Trận chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Vương Quyền năm 939 là một dấu
mốc quan trọng trong lịch sử dựng nước của Việt Nam. Ngọn sóng Bạch
Đằng Giang đã cuốn trôi đi nỗi đau nhục của người dân nô lệ, nhận
chìm tham vọng của nòi Hán áp đặt lên đất nước ta trong suốt một
ngàn năm. Từ đây Việt Nam không còn là một huyện lỵ của người Hán,
từ đây một quốc gia đúng nghĩa đã xuất hiện dưới vòm trời Đông Á. Ba
triều đại ngắn ngủi, Ngô, Đinh, Tiền Lê qua đi như những viên đá lót
đường cho dân tộc Việt bước vào một vận hội mới, cả dân tộc cùng
đứng dậy bắt tay nhau xây đắp lên một thởi đại thịnh trị kéo dài gần
suốt bốn trăm năm, mở đầu bằng bản Tuyên Ngôn Độc Lập, kiên định ý
chí tự chủ tự cường và tinh thần lạc quan dân tộc của Tướng quân Lý
Thường Kiệt:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Bản tuyên ngôn Lý Thường Kiệt đã được khẳng định mạnh mẽ một lần nữa
chỉ trong một khoảng thời gian ngắn không lâu sau đó: Trong khi cả
thế giời đang rung chuyển trước bước tiến vũ bảo của đoàn quân thiện
chiến Mông Cổ thì vó ngựa của đoàn quân xâm lăng hung hản này đã ba
lần phải khựng lại trước bức tường ý chí sắt thép của quân dân Đại
Việt. Cả ba lần xâm lược cả ba lần đều bị đánh tan. Việt Nam trở
thành một mối ám ảnh kinh hoàng của cả triều đình, binh tướng Nguyên
Mông, đến độ mấy năm sau, Trần Phu, một viên quan cầm đầu sứ bộ nhà
Nguyên khi đặt chân vào đất nước Việt Nam còn cảm thấy rùng mình:
Kim khoa ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch
phát sinh
(Giáo sắt sáng ngời lòng
thắm khổ
Trống đồng vang dội
bạc đầu phơ)
Sự kiện này đã làm cho rất nhiều người, kể những nhà nghiên cứu sử
học trên khắp thế giới, không khỏi ngạc nhiên nêu lên câu hỏi: Cái
gì đã tạo nên sức mạnh vô song này? Cái gì đã là chất keo gắn bó mọi
tầng lớp, đẳng cấp xã hội dân chúng đời Trần tạo nên sức mạnh Diên
Hồng, đập tan cả một lực lượng quân sự hùng mạnh vào bậc nhất thế
giới đương thời? Thiết tưởng chúng ta có câu trả lời không mấy khó
khăn: Đó là truyền thống tâm linh Việt Phật. Tiếng trống đồng đã làm
cho sứ giả Trần Phu phải lo sợ đến bạc đầu không phải chỉ mới vang
lên dưới thời đại nhà Trần mà đã từng vang dội cả trên một ngàn năm
trước đây trong những ngôi chùa tại những thôn làng hẻo lánh của
Việt Nam, đó cũng là tiếng trống Mê Linh của Hai Bà Trưng mở màn cho
cuộc khởi nghĩa dành độc lập đầu tiên của dân tộc.
Một thời đại thịnh trị không phải chỉ được đánh dấu bằng những võ
công oanh liệt mà phải là sự phát triển đồng bộ và toàn diện của cả
dân tộc trên khắp các mặt, từ vật chất đến tinh thần. Thời đại thịnh
trị không phải chỉ có những vị vua giỏi tôi hiền mà đỉnh cao của nó
là sự phát triển về mặt trí tuệ, tâm linh. Bắt nguồn từ truyền thống
tâm linh Việt Phật này mà cả dân tộc đã biến thành một dàn hợp xướng
dưới sự chỉ đạo của một người nhạc trưởng tài ba. Và trong khung
cảnh thời đại lịch sử này đã sản xuất cho dân tộc ta một nhà quân sự
thiên tài, một nhà chính trị thông minh và trên cao hết, một nhà đạo
sư, người thầy hướng dẫn tâm linh cho toàn thể dân tộc, đó là vị
quân vương Phật tử Trần Nhân Tông.
Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông Và Dấu Ấn Tâm Linh Việt Phật.
Nói rằng truyền thống tâm linh Việt Phật là sợi chỉ vàng xuyên suốt
thời đại thịnh trị Lý Trần không phải là một lời nói khoa trương chỉ
để nhằm thoả mãn tinh thần tự ái dân tộc hay tôn giáo. Cứ nhìn vào
lịch sử của các chế độ quân chủ phong kiến trên toàn thế giới ta mới
thấy được cái bản sắc độc đáo của chế độ quân chủ Việt Nam dưới thời
đại nhà Trần. Các vị vua nhà Trần khi nắm vương quyền đều tuân theo
một định chế bất thành văn, họ ở ngôi trong một khoảng thời gian nào
đó rồi thoái vị, nhường ngôi lại cho con, làm Thái Thượng Hoàng lui
về nơi dân giả. Việc làm này không những đã tạo nên một sự ổn cố
chính trị cần thiết cho quốc gia, tránh được nạn tranh giành quyền
lực thường xảy ra trong nội bộ của các vương triều, nhưng đồng thời
cũng là một hành động phản ảnh sâu xa tinh thần Phật giáo vốn coi
vạn pháp là vô thường. Thế nên các vị vua nhà Trần đã không có ai
tham đắm quyền lực, bám chặt vào ngôi vị mà ngược lại, đã coi ngai
vàng như chiếc dép rách, sẵn sàng quăng bỏ bất cứ lúc nào nếu cần,
không chút thương tiếc.
Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cũng đã liệng bỏ “chiếc giép rách”
này sau mười bốn năm cầm quyền bính, quyết định lên đường vào núi
Yên Tử sáng lập ra một dòng Thiền độc đáo Việt Nam: Thiền phái Trúc
Lâm. Một người đã ở tuyệt đỉnh của quyền lực và danh vọng như thế,
một bước là lên xe xuống ngựa, cung phi mỹ nữ, kẻ hầu người hạ bao
quanh, thế mà nay đã lìa bỏ ngôi báu vào năm ba mươi bốn tuổi, cái
tuổi được coi như đẹp đẽ nhất của đời người để bước theo bước chân
của Tổ Ca Diếp trước đây, thực hành hạnh đầu đà, đầu trần chân đất,
trong cái khí hậu khắc nghiệt của vùng nhiệt đới Việt Nam, lặn lội
khắp nơi đem mưa pháp rải ra khắp chốn, cứu độ nhân gian. Mang trái
tim Bồ Tát, nung nấu bởi ý nguyện Bồ Tát, tấm gương xả thân vì đạo
của Ngài là một sự thể hiện tinh thần Bồ Tát đạo, khiến Ngài trở
thành môt nhân vật hiếm có trong lịch sử truyền bá đạo Phật tại
Việt Nam.
Với một tinh thần nhập thế tích cực, dấn thân
triệt để, đem đạo vào đời vì hạnh phúc của nhân quần xã hội như thế,
dòng Thiền Trúc Lâm chắc chắn không thể nào lại không mang dấu ấn
của người đã sáng lập ra nó. Một người vừa thông hiểu tất cả những
gì là uyên áo nhất của giáo lý đạo Phật, nhưng đồng thời cũng biết
cả nghệ thuật điều binh khiển tướng, một nửa đời người xông pha trên
mình ngựa giữ yên bờ cõi, mang lại anh vui cho trăm họ, vua Trần
Nhân Tông không những đã kế thừa được những tinh hoa của quá khứ, mà
đồng thời còn có khả năng tổng hợp được những giá trị của thời đại,
từ đó với những kinh ngiệm sống của đời mình, vua đã phát huy truyền
thống tâm linh Việt Phật đến một mức độ rực rỡ nhất, đem Phật pháp
gắn liền với thế gian pháp, biến những giáo lý cao siêu trở thành
một triết lý hành động thực tiễn, có thể tóm gọn vào bốn chữ giản dị:
CƯ TRẦN và LẠC ĐẠO.
Nội dung chính của tinh thần CƯ TRẦN LẠC ĐẠO Trần
Nhân Tông là gì?
Qua hành trạng và những thi văn của Ngài còn để
lại, đặc biệt là “Cư Trần Lạc Đạo Phú”, ta thấy tư tưởng của Trần
Nhân Tông có những điểm chính yếu nổi bật sau đây:
1.Tinh thần Cư Trần Mang Màu Sắc Giáo Lý Tứ Ân:
Đạo Phật không phải là một đạo xuất thế. Đạo Phật
gắn liền với con người và thời đại, thế nên trước tiên nó phải giải
quyết được vấn đề cơ bản và trọng yếu nhất của con người, đó là CƯ
TRẦN. Không giải quyết được chuyện “Cư Trần” thì đừng nói đến chuyện
cao xa huyền diệu. Không đứng vững được đôi chân trên mặt đất, thì
tất cả mọi lý thuyết dù thâm ảo đến mức nào cũng đều là những chuyện
viễn vông, xa rời thực tế. Thế nên mẫu người Phật Tử Việt Nam theo
Trần Nhân Tông quan niệm phải là mẫu người:
Sạch giới lòng, dồi giới tướng,
nội ngoại nên Bồ Tát trang nghiêm
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha,
Thi đỗ mới trượng phu trung hiếu.
(Cư Trần Lạc Đạo Phú, Hội thứ sáu)
Mô hình của một mẫu người Phật tử lý tưởng đời
Trần vì thế không phải chỉ là “sạch giới lòng, dồi giới tướng” để
trở thành “Bồ Tát trang nghiêm” mà còn phải là một mẫu người trượng
phu trung hiếu vẹn toàn. Thiết tưởng cũng cũng xin được mở một dấu
ngoặc ở đây để lưu ý rằng, tinh thần trượng phu trung hiếu mà vua
Trần Nhân Tông đề cập đến không phải chỉ là một sản phẩm đặc quyền
của Nho giáo như người ta thường biết. Tinh thần trung hiếu này thực
ra là một bộ phận của tư tưởng Tứ Ân đã xuất hiện từ lâu đời trong
Phật giáo Ấn Độ thời cổ xưa và sau này trở thành một lý thuyết xương
sống của Tịnh Độ Tông Phật giáo.
Sử gia Lê Mạnh Thát đã đúc kết mẫu người hình
tượng đó như sau: “Đây có thể nói là một đúc kết về hình tượng người
Việt Nam lý tưởng, chứ không phải chỉ của Phật giáo. Thực tế những
người làm nên sự nghiệp oanh liệt của dân tộc ta vào thời Trần Nhân
Tông có thể nói hầu hết đều là Phật tử, từ những vị lãnh đạo tối cao
ở trung ương như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải cho đến những người
dân ở xã ấp như Lê Công Mạnh và anh em con cháu. Vì họ là những Bố
Tát trang nghiêm nên đối với bản thân họ giữ gìn kỷ luật và sống
cuộc sống có lý tưởng. Nhưng đồng thời họ cũng là những trượng phu
trung hiếu, nên họ trung thành với tổ quốc, sống hiếu thảo với cha
mẹ ông bà.”
Nói đến khuôn mẫu con người thế gian không thể không nói đến khuôn
mẫu của con người tăng sĩ. Hình tượng đẹp đẽ này thiết tưởng chúng
ta không cần phải đi tìm ở đâu xa mà chính ngay ở hình ảnh của tổ
Trúc Lâm Trần Nhân Tông. Con người tăng sĩ đó không những là một
pháp khí của thời đại mà còn là một biểu trưng cho một kẻ sĩ Việt
Nam, biết lo trước cái lo của trăm họ và vui sau cái vui của trăm
họ. Khung cảnh của thời đại lịch sử Lý Trần đã xoá đi cái biên giới
ngăn cách giữa tăng sĩ và kẻ sĩ. Suốt cả một ngàn năm Bắc thuộc, với
chính sách ngu dân, người Hán không cho mở trường học tại địa
phương, chùa chiền Việt Nam là nơi duy nhất tiếp cận với văn minh
học thuật Trung Hoa đồng thời cũng là lò rèn đúc, đào tạo trí thức
cho nước nhà, thế nên chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy những
bậc đại tăng trong thời đại Lý Trần đồng thời cũng là những sĩ phu
“trụ tích trấn vương kỳ” -chống cây thiền trượng xuống có thể làm
yên xã tắc. Những vị Thiền sư Việt Nam đời Trần vì thế, tuy có về ở
ẩn trong chốn am mây nhưng tấm lòng vẫn canh cánh với chuyện nước
non. Ta như vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây lời khuyên bảo của quốc
sư Phù Vân với vua Trần Thái Tông khi vua lìa cung điện bỏ trốn vào
Yên Tử với ý định xuất gia: “ Phàm làm
đấng minh quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của
mình,và tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ
không về sao được? Tuy nhiên sự nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng
phút nào quên.”
2. Tinh Thần Lạc Đạo: Khơi Mạch Nguồn Cho Một Dòng Thiền Độc Đáo
Việt Nam:
Nhà thơ Nguyễn Trãi trong một bài thơ đề tựa ở
chùa Hoa Yên, Trúc Lâm Yên Tử đã nói về vua Trần Nhân Tông như sau:
Vua Trần Nhân Tông thời trước còn để dấu tích
lại,
Trong hào quang trắng thấy rõ đôi con ngươi
của mắt Phật Thích Ca.
Lời tuyên xưng này không có gì là quá đáng. Một
điều không ai có thể phủ nhận được rằng tư tưởng Kinh Kim Cương là
hệ tư tưởng chủ đạo của Thiền học đời Trần và người đã phát triển
tinh thần Kim Cương đế mức độ toàn hảo nhất, lại chính Lục Tổ Huệ
Năng. Thế nhưng lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy Lục Tổ là
một người Việt Nam. Thực ra cũng không cần phải đem sử liệu ra để
dẫn chứng. Đọc qua bộ Pháp Bảo Đàn Kinh, mà thực chất là một cuốn tự
truyện của Ngài Huệ Năng còn để lại, ta thấy rõ một điều rằng nếu
như ngài Huệ Năng không phải là người “ngoại quốc” thì chắc chắn là
Ngũ Tỗ đã không phải trao truyền y bát cho Ngài một cách lén lút vào
đêm hôm khuya khoắt, và cũng sẽ không có chuyện cả một sơn môn -đặc
biệt là một tông phái Thiền vốn đặt tinh thần phá chấp lên hàng đầu-
đã phải sôi sục lên vì lòng tự ái dân tộc, để môn nhân đệ tử của Ngũ
Tổ đã phải bỏ cả chuyện tu tập, chạy theo truy đuổi Huệ Năng cho đến
cùng để thu lại y bát mà họ xem như quốc bảo.
Nếu Tổ Bồ Đề Đạt Ma trước đây đã mang Thiền học
Phật giáo vào Trung quốc và trở thành vị Tổ thứ nhất của phái thiền
Đông độ thì chúng ta cũng có thể xem người thanh niên Việt Nam mù
chữ Huệ Năng –vì chính sách ngu dân của người Hán như đã nói ở trên-
là vị Tổ thứ nhất của Thiền học Việt Nam. Và, người kế thừa xứng
đáng nhất của dòng Thiền Huệ Năng, người phát triển tinh thần “Kiến
Tánh Thành Phật” của Tổ Huệ Năng đến mức toàn vẹn nhất không ai khác
hơn là Trúc Lâm Tổ Trần Nhân Tông. Trong “Cư Trần Lạc Đạo Phú” Ngài
đã diễn tả lại ý niệm ấy một cách dễ hiểu hơn:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền
Của báu trong nhà thôi khỏi kiếm
Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền.
Con đường “lạc đạo” đối với Trần Nhân Tông không
phải là con đường hướng ngoại mà là một hành trình quay trở về với
chính mình. Quay về với chính mình tức là quay về với bản thể uyên
nguyên. Hãy cứ để cho mạch đời tuôn chảy thì suối nguồn tâm linh sẽ
khai mở và con người sẽ tìm lại tự tánh của chính mình. Danh từ nhà
Thiền gọi đó là “bản lai diện mục”, là đạt đạo. Và khi đã đạt đạo
thì mỗi một hành động trong đời sống bình thường của con người, từ
ăn, ngủ, đi đứng cho đến hái rau, gánh nước, che củi, nấu cơm,… đều
tỏa ra sáng ánh sáng giác ngộ. Thế nên đối với Tổ Trúc Lâm, con
người không phải đi tìm chân lý ở đâu xa, chân lý nằm chính ngay
trong lòng cuộc sống. Phiền não cũng chính là Bồ Đề và cõi Ta Bà
đồng thời cũng là cảnh giới Tịnh Độ. Kho báu đã có sẵn ở trong mình
mà con người cứ mãi rong ruổi chạy đi tìm của báu ở khắp nơi, chẳng
khác gì hình ảnh của người cùng tử trong kinh Phật thường nói đến.
Con người không biết rằng họ không cần phải đi tìm cầu Phật ở đâu
xa, Phật ở ngay bên trong mỗi một chúng ta, như quốc sư Phù Vân đã
khẳng định, “trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng,
lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật”. Cứ sống một cuộc sống có
đạo đức nhân nghĩa, đem tình thương trải rộng ra muôn loài thì mỗi
một con người đều là một vị Phật, Bồ Tát.
Tổ Trúc Lâm đã trao truyền cho đời cái chìa khoá
mở vào cuộc sống hạnh phúc, an lạc rất mực giản dị, chỉ võn vẹn nằm
trong hai chữ “Tùy Duyên”. Giản dị nhưng lại gói trọn cái tinh yếu
của đạo Phật. Ngài chỉ cho ta thấy rằng cuộc sống là một giòng luân
lưu chuyển động bất tận. Tất cả vạn pháp hiện hữu đều do duyên sinh,
duyên khởi, tương tục và tương tác. Nắm vững chân lý này thì người
ta có thể sống tuỳ duyên, nhưng “Tùy duyên” ở đây không phải là một
cuộc sống thả nổi như lục bình trôi mà là sự tĩnh thức để tắm mát
trong dòng hiện sinh, đó là con đường “lạc đạo”. Dòng Thiền Trúc Lâm
Việt Nam đã chuyên chở tư tưởng của Huệ Năng vào đời sống thực tiễn.
Thiền học đời Trần vì thế đã gắn bó với đời sống và con người, kết
hợp hài hoà giữa triết lý và hành động, tạo nên sức sống và một
phong vị mới mang màu sắc Việt Nam. Thế nên nếu chúng ta xem ngài
Huệ Năng là vị Tổ thứ nhất của Thiền Tông Việt Nam thì người kế thừa
xứng đáng nhất không ai khác hơn là Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông.
3. Sứ Mệnh Chấn Hưng Phật giáo.
Một trong những công nghiệp lớn của vua Trần Nhân
Tông còn để lại mà đời sau không thể không nhắc đến, đó là nỗ lực
hoằng truyền chánh pháp, chấn hưng đạo Phật. Từ cuối đời Lý, đạo
Phật Việt Nam đã có những dấu hiệu suy thoái. Khi tinh thần đạo lý
từ bi suy sụp thì tín ngưỡng quyền năng ma thuật lộng hành đưa con
người vào vòng mê tín. Bên cạnh đó là những tệ trạng xã hội khác
gây ra bởi sự tôn sùng đạo Phật quá mức nhưng lại thiếu sự điều
hướng, tổ chức. Chuyện đúc tượng xây chùa tráng lệ nguy nga hơn cả
cung vua là hiện tượng khá phổ biến. Tình trạng “thiên hạ bán vi
tăng” dưới thời Lý không phải là điều đáng mừng cho Phật giáo mà là
điều lo nghĩ cho tất cả những ai có ý thức trách nhiệm. Bởi vì không
thiếu gì những kẻ xấu đã lợi dụng chốn thiền môn, cấu kết với giới
tăng sĩ biến chất để làm những điều xằng bậy. Tình hình này đã được
phản ảnh trong bản điều trần của Đàm Dĩ Mống được ghi chép lại
trong Đại Việt sử lược: “Nay Tăng đồ cùng với dịch phu quá nửa, bọn
chúng tự kết bè đảng, dựng bậy thầy trò, tụ nhóm, ở bầy, làm nhiều
việc dơ, hoặc ở giới trường tinh xá, ngang nhiên rượu thịt, hoặc tại
thiền phòng tịnh viện, riêng tự gian dâm, ngày ẩn tối ra, như đàn
cáo chuột. Chúng làm nát tục hư đạo, dần dần thành thói. Việc đó
nếu không cấm, để lâu càng tệ thêm”.
Đến đời Trần, tệ trạng này vẫn không có gì thay
đổi, đến độ vị quân vương Phật tử thuần thành Trần Thái Tông cũng đã
phải lắc đầu ngao ngán: “Khi tới chùa chiền, gần Phật gần kinh, mắt
không thèm ngó, phòng tăng điện Phật, gặp gỡ gái trai, cuối mắt đầu
mày, ham mê sắc dục, không kiêng Hộ Pháp, chẳng sợ Long Thần, trố
mắt ham vui, đầu chưa từng cúi”, và “chẳng riêng người tục, cả đến
thầy Tăng, kinh luận tranh giành, cùng nhau công kích, chê các sư
trưởng, nhiếc đến mẹ cha, cỏ nhẫn lụi vàng, lửa độc rực cháy, buông
lời đau vật, cất tiếng hại người, không nghĩ từ bi, không theo luật
cấm, bàn thiền tựa thánh, trước cảnh như ngu, dẫu ở cửa không, chưa
thành vô ngã”. Sử gia Lê Văn Hưu, người được vua Trần Thánh Tông chỉ
định biên soạn bộ Đại Việt Sử Ký cũng đã nhận xét rằng hiện tượng
xây dựng chùa miễu nguy nga, độ tăng ồ ạt là một việc làm hoang phí
sức người sức của một cách vô ý thức và đưa ra lời bình luận như sau:
“Của không phải do trời mưa xuống, sức chẳng phải của thần làm cho,
há chẳng phải là khơi vét máu mỡ của dân ư ? Khơi vét máu mỡ của dân
mà có thể gọi là làm phước được ư? “
Đứng trước tình trạng này, một con người hành
động và là một Phật tử có ý thức trách nhiệm với đạo pháp, vua Trần
Nhân Tông phải làm gì đây? Vua biết chắc một điều rằng, Ngài không
thể dùng quyền uy của vương triều để chấn hưng đạo Phật. Triều đình
có thể ban hành những đạo dụ để răn dân, trừng phạt những điều sái
quấy, thế nhưng quyền lực vẫn không đủ sức mạnh để lay chuyển một tệ
trạng đã bám sâu gốc rễ trong lòng xã hội. Vua Trần Nhân Tông đã
phải đi trên một con đường gay go hơn, đó là con đường cảm hoá nhân
tâm, lấy bản thân của mình ra làm gương sáng cho người đời noi theo.
Thế nên khi khoác lên mình chiếc tăng bào, vua đã lặn lội “đi khắp
nơi sức dân gian phá hủy các dâm từ và thuyết pháp khuyên dân làm
mười điều thiện”. Hào quang của một vị vua anh hùng hai lần đại
thắng quân Nguyên nay là một tăng sĩ đầu trần chân đất đi khuyến tu
vẫn có sức mạnh thuyết phục hơn cả một ngàn đạo luật của triều đình.
Sức mạnh thuyết phục đó chính là tình thương. Thế nên khi vua ra đi,
cả dân tộc đã ngậm ngùi đưa tiễn, vì kể từ đây đất nước đã vắng bóng
một đấng từ phụ. Tang lễ của Ngài, người dân tham dự đông như nêm
cối, tràn ngập từ kinh đô cho đến bến sông Hồng đến độ linh vị của
vua không thể nào di chuyển được, thế mới biết dân chúng đã thương
yêu Ngài đến mức nào. Vua mất đi, nhưng thông điệp khuyến tu của
Ngài còn vang vọng mãi đến muôn đời sau:
Thân như hô hấp tị trung khí
Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân
Đỗ Quyên đề đọan nguyệt như trú
Bất thị tầm thường không quá xuân
Thân như hơi thở mỏng manh,
Đời như mây nổi trên vành núi xa.
Tuổi xuân chớ để luống qua,
Để rồi khóc hận như là Đỗ Quyên.
(Tâm Hà thoáng dịch)
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/trannhantong.htm