Làm thế nào để giác
ngộ?
Tỳ
khưu Bodhi
(Bình Anson lược dịch)
Danh
từ “phật-đà” (buddha) đã được biết và sử dụng trước khi Đức Phật lịch sử
xuất hiện tại Ấn Độ. Danh từ này có nghĩa là “giác ngộ”, và các đạo sĩ
thời đó thường bàn luận về câu hỏi “Thế nào là một vị Phật? Ai là người
giác ngộ?” Một lần nọ, có một vị đạo sĩ già, tên Brahmayu, nghe tin có
ngài ẩn sĩ Cồ-đàm, người ta tin rằng là một vị Phật, vừa du hành đến thị
trấn của ông ta, nên ông quyết định đến thăm Ngài (Trung bộ, kinh 91).
Khi đạo sĩ Brahmayu đến nơi Đức Phật ngự, Ngài đang thuyết giảng cho hội
chúng cư dân vùng đó. Hội chúng ấy
thấy đạo sĩ Brahmayu từ xa đi đến, liền nhường chỗ cho ông vì ông được
nhiều người biết đến và có danh tiếng. Biết ông là một vị bà-la-môn đáng
kính, bậc thầy có nhiều đệ tử, Đức Phật mời ông đến trước hội chúng và
ngồi cạnh Ngài.
Rồi
vị bà-la-môn
Brahmayu nói: “Kính thưa Ngài Cồ-đàm, tôi có vài thắc
mắc muốn hỏi Ngài.” Đức Phật mời ông nêu ra những thắc mắc trong lòng,
và đạo sĩ nêu ra các câu hỏi qua một bài kệ bốn câu, đại ý chính là:
“Làm thế nào để được gọi là Phật, một bậc Giác Ngộ?” Đức Phật trả lời
qua bốn câu kệ như sau:
“Những gì cần biết rõ, Ta đã biết rõ;
Những gì cần từ bỏ, Ta đã từ bỏ;
Những gì cần tu tập, Ta đã tu tập;
Do vậy, này bà-la-môn, Ta là Phật”
Câu
trả lời ngắn gọn này giúp chúng ta biết về ba đặc tính của một bậc Giác
Ngộ. Đây không chỉ là ba đặc tính của một vị Phật, mà cũng là ba mục
tiêu chúng ta phải hướng đến khi thực hành những lời Phật dạy. Nếu người
nào đó hỏi: “Bạn quy y Tam Bảo chính yếu là để làm gì? Bạn giữ giới để
làm gì? Bạn hành thiền để làm gì?” v.v., câu trả lời của chúng ta phải
bao gồm ba điểm tương tự: -“Để biết rõ những gì cần biết rõ; để từ bỏ
những gì cần từ bỏ; và để tu tập những gì cần tu tập.” Đây là những
mục tiêu của đạo Phật, và hoàn tất ba mục tiêu này đánh dấu sự kiện
chứng đắc đạo quả giác ngộ.
Nếu
chúng ta quen thuộc với bài kinh đầu tiên, kinh Chuyển Pháp Luân, ta sẽ
nhận ra ngay lập tức ba công việc trên có liên hệ đến ba trong Bốn Sự
Thật Cao Diệu (Tứ Diệu Đế). Sự thật đầu tiên là về khổ, Khổ Đế. Chúng ta
cần phải làm gì đối với sự thật này? Khổ cần phải biết, biết rõ ràng và
rốt ráo, thông hiểu tường tận. Đối với sự thật thứ hai, sự thật về
nguyên nhân của khổ, Tập Đế, là do lòng tham thủ, và lòng tham thủ này
cần phải từ bỏ, hay đoạn tận. Sự thật thứ tư, Đạo Đế, là về Bát Chánh
Đạo, là con đường cần phải được tu tập. Còn một sự thật không thấy đề
cập trong bốn câu kệ nêu trên, là sự thật về sự tàn diệt của khổ, Diệt
Đế. Trong kinh Chuyển Pháp Luân, chúng ta biết rằng sự thật này cần phải
được “thực chứng”. Tuy nhiên, khi ba công việc kia được hoàn tất, nghĩa
là hiểu rõ, từ bỏ và tu tập, việc thực chứng sự thật về khổ diệt đương
nhiên sẽ theo sau.
*
1)
Công việc đầu tiên cần phải làm là “hiểu rõ những gì cần hiểu rõ”.
Điều đó có nghĩa là gì? Những gì ta phải biết rõ, phải thông hiểu tường
tận, là những gì gần gủi với ta nhất, những gì ta thường gọi là bản ngã,
cái tôi. Chúng ta thường quy chiếu cái thân và tâm phức tạp này như là
cái tôi. Phần đông chúng ta, từ khi mới chào đời cho đến lúc chết, tâm
ta thường hướng ra ngoài, tầm cầu không ngưng nghỉ những khoái lạc giác
quan, để củng cố bản ngã, để xác nhận quan niệm về sự hiện hữu của cái
tôi. Rất ít người chịu ngồi lại, quán soi, để trả lời câu hỏi: “Cái gọi
là ‘tôi’ thật sự là gì? Cái gì là ‘tôi’ phía sau những gì thường được
quy chiếu vào đó?” Nếu ta dừng lại, và chỉ suy tư trong giây phút, ta sẽ
thấy đó là câu hỏi quan trọng nhất cần phải được nêu ra. Nếu, từ ngày
bạn sinh ra đến ngày bạn thở hơi cuối cùng, mỗi khi có ai hỏi: “Anh là
ai? Lý lịch của anh là gì?”, bạn chỉ biết cho họ xem bằng lái xe hay
giấy khai sinh của bạn, trong đó có ghi tên tuổi và ngày sinh, nhưng
không biết thật sự mình là ai hay mình là gì, như thế, quả thật là một
điều đáng tiếc cho cuộc hành trình của bạn từ nơi sinh đến nơi chết.
Thực
hành theo lời Phật dạy là phải thẩm tra về những gì ta thường cho là “tôi”,
“bản ngã”, và “của tôi.” Chúng ta thường đồng hóa những từ ngữ này với
một cái gì đó riêng biệt, tồn tại, một chủ thể với một sự xác minh đặc
thù. Nhưng Đức Phật dạy rằng tất cả các ý tưởng đó chỉ là hư vọng. Khi
chúng ta nhìn rõ, thẩm tra về sự quy chiếu của các chữ “tôi”, “bản ngã”,
và “của tôi”, chúng ta thấy đó chỉ là các thành tố của thân và tâm, hay
danh và sắc. Để giúp ta hiểu rõ hơn, Đức Phật đã phân chia chúng thành
năm nhóm, thuật ngữ Phật giáo gọi là năm uẩn (ngũ uẩn). Kinh điển gọi là
“năm nhóm của sự tham thủ” (ngũ uẩn thủ), vì đó là những gì chúng ta
thường bám níu vào đó, với các ý tưởng “đây là tôi”, “đây là cái ngã của
tôi”, “đây là cái của tôi.” Như vậy, ta sẽ nhận định được rằng cái gọi
là “tôi” và “ngã” thật ra chỉ là năm uẩn: sắc uẩn, là phần vật chất cấu
tạo nên thân thể; thọ uẩn, là các cảm giác an lạc, khổ đau, và không khổ
không lạc; tưởng uẩn, là các chức năng của tâm để nhận định, suy xét,
đặt tên, ghi nhớ đối tượng; hành uẩn, là các chức năng của tâm để phản
ứng, quyết định, tạo hành động; và thức uẩn, là phần nhận thức, hiểu
biết, phát sinh từ sáu giác căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
Đối
với mỗi người chúng ta, đây là những gì ta gọi là tự ngã. Công việc của
chúng ta khi hành theo lời Phật dạy là để biết, để hiểu rõ bản chất thật
sự của năm uẩn đó. Từ đó, ta biết được những gì tạo ra lý lịch thật sự
của mình. Từ khi sinh ra, lớn lên, già yếu rồi chết, cả một tiến trình
sống này chỉ là một chuỗi nối tiếp năm uẩn, kết hợp với nhau qua các
điều kiện tương quan và các hiện tượng do nhân duyên sinh khởi. Sắc uẩn,
hay thân thể vật lý này, là nền tảng, và dựa vào đó, các yếu tố tâm lý
khởi sinh rồi tàn diệt. Qua công phu hành thiền, chúng ta khảo sát thâm
sâu, với chú tâm tinh tế, về bản chất của năm uẩn này khi chúng hiện hữu
từ thời khắc này sang thời khắc khác. Ta thấy chúng khởi sinh, an trụ,
rồi tàn diệt, và từ đó cho ta một nhận thức tường tận về tính vô thường.
Từ sự thông hiểu về tính vô thường, nảy sinh tuệ quán về khổ, về bản
chất bất toại nguyện của năm uẩn. Từ đó, ta nhận ra rằng năm uẩn luôn
thay đổi này là bấp bênh, không an toàn, không thể tin cậy được, và do
vậy, không thể xem như là cái tôi chắc chắn, trường tồn: chúng là rỗng
không, hay chúng là vô ngã.
2)
Công việc thứ hai cần phải làm khi ta thực hành theo lời Phật dạy là
“từ bỏ những gì cần từ bỏ.” Những gì cần từ bỏ ở đây là các lậu hoặc.
Đức Phật dùng chữ “kilesas” (lậu hoặc) như là một danh từ tổng quát, để
chỉ chung cho tất cả các trạng thái tâm lý tạo ra đau khổ, không hạnh
phúc trong đời sống của ta. Giáo pháp của Đức Phật cho chúng ta một
đường lối chi tiết để giúp ta khảo sát và hiểu biết cách thức vận hành
của tâm. Nhưng sự khảo sát này không phải chỉ để thực hiện một cách đơn
thuần như môn tâm lý học hiện nay dùng để mô tả sự vận hành của tâm. Tâm
lý học Phật giáo xác định rõ ràng và rành mạch về các loại giá trị. Giá
trị đạo đức được trình bày và phân tích rõ ràng giữa thiện và bất thiện,
không do dự hay mơ hồ, vì sự phân biệt rạch ròi về giá trị đạo đức như
thế là điều tối cần thiết để thành đạt ý nguyện của chúng ta là có được
hạnh phúc, tránh mọi đau khổ.
Theo
lời dạy của Đức Phật, các hành động phi đạo đức và trạng thái tâm bất
tịnh không bao giờ có thể đưa đến hạnh phúc thật sự và lâu dài. Mặt khác,
hành động phi đạo đức và trạng thái tâm bất tịnh chắc chắn là mầm mống
cho hoạn khổ, không hạnh phúc. Thật ra, trạng thái tâm ô uế, đặc biệt là
tâm ích kỷ và tham luyến, thường được đi kèm với sự sung sướng, khoái
lạc. Nếu không như thế, ắt hẳn thế giới này đã có đầy những bậc giác ngộ.
Tuy nhiên, sự khoái lạc đi kèm với lòng luyến ái và tham lam chỉ là vỏ
bọc bên ngoài của một hạt giống xấu. Khi hạt giống đó nảy mầm và tạo ra
cây trái, nó sẽ mang theo đau đớn và khổ não ngay trong kiếp này, và nếu
không, sẽ trổ quả trong các kiếp sau. Ngược lại, các trạng thái tâm
thiện lành đôi khi có thể đi kèm với vài sự đau đớn, vì muốn phát triển
chúng, ta phải bơi ngược dòng, đối nghịch với khuynh hướng thông thường
của tâm phàm thế. Nhưng khi các trạng thái thiện lành trổ quả, chắc chắn
chúng sẽ đưa đến hạnh phúc, an bình, và phúc lợi nội tâm. Đây là một
phần của cùng một định luật, định luật về nhân duyên đạo đức.
Các
trạng thái tâm bất thiện này được gọi là “kilesas”, lậu hoặc. Từ này
cũng có thể dịch là “tai ách, hoạn nạn”, vì chúng mang đến sự đau khổ.
Cũng có thể dịch là “cấu uế, ô nhiễm”, vì chúng làm nhơ bẩn, thối nát
tâm chúng ta. Đức Phật đã phân tích bản chất của cấu uế và đã giảng giải
rất khéo léo về nguồn gốc của các cấu uế đó, dẫn đến ba gốc rễ của tâm
cấu uế là tham lam, sân hận, và si mê. Công việc của chúng ta khi thực
hành theo lời Phật dạy, tức là thực hành Pháp, là để vượt qua, trừ khử,
từ bỏ các cấu uế của tham lam và sân hận vì chúng làm sinh khởi nhiều
nhánh cấu uế khác. Nhưng tham lam và sân hận là bắt nguồn từ si mê hay
vô minh. Vì thế, để diệt trừ tất cả mọi cấu uế, chúng ta phải diệt trừ
vô minh.
Vô
minh che phủ năm uẩn, những gì ta quy chiếu là tôi, của tôi, bản ngã.
Cho nên, cách thức diệt trừ vô minh là phải hoàn tất công việc đầu tiên,
“biết rõ những gì cần biết rõ.” Khi ta biết rõ những gì cần biết rõ, vô
minh sẽ rơi rụng; tham lam, sân hận và các cấu uế khác cũng sẽ tan biến.
Không thể nào chỉ có lòng mong cầu suông là có thể hoàn tất được việc
đó. Chúng ta không thể chỉ nghĩ đơn giản: “ Tôi muốn biết rõ những gì
cần biết rõ” là lập tức ta thông hiểu tường tận. Đó là lý do tại sao
toàn thể pháp hành của Đạo Phật là một tiến trình để bước đi trên con
đường tu tập. Món quà vĩ đại mà Đức Phật tặng cho thế gian không phải
chỉ là một triết lý cao siêu, không phải chỉ là một môn tâm lý học thâm
sâu, mà là một con đường thực tiễn, có hệ thống, từng bước một, để chúng
ta hành trì trong mọi tình huống của đời sống.
3)
Hành trì theo con đường đó nghĩa là “tu tập những gì cần tu tập.”
Đây là công việc thứ ba Đức Phật thuyết trong bài kệ bốn câu: “Những
gì cần tu tập, Ta đã tu tập.” Ta hành trì theo con đường là để “từ
bỏ những gì cần từ bỏ”, đó là từ bỏ các ô uế hay lậu hoặc. Hơn nữa, ta
hành trì theo con đường là để “biết rõ những gì cần biết rõ”, nghĩa là
biết rõ bản chất của năm uẩn.
Thế
nào là tu tập theo con đường này? Nên biết rằng con đường tu tập được bố
trí để chúng ta tiến bước, không đột ngột, không bất ngờ, từ từ từng
bước một, giúp ta trèo lên từng bậc thang để đến tột đỉnh của sự giác
ngộ. Ta phải bắt đầu kiểm soát các lậu hoặc thô tháo, bằng cách thọ trì
tuân giữ các điều giới, năm giới hay tám giới của người cư sĩ. Những
điều giới này giúp kiểm soát sự hiển lộ thô tháo của lậu hoặc, những lậu
hoặc có thể bùng ra qua các dạng thức của hành động bất thiện.
Gìn
giữ giới hạnh không phải chỉ tránh các hành động tiêu cực. Ta cũng phải
nuôi dưỡng các hành động đạo đức, thiện lành. Các hành động tốt lành này
giúp tâm ta được lớn mạnh với các đức tính tinh khiết, trong sạch. Ta
phải tập từ bi và tử tế với mọi người, lương thiện khi giao tiếp với
người khác, lúc nào cũng chân thật khi nói năng, có trách nhiệm đối với
gia đình và xã hội, có việc làm chân chính, siêng năng, kính trọng người
khác, biết kham nhẫn, khiêm nhường và ngay thẳng. Tất cả các đức tính đó
sẽ giúp ta từ từ thanh lọc tâm ý, giúp cho tâm được trong sạch, thông
minh, và sáng chói.
Tu
tập những gì cần tu tập, không phải chỉ đơn thuần nuôi dưỡng đạo đức.
Cần phải tiến xa hơn nữa qua sự tu tập thiền định. Khi cố gắng gom thu
và tập trung tâm ý, ta bắt đầu hiểu được tâm ta vận hành như thế nào. Ta
có tuệ quán để hiểu được sự vận hành của tâm ta. Qua sự thông hiểu đó,
dần dần ta uốn nắn tâm mình. Đầu tiên, ta bắt đầu làm suy yếu các tính
chất bất thiện làm uế trược tâm. Ta đang gạt bớt lớp đất mà cội rễ bất
thiện đã bám sâu trong đó. Cần nên nhớ rằng những cội rễ bất thiện đã ăn
sâu trong tâm trong nhiều đời, nhiều kiếp. Tiến trình thanh lọc này
không nhanh chóng mà cũng không dễ dàng. Nó đòi hỏi một nỗ lực liên tục,
bền bỉ, và lâu dài.
Khi
ta kiên trì tu tập như thế, cuối cùng tâm sẽ lắng đọng, tập trung vững
chắc. Nó thu nhận những kỹ năng cần thiết để liên tục bám sát vào một
đối tượng, không lay chuyển, và qua đó, tạo ra cơ hội để trí tuệ nảy
sinh. Trí tuệ là đặc tính thứ ba cần phải được phát triển. Trí tuệ xảy
đến qua thẩm tra, trạch vấn.
Đương nhiên, trí tuệ không phải chỉ phát khởi qua công phu hành thiền.
Ngay cả trong sinh hoạt hằng ngày, khi học hỏi các lời dạy của Đức Phật,
nhất là những bài kinh quan trọng về việc phát triển trí tuệ, chẳng hạn
như là các bài về năm uẩn, lý duyên khởi, Tứ Diệu Đế, chúng ta vấn trạch
giáo pháp và từ đó tạo duyên cho trí tuệ sinh khởi. Ta phát triển trí
tuệ trong cấp bậc khái niệm, để đào sới vào gốc rễ của vô minh. Như thế,
qua học hỏi và suy tư về giáo pháp, ta bắt đầu lay chuyển gốc rễ thâm
sâu của vô minh.
Nhưng trí tuệ tối hậu là phải chứng nghiệm. Khi có được một tâm thức an
định, ta dùng nó để khảo sát năm uẩn. Khi quán sát kinh nghiệm của chính
mình, ta nhìn trực tiếp vào bản chất thật sự của năm uẩn ấy, vào “các
tính chất chân thật của mọi hiện tượng.” Thông thường, đầu tiên là thấy
rõ được sự khởi sinh rồi tàn lụi của năm uẩn. Nghĩa là thấy rõ được tính
vô thường. Ta thấy vì chúng vô thường, nên chúng là phiền khổ. Không có
gì đáng cho ta phải bám níu vào chúng. Vì chúng là vô thường và phiền
khổ, ta không thể nào xác nhận một trong năm uẩn đó là cái tôi thật sự
hiện hữu. Đây là tính chất rỗng không hay vô ngã của năm uẩn. Điều này
đánh dấu sự khởi sinh của tuệ quán chân chính.
*
Với
tuệ quán, ta càng lúc càng đào sâu vào gốc rễ của vô minh cho đến khi ta
hoàn toàn hiểu biết thông suốt về tính chất của năm uẩn. Khi làm được
điều đó, ta có thể nói rằng mình đã “biết rõ những gì cần biết rõ”. Khi
đã hoàn toàn biết rõ những gì cần biết rõ, các uế nhiễm trong tâm là
“những gì cần từ bỏ” được từ bỏ, và con đường hành đạo là “những gì cần
tu tập” được tu tập. Lúc ấy, ta thực chứng những gì cần được thực chứng,
đó là sự dập tắt mọi phiền khổ ngay tại đây và ngay trong lúc này. Và,
như Đức Phật đã thuyết qua bốn câu kệ nêu trên, đó là lý do Ngài được
tôn vinh là bậc Giác Ngộ.
Tỳ khưu Bodhi
BPS Newsletter, No. 55 (2006),
http://www.bps.lk
Bình Anson lược dịch
Perth, Tây Úc, tháng 3-2008
* * *
***