Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

CÁI "TA" TRONG ĐẠO PHẬT

Nguyên Thảo


                                                          

"Vô ngã" (không có cái Ta), "diệt ngã" (làm cho mất cái Ta) trong Đạo Phật quả là "Một vấn đề". Vấn đề ấy tạo nên vài sự lầm lạc không nhỏ cho số ít người nghiên cứu về Đạo Phật. Có lần chúng tôi đọc cuốn "Hành hương đất Phật" của tác giả Phan Thiết Nguyen Kim Khanh (tác giả không bỏ dấu nên không biết rõ là "Khanh, Khánh, Khạnh, Khảnh, Khãnh hay Khành"). Ở trang 13, Hành hương đất Phật I tác giả có kể lại:

 "Trong các câu chuyện đạo Phật trao đổi với các vị tăng sĩ hoặc thiền sư, tôi chỉ có một câu hỏi duy nhất: "Xin thầy chỉ cho tôi làm thế nào diệt ngã?".

Sau khi viết về một số cách trả lời, tác giả viết tiếp:

"Trước những lời dạy bảo ấy tôi chỉ im lặng và nghĩ trong bụng quí vị ấy không hiểu Phật là gì và cũng không hiểu luôn câu hỏi của tôi.

Vị Thiền sư Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng trong tác phẩm Nhập Pháp Giới hiểu được câu hỏi của tôi nhưng câu trả lời lại là "bất khả tri": "Vô niệm, chỗ đó thì rất mờ mịt, tâm thức của chúng ta chưa thể biết được, chỉ có cách là tu đến đó mới biết được mà thôi". Trả lời cũng như không trả lời!

Chỉ có một vị Thiền sư trả lời theo lối nói thiền "đột" ngộ.

Hỏi: Bạch thầy làm sao diệt được ngã?

Trả lời: Làm sao diệt được ngã! (trang 13) , [rồi "Chao ơi, làm sao diệt được ngã!" (trang 14)].

Thoạt khi ấy tôi liền tỉnh ngộ vì sự suy nghĩ của tôi đã có câu trả lời: "Không thể diệt được ngã, không có cách nào diệt được ngã!".

 

Khi đọc đến đoạn này, chúng tôi đã cảm thương thầm cho Phan Thiết (nguyên là một Luật sư, một Thẩm phán Tối Cao Pháp viện), một nhà trí thức đã bỏ công lẫn của ra trong 8 năm trời nghiên cứu đạo Phật để hoàn thành hai quyển sách "Hành Hương Đất Phật". Nhưng cuối cùng cũng chẳng nhận thức được gì của Đạo Phật mà chỉ nghe, nhìn, đọc vào một số quan điểm của một vài người.

Đã thế, chúng tôi lại càng thấy tội nghiệp cho Phan Thiết hơn nữa, khi Phan Thiết "vọng động" mà viết câu như sau: "Tôi vì thương yêu dân nước tôi mà lập ngôn qua các sách viết về các đạo giáo". Chúng tôi không ngờ Phan Thiết giỏi, có tài đến thế ư? Không lẽ trên thế gian này chỉ có Phan Thiết là có tài và thương dân tộc mình đến như vậy sao? Hay là Phan Thiết đang ngã mạn, hoặc là đang lớn lối theo kiểu một tôn giáo nào đó.

Thực ra, Phan thiết đang thể hiện một cái "Ta tâm tư" trong một cái "Ta thân xác" của một con người trong một cuộc sống rất ư là tầm thường!

Ở thế gian, "Cái ta" và "cái của ta" đã là nguồn gốc của biết bao là đau thương, là xót xa hoặc là thảm họa. Chúng ta cứ thử nhìn lại: Hai đứa bé chập chửng biết đi dành nhau "của tao" xô nhau té ngã, khóc la. Hai nhóm người đánh nhau "tức quá mà! tụi nó ăn hiếp tụi tôi". Hai quốc gia chiến tranh vì "nước nó lấn đất nước tôi" hay "nước nó bắt nước tôi phải làm nô lệ". Chủ nghĩa đế quốc "muốn chứng tỏ sức mạnh và cướp của người về mình". Hai tôn giáo đánh nhau nhiều người chết như rạ được gọi là Thánh chiến, vì sau cuộc chiến một số tín đồ "của đạo" tìm được đường về "Thiên đàng dưới mặt đất".

"Cái ngã" và "những gì thuộc về ngã" nó phảng phất từ trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, dù trong cuộc sống của một đôi vợ chồng mà người ta coi là "tuy hai mà một, tuy một mà hai" chỉ vì "ý anh, ý tôi", "bên anh, bên tôi", "của anh, của tôi" v.v... Những điều ấy làm cho chúng ta có nhiều suy ngẫm..

Cho nên Đức Phật sau thời gian Thiền định, có được Trí Huệ, Đức Phật thấu suốt vấn đề mới bắt đầu nói về một giáo lý, giáo lý đó là một "Con đường". Con đường ấy có nhiều cách để đi vào, nương theo con đường này người ta trở về được với căn nhà cũ êm ấm, an vui, đầy tính chất nhiệm mầu mà vì do nơi "không biết" (u mê, vô minh) mình đã bỏ đi từ lâu, lâu lắm đến đổi mình không còn nghĩ "đó là nhà xưa" của mình nữa. Tại sao giáo lý, con đường ấy không là mới! Vì trước Phật Thích Ca có Phật A Di Đà, trước nữa thì hằng hà sa số Phật ở mười phương (trên, dưới, đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc), trong thời quá khứ, hiện tại và còn ở cả vị lai. Tất cả chư Phật đều nương vào đó mà giác ngộ, và cũng nói con đường đó để độ chúng sinh. Các kinh điển là những phương tiện chỉ đường, giải thích, nói rõ cho chúng sinh hiểu để mà đi. Chính vì vậy, Đức Phật thường hay nói trong phần cuối của kinh: "Các đức Phật trong ba đời đều bảo hộ kinh nầy". Bảo hộ không có nghĩa là bảo vệ mà là "nói như vậy, và cũng nói y như vậy không sai khác".

Tùy theo căn cơ của mỗi chúng sinh mà tìm cách thức đi vào "con đường" để "nhập lưu". Đi vào con đường ấy, chúng sinh sẽ dần dần bỏ đi cái ngã của mình và cuối cùng không có Ta, không có người, không có chúng sanh và cũng không có thọ mạng tướng. Tất cả hòa hợp, viên dung trong một thể "Bất nhị" (không hai) là Pháp Tánh là Chơn như, Yêm ma la thức, Bồ đề, Đại Viên cảnh trí, Không như lai tạng, Niết bàn hay Viên giác, luôn bình đẳng, thanh tịnh nhưng lại được sáng suốt, chiếu soi, tất cả đều sáng như những ngọn đèn đốt sáng trong cùng một căn phòng, được đặt kế bên, cùng sáng cả phòng nhưng không lộn lạo với nhau.

Thế tại sao không có "ngã"?

Vì "ngã" là khởi nguồn cho cái "Tâm phân biệt".

Nếu như chúng ta nghiên cứu kỹ về kinh Lăng Nghiêm, thì chúng ta sẽ thấy Đức Phật nói và giải thích rõ ràng từ sự "ra đi" của Tâm thức cho đến khi ta chọn cách tu để trở về với cõi Chơn như. Tại sao ta phải quên mất cái ta hay cái ta phải không có mới là tận cùng rốt ráo của Đạo Phật?

Cõi Chơn như còn gọi là Niết bàn, Pháp tánh, Yêm ma la thức, Bồ đề, Không như lai tạng, Đại viên cảnh trí, hay Viên giác. Cõi Chơn như là cái thể của Chơn tâm bao trùm cả pháp giới, mười phương; không sanh, không diệt, bình đẳng, thanh tịnh không lay động, tự sáng suốt chiếu soi. Còn chơn tâm của mọi chúng sinh cùng đất, lửa, gió, nước, hư không, kiến đại, thức tâm đều bình đẳng viên dung hòa hợp với nhau trong cõi chơn như ấy, hay nói nôm na đó là cõi Phật. Trong cõi ấy rất là yên tịnh như mặt nước hồ không chút nào gợn sóng và thể tự nó chiếu sáng. Cái Ta ở đây cũng hòa hợp với người, cùng với vạn vật: "Một là tất cả, tất cả là một". Vốn xa xưa, không biết thời gian (vô thỉ), tất cả đều từ trong đó; rồi lại xãy ra biến cố mà Đức Phật gọi là Vô Minh, tức là sự u mê, sự không biết phủ lên chơn tâm của mọi chúng sinh (giống như con mắt (chơn tâm) bị mây mù, vô minh mờ mịt che khuất khiến ta không thấy đường, đi lạc vào đường khác, đường khác đó Đức Phật gọi là Vọng tâm) để rồi chơn tâm bị mất đi sự sáng suốt mà sanh ra có "tâm phân biệt" (ta-người, thiện-ác, tốt-xấu, phải-trái...) và "vọng tưởng" thấy có thân xác là cần thiết cho nên mượn "Tứ đại" để tạo thành thân xác: Thế là thân xác thành hình; rồi còn mượn đến "Thức đại" để được: Thấy, nghe, hay, biết, nhận thức; cùng "Hư không" để được: Tăng trưởng và lớn lên. Đó là nguồn gốc của mọi vật, muôn loài. Đức Phật đã nói:

"Từ một thể chơn tâm không khác, vì vọng niệm phân biệt, có năng sở, bỉ thử sai khác, nên hiện ra có hư không và thế giới. Nhơn có hư không thế giới nên mới có chúng sanh. Đã có thế giới và chúng sanh lăng xăng đối đãi nhau, nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: tốt xấu, phải chẳng v.v.. Vì thế mà sanh ra đủ các phiền não trần lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không, khác với hư không, thế giới là chúng sanh vật". (Lăng nghiêm, Phật Học Phổ Thông, trang 121).

Danh sắc thành hình rồi thì:

"Này A Nan, bởi vô minh vọng động nên biến hiện ra có hư không, thế giới và chúng sanh. Trong thân chúng sanh vì có vọng tưởng lẫn lộn, nên nó vọng động leo chuyền bên trong (như vượn như ngựa), khi các giác quan mở ra, thì nó rong ruỗi theo trần cảnh bên ngoài (như vượn xút xiềng, ngựa tong chuồng). Rồi các ông chấp cái tướng vọng tưởng lăng xăng bên trong đó, cho là tâm tánh của mình. Một phen chấp nó làm tâm, thì không sao khỏi mê lầm cho rằng "Tâm ở trong thân".

Chứ đâu biết rằng: Thân nầy, tâm nầy cho đến núi sông, thế giới và hư không đều là vật trong chơn tâm hiện ra cả". (Lăng nghiêm, PHPT, trang 51).

Khi con người, chúng sinh có thân xác được cấu tạo để nhìn ra ngoài, hay tiếp xúc ngoại cảnh (trần cảnh) bằng sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) qua sự thấy, nghe, hay, biết và chúng ta cảm nhận được các đối vật ấy bởi các thức (nhãn thức, nhĩ thức, tĩ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức). Từ đấy, tâm vọng tưởng, phân biệt càng ngày càng đi xa hơn, càng nhìn vào đời thấy đẹp xấu, ngon dở, thiện ác, sướng vui, buồn khổ ... nhiều hơn; rồi với những nhu cầu, ước muốn, cung phụng, phục vụ cho cái "Ta" mà ý thức đã nãy sinh hướng dẫn hành động đi đến: Sát, đạo, dâm, vọng để dành lấy cái ngon, cái tốt, cái sướng nhất...đem về cho mình, không từ nan một nghiệp nào dù thiện hay ác. Tất cả nghiệp ấy đều được đem cất giữ vào trong cái túi "Tàng thức: A lại da" (thức thứ 8). Rồi các "chủng tử" nghiệp ấy chúng sẽ tùy theo loại, tùy theo thời gian mà nẩy mầm trong kiếp nầy, ở kiếp sau, hay các kiếp lâu dài về sau. Đó là Quả.

Và cũng từ lúc có thân xác, chúng sinh bắt đầu "nếm mùi" đau khổ mà Đức Phật sau khi Thiền định đạt được Trí Huệ, thấu đáo sự khổ, nên trong bài pháp đầu tiên giảng cho năm anh em Kiều Trần Như ở vườn Lộc Uyển, Đức Phật đã nói về sự khổ (khổ khổ, hoại khổ, hành khổ và sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ). Nhiều người cho rằng đạo Phật là đạo bi quan, yếm thế là từ phần nầy; có thể từ xưa con người, chúng sinh nhận cái khổ nhưng người ta chưa để ý, đến khi Đức Phật nói ra thì người ta thấy "Quả mình khổ thật!"; rồi sự khổ đó in vào trí não, vào quan niệm của cuộc sống. Nhưng họ đã quên, Đức Phật chỉ cho con người thấy sự khổ xong, Ngài lại giải thích tại sao bị khổ như vậy và đưa đến cách diệt khổ cùng dẫn vào con đường rời khỏi sự khổ. Hệ thống và lý luận của Đức Phật rất "là khoa học", là Trí huệ và thật là Tích cực. Trí Huệ là gi? Có lẽ chúng ta cùng ngạc nhiên tại sao trong đạo Phật không xài chữ Trí Tuệ như thế gian mà lại dùng chữ Trí Huệ khó hiểu? Trí Tuệ chỉ là sự nhận biết, khám phá của trí óc ở một trạng thái thông thường qua các sự kiện bên ngoài hoặc ở phần tâm linh còn nông cạn. Còn Trí Huệ là đỉnh cao của Trí Tuệ: Sự nhận biết, quán sát, suy tư, khám phá tận cùng của sự vật và tâm linh đi sâu vào trong bản chất của chúng. Cho nên có những điều mà Đức Phật nói cách nay đã hơn 2500 năm bây giờ khoa học mới chứng minh là đúng.

Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy sự khổ, vì sao khổ, cách diệt khổ và con đường thoát khổ, trở về với cõi an vui. Như vậy đâu có nghĩa là bi quan hay yếm thế mà là một cách rất tích cực đấy chứ! Nhưng vì thấy nó đi ngược chiều với cách sống vật chất của cuộc đời, hay nhắc đến sự khổ chúng ta tưởng là bi quan. Con đường đi đến giải thoát phải là "Tịnh". Đó là điều kiện cần thiết. Chúng ta thử đặt lại vấn đề xem: Mohammed đã bỏ một thời gian tịnh ở núi Hira gần thành Mecca; Chúa Jesus ở đồng trống 4o ngày nhịn ăn nhịn uống chẳng là tịnh ư ? Và ở Ấn Độ tại sao có nhiều tôn giáo như vậy? Do có nhiều người tịnh, nhưng sự "ngộ" của họ khác nhau; hoặc tham vọng của họ khác nhau; và cách độ đời cũng khác nhau. Mỗi người có cái "Ta" khác nhau nên có nhiều đạo khác nhau. Nếu nghiên cứu kỹ và chuyên chú hơn về Kinh Lăng Nghiêm chúng ta sẽ thấy 50 món ma chướng khi người thiền hay tịnh cố vượt qua 5 ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. 50 món ma chướng đó đều liên hệ đến "tưởng như" mình là người thành đạo nhưng thực sự lại lọt vào ma đạo, sau nầy gây rối cho người và chúng sinh. Ngoài ra, còn 4 điều không thể ra khỏi luân hồi dù người tu có nhiều trí huệ hay thiền định đi nữa đó là còn sát, đạo, dâm và vọng. Cho nên Đức Phật thấy "Cái Ta" là nguyên nhân của mọi sự đau khổ, luân hồi. Các Đức Phật trong mười phương thế giới của thời quá khứ, hiện tại lẫn vị lai đều cũng thấy như vậy, không sai khác.

Vì khi thân xác được thành hình do từ vọng tâm muốn có; rồi vọng tâm trú ẩn vào đó, tạo nên nhiều vọng tưởng phân biệt, ham muốn qua các giác quan (lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và các thức (nhãn thức, nhĩ thức, tĩ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức) để rồi sanh ra tham những cái ngon, đẹp, sướng, vui... cùng tìm cách chiếm hữu qua các hành động sát, đạo, dâm tạo nghiệp nặng nề cho thân, khẩu, ý. Khi "nghiệp" đã tạo ra thì "báo" phải trả. Thế là chúng sinh luôn bị chìm đắm ở cõi luân hồi.   

Cho nên "Tịnh" để quán xét lại mình, đình chỉ những nghiệp sẽ tạo ra, trả lại món nợ mình đã vay để mình được giải thoát mà Đức Phật nhắc nhỡ trong việc thực hành ba món tiệm thứ là do vậy.

Nếu chúng ta liên hệ với thực tế thì chúng ta sẽ thấy cái ta là cái chướng ngại sanh ra mọi vấn đề: Vợ chồng cũng vì cái ta của anh hay của em mà không hạnh phúc; trong gia đình cũng vì cái ta của mỗi người nên sanh ra xào xáo; ngoài xã hội cũng vì cái ta, của ta, của chúng tôi mà sanh ra tranh chấp, đâm chém, giành giựt lẫn nhau; các quốc gia cũng vì "nước của tôi", "chủng tộc chúng ta" mà sanh ra chiến tranh, ly loạn; ngay cả trong tôn giáo đúng ra là thực hiện các điều chân, thiện, mỹ để đồng quy về một "chốn", đem hạnh phúc đến cho con người, chúng sinh; nhưng ở vấn đề hành đạo và trong sự thánh thiện đã ngầm có tâm phân biệt ta, người; tôn giáo ta tôn giáo người; tôn giáo ta sẽ là...v.v...Bởi thế đã đưa đến tình trạng tôn giáo nầy bài tôn giáo kia; người đạo nầy khích bác bằng lời nói, câu văn hay tuyên truyền với tôn giáo nọ, hoặc là những cuộc chiến tranh để giành phần thắng cho đạo "của mình". Như vậy sát, đạo, dâm, vọng cũng nhằm đáp ứng lại cho cái "ý muốn của ta". Những điều ấy chắc chắn không phải là điều chân thật của các vị thánh muốn, mà chỉ là ý muốn của các loài ma vương hoặc là satăng. Sự khuấy động không cho chúng sinh, con người kết hợp hoàn thành điều thánh thiện, thoát khỏi vòng khổ đau là vì ma vương hay satăng sợ mất đi vùng hoạt động của mình, như Đức Phật đã nói trong kinh Lăng Nghiêm: "Bởi các loài ma kia thấy người tu hành, sanh tâm lo sợ cho bà con quyến thuộc của chúng sẽ tiêu diệt, nên chúng dùng đủ thần lực đến nhiễu hại người tu. Chúng cũng đủ năm phép thần thông biến hóa chỉ chưa được lậu tân thông". (Lăng Nghiêm, PHPT, trang 270).

Đó là chúng ta chỉ nói đến ảnh hưởng cái "Ta" và "của ta", "của chúng ta, chúng tôi" trong cuộc sống, chứ chưa nói đến cái thân xác của ta. Vì cần giữ cái thân xác cho nên ta phải làm để đáp ứng cho nó. Muốn ăn no, mặc ấm phải kiếm tiền hầu mua thức ăn, thức uống, vải vóc; và với nhu cầu càng ngày càng cao để ăn ngon mặc đẹp ta phải cật lực làm hơn nữa, đôi khi sự ham thích tiêu xài ta phải làm thật nhiều, lắm lúc ta đày đọa thân xác của ta mà ta không để ý tới. Thậm chí có người không từ nan tội ác (sát), làm việc bất thiện (đạo) đối với mọi người trong xã hội để thỏa mãn dục vọng của mình. Sự năng động của ta trong khía cạnh nầy chỉ càng gây thêm "nhân" và "nghiệp" để kéo dài thời gian "kiếp luân hồi" ở cõi trần gian đau khổ mà thôi!

Càng động thì chúng ta càng đi xa bờ giác, càng lún sâu vào cõi luân hồi, chìm đắm nhiều hơn vào sáu nẽo. Còn càng tịnh thì chúng ta càng gần với cõi an vui, niết bàn, gần gũi với Cõi Chơn như.

Trong Lục độ Ba la mật: Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định, Trí huệ. Chúng ta thấy hạnh Bố thí là hạnh để thấy mình với chúng sinh là một, thương chúng sinh như thương mình, quên cái ngã của mình đi, để cái "ta" của mình hòa lẫn với cái "người" và "chúng sinh" không khác. Trì giới thì dứt bỏ đi sát, đạo, dâm, vọng là các món nguồn gốc của luân hồi.

Đức Phật đã nói trong kinh Lăng Nghiêm: "Dầu cho ông hiện tiền đặng nhiều trí huệ và thiền định cũng sẽ đọa vào ma đạo (thần đạo hay tà đạo)" vì chưa đứt được sát, đạo, dâm và vọng ngữ. Cho nên qua mỗi đoạn giảng về sát, đạo, dâm, vọng ngữ, Đức Phật đã căn dặn: "Đây là lời nói sáng suốt trong sạch của ta, và các Đức Phật quá khứ chỉ dạy. Đúng như lời ta dạy đây thì gọi là Phật nói, trái lại là Thiên ma Ba tuần nói". Và giai đoạn cuối cùng của Lục độ là Thiền định và Trí Huệ. Như vậy cứu cánh là Trí huệ, Trí huệ là tính chất của một vị Phật (là chúng sinh sẽ nhập vào Niết Bàn; sẽ "an trú" trong Cõi Chơn như). Thiền định là để đạt đến trạng thái Tịnh hoàn toàn cho Tâm thức, giống như khi mặt nước hồ rất là yên lặng ta sẽ nhìn thấy đáy hồ không mãy may sơ sót. Cũng vậy Trí huệ sẽ giúp ta thông suốt được mọi nhiệm mầu. Bằng chứng rõ rệt là giáo lý của Đức Phật được ra đời bằng trí huệ của Sidhattha khi thành đạo. Nếu giáo lý ấy có tính cách luận lý (logic), khoa học, triết học, tôn giáo, nhân sinh, vị tha thì đó chính là tính chất của trí huệ vậy. Trí huệ ấy ai cũng có, nhưng chỉ chưa biết cách phát huy mà thôi. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường phát huy trí huệ, đồng thời đó cũng là con đường đưa ta thoát khỏi luân hồi, thoát khỏi cái "giấc mộng hôm qua" để trở về căn nhà xưa êm ấm, an vui.

Thực tế chứng minh cho chúng ta chỉ với trí tuệ thôi mà biết bao nhiêu nhà tư tưởng, nhà khoa học giúp cho cuộc sống con người được thoải mái, ấm no, phong phú...Vậy thì với trí huệ sẽ giúp con người, chúng sinh hơn biết bao nhiêu lần...Chúng ta cùng thử vận dụng trí tuệ của chúng ta mà suy đoán xem sao? Có một điều mà không được nhiều người "để ý" đến là: Khi người ta tu hành hay kĩnh Phật, lúc nào cũng mong một ngày nào đó sẽ gặp Phật, thấy Phật, nhưng Đức Phật lại không dạy như vậy mà Đức Phật khuyên nên quay về trong tự tánh, nên tĩnh lặng, lắng nghe cái chơn tâm của mình:

"Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, thì cái trí quang sáng suốt hiện ra. Lúc bấy giờ chơn tâm ông (A Nan) vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới, lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh vật hiện tiền ở thế gian này, cũng như là việc trong chiêm bao. Khi ông được như thế rồi thì nàng Ma Đăng Già ở trong mộng kia làm gì bắt được ông".   (Lăng Nghiêm, PHPT, trang 235)

Hoặc:

"Này Phú Lâu Na, các ông khi đối với trần cảnh (thế giới, chúng sanh, nghiệp quả) chỉ đừng có khởi vọng niệm phân biệt thì tham, sân, si (ba duyên) không khởi. Ba duyên không khởi thời ba nhơn sát, đạo, dâm chẳng sanh. Lúc bấy giờ anh khùng Diễn nhã Đạt đa (mê) ở trong tâm các ông tự hết, mà hết tức là Bồ đề (sáng suốt). Khi ấy chơn tâm của ông thanh tịnh, sáng suốt tự hiện bày, khắp cả pháp giới, không cần phải cực nhọc khó khăn tu chứng hay xin cầu nơi ai cả".   (Lăng Nghiêm, PHPT, trang 143).

Hay là khi dạy về ba món tiệm thứ, Đức Phật nói:

"Trừ các nghiệp hiện tiền: Khi tiếp xúc với trần cảnh, không khởi vọng niệm phân biệt theo sáu trần, xoay các cảm giác trở về bản tâm thanh tịnh. Do ngoài không duyên theo trần cảnh, trong sáu căn không vọng động, đồng một thể thanh tịnh, nên mười phương thế giới đều được thanh tịnh sáng suốt; cũng như trong ngọc lưu ly có hàm chứa mặt trăng sáng. Hành giả lúc bấy giờ thân tâm thơ thới, chứng đặng vô sanh pháp nhẫn, mười phương chư Phật đều hiện trong tâm người ấy. Từ đây hành giả lần lần tăng tiến tu hành, tiến lên các quả Thánh".  (Lăng Nghiêm, PHPT, trang 265-266).

Và ở chương Biện Âm của kinh Viên Giác, Đức Phật dạy:

"Nầy Thiện nam! Nếu có Bồ Tát giữ tâm rất vắng lặng, nhờ sức vắng lặng này, mà đoạn các phiền não, được vĩnh viễn thành tựu rốt ráo tánh Viên giác, thì vị Bồ tát ấy lúc bấy giờ chẳng rời chỗ ngồi mà vẫn nhập được Niết bàn, Bồ Tát tu như thế, gọi là chỉ tu một pháp "Xa ma tha" (tu chỉ)".  (Viên giác, PHPT, trang 135).

Như vậy, chắc chúng ta đã thấy được giáo pháp của đạo Phật mà Đức Phật nói ra, giảng giải là cho Quý vị, cho chúng tôi, cho chúng sinh; và cũng nương vào con đường ấy Đức Phật và chư Phật mười phương trong thời quá khứ, hiện tại đã, đang "về được nơi xuất phát", và nếu những chúng sinh nào biết nương theo con đường ấy mà đi thì sẽ là "chư Phật tương lai". Và chắc chắn đây không phải là "chuyện Thần thoại biến thành tôn giáo". Quý vị cứ suy nghĩ lại xem sao?

Trong đạo Phật cái "Ngã" là điều tối kỵ để thành đạo, vì còn ngã thì chưa phải là Bồ tát, chưa phải là Phật, chưa được hội nhập vào tính Viên giác, vì họ còn có "Tâm phân biệt", mà tâm phân biệt là do Vô minh. Người Giác ngộ không thể nào có vô minh. Thế nên Đức Phật nhắc nhỡ với Tu Bồ Đề:

"Tu Bồ Đề! Người ưa pháp Tiểu thừa, chấp bốn tướng: Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, nên đối với kinh nầy, họ không thể tin hiểu hoặc đọc tụng, hay giảng dạy cho người"   (Kim cang, PHPT, trang 129).

Tại sao thế? Vì người tu pháp tiểu thừa thưòng xa rời mọi người, tìm nơi vắng lặng để tu tịnh; nếu họ "ngộ" được đạo, thì đến khi tiếp xúc với mọi người, chúng sinh thì họ vẫn còn có "Tâm phân biệt": Ta, Người, Chúng sinh, Thọ tướng. Thế nên với các kinh thuộc Đại thừa họ vẫn chưa hiểu được thấu đáo và còn có lòng nghi ngờ, thắc mắc. Do vậy hàng Nhị thừa (Thanh văn, Duyên giác) cần phải tu hành để tiến lên Bồ Tát; hàng Bồ Tát phát nguyện những Đại nguyện "Quên mình" (Diệt ngã, rồi Vô ngã) để tiến lên hàng Phật.

"Nếu Bồ Tát còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả, tức nhiên không phải là Bồ Tát" (Kim cang, PHPT, trang 135). Và "Phải xa lìa tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật" (Kim cang, PHPT, trang 109).

Làm thế nào để ta biết rằng mình đã "Vô ngã", Đức Phật thuyết:

"Nầy Thiện nam! Nếu hành giả muốn biết mình được vô ngã chưa, cứ xem trong lúc bị người hủy nhục, mà không thấy có người bị hủy nhục như thế là được vô ngã.

Trái lại, trong lúc thuyết pháp độ người, mà còn thấy có ta thuyết pháp thế là ngã tướng chưa đoạn. Còn nhơn tướng, chúng sanh tướng và thọ mạng tướng cũng thế". (Viên giác, PHPT, trang 71).

Viết đến đây, chúng tôi hi vọng những ý kiến đóng góp này được góp phần vào sự giải tỏa phần nào: Tại sao phải diệt ngã (diệt ngã mạn, ngã chấp) và vô ngã (vì mọi người, chúng sinh mà quên mình); để rồi quên mình, quên người, quên chúng sinh và quên mất đi thọ mạng tướng; mà chỉ còn thấy có một thể duy nhất là: "thể tánh bình đẳng, thanh tịnh, viên mãn khắp giáp cả mười phương, tâm và cảnh đều vắng lặng (ngã pháp đều không)". (Viên giác, PHPT, trang 11). Lúc đó, chúng ta sẽ thấy: "Như Lai là bản thể như như của các pháp", và những pháp Như lai nói ra chỉ là không thật có, "dùng pháp huyễn trong giấc mộng" để đưa "người trong mộng trở về với thực tế" (dùng pháp huyễn diệt huyễn (vọng tưởng, vọng tâm) để tìm về với chơn tâm), cho nên:

"Tu Bồ Đề! Người phát tâm Bồ Đề chẳng nên chấp các pháp thật có, mà phải thấy các pháp là giả, biết các pháp là giả, hiểu các pháp là giả và tin các pháp là giả.

Tu Bồ Đề! Như Lai nói "các pháp", không thật có "các pháp", chỉ giả gọi là "các pháp".   (Kim cang, PHPT, trang 185).

Vì thế mà "Như Lai không có thuyết pháp" hoặc "Mấy mươi năm chưa nói một lời".

Cho nên chúng ta không thể tìm thấy bất cứ một sự khiêm tốn, cao thâm và vô ngã nào hơn ở bất kỳ nơi một giáo chủ hay một tôn giáo nào khác hơn... ngoài đạo Phật!

 

NGUYÊN-THẢO,

09/ 03/ 2008.          

 

***

 

  http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/caitatrongdaophat.htm

 


Vào mạng: 03-03-2008

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang