-
Thiền sư HUỆ LƯU – ĐẠT LÝ (1857 – 1898)
-
Cuộc đời
sự nghiệp-đạo hạnh là một gương sáng cho hậu thế
-
Ban Kiến Đàn HUỆ LƯU PL.2552 - DL.2008
Chân dung Tổ Huệ Lưu thờ
tại Chùa Huê Nghiêm( Thủ Đức)
Thiền sư Huệ
Lưu - Đạt Lý, sinh ngày mùng 1 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (1857) tại
làng Nhựt Tảo, tỉnh Định Tường (nay là xã Nhựt Tảo, huyện Bến Lức, tỉnh
Long An) trong một gia đình nông dân tín mộ đạo Phật. Năm 12 tuổi, ngài
xuất gia thọ giáo tại chùa Giác Viên, tỉnh Gia Định và thủ lễ với Thiền
sư Liễu Khiêm - Hoằng Ân, được pháp húy là Đạt Lý - pháp hiệu Huệ Lưu.
Ngài có chí cầu học và có tâm tu hành nên sớm
thông đạt Kinh, Luật và giỏi chữ Nho.
Năm Kỷ Sửu
(1889), sau khi Thiền sư Liễu Xuân - Minh Chí trụ trì chùa Huê Nghiêm
viên tịch, ngài được cử về kế thế trụ trì, khi ấy ngài được 32 tuổi.
Sau khi tiếp
nhận cương vị trụ trì chùa Huê Nghiêm, ngài đã trùng kiến ngôi Tổ đình
Huê Nghiêm của Tổ sư Thiệt Thoại - Tánh Tường thêm phần trang nghiêm xán
lạn. Trong thời gian này, ngài cũng góp phần sao lục và khắc bản cuốn
"Trường hàng luật nghi”, cũng gọi là "Trưởng hạnh Luật nghi”,
được Thiền sư Hoằng Ân chú giải, in năm Giáp Ngọ (1894). Quyển Tỳ Ni
diễn Nôm có ghi: “Giác Viên lan nhã thiền hòa, Hoằng Ân tỉnh nghĩa,
Hoa Nghiêm thiền viện, Tỳ kheo Huệ Lưu sao lục”. Trong Lời Tựa, Thiền sư
Huệ Lưu có nói Hòa thượng Thiền sư Hoằng Ân giải nghĩa chữ Nôm năm Quý
Hợi (1893) và ngài làm Tựa năm Giáp Ngọ (1894) vào tháng 6, ngày cát
nhật.
Noi theo bước
chân hoằng hóa của Tôn sư Liễu Khiêm - Hoằng Ân, năm 1895, Thiền sư Huệ
Lưu phát nguyện 3 năm vân du hoằng hóa Phật pháp tại miền Lục tỉnh Nam
Bộ (vùng đất Thất Sơn, Châu Đốc, An Giang là nơi ngài thường lui tới),
sống với tư tưởng siêu thoát của đạo Phật, đúng với câu thơ:
Túy thưởng
yên hà thân ngoại cảnh
Lộng thành
sanh diệt vọng trung chân
(Bạn với
khói mây thân ngoại cảnh
Đùa cùng
sanh diệt vọng trong chân)
Ngài đem kiến
thức Phật học của mình mà tùy duyên hóa độ nhơn sanh, hòa mình đồng sự
với mọi hạng người, mọi tầng lớp nhân dân. Trong thời gian vân du, ngài
đã lưu lại cho người dân miền Lục tỉnh nhiều bài thơ, bài vè, bài sám
đầy ý vị, mãi đến hôm nay vẫn còn lưu truyền trong dân gian miền Nam Bộ
(Sám Huệ Lưu, Ông Vãi bán khoai).
Đến năm Đinh
Dậu (1897), ngài trở lại chùa Huê Nghiêm để làm tròn bổn phận "Trụ
Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng” của người xuất gia.
Cuối năm Đinh
Dậu (1897), ngài phát nguyện nhập thất tu thiền.
Đến giờ Tý,
ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1898), ngài phát nguyện thiêu thân
cúng dường Phật Tổ. Đêm ấy ánh hào quang rực chói, khiến thầy dòng quản
lý Tiểu chủng viện Thủ Đức bấy giờ là cha cố người Pháp lấy làm lạ báo
về cho quan Chánh biện (chủ tỉnh) Gia Định sự việc qua đời kỳ lạ của
Thiền sư Huệ Lưu. Quan Chánh biện đích thân cúng viếng giác linh Thiền
sư và khâm phục nhà sư chứng đạo của Phật giáo thật là hiếm có. Đồ chúng
thâu nhặt xá lợi, xây bảo tháp thờ ngài tại khuôn viên chùa Huê Nghiêm.
Ngài trụ thế 42 năm. Cuộc đời của Thiền sư Huệ Lưu - Đạt Lý tuy ngắn
ngủi nhưng sự nghiệp hoằng hóa độ sanh của ngài thật là to lớn biết bao!
Đối với người
xuất gia nhập đạo nơi chốn thiền môn, điều trước tiên là phải học và
tuân thủ bốn cuốn luật là: Tỳ ni, Sa di, Oai nghi, Cảnh sách, gọi
tắt là bốn cuốn “Luật Trường hàng” hay Luật Trưởng hạnh. Đó là tác phẩm
sao lục khắc bản của Thiền sư HUÊ LƯU - ĐẠT LÝ lưu lại cho hậu thế.
Quyển Luật
Trường hàng (trưởng hạnh) là một tập sách căn bản cho người xuất gia
học để tuyển làm Phật, làm Tổ.
Trước đây các
Giới đàn ở Nam Bộ lục tỉnh đều lấy 4 cuốn Luật này làm sách khảo thí cho
giới tử để tuyển chọn bậc tài đức cho chốn tòng lâm.
Năm nay, ngày
16 tháng 10 năm Mậu Tý (2008), THPG TP.Hồ Chí Minh khai mở Đại giới đàn
tại chùa Phổ Quang, mang tên “GIỚI ĐÀN HUÊ LƯU”. Đó cũng là một cách tri
niệm tiền nhân tiền bối Tổ sư, một bậc cao tăng thạc đức, một thiền sư
đã gắn đời mình cho việc hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh, một
thiền sư đã dám hy sinh thân mạng mình để giữ trọn đạo hạnh cao cả. Đó
là tấm gương sáng về đức hạnh, đạo hạnh cho người tu hành, hậu thế noi
theo.
Nguồn: http://www.giacngo.vn
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/tintuc/thiensuHueLuu.htm