“Lý tưởng chỉ hướng cho
thuyền đời và làm nở hoa cho cuộc sống’’đó là lý tưởng giải thoát, giác
ngộ, thoát ly sanh tử, mà người Tu và mọi người Phật tử phải hướng đến
và đạt cho được, để tự thân được an lạc hầu làm điều kiện căn bản xây
dựng gia đình hạnh phúc, giúp xã hội được bình an, góp phần vào kiến tạo
hoà bình cho thế giới, và Tinh độ nơi trần gian.
Tại sao phải cầu giải thoát,
giác ngộ ? ai ràng buộc Ta ? ai làm cho Ta mê mờ mà phải cầu giác ngộ ?
Tâm ta vẫn luôn trong sạch như mặt trời vẫn luôn toả sáng kia mà ! có
bao giờ mặt trời không toả sáng đâu ! có phải chăng do bởi mây ngăn che
nên mặt trời tạm thời không chiếu soi khắp cả được, cũng vậy, Tâm của
mỗi chúng ta vẫn luôn trong sáng, nhưng vì một chút vô minh, vọng tưởng
“chấp ngã, chấp pháp”, khiến cho tham – sân – si khởi lên làm mê mờ tâm
trí để phải tạo ra muôn ngàn tội lỗi.
Tự trong Tâm ta vọng niệm
khởi lên, thì cũng phải tự trong Tâm ta vắng lặng, mới trả lại sự trong
sáng của Chân Tâm được. “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha
đắc’’ có nghĩa là tự soi xét lại mình đó là phận sự chính, không vì
ở ngoài mà được, không tìm cầu ở đâu ngoài Tâm mà được là như vậy đấy.
Tại sao chúng sanh phải chịu
nhiều đau khổ, có phải chăng do Ái dục gây ra, vì:’’Ái dục là gốc khổ
đau, ham muốn nhiều luỵ khổ càng sâu, nhọc nhằn sinh tử bấy lâu, đều do
ái dục dẫn đầu gây nên’’. Biết được gốc rễ là do
ái dục, mà ái dục là do thấy mọi cảnh chung quanh đều thật có, trường
tồn vĩnh viễn để rồi ham muốn lo tom góp về để thụ hưởng, tất cả đều
phục vụ cho bản ngã mà gây nên cả. Nhưng thật tế trong cuộc đời có cái
gì là trường tồn mãi mãi đâu nhỉ ! có đó rồi cũng mất đó, có rồi hoàn
không kia mà, nếu ta cứ mãi chạy theo sắc dục, những tiện nghi vật chất
hiện đại của vô thường, sinh diệt nầy, thì cái của báu chân thường
vắng lặng trong mỗi chúng ta sẽ khó mà hiển lộ, và trầm luân sinh tử
chúng ta vẫn mãi đeo mang.’’Nếu không có niềm vui chân thật bên trong,
thì mọi tiện nghi vật chất bên ngoài chỉ là suối nguồn đau khổ’’ Niềm
vui chân thật chỉ có khi không còn bản ngã, tức là vô ngã mà vô ngã tức
là Niết bàn.
Thấy rõ ràng được như vậy nên
Đức Phật đã nói Tâm kinh Bát nhã và chư Tổ đã đưa vào nghi thức cho
chúng ta trì tụng hằng ngày, với mục đích là nhắc nhở chúng ta luôn nhớ
và thực hiện theo, mà câu quan trọng nhất là:’’Chiếu kiến ngũ uẩn giai
không, độ nhất thiết khổ ách’’, có nghĩa là phải luôn quán chiếu thấy
năm uẩn ( sắc, thọ, tưởng, hành, thức ) nầy đều là không, tức là VÔ
NGÃ “ nghĩa là không có một cái gì tự nó sinh
ra, tự nó tồn tại và giữ nguyên vị trí cố định của
nó mãi mãi, tất cả đều phải chuyển biến. Vật thể thì chuyển biến từ vật
này để sinh ra một vật khác; từ thân thể này qua thân thể khác. Tinh
thần thì chuyển biến từ một loài này qua một loài khác, tất cả cũng
giống như nước gặp nóng biến thành hơi, hơi tụ lại thành mây, mây gặp
lạnh biến thành mưa, mưa biến thành nước tuôn
xuống ao, hồ, sông, suối…rồi tràn vào biển cả, và cứ thế luân hồi xoay
chuyển. Sự thay đổi vật chất đến tinh thần như vậy là vì tự thân nó
không có một cái gì đích thực là nó, mà phải do nhiều duyên hợp lại mới
thành. Nếu có một cái gì đó đích thực là nó, thì không thể nào kết hợp
được với một cái khác để sinh ra một cái khác nữa. Cái không đích thực
đó gọi là vô ngã” hiểu rõ điều nầy
để không bị chấp chặt và dính mắc vào, thì
qua khỏi hết mọi nạn tai khổ ách.
Muốn Vô ngã và bào mòn được
bản ngã, thì mỗi chúng ta phải luôn quên mình đi, lo sám hối tội lỗi tự
bao đời, thường luôn soi xét lại mình và hay mang an vui hạnh phúc đến
cho mọi người, sống tuỳ duyên, đơn giản, ít muốn, biết đủ là ta đã lần
hồi giảm bớt khổ đau và từng bước đi vào con đường An lạc để đạt đến sự
giải thoát và giác ngộ. Chỉ có đơn giản như vậy, nếu chúng ta có chánh
kiến và tinh tấn tu tập, giới định nghiêm trì thì trí tuệ sẽ phát sinh,
thần thông hiển lộ. Đây là cách Tu tập bình dị, hiệu quả để biến pháp
Phật nhiệm mầu thành những thang thuốc trị tâm bệnh thần diệu và là
dưỡng chất nuôi sống tô đẹp cuộc đời, đó cũng là
cách Tu để báo ơn, đền ơn một cách rốt ráo nhất.
Đức Phật nhà đại y vương đã
có dạy: “Nước của bốn đại dương chỉ có một vị đó là vị mặn, giáo lý của
Ta cũng chỉ có một vị đó là hương vị giải thoát” hương vị nầy là những
phương thuốc thần diệu để trị Tâm bệnh, hướng vào Tâm để Tu đó là chánh
đạo, còn hướng ra ngoài Tâm là ngoại đạo, nếu ai sử dụng pháp Phật để
trị Tâm bệnh mà không lành thì hãy xem lại Tâm ta có được an chưa, hay
việc sử dụng có đúng thuốc, có đúng liều lượng, có đúng thời gian và sử
dụng liên tục hay không ? ( cũng giống như mài củi lấy lửa, nếu chưa có
lửa mà ngưng thì sẽ không bao giờ có được lửa, Tu hành mà không đến nơi
đến chốn thì cũng khó mà thành Phật )
Phật tại Tâm chứ có đâu xa,
nếu Ta cứ chạy theo bên ngoài mãi tìm cầu, coi như tà kiến thì muôn kiếp
có mãi Tu hành đều thành vô ích, cũng như “gãi ngứa ngoài giày” mà thôi.