Trang tiếng Anh |
...... ... | .. | . | .. | . | . |
Trong tứ hoằng thệ nguyện, tức bốn lời nguyện lớn, thệ nguyện thứ ba là: "Pháp môn vô lượng, đều thệ nguyện học", nghĩa là trong Phật giáo, có vô lượng pháp môn, hướng dẫn người tu tập, chúng ta thệ nguyện rằng: tất cả đều học hết. Kinh Bát Đại Nhân Giác, phần đệ ngũ giác, đức Phật có dạy rằng: “Ngu si sanh tử, Bồ tát thường niệm, quảng học đa văn, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, giáo hóa nhất thiết, tất dĩ đại lạc”. Chính vì ngu si, cho nên chúng sanh, trầm luân sanh tử, do đó Bồ tát, luôn luôn nhớ nghĩ, đến việc học rộng, nghe nhiều chánh pháp, tu tập sao cho, trí tuệ bát nhã, ngày càng tăng trưởng, được tài hùng biện, có thể giáo hóa, được nhiều chúng sanh, tất nhiên đem đến, nguồn an vui lớn, cho khắp muôn loài. Trong sám Quy Mệnh có câu: “Tu học nhất thiết pháp môn, tất giai thông đạt”. Chúng ta phát nguyện, tu tập học hỏi, tất cả pháp môn, đều được thông suốt, đạt thành chánh quả. Trong kinh Di Giáo, đức Phật có dạy: "Tu tập hành trì: ví như chăn trâu, cầm roi canh chừng, luôn luôn kiểm soát, không cho xâm phạm, lúa mạ của người". Tâm là con trâu, mục đồng là mình. Như vậy trong số, vô lượng pháp môn, tu tập hành trì, đức Phật chỉ giáo, có một phương pháp, tu hành gọi là: “Pháp môn chăn trâu”. Hôm nay chúng ta, phát tâm tìm hiểu, pháp môn chăn trâu, để đặng có thể, áp dụng triệt để, các lời chỉ dạy, của đức Thế Tôn, vào trong thực tế, đời sống hằng ngày, của người Phật tử, dù là tại gia, hay là xuất gia. Khi nào chúng ta, hiểu được hành được, pháp môn chăn trâu, đâu không giác ngộ, bước vào cửa đạo, sau khi đã bước, vào chùa từ lâu, tâm trí nhập lưu, tiến vào dòng thánh, khác với dòng đời, tuy thân vẫn sống, ở trên trần đời, như bao người khác, mà tâm không hề, khổ lụy phiền đau. Dòng thánh tức là, bốn quả vị thánh, hay tứ thánh quả, bắt đầu gồm có: quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, đến A na hàm, và A la hán. Tất cả mọi người, hiểu được hành được, pháp môn chăn trâu, trí tuệ sáng ra, cuộc đời thay đổi, kể từ ngày này, đối với chánh pháp, không còn thoái chuyển, phát tâm thu tập, phát nguyện chăn trâu, việc ác ngưng làm, quyết làm việc thiện, không còn mặc cảm, tự tôn tự ti, an lạc hạnh phúc, bắt đầu ló dạng. Tất cả mọi người, hiểu được hành được, pháp môn chăn trâu, không thích đi đâu, luẩn quẩn loanh quanh, lòng vòng bên ngoài, vừa ham vui chơi, thích thú hả hê, huyên thuyên nói cười, vừa kêu đau khổ, kêu khổ vừa xong, lâm râm cầu nguyện, van xin khấn vái, khẩn cầu thần linh, mê tín dị đoan, tiền mất tật mang, chẳng lợi ích gì, cầu an cầu siêu, đến cầu đoàn tụ, buôn may bán đắt, rốt cuộc cuối cùng, có được gì đâu? Tất cả mọi người, hiểu được hành được, pháp môn chăn trâu, nếu là tại gia, thấy được chuyện xa, tu tâm dưỡng tánh, không phải chỉ là, việc người xuất gia, vào ở trong chùa, mà đó chính là: việc của mọi người, của chính thân mình, của bất cứ ai, tại gia xuất gia, muốn bớt đau khổ, xôn xao phiền não, muốn tự cứu mình, muốn cứu giúp người, cùng vượt ra khỏi, căn nhà hầm lửa, muốn được cảnh giới, an lạc hạnh phúc, trong lúc hiện tại, trong mọi hoàn cảnh, trên thế gian này. Ích lợi của pháp môn chăn trâu: Trong kinh Di Giáo, đức Phật có dạy: "Sau khi Như Lai, nhập diệt niết bàn, người nào chuyên cần, tinh tấn tỉnh giác, sống trong chánh niệm, từ khước mọi thứ, tham ái thế gian, luôn luôn nhớ nghĩ, phát triển thiền định, xem chính mình như, hải đảo của mình, là chỗ nương tựa, không tìm nương tựa, ở đâu khác nữa, bên ngoài chính mình, người ấy sẽ bước, ra khỏi con đường, phiêu bạt vô định, đời sống hiện nay, và chấm dứt được, phiền não khổ đau”. Từ nay về sau, giữ gìn tâm niệm, thúc liễm thân tâm, phát huy thiền định, tức là chăn trâu, không cho xâm phạm, lúa mạ của người, tự mình cố gắng, thoát ra khỏi vòng, sanh tử luân hồi, bằng chính công phu, tu tập của mình, chứ lo cầu nguyện, cầu khẩn van xin, lệ thuộc người khác, tu tập giùm mình, đương nhiên không có , hiệu quả gì cả, làm sao giác ngộ, và giải thoát được? Tụng kinh thiền quán, niệm Phật tọa thiền, chính là phương tiện, giúp đỡ chúng ta, chăn trâu tốt nhứt, bởi vì khi đó: thân được thanh tịnh, do ngồi ngay ngắn, yên thân một chỗ, khẩu được thanh tịnh, do miệng im lặng, hoặc tụng lời Phật, ý cũng thanh tịnh, bởi do tập trung, vào câu kinh kệ, nhớ nghĩ chư Phật, không khởi tạp niệm. Chúng ta nên biết: pháp môn chăn trâu, không cần thời khắc, không cần tràng hạt, không cần chuông mõ, không cần tọa cụ, không cần tại gia, hay là tại chùa. Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, bất cứ cảnh nào, chúng ta cũng đều, có thể áp dụng, pháp môn chăn trâu, để tự tạo dựng, cho mình cho người, sinh hoạt chung quanh, một cuộc đời mới, an lạc hạnh phúc, ngay lúc hiện đời, một cách tích cực, chứ không van xin, cầu khẩn thần linh, thiên địa gì cả. Nếu như không biết, pháp môn chăn trâu, cứ thả con trâu, tha hồ đi đâu, làm gì mặc kệ, húc càn đàng đông, báng bừa đằng Tây, xây qua xây lại, chạy ngược chạy xuôi, chạy lui chạy tới, xóm dưới làng trên, gây nên tai họa, cho bao người quen, cũng như không quen, ở chung quanh mình. Chẳng hạn như trong, một buổi hội họp, hay trên diễn đàn, người nào không biết, pháp môn chăn trâu, đâu cần chăn trâu, tha hồ thả trâu, tới đâu thì tới, mới dám mở lời, phê phán bình phẩm, lẩm ca lẩm cẩm, chê trách chỉ trích, phỉ báng chế nhạo, ngạo mạn khinh người, cười chê tất cả, phê bình lung tung, linh tinh lang tang, nghing nghing ngang ngang, leo thang sinh sự, từ chỗ người thân, lân đến kẻ thù, từ người quen biết, riết rồi phê luôn, kẻ chưa quen biết, từ vị nguyên thủ, chí đến thứ dân, quan quyền trưởng giả, bàn dân thiên hạ, từ hàng thượng tọa, chí đến sa di, nếu nói năng chi, cũng đều bắt lỗi! Ôi thôi người ôi, một con trâu đen, chạy húc lung tung, còn đáng sợ thay, nếu cả một bầy, trâu đen điên cuồng, xổng chuồng tuôn ra, tìm húc người ta, chạy la hổng kịp, thì là chẳng biết, hậu quả thế nào, thương tích ra sao, đặng mà cứu chữa! Chẳng hạn như khi, rảnh rỗi ngồi không, chẳng trông việc gì, người nào không biết, pháp môn chăn trâu, để cho tâm trí, đi đâu thì đi, nghĩ ngợi lung tung, linh tinh lang tang, cho trâu mặc tình, dạo khắp xóm làng, có khi chợt nhớ, chuyện xưa thuở nào, đâm ra bực tức, tâm trạng bất an, tai hại vô cùng. Tai hại hơn nữa, không kịp cứu chữa, nếu cứ tiếp tục, theo dòng tư tưởng, tức là con trâu, sẽ dẫn dắt mình, đến chỗ tạo tội, tạo thêm nghiệp mới. Chúng ta thử nghĩ, với tâm ý đó, lăng xăng lộn xộn, vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm, tạp nham như vậy, chúng ta có thể, về cõi tây phương, nương theo chư Phật, sống trong cảnh giới, niết bàn cực lạc, cùng chư Bồ tát, chư thượng thiện nhơn, liệu được hay chăng? Con người thường có, tập khí nghĩ xấu, nói xấu người khác, khi gặp trần duyên, tâm trí chẳng yên, nằm ngủ thường xuyên, mơ toàn ác mộng, bao giờ biết đến, cảnh giới niết bàn? Công phu như vậy, chưa được thuần thục, dù ở tại chùa, hay ở tại gia, cũng như gặp ma, bao giờ gặp Phật? Tâm ý con người, ví như tượng Phật, đúc bằng vàng ròng, vô cùng trong sạch, vô cùng tinh khiết, vô cùng quý báu, nhưng vì chôn giấu, nhiều năm nhiều tháng, nên bị bao phủ, bởi quá nhiều lớp, cát bụi dơ bẩn, lẫn trong bùn nhơ, dầu hắc cứng ngắc. Chúng ta chắc phải, ra công cạo gọt, mài giũa sửa chữa, tu bổ bồi đắp, tận tâm tận tình, tận sức tận lực. Cạo được phần nào, bụi đất vô lượng, tượng Phật hiển lộ, ánh sáng tương ứng. Cũng như dẹp được, phần nào phiền não, con người tìm thấy, phần ấy an lạc, trong cuộc sống này. Một thời gian sau, cho đến một ngày, tượng Phật vàng ròng, trở lại nguyên trạng, sáng chói rực rỡ, một cách toàn diện. Người nào không chịu, ra công dọn dẹp, phiền não khổ đau, mà nguyện cho mau, về cõi tây phương, cực lạc niết bàn, đó chỉ là việc: không ngủ mà mơ, không tơ dệt lụa, đem cát đi nấu, mà muốn được cơm! Tất cả chúng ta, Phật tử tại gia, hay ở tại chùa, cũng đều mơ ước, cuộc sống an lạc, và đạt hạnh phúc, trên thế gian này, cho nên phải biết, áp dụng hằng ngày, pháp môn chăn trâu, một cách tích cực, ngày cũng như đêm, trong mọi tình huống, trong mọi hoàn cảnh. Chẳng hạn như khi, đang làm việc sở, ở chỗ đông người, hay đang học hành, ăn uống nghỉ ngơi, đi chơi ngoài phố, hoặc chỗ vắng người, chúng ta nên biết: tập trung tư tưởng, vào việc đang làm, vào việc học hành, nghỉ ngơi ăn uống, đông người vắng người, chỗ nào cũng vậy, không để tâm ý, nghĩ ngợi mông lung, nhớ nghĩ lung tung, lăng xăng lộn xộn, chộn rộn không ngừng. Bất kỳ khi nào, tư tưởng bắt đầu, nghĩ quanh nghĩ quẩn, chúng ta biết ngay, con trâu xổng chạy, bèn chăn giữ ngay, không chạy theo nó, bị nó kéo lôi, nổi trôi khắp chốn, dẫn mình đi rong, khó mong trở lại, có khi đến chỗ, tạo tội tạo nghiệp. Tức là chúng ta, tích cực chăn trâu, trong mọi hoàn cảnh, nhứt là trong lúc, rảnh rỗi nghỉ ngơi, không có rong chơi, không có buông lung, nhớ nghĩ lung tung, lơ là lơ lỏng, hỏng cả việc tu, thời gian phí phạm. Do đó cuộc sống, có ý nghĩa hơn, tận dụng thời giờ, tu tập chăn trâu, không còn phải tìm, cách giết thì giờ, trống trải dư thừa, bằng những cuộc vui, giả tạm trần thế. Tập trung tư tưởng, không tâm lo ra, không ý nghĩ bậy, tức nhiên đạt được, năng suất làm việc, chất lượng cao hơn, kết quả tốt hơn. Chẳng hạn như khi, đang ngồi nghỉ ngơi, nhưng không nghĩ ngợi, hay đang nằm nghỉ, dưỡng sức an thần, trước khi làm việc, hãy để tâm trí, bình yên trống rỗng, lặng lẽ tịch tịnh, không hề dấy khởi, vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm. Chúng ta chỉ cần, thiền định như vậy, trong vài mươi phút, sẽ thấy thân tâm, đều được thoải mái, khinh an nhẹ nhàng, khỏe khoắn vô cùng, tức nhiên năng suất, khả năng làm việc, chắc chắn sẽ cao, kết quả sẽ tốt. Chẳng hạn như khi, kẹt xe trên đường, hay chờ đợi ai, chờ đợi việc gì, đừng phí thì giờ, một cách vô ích, có thể áp dụng, pháp môn chăn trâu, để giữ tâm trí, bình tĩnh thản nhiên, an vui tự tại, không có tâm trạng, ưu tư lo nghĩ, bồn chồn lo lắng, thấp thỏm phập phồng, lo âu sợ sệt, nóng nảy giận hờn, hơn thua phải quấy, nhân ngã thị phi. Thời gian chờ đợi, sẽ qua rất mau, một cách hữu ích. Lúc đi ngoài đường, nếu trong tâm trí, khởi niệm bất thiện, hay niệm ác nào, lập tức chận ngay, đừng hay dắt dẫn, con trâu điên đó, về đến nhà mình. Làm được như vậy, gia đạo bình yên, không ai trong nhà, bị con trâu điên, từ bên ngoài vào, húc càn bừa bãi. Giống như ngày xưa, cổ nhân khuyên bảo, trước khi đi ngủ, mỗi đêm nên nhớ: kiểm điểm việc làm, lời nói ý nghĩ, tạo tác trong ngày, bằng cách dùng một, cái hũ trống không, rồi bỏ vào hũ, một hột đậu trắng, tượng trưng cho một, hành động tốt đẹp, một lời nói khéo, một ý nghĩ thiện, và bỏ vào hũ, một hột đậu đen, tượng trưng cho một, hành động xấu xa, một lời nói thô, ý nghĩ bất thiện. Thoạt đầu thông thường, ai ai cũng thấy, trong hũ của mình, có nhiều đậu đen, hơn là đậu trắng. Nếu chịu khởi công, phát nguyện tu sửa, tu tâm dưỡng tánh, một thời gian sau, trong hũ có nhiều, đậu trắng hơn đen. Cho đến một lúc, không còn đậu đen, cũng đúng là lúc, khỏi cần đậu đen, hay đậu trắng nữa. Chính đó là lúc: "Tâm cảnh nhất như", con người trở nên, toàn chân thiện mỹ, người trâu đều mất, ngã pháp đều không, cả hai dứt hết. Tâm không loạn động, cảnh trần bất nhiễm. Tu tập đến chỗ, rốt ráo như vậy, các tranh chăn trâu, không cần đến nữa. Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn dứt, chính là nghĩa đó. Ví như sau khi, vượt qua sông biển, đến bờ bên kia, là bờ giác ngộ, là đáo bỉ ngạn, tức nhiên hành giả, buông lái bỏ thuyền, không ai lên bờ, lại còn vác theo, chiếc thuyền chiếc bè, trên vai làm chi, cho thêm nhọc nhằn. Cũng như thuốc men, cần khi chữa bệnh, hết bệnh thì ngưng. Cũng như sau khi, giặt sạch chiếc áo, phải xả bỏ hết, xà bông bột giặt, dính trên chiếc áo, không ai tiếc rẻ, để lại xà bông, còn dính trên áo, rồi mặc trở vào. Trong kinh Kim Cang, đức Phật có dạy: "Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp". "Pháp cao còn bỏ, huống là các pháp". Khi đã đạt được, bản tâm thanh tịnh, bản tánh sáng suốt, nghĩa là đạt được, trạng thái vô ngã, tự tại niết bàn, đâu còn chấp chặt, công phu tu tập, chính là bản ngã, làm chi nữa chứ. Chúng ta nên biết: sở dĩ đức Phật, luôn luôn giữ được, nụ cười siêu thoát, bởi vì thân tâm, của đức Thế Tôn, thực sự an lạc. Do đó những người, dù có tâm ác, nghiệp chướng nặng nề, khi về với Phật, cũng liền trở thành, hiền thiện hơn xưa. Trong khi Lăng Nghiêm, đức Phật có dạy: "Sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền". "Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt trước mặt". Khi nào các sự, phiền não khổ đau, hoàn toàn dứt sạch, các pháp sanh diệt, lặng tiệt hết trơn, thì nhơn Phật Tánh, tịch diệt niết bàn, hiển lộ toàn vẹn. Đó chính là lúc, con người đạt được, mục đích cứu cánh: an lạc hạnh phúc, giác ngộ giải thoát. Mười bức tranh chăn trâu đại thừa và thiền tông. Pháp môn chăn trâu, đã có từ lâu, thường được minh họa, thành nhiều bộ tranh, tùy theo tông phái, xếp thành hai loại: khuynh hướng đại thừa, khuynh hướng thiền tông. mỗi bộ gồm có, mười bức tranh vẽ, nên được gọi là: "thập mục ngưu đồ". Thập mục ngưu đồ, tức là các bộ, mười tranh chăn trâu, khởi đầu trâu đen, dần dần đổi trắng, từ trên đỉnh đầu, xuống tới thân mình, sau rốt đến đuôi. Đó là tượng trưng, các pháp môn tu, công phu hành trì, tiến từng nấc thang, giác ngộ giải thoát. Cái tâm vọng động, lần hồi gạn lọc, cấu nhiễm trần gian, đầy tham sân si, rồi sáng dần lên, từ chỗ vô minh, đạt tới cảnh giới, vòng tròn viên giác. Cũng như nhờ được, chăm nom chăn dắt, con trâu hoang dã, đã đen nhiều kiếp, thuần thục dần dần, tự thắng bản năng, tự tăng trí tuệ, đến chỗ tự tri, thảnh thơi tự tại, vô ngại niết bàn. Ý nghĩa tổng quát, các tranh chăn trâu, khuynh hướng đại thừa, khuynh hướng thiền tông, không khác nhau nhiều, cùng đều diễn tả, đường lối tu tập, tuy nhiều pháp môn, tùy theo căn cơ, hoàn cảnh sở thích, song không ngoài việc: an tâm loạn động, trụ tâm thanh tịnh, mục đích cứu cánh, chính Phật chỉ dạy, trong kinh Kim Cang. Bộ tranh đại thừa, gồm có mười bức: chưa chăn mới chăn, chịu phép quay đầu, vâng chịu không ngại, tha hồ cùng quên, soi riêng dứt cả. Bộ tranh thiền tông, không ngoài mười bức: tìm trâu thấy dấu, thấy trâu được trâu, chăn trâu cỡi trâu, quên trâu quên người, về nguồn vào chợ.
Cuộc sống đời nay, các xứ tây phương, văn minh tiên tiến, dư thừa vật chất, thiếu phần đức dục, có những đứa trẻ, biết kêu cảnh sát, đến bắt cha mẹ, chỉ vì rầy la, hay là roi vọt, răn dạy bọn chúng, có những đứa trẻ, dùng dao đâm người, mang súng vào lớp, giết người hàng loạt! Thực là khủng khiếp! Đến khi lớn lên, bước chân ra đời, cuộc sống khó khăn,con người bon chen, tranh đấu sống còn, cho nên bất chấp, mọi thứ thủ đoạn, miễn sao có lợi, cho mình thì thôi, người khác ra sao, đau khổ thế nào, sống chết mặc kệ! Con người sẵn sàng, thượng đội hạ đạp, để được tiến thân, để giành quyền lợi, để đợi thời cơ, để mơ địa vị. Chỉ vì ganh tị, đố kỵ cho nên, con người sẵn sàng, loan truyền tin đồn, mặc kệ đúng sai, phổ biến thư rơi, bôi lọ kẻ thù, nói xấu sau lưng, đặt điều thêm bớt, vu oan giáo họa, hại người tàn tạ, te tua tơi tả, mới là hả dạ. Con người sẵn sàng, đá giò lái bạn, đâm lưng chiến sĩ, thưa gửi kiện tụng, đụng độ đồng nghiệp, hạ nhục đồng môn, đem chôn đồng bào, cào nhà đồng đội, dội nước đồng hương, chẳng thương đồng đạo, giả tạo đồng minh, tất cả cũng vì, đồng tiền mà thôi! Người nào thua mình, khinh khi biếm nhẽ, nhìn nửa con mắt. Người nào hơn mình, tức giận gièm pha, phá cho tan nhà, nát cửa chửa thôi. Tất cả việc làm, lời nói trên đây, đều được chỉ huy, bởi do tư tưởng, ý nghĩ con người. Nói một cách khác: tư tưởng chủ động, chỉ huy phát xuất, hành động lời nói. Người có tư tưởng, hay tâm ý thiện, thì có hành động, và lời nói thiện. Người có tư tưởng, hay tâm ý ác, thì có hành động, và lời nói ác. Như vậy phải biết, tâm ý con người, có lúc hiền thiện, có lúc ác độc, bởi vậy cho nên, hành động lời nói, lẫn lộn thiện ác. Tâm ý con người, từ xưa đến nay, từ đông sang tây, lăng xăng lộn xộn, hằng ngày như vậy. Ở trong kinh sách, tâm ý con người, thường được ví như, con vượn chuyền cây, con ngựa chạy rong, nên được gọi là: "tâm viên ý mã". Con ngựa chạy rong, tung tăng khắp chốn, khó mà điều khiển, thuần phục dễ dàng. Con vượn chuyền cành, từ nhánh cây này, sang nhánh cây khác, cũng như tâm ý, của một con người, nghĩ ngợi lung tung, linh tinh lang tang, hết chuyện lầm than, quay sang hưởng thụ, cũng còn chưa đủ, chuyện đông chuyện tây, chuyện ta chuyện tàu, hết chuyện tầm phào, đến chuyện tầm bậy, hết chuyện người này, đến chuyện người khác, gia đình hàng xóm, thế giới năm châu, ở đâu cũng tới, hang cùng ngõ hẻm, khoa học kỹ thuật, chính trị tôn giáo, quốc gia đại sự, phụ nữ nhi đồng. Ở trong thiền tông, tâm ý con người, thường được ví như: trâu đen trâu trắng. Con trâu thường ngày, không được chăn giữ, thường hay xâm phạm, giẫm đạp lúa mạ, của các người khác, gây nhiều thiệt hại, tổn thất hoa màu, hư hại mùa màng, của người láng giềng, lân cận chung quanh, đó là trâu đen. Nếu được chăn dắt, săn sóc thường xuyên, chăm nom kỹ lưỡng, canh chừng cẩn thận, đem lại bao nhiêu, ích lợi lớn lao, cho các nông gia, và cho xã hội, đó là trâu trắng. Điều quan trọng là: con người hãy biết, chăn dắt con trâu, chớ để con trâu, dẫn dắt con người! Nếu để con trâu, dẫn dắt con người, không biết rồi đây, sẽ đi về đâu? Cho nên mới có, pháp tu gọi là: “Pháp môn chăn trâu”, chính là nghĩa đó. Bây giờ chúng ta, bắt đầu tìm hiểu, tiến trình thực hành, pháp môn chăn trâu, qua mười giai đoạn |
Vào mạng: 3-9-2004 |