LTS:
Là một trong những bậc tôn túc dụng công hành trì và nghiên cứu
chuyên sâu về giới luật, HT.Thích Minh Thông (ảnh) vừa
được cung thỉnh làm Tuyên luật sư Đại giới đàn Huệ Lưu PL.2552 -
DL.2008 của BTS THPG TP.HCM. Giác Ngộ đã có buổi tiếp
chuyện Hòa thượng về những vấn đề liên quan đến giới trường, sự
đắc giới và việc vâng giữ giới luật của Tăng Ni trẻ hiện nay.
GN
PV: Khi sắp tịch diệt, Đức Phật đã
khẳng định với hàng đệ tử rằng "Giới luật còn là Phật pháp còn”,
phải chăng Ngài tiên liệu được sự hành trì của người xuất gia ở
tương lai?
- Thực
ra Đức Phật tiên liệu rất nhiều vấn đề trong các kinh luật liên
quan đến giới luật chứ không chỉ riêng câu nói trong kinh Di
Giáo. Có một thời gian, lúc vào trong cung thọ trai nhân lễ
cúng cho vua cha của Ba Tư Nặc, Đức Phật có bảo La Hầu La rửa
bình bát. Khi rửa, La Hầu La làm bình bát rơi và vỡ ra làm năm
phần. Nhân sự kiện này, Đức Phật tiên đoán rằng sau khi Ngài
nhập Niết bàn, giới luật chia ra năm bộ: Thập tụng, Tứ phần, Ngũ
phần, Giải thoát giới và Ma tăng kỳ v.v.... Và sau này Ngài còn
nói đến những vấn đề khác về mười điều phi pháp, về thời mạt
pháp thông qua sự kiện A Nan thất mộng.
HT Thích Minh Thông
-Tuyên luật sư Đại giới đàn Huệ Lưu-2008
Riêng
với câu nói trên, Đức Phật ngoài việc nhắc nhở người xuất gia
xem trọng giới luật vì giới luật vẫn mãi là người thầy vĩ đại,
Ngài còn cho thấy viễn cảnh phạm giới của một bộ phận Tăng Ni.
Đây là một điều có thật và cần phải gióng lên một tiếng chuông
cảnh tỉnh.
-
Hòa thượng nhận xét ra sao về thực trạng hành trì giới luật của
người xuất gia trẻ hiện nay?
- Đa
số Tăng Ni trẻ hiện nay rất ham tu, hiếu học và tha thiết giữ
giới nhưng vẫn thiếu môi trường tốt để nuôi dưỡng điều đó. Qua
đó cho thấy trách nhiệm của chư tôn túc lãnh đạo Giáo hội và
những người đi trước là rất quan trọng. Tôi luôn tha thiết mong
muốn xây dựng lại một giới trường mà ở đó Tăng Ni trẻ phải được
nuôi dưỡng tu tập để khỏi rơi vào cảnh "Tăng ly chúng Tăng tàn..."
mà chư Tổ đã cảnh báo. Ngày xưa có Phật học viện nội trú và đã
làm tốt công tác này, xây dựng cho người xuất gia một đời sống
phạm hạnh đúng chuẩn mực.
l
Phải chăng xã hội hiện đại làm cho người xuất gia trẻ khó nghiêm
trì giới luật?
Hoàn
cảnh của cuộc sống hiện nay làm cho người trẻ có xu hướng chạy
theo học vị mà quên đi giới luật và các nếp sống thiền môn. Do
vậy, muốn vượt qua những cám dỗ, người xuất gia trẻ phải dụng
công hết mực trong tu tập và luôn tâm niệm quay về các khuôn
phép vốn có. Nếu cùng ở trong các tu viện và nơi nội trú tập
trung trẻ thì Tăng Ni sẽ hạn chế rất nhiều điều. Ngoài ra người
xuất gia trẻ cũng cần được dạy điều nào nên giữ miên mật, điều
nào có thể được linh động mà theo thuật ngữ luật: khai, giá, trì,
phạm.
-
Tinh thần của giới luật ngày nay được hiểu như thế nào để phù
hợp với trào lưu xã hội?
-
Trong quyển 22 Bộ luật Ngũ phần, Đức Phật nói rất rõ
những gì mà hiện nay thấy không phù hợp thì có thể lược bỏ đi,
những gì thấy cần thiết thì có thể thêm vào. Nếu hiểu đúng tinh
thần giới luật thì rất thoải mái đối với người hành trì. Có
nhiều quan điểm cần thay đổi giới luật, theo tôi không quan
trọng mà vấn đề hiện nay là phải hiểu cho phù hợp với hoàn cảnh
và xem đó như gương soi của cuộc sống tu tập.
-Đâu
là những yếu tố đảm bảo cho người cầu pháp được đắc giới trong
một giới trường?
- Điều
quan trọng nhất vẫn là làm sao cho vô tác giới thể được phát
sinh. Có ba điều kiện mà bất cứ giới đàn nào cũng phải vun bồi
để minh chứng cho sự thành tựu trong nhiệm vụ thiêng liêng này:
giới sư thanh tịnh, đàn tràng trang nghiêm, giới tử phải thể
hiện sự phát tâm dõng mãnh, khát ngưỡng giới pháp. Một khi trọn
vẹn các phương diện này thì lúc đó vô tác giới thể sẽ hiển hiện
với công năng làm tăng trưởng các điều thiện và dừng các điều ác
(nhậm vận hành thiện, nhậm vận chỉ ác). Còn ngược lại, nếu không
có vô tác giới thể thì bản thể Tỳ kheo sẽ không đủ điều kiện
phát sinh.
Ngoài
ra, cũng cần quan tâm đến các thủ tục trong quá trình truyền
giới. Theo ngài Trí Húc, khi truyền giới Tỳ kheo, có hai điều
không thể sửa được: thứ nhất, chỉ cho tối đa ba giới tử vào một
lần tấn đàn vì nếu 4 giới tử là đã thành Tăng; thứ hai, phải
bạch Tứ yết ma. Đối với truyền giới Sa di thì bao nhiêu giới tử
vào tấn đàn vẫn không sao. Có thể nói đây là một quy định mà
giới sư phải biết rõ.
-
Giới tử cần phải làm những gì sau khi thọ giới?
-
Trong Luật có dạy: thọ - học - hành trì. Do vậy khi thọ giới
xong, tự thân mỗi giới tử cần phải học để biết điều nào là tánh
giới, giá giới mà hành trì cho đúng. Tánh giới là vùng đất chết,
phạm rồi thì không thể cứu được nên tuyệt đối phải giữ. Trong
khi đó giá giới có thể linh động cho phù hợp với những thay đổi
của xã hội. Chúng tôi cũng cần thông tin thêm là sau Đại giới
đàn này, các Tăng Ni trẻ sẽ được giữ lại một tuần để chúng tôi
hướng dẫn những điều cơ bản nhất về giới luật.
-Lời
nhắn nhủ của Hòa thượng đối với các giới tử sắp đăng đàn thọ
giới?
- Tôi
tha thiết mong giới tử đã phát tâm thọ giới cần phải vâng giữ,
xem giới như là một của báu. Chỉ có vâng giữ giới luật mới làm
nên hình ảnh của người xuất gia, đóng góp vào việc xây dựng Giáo
hội nói chung và cho bản thân nói riêng. Đức Phật luôn khẳng
định một khi chư Tăng còn giữ giới luật thì Phật pháp sẽ mãi
trường tồn.
-Chân
thành cảm ơn Hòa thượng!