- CÁC
TRƯỜNG HẠ NGÀY XƯA Ở NAM BỘ
Đọc lại TÔNG PHÁI KÝ, ta thấy từ năm Giáp Thìn (1844) ngài Tiên Giác
Hải Tịnh khai mở Trường hương ở Nam bộ. Đây có lẽ là Trường
hương mở đầu của thời cận đại, với ngài Phổ Nguyện chùa Huệ Lâm
là Pháp sư Thiền chủ, Yết-ma Từ Tạng làm Thượng tọa sư.
Đến năm Kỷ Dậu (1853),
Pháp sư Phổ Nguyện theo Phật, Yết-ma Từ Tạng làm Pháp sư Thiền chủ,
hai vị Hoằng Đạo và Trí Thông làm Thượng tọa. Sau đó, nhiều Trường
kỳ Trường hương khác lần lượt mở ra khắp Nam kỳ lục tỉnh.
Sở dĩ gọi là Trường
hương vì có liên quan đến việc tọa hương tham thiền hay niệm Phật
trong thời gian đại chúng vân tập để tu tập theo một thời khóa biểu
nhất định. Dù hành thiền hay niệm Phật đều lấy khoảng thời gian cháy
tàn 01 cây hương làm thời hạn. Tùy theo thời khóa biểu tu tập của từng
nơi mà số tọa hương được quy định nhiều hay ít lần trong ngày. Nếu
tọa hương vào mùa hạ gọi là Kiết hạ. Nếu tọa hương vào mùa đông
thì gọi là Kiết đông.
Đọc TÔNG PHÁI KÝ quyển hạ, ta thấy các chùa có tổ chức “Tọa
thiền chỉ tịnh” như sau :
- Chùa Giác Lâm tọa
tĩnh hương, an cư 2 lần (kiết hạ và kiết
đông).
- Chùa Từ Ân tọa tĩnh hương, an cư 2 lần (kiết hạ và kiết đông).
- Chùa Hội Phước tọa tĩnh hương, an cư 1 lần.
- Chùa Phước Hội tọa tĩnh hương, an cư 1 lần.
- Chùa Sắc Tứ Kiểng Phước tọa tĩnh hương, an
cư 1 lần.
- Chùa An Lạc tọa tĩnh hương, an cư 1 lần.
- Chùa Bảo An tọa tĩnh hương, an cư 1 lần.
- Chùa Sùng Phước tọa tĩnh hương, an cư 1 lần.
Rất tiếc trong sách không ghi năm tháng tọa
hương nên ta không biết đích xác các Trường hương ấy tổ chức năm nào.
2. Các
trường hạ trước 1945 :
- Chùa Giác Lâm
1922
3. Các
trường hạ sau 1945 :
Đến sau 1945, toàn
quốc kháng chiến giành độc lập, rồi chống lại sự đàn áp của thực
dân Pháp. Tình hình chưa ổn định nên mãi đến năm 1954, các trường
hương mới bắt đầu tổ chức lại. Ta có thể ghi nhận như sau :
- Chùa Bảo Quốc
1954
- Chùa Phước Tường
1955
- Chùa Vĩnh Xuân (Tây Ninh)
1956 - 1958
- Chùa Giác Viên
1959
- Chùa Thập Phương (Rạch Giá)
1963
- Chùa Phụng Sơn
1965 - 1966
- Chùa Long Thiền
1967 - 1968
- Chùa Phước Long (Sông Bé)
1969
- Chùa Thiên Phước (Tây Ninh)
1970 - 1971
- Chùa Giác Lâm
1971
- Chùa Giác Ân
1971
- Chùa Phước Long (Bình Dương)
1972
- Chùa Phước Quang (Củ Chi)
1973
- Chùa Sùng Đức
1973
- Chùa Cẩm Phong (Tây Ninh)
1974
4. Những bước
chuẩn bị trước khi khai hương :
Một vị Trụ trì muốn mở
Trường hương tại trú xứ của mình trước hết phải có những bước
chuẩn bị cần thiết :
- Nếu là chùa tương đối có nhiều ruộng đất,
số thu tô ăn đủ hàng trăm người một năm thì không phải dự bị. Nếu
chùa nào có số thu nhập kém, vị Trụ trì phải lo đủ số gạo cho ít nhất
150 người ăn trong 3 tháng.
- Sau phần chuẩn bị lương thực, vị Trụ trì phải
đi cung thỉnh một vị Chủ hương - phần lớn là Hòa thượng. Sau khi cung
thỉnh được vị Chủ hương, vị Trụ trì đương nhiên ở cương vị Hóa
chủ cùng với vị Chủ hương đi cung thỉnh Hòa thượng Chứng minh và Hòa
thượng Thiền chủ.
- Sau khi được Hòa thượng Chứng minh và Thiền
chủ hứa khả, vị Hóa chủ một mặt xúc tiến dựng lập Thiền đường
(Xem mục Thiền đường), một mặt lo vận
động tài chánh cho lễ tạ pháp khi Trường hương hoàn mãn.
Song song với công
tác này, vị Hóa chủ gởi cáo bạch địa điểm và ngày giờ khai mở Trường
hương cho hải nội chư sơn biết. Thông thường khai hương mùa hạ bắt đầu
từ ngày mùng 08/04 đến mùng 08/07 âm lịch.
5. Những Chức
sự trong Thiền đường :
Ngoài vị Hòa thượng chứng
minh hay ban Chứng minh gồm ít nhất ba vị Hòa thượng ra, ban Chức sự trường
hạ gồm có :
- Chủ hương
1 vị
- Thiền chủ
1 vị
- Hóa chủ
1 hoặc nhiều vị
Nếu khai hạ vào
ngày mùng 08/04 thì đại chúng phải tụ họp vào ngày mùng 06 để tối lại
nhóm chúng. Vị Thiền chủ chọn cử một số Chức sự để phụ giúp điều
hành công tác trong chúng. Các chức vụ này gồm có :
- Chánh na
1 vị
Phó na
1 vị
- Chánh chúng
1 vị
Phó chúng 1
vị
- Chánh ký
1 vị
Phó ký
1 vị
- Chánh giám
1 vị
Phó giám
1 vị
- Chánh sự
1 vị
Phó sự
1 vị
- Chánh thị
1 vị
Phó thị
1 vị
- Chánh quán
1 vị
Phó quán
1 vị
- Chánh biện
1 vị
Phó biện
1 vị
* Thiền đường :
Thiền đường là nơi để cho chư tăng cư
trú trong thời gian an cư kiết hạ. Nó được bài trí thích ứng cho việc
thúc liễm thân tâm cũng như hành xử trong các thời khóa tu tập. Thông thường
các chùa không có chúng đông đảo, không có nơi sẵn dành cho Thiền đường,
muốn tổ chức an cư kiết hạ phải dựng tạm một ngôi nhà riêng (đa số
bằng lá). Tùy theo tăng chúng an cư nhiều hay ít mà ngôi nhà có dài ngắn
khác nhau, nhưng trung bình phải ít nhất dài 20m, ngang 7m.
Thiền đường được bố
trí như sau : Gian đầu được ngăn bằng một vách mắt cáo với hai cửa
đi ở hai bên, ở giữa treo một tấm sáo, phía ngoài treo một bảng hai mặt,
một bên đề Chỉ tịnh, một bên đề Phóng tham. Hai bên đối diện an trí
hồng chung và trống lớn sát vách trong, phía ngoài là bàn của Trị nhật
làm việc.
Tăng phòng cũng gọi là nội
thiền. Cách vách mắt cáo một lối đi là bàn thờ Hộ Pháp day mặt trở
vào. Cuối Tăng phòng được ngăn bằng một tấm vách có hai cửa đi. Sát
vách giữa thiết trí một bàn Phật, có bài vị Công Đức Lâm Bồ-tát.
Vì thế bàn này cũng gọi là bàn Công Đức Lâm. Phía sau vách này là giường
ngủ của Thiền chủ, trước mặt Thiền chủ là bàn thờ Tổ. Trước bàn
thờ Tổ một khoảng là bàn để Thiền chủ tiếp chư tăng. Trong phòng
này, góc mặt xa nhất là giường Chánh na, phía góc đối diện là giường
Chánh chúng. Sát vách ngăn với Tăng phòng hai bên cửa phòng trong ngang với
Thiền chủ là giường của hai vị Phó na và Phó chúng. Sát vách Tăng phòng
phía trước ở hai cửa ra vào do hai vị Chánh giám và Chánh sự; về cuối
phòng, bên phải là Chánh ký, bên trái là Phó ký trấn giữ.
SƠ ĐỒ THIỀN ĐƯỜNG
6.
Thanh quy, thời khóa, sự tu học của trường hạ :
Bất cứ một tổ chức
hay một tập hợp nào cũng phải có một số quy định để làm chuẩn mực
điều hòa sinh hoạt. Trường hương cũng có những nội quy riêng, nhằm để
cho đại chúng thúc liễm thân tâm sống trong hòa thuận, tuân hành đúng
phép. Nội quy Trường hương có :
- 22 điều Tẩn quy.
- 18 điều Bất cộng trụ.
- 34 điều trách phạt.
- 32 việc bất tường nên tránh.
- 10 điều phải sám hối.
Trong đây, những điều
phải sám hối là nhẹ nhất, những điều bất tường sẽ bị cảnh cáo
khi mắc phải. Những điều trách phạt tương đối nặng hơn có thể từ
01 đến 21 cây hương. Trong Trường hương, tội nặng nhất là tội Tẩn xuất,
nếu người nào phạm một trong các điều Tẩn quy thì phải phạt đánh bằng
bê trước đại chúng, thâu y bát, rồi đuổi ra khỏi trú xứ an cư. Trên
thực tế, đánh bê phạt chỉ làm pháp “Vá” (dứ dứ) bê trên người
phạm tội mà thôi, nhưng cũng không ai dám nhận, vì cho rằng bị như thế
sẽ điên hoặc khó sống khi ra khỏi chúng. Vì vậy, gặp trường hợp này,
một vị Chức sự nào đó thương tình, xui người phạm tội trốn trước
để khỏi phải thọ hình.
Trường hương với
những kỷ luật khắt khe nhằm sửa đổi tánh hay buông lung của hành giả.
Do đó Trường hương được xem là một nơi đào tạo đủ mọi mặt học
vấn, hạnh kiểm cũng như phép tắc ở tùng lâm. Các hành giả khi mới nhập
chúng lần đầu rất sợ các khoảng trách phạt :
Điều 1 : Đến giờ hành lễ, đại chúng đã vân tập mà
chưa mặc xong y hậu.
Điều 2 : Nằm sấp trên giường.
Điều 3 : Đi ngược chiều hoặc xuyên qua nhà Thiền.
Điều 4 : Bước trái chân khi ra vào tại cửa.
Điều 9 : Ngồi trên đơn khạc nhổ xuống đất hay trên lối
đi.
Điều 10 : Nựng nịu trẻ con.
Do sự dè chừng gìn giữ
cho khỏi trái phạm nên khi đi phải để ý đến từng bước chân cho đúng
phép. Dù hai đơn ngang nhau cũng không được đi tắt, mà phải đi thuận hành
(vòng theo chiều kim đồng hồ) trên đường quy định. Ngay đến khi đại
tiện cũng không được đi tắt. Nếu ra cửa bước chân sai sẽ bị các vị
Phó na, Phó chúng, Chánh giám hay Chánh sự xỏ cây ở giữa hai bước chân
ngăn lại. Người sai phạm phải quỳ 1 cây hương nếu là lần đầu.
Ngoài những giờ
phóng tham xả thiền cho đại chúng ra ngoài vệ sinh lao tác, đại chúng
không được tự ý đi ra khỏi Thiền đường. Ngoài hai thời khóa khuya và
chiều, lên giảng đường nghe kinh, trùng tuyên, cơm cháo cùng đại chúng
đồng đi, tăng chúng không được tự tiện đi lên Chánh điện hoặc bất
cứ nơi nào nếu không có phép. Nếu có phép, vị đó phải được Trị nhật
đưa đi. Ngoài ra, để cho sự an cư được thúc liễm trọn vẹn, tăng chúng
không được đi ra ngoài giới trừ ba trường hợp quan trọng đối với
cha, mẹ hoặc thầy Bổn sư của mình. Trước khi đi phải tác bạch vị
Thiền chủ và đại chúng biết rồi mới ra khỏi giới, nhưng tuyệt đối
không được ở lại đêm.
Đến khi trở về phải
trình với vị Thiền chủ biết rồi vào ở tạm tại phòng Trị nhật
phía ngoài chớ không được nhập vào đơn của nội thiền. Tuy không được
nhập đơn nhưng công vụ thời khóa biểu phải thực hiện đầy đủ. Người
ấy phải ở phòng ngoài sám hối chờ đợi ba ngày để tẩy uế cho hết
mùi trần thế rồi mới được phép vào nội Thiền đường nhập chúng.
Có lẽ vì quy định khắt khe này mà bớt đi sự phóng tâm xuất giới
không ít ở đa số trong hương trường.
Thiền đường là nơi đặc
biệt để cho Thiền chủ và tứ chúng an cư ở, người ngoài không được
đăt chân vào cửa. Ngoại trừ vị Hòa thượng Chứng minh được đi lại
để kiểm tra bất cứ lúc nào ra, vị Chủ hương chỉ được phép vào 1
tháng 2 lần để nguyện hương, còn Hóa chủ cũng không được vào.
Khi vào làm chúng nội của
hương trường, mọi cử chỉ nói năng đều phải dè chừng cho đúng phép,
nếu không thì những sai phạm xảy ra không tránh khỏi chịu quỳ hương trách
phạt. Những người mới nhập chúng lần đầu, mãn mùa an cư ít ai tránh
khỏi vài lần quỳ hương trong ba tháng.
Ví dụ : Chỉ cần thiếu
thận trọng khi làm lễ giao bê (giao ban), để tấm bảng chạm vào bê
thành tiếng hay để bê chạm phải chung bảng phía trên, dù rất nhỏ cũng
bị phạt hương trước đại chúng.
* Thời
khóa trường hương :
Sáng :
2g 40
(Khai bảng nước) Trị nhật tự cúng nước Phật.
3g 00 Trị nhựt lạy 15 lạy.
3g 10 Khai chung thức chúng.
3g 25 Nhắp khánh Đại chúng
đắp y.
3g 30 Đại chúng vân tập lạy 15
lạy.
4g 00 Ngồi thiền.
4g 30 Kinh hành (chuyển trống).
5g 00 Công phu.
6g 30 Cúng cháo. Trị nhựt
nhận ban từ ông Giám.
6g 35 Đại chúng tiểu thực.
8g 30 Lạy thù ân.
9g 00 Lên giảng đường nghe
kinh.
10g 30 Hưu tức.
11g 00 Thọ trai.
11g 30 Kinh hành.
12g 00 An tức.
Trưa :
13g 40
Khai bảng nước thức chúng.
14g 00 Trùng tuyên.
15g 00 Hưu tức.
16g 00 Công phu chiều.
17g 30 Dược thạch.
Chiều :
18g 30
Khai bảng nước. Trị lạy 15 lạy.
18g 45 Nhắp khánh tạ đơn đắp y.
19g 00 Lạy 15 lạy.
19g 30 Tọa thiền.
20g 30 Kinh hành 7 vòng (chuyển trống).
21g 10 Thâu chuông (hạ đơn giải thoát).
22g 00 Đại chúng tái tịnh.
22g 40 Xả già kinh hành.
23g 00 Tịnh độ.
23g 30 Hòa nam (tái tỉnh nếu có).
24g 00 An tức.
Nhìn vào thời khóa
sinh hoạt, ta thấy quả là cả một sự giới bị liên tục. Mỗi ngày nghỉ
ngơi kể cả chập chờn buổi trưa, cộng lại độ 3 giờ là nhiều.
7. Sự
tu học ở Trường hương :
Ngày xưa không có tổ
chức trường lớp, đi nhập hạ hay dự Trường hương coi như là đi học.
Nếu có vị Yết-ma hay Hòa thượng dạy học đều theo dạng gia giáo. Các
ngài dạy Kinh bộ, học liên tục, xong bộ kinh này rồi tiếp đến bộ khác.
Vào Trường hương, thường là mời một vị Pháp sư giảng dạy nên không
ngoài hình thức dạy gia giáo.
Những kinh luật thường
được dạy ở các trường hương xưa chủ yếu là bộ Sa-di Luật Giải. Hết
bộ Luật Giải đến bộ Quy Nguơn, sau cùng mới đến Pháp Bảo Đàn hay
Pháp Hoa. Ba bộ kinh trên nếu gặp vị Pháp sư nào dạy kỹ đôi khi chỉ hết
2 bộ trong khóa hạ.
Có một điều đáng chú
ý là mỗi buổi chiều đều có giờ trùng tuyên nhằm ôn tập những gì đã
học buổi sáng. Chính nhờ giờ trùng tuyên này người dự học thông được
văn cú cũng như nghĩa lý của bài học. Cũng nhờ cách trùng tuyên này mà
có vị mấy mươi năm sau vẫn còn nhớ bộ Sa Di Luật Giải mà mình đã học
ngày trước.
Song song với việc tập
chúng để an cư theo lối cổ truyền, bắt đầu từ năm 1947, từ khi Phật
học đường được thành lập, tăng chúng được vân tập thường trú. Đến
mùa an cư, vẫn tổ chức lễ an cư kiết hạ đều đặn. Thời khóa vẫn tụng
niệm đơn giản, không có phần tán tụng như các chùa cổ truyền nhưng thời
khóa tụng niệm có tăng thêm. Đến mùa an cư, thay vì 4 thời khóa tụng
hàng ngày, nay lại thêm 2 thời nữa thành ra 6 thời tụng niệm. Vị Giám
đốc Phật học đường đương nhiên là Thiền chủ, không phải thỉnh mời,
ngoài những chức vụ công cử thường ngày và luân phiên trị sự không cần
phải công cử thêm bên ngoài.
Lối an cư ở Phật học viện
cũng bắt đầu áp dụng cho các Học viện ni khi thành lập từ năm 1955 trở
về sau.
http://buddhismtoday.com/viet/pgvn/su/truong_ha_Nam_Bo.htm