Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

DÒNG CHUYỂN HÓA

Tỳ Kheo Thích Thiện Hữu




Cuộc sống của con người và vạn vật trong thế giới này giống như một dòng sông êm đềm trôi mãi với thời gian. Nước lớn đầy rồi lưng cạn. Từ thành-trụ đến hoại-không. Hết vinh quang sung sướng đến tủi nhục khổ đau. Hết mưa rồi nắng, Xuân sang Hạ về, Thu qua Đông tới, dòng sông cứ thế mà trôi đi.  Thế nhưng ta lại tìm thấy trong dòng sông ấy một nguyên ly bất di bất dịch của sự sống. Nguyên ly khổ đau và hạnh phúc, thăng trầm và vinh nhục bao trùm khắp kiếp sống của vạn loài chúng sinh. Đối với con người, từ xa xưa cổ đại cho đến hiện tại và mãi mãi mai sau, nguyên l‎ý này vừa là bản chất vừa là bài pháp hùng hồn của cuộc sống, giúp chúng ta một khi đã thấu hiểu và vận dụng vào kiếp nhân sinh phù du, sẽ có cơ hội được thăng hoa tâm thức, thăng tiến trên con đường tu tập và vượt thoát sanh tử luân hồi.

Mùa Đông đang kéo về trên xứ sở thanh bình Úc châu này.  Đây chính là khoảng thời gian cây cỏ tự thu mình vào ốc đảo nhỏ bé bên trong, nuôi dưỡng sức mạnh sinh tồn để đối phó với không khí giá lạnh của thiên nhiên.  Trong sự tiếp diễn của thời tiết theo cùng năm tháng, chùa Phật Đà hôm nay đang đứng vững uy nghi trang nghiêm trong không gian lộng gió, giữa trưa hè nắng gắt và giữa lạnh buốt Đông về. Bên cạnh những biểu hiện của y báu trang nghiêm, chính nơi này, chánh báu nhiệm mầu đang biến thành những giọt nước thanh lương tuôn chảy không ngừng.

Hình ảnh những người con Phật đang thực hành và áp dụng giáo l‎ý‎ Phật Đà vào đời sống của mình đều là những biểu tượng, những pháp ngôn không lời, cất cao tiếng nói đạo đức tâm linh và lương tâm giống nòi dân Việt. Giống như những cơn mưa dịu mát ngọt ngào thấm vào mảnh đất tâm linh, gieo mầm cho hạt thiện căn chờ dịp đơm hoa kết trái.

Hình ảnh các bác cao niên mỗi sáng chủ nhật thường xuyên đến chùa lạy Phật, tụng kinh sám hối nghiệp chướng, tiêu trừ tội lỗi, hồi hướng công đức tu hành cho thân nhân và chúng sinh, chính là những pháp âm vi diệu tuyệt vời.  Các bậc trưởng thượng đã không quản nhọc nhằn khi di chuyển, không ngại sức khỏe yếu ớt lúc tuổi xế chiều và những khó khăn của tuổi già bệnh tật, mà còn tranh thủ thời gian đến chùa lễ lạy, tu tạo phước điền, gieo trồng căn lành là những nổ lực rất đáng trân trọng, khích lệ và quan tâm.  Sự cố gắng thường xuyên tới lui nương nơi cửa Phật, chí thiết vui tu suốt khoảng thời gian còn lại của đời mình quả là điều quý báu, khó thực hiện được trong xã hội văn minh vật chất này, khi con người luôn phải chạy đua với thời gian và luôn bị thu hút vào những cám dỗ trần tục.  Những tấm lòng thiết tha với đạo, những tâm hồn cao khiết vì đời là một trong những bài giáo pháp thù thắng nhất, một trong những phương pháp tu hành tối ưu nhất, có thể dẫn lối soi đường cho Phật tử trong đêm dài vô minh đến bảo sở an lạc.
Một thực tế luôn hiện hữu với người đệ tử Phật khi quyết tâm tu tạo phước điền là chướng duyên thử thách và nghịch cảnh éo le sẽ dồn dập kéo tới như sóng ngòai biển khơi.  Chúng có thể nhận chìm và dập tắt tâm bồ đề  vừa mới phát khởi một cách nhanh chóng.  Tuy nhiên, là người con Phật chân chánh, chúng ta phải quyết tâm cố gắng chịu đựng gian nan, khắc phục khó khăn, vượt qua khổ đau của tự ngã, nổ lực hướng tới, đạt cho được mục đích và lý tưởng đang đi, thì hoa đạo đức sẽ có ngày đơm hoa, trái giác ngộ sẽ có ngày kết trái, bỏ lại sau lưng những rụng rơi của huyễn hoặc và thử thách tạm thời.

Hơn nữa, trong mọi tình huống khó khăn, ta nên biết vận dụng giáo lý đạo Phật vào đời sống, biết chuẩn bị hành trang cho tự thân, thì vị ngọt chánh pháp chắc chắn sẽ xuất hiện trong tâm hồn. Vị ngọt chánh pháp sẽ tỏa ra dòng từ trường tươi mát của thương yêu, của vị tha, vô ngã, của hoan hỷ nhân từ và buông xả.  Bao tâm l‎ý tranh dành hơn thua, phải quấy tốt xấu của pháp thế gian sẽ không còn hiện diện mà thay vào đó là những tâm thức từ bi, hỷ xả, tha thứ, khoan dung, giác ngộ và giải thoát.

Mùa đông trở lại, khi cảm nhận cái lạnh cắt da của không gian chung quanh, ta nên phát tâm nghĩ đến những con người đang sống trong các quốc gia nghèo nàn lạc hậu, thiếu thốn áo quần, cơm gạo, thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống hằng ngày.  Một cách cụ thể, ta nên có lòng quan tâm đến những nạn nhân bất hạnh đang bị thiên tai tại Miến Điện và những con người khốn cùng đang lâm cảnh màn trời chiếu đất tại Tứ Xuyên-Trung Quốc. Họ đang rất cần chúng ta thể hiện cụ thể và trọn vẹn tình tương thân tương ái giữa người và người. Vì trong họan nạn khó khăn, một cái mền che ấm, một đôi vớ bao tay, một chiếc mủ len chống lạnh là cả tấm chân tình trao nhau, xuất phát từ con tim nhân hậu biết hy sinh cho đồng lọai.  Một gói mì, một chai nước, một hộp thuốc là những biểu hiện thiết thực của từ bi cứu độ.  Đây là những việc làm nhân ái nói lên ý nghĩa cuộc đời, là nghĩa cử cao thượng trong cuộc sống bắt nguồn từ trái tim trinh trắng tuyệt vời.

Trong chiều dài cuộc đời của muôn kiếp nhân sinh, con người có thể đối diện với bao nghịch cảnh ngang trái và vô vàn phiền não hệ lụy. Chính khổ đau và bất hạnh ngút ngàn đó đã bào mòn tâm thức từ bao kiếp trước, khiến chúng ta ngày hôm nay khi đối diện với cuộc sống đầy âu lo cho miếng cơm manh áo, đã khó có thể thực hiện được những việc làm thiết thực và lợi ích cho tha nhân.  Thế nhưng, để vượt lên khổ đau và nghịch cảnh cho kiếp này và mãi mãi mai sau, không gì đúng hơn là chia xẻ tình thương của mình cho những người chung quanh. 

Hãy cùng nhau đóng góp công sức, tài lực, vật lực, thời gian, trí tuệ…của mình vào những việc làm mang tính phúc lợi cho cộng đồng, xã hội và thế giới bằng tấm lòng nhiệt tình thiết tha vô vụ lợi của con tim chân thành luôn rung động trước nỗi khổ niềm đau, để cuộc đời này luôn ngọt ngào với vô vàn niềm thương yêu và tràn đầy những bông hoa vi diệu ngát hương Ta bà.


Đây chính là sự chuyển hóa tâm thức, từ phàm phu trở nên thánh nhân, từ nhân bản trở thành Phật bản.

Chùa Phật Đà, Úc Châu

Tháng 06 năm 2008

 

 

***

 

  http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/dongchuyenhoa.htm

 


Vào mạng: 02-07-2008

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang