Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

Trung tâm Văn hoá Phật giáo Bình Dương: công trình thế kỷ 21

Diệu Quang


Ngày 12 tháng 8 năm 2008 (nhằm ngày 12 tháng 7 âm lịch năm Mậu Tý), tại Tổ đình Chùa Hội Khánh đã tổ chức lễ động thổ xây dựng Trung tâm Văn hoá Phật giáo Bình Dương. Đây là công trình lớn, được hình thành bằng tâm huyết và “trí lực, vật lực, tài lực” của nhiều người. Toàn bộ kiến trúc công trình hài hoà với nghệ thuật kiến trúc cổ của tổng thể tổ đình chùa.  Đặc biệt là tượng Phật Thích ca nhập Niết bàn nằm dài 52m, là một trong những tượng Phật dài nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay. Tượng Đức Phật nằm ẩn hiện trong khu rừng Dầu và Sao gợi cho khách thập phương hình ảnh Phật Thích ca nhập Việt (chết) trong rừng Tala Song Thọ cách đây trên 2500 năm. Nói về công trình, TT Thích Huệ Thông cho biết “Công trình hoàn thành sẽ góp phần làm cho tổng thể không gian Khu di tích văn hoá lịch sử Tổ đình chùa Hội Khánh càng thêm rộng lớn, trang nghiêm và tráng lệ”.

Trung tâm Văn hoá Phật giáo Bình Dương được ra đời từ ý tưởng nào, thưa TT?

Bình Dương là một tỉnh có nền kinh tế phát triển mạnh trong khu vực. Nhưng đến nay, các tu sĩ, tăng, ni trẻ của Bình Dương muốn tham gia các khoá Phật học phải đến TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu. Điều đó làm trăn trở cho những người có tâm huyết với sự phát triển của Phật giáo tỉnh nhà. Nói đúng ra, Bình Dương từng có một khoá đào tạo Phật học đầu tiên, niên khoá 1995-2000 tại Tổ  đình chùa Hội Khánh. Nhưng sau khoá học đó, việc giảng dạy đã không được tiếp tục do một số khó khăn khách quan và điều kiện về cơ sở vật chất chưa đủ tầm của một ngôi trường. Trung tâm Văn hoá Phật giáo Bình Dương hoàn thành vừa là nơi để đào tạo các khoá học về Phật giáo dành cho tất cả các tăng, ni, phật tử và những người có mong muốn tìm hiểu về Phật học, vừa là nơi sinh hoạt Phật giáo.

Xin TT cho biết đôi nét về trung tâm?

Tổng thể công trình là 1.200 m2 , nằm trong tổng diện tích trên 13.000 m2 khu đất của tổ đình chùa, bao gồm nhiều hạng mục. Ở trung tâm là Trường trung cấp Phật học, hai bên tả, hữu là nhà truyền thống Phật giáo và thư viện. Nhà truyền thống là nơi để ghi lại công lao của các bậc hoà thượng tiền nhân từ lúc Phật giáo có mặt ở Bình Dương cho đến nay và ghi lại công lao của các vị hoà thượng đối với hai cuộc kháng chiến, giúp cho thế hệ kế thừa hiểu, gìn giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống của cha ông. Thư viện quy tụ nhiều đầu sách tam tạng kinh điển và các quyển sách mang tính nghiên cứu cho những ai muốn tìm hiểu nghiên cứu về lịch sử Phật giáo. Khuôn viên được bao bọc bởi những dãy cây Sao và cây Dầu (5 năm tuổi).

Tượng Phật Thích ca dài 52m nằm trên nóc mái tầng trệt thể hiện một sự sáng tạo vô cùng ấn tượng và độc đáo, TT có thể nói về tượng Phật?

 Tượng Phật Thích ca dài 52m nằm trên nóc mái tầng trệt, cách mặt đất 24m, có thể xem đây như là một sự đột phá táo bạo trong ý tưởng. Số 52 biểu tượng cho 52 quả vị (Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác và Diệu Giác) để tu chứng thành Phật. Ngoài ra còn có 52 vị chúng sinh ở khắp nơi thấy ánh sáng Phật mà đến dự Pháp hội Niết Bàn và 52 phẩm vật dâng cúng Đức phật trong hội Niết Bàn. Cho đến thời điểm này, đây là một trong những tượng Phật nằm dài nhất ở Việt Nam . Tượng Phật nằm nghiêng trong tư thế kiết tường. Từ bờ vai phải qua bờ vai trái của Đức Phật cao 11m. Phần trong của Đức Phật là không gian rất rộng, có thể dùng làm một ngôi chánh điện để thờ phượng. Phần bệ nơi Phật nằm sẽ được trang trí các phù điêu, tái hiện lại lịch sử Đức Phật từ Đản sinh đến nhập Niết bàn.

Với kiểu kiến trúc rất đẹp nhưng cũng rất khó này, kết cấu của công trình đã được thiết kế như thế nào, thưa TT?

Để bảo đảm sự bền bỉ và chắc chắn của lối kiến trúc độc đáo này, tất cả các trụ cột đều được ép cọc bê tông. Tổng số ép cọc là 200 tim, chiều dài của mỗi tim là 16m, đường kính của cọc là 25×25cm, mỗi một tim có khả năng chịu lực 70 tấn. Số cột công trình là 90 cột, mỗi 1 cột có 4 cọc móng, mỗi cọc dài 16m. Cột lớn nhất đường kính 50cm, chiều cao của nền móng 1,5m từ vạch sân đến nền. Từ mặt nền đến mặt sân thượng là 6,3m. Hoa văn kiến trúc được thiết kế theo lối cổ, hợp với tổng thể kiến trúc của chùa. Cầu thang bờ rộng là 8m, ở giữa cầu thang là sân khấu có thể tổ chức những buổi lễ không gian ngoài trời. Mái nhà cong theo kiến trúc chùa Việt Nam , sử dụng ngói âm dương màu xanh lợp mái hài hoà với cảnh trí thiên nhiên.

Được biết, trước đây phần đất xây dựng trung tâm thuộc diện giải toả đền bù cho dự án thế kỷ 21, thưa TT?

Đất của chùa trước năm 1975 là 4ha. Trong chiến tranh chùa đã nhường đất nơi đây cho một số dân tảng cư từ nhiều nơi về đất Phú Cường sinh sống và 28 ha ruộng ở xã An Tây, Bến Cát được hiến cho cách mạng lấy làm huê lợi nuôi quân trong 2 cuộc kháng chiến. Hiện nay tổng thể diện tích Tổ đình chùa Hội Khánh còn lại 2 ha , khuôn viên bảo vệ di tích khoảng 9.000 m2 , trên 14.000 m2 chùa phối hợp với kiểm lâm thị xã trồng tràm và cây lâu năm. Năm 2007, 1,3 ha đất xây dựng Trung tâm nằm trong quy hoạch của dự án thế kỷ 21. Trăn trở với kiến trúc hiện đại sẽ phá vở không gian kiến trúc nghệ thuật cổ của ngôi chùa có niên đại gần 3 thế kỷ nên chúng tôi đã gửi đơn đến UBND tỉnh đề nghị giữ lại phần đất của chùa và đã được chấp thuận.

Việc tạo tượng Phật có tầm quan trọng như thế nào, thưa TT?

Tạo tượng Phật được xem là giai đoạn vô cùng quan trọng, mang tính quyết định cho một pho tượng “có thần”. Cặp mắt Đức Phật phải thể hiện được sự thiền vị, gương mặt vô ngã, vị tha, phong thái thoát tục của một đấng giác ngộ từ bi. Để làm được điều này, đòi hỏi người nghệ nhân ngoài trình độ chuyên môn phải có một tâm hồn cảm nhận sâu sắc về Đức Phật.

Tại sao toàn bộ kiến trúc công trình lại mang những giá trị nghệ thuật cổ, thưa TT?

Tổ đình chùa Hội Khánh còn lưu giữ những giá trị nghệ thuật kiến trúc của một ngôi chùa cổ và góp phần to lớn trong hai cuộc kháng chiến. Toàn bộ kiến trúc công trình mang nét cổ để hài hoà với tổng thế kiến trúc của chùa. Công trình hoàn thành sẽ góp phần làm cho tổng thể không gian Khu di tích văn hoá lịch sử Tổ đình chùa Hội Khánh càng thêm rộng lớn, trang nghiêm và tráng lệ. Tổng kinh phí cho công trình dự kiến trên 10 tỷ đồng. Trung tâm Văn hoá Phật giáo Bình Dương có thể xem là công trình văn hoá lịch sử của thế kỷ 21 và muốn hoàn thành công trình theo đúng như dự kiến đòi hỏi tâm huyết, sự đóng góp tích cực từ “trí lực, vật lực, tài lực” của nhiều người.

Xin cảm ơn TT và kính chúc TT  Sức khoẻ và An Lạc!

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/tintuc/trungtamvanhoabinhduong.htm

 

 


Cập nhật: 09-02-2009

Trở về thư mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang