Nghĩ về công cuộc
hoằng pháp tại hải ngoại
Tâm Huy - Huỳnh Kim Quang
Khi một bệnh nhân trải qua cơn thập tử nhất sinh, nhưng nhờ gặp thầy và
thuốc hay mà bình phục hay bệnh tình thuyên giảm, thì điều chắc chắn là
người bệnh nhân đó nếu có dịp rất muốn giới thiệu, tiến cử thầy thuốc và
phương thuốc đó cho những người khác. Tương tự như vậy, người Phật tử
một khi đã cảm ứng được ân đức và diệu lực bất khả tư nghì của Chánh
Pháp đức Phật thì không một ai mà không muốn đem Chánh Pháp đó đến cho
mọi người. Đó là chí nguyện hoằng dương Chánh Pháp của tất cả người con
Phật, xuất gia và tại gia. Việc đó được xem như là việc nhà: “Hoằng pháp
vi gia vụ.”
Hoằng pháp được thực hiện qua nhiều sắc thái và cấp độ đa dạng. Một
người sống đúng lời Phật dạy, ứng dụng một cách hiệu quả Chánh Pháp, thì
bản thân người đó đã đóng góp một cách thực sự cho công cuộc hoằng pháp.
Tại sao? Bởi vì qua người đó, người khác thấy, hiểu và tin rằng giáo
pháp của đức Phật quả tình mang lại lợi lạc cho con người. Do đó, những
người chung quanh sẽ phát khởi tín tâm đối với Phật Pháp. Đó là cách
hoằng pháp trong phạm vi nhỏ nhất, trong sắc thái thầm lặng nhất. Tuy
nhiên, nó lại là cái nền tảng không thể thiếu ở bất cứ người con Phật
nào khi có ý nguyện đem giáo pháp đức Phật truyền bá cho tha nhân. Nó là
cái vốn liếng ắt có và đủ để mọi công cuộc hoằng pháp được thực hiện
trên mọi cấp độ, mọi bình diện.
Hoằng pháp trên bình diện rộng hơn là có chủ đích đem Phật Pháp truyền
trao cho người khác, cho nhóm người nào đó, hay cho cộng đồng xã hội.
Trên bình diện này, đòi hỏi người sắm vai trò hoằng pháp phải có một số
kiến thức về Phật Pháp và thế học, một số kỹ năng, một số phương tiện và
quan trọng hơn cả là nguyện lực bố thí Chánh Pháp vô giá.
Hơn ba thập niên có mặt tại hải ngoại, trên một địa bàn địa lý rộng lớn
hầu như khắp các châu lục, từ Âu sang Á, từ Úc sang Mỹ, người phật tử
Việt Nam đã làm được gì cho công cuộc hoằng pháp? Câu hỏi đặt ra không
phải là vấn nạn mang tâm trạng ngờ vực mà là tạo cơ hội cho một sự nhìn
lại đối với sứ mệnh lớn lao này.
Câu trả lời chắc chắn nhanh và dứt khoát không cần suy nghĩ, rằng suốt
ba thập niên qua người phật tử Việt Nam tại hải ngoại đã thật sự có nỗ
lực và có thành tựu trong công cuộc hoằng dương Chánh pháp của Phật đà.
Quả thật vậy, nếu không có thành tựu trong công cuộc hoằng pháp thì ngày
nay làm gì có hàng trăm ngôi chùa, Phật học viện, tu viện, cơ sở văn hóa
Phật giáo Việt Nam có mặt khắp nơi trên thế giới. Tại các chùa, hàng
tuần, hàng tháng đều có các buổi giảng Phật pháp, các khóa tu Bát Quan
Trai, Niệm Phật, tụng Kinh, bái sám, hành trì, v.v… Hàng năm các cộng
đồng, các giáo hội Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại đều tổ chức các buổi
lễ đặc biệt vào các ngày lễ lớn như Tết, Phật Đản, Vu Lan, v.v… Tại Châu
Âu, khóa tu học Phật Pháp hàng năm quy tụ đến năm, bảy trăm tăng, ni và
phật tử tham dự. Đây là một thành tựu rất đáng khích lệ.
Đã
biết vậy, tại sao còn nêu ra câu hỏi làm gì? Vì có thành tựu nhưng chưa
đúng mức, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, chưa mở rộng địa bàn khả thi
và quan trọng hơn nữa còn để nhiều chỗ trống cho tương lai. Xin trình
bày một số sự kiện như sau.
1.
Công cuộc hoằng pháp lâu nay mới chỉ chú trọng đến đối tượng là những
người lớn mà chưa thật sự nhắm đến đối tượng là tuổi trẻ trong cộng đồng
người Việt tại hải ngoại.
Có
thể có người nghĩ rằng, tại Việt Nam từ trước tới nay vẫn vậy, nhưng số
lượng phật tử cũng đâu có thuyên giảm từ thế hệ này sang thế hệ khác,
tuổi trẻ rồi mai mốt lớn lên cũng sẽ giống như thế hệ cha ông là về
chùa, theo Phật.
Thực tế ở hải ngoại khác xa hơn ở Việt Nam. Tại Việt Nam, trong bối cảnh
đất nước và xã hội với truyền thống văn hóa và đạo Phật ăn sâu vào lòng
người, cho nên chuyện theo Phật gia truyền là điều dễ xảy ra. Tuy nhiên,
ngay cả tại Việt Nam hiện nay cũng không hoàn toàn như vậy, huống gì ở
hải ngoại. Tại hải ngoại, tuổi trẻ lớn lên trong môi trường học đường và
văn hóa Âu Mỹ, một nền văn hóa trong đó đạo Phật mới chỉ ở vị thế rất
nhỏ, rất yếu, rất mờ nhạt, nên việc không theo đạo Phật của ông bà, cha
mẹ là điều rất dễ xảy ra. Muốn cảm hóa tuổi trẻ thì phải có phương thức
thực tế và thích hợp. Chẳng hạn:
-
Trước hết phải nâng tuổi trẻ lên thành đối tượng truyền bá thực sự quan
trọng như đối với thế hệ người lớn. Không xem tuổi trẻ như là đối tượng
chính thức và quan trọng để cảm hóa thì có nghĩa là bỏ quên một thế hệ.
Việc này sẽ dẫn đến khoảng trống không thể bù đắp được trong tương lai.
Kinh nghiệm của Phật Giáo Nhật Bản tại tiểu bang Hawaii cho thấy rõ điều
này. Thế hệ đầu tiên của người Nhật đến định cư tại Hawaii chỉ nhắm vào
việc duy trì và phát triển văn hóa Nhật Bản và Phật Giáo Nhật trong thế
hệ những người lớn tuổi. Chùa chiền mọc lên khắp nơi, phật tử lớn tuổi
đi chùa rất đông. Nhưng rồi sau đó, đến thế hệ thứ 2, tình trạng hoàn
toàn khác hẳn, nghĩa là tệ hại đến thảm thương, vì chùa chiền không ai
đến, thế hệ thứ hai của người Nhật không biết Phật Pháp là gì. Ngày nay,
tại Hawaii nhiều chùa Nhật đã phải bán đi, hay cống hiến cho các tổ
chức công ích sử dụng làm nơi sinh hoạt xã hội.
-
Phải truyền bá Chánh pháp bằng ngôn ngữ mà tuổi trẻ sử dụng thường ngày,
đó là Anh ngữ.
-
Do đó, từ kinh điển, giáo lý và thuyết giảng đều phải dùng tiếng Anh,
tiếng Mỹ.
-
Phải lắng nghe và tìm hiểu tuổi trẻ muốn gì, bắng cách nào dễ cảm thông,
cảm hóa họ.
-
Và do đó, cần phải có đội ngũ nhân sự đáp ứng đầy đủ các điều kiện kể
trên để thi hành công tác truyền bá Phật Pháp cho tuổi trẻ.
2.
Công cuộc hoằng pháp lâu nay mới chỉ nhắm đến cộng đồng người Việt tại
hải ngoại mà chưa thật sự nhắm đến đối tượng là những người dân bản xứ
tại các quốc gia mà người phật tử Việt Nam đang có mặt. Nói như vậy,
không có nghĩa là cho rằng việc lấy đối tượng là cộng đồng người Việt
tại hải ngoại là sai. Tuyệt đối không phải vậy. Cộng đồng người Việt tại
hải ngoại là đối tượng rất quan trọng cho công tác hoằng pháp, đặc biệt
trong giai đoạn đầu phát triển của Phật Giáo Việt Nam tại xứ người thì
đây là lực lượng nòng cốt để hỗ trợ cho mọi Phật sự. Tuy nhiên, điều
muốn nói ở đây là không thể chỉ xem có cộng đồng người Việt là đối tượng
duy nhất cho công cuộc hoằng pháp mà cần quan tâm đến những đối tượng
khác, không kém phần quan trọng trong giai đoạn lâu dài về sau.
Tại sao phải nhắm vào người dân bản xứ? Vì nơi nào người phật tử Việt
Nam có mặt để thi hành công tác hoằng pháp người dân ở đó đều phải được
xem là đối tượng để giới thiệu Phật Pháp đến cho họ. Giống như chư Tổ
ngày xưa từ Ân Độ đến Việt Nam, đến Trung Quốc đều nhắm vào đối tượng là
người dân bản xứ để cảm hóa. Về lâu về dài đây mới là mục tiêu quan
trọng mà người phật tử Việt Nam tại hải ngoại cần phải nhắm đến. Bởi vì,
ngay cả với con em người Việt hải ngoại chỉ trong một hai thế hệ tới đây
họ sẽ đương nhiên trở thành là dân bản xứ chính tông. Không chuẩn bị
công cuộc truyền bá Phật pháp cho dân bản xứ thì sẽ truyền bá cho ai?
Kinh nghiệm của cộng đồng Phật Giáo Trung Hoa tại miền bắc California là
một bài học không thể quên. Vì khi người Trung Hoa sang định cư tại San
Francisco vào giữa thế kỷ 19, họ đem theo Phật Giáo vào đó và phát triển
rất mạnh. Nhưng vì chỉ chú trọng đến việc truyền bá cho người Trung Hoa
ở thế hệ lớn tuổi, cho nên càng về sau các thế hệ con em đã không còn
giữ được tín tâm đối với Phật pháp, họ bỏ chùa, bỏ đạo Phật.
Để
truyền bá cho dân bản xứ một tôn giáo mới như đạo Phật thì người Việt
hải ngoại phải có chuẩn bị. Chuẩn bị điều gì?
3.
Giới thiệu nền Phật Giáo Việt Nam một cách rộng rãi và làm sao tạo được
sự chú ý của quần chúng bản xứ, của thế giới Tây phương về Phật Giáo
Việt Nam.
Kinh nghiệm bài học hoằng pháp của đức Đạt Lai Lạt Ma, của các thiền sư
Nhật Bản và gần đây của Thiền sư Nhất Hạnh, cho thấy rằng, bước đầu tiên
trong công cuộc hoằng pháp tại các nước phương Tây là phải mở cuộc vận
động quảng bá sâu rộng nền Phật Giáo Việt Nam, làm cho người dân tại các
nước này nghe đến, biết đến, và chú ý đến Phật Giáo Việt Nam. Con đường
hữu hiệu nhất là bằng sách vở, báo chí và truyền thông đại chúng, dĩ
nhiên bằng Anh ngữ. Tức là Phật Giáo Việt Nam phải có một lực lượng
hoằng pháp chuyên trách sáng tác hoặc phiên dịch các tác phẩm nổi tiếng
của Phật Giáo Việt Nam để phổ biến trong các thị trường văn hóa Âu Mỹ.
Một khi người dân bản xứ chưa biết Phật Giáo Việt Nam là gì thì khó mà
cảm hóa được họ. Khi họ đã biết đến rồi thì đội ngũ hoằng pháp tinh nhuệ
mới có thể thực hiện thành công sứ mệnh hoằng pháp.
4.
Cả ba điều vừa nói ở trên đều có thể thực hiện được nếu Phật Giáo Việt
Nam thành công một điều kiện tối quan trọng này, đó là đào luyện nhân
sự hoằng pháp cho Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại.
Điều kiện này cho đến nay hình như Phật GiáoViệt Nam vẫn chưa có chuẩn
bị được gì, ngoài một số tăng, ni tại một ít ngôi chùa tự nguyện và âm
thầm thực hiện công tác hoằng pháp diễn giảng và hướng dẫn cho trẻ em và
người dân bản xứ bằng tiếng Mỹ. Ngay cả những trường hợp quý giá như vậy
vẫn chưa được phổ cập sâu rộng để khích lệ những vị khác cùng thực hiện
theo.
Để
thực hiện điều này, Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại cần có kế hoạch đào
tạo nhân sự hoằng pháp đủ sức đáp ứng với nhu cầu hoằng pháp cho tuổi
trẻ và người dân bản xứ.
Trước mắt, chư tôn đức Tăng, Ni trưởng thượng trong cộng đồng Phật Giáo
Việt Nam tại hải ngoại cần để tâm đến các tăng ni trẻ nào đã học xong,
hay còn đang đi học, chọn lọc một số vị có học, có hạnh, có khả năng và
khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các vị tăng, ni trẻ này hoạt
động trong lãnh vực hoằng pháp. Chẳng hạn:
-
tổ chức các buổi sinh hoạt tuổi trẻ để các vị này hướng dẫn, giảng dạy,
-
khuyến khích các vị này sáng tác bằng tiếng Anh,
-
ấn hành tạp chí Phật Giáo Anh Ngữ để tạo môi trường cho thế hệ tăng, ni
trẻ phát huy khả năng,
-
dần dần hỗ trợ việc phiên dịch kinh sách Phật Giáo Việt Nam sang tiếng
Anh để phổ biến trong giới trẻ và trong cộng đồng người bản xứ.
Chỉ cần thực hiện được ở bước đầu năm, ba vị là sẽ tạo khích lệ rất lớn
cho kế hoạch dài hạn về sau. Số lượng tăng, ni trẻ đã học xong các
chương trình tiến sĩ, cao học, cử nhân tại hải ngoại không phải ít. Đây
là vốn liếng căn bản và thực tế nhất để thực hiện công cuộc hoằng pháp
đối với tuổi trẻ và người bản xứ.
Kế
đến, kế hoạch lâu dài là các chùa, các tổ chức Phật Giáo Việt Nam tại
hải ngoại cần khuyến khích và hỗ trợ tinh thần lẫn tài chánh để cho các
tăng, ni trẻ phát tâm theo đuổi con đường phục vụ hoằng pháp bằng bước
đi đầu tiên là theo học cho đến nơi đến chốn các trường đại học, vừa thu
thập kiến thức Phật học và thế học, văn hóa, vừa có vốn liếng Anh ngữ --
nói, đọc, viết -- thông thạo. Mỗi chùa có thể bảo trợ cho một vị tăng,
ni trẻ, hoặc là đệ tử hoặc là chúng tăng, ni từ một chùa khác, một nơi
khác gửi tới.
Tất nhiên, điều chúng ta cần ý thức rằng, không phải ai cũng có thể trở
thành một đức Đạt Lai Lạt Ma, một Thiền sư Nhất Hạnh cả. Số vị có uy tín
lớn trên trường quốc tế như vậy xưa nay không thể có nhiều. Nhưng điều
mà chúng ta có thể nhắm đến là chư vị tăng, ni có khả năng và thích hợp
để làm công tác hoằng pháp đủ sức hướng dẫn, diễn giảng Phật pháp cho
các trẻ em trong cộng đồng người Việt cũng như cho người dân bản xứ. Mỗi
vị tùy theo khả năng có thể hướng dẫn năm mười hay vài chục người sao
cho có hiệu quả, đã là thành tựu đáng trân quý.
Nếu Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại có thể thực hiện thành công một đội
ngũ vài chục vị tăng, ni trẻ cho công cuộc hoằng pháp như vậy là điều mà
người phật tử Việt Nam đang mong chờ. Đó là thành tựu của bước đầu đầy
khó khăn. Nhưng khi bước đầu đã qua được thì tương lai sẽ có nhiều thuận
duyên và tươi sáng hơn.
Cộng đồng
Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại đã sẵn sàng chưa cho sứ mệnh hoằng pháp
lâu dài như vậy? Nếu chưa thì chờ đến bao giờ?
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/congcuochoangphap.htm