Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

VỊ MINH QUÂN VÀ THIỀN SƯ VĨ ĐẠI CỦA VIỆT NAM

Tường thuật Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn

Thích Nhật Từ


PHẦN I: NGHI LỄ TÂM LINH

Sáng ngày 27-11-08 (nhằm mùng 1-11-Mậu Tý), lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khoảng 40.000 Tăng Ni cả nước đã có mặt tại núi rừng Yên Tử, mảnh đất thiêng liêng đã khai sinh thiền phái Trúc Lâm, đậm đà bản sắc Việt, để dự quốc lễ Phật giáo, tưởng niệm 700 năm ngày mất của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua anh minh và thiền sư lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam.

Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UB tỉnh Quảng Ninh phối hợp nhịp nhàng trong việc tổ chức đại lễ dưới bốn sắc thái: 1) Nghi lễ tâm linh với các trai đàn cầu siêu; 2) Hội thảo khoa học, nhằm đánh giá các đóng góp to lớn của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước và xây dựng, phát triển Phật giáo Việt Nam, 3) Đại lễ tưởng niệm nhằm thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, 4) Lễ cầu nguyện thế giới hoà bình, quốc thái dân an.

Sau đại lễ tưởng niệm này, Giáo hội Phật giáo sẽ kiến nghị Chính phủ lấy ngày mất của Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1-11-1308, Âm lịch) làm ngày Quốc giỗ của Phật giáo Việt Nam hàng năm, đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ văn hóa, bộ ngoại giao cùng các cơ quan, các tổ chức khoa học trong nước lập hồ sơ, thực hiện các thủ tục, đề nghị UNESCO tôn vinh đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông là “Nhà Văn hóa Thế giới”, nhằm tôn vinh hiền tài, như cha ông ta đã dạy.

Chương trình đại lễ tưởng niệm diễn ra trong ba ngày, từ ngày 25-27/11/2008 (nhằm 28-29/10 và 01-11 Mậu Tý). Ngày đầu và ngày cuối được nối kết bằng chuỗi các sự kiện văn hóa và tâm linh. Ngày thứ hai là hội thảo và văn nghệ chèo về Thái sư Trần Thủ Độ.

Trọn ngày 25/11/08, hàng loạt các lễ dâng hương đã diễn ra ở các địa điểm khác nhau tại tỉnh Quảng Ninh. Buổi sáng, Ban Trị Sự Phật giáo Quảng Ninh đã làm lễ dâng hương tại đền An Sinh, nơi thờ 8 vị vua Trần. Sau đó, Ban tổ chức tiến hành lễ giổ Tổ tại đền Quỳnh Lâm, Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam (cả hai địa điểm đều ở Đông Triều, Quảng Ninh).

Buổi chiều, hai lễ dâng hương khác được diễn ra tại tháp Tổ, chùa Hoa Yên và Am Ngoạ Vân, Yên Tử, để tưởng niệm lịch đại tổ sư của thiền phái Trúc Lâm. Chiều tối cùng ngày, quý đại biểu thưởng ngoạn Triển lãm thư pháp về các bài thơ, phú và kệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông ngay bên cạnh Quảng trường khai hội Yên Tử, diễu hành xe hoa ở khu vực Cẩm Phả, Hạ Long, Yên Tử; và tổ chức Đại trai đàn cầu siêu các chiến sĩ trận vong và liệt vị anh linh có công dựng nước và giữ nước tại Đền Trần - bến sông Bạch Đằng.

 

 

PHẦN II: HỘI THẢO KHOA HỌC

“PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP”

 

Từ trước đến giờ, đã có nhiều hội thảo về đức vua Trần Nhân Tông và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, có thể nói, đây là Hội thảo khoa học có quy mô lớn nhất từ trước đến giờ, do GHPGVN phối hợp với Viện KHXHVN đồng tổ chức.

Hội thảo diễn ra trọn ngày 26-11-2008 tại khách sạn Thương Mại, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Có gần 100 bài tham luận, xoay quanh ba vấn đề chính: 1) Đức vua Trần Nhân Tông: Con người và Thời đại, 2) Đức vua Trần Nhân Tông – Anh hùng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, 3) Di sản tư tưởng và văn hoá của thời đại nhà Trần và của vua Trần Nhân Tông.

Đến dự Hội thảo có nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An và nhiều vị lãnh đạo các ban ngành chính phủ.

Về phía lãnh đạo Phật giáo, có Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự, Hoà thượng Thích Thanh Tứ, Phó tổng thư ký Hội đồng Chứng minh Hoà thượng Thích Đức Nghiệp, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Phó chủ tịch kiêm Viện trưởng VNCPHVN Hoà thượng Thích Trí Quảng, các vị Phó chủ tịch HĐTS và lãnh đạo Ban trị sự của 54 Tỉnh Thành hội Phật giáo, cùng nhiều vị giáo sư và nhà nghiên cứu lỗi lạc.

Đức vua Trần Nhân Tông, sinh ngày 11/11/năm Mậu Ngọ (1258), là vị Hoàng đế thứ 3 triều Trần. Lên ngôi Hoàng đế lúc 21 tuổi, Trần Nhân Tông đã 2 lần cầm quân đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, thế lực ngoại xâm mạnh nhất toàn cầu lúc bấy giờ.

Theo tác phẩm Trúc Lâm vấn đáp, đối với đức vua Trần Nhân Tông, chiến đấu không phải do lòng căm thù, mà xuất phát từ lợi ích và lòng từ bi đối với nhân loại. Điều này được minh chứng, sau chiến thắng chống quân Nguyên Mông xâm lược, đức vua đã tha sống tù binh về nước, xoá án những ai đã vô minh tiếp tay cho giặc, gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân của Chiêm Thành, tạo tình hữu nghị giữa hai nước, để hoà bình ngự trị.

Sau 14 năm đóng góp cho việc bảo vệ và xây dựng xã tắc, ngài nhường ngôi cho con là Trần Thuyên (vua Trần Anh Tông), trở thành Thái Thượng hoàng năm 35 tuổi. Sáu năm sau, khi vừa 41 tuổi, đức vua chính thức xuất gia tu hành tại chùa Hoa Yên -Yên Tử, với Đạo hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, về sau đổi là Trúc Lâm Đại Đầu Đà.

Thiền sư Trần Nhân Tông kế thừa Thiền Sư Huệ Tuệ, làm tổ thứ 6 của Sơn môn Yên Tử. Từ đó, tên Sơn môn Yên Tử được ngài đổi thành Trúc Lâm Thiền phái. Ngài được tôn xưng là Trúc Lâm Đệ nhất Tổ, tại non thiêng Yên Tử này.

Sau chín năm hành đạo cứu đời hướng về thế giới tâm linh thuần thiện, ngài viên tịch vào ngày mùng 1/11/1308, hưởng thọ 50 tuổi đời.

Cuộc đời của Phật hoàng Trần Nhân Tông có thể được tóm tắt qua hai giai đoạn đời và đạo. Khi là đức vua dưới thời chiến thì ngài mưu trí, kiên cường, biết quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc, vì mục đích độc lập chủ quyền quốc gia. Khi đất nước thái bình, đức vua Trần Nhân Tông lấy pháp trị làm chuẩn, khuyến khích nông trang để phát triển kinh tế, nỗ lực cải thiện đời sống bá tánh bằng cách phân chia ruộng đất cho dân, mở rộng các công trình thuỷ lợi, tuyển chọn nhân tài, khuyến khích thi cử, phát triển văn hoá, tha tô thuế tạp dịch cho những vùng bị tàn phá và miễn dịch cho các vùng khác. Triều đại vua Trần Nhân Tông nổi bật với tinh thần quân dân đại đoàn kết, nổi tiếng nhất là 2 hội nghị Diên Hồng, Bình Than.

Khi là một thiền sư, ngài đã thống nhất các dòng thiền thời đó là Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Lâm Tế, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường về một mối, đồng thời nỗ lực xây dựng một giáo hội Phật giáo thống nhất và hoà hợp.

***

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, mở đầu hội thảo với nhận định: “Trần Nhân Tông là một hoàng đế đặc biệt, người có nhiều đóng góp quan trọng trên cả ba lĩnh vực: dựng nước, giữ nước, mở nước. Song điểm được coi là nổi bật nhất trong sự nghiệp, cuộc đời Trần Nhân Tông là việc sáng lâp ra phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền của riêng người Việt.”

Cũng theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, thiền phái Trúc Lâm thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo với tư tưởng hòa quang đồng trần. Đó là: “Phật giáo của mọi người, không hạn chế trong tăng sỹ cũng như trong chùa chiền. Ai cũng biện tâm được, không kể xuất gia hay tại gia. Ở giữa trần tục chứ không cần ở chùa, ở núi vẫn có thể vui với đạo."

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, tin rằng, tinh thần Phật giáo Việt Nam qua lăng kính của Trần Nhân Tông là đặt “quốc gia xã tắc lên trên,” do đó yếu tố nhập thế của “tư tưởng Phật giáo thời Trần đã đạt đến độ cao siêu để có thể tìm thấy sự dung hòa với chính trị ở mục đích bảo vệ “quốc gia xã tắc.”

Thượng tọa Thích Thông Phương, Trụ trì chùa Lân, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, cho rằng tinh thần tuỳ duyên vô ngã của Trần Nhân Tông là cốt lõi của đạo trị nước: "Đạo trị nước với những giá trị nhân văn thân dân, khoan thứ và đề cao con người, đoàn kết triều đình, nhân dân. Tư tưởng này thể hiện ở tinh thần tuỳ duyên vô ngã, vị tha của vua Trần Nhân Tông.”

Phó giáo sư Trần Thị Băng Thanh, Viện Văn học, cho rằng đặc sắc của đức vua Trần Nhân Tông là dạy cho con người ta biết cách đối mặt với thực tế, không huyễn hoặc. “Điều này thể hiện sự tiến bộ, khoa học mà trước đó chưa có ai chỉ ra và dạy cách cho con người biết chấp nhận.”

Theo Hòa thượng Thích Hải Ấn, Phó viện trưởng HVPGVN tại Huế: “Điểm nổi bật trong tư tưởng “Hòa quang đồng trần” của Phật hoàng Trần Nhân Tông thể hiện trong việc dùng đạo Phật trong chính trị để phụng sự dân tộc, nhằm xây dựng đất nước hòa bình và hạnh phúc; biến cõi thế gian thành tịnh độ.”

Theo ông Ngô Văn Quán, Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và ứng dụng Phật học Việt Nam, những tư tưởng tiến bộ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không còn là sách vở, giáo điều, mà đã được ứng dụng vào thực tế, theo phương châm: “tu tại tâm, rèn đức, phát huy trí tuệ” để thành người có ích cho xã hội.

Trong lá thư đề gửi Chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, tăng ni và các nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Trong thời đại nhà Trần, lần đầu tiên xuất hiện một vị vua - vua Trần Nhân Tông đã rời bỏ ngai vàng đi vào nhân dân, xuất gia tu hành đạo Phật, sáng tạo nên một trường phái Phật giáo mới - Phật giáo Việt Nam. Trần Nhân Tông đúng là một vị vua văn võ song toàn, một vị Phật hoàng có công lao to lớn đối với dân tộc".

Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh, kiêm Phó ban tổ chức đại lễ tưởng niệm, nhấn mạnh nét đặc thù của Thiền Trúc Lâm Yên Tử là Đế Vương Thiền, “mang tính bao dung, hội nhập tất cả các hệ phái Phật giáo, các sắc thái văn hóa, tư tưởng đương thời để hình thành một tư tưởng mới của dân tộc Đại Việt. Hạt nhân cơ bản của Thiền Trúc Lâm là chữ Tâm. Chữ Tâm này vượt xa so với định nghĩa thông thường của triết học Thiền Tông, nghĩa là đem Tâm cứu độ chúng sinh, Tâm giải phóng dân tộc, Tâm hòa nhập cộng đồng. Nếu đem Tâm này để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ thì sẽ trở thành Tâm của một vị Hoàng đế vì dân tộc.”

Về những đóng góp to lớn của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, Hòa thượng Giáo sư Yoshimizu Daichi của xứ Anh Đào nhận xét như là quốc bảo nhân gian: “Vua Trần Nhân Tông, người Việt Nam, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Pháp Nhiên; người Nhật Bản sáng lập ra tịnh độ tông Nhật Bản là hai quốc bảo nhân gian, đã cống hiến cho nhân loại nói chung và giới Phật giáo nói riêng.”

Nhà vua - Thiền sư hay Thiền sư – Nhà vua Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh, và nhà chiến lược quân sự kỳ tài, đồng thời ngài còn là là giáo chủ đệ nhất của Thiền phái Trúc Lâm và là nhà văn hoá lớn của dân tộc. Trong ngài, yếu tố đạo hoà quyện đời không tách rời nhau, vì lợi ích cho đạo đời, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “Trong con người và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, đời và đạo luôn luôn hòa quyện vào nhau, gắn bó với nhau vì hạnh phúc của muôn dân, vì sự phát triển của đất nước".

 

PHẦN III: ĐẠI LỄ TƯỞNG NIỆM

 

Đại lễ tưởng niệm đức Phật hoàng Trần Nhân Tông được truyền hình trực tiếp trên VTV1 lúc 9 h00 – 10h30 ngày 27-11-08, đúng 700 năm viên tịch của đức Phật hoàng.

Lễ đài tưởng niệm được trang trí trang nghiêm tại chân núi Yên Tử, gồm có 700 đèn trời, 700 quả bóng bay, 700 đôi chim bồ câu. Ngoài ra còn có 7 xe hoa diễu hành cúng dường. Các con số 7 và 700 tượng trưng cho số năm đức Phật hoàng từ giả cõi đời.

Về phía Chính phủ, có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; nhiều đồng chí lãnh đạo nguyên là uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên BCH T.Ư Đảng,  đại diện nhiều Bộ, Ban Ngành trung ương.

Tham dự đại lễ tưởng niệm có Hoà thượng Thích Thanh Sam, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, các vị tôn đức Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh, các vị tôn đức Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, lãnh đạo Ban Trị Sự các tỉnh thành hội Phật giáo trong cả nước, nhiều vị khách mời đại diện cho Phật giáo các nước Nhật Bản và Thái Lan và hơn 40.000  nghìn Tăng Ni Phật tử cả nước tham dự.

Về phía tỉnh Quảng Ninh có ông Nguyễn Duy Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Đức Đam, uỷ viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhiều vị lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sở, ngành.

Đại lễ Tưởng niệm được cử hành với 7 xe hoa dâng phẩm vật cúng dường đức Phật hoàng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh, đại diện dòng họ Trần Việt Nam, đại diện hệ phái Phật giáo Khơ me Nam Bộ, đại diện Tổ đình Vĩnh Nghiêm và Phật giáo TP Hồ Chí Minh. Trong đoàn rước kiệu có đại diện của nhiều dân tộc Việt Nam. Lễ chào cờ, hát quốc ca, đạo ca được diễn ra ngay saau màn múa Bông và múa Lục cúng hoa đăng, để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm thức người tham dự.

Phát biểu khai mạc đại lễ, Trưởng ban tổ chức Đại lễ, Hoà thượng Thích Thanh Tứ đã nói lên ý nghĩa to lớn của việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày nhập Niết bàn của Đức Vua Trần Nhân Tông là nhằm mong muốn tư tưởng nhập thế và cư trần lạc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ là phương châm hành đạo của Phật giáo ngày nay, thể hiện sự đồng hành giữa Phật giáo và dân tộc, nhằm bảo vệ và phát triển đất nước.

Sau phát biểu khai mạc, tất cả được lắng nghe các diễn văn của thứ trưởng Bộ Văn hoá – Du lịch - Thể thao Lê Tiến Thọ và Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, ca ngợi công đức của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, người đã thống lĩnh tướng quân, huy động được sức mạnh của trăm họ trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước thái bình, thịnh trị, để mọi người dân được tự do và hạnh phúc.

Hoà thượng Thích Thiện Nhơn đề nghị tất cả hãy thực hành, giữ gìn tinh thần đoàn kết hoà hợp dân tộc, độc lập tổ quốc, tinh thần phóng khoáng bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội. Đoàn kết các tôn giáo để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm tốt đạo, đẹp đời, duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường.

Trong diễn văn tưởng niệm sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và công đức phát triển Phật giáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ca ngợi tài đức và công lao to lớn của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một phái thiền rất đặc sắc, tích cực nhập thế và riêng có của Việt Nam. Chủ tịch quốc hội khẳng định Phật hoàng Trần Nhân Tông là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử Phật giáo thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng: “Với đời, ngài là vị vua anh minh, tài ba. Ngài đã khoan hòa, đề ra chính sách an dân, dưỡng sức dân, mở mang dân trí, khuyến khích nhân tài, mở mang thi cử; trọng dân, tin dân, cố kết lòng dân. Với đạo, ngài không chỉ đơn giản giải thoát cho cá nhân mà cho cả dân tộc. Ngài đã ý thức rất rõ việc mượn đạo xây đời, mượn đời xây đạo.”

Chủ tịch bày tỏ tin tưởng rằng “Tăng, ni, Phật tử Việt Nam sẽ ngày càng nhất tâm xây dựng GHPGVN vững mạnh, nối tiếp tư tưởng "Cư trần lạc đạo", "Hòa quang đồng trần" của Đức vua Trần Nhân Tông và tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần cùng toàn dân xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.”

Ông Huỳnh Đảm – chủ tịnh UBMTTQVN cho rằng đại lễ tưởng niệm đức Phật hoàng Trần Nhân Tông là cách thức phát huy nhiều hơn nữa tinh thần đại đoàn kết, hoà hợp dân tộc, thể hiện truyền thống yêu nước và giữ nước của dân tộc ta trong lịch sử.

Nhìn chung, các bài diễn văn tưởng niệm của Giáo hội và Chính phủ đều có điểm chung là trong khi khẳng định rằng đại lễ tưởng niệm không chỉ là dịp chúng ta tưởng nhớ công lao, bày tỏ sự tri ân, trân trọng tài đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng như các bậc tiền nhân khác đối với đất nước; mà còn là sự thể hiện quyết tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của Việt Nam.

Lễ tưởng niệm đã khép lại với nghi thức thả bong bóng và chim bồ câu, cầu nguyện tự do và hòa bình. Lãnh đạo giáo hội Phật giáo và Chủ tịch quốc hội đã kính mong đức Phật hoàng và các anh hùng dân tộc phù hộ cho đất nước được thịnh trị và phát triển bền vững. Nhân dịp này, giáo hội Phật giáo và các vị khách quý đã trồng cây lưu niệm tại khu di tích và danh thắng Yên Tử và tặng 1000 phần quà, tổng giá trị hơn 300 triệu đồng cho các hộ nghèo ở địa phương. 

PHẦN IV: LỄ CẦU NGUYỆN THẾ GIỚI HÒA BÌNH, QUỐC THÁI DÂN AN

Kết thúc chuỗi sự kiện văn hóa và tâm linh tưởng niệm 700 năm ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông, đại lễ cầu nguyện thế giới hòa bình, đất nước phú cường, nhà nhà hạnh phúc, người người an vui, đã diễn ra trọng thvào lúc 17h15 ngày 27-11-2008 tại sân trước của chùa Trình, Trụ sở của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh. Đại lễ với không khí thiền vị, trang nghiêm và trọng thể, đã thu hút khoảng 7.000 Phật tử tham dự.

Đến dự đại lễ có phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó thủ tướng chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, nguyên phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và nhiều quan chức chính phủ và tỉnh nhà. Về phía giáo hội có một số tôn đức thường trực Hội đồng Trị sự, các tỉnh thành hội Phật giáo, cùng quý tôn đức Phật giáo Khmer tham dự.

Đại lễ bắt đầu với sự diễu hành của đoàn nghệ thuật dân tộc đến từ Kon Tum trong sắc phục truyền thống, hòa với tiếng cồng chiêng vang vọng. Tiếp theo là điệu múa Lục cúng của các nghệ sĩ Phật tử địa phương, thể hiện nét văn hóa cung đình, chịu ảnh hưởng sâu đậm từ nền văn hóa Phật giáo Việt Nam. 

Hàng nghìn ngọn nến lung linh, huyền ảo, được đặt trong các hoa sen giấy, biểu tượng của sự vươn lên thanh thoát và hạnh phúc. Khu vực chính giữa hàng nghìn các ngọn nến là đài tế lễ, gồm ba lớp. Lớp đế có hình vuông với màu xanh lá cây, tượng trưng cho khát vọng hòa bình. Lớp giữa là vòng tròn mặt trống đồng Đông Sơn với đường kính 20 m, tượng trưng văn hóa Việt Nam. Lớp trên hết là hình chữ Tâm nổi bật bằng chữ Hán, màu đỏ, tượng trưng cho sự hài hòa, đoàn kết, thống nhất tâm người của Phật giáo. Ý nghĩa biểu tượng của đài tâm này là “dùng tâm Phật tô bồi văn hoá Việt Nam, hoà bình và thanh thoát sẽ ngự trị khắp mọi nơi. Tâm ấy là tâm Phật. Ngộ Phật là ngộ tâm. Ngộ tâm là ngộ Phật.

Thượng tọa Thích Quảng Tùng, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã thay mặt Ban tổ chức đọc tuyên bố An Tử Sơn một cách trầm hùng. Tuyên bố đã nêu rõ: "Từ khi giáng trần, Phật tổ Thích Ca đã mong muốn thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Phật hoàng Trần Nhân Tông xuất hiện cõi phàm cũng với một tâm nguyện: xã hội hài hòa, đạo pháp xương minh, dân tộc phú cường, tâm tâm tương hợp”.

Theo lời dạy của Phật tổ Thích ca và Phật hoàng Trần Nhân Tông chỉ dạy, tất cả chúng ta nên: “khởi phát từ tâm, hòa quang đồng trần, tận độ chúng sinh, vinh quang xã hội.” Tuyên bố khẳng định: “Hài hòa thế giới, bắt nguồn từ tâm.”

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng quý tôn đức Tăng Ni và Phật tử đã chung tay thắp sáng 700 ngọn nến quanh chữ Tâm, để cầu mong: “thế giới của chúng mình” sớm vượt qua những thách thức khó khăn, do môi trường ô nhiễm, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, chiến tranh, bằng cái tâm yêu thương, đoàn kết của nhà Phật. Tiếng trống bát-nhã đã ngân vang cả một góc trời, làm chấn động lòng người tham dự.

Đã 700 năm trôi qua, giá trị tinh hoa của Thiền phái Trúc Lâm của Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn chói sáng như ngọn hải đăng trên bầu trời Phật học Việt Nam. Tư tưởng nhập thế với phương châm bất tử "cư trần lạc đạo" và "hòa quang đồng trần" của đức Phật hoàng vẫn mãi là kim chỉ nam hành đạo của Phật giáo Việt Nam hôm nay và mai sau, trong sự nghiệp đồng hành với dân tộc, nhằm góp phần xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, tự do, phú cường và phát triển bền vững.

Đại lễ Tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, diễn ra trong 3 ngày (25-27/11) tại non thiêng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh đã kết thúc tốt đẹp, để lại những ấn tượng khó phai nhoà trong tâm trí của hàng vạn Tăng ni Phật tử, cũng như đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước. Thông điệp của đại lễ nhắc nhỡ chúng ta cùng chung sức xây dựng một đạo Phật nhập thế, một đạo Phật cho đời và vì đời, nhằm khai sáng tâm trí con người, chuyển hoá khổ đau, để cùng chung tay xây dựng cõi niết bàn trên dương thế, theo tinh thần:

Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên

Khát uống, đói ăn, mệt ngủ liền

Báu sẵn trong nhà, đừng kiếm nữa

Vô tâm trước cảnh hỏi chi Thiền

 (Thích Nhật Từ dịch)

 

Yên Tử, ngày 29-11-2008

 

  

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/tintuc/tuongthuatdaile700nam.htm

 


Cập nhật: 03-12-2008

Trở về thư mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang