Năm
nay, theo truyền thuyết thì là năm thứ 2500 kể từ khi đức Phật đản sinh.
Cho nên có vài nước, từ thành thị tới thôn quê, cử hành cực kỳ long trọng
lễ mừng ngày Phật đản, để bày tỏ lòng thành kính và lòng nhiệt tình của
tín đồ Phật giáo. Hội Tự do Trung Quốc Trung Hoa Văn hóa Xuất bản sự
nghiệp Uỷ viên, cũng phát động biên tập quyển Trung Quốc Phật giáo sử
luận tập; Chương Gia đại sư đặc biệt phát động, tại chùa Thiện Đạo của
Thành phố Đài Bắc, cử hành đại Pháp hội, để kỷ niệm ngày vô cùng trọng đại
này. Là một đệ tử Phật, từ trong ánh sáng chánh pháp của Phật, nương nhờ
được phước báo của chánh pháp – bỏ được chốn hung hiểm mà lên bờ anh vui,
lìa khổ được sướng, từ bóng tối đến ánh sáng, chuyển cực khổ thành Cực Lạc
– người Phật tử thọ nhận được cái ơn huệ vô cùng to lớn của đức Phật, gặp
được ngày sinh của Phật, đúng là rất nên cổ vũ, vui vẻ chúc mừng!
Nói đến Phật đản, hiện nay có ba thuyết:
1.
Ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch theo sự truyền thừa từ xưa của
Phật giáo Trung Quốc.
2.
Một số đông người Đài Loan, làm theo thông lệ của Phật giáo
Nhật Bản, chọn ngày mồng 8 tháng 4
dương lịch (Tây lịch).
3.
Bắt đầu từ năm này, có người ứng dụng cách truyền thừa của
Phật giáo Nam truyền, lấy ngày
trăng tròn rằm tháng 5 của
dương lịch – tức ngày 15 tháng 4 âm lịch.
Mặc dù ‘việc tốt chẳng ngại có nhiều’,
nhưng trong một năm mà phải kinh qua 3 cái ngày Phật đản, phải tổ chức 3
lần lễ Phật đản, rốt cuộc cũng không lý tưởng cho lắm! Trong 3 thuyết về
ngày Phật đản ấy, ngày Phật đản của Nhật Bản, ngày mồng 8 tháng 4 dương
lịch, đó là do tín đồ Phật giáo Nhật Bản gần đây đổi ngang ngày âm lịch
thành ngày dương lịch. Về sự về lý, đều không có căn cứ. Một số tín đồ
Phật giáo Đài Loan, thuần là ứng dụng lại, đây không hẳn là họ đối với cái
ngày ấy có hứng thú gì, chẳng qua là quen dùng những cái gì gọi là truyền
thống mà thôi. Ngày Phật đản là ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch, hay là ngày
15 tháng 4 âm lịch (dươnglịch tháng 5), vấn đề thật không đơn giản, đáng
để chúng ta cẩn thận thảo luận một chút.
Quyển Mâu tử Lý hoặc luận (tác phẩm cuối
đời Đông Hán [25-220]) nói: “Phật sinh ngày mồng 8 tháng 4.” Đây là bộ sử
liệu xưa nhất ta có được.Theo đấy, Phật giáo Trung Quốc lấy ngày mồng 8
tháng 4 làm ngày Phật đản, ít nhất cũng đã vận dụng cái thuyết này hơn
1700 năm rồi. Đây thật là một truyền thuyết rất cổ xưa. Về sau, trong các
kinh điển được dịch và truyền bá ở Trung Quốc, có hai thuyết:
1.
Ngày mồng 8 tháng 2: Như Phật Bản Hạnh kinh, quyển 7; Trường A
hàm Du hành kinh, quyển 4.
2.
Ngày mồng 8 tháng 4: Như Tu hành Bổn khởi kinh, quyển thượng;
Thụy ứng Bổn khởi kinh, quyển thượng; Phật Sở Hành tán, quyển một;
Phật bát Niết bàn kinh, quyển cuối.
Ngoài ra, trong thư tịch Trung Quốc, có bộ
Hán Thư, phần Giao Tự chí, cũng có nói về ngày Phật đản.
Đối với vấn đề tháng 2 hay tháng 4, người
xưa giải thích không đúng.
Ví như, bộ sách thứ nhất là Nhị Giáo luận
của Thích Đạo An, chú giải rằng: “Tháng 4 của thời Xuân Thu (tcn 770- tcn
476) tức là tháng 2 của lịch nhà Hạ (tức
là âm lịch); lịch của nước Thiên Trúc (Ấn Độ) giống như lịch nhà Hạ”. Đấy
là nói, tháng 4 là nói theo cách nói của Trung Quốc. Thời Xuân
Thu, đất nước Trung Quốc dùng lịch nhà Chu, lịch nhà Chu bắt đầu bằng
tháng Tý, cho nên tháng 4 (theo lịch này) chính là tháng Mão. Trong kinh
nói tháng 2, là nói theo lịch của Thiên Trúc. Lịch của Thiên Trúc, cũng
giống như lịch nhà Hạ (âm lịch) của Trung Quốc. Lịch nhà Hạ bắt đầu từ
tháng Dần, cho nên tháng 2 (theo lịch này) cũng chính là tháng Mão. Như
thế, theo Ấn Độ thì nói là tháng 2, theo cách nói của Trung Quốc thì lúc
ấy là tháng 4, thật ra là một . Nhưng nếu quả là thế, thì khi Phật giáo
truyền vào Trung Quốc, Trung Quốc từ đó đến giờ đều dùng Hạ lịch, vì sao
cứ mãi dùng mồng 8 tháng 4 làm ngày Phật đản, mà không dùng tháng 2 ?
Bộ sách thứ hai là Bắc Sơn lục, chú giải
rằng: “Nói ngày mồng 8 tháng 4, là
theo Hạ lịch; nói ngày mồng 8 tháng 2 , là theo Chu lịch.”
Sự sai lầm này thật là rõ, vì nếu theo Hạ
lịch mà nói ngày mồng 8 tháng 4, thì tháng 4 phải là tháng Tỵ; theo Chu
lịch mà nói tháng 2, thì tháng 2 phải là tháng Sửu. Tháng Tỵ và tháng Sửu
rõ ràng khác nhau, làm sao mà đồng cho được.
Huyền Trang, trong quyển Đại Đường Tây vức
ký, quyển 6 nói, Phật Thích Ca sinh vào: “Bồ tát sinh vào ngày thứ 8 của
tháng Phệ xá khư, ngang với mồng 8
tháng 3 của ta (Trung Quốc - thời Đường). Thượng Toạ bộ thì nói, sinh vào
ngày 15 của tháng Phệ xá khư, chính là ngày 15 tháng 3 của ta.” Bộ sách
này, không chỉ nói cho biết có hai
thuyết khác nhau về ngày sinh của Phật, mà còn cho biết cái tên của cái
tháng. Theo lịch pháp của Ấn Độ, một năm chia 12 tháng, mỗi tháng chia làm
2, là hắc ngoạt (không trăng) và bạch ngoạt (có trăng), cho nên giống với
cách tính âm lịch của Trung Quốc, từ ngày 16 tháng này tới 15 tháng sau là
1 tháng. Trong 12 tháng, tháng 1 gọi là Chế đán la, tháng 2 gọi là Phệ xá
khư, tháng 3 gọi là Thệ sắt tra. Theo sự giải thích của bộ Tú Diệu kinh,
tháng Chế đán la, là tháng 2 của âm lịch Trung Quốc; tháng Phệ xá khư, là
tháng 3 của âm lịch Trung Quốc, tháng Thệ sắt tra là tháng 4 cuả Trung
Quốc. Theo lời của Tây vực ký, tháng Chế đán la bằng với khoảng thời gian
từ ngày 16 tháng giêng tới ngày 15 tháng 2; tháng Phệ xá khư là ngày 16
tháng 2 đến ngày 15 tháng 3 của Trung Quốc; tháng Thệ sắt tra là ngày 16
tháng 3 đến ngày 15 tháng 4 của âm lịch Trung Quốc. Do gần đây sự giao
thông được phát triển, sự đối chiếu năm tháng giữa nước này và nước kia
càng được tiện lợi, mới biết rằng những lời nói của Tú Diệu kinh và Tây
vức ký vẫn còn sai sót chút ít. Ví như không nói về tháng nhuần, nếu như
gặp tháng nhuần, thì tháng giêng Chế đán la, chính là ngay khoảng thời
gian từ ngày 16 tháng 2 đến ngày 15 tháng 3 âm lịch của Trung Quốc; tháng
2 Phệ xá khư, chính là từ 16 tháng 3 âm lịch đến 15 tháng 4 âm lịch của
Trung Quốc. Phật sinh vào tháng Phệ xá khư, là điều mà các truyền thuyết
của Phật giáo đều công nhận. Ngày 8 (hoặc ngày 15) của tháng Phệ xá khư ở
Ấn Độ là tháng thứ 2, mà theo lịch nhà Hạ của Trung Quốc thì lại là mồng 8
(hoặc ngày 15) tháng 4. Cho nên, có thể khẳng định rằng: Trong kinh nói
tháng 2, là nói tháng Phệ xá khư của lịch Ấn Độ. Còn nói tháng 4, là nói
theo âm lịch (Hạ lịch) của Trung Quốc. Như vậy, trong kinh điểu chúng ta
gặp, dù là nói tháng 2 hay tháng 4, cũng không có gì mâu thuẫn. Người xưa
đối với tháng 2 và tháng 4, tuy có giải thích sai lầm chút đỉnh, nhưng xưa
nay ở Trung Quốc vẫn dùng tháng 4 âm lịch (tháng Mão), lại hoàn toàn là
điều chính xác.
Các vấn đề còn là: Sự ra đời của đức Phật,
rốt cuộc là ngày mồng 8 tháng 4 theo truyền thuyết của Trung Quốc hay là
ngày 15 tháng 4 của Nam truyền Phật giáo ? Qua Tây vức ký của Huyền Trang,
biết rằng đây chỉ là sự khác biệt của truyền thuyết của các bộ phái Phật
giáo. Thượng Tọa bộ dùng ngày 15 tháng Phệ xá khư, các bộ phái khác thì
dùng ngày mồng 8. Không chỉ là ngày đản sinh của đức Phật,mà tất cả các
ngày Phật xuất gia, thành đạo, nhập Niết bàn, Thượng toạ bộ đều lấy ngày
15 tháng Phệ xá khư. Nói cách khác, đều là ngày 15 tháng 4 âm lịch. Còn
các bộ phái khác, (trừ Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ nói khác về ngày Phật nhập
Niết bàn), đều cho ngày mồng 8 tháng Phệ xá khư, tất nhiên chính là ngày
mồng 8 tháng 4 âm lịch. Điều này, theo kinh Bát Nê hoàn: “Phật sinh vào
ngày mồng 8 tháng 4, xuất gia vào
ngày mồng 8 tháng 4, thành Đạo vào ngày mồng 8 tháng 4, nhập Niết bàn vào
ngày mồng 8 tháng 4.” Cho nên, Phật giáo Trung Quốc từ
xưa lấy ngày mồng 8 tháng 4 làm ngày Phật đản sinh, nhìn từ phía bộ phái,
đây là điều mà ba hệ thống lớn (trong bốn hệ thống) của Phật giáo Tiểu
thừa (Đại chúng, Nhất Thiết Hữu, Độc tử) và Phật giáo Đại thừa cùng chấp
nhận, còn ngày 15, chỉ là truyền thuyết của hệ thống Thượng toạ Phân Biệt
Thuyết mà thôi. Nhìn từ phương diện khu vực, mồng 8 tháng 4 được cả một
vùng rộng lớn tuân thủ, là Trung Quốc, Nhật, Hàn,…còn 15 tháng 4 chỉ được
các nước Nam truyền như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan ứng dụng. Nếu nhìn
về phía Phật giáo Trung Quốc, mồng 8 tháng 4 được xem là ngày kỷ niệm Phật
ra đời, đã có 1700 năm lịch sử. Cho nên tôi nghĩ rằng, nếu không cải tông
theo Nam truyền, chúng ta không có lý do gì để đổi ngày Phật đản từ mồng 8
thág 4 sang 15 tháng 4 cả. Tôi nghĩ, Phật giáo giới trong đất nước Trung
Quốc tự do hôm nay, có cái tinh thần Phật giáo và tinh thần dân tộc Trung
Quốc, hẳn là đồng tình với ý kiến của tôi.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/banve_phatdan.htm