Hướng Đến Ánh Sáng
Quảng Tánh
Một thời Thế Tôn
trú tại Safvatthi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến đảnh lễ Thế Tôn.
Thế Tôn nói với vua Pasenadi đang ngồi xuống một bên:
Thưa đại vương,
có bốn hạng người này có mặt, hiện diện ở đời.
Thế nào là bốn?
Hạng người sống trong bóng tối và hướng đến bóng tối. Hạng người trong
bóng tối và hướng đến ánh sáng. Hạng người sống trong ánh sáng và hướng
đến bóng tối. Hạng người trong ánh sáng và hướng ánh sáng.
( ĐTKVN, Tương
Ưng Bộ 1, chương III, phẩm 3,
Phần Người [trích],
VNCPHVN ấn hành, 1993, tr. 209)
LỜI BÀN
Mỗi người
được sinh ra ở trên đời với một thân phận, hoàn cảnh khác nhau. Họ không
có quyền chọn lựa cho mình nơi sinh ra vì đó là nghiệp dĩ. Tuy nhiên,
con người hoàn toàn có thể phấn đấu cải tạo nghiệp lực, chuyển hóa thân
tâm và hoàn cảnh theo hướng tích cực, tốt đẹp hơn. Cuộc sống là một quá
trình đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Và tất nhiên không phải ai
cũng đạt đến thành công trong việc tự hoàn thiện mình. Do đó, mỗi người
cần nỗ lực hướng thiện bền bỉ và liên tục.
Theo tuệ giác
của Thế Tôn, có hạng người thiếu phước, “sống trong bóng tối và hướng
đến bóng tối” sinh ra trong đói khổ, thất học, thiếu vắng tình thương và
từ đó không tìm ra lối đi sáng sủa cho đời mình. Nếu không phải là tội
phạm thì họ cũng không đoan chánh, không có niềm tin và chẳng tạo ra
được chút phước lành nào trong đời. Hạng người này thật đáng thương và
rất cần sự trợ duyên, đùm bọc của xã hội.
Hạng người
thứ hai “sống trong bóng tối và hướng đến ánh sáng” cũng xuất thân từ
đói khổ, bất hạnh nhưng nhờ còn chút phước duyên nên gặp được thiện tri
thức và biết phấn đấu vươn lên từ đói nghèo để đi đến thành công. Chuyện
những cô Tấm và nàng Lọ Lem thời hiện đại cùng những tấm gương vượt khó
của họ thật đáng cho chúng ta suy gẫm để học tập, noi theo.
Thế nhưng lại
có hạng người “sống trong ánh sáng và hướng đến bóng tối”. Tuy xuất thân
trong môi trường tố, gia đình danh giá nhưng vì lười biếng và ỷ lại cùng
với thói quen hưởng thụ, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên rơi vào
sa đọa, nghiện ngập và trở thành tội phạm. Họ không làm được gì giúp cho
bản thân mà còn trở thành gánh nặng cho xã hội.
Hạng người sau
cùng “sống trong ánh sáng và hướng đến ánh sáng” vốn đầy đủ phước duyên.
Họ nhờ những thuận duyên nên ngay từ nhỏ đã biết phấn đấu học tập, tu
dưỡng đạo đức và trở thành người tài đức vẹn toàn.
Một xã hội,
đất nước mà tích tụ được nhân tài từ hai hạng người hướng đến ánh sáng
như lời Phật dạy thì chắc chắn đất nước ấy đang thực sự phát triển, đi
lên trong sự thịnh vượng bền vững, dài lâu.
Nguồn: Báo Giác Ngộ số 466
--- Cám ơn Tịnh Tú đã gởi bài này ---
***