Tại Hội thảo khoa học
700 năm ngày mất của Đức Vua Trần Nhân Tông, tổ chức tại Quảng
Ninh, hôm nay, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Ban Trị sự Thành
hội Phật giáo TP HCM, nhận định, Trần Nhân Tông là một hoàng đế
đặc biệt, người có nhiều đóng góp quan trọng trên cả ba lĩnh vực:
dựng nước, giữ nước, mở nước.
Hội thảo thu hút
trên 300 đại biểu là các nhà khoa học, chức sắc, nhà quản lý tôn
giáo, cư sĩ, Phật tử, đại diện các tổ đình thiền phái Trúc Lâm
và dòng họ Trần Việt Nam tham dự.
Hàng trăm người dân thuộc đủ mọi thành phần, dân tộc, lứa tuổi
và đến từ rất nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước đã có mặt
trong khuôn viên khách sạn thương mại Uông Bí, Quảng Ninh, để
theo dõi hội thảo “Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông - cuộc đời
và sự nghiệp” qua màn hình lớn do phòng họp của khách sạn không
đủ sức chứa.
“Sự quan tâm của người dân chứng tỏ
sức hút to lớn của Vua Phật còn nguyên vẹn trong tâm trí người
dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của ngài là đề tài lớn để
con cháu muốn đời sau khám phá, học hỏi”, Hòa thượng Thích Thanh
Tứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo
Việt Nam, Trưởng ban tổ chức đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày mất
của Phật hoàng Trần Nhân Tông, nói.
Các
đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Trung Kiên.
Từ sáng sớm, trên một 100 Phật tử đến
từ Hải Phòng, Bắc Giang có mặt tại thị xã Uông Bí để dự hội thảo.
Dù nhà ở khá gần địa điểm tổ chức nhưng bác Lương Gia Sành, 85
tuổi, ở phường Thanh Sơn, thị xã Uông Bí, cũng tranh thủ đi sớm,
tìm một chỗ ngồi tốt để tập trung lĩnh hội thêm những tư tưởng,
triết lý của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Anh A Nính (Kon Tum) là một trong 46
thành viên của đoàn cồng chiêng Tây Nguyên có cơ duyên được chọn
ra Bắc biểu diễn văn nghệ phục vụ đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày
mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông (diễn ra vào sáng 27/11).
Tranh thủ lúc không tập luyện, anh đến hội thảo để “tìm về cội
nguồn, hiểu hơn về con người của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông,
vị sơ tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”.
Hơn 8h, hội thảo chính thức khai mạc.
Tham dự có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Trương
Quang Được, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa (nay là Ban Tuyên
giáo Trung ương) Nguyễn Khoa Điềm.
Trong lá thư gửi tới hội thảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng
định: Trần Nhân Tông là một vị vua văn võ song toàn, Phật hoàng
có nhiều đóng góp to lớn đối với dân tộc.
Nguyên Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tranh thủ thời gian giải lao đọc báo.
Ảnh:
Đức Huy.
Mở đầu Hội thảo, Thượng tọa Thích Bảo
Nghiêm, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP HCM, mở đầu hội thảo
với nhận định: “Trần Nhân Tông là một hoàng đế đặc biệt, người
có nhiều đóng góp quan trọng trên cả ba lĩnh vực: dựng nước, giữ
nước, mở nước. Song điểm được coi là nổi bật nhất trong sự
nghiệp, cuộc đời Trần Nhân Tông là việc sáng lâp ra phái thiền
Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền của riêng người Việt”.
Theo Thượng tọa, thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp của bốn dòng
thiền đã có mặt ở Việt Nam, thể hiện tinh thần và khả năng đoàn
kết của nó. "Không chỉ là sự kết hợp của các dòng thiền ta còn
có thể thấy giáo lý của thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp giữa
triết học siêu nhiên của Phật giáo với nhân sinh quan của Nho
giáo và vũ trụ quan của Lão giáo, là sự thể hiện tư tưởng tam
giáo đồng nguyên. Đặc biệt, đây là thiền phái đầu tiên do chính vị
hoàng đế đứng đầu một đất nước, từng chiến thắng đội quân hung
hãn nhất thế kỷ 13, sáng lập”, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm phân
tích.
Cũng theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm,
nhắc tới thiền phái Trúc Lâm còn là nhắc tới tinh thần nhập thế
của Phật giáo với tư tưởng hòa quang đồng trần. Đó là: “Phật
giáo của mọi người, không hạn chế trong tăng sĩ cũng như trong
chùa chiền. Ai cũng biện tâm được, không kể xuất gia hay tại gia.
Ở giữa trần tục chứ không cần ở chùa, ở núi vẫn có thể vui với
đạo". Tư tưởng trên làm cho đạo Phật mặc dù có giáo lý cao siêu
thâm diệu nhưng vẫn có nền tảng quần chúng rộng rãi. Điều quan
trọng hơn, sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã góp phần
cổ vũ tinh thần người dân nước Việt về khả năng phát huy những
giá trị văn hóa bản địa, văn hóa truyền thống và mở ra phong
trào Phật học mới.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện
nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng, thời đại nhà Trần có hai
đỉnh cao là tư tưởng Phật giáo và sức mạnh chống giặc ngoại xâm.
Đời vua Trần Nhân Tông (1279-1293), nước Đại Việt hai lần đánh
thắng quân Nguyên. Trong lễ mừng chiến thắng, Trần Nhân Tông ghi
lại hai câu thơ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên
cổ điện kim âu”. Tinh thần Phật giáo Việt Nam đặt “quốc gia
xã tắc lên trên, lấy thân mình dẫn đạo” được hình thành. “Đỉnh
cao của tư tưởng Phật giáo nhập thế đã thể hiện rất rõ ở vị vua
đã đích thân hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông nhưng không
màng danh lợi ở triều đình mà lui về chốn thanh cao để sáng lập
thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đó là giáo phái lớn nhất Việt Nam
tồn tại cho đến ngày này”, tiến sĩ Nguyên khẳng định.
Cũng theo phân tích của ông Nguyên, nhìn từ góc độ chính trị,
quyền lực, bên trong ông Vua Trần Nhân Tông có một ông Phật
nhưng nhìn từ góc độ tôn giáo, bên trong ông Phật có một ông Vua.
Nếu làm vua là nhà chính trị; tu hành là nhà đạo đức thì ở Trần
Nhân Tông là sự hòa quyện cả hai trong một con người vĩ đại.
Từ cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, một hạt nhân tiêu
biểu của triều Trần, tiến sĩ Nguyên khái quát: “Tư tưởng Phật
giáo thời Trần đã đạt đến độ cao siêu để có thể tìm thấy sự dung
hòa với chính trị ở mục đích bảo vệ “quốc gia xã tắc”.
Đến từ xứ sở mặt trời mọc, Giáo sư,
Hòa thượng Yoshimizu Daichi nhận xét: "Trần Nhân Tông là một vị
vua anh minh, sáng suốt, hiền từ, đã ẩn tu trên Yên Tử và trở
thành vị tổ của thiền phái Trúc Lâm mang bản sắc dân tộc Việt
Nam thuần túy".
Nghiên cứu Phật giáo hai nước, vị giáo sư, nhà sư Nhật này đưa
ra một phát hiện khá thú vị: Vua Trần Nhân Tông, người Việt Nam,
sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Pháp Nhiên; người Nhật
Bản sáng lập ra tịnh độ tông Nhật Bản là hai quốc bảo nhân gian,
đã cống hiến cho nhân loại nói chung và Phật giáo nói riêng.
Nguồn: http://www.baodatviet.vn