Đại lễ tưởng niệm vua
Trần Nhân Tông đã chính thức diễn ra tại quảng trường Khai hội
Yên Tử, trong không khí trang nghiêm với sự chứng kiến của hơn
40.000 tăng ni, Phật tử.
Đại lễ tưởng niệm
700 năm ngày mất vua Trần Nhân Tông đã đi gần hết quãng đường.
Nếu như tại trai đàn cầu siêu và Hội thảo khoa học về cuộc
đời và sự nghiệp vua Trần Nhân Tông, hàng vạn tăng ni, phật
tử được chứng kiến các nghi lễ về tâm linh, hiểu hơn về công đức
của vua Trần Nhân Tông thì tại đại lễ tưởng niệm hôm nay là dịp họ
được nghiêng mình kính cẩn tưởng nhớ tới vị anh hùng của đất
nước.
7h30 phút, đoàn xe hoa, lễ rước của
tăng ni, phật tử thập phương, đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng
Ninh và dòng họ Trần Việt Nam, đại diện các đền thời Trần triều
đã khởi hành từ chùa Trình tiến về quảng trường khai hội Yên Tử.
Hai bên đường dẫn vào quảng trường khai hội rợp bóng đạo kỳ.
Khoảng 40.000 tăng ni, phật tử thập phương đã có mặt tại đây để
bày tỏ tấm lòng thành kính, tri ân đối với Vua Đời - Vua Đạo
Trần Nhân Tông. Trước khi đại lễ chính thức bắt đầu, những người
dự lễ đã được thưởng thức vở chèo Trần Anh Tông kế nghiệp và
bài múa Lục cúng hoa đăng rực rỡ sắc màu, điệu múa
“báu vật của ca trù” được cho là hình thành dưới thời đại nhà
Trần.
Nghiêng
mình kính cẩn tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.
9h, đại lễ chính thức cử hành với
nghi lễ chào cờ và chào đạo kỳ Phật giáo. Tham dự đại lễ có Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức
Lương, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Phó Chủ tịch nước
Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Phó
pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hoà
thượng Thích Thanh Sam.
Phát biểu khai mạc đại lễ, Hoà thượng
Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội
đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, vua Trần
Nhân Tông là đại diện tiêu biểu cho tinh thần hoà hợp giữa đạo
và đời. Người đã phát huy tinh thần đạo Phật xây dựng một xã hội
thái bình, thịnh trị đồng thời luôn vun bồi, gìn giữ phật pháp
bền vững, xương minh (làm cho hưng thịnh, phát triển rực rỡ),
hướng con người đến với những giá trị chân thiện mỹ, khuyến
khích những việc làm ích đời, lợi đạo. Ở cương vị đứng đầu đất
nước hay nhà tu hành, đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đều có những
đóng góp to lớn. Đồng thời, việc xuất gia tu đạo của đức vua
Trần Nhân Tông cũng làm cho việc chính trị nước nhà trở nên hài
hoà, ổn định, nhân dân được hưởng cảnh ấm no, hạnh phúc.
Trong văn tưởng niệm đức Phật hoàng
Trần Nhân Tông, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Phó chủ tịch kiêm
Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhấn
mạnh, dù thời gian có đi qua hơn 700 năm, không gian có biến
dịch, song công đức, đạo nghiệp của Tổ sư Trần Nhân Tông vẫn còn
sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc và sự nghiệp hộ
quốc an dân, đoàn kết hoà hợp, toàn dân phát huy đạo pháp và dân
tộc Việt Nam.
Trong ngày lễ lớn, cùng với tăng ni,
phật tử Việt Nam, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn nguyện thực hành
giữ gìn tinh thần đoàn kết hoà hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc; nêu
cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và
xã hội, đoàn kết các tôn giáo để cùng tồn tại và phát triển,
thực hiện hữu hiệu phương châm tốt đời đẹp đạo, duy trì truyền
thống dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, đồng thời nhờ
ngoại lực để phát huy đạo giáo và đất nước phồn vinh, văn minh
tiến bộ; tạo dựng một thiên đường, cực lạc tại nhân gian trong
lòng người, bằng triết lý thiền là sống, là tâm từ bi chan chứa
mọi loài, trong kiếp hiện tại và mai sau của trần thế.
“Trần Nhân Tông là một vị anh hùng
dân tộc, danh nhân văn hoá, một triết gia có tâm hồn thi sĩ, một
vị vua anh minh, người đã hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt
đánh tan quân xâm lược hùng mạnh”, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể
thao và Du lịch Lê Tiến Thọ khẳng định.
Theo ông Thọ, tuy chỉ tồn ở nhân gian 50 năm nhưng đức vua, Phật
hoàng Trần Nhân Tông đã để lại tấm gương sáng chói cho muôn đời
sau. “Chúng ta hôm nay tự hào được tiếp nối những bài học còn
nóng hổi tính thời sự trong tư tưỏng của Người, đó là bài học về
sự xả thân vì nghĩa lớn, về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý
chí chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm, việc sử dụng nhân
tài, bảo tồn và phát triển văn hoá Việt Nam…”, ông Thọ nói.
“Những Hội nghị Bình Than (1282), Hội
nghị Diên Hồng (1285) nổi tiếng đã nói lên tư tưởng trọng dân,
tin dân, cố kết nhân dân kiên quyết không chịu khuất phục trước
kẻ thù của người đứng đầu đất nước - một nhân tố cực kỳ quan
trọng đảm bảo cho cuộc kháng chiến thắng lợi”, Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Phú Trọng khẳng định. Theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng,
việc xuất gia tu hành của vua Trần Nhân Tông không chỉ đơn giản
là tìm giải thoát cho cá nhân mà cho cả dân tộc. Khẳng định chân
giá trị tư tưởng hoà hợp, đại đoàn kết dân tộc của đức vua -
Phật hoàng Trần Nhân Tông, Chủ tịch tin tưởng rằng thế hệ hôm
nay sẽ tiếp nối và phát huy tư tưởng đó với tinh thần hộ quốc an
dân để xác lập nên một vị thế mới cho đất nước.
Đại lễ tưởng niệm được kết thúc bằng
lễ dâng hương tưởng niệm đức vua và niệm hương cầu nguyện quốc
thái dân an. 700 quả bóng bay và chim bồ câu được thả lên trời
mang theo ước nguyện hoà bình của nhân dân và tăng ni, phật tử
Việt Nam nối nhau bay cao hơn, xa hơn.
Tối nay, đại lễ tưởng niệm 700 năm
ngày mất Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ được kết thúc bằng lễ cầu
nguyện thế giới hòa bình, quốc thái, dân an.
Đất Việt ghi lại một số hình ảnh buổi đại lễ này:
Đoàn
xe với các biểu tượng Phật giáo tiến về trung tâm Đại lễ.
Đoàn xe hoa, lễ
rước của tăng ni, Phật tử thập phương, đồng bào các dân tộc tỉnh
Quảng Ninh và dòng họ Trần Việt Nam.
Màn nghệ thuật
mở màn.
Chủ tịch Quốc
hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại đại lễ.
Kính cẩn hành
lễ.
Thả bồ câu...
.. và bóng bay nguyện
cầu hòa bình.
Nhà sư ghi lại
những hình ảnh của Phật tử...
Nguồn: http://www.baodatviet.vn