Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
  
Suy tư sau Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ 6
Thích Giải Hiền

NCS Tiến sỹ Chính sách hành chánh giáo dục


Lần về dự Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 6 vừa qua đã thôi thúc tôi viết lên những tâm tư của du học tăng về Đại hội mà thiết nghĩ những tăng sỹ trẻ cũng sẽ có người cùng ý niệm với tôi.

 

1.      Đã quá lâu mới có được sự kế thừa lẽ ra phải ngay từ đầu, nhưng có vẫn còn hơn không.

 

Qua 6 kỳ đại hội là một khoảng thời gian dài gần 30 năm, đến hôm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới có được Đạo Kỳ và Đạo Ca.

 

Vì sao lá cờ Phật giáo được cả thế giới công nhận mà Giáo hội cho mãi đến tận hôm nay mới dám công nhận, mới dám kế thừa cái di sản mà chư vị tổ sư tiền bối sáng lập nên và thập niên 50 của thế kỷ trước? Nguyên nhân chủ yếu của điều này làm cho cả Tăng đoàn và Giáo hội phải trầm tư suy ngẫm để cho một tương lai của Phật giáo Việt Nam không phải thăng trầm vì thế lực và quan điểm chính trị của thế gian khống chế và chi phối Đạo Pháp quá sâu đến nỗi cái của chúng ta mà lại không dám nhận, đành phải từ chối nó suốt gần 30 năm.

 

Đạo Ca từ nay đã có nên những cuộc lễ của Phật giáo trong cả nước từ bây giờ trở đi, bài Đạo Ca này lúc nào cũng phải được cử lên sau Quốc Ca trong những cuộc lễ hành chánh, hay cử lên độc lập trong những cuộc lễ thuần nghi thức tôn giáo, như bài Tam Bảo Ca lời của Đạo sư Ấn Thuận viết được cử lên trong tất cả các cuộc lễ của các nước theo truyền thống Phật giáo Hán truyền.

 

2.      Hình thức bài trí đại hội:

 

Qua 5 lần đại hội với 25 năm trời, lần đầu tiên các đại biểu mới thấy được 2 lá cờ Phật giáo được tung bay bên ngoài hội trường giữa rừng cờ đỏ phấp phới. Dù chỉ có hai lá cờ khiêm tốn nhưng cũng gợi lên bao cảm xúc với bao người chờ đợi trông mong trong thời gian dài 25 năm qua. Mặc dầu mầu sắc chính trị vẫn còn bao trùm toàn đại hội nhưng hai lá cờ khiêm tốn giữa rừng cờ chính trị rực đỏ trước sân hội trường vẫn là niềm hy vọng cho mỗi ai đang mong mỏi Đạo Pháp chỉ đồng hành với Dân Tộc, nhưng xa lánh vòng lưới oan khiên của thế lực chính trị buộc ràng.

 

Trong những ngày đại hội, trụ sở Trung ương Giáo hội chùa Quán Sứ không bao giờ treo cờ Phật giáo, có thể vì tư tưởng chính trị của vị trụ trì trụ sở Trung ương Giáo hội rất sâu nặng nên đã quyết định không kế thừa lá cờ mà chư tổ đức đại diện là Hòa thượng Tố Liên chùa Quán Sứ là thành viên sáng lập trong lễ thượng cờ năm 1950 tại Colombo. Nhưng từ nay về sau chắc chắn lá cờ Phật giáo sẽ được treo ở trụ sở Giáo hội vì nó đã được chính thức tiếp nhận kế thừa tại Đại hội lần này.

 

Một điều đáng vui nữa là hình thức bài trí tại đại hội lần này rất đáng để các tỉnh thành học theo vì đã phản ảnh được đặc điểm của đại hội Phật giáo khác với đại hội của các đoàn thể chính trị trong nước. Bàn thờ Phật đặt ngay giữa lễ đài là đủ và rất đúng với tinh thần của Đạo Pháp, cũng phản ảnh được điểm khác biệt với các đoàn thể khác trong xã hội. Đây là điều đã dần khẳng định Đạo vào đời nhưng không đồng hóa với cát bụi của cuộc đời, nét thanh cao của Đạo muôn đời phải là chất liệu làm thăng hoa cho đời.

 

3.      Nghi thức lễ suy tôn Pháp Chủ:

 

Pháp Chủ là vị Tăng thống thống nhiếp Giáo hội, ngôi vị cao quý nhất lãnh đạo Phật giáo cả nước. Ngài là vị nắm giữ Pháp quyền tối cao của Phật giáo cả nước, nhưng qua 6 lần đại hội, 3 lần suy tôn ngôi Pháp Chủ mà hình như cả 2 hội đồng lãnh đạo và 2 văn phòng của Trung ương Giáo hội vẫn chưa có được một nghi thức suy tôn đúng mực, nghi lễ suy tôn được tiến hành quá sơ sài và có nhiều lúng túng.

 

Hòa thượng Trưởng ban nghi lễ Trung ương khi bước lên lễ đài cũng không biết phải điều khiển đại hội suy tôn Pháp Chủ theo nghi thức thuần túy Phật giáo hay nghi thức hành chánh. Thiết nghĩ đây là giờ phút linh thiêng nhất của đại hội và Phật giáo cả nước nên Văn phòng Trung ương Giáo hội và Ban nghi lễ phải thống nhất nghi thức suy tôn Pháp Chủ long trọng và linh thiêng nhất, không thể lúng túng và quá sơ sài như lâu nay được. Ngôi vị cao quý nhất phải được tiến hành cùng với nghi thức trang nghiêm nhất như thế mới khế hợp. Có những điều chúng ta cần tinh giản nhưng lại có những điều nếu quá sức tinh giản thì sẽ trở thành hời hợt và thiếu phần trang nghiêm cung kính. Như vậy sẽ trái với lẽ đạo.

 

4.      Cơ cấu tổ chức đại hội:

 

Đại hội phật giáo khác với đại hội của các đoàn thể chính trị trong xã hội do vậy việc sử dụng hình thức cơ cấu của đại hội Đảng, đại hội Đoàn… cho đại hội Phật giáo sẽ không hoàn toàn phù hợp lắm và không phản ảnh được hình thức đặc trưng của nghi lễ tôn giáo trong đại hội. Văn phòng Trung ương Giáo hội cần quy hoạch một cơ cấu hình thức đại hội mang tính đặc thù của Phật giáo mà không nên dập khuôn hoàn toàn nghi thức cơ cấu của đại hội Đảng, đại hội Đoàn… vào trong đại hội Phật giáo như lâu nay vẫn làm.

 

Ví như không nên bố trí hay dùng danh xưng chủ tịch đoàn, thư ký đoàn, kiểm sát đoàn… vì đại hội Phật giáo không tiến hành việc bầu cử, bỏ phiếu nên không cần kiểm tra tư cách đại biểu và tiến hành kiểm phiếu mà chỉ cần thiết trí vị trí bên trên là bàn chứng minh đại hội dành cho Hòa thượng Pháp Chủ và các vị Hòa thượng thành viên thường trực của Hội đồng chứng minh, phía dưới là bàn điều khiển đại hội dành cho Hòa thượng Chủ tịch Hội đổng trị sự và các vị phó chủ tịch Hội đồng trị sự. Phía hai bên là bàn dành cho các vị thư ký thường trực Hội đồng trị sự và Ban xướng ngôn để phụ giúp việc điều khiển đại hội cho các vị Hòa thượng trong bàn điều khiển đại hội. Như vậy sẽ phản ảnh được nét đặc trưng của nghi lễ Phật giáo là nghi thức yết ma trong đại hội.

 

Suy tư vốn dĩ chỉ là những ưu tư của cá nhân mỗi người về một phương diện mà mình quan tâm. Viết lên ưu tư để giãi bày cùng những ai có cùng niềm đồng cảm.

 

Đạo vào đời để làm đẹp cho đời nhưng phải giữ mình trên mọi buộc ràng chính trị thì mới bền vững muôn đời. Đạo pháp và Dân tộc là vĩnh cửu, trường tồn còn chính trị chỉ là thời cuộc điêu linh. Đạo và Dân tộc trường tồn mới có thể làm thăng hoa cho đời và thăng hóa nhân văn cho tư tưởng chính trị và xã hội. Lẽ đạo, lẽ đời hòa hợp nhưng phải phân minh.

 

Đất nước chuyển mình, Đạo Pháp xương minh làm nền tảng để dân tộc vươn lên hòa vào dòng chảy và xu hướng của thời đại. Đất nước giàu về vật chất, người dân sung túc về đời sống tâm linh mới là sự phát triển bền vững cho đất nước quê hương.

 

Kẻ gìn việc nước, người giữ mối đạo phân công hợp tác vì dân tộc và quê hương phải là hướng mới mở ra cho đạo Phật và tăng sỹ Việt Nam trong thời đại mới.

 

Mong lắm thay những suy tư được tiếp nhận và sẻ chia với bao người.

 

 

                                                                                      

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/suytusauDaiHoiPGtoanquoclan6.htm

 


Vào mạng: 28-12-2007

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang