Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

Dựng tượng Trần Nhân Tông nhân Đại lễ tưởng niệm

Nhóm phóng viên

"Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông nhằm đánh giá rõ hơn vai trò của vua Trần Nhân Tông trong sự nghiệp giải phóng và đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, sự nghiệp tu hành và ảnh hưởng sâu rộng của thiền phái Trúc Lâm đối với nền văn hóa dân tộc", Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó ban tổ chức đại lễ, cho biết. 

- Xin Thượng tọa cho biết lý do tổ chức đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông?

- Vua Trần Nhân Tông mất đã tròn 700 năm. Trong suốt thời gian đó, đất nước có những thời kỳ chiến tranh, phân ly nên tư tưởng của Người chưa được phát huy hoặc phát huy chưa đúng múc.

Hiện đất nước trong giai đoạn thanh bình và phát triển, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội Phật giáo Việt Nam chủ trì tổ chức đại lễ tưởng niệm từ ngày 25 đến 27/11 tại Quảng Ninh, nhằm ôn lại những giá trị mà đức Phật để lại. Trong khuôn khổ đại lễ sẽ có Hội thảo khoa học đánh giá rõ hơn vai trò của vua Trần Nhân Tông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, sự nghiệp tu hành và tư tưởng vĩ đại của thiền phái Trúc Lâm ảnh hưởng sâu rộng đối với nền văn hóa dân tộc.

Đây cũng là dịp để Tăng ni, phật tử, đồng bào các dân tộc Việt Nam học tập, phát huy tinh thần nhập thế, tinh thần yêu nước của Giáo hội Việt Nam. Tư tưởng “Hòa quang Đồng trân”, “Cư trần làng Đạo” của thiền phái Trúc Lâm luôn là kim chỉ nam trong mọi hoạt động lợi Đạo ích Đời của những người con Phật Việt Nam từ xưa đến nay. Tư tưởng đó đã biến thành phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo Việt Nam hiện nay.

 

 Thượng tọa Thích Thanh Quyết. Ảnh: Viet Nam Net

- Vua Trần Nhân Tông có vị trí và vai trò trong lịch sử như thế nào, thưa Thượng tọa?

- Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông được đánh giá là vị Hoàng đế anh minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa tư tưởng lớn, nhà tu hành chân chính, mẫu mực sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được các thể hệ nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.

Ở độ tuổi 35, đang trong ngôi vị cao nhất, ông đã nhường ngôi lại cho con và lánh về vùng núi Yên Tử (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) xuất gia tu hành. Với tầm nhìn vượt thời đại, vua Nhân Tông đã nhìn thấy trong một xã hội thanh bình, thịnh trị, nhân dân còn cần một đời sống tinh thần, tâm linh ổn định và được khẳng định. Chính vì vậy, ông đã lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Nếu như các tôn giáo khác chủ trương lánh đời thì Trúc Lâm Yên Tử lại đi vào con đường “nhập thế”, đời và đạo gắn kết với dân tộc. Lợi ích dân tộc chính là lợi ích tôn giáo và người lại, sự phát triển của của tôn giáo chính là sự phát triển của quốc gia.

Trong bối cảnh đất nước có nhiều tôn giáo mang màu sắc ngoại lai, thiền phái Trúc Lâm ra đời đã quy tụ hầu hết các giáo phái, pháp môn tu hành của đạo giáo, trở thành một dòng đạo thuần Việt. Chính vì thế, đến nay, về cơ bản, giáo lý của Giáo hội phật giáo Việt Nam vẫn tiếp thu  và đi theo tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Có thể nói, đối với đời sống tâm linh của người Việt, vua Trần Nhân Tông đã có công lớn trong việc tìm cho dân tộc một hướng đi, tư tưởng mới đó là tư tưởng độc lập, chủ quyền ngay trong tôn giáo.

- Tư tưởng của vua Trần Nhân Tông và của Chính phủ hiện nay gặp nhau ở những điểm nào?

- Vào thời vua Trần Nhân Tông, người không chỉ chăm lo cho đất nước thanh bình, thịnh trị người dân có cuộc sống ấm no mà còn tiên phong mở đường tìm ra con đường độc lập về đời sống tâm linh của người Việt.

Trong thời đại ngày nay, Đảng và Nhà nước luôn hướng tới việc chăm lo toàn diện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng và tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ ở nhiều nơi. Đại lễ tưởng niệm lần này và hàng loạt các sự kiện tôn giáo vừa qua đã minh chứng sinh động cho điều đó.

- Công tác tổ chức đang được thực hiện như thế nào?

- Hàng năm, tưởng niệm ngày mất của vua Trần Nhân Tông được tổ chức trong phạm vi núi Yên Tử và một số chùa có liên quan. Đây là lần đầu tiên Chính phủ giao cho Ban tôn giáo Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Viện khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức đại lễ.

Các đơn vị đều đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao. Cho đến thời điểm hiện nay, mọi công tác chuẩn bị  đã hoàn tất và sẵn sàng cho đại lễ.  

 Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử .

- Dự án đúc tượng vua Trần Nhân Tông trong khuôn khổ kỷ niệm 700 ngày mất vua Trần Nhân Tông và 710 năm ngày vua lên núi Yên Tử tu hành được thực hiện ra sao?

- Dự án đúc tượng vua Trần Nhân Tông cơ bản đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cùng Ủy ban tỉnh Quảng Ninh chấp thuận. Chúng tôi đang chuẩn bị nguyên liệu, mẫu dự kiến tổ chức đúc và hoàn thành trong năm 2009 vì đây sẽ là dịp kỷ niệm 710 năm ngày vua Trần Nhân Tông về núi Yên Tử tu hành.

Dự kiến, tượng vua Trần Nhân Tông được làm bằng đồng nguyên chất cao khoảng 10 m, nặng trên 100 tấn và được đặt tại núi An Kỳ Sinh nằm trong thống núi Yên Tử do những người thợ Ý Yên, Nam Định thực hiện.

Tiêu chí bức tượng là đẹp, bền, thẩm mỹ cao đặc biệt giữ được thần thái của người theo nguyên mẫu là bức tượng  bằng đá quý của vua Trần Nhân Tông đặt trong tháp tổ chùa Hoa Yên (Yên Tử). Theo truyền thuyết, bức tượng này do vua Trần Anh Tông tạc đức vua cha năm 1309 sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông mất. Tuy nhiên, pho tượng lớn lại đặt trên núi nên sẽ có những điều chỉnh phù hợp. Những điều chỉnh này sẽ do Hội đồng các nhà khoa học, tâm linh tập trung đóng góp ý kiến.

 

Nguồn: http://www.baodatviet.vn

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/tintuc/dungtuong.htm

 

 


Cập nhật: 05-12-2008

Trở về thư mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang