Khi cây Dã hương (thôn
Giã, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) được phong di tích, nhiều
người cho rằng, ông Nguyễn Văn Đề, người trông nom cây hàng chục
năm nay, chính là một phần không thể thiếu của di tích "Cụ cây"
nổi tiếng này.
Ông Đề vốn làm
nghề thợ mộc nhưng dường như ông luôn mặc cảm có tội với rừng,
có tội với thiên nhiên, nên đã bỏ nghề và chuyển ra trông cây cổ
thụ ở chính làng mình.
Nhà ông Đề ở ngay gần cây Dã hương. Ông bảo, đêm, ông thường
ngồi ở đầu hè hút thuốc lào và ngắm trăng suông, trong mùi hương
của cây Dã tỏa ra ngào ngạt. Ông nhớ khi còn nhỏ, ông vẫn cùng
những đứa trẻ trong làng trèo lên cây bắt sáo, bắt chim. Giờ
nghĩ lại, thấy mình thật dại, vì làm thế thật có tội với Cụ cây
quá.
Trải
qua bao biến cố lịch sử nhưng cây Dã hương vẫn xanh tốt.
Ở thôn Giã, tất cả mọi người, từ già
đến trẻ đều gọi cây Dã hương là Cụ. Mà gọi cây dã là Cụ là đúng
rồi. Ông Đề kể, ngày xưa, cụ kỵ của ông đã kể với cố nội của ông
rồi cố nội là kể cho ông, rằng: Từ đời cụ, rồi đời cụ trước đó,
cây dã hương đã có và đã to đẹp lắm. Thậm chí, trong ngọc phả
của thôn còn có ghi giấy trắng mực đen rằng, Vua Cảnh Hưng
(1740-1786) khi đi ngang qua thôn, thấy cây dã hương to, đẹp, đã
sắc phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương”, nghĩa là
cây dã hương lớn nhất nước. Sau này, đã có rất nhiều đoàn khoa
học đến để nghiên cứu và đo tuổi của cụ cây, nhưng họ vẫn chưa
tìm ra độ tuổi chính xác.
Vào những năm kháng chiến chống Mỹ,
ngôi đình nằm kề sát ngay cây Dã là một kho súng đạn. Sau này
hòa bình, kho súng đạn này được dọn đi, nhưng còn để lại rất
nhiều tấm giẻ có thấm dầu mỡ. Trẻ con trong làng hay đem những
tấm giẻ ấy ra gốc cây Dã đốt để sưởi ấm. Năm 1982, chính những
đốm lửa nhỏ của lũ trẻ đốt dưới gốc cây đã gây ra một vụ hỏa
hoạn khủng khiếp, khiến Cụ cây tý nữa thì lâm nguy.
Năm 1989, cây Dã nghìn năm đã được Bộ
Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
công nhận là Di tích văn hóa quốc gia. Sau đó là những dự án
hàng tỷ đồng đã được đổ vào để bảo vệ cho cụ cây. Bây giờ quanh
cây Dã, tường rào, cửa sắt được dựng lên rất đẹp.
Còn ông Đề, không phải trông cây Dã không công nữa, mà ông được
UBND xã ký hẳn cái hợp đồng để việc trông nom cái cây được
chuyên nghiệp hơn trước. Ông bảo: “Chẳng cần xã ký hợp đồng gì,
cũng chẳng cần xã trả mức lương 300.000 đồng mỗi tháng thì tôi
vẫn cứ trông nom cụ cây này nghiêm chỉnh. Ngay cả sau này xã
không ký hợp đồng với tôi nữa thì tôi vẫn cứ làm công việc này…”.
Ông Đề trong
phút trở thành trở thành “hướng dẫn viên” kể về cụ cây nghìn năm
tuổi của làng mình.
Bây giờ, công việc hàng ngày của ông
Đề là không để cho khách leo trèo và có bất cứ hành động gì xâm
phậm đến cây. Hàng ngày, ông còn có nhiệm vụ đun nước để tiếp
những đoàn khách thập phương đến thăm cây và nếu khách có nhu
cầu thì ông sẵn sàng trở thành một “hướng dẫn viên”, kể cho
khách nghe sự tích về cụ cây nghìn năm tuổi của làng mình.
Từ ngày làm nhiệm vụ trông nom cụ cây,
ông Đề đã phải tiếp không biết bao nhiều đoàn khách. Đa phần
khách chỉ đến thăm cây, ngắm cảnh và chụp ảnh, nhưng cũng có người
phá cây dữ lắm.
Ông kể, cách đây mấy tháng, có hai vị khách đặc biệt. Khi mới
đến, họ nhìn trước, nhìn sau, thấy không có người, bèn rút dao
ra định đâm vào thân cây. Thấy vậy, ông ra ngăn lại thì họ bảo,
chỉ xin một ít vỏ cây về để làm… nghiên cứu. Hỏi hai người ở cơ
quan nào và lấy vỏ cây về nghiên cứu làm gì thì họ... phát khùng.
Chỉ đến khi dân làng ra rất đông thì hai thanh niên mới chịu bỏ
đi.
Ông Đề buồn nhất là vào những dịp năm mới hay lễ hội, nhiều
người lại tìm đến để xin lộc bằng cách bẻ một cành. Mà đã bẻ thì
ai cũng muốn bẻ cành to. Vì vậy, vào đêm giao thừa năm nào, ông
Đề cũng đều phải thức trắng, đứng ở chỗ gốc cây mà bảo vệ cho Cụ
khỏi bị dòng người leo trèo, bắc thang, bắc ghế trèo lên… "làm
thịt".
Từ khi được công nhận là di tích, cây
Dã hương nghìn tuổi đã được Sở Văn hóa Bắc Giang và chính quyền
địa phương quan tâm hơn. Mấy năm trước, huyện đã mời các nhà
khoa học của Trung tâm Đa dạng sinh học, trường Đại học Sư phậm
Hà Nội về để nghiên cứu và đưa ra những phương án bảo tồn. Sở
cũng cho người xuống “khám bệnh” và đặt rất nhiều hộp nhử mối,
mọt để bảo vệ cho cây. Vì thế mà cây Dã vẫn xanh tốt và tán xanh
vẫn vươn xa.
Còn với ông Đề, điều đó vừa khiến ông
rất vui, nhưng ông cũng lại rất lo. Bởi Tết rồi, dù ông có thức
trắng như mọi năm thì cụ cây vẫn cứ ít nhiều bị khách thập
phương đến vặt lá, bẻ cành. Điều ấy hẳn khiến Cụ Dã đau mà ông
Đề cũng đau lòng lắm.
Thông tin về cây Dã hương
Cây Dã hương nghìn năm tuổi năm trên địa
phận thôn Giã, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc
Giang. Cây cap 30 m, đường kính 2,59 , chu vi thân chỗ
lớn nhất được 11 m. Cây thuộc chi Cinamomum camphora.
Năm 1989, cây Dã được Bộ Văn hóa - Thông
tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di
tích cấp quốc gia, cùng với đình Viễn Sơn, chùa Phúc âm
tự ở xã Lạng Giang. Từ khi được xếp hạng di tích, xây Dã
được bảo vệ tốt hơn trước kia rất nhiều. |
Nguồn: http://www.baodatviet.vn