Chúng
ta đã học hỏi được rất nhiều
từ những gì đã xảy ra cho tu
viện Bát Nhã trong những
tháng vừa qua. Trong những
tuần qua thầy đã nhận được
rất nhiều lá thư của các con
của thầy viết từ tu viện Bát
Nhã. Các con kể thầy nghe đủ
thứ chuyện, nhưng không có
lá thư nào của các con mà
không có câu: “Thầy ơi,
thầy đừng có lo cho các con
nghe thầy.” Câu nói ấy
của các con có nghĩa: Thầy
ơi, các con đang không lo
cho chính các con, mà các
con chỉ sợ thầy đang lo cho
các con thôi. Nếu thầy lo
thì thầy sẽ bệnh và như vậy
thì hỏng hết. Và vì vậy thầy
đã nhắn với các con: Thầy
không đang lo lắng cho các
con đâu, các con đừng lo
lắng cho thầy.
Thân gửi các con của Thầy ở Bát Nhã, Từ Hiếu, và khắp nơi,
Thầy đang ngồi ở thất Ngồi Yên, xóm Thượng, Làng Mai, viết cho các con. Khoá tu mùa Hè ở Mai Thôn rất vui và rất thanh tịnh. Tuy có khó khăn kinh tế trên thế giới, nhưng số người về Làng tu tập trong bốn tuần lễ cũng rất đông, và có thể đông hơn mọi năm. Trẻ em đông đã đành, mà các em thiếu niên (teenagers) từ 12 đến 17 cũng đông lắm. Số lượng những người thanh niên (young adults) từ 18 đến 25 cũng khá đông, và từng lứa tuổi được sinh hoạt chung, pháp đàm chung và ăn cơm chiều chung để có cơ hội trao đổi kinh nghiệm tu học và xây dựng tình bằng hữu. Phong trào Wake Up (Tỉnh Dậy Đi Thôi, Các Bạn Trẻ) cho người trẻ Tây phương đang đi lên một cách mau chóng. Các con có thấy cái áo thun Wake Up chưa? Có rất nhiều em đã về Làng đều đều mỗi năm, đã quen với nếp sống và thực tập ở Làng cho nên đã giúp được rất nhiều cho những em mới được tới lần đầu. Sáng hôm 16.7.09, sư chú Pháp Triển đã bày bán tại xóm Mới lần đầu tiên những chiếc đồng hồ đeo tay có dấu hiệu giây phút hiện tại. Đồng hồ này đã được thầy và các vị xuất gia trẻ ở xóm Thượng vẽ kiểu (design), có nét chữ của thầy: It’s now. Đưa đồng hồ lên xem thì bất cứ lúc nào đồng hồ cũng cho mình biết đây là giây phút hiện tại. Có đồng hồ kiểu nam giới và đồng hồ kiểu nữ giới. Chỉ nội trong ngày hôm ấy, đã có 150 người tới quán sách để thỉnh đồng hồ đeo tay. Có một thiền sinh tắc lưỡi nói: "Đây thật là một ý tưởng tuyệt vời" (This is really a brilliant idea). Ta có thể gọi đồng hồ này là đồng hồ giây phút hiện tại. Sư chú Pháp Triển là một trong hai người xuất gia trẻ giúp thầy thiết kế cho chiếc đồng hồ này. Vị xuất gia trẻ thứ hai giúp thầy là thầy Pháp Chiếu, cũng còn rất trẻ, cuối năm nay sẽ được truyền đăng làm giáo thọ! Chiếc đồng hồ đeo tay It’s now này được sản xuất tại Hoa Kỳ.
Ngày xưa Sư Ông của các con, tổ Thanh Quý, không bao giờ nói với thầy rằng Sư Ông thương thầy và có niềm tin nơi thầy. Cái cách của các bậc tiền bối của chúng ta ngày xưa là như thế. Thương mà nói ra thì có cảm tưởng tình thương ấy mất bớt đi một chút gì linh thiêng. Nhưng thầy cảm nhận được tình thương ấy và niềm tin cậy ấy nơi Sư Ông. Và thầy có rất nhiều hạnh phúc. Không hạnh phúc nào lớn hơn cho một người đệ tử, khi người đệ tử ấy biết mình đang được thầy mình thương yêu và tin cậy. Suốt một đời tu của thầy, thầy được nuôi dưỡng bằng tình thương và lòng tin cậy thầm lặng đó của Sư Ông. Và thầy nghĩ rằng Sư Ông cũng có rất nhiều hạnh phúc khi Sư Ông có những người đệ tử mà Sư Ông có thể đặt hết tình thương và lòng tin cậy của mình vào. Thầy là một người có hạnh phúc lớn, vì thầy có niềm tin nơi các con. Tin vào các con tức là tin vào tương lai. Giả sử mình không tin vào tương lai thì mình có thể sống hạnh phúc được hay không?
Thầy tin là các con có đủ khả năng hiểu, thương và hành xử bất bạo động. Bất cứ trong hoàn cảnh khó khăn nào mà mình giữ được cái nhìn từ bi, và hành xử theo lòng từ ái thì mình sẽ được năng lượng lành che chở, đó là năng lượng của Tam Bảo. Không có sự che chở nào vững chãi và an toàn bằng năng lượng của Tam Bảo, của trí tuệ và từ bi. Cái ngày mà thầy nghe tin họ xông vào cư xá Rừng Phương Bối, quăng liệng đồ đạc và xô ngã những người họ gặp và đi lên lầu ba nơi các con đang ngồi thiền và trì niệm danh hiệu Quan Thế Âm trong tư thế bất động, không hề tìm cách chống trả và phản ứng, là thầy biết các con đã làm được như thầy trông đợi, và không có lý do gì nữa để cho thầy phải lo lắng cho các con.
Thầy không lo lắng cho các con, nhưng rất nhiều người đã lo lắng cho các con, trong nước cũng như ngoài nước, người đồng bào cũng như người nước ngoài, Phật tử cũng như không phải Phật tử. Ba mẹ và gia đình các con lo lắng cho các con đã đành, mà bốn chúng, có trách nhiệm hay không có trách nhiệm trong cơ cấu Giáo Hội cũng lo lắng cho các con. Các sư anh, sư chị và sư em của các con ở mọi đạo tràng trong nước và ngoài nước cũng đều lo lắng cho các con. Và cũng như các con, mọi người cũng đồng thời lo lắng cho thầy. Họ lo rằng thầy đang lo. Mà nếu thầy lo nhiều thì thầy sẽ bệnh. Cứ nói ngay tại đạo tràng Mai Thôn. Các sư anh và sư chị của các con đều nghĩ rằng thầy đang lo lắng rất nhiều cho các con, nhất là trong những ngày dầu sôi lửa bỏng nhất. Những ngày như thế thầy hay ngồi thiền hoặc đi thiền để gửi thêm năng lượng cho các con. Và cũng vào một trong những ngày dầu sôi lửa bỏng nhất ở Bát Nhã thì tất cả các vị xuất gia bốn xóm đã trở về nội viện Phương Khê để dự ngày xuất sĩ. Thấy thầy ngồi bên bờ suối Phương Khê, nét mặt tươi tỉnh, không tỏ vẻ lo lắng gì, họ rất ngạc nhiên và mừng rỡ. Thì ra là mọi người vừa lo cho các con, vừa lo cho thầy. Tội nghiệp quá. Thầy nghe thuật lại vào khuya hôm ấy có mưa giông rất lớn ở Bát Nhã. Ai cũng mừng. Mưa to gió lớn như thế thì người ta không có cơ hội tới hành hung các con được. Mưa to như thế thì ít nhất các con cũng hứng được một ít nước mưa để cầm cự qua ngày. Có một vị thân hữu kể lại cho thầy nghe là vào một trong những ngày dầu sôi lửa bỏng như thế, điện thoại về Bát Nhã vị ấy đã được nghe tiếng cười của các thầy, các sư chú và các sư cô, điều đó làm cho vị thân hữu này rất yên tâm. Thầy nghĩ rằng nếu không có tình huynh đệ, nếu không biết hướng đi và cách hành xử trong những trường hợp khó khăn, nếu không có niềm tin vào con đường của tình thương thì không thể nào duy trì được niềm vui sống và tiếng cười ấy.
Chắc chắn Thượng Tọa Đức Nghi cũng biết rất rõ rằng các con là những người xuất gia chân tu, hành trì giới luật và uy nghi vững chãi. Thầy Đức Nghi cũng có những nỗi khổ tâm của thầy, một mặt muốn thấy những ước vọng riêng của mình và những hứa hẹn của người ta với mình trở nên sự thật, một mặt lại cảm thấy khổ đau ray rứt vì phải hành xử không dễ thương với những người huynh đệ trong đạo của mình. Thầy nghe nói rằng không đêm nào mà thầy Đức Nghi không khóc. Tội nghiệp lắm. Sư phụ Đức Nghi đã nhiều lần nói với các sư anh của các con là sư phụ bị áp lực rất nặng từ bên ngoài. Các vị đệ tử của sư phụ Đức Nghi cũng biết rằng các con là những người hành trì giới luật và uy nghi vững chãi, rằng các con chỉ muốn được tu chứ không hề muốn làm chính trị hoặc chiếm dụng tài sản của ai, nhưng một khi đã lỡ bị guồng máy cuốn đi, các vị ấy đã không thể nào dừng lại được. Các thầy Đồng cũng có những nỗi khổ tâm của họ, chắc chắn quý vị ấy ngủ cũng không ngon mà ăn cũng không ngon. Thầy nghe nói rằng các con luôn luôn đối xử với các thầy Đồng rất lễ phép, không hề chê bai và trách móc, mỗi khi gặp đều chắp tay búp sen, thầy rất mừng. Pháp môn căn bản của mình là đừng để tan vỡ tình huynh đệ và phải chuẩn bị để một ngày mai có thể có sự hàn gắn dễ dàng.
Chân tu không phải chỉ là sự thực tập giới luật và uy nghi trên phương diện hình thức. Nếu không biết quán chiếu, nếu không có những pháp môn tu tập hữu hiệu thì không xử lý được những năng lượng bạo động, sợ hãi, hèn nhát và hận thù trong ta, và khi những năng lượng ấy làm chủ thân tâm thì ta không thể giả bộ trầm tĩnh và bất bạo động được. Thầy đã nghe câu chuyện một sư em trai mới tu chưa được một năm, có học về nghề võ, và năm ngoái vào ngày xảy ra vụ một số thanh niên tới nhà Tâm Ban Đầu khiêng liệng giường chiếu và vật liệu ra ngoài một cách thách thức, đã chịu không nỗi cảnh tượng khiêu khích bạo động kia. Sư chú đang cầm máy quay phim để ghi lại sự việc đang xảy ra thì đã bị một người trong đám thanh niên kia cầm gậy đánh lén từ phía sau lưng và nếu không tránh kịp chắc đã bị vỡ đầu. Sư chú đã lên thưa với vị y chỉ sư: “Xin phép thầy cho con thôi tu. Con không chịu nỗi nữa. Con chỉ cần 15 phút là có thể đánh ngã được tất cả bọn côn đồ ấy. Rồi sau đó nếu cần đi ở tù sáu tháng hay một năm con sẽ đi ở tù. Và ở tù xong, con sẽ đi tu trở lại.” Vị y chỉ sư kia là một vị giáo thọ trẻ, tuổi chưa đến 30, đã nói với sư em của mình: “Này em, đừng gọi những người trẻ kia là bọn côn đồ. Họ cũng là những thanh niên như em, nhưng vì bị thông tin sai lạc nên đang hành xử như thế. Họ nghĩ rằng chúng ta là một bọn côn đồ đã tới đây để chiếm dụng nhà cửa và đất đai. Họ là nạn nhân của những thông tin sai lạc, họ cần được giúp đỡ hơn là bị trừng phạt. Họ không phải là kẻ thù của em đâu. Kẻ thù của em là cơn giận đang chiếm cứ em. Em hãy ngồi xuống đây và bắt đầu thở những hơi thở thật sâu, thật dài, ôm lấy cái giận trong em, nhìn sâu vào bản chất của nó. Nếu em điều phục được cơn giận trong em, nếu em làm phát khởi được cái hiểu và cái thương, em sẽ trở thành tươi mát và trong tương lai em có thể giúp cho nhóm người ấy thấy được rằng những thông tin mà người ta đem tới cho họ là những thông tin sai lạc và họ sẽ không còn hành xử như họ đang hành xử. Bụt đã làm như thế, thầy đã làm như thế và bây giờ em cũng phải làm như thế. Ngồi xuống, ngồi xuống ngay đây và thực tập đi em.” Sư chú đã ngồi xuống thực tập. Những hơi thở đầu lớn như bò rống, rất nặng nề khó khăn, nhưng từ từ sư chú đã dịu xuống và cuối cùng sư chú đã điều phục được tâm của mình. Sau đó mấy hôm sư chú đã nói: “Hú hồn. Nếu hôm ấy con không thực tập, nếu hôm ấy con đã sử dụng bạo động để đáp lại bạo động thì con đã làm hư hoại tấm gương sáng của Bụt và của Thầy, bởi vì Bụt và Thầy không bao giờ hành xử như thế.”
Hiểu, thương và bất bạo động không phải là những đề tài để đàm luận mà là những bài tập để quán chiếu và thực hành. Có những người tu đã hai hoặc ba chục năm mà khi gặp những trường hợp bức xúc và khiêu khích đã không cưỡng lại được cơn giận dữ và sợ hãi và đã đáp ứng lại bằng những hành xử bạo động. Các con tuy có người mới tu có ba bốn năm, có người mới tu có sáu tháng mà đã hành xử được như thế, đó là nhờ các con có pháp môn tu tập cụ thể: nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa được tâm hành bất thiện của mình. Cho nên vì vậy mà các vị ấy mới nhận ra được rằng các con là những người chân tu, và pháp môn thực tập của các con không phải chỉ là “để dành cho kẻ sơ cơ”, hoặc chỉ là “thiền ngoài da” như một số người ưa phán xét. Đó là những pháp môn mà mình phải tin tưởng vào một trăm phần trăm, là chân lý tối hậu của đời mình, trực tiếp do Bụt chỉ dạy trong kinh An Ban Thủ Ý. Thầy thấy rất nhiều các vị tôn túc có chức vụ hay không có chức vụ trong Giáo Hội cũng đã thấy được các con là những người tu trẻ ham tu ham học, đã buông bỏ những ham muốn và lợi danh của cuộc đời để đi theo con đường của kẻ xuất gia chân chính. Các vị ấy biết các con là những người có hành trì giới luật và uy nghi nghiêm túc nên đã hết lòng bảo hộ cho các con, dù khả năng của liệt vị còn hạn hẹp. Thầy nhớ có lần quý vị đã nói rõ trong văn thư: Tu viện Bát Nhã là cơ sở trực thuộc của Giáo Hội, ai tu tập đàng hoàng thì được tiếp tục ở đó, ai phá phách và bạo động thì phải đi. Có lúc bằng văn thư, quý vị tôn túc cũng đã bảo trợ cho các con được an cư dưới sự che chở của các Ngài. Và gần đây, quý vị ấy cũng đã ra lệnh phải chấm dứt những hành vi bạo động, nối lại điện nước cho các con. Quý vị tôn túc làm như thế là đã nhiều lắm rồi, các con biết không? Nếu tình trạng không được như quý ngài mong muốn, đó là vì quyền hạn của các ngài cũng chỉ được giới hạn tới đó, ngoài ra còn phải có những điều kiện khác nữa. Nhưng một khi sự thực đã bung ra thì thiện duyên sẽ bắt đầu được nối kết. Vài ba năm nữa khi thấy sự có mặt của tu viện Bát Nhã không có một mảy may gì nguy hiểm cho an ninh quốc gia mà trái lại còn giúp chấn chỉnh và phục hồi được những giá trị đạo đức, luân lý và văn hoá cho đất nước thì cái ý tưởng kia, cái e sợ kia, cái nghi ngờ kia sẽ tan biến, và chúng ta sẽ được để yên để tiếp tục tu học, giúp đời. Những đạo tràng như Mai Thôn, Lộc Uyển, Bích Nham, Rừng Phong, Trúc Xanh, Sen Búp, Mộc Lan, Vô Ưu v.v… trên thế giới chỉ góp phần vào sự xây dựng đạo đức và an sinh xã hội cho các nước Tây Phương, có nguy hại gì đến an ninh quốc gia của các nước ấy đâu?
Các con có biết rằng bây giờ đây trong nước và trên thế giới ai cũng đã biết tới Bát Nhã và ý thức được những gì đã xảy ra không? Ai cũng thấy được cách hành xử bình tĩnh và bất bạo động của các con, và ai cũng cảm thấy hãnh diện vì các con. Bức hình các con ngồi yên trong tư thế thiền tọa giữa lúc có bạo động và khiêu khích, bức hình ấy đã được chuyền đi rộng rãi và được hàng triệu người xem, như bức hình của Hòa Thượng Quảng Đức năm 1963 không khác. Chúng ta đang được bao nhiêu người tri kỷ che chở và bảo hộ. Thầy biết các con của thầy không lo lắng, và các con biết là thầy cũng không lo lắng. Các con chỉ cần ngồi thật yên bên đó, cũng như thầy và các anh chị em chỉ cần ngồi thật yên bên này, thì thế nào sấm cũng lặng, mây cũng tan. Năng lượng im lặng của chúng ta là năng lượng của hiểu và thương, đây là thứ im lặng hùng tráng, đây cũng là thứ im lặng sấm sét. Trên hình thức, dù mai mốt có xảy ra chuyện thầy trò mình mỗi người ở một nơi, thì chúng ta cũng sẽ luôn luôn còn có nhau. Hạt giống kim cương đã có trong trái tim của mỗi các con; sau này mỗi các con sẽ trở thành một Phương Bối, mỗi các con sẽ trở thành một tu viện Bát Nhã. Sẽ có hàng trăm, hàng ngàn Bát Nhã ở quê nhà và trên thế giới. Điều này đang từ từ trở nên sự thật, có phải không các con? Chúng ta là một tăng thân, chúng ta không phải là một cơ sở vật chất. Để thầy chép xuống đây bài kệ của thiền Sư Tịnh Quang, một thiền Sư Việt Nam sống vào giữa thế kỷ thứ 12 để các con đọc. Bài kệ này nói lên được phong độ tự do và hào hùng của Thiền Sư. Đọc lên mình cảm thấy Thiền Sư cũng nói lên được cảm nghĩ của chính thầy trò mình:
Trên không manh ngói che
Dưới không đất cắm dùi
Người xách gậy tìm lại
Kẻ mặc áo lạ tới
Khi hành động xúc tiếp
Như rồng nhảy đớp mồi.
Các con nên nhớ “mồi” ở đây tức là trái nguyệt cầu mà những con rồng trên mái chùa đang đùa giỡn một cách rất tuyệt diệu.
Nguyên văn chữ Hán:
Thượng vô phiến ngỏa già
Hạ vô trác chùy địa
Hoặc dị phục trực nghệ
Hoặc sách trượng nhi chí
Động chuyển xúc xử gian
Như long dược thôn nhỉ.
Thôi đã đến giờ đi nói pháp thoại. Thầy sẽ viết tiếp cho các con sau.
Thầy của các con
Nhất Hạnh