Đạo Phật là Đạo của Tâm Thức
Nguyên Thảo
Chúng ta phải khẳng định rằng: Trong tất cả những tôn giáo hiện có trên
thế gian không có một tôn giáo nào lấy con người làm trung tâm như Đạo
Phật. Từ con người, con người (Đức Phật) đã suy tư, đi tìm chân lý giải
thoát cho chính mình và để phục vụ cho nhân loại, chúng sinh với một
giáo lý “toàn thiện”, không hề có một ác ý hay một hành động lừa đảo,
kích động, hoặc khiến người khác phải giết hại lẫn nhau, mặc dù những
hành động ấy đem lại sự phát triển tôn giáo của mình. Đạo Phật không hề
chủ trương như thế!
Ngoài ra, Đạo Phật còn hướng đến một “Chủ Nghĩa đại đồng” trong muôn
loài và cả trong vũ trụ, tất cả đều đồng qui về một cõi Phật: Thường,
Lạc, Ngã, Tịnh an vui.
Nhiều người đã xem đạo Phật như là một Triết lý: Nghiên cứu và phục vụ
cho đời sống con người; nhưng họ đã sai lầm, không những đạo Phật giống
như là một Triết thuyết nhưng đồng thời đạo Phật “cũng là” một “giáo lý
Tôn giáo” không khác. Vì Đạo Phật có đầy đủ tính chất giải thích “sáng
thế” và “chết sẽ đi về đâu?”. Không những vậy, Đạo Phật còn hướng dẫn
con người “Làm thế nào để tự mình giải thoát được cho chính mình một
cách thông minh và trí tuệ”: Điều này, không một tôn giáo nào khác có
thể chủ trương hay làm được. Đó là những ưu điểm mà tự thân Đạo Phật nó
đã có.
Đạo
Phật vốn khởi sinh từ nhận thức của con người (Đức Phật) đối với đời
sống tràn đầy những đau khổ mà con người phải nhận chịu từ lúc sinh ra
đời. Và chính những đau khổ đó đã khiến con người “mơ ước” đến một tương
lai, hay một đời sống nào đó được sung sướng hơn, hạnh phúc hơn. Rồi
thêm những hiện tượng về Siêu hình hay những tưởng tượng trong đời sống,
người ta đã thêu dệt thành những câu chuyện Thần thoại, thi vị hóa cuộc
đời để thỏa mãn những mơ ước của mình. Có những con người lợi dụng Đức
Tin ấy và biến các câu chuyện Thần thoại đó trở thành những tôn giáo với
đầy đủ hận thù để thực hiện tham vọng khống chế thế gian bằng những
quyền lực của giáo hội hay những giáo điều mà giáo hội đã đặt ra.
Còn
Đức Phật (một con người) khởi đầu với những suy tư về một cuộc đời, một
cuộc sống đầy đau khổ: Tại sao có sinh ra? Tại sao có lớn lên? Tại sao
có cuộc đời bệnh hoạn? Tại sao già rồi lại chết? Và tại sao người ta
tranh giành, giết hại lẫn nhau? Những vấn đề ấy khiến cho Thái Tử
Siddhattha rời bỏ hoàng cung, từ giã vợ đẹp con thơ, cuộc sống giàu sang
sung sướng để đi tìm đạo. Siddattha đã không thỏa mãn với những điều học
được với những vị thầy, Ngài lại phải thay đổi cách tu tập và hành trì
nhiều lần. Cuối cùng sau sáu năm, Ngài tìm được đạo. Ngài tìm được đạo
là nhờ vào Tâm thức của Ngài. Đó là sự giác ngộ của Tâm thức. Giác ngộ
ấy là Phật; Tâm thức ấy là Phật tánh. Sau khi thành đạo Ngài đã hướng
dẫn con người, chúng sinh thoát khổ bằng con đường đạo mà Ngài đã nhận
thức được trong hành trình đi tìm: Đó là Đạo Phật!
Đức
Phật kể lại những cảnh giới trong các Kinh điển là qua cái nhìn thấy của
mắt Phật (Phật nhãn), chứ không là những tưởng tượng cho nên những chi
tiết không có những mâu thuẫn, hay những điều không hợp lý như ở những
câu chuyện thần thoại hay bịa đặt khác; những câu chuyện, cảnh giới mà
Ngài đã kể, chúng đều có tính “nhất quán” và tính giải thích, minh chứng
một cách hùng hồn. Ngài cũng khẳng định nếu ai tu tập được như Ngài thì
cũng sẽ nhận thức và thấy được như Ngài. Ngài đã giác ngộ thì người khác
cũng giác ngộ. Ngài có Phật tánh thì người khác cũng có Phật tánh, cho
nên: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.
Nhờ
sự “dấn thân” và “hi sinh” của Đức Phật mà chúng ta có được “giáo lý và
con đường giải thoát khỏi đau khổ” cho đến ngày hôm nay. Trong đó chân
lý “Tứ Diệu Đế” là bất di bất dịch.
Chỉ
trong Khổ đế không thôi, Đức Phật đã phân tích, chỉ rõ những gì là
nguyên nhân sự khổ của con người trong cuộc đời này. Là con người, dù có
là Thánh nhân hay đại diện cho một Đấng Tối Cao nào chăng nữa, con người
đó vẫn không thể thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử. Đôi khi họ phải “chứng
tỏ” cái bệnh của họ trước hàng tỉ cặp mắt con người trên thế giới về cái
bệnh đó để chứng minh cho chân lý mà Đức Phật đã tìm ra. Những chân lý
ấy là sản phẩm, là kết tinh trong muôn đời về đời sống của con người.
Giả
sử thời “mạt pháp” có đến, đạo Phật có mất đi, không còn hiện diện trên
thế gian này nữa. Nhưng nếu còn có con người, hay bất cứ một chúng sinh
thông minh nào đó nắm giữ nền văn minh trên thế gian thì vẫn còn có Đạo
Phật, chỉ trừ khi họ không có tâm thức thì Đạo Phật không có hiện diện.
Vì, một lúc nào đó chúng sinh ngồi tĩnh lặng suy tư và khám phá ra rằng:
Cuộc đời này sao lắm khổ! Rồi họ truy tìm đến nguyên nhân cái khổ; rồi
họ tự hỏi tại sao lại khổ? Làm sao cho hết khổ? Và tránh khổ phải làm
như thế nào? Thì lúc đó chân lý của “Đạo Phật” cũng lại hiện ra. Người
đó cũng lại là một Đức Phật. Với lòng Từ Bi, Đức Phật ấy cũng du hành
thuyết pháp để hóa độ chúng sinh. Đạo Phật thêm một lần khởi đầu. Thế
cho nên Đức Phật đã tuyên bố rằng: “Hằng hà sa số Phật; Phật trong thời
quá khứ, Phật trong thời hiện tại và Phật trong thời tương lai”. Phật đã
thành, đang thành và sẽ thành lần lượt “phóng lên” không trung nở rộ như
những pháo hoa trong một ngày hội. Điều ấy chỉ có những con người “mê
muội” chưa nhận thức được mà thôi! Thành ra, Đạo Phật vốn tiềm ẩn tự
trong Tâm thức của con người, chúng sinh.
Có
nhiều tôn giáo chủ trương một Đấng Tối Cao “sáng thế” và vận hành mọi
việc, mọi cá nhân, mọi loài. Nhưng rồi, những câu chuyện “thần thoại” ấy
theo từng thời gian không thể thích ứng với sự tiến triễn của nhận thức
con người hay khoa học chứng minh là sai lầm, thì những tôn giáo ấy dần
dần biến đổi quan niệm: Từ Đấng Sáng Thế ở trên các tầng mây, rồi Đấng
Sáng Thế được đưa ra ngoài vũ trụ. Đến khi phi thuyền vũ trụ ra ngoài
không gian thì họ lại cho rằng Đấng Sáng Thế ở trong Tâm. Họ chẳng đi
vào Chân Lý của Đạo Phật đó chăng?
Đạo
Phật phải hãnh diện là Đạo ở vào trung tâm điểm của cái gọi là “Tôn giáo”,
vì Chân (chân lý): Những giáo lý của Đạo Phật đúng thật là những chân lý
chắc thật như Tứ Diệu Đế; hành trình tu tập giải thoát là do chính mình
giải thoát cho mình chứ không một ai giải thoát cho mình được; chỉ trong
giáo lý đạo Phật mới giải thích được thỏa đáng tại sao những con người
có hình dáng hay tâm tính khác nhau, cùng những hiện tượng bên ngoài
cũng như siêu hình liên quan đến đời sống con người; và càng ngày khoa
học lại thấy càng gần gũi với những nhận thức của Đạo Phật hơn. Còn
Thiện (nhân từ, hiền lành) thì không tôn giáo nào hơn được Đạo Phật: Đạo
Phật không hề chủ trương áp bức, bạo động, hà hiếp hoặc giết hại từ đồng
loại cho đến muôn loài, không gây đau khổ cho chúng sinh với đầy đủ lòng
Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỉ, Đại Xả. Đã không những thế mà còn dứt trừ Sát,
Đạo, Dâm, Vọng; hòa mình cùng với mọi chúng sinh không phân biệt Ta,
Người, Chúng sinh, lại không phải trong một thời gian nhất định nào đó
mà phải là mãi mãi (tức là Thọ Mạng Tướng) để luôn luôn hợp nhất với Vạn
vật, vũ trụ trong một cõi “Bất Nhị” (không hai). Với chủ trương như thế,
hành trình tu tập nhân ái như vậy thì cuộc đời sao lại chẳng được đẹp
hơn! Đẹp cho người mà đẹp lẫn cho ta (Mỹ)! Chúng ta hãy nhìn lại các tôn
giáo để thấy được ở nơi nào tính Chân, Thiện, Mỹ mà một tôn giáo cần có,
để phân biệt được “giả” và “chân”. Và đâu là con đường đúng để mà đi;
nếu không, ma quỷ (Thiên Ma Ba Tuần) cứ dẫn ta đi vòng vòng vào những
con đường hào nhoáng, đẹp đẽ, dễ dàng nhưng chỉ là hư ảo để lừa con
người, chúng sinh không thoát được luân hồi, và chẳng bao giờ thoát được
sự kiềm tỏa của chúng. Nhưng “có được thân người rất khó” (nhân thân nan
đắc), vì có thân con người mới có thể tu tập, hành trì tiến đến giải
thoát được; ngay cả đến chúng sinh ở cõi trời muốn thành Phật cũng phải
trở lại làm thân người của cõi Ta Bà mới có thể tu hành giải thoát. Cho
nên được thân con người, tức là chúng ta đang đứng tại “cửa ngõ” giải
thoát. Còn có muốn thoát ra hay không, tùy thuộc vào nhận định và ước
muốn của chính mình. Nếu muốn, ta cứ việc “thấp đuốc lên mà đi”!
- Nguyên-Thảo,
- 09/ 04/ 08.
***