Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm
2008
BÁO
CÁO
HỘI NGHỊ TRÙ BỊ LẦN THỨ HAI
UỶ BAN TỔ CHỨC QUỐC TẾ
ĐẠI LỄ VESAK LIÊN HIỆP QUỐC
2008
I. THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM
Hơn bốn tháng kể từ khi
Hội nghị trù bị lần thứ nhất diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại
TP. HCM, nhằm phác thảo kế hoạch tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc
2008 tại Việt Nam, vào lúc 8h00 sáng ngày 19 tháng 5 năm 2008, Hội nghị
trù bị lần thứ hai của Ủy ban tổ chức quốc tế (IOC) đã được khai mạc tại
phòng khách của khách sạn Fortuna, số 6B Láng Hạ, Hà Nội. Hội nghị diễn
ra trong hai ngày. Sáng từ 08h00 đến 11h30, chiều từ 13h00 đến 18h00.
II. THÀNH PHẦN THAM DỰ
Chủ tọa Hội nghị là GSTS.
Lê Mạnh Thát, Chủ tịch IOC, Tổng thư ký Ban Điều phối quốc gia. Đến dự
hội nghị gồm có Ông Nguyễn Hữu Oanh, Phó Thường trực Ban Điều phối quốc
gia, Ông Đặng Tài Tính, Ủy viên Ban Điều phối quốc gia và khoảng 30
thành viên thường trực của Ủy ban tổ chức quốc tế, đến từ 10 quốc gia,
như Thái Lan, Ấn Độ, Tích Lan, Trung Quốc, Pháp, Hoa Kỳ, Úc châu, Đại
Hàn, Malaysia, Singapore và Việt Nam (Có danh sách đính kèm).
III. CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ
1. Phát biểu khai
mạc: GSTS. Lê Mạnh Thát nhấn mạnh rằng
trọng tâm của Hội nghị lần này là thảo luận và đúc kết các công tác
chuẩn bị nhằm đảm bảo sự thành công của đại lễ, một sự kiện Phật giáo
quốc tế lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước đến giờ. Đại lễ Phật
đản LHQ 2008 vốn do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chủ trương, cổ súy và
được nước Việt Nam đăng cai tổ chức. Đại lễ quốc tế này được tổ chức tại
Việt Nam là niềm hãnh diện và tự hào của đất nước Việt Nam và dân tộc
Việt Nam trong và ngoài nước. Sự đồng tâm hợp lực và trí tuệ tập thể của
các thành viên IOC từ nhiều quốc gia sẽ góp phần tạo sự thành công của
đại lễ.
2. Giới thiệu Phó chủ
tịch mới của IOC: GS Lê Mạnh Thát thay mặt
IOC giới thiệu Thượng tọa Học Thành, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp
hội Phật giáo Trung Quốc đã hoan hỷ đến dự với tư cách Phó chủ tịch IOC.
3. Phát biểu của Ban
Điều phối quốc gia: Thay mặt Ban Điều phối
quốc gia, ông Nguyễn Hữu Oanh bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ của Chính phủ
và các Bộ ngành hữu quan trong việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ
Phật đản Liên Hợp Quốc, đồng thời khẳng định sự phối hợp giữa IOC, Ban
Điều phối quốc gia và GHPGVN chắc chắn sẽ mang lại sự thành công của Đại
lễ.
4. Báo cáo tóm tắt và
thảo luận: Đại đức Thích Nhật Từ, Tổng thư
ký IOC, Ủy viên Ban Điều phối quốc gia, điểm lược bốn phương diện tâm
linh, hội thảo, văn hóa và du lịch của đại lễ năm nay, qua đó khẳng định
vai trò và ý nghĩa xã hội to lớn của đại lễ Phật đản LHQ trong bối cảnh
hội nhập và phát triển, đồng thời giới thiệu các giá trị ứng dụng Phật
pháp trong việc giải quyết các vấn nạn toàn cầu. Sau khi điểm lược các
công tác chuẩn bị, các vấn đề sau đây lần lượt được IOC thảo luận và đúc
kết:
4.1. Địa điểm chính:
Trung tâm Hội nghị quốc gia là nơi diễn ra các hoạt động chính như khai
mạc, bế mạc, hội thảo, diễn đàn, tuyên bố Hà Nội, lễ thắp nến cầu nguyện
hòa bình, các chương trình văn nghệ, triển lãm văn hóa, hội chợ văn hóa
Phật giáo v.v… Ngoài Trung tâm Hội nghị quốc gia, Ban Trị sự 55 tỉnh
thành sẽ tổ chức đại lễ Phật đản LHQ cấp tỉnh trang nghiêm, hoành tráng,
hơn các năm trước. Có vài tỉnh thành đã thành lập Ban Điều phối cấp tỉnh
với sự phối hợp của nhiều thành phần để tạo nên khung cảnh lễ hội văn
hóa tâm linh sinh động và đầy ý nghĩa.
4.2. Thành phần tổ
chức: Để đảm bảo sự thành công của đại lễ,
bên cạnh Ủy ban tổ chức quốc tế, còn có sự hợp tác của GHPGVN và Ban
Điều phối quốc gia do Thủ tướng thành lập GHPGVN với hai Văn phòng I và
II. Ban Điều phối quốc gia gồm có các bộ ngành hữu quan cấp trung ương
và tỉnh thành. Mục đích phối hợp là để nhằm đảm bảo được tiến độ chuẩn
bị cũng như sự thành công về phương diện địa phương và quốc tế.
4.3. Thành phần tham
dự: Bao gồm đại biểu chính thức, tự túc và
dự thính.
4.3.1. Đại biểu chính
thức: Gồm hơn 600 đại biểu, bao gồm VIPs,
lãnh đạo các tổ chức Phật giáo thế giới và các nhà nghiên cứu Phật học.
Ban Tổ chức sẽ bảo trợ vé máy bay khứ hồi, khách sạn, đưa đón sân bay,
ăn uống và di chuyển trong suốt thời gian 13-18 tháng 5 năm 2008. Khoảng
300 đại biểu HĐCM, HĐTS, Ban Trị sự các tỉnh thành do VP1 và VP2 giới
thiệu sẽ được bảo trợ tương tự.
4.3.2. Đại
biểu tự túc và dự thính viên:
Khoảng 500 thiền sinh phương Tây tham dự khóa tu của Thiền sư Nhất Hạnh
và khoảng 1000 đại biểu tự túc và dự thính viên ngoại quốc. Thành phần
này sẽ tự chi phí vé máy bay và tiền khách sạn (do Ban tổ chức sắp xếp).
Ban Tổ chức tài trợ đưa đón sân bay, ăn uống và di chuyển dự lễ. Các đại
biểu tự túc và dự thính viên gồm Tăng Ni và Phật tử trong nước bao gồm
Việt kiều cũng tự chi trả vé máy bay và khách sạn (do Ban Tổ chức sắp
xếp thông qua một công ty du lịch được đặc trách).
4.4. Đăng
ký tham dự:
Có hai loại phiếu đăng ký, phiếu 1A và phiếu 1B. Phiếu 1A dành cho từng
cá nhân (bao gồm chính thức và dự thính). Phiếu 1B dành cho nhóm (cả
chính thức và dự thính).
Đại biểu và
dự thính viên quốc tế có thể hạ tải hai phiếu này từ trang nhà của IOC
(www.vesakday2008.com) và nộp lại cho Ban tổ chức qua email:
unvesakday2008@vbu.edu.vn.
Đại biểu và
dự thính viên trong nước có thể đăng ký với phiếu có sẳn tại Văn phòng
các Ban Trị sự tại tỉnh thành của mình, hoặc tại VP1, VP2 hay Văn phòng
IOC.
4.5. Các
hoạt động văn hóa:
Sẽ có 200 gian hàng trưng bày trong hội chợ văn hóa Phật giáo trong
khuôn viên Trung tâm hội nghị quốc gia, triển lãm về các hình thái văn
hóa Phật giáo, 5 chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, trang trí cờ
phướn, lồng đèn, thả hoa đăng, bong bóng Phật đản, ở những nơi công cộng
và quan trọng. Sẽ có khinh khí cầu Phật đản sinh cao 26,32m đứng trên
hoa sen bay trên độ cao 50m và lá cờ Phật giáo thế giới với chiều dài
26,32 bay phất phới trong không gian Trung tâm hội nghị quốc gia, tượng
trưng cho 2632 năm đản sinh của đức Phật.
4.6. Tiệc
chiêu đãi của Thủ tướng:
Diễn ra vào lúc 10h30 đến 13h00 ngày 15-5-2008 tại Trung tâm hội nghị
quốc gia, thay vì theo dự kiến trước đây là đêm 16-5-2008 tại Phủ Thủ
tướng.
4.7. Du
lịch văn hóa ngày 17-5:
Các đại biểu sẽ tham quan Trúc Lâm Yên Tử để tìm về cội nguồn dòng thiền
Việt Nam, hoặc tham dự Lễ khánh thành Chùa Bái Đính với các công trình
Phật tượng kỷ lục quốc gia và lễ trồng 100 cây Bồ-đề. Các du lịch tự túc
trước và sau đại lễ sẽ được các công ty du lịch tổ chức.
4.8. Các
tiểu ban thực hiện:
IOC đã thành lập các tiểu ban hành động với sự phân công trách nhiệm (có
danh sách đính kèm).
4.9. Các
diễn đàn và hội thảo chuyên đề:
IOC đã nhận được khoảng 100 bài tóm tắt về chủ đề chính và 7 chủ đề phụ,
đồng thời đã phân công và thỉnh mời người thuyết trình chính, người điều
phối, thuyết trình viên và các thư ký hội thảo.
4.10. Hỗ
trợ Visa:
Sau khi nhận được thư mời của Ban Tổ chức, các đại biểu cần điền đơn xin
Visa tại Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự Việt Nam càng sớm càng tốt.
Trường hợp không được Visa do bất kỳ lý do gì, các đại biểu chắc chắn sẽ
được cấp Visa tại sân bay Nội Bài. Đại biểu cần mang thư mời theo để
được Ban tổ chức làm thủ tục nhập cảnh nhanh chóng.
5. Tuyên
bố Hà Nội:
IOC đã phác thảo bản dự thảo Tuyên bố Hà Nội gồm có 15 điều, xoay quanh
các vấn nạn toàn cầu mà LHQ đang quan tâm (có Tuyên bố đính kèm).
6. Tiệc
chiêu đãi của Ban Điều phối quốc gia:
Trưa ngày 20-3-2008, ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ban Điều phối quốc gia,
đã chiêu đãi tất cả thường trực IOC trong tinh thần cởi mở, thân thiện,
để lại ấn tượng tốt đẹp cả hai phía. Theo lời mời của Chủ tịch IOC,
Thượng tọa Dharmaratana (Cố vấn UNESCO, Pháp), Thượng tọa Học Thành (Phó
chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Trung Quốc) và cư sĩ Phallop
Thaiarry (Tổng thư ký Hội Liên Hữu Phật tử thế giới, Thái Lan) đã lần
lượt chia sẻ những kinh nghiệm của những năm trước và tin tưởng vào sự
thành công của đại lễ năm nay, đồng thời hy vọng, Việt Nam sẽ đăng cai
tổ chức Phật đản LHQ thêm lần nữa. Thay mặt Chính phủ Việt Nam và Ban
Điều phối quốc gia, ông Nguyễn Thế Doanh đã bày tỏ lòng hân hoan trong
sự hợp tác giữa GHPGVN và các tổ chức Phật giáo thế giới, góp phần tạo
nên các đóng góp to lớn của đạo Phật cho các vấn đề thế giới đang quan
tâm.
7. Thăm
viếng HĐTS GHPGVN:
Vào lúc 16h00 ngày 20-3-2008, phái đoàn IOC đã chính thức thăm viếng Hòa
thượng Thích Thanh Tứ, Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN, Phó Ban
Điều phối quốc gia để báo cáo kết quả hai ngày làm việc của IOC trong
tinh thần hòa hợp, dân chủ vì sự thành công của đại lễ. HT. Thích Thanh
Tứ chào mừng và hy vọng vào trí tuệ tập thể của nhiều tổ chức Phật giáo
quốc tế qua IOC và GHPGVN sẽ tổ chức thành công đại lễ Phật đản LHQ lần
đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến giờ.
TM. UỶ BAN TỔ CHỨC QUỐC TẾ
ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN LIÊN HỢP QUỐC
Nơi nhận:
TỔNG THƯ KÝ
- Ban Điều phối quốc gia
- Ban Tôn giáo chính phủ
- VP1, VP2
- Lưu
THÍCH NHẬT TỪ
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatdan/hoinghilanhai.htm