Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

TỪ THÔNG ĐIỆP NĂM 2002 ĐẾN THÔNG ĐIỆP NĂM 2007:

MỘT TẤM LÒNG NHIỀU NỖI BÂNG KHUÂNG

 
ThíchThiện Hữu

Chân thành cảm ơn dịch giả Đỗ Hữu Tài đã dịch ra tiếng Việt những Thông Điệp Phật Đản này!

Vô cùng cảm tạ Trang Nhà Đạo Phật Ngày Nay đã quảng bá những Thông Điệp Phật Đản và cho phép người viết được hoàn toàn xử dụng để có những dòng cảm xúc này!

Chân thành cảm tạ nhạc sĩ Phạm Cao Tùng đã đóng góp ý kiến cho bài viết này!

Đệ tử một dạ chí thành cúng dường mùa Phật Đản!!

 

Tôi có duyên may được đọc một số bức Thông Điệp. Có những Thông Điệp chứa đầy thuốc súng, nặng mùi khiêu khích chiến tranh. Có những thông điệp thiêu đốt núi rừng, phá hoại môi sinh, tổn hại sự sống của côn trùng thảo mộc. Có những thông điệp tàn phá nền văn minh nhân loại, huỷ diệt di sản văn hoá loài người. Có những thông điệp ly tán tình anh em, phá hoại tinh thần hoà hợp giữa các tôn giáo. Có những thông điệp loạn lạc quốc gia, băng hoại đời sống của xứ sở thanh bình. Nhưng, những Thông Điệp của chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư vị Tổ sư và gần đây là những Thông Điệp của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc lại chứa chan tinh thần Từ bi-Trí tuệ, bình đẳng giải thoát, đượm nhuần chất liệu bất bạo động, độ lượng khoan dung, đễ dẫn tới công cuộc xây dựng hạnh phúc, vun đắp xã hội loài người trên hành tinh tươi sáng tuyệt vời này.

Không ai phủ nhận thế giới này đang biến động và không ngừng biến động. Hầu như tất cả mọi người đã thấy rất rõ bản chất của các cuộc chiến tranh, dù những cuộc chiến tranh này được trang bị dưới mọi hình thức, mọi màn the, mọi chủ thuyết và mọi phương tiện thực hiện, nhưng chung cuộc, chiến tranh lúc nào cũng mang đến đổ nát, thê lương đau thương, mang đến chết chóc, lầm than ai oán, và hơn hết là sự tổn hại khổng lồ cả tài sản vật chất lẫn tâm thức con người.

Những cảnh tượng, những hậu quả nặng nề của chiến tranh đã được Đức Phật chỉ bày rất rõ trong kinh tạng và những năm gần đây lại được vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề cập trong nội dung của những bức Thông Điệp Phật Đản Liên Hiệp Quốc (LHQ) tổ chức hằng năm. Qua đó, chúng ta sẽ thấy ít nhiều tấm lòng của người lãnh đạo, sẽ thấy những nỗi lo âu, ưu tư bâng khuâng của LHQ, và hơn hết, sẽ hiểu rõ những giá trị đích thực về lời dạy của đức Phật đã và đang mang đến cho loài người cách đây hơn 2.500 năm:

…”Hơn 2.500 năm qua, những lời dạy của vị Đạo sư Giác ngộ - Phật Thích Ca vẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của hàng triệu người trên thế giới. Việc tổ chức hằng năm Đại lễ này là cơ hội để Phật tử xác quyết niềm tin vào giáo lý của Ngài, đồng thời phát huy tinh thần Từ bi-Trí tuệ và Hoà bình mà Phật tổ đã truyền trao…”(Thông Điệp Phật Đản LHQ-2007)

Tiếng nói thầm kín của con người, tiếng nói đầy đạo đức lương tâm của đức Phật Thích Ca đã được thế giới xem như ‘kim chỉ nam’, vừa là con đường thánh thiện, vừa là phương tiện thiết thực mang lại ý nghĩa sống còn đích thực cho con người và cuộc đời trên khắp cả hành tinh này.

Phải chăng, đây là lời khẩn cầu bi thiết, là nguyện ước của hàng triệu con tim, nên lấy tinh thần Từ bi-Trí tuệ và Hoà bình của đạo Phật để giải quyết mọi vấn đề khó khăn của cuộc đời. Lòng mong mỏi một thế giới thực sự hoà bình, bom không còn nổ nơi này, tiếng súng không còn thét gào ở đất nước kia, thậm chí, không còn những tranh chấp biên giới, lãnh hải lãnh thổ của nhau, để làm đau khổ, tạo nhiều oan gia, đắng cay tủi nhục cho nhau. Đây chính là một trong những nốt nhạc trầm hùng khởi đầu cho lịch sử hiện hữu của LHQ đối với Phật giáo nói riêng và loài người nói chung.

Kêu gọi xác quyết niềm tin, vô tình hay cố ý lại chỉ rõ một hiện trạng mất niềm tin đang xảy ra khắp nơi. Cá nhân không tin cá nhân, đoàn thể không tin đoàn thể, quốc gia không tin quốc gia, khối khu vực này không tin khối khu vực kia…, để cuối cùng dẫn đến tình trạng phân ly trầm trọng, phân cách bi đát khôn cùng. Vì vậy, hơn bao giờ hết, vị Tổng Thư Ký LHQ nhân dịp này, qua Thông Điệp Phật Đản, đã mời gọi mọi người, mọi thành phần tổ chức xã hội, mọi tổ chức tôn giáo tín ngưỡng, mọi đảng phái, mọi quốc gia, mọi khối khu vực…, hãy xây dựng, xác quyết niềm tin cho nhau. Bởi lẽ, chính hành động xác quyết, xây dựng này, là một cung bậc của muôn vạn tấm lòng, để bước vào khung trời hi vọng, để tấu lên những khúc ca hiện thực, đóng góp trên mọi phương diện, giá trị văn minh vật chất, giá trị tinh thần cao thượng, vượt khỏi không gian, thời gian, và cũng là những nét chấm phá chuyển mình trong lịch sử loài người.

....“Nhân ngày Vesak hôm nay, xin hãy nhớ rằng dù nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa và đức tin của chúng ta là gì chăng nữa thì chúng ta chủ yếu vẫn không khác nhau. Tại vì trên hết, chúng ta chia sẻ với nhau cùng một mái ấm gia đình, một hành tinh đang thu nhỏ mà chúng ta phải gắn bó sống với nhau. Vậy xin hãy cùng nhau hợp tác làm chung việc thiện và hợp tác cho sự sống chung hài hòa và an bình của mọi dân tộc trên thế giới này…” (Thông Điệp Phật Đản LHQ-2002)

Thế giới này nằm chung trong một hành tinh, được kết nối bởi nhiều mối tương quan, tương duyên. Đức Phật đã thấy rõ và luôn dạy chúng đệ tử, không nên tách rời, không nên tự cô lập, không nên du hoá độ một mình trong bất kỳ tình huống nào. Ngài còn khuyên nhủ mọi người nên sống chung hài hoà, sinh hoạt trong tinh thần ‘lục hoà tương kính’. Có thực hành trọn vẹn như vậy, con người sẽ mang lại an bình cho tha nhân, tạo sức lớn mạnh cho cộng đồng và thịnh vượng chung cho quốc gia xã hội. Song song, con người nên cố gắng thực hiện những công tác từ thiện, mặc dù, chủng tộc, văn hoá và đức tin của loài người có khác nhau. Nhưng, với nhãn quan của đức Phật, con người có chung một dòng máu đỏ, một giọt nước mắt cùng mặn, và có cùng những cảm xúc khổ đau, hạnh phúc như nhau. Giá trị của Thông điệp Phật Đản LHQ này thực sự là cơ hội tốt để loài người sống trọn vẹn và hiểu rõ tận tường những tính đặc thù của giáo lý đạo Phật.

Hơn nữa, bằng ánh sáng tâm linh siêu việt của đức Phật và giáo pháp của Ngài, đạo Phật đã giới thiệu, đã cung hiến cho nhân loại chân giá trị đạo đức tâm linh đích thực. Con đường thực nghiệm tâm linh, để dẫn tới một đời sống xã hội an bình hạnh phúc đều đã được chỉ bày rõ ràng trong kinh điển Phật giáo.

An bình trong tinh thần tương thân, tôn kính những giá trị sẳn có trong mỗi cá nhân, tôn trọng những giá trị đạo đức tâm linh của mỗi tôn giáo, tôn trọng những di sản văn hoá của loài người và tôn trọng tình anh em chung một mái ấm gia đình nhân loại. Tất cả đều phải thật sự được tôn trọng, đem ra thực hành, đối xử với nhau như ruột thịt mới có được hạnh phúc an vui.

Ngoài ra, đức Phật chưa bao giờ dạy chúng đệ tử tự thiết lập những vòng kim cô cho mình và áp đặt lên cuộc sống người khác. Bởi vì, chính những vòng cương toả cố chấp, phân ly đã là động lực để tạo ra bao lê thê trần thế, bao đam mê của đời sống vật dục, và bao thảm hoạ của chiến tranh tàn khốc. Chính những trái tim đang bị nung nóng bởi lòng vị kỷ, đã hun nóng hành tinh này trở thành màu đen vô vọng, đã che đậy mặt trời chân lý biến thành màu xám nghi ngờ, đã phá nát những yêu thương trong tự thân mỗi người hoá ra hận thù, nghi kỵ, mạ lỵ, vu khống hãm hại, chém giết lẫn nhau.

Vậy thì, ngay đây và bây giờ, trên tinh thần nhân bản, trong nội dung của Thông Điệp, mọi người hãy tự thắp sáng tâm linh, phát triển nội lực Từ bi-Trí tuệ vốn có của mình. Mỗi quốc gia, mỗi xã hội, dù khác nền văn hoá, khác niềm tin tôn giáo, khác tín ngưỡng tôn thờ, hay khác nền kinh tế tiêu thụ, không vì thế mà không thực hiện, không áp dụng bài học tương thân, tương kính, tương ái cho nhau. Hãy sống gắn bó, cùng hợp tác để mang lại đời sống an hoà thực sự cho thế giới này. Hãy thực hành tất cả việc lành để có đủ đầy công đức xây dựng một xã hội hoàng kim, một đời sống xã hội vượt lên mọi giá trị thấp kém vô thường, tiếp tay nối liền sự sống miên viễn, nhiệm mầu hằng hữu trong thế giới nhiễu nhương ngắn hạn này:

... “Thông điệp của Đức Phật là một thông điệp về Hòa bình và Từ bi, nhưng cũng còn là một thông điệp về Tỉnh thức - nhận biết bản thân mình, hành động của mình và nhận biết về thế giới chung quanh mình. Đây là thông điệp mà những ai quan tâm đến hướng đi và vận mệnh của loài người cần nghiêm chỉnh đón nhận…” (Thông Điệp Phật Đản LHQ-2003)

 

Nếu như trong năm 2002, Thông Điệp Phật Đản LHQ nhấn mạnh đến yếu tố sống chung hoà bình trên hành tinh này, thì Thông Điệp năm 2003 lại thiết tha kêu gọi mọi người, thực hiện tinh thần Từ bi, Hoà bình trong giáo lý Phật đà. Hãy tự nhận biết bản thân, tự soi sáng lòng mình, hành động đúng với lương tâm, lương tri của mình và tự nhận chân được những biến chuyển của thế giới xung quanh.

Thế giới này giống như một dòng chảy phức hợp, được nối kết bởi nhiều yếu tố. Nhưng, những ai thực sự có lòng quan tâm đến vận mạng của loài người đều phải nghiêm chỉnh nghĩ rằng, quan tâm đến hướng đi và vận mạng của loài người cũng chính là sự quan tâm đích thực của cá nhân mình. Bởi lẽ, con người không thể tách rời thế giới bên ngoài để sinh tồn, không thể sống biệt lập với tất cả môi trường xung quanh. Trong tinh thần này, bức Thông Điệp đã mượn ý nghĩa của đạo Phật, xử dụng những tư tưởng của đức Phật để, qua đó, có thể nói lên tiếng nói chung của nhân loại hôm nay-tiếng nói thành tâm sám hối, tiếng nói ‘phản quang tự kỷ, bổn phận sự’ của người xưa, tiếng nói dấn thân phục vụ tha nhân của chư Bồ tát, tiếng nói tôn trọng, chăm sóc kỹ lưỡng khí hậu trong lành của đức Phật, tiếng nói tôn trọng môi trường sống và môi trường tâm linh của chư Tổ sư, của những con người đạo đức đang hiện hữu khắp nơi.

Đối với người con Phật, xin hãy chấp tay một lòng đêm ngày thực hiện, dù không phải là ngày Phật Đản. Xin hãy thành tâm dâng trọn tấm lòng, quyết tâm áp dụng tinh thần vi diệu này vào đời sống. Ngoài ra, Thông Điệp LHQ còn thiết tha mời gọi:

…”Nhân dịp kỷ niệm ngày Vesak, tôi xin được nắm tay mọi người trong niềm hy vọng về một thế giới mà mọi người đều phấn đấu để tỉnh thức - nhận biết và quan tâm đến đồng loại…” (Thông Điệp Phật Đản LHQ-2003)

 

Trong mọi trạng thái tỉnh thức, hãy tự nhận biết và quan tâm đến đồng loại. Quan tâm đến đồng loại bằng thái độ tỉnh thức tự thân, cũng có nghĩa là tự thân mọi người bước những bước chân thánh thiện, bước lên những đồi cao tự tánh, tràn ngập năng lượng từ bi như đại dương mênh mông. Quan tâm đến đồng loại bằng thái độ tỉnh thức, cũng có nghĩa là, trong mọi thể thái đắng cay vô thường của cuộc đời, con người vẫn để cho dòng máu trinh thành của con tim tuông chảy long lanh, để cho hoa lá cỏ cây cất những khúc ca thương đời mẫn thế, và để cho hòn sỏi bên đường hay cát bụi mịt mù của sa mạc tham sân có cơ hội đóng góp giá trị đích thực trong cuộc sinh tồn.

Giáo lý đạo Phật luôn khuyên con người tĩnh tâm trong mọi trạng huống, lắng đọng trong mọi hoàn cảnh. Dù biết rằng, trong cuộc sống ồn ào biến động bởi những dòng thác vô thường, cuộc đời lắm lúc như một đấu trường rực lửa, rực mùi súng đạn đau thương chết chóc. Nhưng, chỉ cần bình tâm tỉnh trí, cố gắng nỗ lực công phu, quyết tâm dấn thân phục vụ, hay ít ra cũng có những phút giây góp lời cầu nguyện chân thành, hy vọng cuộc sống sẽ vơi bớt những thảm trạng sầu bi, thê lương nặng nề. Hơn nữa, bên cạnh những phút giây bi thiết nguyện cầu này, đừng nên nguyền rủa, đừng nên thét gào, đừng nên chỉ trích, đừng nên phán đoán, đừng nên đánh giá những màng vô minh đen tối, mà hãy tĩnh tâm tìm ra giải pháp tốt nhất, giải pháp dựa trên tinh thần Từ bi-trí tuệ, bất bạo động của đạo Phật, phương pháp xây dựng một xã hội không còn tiếng kêu la rên xiết của con người. Không nên đeo cập kín màu để đánh giá hay phán xét những giá trị văn hoá, tôn giáo, quốc gia dân tộc của tha nhân:

…”Chúng ta phải dứt bỏ cái thói quen rập khuôn hóa, tổng quát hóa và các định kiến, và cẩn trọng không bôi nhọ cả một dân tộc, cả một vùng miền, hay cả một tôn giáo chỉ vì tội lỗi của một vài cá nhân. Như đạo Phật đã dạy, chúng ta vừa phải ứng xử công bình và khách quan với đồng loại của chúng ta, vừa phải kiềm chế ác tâm, sự hung hãn và ý muốn làm tổn hại người khác. Lòng khoan dung thì cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta phải đi xa hơn nữa, phải tinh tấn nỗ lực tìm hiểu tha nhân và khám phá những điều tích cực nhất trong tín ngưỡng và văn hóa của họ…” (Thông Điệp Phật Đản LHQ-2004)

Chính thói quen rập khuôn, chính cái nhìn định kiến, biên kiến, đã đưa đẩy một số quốc gia nội chiến, đã đưa đẩy một số dân tộc mất quyền tự do, đã đưa đẩy một số cá nhân trong tôn giáo có thái độ ứng xử vô cùng cực đoan và độc ác. Chính ánh mắt thiếu cởi mở, thiếu lòng tôn trọng và sự hiểu biết tha nhân, đã sản sanh ra thái độ tự cao tự đại, tự tôn tự hào, tâm lý hẹp hòi của ‘tông môn pháp phái’, thái độ nhỏ nhặt của ‘phân biệt vùng miền’ và hơn hết, là thái độ không tôn trọng những thành quả, những nhận định, những quan điểm của người khác.

Chính thái độ thiếu khám phá, thiếu bao dung độ lượng, thiếu hiểu biết trong kiến thức văn hoá tôn giáo toàn cầu, đã dẫn đến tình trạng huỷ diệt, tiêu hoại nền văn hoá, văn minh nhân loại trong những năm gần đây. Vì vậy, hơn bao giờ hết, để hiểu biết một cách chánh tri, để ứng xử một cách chánh tuệ, và để đả thông mọi bế tắt một cách chánh tin tấn trong mọi trạng huống, mọi lãnh vực của đời sống, xin hãy mở đôi mắt tuệ giác trọn vẹn, xin hãy tôn trọng những vóc dáng, nét đẹp của nhau. Xin hãy cất cao tiếng ru thương yêu, trìu mến của những bà Mẹ trên trần gian này. Xin hãy dành những ngôn ngữ yêu thương, chứa chan tình cảm chân thiết mặn nồng qua từng cử chỉ, từng ý nghĩ hành động, trong từng làn da sợi tóc, trong từng đôi môi thắm màu hạnh phúc, trong từng phiến đá, hòn sỏi bên đường, trong từng giọt nước nơi biển hồ sông rạch, hay trong từng hơi thở trên tấm thân gầy đang lê bước giữa những cánh đồng khô cằn tình người, trong những giấc mộng thiên thần của tuổi thơ trinh trắng. Xin hãy có mặt, xiết chặt tay nhau để thấy ánh ban mai không bao giờ tắt, để thấy những nấc thang tâm linh cuộc đời luôn là thước đo, là mùa xuân tươi đẹp để vun đắp tình người thiên thu. Xin hãy như những dòng sông yên ả, thanh bình luôn mang phù sa vun đắp cho sự sống loài người và hãy như những đại dương mênh mông, luôn ôm trọn sạch dơ của dòng chảy biến thái vô thường vào lòng mà không chút thở than phiền muộn. Sống đúng và thực hành được như thế, thì chào mừng ngày Phật Đản mới đượm đầy ý nghĩa thiết thực nhất:

…”Khi chào mừng Đại Lễ Vesak năm nay, chúng ta nên nhớ là, dù có nguồn gốc, chủng tộc, văn hoá hay tín ngưỡng nào, chúng ta đều chia xẻ một quê hương chung - một hành tinh trơ trọi nhỏ bé, nơi chúng ta sống gắn bó với nhau. Chúng ta hãy quyết tâm chung sức làm những việc mang lại lợi ích chung cho một đời sống hài hoà và hoà bình giữa tất cả các dân tộc trên thế giới…” (Thông Điệp Phật Đản LHQ-2005)

 

Hành tinh của chúng ta sẽ trở nên trơ trọi nhỏ bé, nếu con người không ý thức toàn triệt về sự nguy hại diệt chủng này. Bất cứ ai xuất thân từ những nguồn gốc, chủng tộc văn hoá hay tín ngưỡng nào, đều phải ý thức rằng, chúng ta đang chung sống trên cùng một quê hương, cùng một hành tinh, cùng một xứ sở đáng thương yêu trân quý.

Một đời sống hài hoà và an bình trên hành tinh là ước mơ chung của nhân loại. Đạo Phật hiện hữu nơi cuộc đời cũng có cùng mục đích ước mơ chung đó. Nhìn về quá khứ, đạo Phật đã phác hoạ những ước mơ rất đơn sơ để trở thành hiện thực, đạo Phật đã dâng tặng những đoá hoa đạo đức tâm linh, toả ngát hương thơm cho cuộc đời. Đạo Phật đã cất cao tiếng hát từ 2500 năm trước, và tiếng hát này vẫn còn thì thầm trong Tự viện, trong am tranh, trong mỗi động thái của kẻ xuất trần, trong mỗi tâm hồn của người Phật tử trên khắp nẻo đường trần, hay trong những bước chân luân hồi của chúng sanh. Những âm thanh vi diệu nhẹ nhàng này, không phải là những âm thanh tiếc nuối, không phải là những âm thanh sợ hải, không phải là những âm thanh buồn đau ta thán, không phải là những âm thanh tự tôn tự cao, mà là những âm thanh mong manh hy vọng của một tấm lòng tha thiết, thương yêu tha nhân như chính bản thân mình.

Chung sống an lạc và hoà bình khắp vạn nẻo đường trần là thứ âm thanh giao thoa của muôn triệu ngàn âm thanh. Nó đã trở thành bản tình ca muôn thuở bất diệt không phân cách giữa người với người. Nó là lời dặn dò năm xưa của giáo tổ Thích Ca khi còn tuỳ duyên giáo hoá. Nó là một trong muôn ngàn thứ ân tình của cuộc đời để trở thành những âm giai tạo nên những giọng ca êm ái từ hoà và được chuyển hoá trong tất cả ngôn ngữ của trần gian. Thực hành và sống trọn vẹn như thế, con đường thương yêu chân chính sẽ được thiết lập, con đường cảm thông sẽ được bang giao và những nhức nhối thời đại, những tê cóng tâm hồn, những cơn hạn tình người sẽ chấm dứt trên toàn diện. Đây chính là lý tưởng, ước mơ chung của loài người hôm nay và cũng là con đường được đức Thích Ca thiết lập năm xưa:

 

…”Những lý tưởng mà chúng ta tán dương hôm nay thì gần gũi với lý tưởng của Tổ chức Liên Hợp quốc: Cảm thông giữa các dân tộc, mưu cầu một xã hội hài hòa, và xiển dương hòa bình trên thế giới…” (Thông Điệp Phật Đản LHQ-2006)

…”Kỷ niệm ngày Vesak năm nay, xin như đạo Phật, hãy công nhận tính tương thuộc thiết yếu giữa chúng ta. Và hãy quyết tâm cùng nhau hợp tác làm chung việc thiện và hợp tác cho sự sống chung hài hòa và an bình của mọi dân tộc trên thế giới nầy…” (Thông Điệp Phật Đản LHQ-2006) 

Nhịp cầu cảm thông, xã hội hài hoà và xiển dương hoà bình thế giới phải được viết lên bằng tấm lòng quảng đại “thương người như thể thương thân”. Thông Điệp Phật Đản năm 2006 như nhắc nhở, như thẳng thắn nói với mọi người rằng, bằng nhịp cầu cảm thông, với xã hội hài hoà văn hoá, cùng nhau chung sức chung lòng thực hiện điều thiện, mới thực sự có được cuộc sống hoà bình thế giới.

Những lúc con người còn nhiều thứ ẩn núp trong đầu, còn thiết lập nhiều đại bản doanh trong pháo đài nghi kỵ, còn nhiều trang thiết bị cho chiến tranh hận thù, thì những ngôn ngữ này, những Thông Điệp giá trị như thế chỉ được nằm vỏn vẹn trên những tờ giấy chưa khô mực. Quốc gia còn ngờ vực, xã hội còn dẫy đầy bất công, lòng người bị che phủ bởi những lớp bụi của tham sân, vô minh, thì, chiến tranh, chết chóc, bạo tàn vẫn tiếp tục leo thang khắp nơi. Sự hiện hữu của Phật, Thánh, Tiên Hiền đều trở nên vô vọng.

Khi nào con người còn vỗ tay ca ngợi sự tàn phá huỷ diệt của nền văn minh khoa học tân kỳ, khi nào con người còn thoải mái lợi dụng những địa vị chức quyền của mình cho vị kỷ, khi nào con người còn thản nhiên nhìn thấy những khổ đau bất hạnh của kẻ khác một cách vô tâm, thì những thước phim lớn của cuộc đời sẽ tiếp tục ghi lại tất cả những hình ảnh xấu xa đó, dầu người đó là Phật tử hay không là Phật tử:

…”Nhân ngày Vesak, tất cả chúng ta – dù là Phật tử hay không - hãy quyết tâm ứng xử với nhau trong tình thần độ lượng và khách quan. Chúng ta hãy phấn đấu mỗi ngày vì sự tiến bộ của bản thân và của thế giới…” (Thông Điệp Phật Đản LHQ-2007)

Khách quan và độ lượng là những tiêu chí để nâng phẩm cách con người và Phật hoá loài người.

Hai chữ khách quan đã một lần hay nhiều lần lánh mặt, để những đắng cay, phũ phàng, những trái ngang nghiệt ngã hiện hành. Hai chữ khách quan biến mất, đã nhiều lần làm cho hồn thiêng dân tộc, vận mạng quốc- tổ điêu linh. Hai chữ khách quan biến mất, đã làm cho tiếng ru thiết tha từ tận đáy tâm hồn của loài người như rã rời, mỏi mệt. Hai chữ khách quan vắng mặt, đã làm cho những dự tính của LHQ có lúc phải đắm chìm giữa đại dương mù mịt. Hai chữ khách quan biến mất, đã làm cho chiến tranh bùng phát, đoạ đày trải khắp mọi nơi.

Hai chữ độ lượng vắng mặt, đã làm cho những hiểm hoạ của đói nghèo, những lạc hậu trầm trọng ở một số quốc gia chậm tiến ngày càng tồi tệ. Hai chữ độ lượng vắng mặt, đã làm cho tình huynh đệ phân ly, tôn giáo sống trong nghi kỵ hiềm thù. Hai chữ độ lượng vắng mặt, đã khiến cho mỗi cá nhân tự đánh mất lương tâm lương tri của mình, tự co cụm trong óc đảo tư kỷ để oán thù chất chồng. Hai chữ độ lượng vắng mặt, đã làm cho nụ cười trên môi bị biến dạng, ánh mắt từ hoà không vương vấn chút nghẹn ngào.

Ngược lại, một khi bốn chữ ‘khách quan độ lượng’ hiện hữu trên cuộc đời, con người sẽ nghe rõ tiếng khóc âm thầm trong đêm lạnh giá, sẽ thấy được ánh mắt hồn nhiên trinh bạch của trẻ thơ nói cười hay những hình ảnh run rẩy của con em mình đang thiếu vắng tình thương trầm trọng. Bốn chữ ‘khách quan độ lượng’ có mặt, con người sẽ vĩnh viễn xẻ chia những đớn đau, vui buồn đang trải rộng trên vạn nẻo đường trần. Bốn chữ ‘khách quan độ lượng’ có mặt, con người sẽ mở rộng vòng tay nhân ái để nối kết tình thâm, sẽ biến những ước mơ bé nhỏ thành những hành động hữu ích vĩ đại!

     Tóm lại, xuyên suốt từ năm 2002 đến 2007, những bức Thông Điệp Phật Đản của LHQ phần nào như sự bày tỏ nỗi bâng khuâng khôn tả trước những xáo trộn của xã hội loài người. Để rồi, mọi người đều nhận ra, đều có một đáp số chung là: Ai ai cũng có khả năng giác ngộ thành Phật, khả năng hướng thượng chung làm việc thiện, và mọi người đều có trái tim từ hoà, luôn ước mong sống chung an lạc trong một hành tinh thương yêu đáng kính này.

Hy vọng một ngày gần đây, con người sẽ hiểu ra và ý thức rằng, loài người đang chung sống trên một quê hương, tất cả đều là anh em ruột thịt, đều có dòng nước mắt cùng mặn và dòng máu cùng đỏ, thì ngay giờ phút đó, thế gian này sẽ biến thành cõi cực lạc an bình.

Hơn hết, trên mọi ý nghĩa, mọi kinh nghiệm, mọi hành động, Thông Điệp Phật Đản LHQ còn là tiếng lòng trung trực, đang mời gọi mọi thành phần xã hội hãy cùng nhau góp một bàn tay, xây dựng lại xã hội loài người thực sự thanh bình, thịnh vượng. Vì thế, Thông Điệp Phật Đản LHQ sẽ phần nào giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp chuyển hoá, sẽ vô cùng cần thiết trong tiến trình ngăn ngừa những việc làm bất thiện. Ngoài ra, Thông Điệp Phật Đản LHQ còn như một món quà tâm linh ban tặng khắp hang cùng ngỏ hẻm cho cuộc đời.

 

Thông Điệp Phật Đản LHQ, có thể lay động lòng người đang dao động, có thể tĩnh thức con người đang bị đắm chìm trong sắc-tài, danh lợi, uy quyền.

Thời gian 6 năm qua, Thông Điệp Phật Đản LHQ hẳn đã ít nhiều đi sâu vào nội tâm của tuổi trẻ thời đại, để hướng dẫn những thành phần này không tiếp tục dấn thân vào mê đạo hưởng thụ những thú vui trần gian giả tạm.

 

Thông Điệp Phật Đản LHQ đã từng chập chờn trong những nỗi ám ảnh khôn nguôi của lương thức con người, và đã dự phần giải quyết mọi ách tắt trong đời sống loài người. Ngoài ra, Thông Điệp Phật Đản LHQ sẽ tự định vị giá trị thiêng liêng của mình, để cùng nhau thắp lên ngọn đuốc chánh pháp, phục vụ nhân sinh mà đạo Phật đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện.

 

Thông Điệp Phật Đản ngày nay đang soi sáng lên mọi hoạt động xã hội, đang tự hoà nhập vào dòng chảy cuộc đời như thuở xưa đức giáo tổ Thích Ca thực hiện. Do đó, giá trị đích thực của Thông Điệp không những vượt lên trên mọi chiều kích hữu hạn tầm thường, sẽ phần nào chung tay góp sức, tạo nguồn cảm hứng cho những quốc gia đăng cai tổ chức hằng năm, mà còn là động cơ thúc đẩy cho các nhà lãnh đạo thế giới ngồi lại để tìm ra giải pháp hữu hiệu thực hiện giáo lý Trí tuệ-Từ bi, là chất xúc tác mạnh mẽ cho những bậc thực nghiệm tâm linh của các tôn giáo có cơ hội trao đổi, tự soi con đường của chính tôn giáo mình.

Hơn nữa, trong nội bộ Phật giáo, Thông Điệp Phật Đản LHQ sẽ mở ra một trang sử mới trong tinh thần hoà hợp tương thích, tính bao dung độ lượng, để mọi tông phái của mỗi quốc gia đều có thể ngồi lại với nhau trên tinh thần tôn trọng truyền thống tâm linh, truyền thống tu tập của nhau.

Những thành trì kiến chấp, những lối tư duy hẹp hòi bảo thủ, thiển cận vì tư lợi, những lăng kính màu cho mình là đỉnh cao của trí tuệ sẽ gây đổ vỡ, tàn hại cho xã hội loài người. Những mong ước hy vọng được đắp xây trên tinh thần vị kỷ tư lợi cũng sẽ cháy rụi trên đống tro tàn thất vọng, để từng đêm, từng ngày, bom đạn đó đây dừng tiếng. Nước mắt khổ đau của nhân loại không còn chảy xuống mảnh đất trần gian này, để ước mơ chung trở thành hiện thực:

….”Trong thời đại bất trắc toàn cầu hôm nay, quan niệm về hòa bình và về tiềm năng cao cả nhất của con người mà Đức Phật đã chỉ ra, bỗng trở nên thích đáng hơn bao giờ hết.  Thật vậy, nếu chúng ta muốn có cơ hội để khắc phục những thách đố mà chúng ta đối diện hôm nay – trong các lãnh vực hòa bình và an ninh, phát triển, và bảo vệ môi sinh toàn cầu – thì chúng ta phải thoát lên trên lối tư duy hẹp hòi và thiển cận vì tư lợi, và nâng chúng ta lên một tầm nhìn phổ quát hơn, trong đó phúc lợi của một cộng đồng nhân loại rộng lớn cũng quan trọng như phúc lợi riêng của chính mỗi chúng ta. Mỗi chúng ta cần san sẻ niềm hy vọng về một tương lai bình an, quân bình và bền vững. Hành động của chúng ta hôm nay – dù với tư cách của những cá nhân hay là những thành viên của cộng đồng - phải được hướng dẫn bởi giấc mơ chung đó…” (Thông điệp Phật Đản LHQ-2002)

Thích Thiện Hữu
Chùa Phật Đà
Úc Châu, tháng 04 năm 2008

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatdan/mottamlong.htm

 


Vào mạng: 13-4-2008

Trở về mục “Phật Đản

Đầu trang