-
Mục tiêu công bằng xã hội nhìn từ phong
trào Phật giáo miền Nam năm 1963
-
Lê Cung
Công bằng xã hội đã được Đức Thế Tôn khẳng định như là một quy luật xã
hội, cô đọng lại trong lời dạy nổi tiếng, mang tính vượt thời gian: “Không
có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có đẳng cấp trong giọt nước
mắt cùng mặn”.
Từ khi quy ngưỡng
giáo lý Phật đà cách đây hai ngàn năm, người Phật tử Việt Nam qua bao
thế hệ không chỉ hằng mơ ước mà đã xả thân cho mục tiêu công bằng xã hội,
trong đó phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 được xem như là
một trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất.
Ngay từ khi phong trào bắt đầu (7-5-1963),
Phật giáo Việt Nam đã đặt vấn đề công bằng xã hội một cách cụ thể:
Về mục tiêu: “Bình đẳng và tự do cho tín
ngưỡng Phật giáo (trong phạm vi nhân quyền);
Về đối tượng: “Chỉ phản đối chính sách bất
công, không coi Chính phủ, nhất là không coi Thiên Chúa giáo là kẻ đối
lập”(1).
Từ chủ trương đó, trong cuộc rước Phật từ
chùa Diệu Đế về chùa Từ Đàm (Huế) vào sáng ngày 8-5-1963, Tăng Ni và
Phật tử đã đưa cao các biểu ngữ: “Cờ Phật giáo quốc tế không thể bị
triệt hạ”, “Phật giáo đồ chỉ ủng hộ chính sách bình đẳng tôn giáo”, “Yêu
cầu Chính phủ thi hành chính sách tôn giáo bình đẳng”, “Phản đối chính
sách bất công gian ác”...
Tối 8-5-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm mở
cuộc đàn áp đẫm máu tại Đài Phát thanh Huế làm 8 Phật tử bị thiệt mạng
và nhiều người bị thương. Trước thảm cảnh tang thương đó, ngày
10-5-1963, trong cuộc meeting tại chùa Từ Đàm (Huế), giới lãnh đạo Phật
giáo đã công bố “Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam”,
gồm năm nguyện vọng với nội dung chủ yếu là đòi chính quyền Ngô Đình
Diệm thực thi công bằng xã hội:
“1. Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa
thu hồi vĩnh viễn Công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo.
2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng quy
chế đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong Dụ số
10.
3. Yêu cầu Chính phủ chấm dứt tình trạng
bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.
4. Yêu cầu cho Tăng, tín đồ Phật giáo được
tự do truyền đạo và hành đạo.
5. Yêu cầu Chính phủ đền bồi một cách xứng
đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi
đúng mức”.
Tuyên ngôn khẳng định quyết tâm đấu tranh của
Tăng, tín đồ Phật giáo miền Nam: “Những điểm trên đây là nguyện vọng
tối thiểu và thiết tha nhất của toàn thể Tăng, tín đồ Phật giáo trong cả
nước. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho đến lúc nào những nguyện vọng hợp
lý trên đây được thực hiện”(2).
Tuy nhiên, với bản chất giáo phiệt, chính
quyền Ngô Đình Diệm xem thường trước những yêu sách về công bằng xã hội
mà Phật giáo đòi hỏi và tin rằng mọi phong trào sẽ bị dập tắt. Khi linh
mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế, một người thân tín với
chế độ và gia đình họ Ngô lên tiếng can ngăn: “Chính quyền nên mềm
dẻo, khéo léo hơn một chút”, Giám mục Ngô Đình Thục (anh ruột Diệm)
cai quản địa phận Huế trả lời rằng: “Phong trào quần chúng bất quá
như ngọn lửa rơm, bùng lên, bùng lên một chốc rồi tắt ngay, có chi mà sợ”(3).
Chính sách bạo trị của chính quyền Ngô Đình
Diệm khiến cho phong trào Phật giáo từ Huế nhanh chóng lan rộng ra khắp
miền Nam. Ngày 9-5-1963, tại Sài Gòn, dưới hình thức một “Lá tâm thư”,
gởi toàn thể Tăng, tín đồ, giới lãnh đạo Phật giáo đã vạch trần chính
sách bất công của chính quyền Ngô Đình Diệm trong suốt 9 năm thống trị,
rằng: “Phật tử chúng ta (cả xuất gia và tại gia) có nơi bị chôn sống,
bị vu khống, bị tù đày, bị thiên cư, bị nhục mạ, ngày nay lại thêm cái
tát đau đớn nữa là lá cờ Phật giáo quốc tế - linh hồn của Phật giáo - bị
hủy bỏ ngay ngày kỷ niệm Đấng Giáo chủ của chúng ta, đến nỗi cuộc hy
sinh vì đạo đã phải diễn ra tại Huế”; đồng thời kêu gọi “toàn thể Phật
giáo đồ, không phân biệt xuất gia hay tại gia, người Việt hay ngoại kiều,
hễ ai còn nhiệt huyết vì đạo, chúng ta hãy tự bình tĩnh, luôn luôn muôn
người như một, sẵn sàng bảo vệ đạo, chết vì đạo”(4).
Ngày 14-5-1963, Mặt trận dân tộc giải phóng
miền Nam Việt Nam ra tuyên bố, vạch rõ: “Cuộc đàn áp đẫm máu của
chính quyền phát-xít Mỹ - Diệm đối với đồng bào tay không ngày 8-5 tại
Huế là một hành động tội ác tày trời không thể tha thứ được đối với nhân
dân ta nói chung và đối với đồng bào theo đạo Phật nói riêng… Cuộc đàn
áp đẫm máu lần này đã bóc trần lời của Mỹ - Diệm vẫn thường vỗ ngực tự
xưng là hữu thần, là tôn trọng tự do tín ngưỡng, và nhất định sẽ càng
nung nấu thêm lòng căm thù và chí kiên quyết tiêu diệt chúng của tín đồ
các tôn giáo ở miền Nam Việt Nam”(5).
Ở miền Bắc, xã luận báo Nhân Dân
(15-5-1963) đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Tăng, tín
đồ Phật giáo miền Nam. Bài xã luận viết: “Cuộc đấu tranh của đồng bào
theo đạo Phật và các tầng lớp đồng bào khác ở Huế là một cuộc đấu tranh
chính nghĩa được nhân dân cả nước ủng hộ. Nhân dân miền Bắc vô cùng khâm
phục tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào Huế được sự ủng hộ của
các tầng lớp rộng rãi ở miền Nam. Chúng ta tin chắc rằng cuộc đấu tranh
bền bỉ và anh dũng của đồng bào Huế và toàn thể miền Nam mặc dù trải qua
nhiều khó khăn, gian khổ nhưng nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối
cùng”(6).
Ngày 23-5-1963, để giải thích rõ ràng, cụ thể
năm nguyện vọng, giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam cho công bố bản Phụ
đính của “Bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963”, trong đó khẳng định lại
một lần nữa mục tiêu cuộc vận động: “Tranh đấu cho lý tưởng công bình,
chứ không phải tranh đấu với tư cách một tôn giáo chống một tôn giáo”(7).
Và “để cho những nguyện vọng tối thiểu và hoàn toàn thuộc phạm vi tín
ngưỡng ghi trong bản Tuyên ngôn và bản Phụ đính của chúng tôi được thấu
hiểu và chấp nhận”(8), bằng phương pháp bất bạo động,
Phật giáo tổ chức cuộc tuyệt thực 48 giờ đồng hồ trên khắp miền Nam bắt
đầu từ 14 giờ 30 ngày 30-5-1963.
Chiều ngày 1-6-1963, sau cuộc tuyệt thực 48
giờ đồng hồ của các cấp lãnh đạo Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm
vẫn “án binh bất động” trước các nguyện vọng của Phật giáo, đích
thân Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, người lãnh đạo tối cao cuộc vận động
của Phật giáo Việt Nam, tuyệt thực. Trước lúc bắt đầu tuyệt thực, trong
một diễn từ, Ngài đã vạch trần chính sách áp bức Phật giáo của chính
quyền Ngô Đình Diệm: “Trong một tài liệu chính thức cho công chức học
tập, Tổng thống đã tuyên bố 80% dân tộc là Phật giáo… Ấy vậy mà ngày nay
năm nguyện vọng chân chính của 80% ấy không được đếm xỉa, Phật giáo của
80% ấy coi như không có, không nói với, như thế là cái chính sách bất
công đã gần trở thành chủ trương hủy bỏ Phật giáo”. Vì vậy, đối với Tăng
Ni, "cuộc tuyệt thực này sẽ diễn ra với ý chí một mất một còn đối với
năm nguyện vọng chân chính của Phật giáo Việt Nam”(9).
Ngày 2-6-1963, sinh viên Huế hưởng ứng cuộc
vận động vì mục tiêu công bằng xã hội của Phật giáo. Trong ngày này,
bằng một khẩn điện gởi cho Ngô Đình Diệm, đoàn sinh viên Phật tử Huế và
một số sinh viên Phật tử Sài Gòn có mặt tại Huế yêu cầu Ngô Đình Diệm
mau chóng giải quyết năm nguyện vọng của Phật giáo và “thệ nguyện đem
tánh mạng của mình để hiến cho năm nguyện vọng của Phật giáo liên hệ đến
lý tưởng tự do bình đẳng”(10). “Thệ nguyện” đó đã
biểu hiện cụ thể vào sáng ngày 3-6-1963, khi 500 sinh viên Huế
biểu tình trước Trụ sở “Đại biểu Chính phủ” miền Bắc Trung nguyên
Trung phần mặc cho chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành đàn áp dữ dội.
Trong lúc đó quần chúng Phật tử khắp nơi đổ về chùa Từ Đàm tiếp tục cuộc
đấu tranh, đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm bao vây, phong tỏa bằng những
thủ đoạn hèn hạ như cắt điện nước, không cho tiếp tế thuốc men, lương
thực, thực phẩm.
Tại Sài Gòn, cuộc hội đàm giữa Ủy ban Liên
phái bảo vệ Phật giáo và Ủy ban Liên bộ (của Diệm) không đem lại kết
quả. Chính quyền Ngô Đình Diệm càng trở nên ngoan cố hơn trước những
nguyện vọng của Phật giáo. Cuộc đấu tranh vì mục tiêu công bằng xã hội
của Phật giáo Việt Nam đang đứng trước tình thế “ngàn cân treo đầu
sợi tóc”. Trong tình hình đó, giới lãnh đạo Phật giáo buộc phải chấp
nhận hạnh nguyện tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, bởi lẽ “nếu
kéo quá dài các cuộc rước linh và tuyệt thực một cách nhàm chán thì
phong trào đấu tranh tự nó cũng bị xẹp vì thiếu những hình thức mới mẽ,
gây xúc động mạnh nuôi dưỡng”(11).
Ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã
anh dũng tự thiêu giữa đường phố Sài Gòn trước sự chứng kiến của hàng
chục vạn Tăng Ni, Phật tử cùng nhiều quan sát viên, báo chí quốc tế.
Trong các bút tích để lại, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã nói rõ hạnh
nguyện tự thiêu của Ngài là nhằm đẩy lùi bất công nhằm xây dựng công
bằng xã hội.
“Vì sự bất công tôi thiêu xác
Khói hồn nguyện độ cảnh hàm oan”*.
Hoặc:
“Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác
Tro trắng phẳng san hố bất bình”*.
Đấu tranh vì mục tiêu công bằng xã hội ở Hòa
thượng Thích Quảng Đức chứa đựng một tinh thần vị tha cao cả, rộng lớn
của giáo lý Phật giáo: “Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân
trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng bác ái từ
bi đối với quốc dân, hãy thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để nước
nhà vững yên muôn thuở”(12).
Tinh thần vị tha cao cả của Phật giáo là bất
phân ly với tinh thần dũng mãnh như Hòa thượng Thích Quảng Đức khẳng
định:
“Đã mang danh thể con dòng Thích
Bi, Trí, Hùng sao chẳng đem ra”*.
Ngày 20-7-1963, Thành hội Phật giáo Hà Nội
dựng tháp Ấn Quang tại chùa Hòe Nhai để ghi công đức xả thân hộ pháp của
Hòa thượng Thích Quảng Đức. Bài minh trong tháp đã nhấn mạnh đến hạnh
nguyện của Ngài:
“Bể khổ lấp bằng là đại nguyện
Từ bi bao quản mọi hy sinh”(13).
Vị tha cao cả và dũng mãnh của Phật giáo đã
làm cho “cái chết vô úy của Hòa thượng Quảng Đức là một hồi chuông
cảnh tỉnh cho mọi người, một tiếng gọi đàn cho hàng tứ chúng”(14).
Và “Ảnh của vị Hòa thượng Việt Nam Thích Quảng Đức ngồi trong ngọn
lửa được đăng trên hầu hết các báo khắp năm châu, với những dòng chữ nói
lên sự khâm phục”(15).
Sau cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng
Đức, dường như công bình xã hội xét trên lãnh vực tôn giáo, tín ngưỡng
được chính quyền Ngô Đình Diệm thừa nhận qua việc ký kết Thông cáo chung
với Phật giáo ngày 16-6-1963, trong đó thỏa mãn năm nguyện vọng mà Phật
giáo đã đề ra trong Tuyên ngôn ngày 10-5-1963. Cuộc vận động của Phật
giáo đi vào hòa hoãn, chờ đợi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi Thông
cáo chung. Trong Thông bạch gởi toàn thể Tăng Ni, Phật tử ngày
17-6-1963, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, lãnh đạo tối cao Ủy ban Liên
phái bảo vệ Phật giáo, viết: “Một điều quan trọng mà tất cả Tăng Ni
và Phật tử thắc mắc tự hỏi: Liệu những lời cam kết được ghi trong Thông
cáo này có được thực thi đúng đắn khắp nơi trong nước hay không? Điều đó
còn đợi thời gian trả lời, tuy nhiên chúng ta tin tưởng ở lời tuyên bố
của Tổng thống và Ủy ban Liên bộ, nếu những cam kết không được thực thi
đúng thì đó không phải là trách nhiệm của chúng ta”. Cũng trong
Thông bạch này, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết báo tin cho toàn thể Tăng
Ni, Phật tử biết về những kết quả đạt được trong Thông cáo chung và kêu
gọi họ “hãy trở lại nếp sống bình thường, thành tâm cầu nguyện cho
bản Thông cáo chung, một văn kiện được cam kết long trọng giữa Chính phủ
và Phật giáo được thi hành nghiêm chỉnh”(16).
Sách lược hòa hoãn của giới lãnh đạo Phật
giáo đã làm cho nhiều người “nóng nảy” bất bình. Họ cho rằng giới
lãnh đạo Phật giáo chỉ dừng mục tiêu của phong trào ở việc thỏa mãn năm
nguyện vọng chứ không vươn tới các mục tiêu tự do dân chủ, công bằng xã
hội. Để cho quần chúng khỏi ngộ nhận về mục tiêu của phong trào, trong
lần giải thích về nội dung Thông cáo chung vào ngày 23-6-1963 tại chùa
Xá Lợi (Sài Gòn), giới lãnh đạo Phật giáo đã chỉ ra rằng: “Có người
đi tới chỗ cho rằng các nhà lãnh đạo Phật giáo đã bị mua chuộc”. Về
nguyện vọng của quần chúng, giới lãnh đạo Phật giáo khẳng định: “Có
bình đẳng tôn giáo sẽ có bình đẳng về mọi mặt. Bình đẳng tôn giáo chẳng
phải là thực chất thiết yếu của dân chủ, tự do ư? Phật giáo Việt Nam đã
hiểu rõ nhu cầu của dân tộc và đặt cuộc vận động trong cuộc đấu tranh
của dân tộc”(17).
Về phía chính quyền Ngô Đình Diệm, việc ký
kết Thông cáo chung chỉ là một kế hoãn binh, một sự nhượng bộ tạm thời
để tiến đến một cuộc đàn áp đại quy mô nhằm đè bẹp phong trào Phật giáo.
Điều này được tiết lộ trong một bức Điện mật mang số 1342/VP/TT ngày
19-6-1963 của Văn phòng Phủ Tổng thống đánh đi cho đại biểu Chính phủ
các miền, các Tư lệnh vùng, nguyên văn như sau: “Để tạm thời làm dịu
tình hình và khí thế đấu tranh quá quyết liệt của bọn Tăng Ni và Phật
giáo phản động, Tổng thống và ông Cố vấn ra lệnh phải tạm thời nhún
nhường họ. Một kế hoạch đối phó thích nghi sẽ gửi đến sau. Ngay từ bây
giờ hãy chuẩn bị dư luận cho giai đoạn tấn công mới. Hãy theo dõi điều
tra thanh trừng những phần tử Phật giáo bất mãn và trình thượng cấp kể
cả sĩ quan và công chức cao cấp”(18). Trong cuộc họp với
18 tướng tá vào đầu tháng 7-1963, Ngô Đình Nhu (em ruột Diệm) nói: “Nếu
Chính phủ này không giải quyết vấn đề Phật giáo, nó sẽ bị lật đổ vì một
cuộc đảo chính quân sự”(19). Theo Nhu “bất cứ Chính
phủ nào thay thế Chính phủ này trước hết phải đập tan những người Phật
giáo”(20).
Quan điểm chính trị trên đây của Ngô Đình Nhu
đã dẫn đến những vi phạm Thông cáo chung của chính quyền Ngô Đình Diệm,
nghĩa là công bằng xã hội trên lãnh vực tôn giáo, tín ngưỡng vừa được
thừa nhận bằng văn bản đã bị xé bỏ, khiến phong trào Phật giáo nhanh
chóng phục hồi trở lại. Những cuộc biểu tình, tuyệt thực, văn thư phản
kháng chính quyền Ngô Đình Diệm liên tục diễn ra. Ngày 30-7-1963, nhân
Lễ Chung thất của Hòa thượng Thích Quảng Đức, giới lãnh đạo Phật giáo đã
ra thông bạch vạch rõ thực trạng của xã hội miền Nam dưới chế độ Diệm:
“… sự suy sụp của nền đạo đức dân tộc… nền đạo giáo vẫn bị hăm dọa,
quốc gia lâm vào tình trạng chia rẽ đổ nát, người làm kẻ hưởng, nỗi bất
bình oan khúc không sao kể xiết”(21).
Tiếp theo, ngày 1-8-1963, giới lãnh đạo Phật
giáo đánh điện cho Tổng thống Kennedy, phản đối việc Đại sứ Mỹ Nolting
cho rằng ở “Việt Nam Cộng Hòa” không có kỳ thị tôn giáo. Bức điện
viết: “Thay mặt toàn thể Phật giáo đồ miền Nam Việt Nam, chúng tôi
cực lực phản đối cùng Tổng thống lời tuyên bố của ông Đại sứ Nolting qua
Hãng Thông tấn UPI cho rằng không có kỳ thị tôn giáo và ngược đãi
Phật giáo ở miền Nam Việt Nam.
Chúng tôi nghĩ rằng dân chúng Hoa Kỳ phải
thấu rõ nỗi phẫn uất của Phật giáo đồ đến tám mươi phần trăm dân số.
Lơi tuyên bố của ông Nolting không phù hợp
với sự thật luôn cả với sự hiểu biết và thiện chí của người Hoa Kỳ”(22).
Trong nửa đầu tháng 8-1963 đã có thêm 4 nhà
sư nữa tự thiêu để phản đối sự lật lọng của chính quyền Ngô Đình Diệm
không chịu thi hành Thông cáo chung. Tiếp theo, hầu hết giảng viên Viện
Đại học Huế từ chức và nghỉ việc; trong lúc đó dư luận khắp nơi trên thế
giới, không phân biệt chế độ chính trị đều hướng về cuộc đấu tranh vì
mục tiêu công bằng xã hội của Phật giáo và lên án gay gắt chế độ Ngô
Đình Diệm, một chế độ mà đặc điểm “là hối mại quyền thế, gia đình
trị, tham nhũng, khinh miệt thuộc hạ và tàn nhẫn với những đòi hỏi của
nhân dân”(23).
Để cứu nguy cho chế độ, đêm 20 rạng ngày
21-8-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành “Kế hoạch nước lũ”
tấn công hầu hết các ngôi chùa dùng làm trụ sở đấu tranh, bắt giữ hầu
hết giới lãnh đạo Phật giáo. Bằng hành động dã man này, chế độ Ngô Đình
đã “thực sự giẫm trúng vỏ chuối do Phật giáo quăng ra”, đã
tự chọn cho mình một tuyệt lộ.
Thật vậy, sau “Kế hoạch nước lũ”,
phong trào Phật giáo phát triển sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Những ngày sau 21-8-1963, cả thành phố Sài Gòn rung động, nhiều bộ
trưởng, khoa trưởng, giáo sư đại học từ chức; sinh viên bãi khóa, bỏ
thi. Đầu tháng 9-1963, cuộc vận động lan sang các trường trung học. Học
sinh Sài Gòn bãi khóa, biểu tình, đánh trả sự đàn áp của cảnh sát Diệm.
Nhiều đoàn thể được gấp rút thành lập, nhập cuộc tham gia đấu tranh
chống chính quyền Ngô Đình Diệm, như Đoàn Thanh niên cứu nguy Phật giáo,
Đoàn Thanh niên Quốc Tuệ, Việt Nam Thanh niên Ái quốc đoàn, Thanh niên
Tăng đoàn Việt Nam. Lời kêu gọi của Đoàn Thanh niên Quốc Tuệ viết: “Gia
đình họ Ngô chẳng từ một hành động tàn bạo nào! Chúng bất chấp dư luận,
bất chấp lời phản đối của nhân dân trong nước và thế giới. Chúng đã bị
vinh hoa phú quý che mờ mắt lương tri và không còn lấy một chút đạo đức
sơ đẳng của con người.
Thậm chí phá chùa, bắt sư, xả súng vào các
đoàn biểu tình là một hành động man rợ chưa từng có trong lịch sử loài
người.
Các bạn thanh niên, học sinh và đồng bào!
Giờ phút lịch sử đã điểm.
Tất cả chúng ta hãy kết khối vùng lên, hô to
khẩu hiệu:
"Chiến đấu! Chiến đấu! Quét sạch chế độ bạo
tàn”(24).
Trong điều kiện lưới mật vụ của Diệm giăng ra
dày đặc, phong trào quần chúng chống chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn tiếp
tục diễn ra, như ở Sài Gòn, các bà mẹ đã lấy bong bóng kết theo những
biểu ngữ mang nội dung chống Diệm thả lên không trung; hoặc là những tấm
áp phích hý họa mô tả chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm; hoặc ở
chợ Bến Thành có hình thức thả khỉ mang tên những anh em gia đình họ
Ngô,… Ngày 5-10-1963, nhà sư Thích Quảng Hương tự thiêu trước chợ Bến
Thành. Tất cả cho thấy trước sự khủng bố ác liệt của chính quyền Ngô
Đình Diệm, cuộc vận động vì mục tiêu công bằng xã hội của Phật giáo Việt
Nam vẫn kiên trì, không chịu lùi bước.
Trên bình diện quốc tế, cuộc vận động của
Phật giáo Việt Nam vì mục tiêu công bằng xã hội đã thu hút sự chú ý của
hầu hết mọi quốc gia, mọi tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức tôn
giáo. Ngay cả Mỹ, tác giả của việc thiết kế chính quyền “Việt Nam
Cộng Hòa” cũng phản đối Diệm tấn công chùa. Điều này tỏ rõ trong
Điện văn ngày 24-8-1963 của Nhà Trắng gởi cho Cabodge Lodge, Đại sứ Mỹ
tại Sài Gòn: “Cố vấn Ngô Đình Nhu chịu trách nhiệm về vụ tấn công đàn
áp chùa chiền. Đại sứ Hoa Kỳ phải minh danh: Chính lực lượng đặc biệt
của ông Nhu chứ không phải quân đội tham dự… Hoa Kỳ không thể tha thứ
tình trạng quyền hành nằm trong tay Ngô Đình Nhu. Tổng thống Ngô Đình
Diệm được dành một cơ hội để loại trừ Ngô Đình Nhu và tay chân, phải
thay thế họ bằng những nhân vật quân sự và chính trị có khả năng nhất…
Nếu Tổng thống Diệm còn ngoan cố, thì chúng ta (chính quyền Mỹ) sẽ đi
tới chỗ không thể tiếp tục ủng hộ ông ta nữa. Ông đại sứ có thể loan báo
cùng các vị tư lệnh quân sự liên hệ rằng: Chúng ta sẽ trực tiếp yểm trợ
cho họ trong mọi trường hợp tạm thời gián đoạn của một chính quyền trung
ương”(25). Tới ngày 2-9-1963, Tổng thống Kennedy tuyên
bố: “Bằng việc thay đổi chính sách và thay đổi cả người nữa, có thể
giành được thắng lợi ở Việt Nam” (26).
Về phía Liên Hiệp Quốc, ngày 28-6-1963, lần
đầu tiên bình luận về vụ rắc rối giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình
Diệm, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Uthant cho rằng ông đã yêu cầu Ngô Đình
Diệm “giải quyết vấn đề trong tinh thần hòa bình, công lý và hiểu
biết” (27).
Tới ngày 7-10-1963, trong phiên họp của Đại
hội đồng Liên Hiệp Quốc, đại biểu Sri Lanka đã tố cáo mạnh mẽ chính
quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo miền Nam và vi phạm nhân quyền.
Trong một bài thuyết trình dài, đại biểu Sri Lanka đã nêu lên các điểm
chủ yếu sau:
“Đã từ lâu Phật giáo thế giới quan tâm đến
tình trạng bị bạc đãi của Phật giáo Việt Nam và đã thường xuyên theo dõi
vấn đề này.
Sri Lanka đã cùng với các nước Á, Phi chuẩn
bị kỹ càng trước lúc đưa vụ này ra Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là đã nghe
lời biện hộ của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Họ nêu trách nhiệm của Mỹ và cho rằng nếu Mỹ
không bảo được ông Diệm thì phải cắt viện trợ cho chính thể Diệm và rút
về”(28).
Cũng trong phiên họp này, Đại hội đồng Liên
Hiệp Quốc đồng ý cử một phái đoàn sang miền Nam Việt Nam để điều tra “Vụ
Phật giáo”; và ngày 24-10-1963, Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến miền
Nam. Đây được xem như là điểm nút cuối cùng buộc Mỹ gấp rút thủ tiêu bị
cáo, tức chính quyền Ngô Đình Diệm, mà phải thủ tiêu trước lúc Liên Hiệp
Quốc tái nhóm để xét về tờ trình của phái đoàn điều tra, khiến cho cuộc
đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm nhanh chóng diễn ra. 9 giờ 30
ngày 1-11-1963, Lodge và cả Đô đốc Felt giả vờ ghé thăm Diệm, với ý đồ
cầm chân Diệm trong Dinh Gia Long cho phe đảo chính dễ dàng hành động.
Đúng khi 11 giờ 30, khi Lodge và cả Đô đốc Felt vừa rời Dinh Gia Long,
cuộc đảo chính diễn ra, anh em Diệm - Nhu bị quân đảo chính giết chết.
Chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm sau 9 năm thống trị
miền Nam sụp đổ, cuộc vận động vì mục tiêu công bình xã hội của Phật
giáo Việt Nam năm 1963 kết thúc.
***
Từ cuộc vận động vì mục tiêu công bằng xã hội
của phong trào Phật giáo năm 1963 như đã trình bày ở trên, có thể rút ra
một số nhận thức sau:
Một là,
kết quả cuộc vận động vì mục tiêu công bằng
xã hội của phong trào Phật giáo năm 1963 không chỉ đơn thuần cứu nguy
riêng cho Phật giáo, trên thực tế nó đã góp phần hết sức quan trọng
trong việc phá bỏ cái thảm họa “chín năm máu lửa” dưới chế độ độc
tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm đã tròng lên đầu lên cổ một “nửa
dân tộc Việt Nam”. Lập luận này lý giải tại sao cuộc vận động khởi
đầu từ nhà chùa song đã nhanh chóng vượt khỏi ranh giới đơn thuần tôn
giáo mà hình thành một phong trào yêu nước rộng rãi trong toàn dân, thu
hút hầu hết mọi tầng lớp xã hội tham gia, được sự ủng hộ rộng rãi của dư
luận thế giới, hình thành một sức mạnh tổng hợp để đẩy lùi chế độ bạo
trị Ngô Đình Diệm.
Hai là,
với cuộc vận động vì mục tiêu công bằng xã hội của Phật giáo Việt Nam
1963, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, phương pháp “bất bạo động”
(nắm lấy chân lý mà hành động - Satyagraha) đã được giới lãnh đạo Phật
giáo Việt Nam chọn làm phương pháp đấu tranh. Bất bạo động chủ trương
lấy tình thương xóa bỏ hận thù nên không đánh trước và cũng không đánh
lại kẻ đã đánh mình. Bất bạo động là tự đem chính bản thân mình làm
gương mẫu mà giác ngộ kẻ đã tự cho là thù địch với mình để cho kẻ ấy tự
ý mà từ bỏ mọi tư tưởng và hành động bạo động. Vì thế, bất bạo động đòi
hỏi sẵn sàng “chấp nhận một sự hy sinh đến cùng độ và lấy sự hy sinh
đó để rung chuyển đến tận lòng người chứ không phải rung chuyển chính
sách mà thôi”(29). Chính sự “rung chuyển đến tận lòng
người” ấy mà chế độ bạo trị Ngô Đình Diệm với bản chất độc tài, giáo
trị bị đánh đổ không do chính bàn tay của Phật giáo thực hiện.
Ba là,
cuộc vận động vì mục tiêu công bằng xã hội của Phật giáo Việt Nam 1963
là một sự kiện lịch sử - văn hóa có tầm vóc lớn lao. Đối với chính bản
thân Phật giáo Việt Nam, “có thể nói rằng từ sau thời đại Lý - Trần
đến nay, trong nhiệm vụ phục vụ Dân tộc và Đạo pháp, chưa có sự kiện nào
có quy mô và có tiếng vang rộng lớn như phong trào Phật giáo miền Nam
năm 1963”(30). Đối với đất nước, cuộc vận động “bước
đầu góp phần làm phá sản chính sách can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, tạo đà
cho phong trào cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi trọn vẹn trong Đại
thắng mùa Xuân 1975”(31). Tình hình chính trường và chiến
trường miền Nam sau cuộc đảo chính lật đổ Diệm (1-11-1963) đã chứng minh
cho nhận định này. Vì vậy, phong trào Phật giáo năm 1963 “đã ghi đậm
nét trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam”
(32) là điều không có gì làm chúng ta ngạc nhiên.
(1) Thích
Trí Quang, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, Tuần báo Hải Triều âm,
số 2, ngày 30-4-1964, tr.5. (2) Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật
giáo Việt Nam (10-5-1963). Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài
liệu: SC.04-HS.8352. (3) Cao Văn Luận. Bên dòng lịch sử. Nxb.Trí Dũng,
Sài Gòn, 1972, tr.315. (4) Lê Cung. Phong trào Phật giáo miền Nam Việt
Nam năm 1963 (in lần thứ ba). Nxb.Thuận Hóa, Huế, 2005, tr.168. (5) Trần
Văn Giàu. Miền Nam giữ vững thành đồng, Tập II. Nxb. Khoa học, Hà Nội,
1966, tr.227. (6) Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, Tập II
(1961-1965). Nxb. Sự Thật, Hà Nội, tr.131. (7) Trung tâm lưu trữ Quốc
gia II. Ký hiệu tài liệu: SC.04-HS.8352. (8) Quốc Tuệ. Cuộc đấu tranh
của Phật giáo Việt Nam. Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr.78. (9) Diễn
từ của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam.
Hồ sơ lưu tại chùa Từ Đàm, Huế. (10) Lê Cung, Sđd., tr.188. (11) Nguyễn
Khải. Sư già chùa Thắm và ông Đại tá về hưu. Báo Lao Động, số 24, ngày
25-3-1993. * Dẫn theo các bài kệ của Hòa thượng Thích Quảng Đức viết
trước lúc tự thiêu. (12) Lời nguyện tâm huyết của Hòa thượng Thích Quảng
Đức trước lúc tự thiêu. (13) Thích Bảo Nghiêm. Các thiền sư giúp dân
dựng nước trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Phật học,
số đặc biệt, Tháng 1-1991, tr.55. (14) Diễn từ của Hoà thượng Thích Tịnh
Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, sau lễ hỏa thiêu nhục thân
của Hoà thượng Thích Quảng Đức. Hồ sơ lưu tại chùa Từ Đàm. (15) Trần Văn
Giàu, Sđd., tr.142. (16) Quốc Tuệ, Sđd., tr.143-144. (17) Tâm Phong. Nhớ
lại cuộc vận động của Phật giáo. Tuần báo Hải Triều âm, số 18, ngày
24-8-1963, tr.10. (18) Nam Thanh. Cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam.
Viện Hóa đạo xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr.26. (19) Jerrold Scheter. The
New Face of the Buddha. John Weatherhill, Tokyo, 1967, tr.197. (20)
Jerrold Scheter, Sđd., tr.182, (21) Quốc Tuệ. Công cuộc đấu tranh của
Phật giáo Việt Nam. Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr.202. (22) Hồ sơ
lưu tại chùa Từ Đàm, Huế. (23) Đỗ Đức Thái. Thảm họa Việt Nam (Chính
trường và chiến trường 1954-1975). Nxb. Mùa Thu, Chicago, Illinois,
1985, 118. (24) Quốc Tuệ, sđd., tr.443-444. (25) Kiêm Đạt. Chiến tranh
Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam. Nxb.Đại Nam, Chicago Illinois, USA,
1992, tr. 227-228. (26) Hồng Chuyên. Từ lâu, Mỹ đã chuẩn bị đảo chính
quân sự để thay Diệm. Báo Nhân Dân, ngày 3-11-1963. (27) Tin thế giới về
cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam, ngày 12-7-1963. Hồ sơ lưu tại
chùa Từ Đàm, Huế. (28) Tâm Phong, Nhớ lại cuộc vận động của Phật giáo,
Tuần báo Thiện Mỹ, số 1, ngày 27-10-1964, tr.12. (29) Bản Phụ đính, Tài
liệu đã dẫn. (30) Lê Cung. Về phong trào Phật giáo Sài Gòn năm 1963,
trong “Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM.
Nxb. TP.HCM, 2002, tr.143. (31) Lê Cung. Bàn về “phong trào Phật giáo
miền Nam Việt Nam năm 1963” trong giáo trình “Lịch sử Việt Nam hiện đại”
ở bậc đại học và cao đẳng”. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1 (369),
2007, tr.70. (32) Những Văn kiện chủ yếu của Mặt trận dân tộc giải phóng
miền Nam Việt Nam. Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1964, tr.64.
Nguồn: http://www.giacngo.vn/lichsu/2009/06/17/53C409/
http://buddhismtoday.com/viet/pgvn/su/congbangxahoi.htm