lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt trên mọi thần linh, giáo điều
và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn
thiên nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý phát xuất từ kinh
nghiệm tổng thể gồm mọi phương diện trong cái nhất thể đầy ý nghĩa.
Chỉ có đạo Phật đáp ứng đủ các điều kiện ấy.”
Mặc dù, ông sống ở thế kỷ 20, nhưng thông qua sự
nghiên cứu kinh điển Phật giáo và sự hiểu biết về lĩnh vực Triết học,
Khoa học mà ông đã cống hiến cho nhân loại học thuyết Tương đối, một
sự khám phá đầy ấn tượng, giúp cho con người nhận ra một chân trời
mới về nhận thức!
Điều đó cho chúng ta thấy, sự phát triển của xã hội ngày
nay không thể tách rời Phật giáo. Xã hội nên lấy tiêu chuẩn đạo đức
Phật giáo để làm phương châm cho sự phát triển bền vững. Nhìn lại
những sự cố gần đây cho thấy các công trường xây dựng liên tục xảy
ra tai nạn lao động chết người do vô trách nhiệm. Công trình xây
dựng thì lún sụt và chỉ có đặc biệt ngành giao thông ở nước ta mới
có mấy tấm biển “đang theo dõi lún” tại sao những công trình
vốn nước ngoài xây dựng cầu và các tuyến đường không để bảng chờ lún?
Phải chăng hệ quả rút ruột công trình? Vệ sinh thực phẩm, người kinh
doanh chỉ nghĩ đến làm giàu mà bất chấp mạng sống người tiêu dùng.
Môi trường cũng đang bị suy thối nghiêm trọng, có đến 89% mẫu nước
không đạt.
Thậm chí Hồ Linh Quang, nằm giữa Thành phố Hà Nội đã nhiễm vi khuẩn
không tả do ô nhiễm nghiêm trọng.
Rau xanh dư độc tố… đó là kết quả của bao nhiêu mầm bệnh và sự thất
thoát đang chờ đón người dân. Sự việc cứ liên tục xảy ra hết nới này
đến nơi khác làm nhức nhói chính phủ… Phải chăng, đó chính là do
thiếu ý thức sống cộng đồng, thiếu đạo đức và tầm nhìn trong quản lý
cấp cơ sở.
Ngay cả ngành y xưa nay được tôn trọng và người
ta đã dùng năm chữ vàng để ca ngợi “lương y như từ mẫu”, thế
mà vẫn có những Bác sĩ, Y tá, đã làm thương tổn do vô cảm, và thiếu
phẩm chất đạo đức để xảy ra mất mát bao sinh mạng vì tắc trách…
Có thể nói hiện nay, mọi ngành nghề đều luôn
được báo động về chất lượng nguyên nhân chính vẫn là cái TÂM,
thiếu đạo lý sống từ cái gốc, dĩ nhiên phần ngọn sẽ bị sâu thối!
b) Lấy
tiêu chuẩn đạo đức để làm thước đo cho cuộc sống:
Trong xã hội, đã là con người ai lại
không có nhu cầu, ăn, mặc, ở và điều trị bệnh. Nhưng nhu cầu đó phải
được dựa trên tiêu chí đạo đức thì mới có gia đình hạnh phúc và một
đất nước văn minh hiện đại.
Do đó, để xây dựng một xã hội Việt Nam với khẩu
hiệu “công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”, tức là vững
mạnh về kinh tế, chính trị, quốc phòng, văn hóa, giáo dục… trước
tiên theo đức Phật phải giáo dục con người trước nhất. Bởi chính con
người bao gồm nhiều yếu tố: vật lý, tâm lý, sinh lý, cho đến ý chí
tình cảm và trí tuệ. Cho nên cần phải hội đủ sáu mối tương quan để
xây dựng một xã hội tốt đẹp.
1/ Mối tương quan giữa cha mẹ
2/ Con cái
3/ Thầy và trò
4/ Vợ và chồng;
5/ Cá nhân và bà con láng giềng, bạn bè, chủ
và thợ.
6/ Tu sĩ và cư sĩ.
Điều này cho chúng ta thấy, đức Phật đã tìm ra
con số chung, dù ở Ấn Độ, Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào trên thế
giới này, hễ ở đâu có con người, thì ở đó phải có những mối quan hệ
mật thiết qua sáu yếu tố liên hệ trong một xã hội. Vì vậy cần phải
xây dựng những hạt nhân đó lại trước tiên, nếu không quan tâm đúng
mức thì xã hội phát sinh tiêu cực.
Chúng ta gặp gỡ lời dạy của Ngài qua một bài kinh
khác: “Sở dĩ có người trộm cắp, hung ác, cướp bóc là do họ
nghèo đói… Muốn chấm dứt nạn đó thì phải cải thiện đời sống cho họ,
cấp hạt giống cho người dân, đầu tư cho các thương gia và phải trả
công thích đáng cho người làm thợ. Ngoài ra, còn phải nên thay đổi
chi phí cúng tế thần linh để cứu trợ cho người dân nghèo…”
Như vậy chúng ta thấy cách giải quyết vấn đề của Phật giáo trực quan
sinh động, chuyển hóa bản thân và xã hội, trên cơ sở tự lực của mỗi
người.
Từ đó suy ra, những hiện tượng của xã hội Việt
Nam ngày nói riêng và cả thế giới nói chung, không thể dựa trên
quyền lực, hoặc chính sách thiếu thực tế và luật pháp chưa đi vào
đời sống thì xã hội sẽ đi từ biến động này sang biến động khác.
Giống như giải pháp kẹt xe hiện nay của ngành giao thông, dời điểm
kẹt này sang điểm khác chứ chưa có giải pháp triệt để. Vì vậy, một
chính phủ có giỏi đến đâu đi nữa cũng không thể nào bù đắp nỗi cả
một xã hội đang tiêu xài, vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên, đẩy đất
nước đến căn bệnh lạm phát hiện nay.
Dĩ nhiên ngoài những vấn đề xã hội còn có nhiều mặt khách
quan của những yếu kém nền
kinh tế và trong cơ cấu kinh tế của nước ta bộc lộ sâu sắc hơn trong
điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, tạo ra những thách thức gay gắt
cho việc quản lý và điều hành phát triển kinh tế. Vì
thế vừa qua Chính phủ đã kêu gọi toàn xã hội: “Cơ quan nhà
nước cắt giảm 10% chi tiêu hành chính, doanh nghiệp phải rà soát các
khoản chi nhằm hạ giá thành và phí lưu thông. Mọi gia đình, cá nhân
triệt để tiết kiệm tiêu dùng, nhất là nhiên liệu, năng lượng.”.
Trong khi đó lại có ít bàn tay xây dựng bởi những người có tâm có
tầm. Nếu không sớm đánh giá lại giáo dục, kiên quyết lập lại trật tự
xã hội bằng nền tảng đạo đức dân tộc và đạo lý Phật giáo thì xã hội
vẫn bất ổn. Công cuộc kiềm chế lạm phát lại càng khó khăn hơn, và
biện pháp phòng chống tham nhũng lại là chuyện khó khả thi.
Riêng Phật giáo có thể nói là chịu một phần trách
nhiệm, do không cố vấn cho các ban ngành xã hội hữu hiệu. Các cấp cơ
sở giáo hội chưa thay đổi đủ nhanh trong cách truyền bá giáo lý,
vẫn cứ thuyết giảng độc thoại, vẫn cứ mỗi năm vài lễ hội truyền
thống, và những khóa tu Bát Quan Trai, niệm Phật… chưa đánh giá đúng
mức tầm phát triển chung của xã hội hiện nay. Trong khi xã hội đã
thay da đổi thiệt quá nhanh, thế hệ trẻ đang bị sự đồng hóa của toàn
cầu, bị những loại giải trí bắn giết, bị những cuộc đổ bị của vũ
trường bằng văn hóa ngoại… Những thứ đó đang gặm nhấm thế hệ chủ
nhân của đất nước này trong tương lai. Một khoảng trống quá lớn đang
cần rất nhiều bàn tay vá lại và rất cần những buổi lễ kỳ siêu của
Hòa Thượng Nhất Hạnh, Đại lễ Phật Đản liên hiệp quốc, bộ phim Lý
Công Uẩn hay kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long… Hãy đẩy mạnh hơn nữa
những mô hình xã hội, du lịch tâm linh, lễ hội về nguồn như thế thì
giá trị của 2 khẩu hiệu Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước; và
mái chùa che chở hồn dân tộc hòa quyện như thế mới thật sự là chúng
ta hội nhập cùng thế giới. Chứ nội lực chúng ta hiện nay sau một năm
hòa nhập WTO quả chưa đủ để chơi một sân lớn, không khéo để rồi sẽ
hòa tan như hiện nay là lạm phát. Nếu không sớm thoát ra khỏi vòng
xoáy hiện nay của những cường quốc thì khó có thể đưa đất nước đi
lên. Chứ đừng nói là phát triển bền vững. Nhân trước thềm ngày Đại
Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc, xin hướng về đảnh lễ đức Thế Tôn, và
đoàn thể Tăng già hòa hợp để buổi lễ tình thương và trí tuệ vang mãi
trong mỗi người con Việt chúng ta nhằm đưa đất nước lên tầm cao mới.
-
- Sài
gòn, 05/04/2008
- Bài tham dự
hội thảo
- đại lễ Phật
Đản Liên Hiệp Quốc năm 2008
- của Ban Trị
Sự Phật Giáo Kiên Giang tổ chức.
Thiền sư Pháp Thuận
(914 - 990) Đời thứ 10, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi.
Kinh Thiện Sanh- Kinh Trường Bộ số 16.
Kinh Du Hành số 2- Trường A Hàm I.
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trong phiên họp thường kỳ cuối tháng
3 năm 2008.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/phatgiaoladaoly.htm