Phật giáo Việt Nam có trường hợp hết sức đặc biệt;
năm 1998 Thiền sư Thích Duy Lực
với tư cách là một Thiền sư VN mang quốc tịch Mỹ, đã được Ban Hoằng Pháp
Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, mời thỉnh làm Ủy viên, được Giáo
hội thỉnh giảng tại các Khóa Bồi Dưỡng Hoằng pháp ngắn hạn cho các tỉnh
miền Trung tổ chức tại Bình Định, cho các tỉnh Miền Nam tại Văn Phòng 2
Trung Ương Giáo Hội.
Chùa Long Khánh, Tp. Quy Nhơn,
Nay xin trích một đoạn trong khóa Bồi dưỡng Giảng sư tại Bình Định để
chúng ta cùng nhau tham khảo:
THIỀN SƯ DUY
LỰC KHAI THỊ (13 – 4 – 1999)
KHÓA BỒI DƯỠNG GIẢNG SƯ TẠI CHÙA LONG KHÁNH Tp. QUY NHƠN (BÌNH ĐỊNH)
Tâm
là cái gì?
Nguồn gốc Phật pháp là tâm, ai cũng nói được, mà chẳng có ai biết, vì
chân tâm vô hình vô tướng không có số lượng, mọi người đều sẳn có. Chư
Phật nói tâm như hư không vô sở hữu; Ngài Long Thọ là Tổ thứ 14 Thiền
tông có giảng trong Trí Độ Luận; Ở trong quyển Phật pháp với Thiền tông,
tôi có giải thích.
Ngài Long Thọ nói: “Tâm như hư không vô sở hữu”. Vô sở hữu là không có
hư không, mà dung nạp và ứng dụng, ấy là cái thực dụng. Như bây giờ nhà
cửa đất đai, cây cối, núi sông đều phải nhờ vô sở hữu này dung nạp và
ứng dụng, nhưng hiện nay, các vị ngồi đây cũng nhờ vô sở hữu mới có chỗ
ngồi.
Vô sở hữu tức là trống rỗng, Phật pháp nói là Tánh Không, vì trống rỗng
mới hiện bày cái dụng. Tâm mình trống rỗng, không bị thời gian không
gian hạn chế, nên tất cả vũ trụ vạn vật đều ở trong đó. Nhưng cái thông
minh của bộ não làm hạn chế lại, như cái tách bít lại là cái tách chết
không dùng được, cái bình nầy cũng vậy, nó có cái KHÔNG mới đựng nước
được. Tất cả các thứ muốn dùng đều phải nhờ cái KHÔNG.
Ngài Long Thọ nói: Trống rỗng mới dùng được, nếu không trống rỗng thì
không dung nạp và không dùng được. Như cái tách bị bể thì không còn dùng
được, còn hư không trống rỗng thì không bị thời gian, không gian hạn
chế. Cái tách bị không gian thời gian hạn chế, nếu cái gì có thể tiêu
mất thì không chân thật.
Có và không là phân biệt của bộ não, vì có và không là nhị biên tương
đối, Phật pháp không có tương đối. Trong Trung Quán Luận phá tương đối.
Có là pháp hữu vi, không là pháp vô vi. Trong đó phẩm Quán Như Lai, Quán
Niết Bàn đều phá pháp vô vi. Quán Nhân Duyên, Quán Khứ Lai,… đều phá
pháp hữu vi.
Phàm có tương đối đều phá. Vì sao lại phá? Vì nó không phải thực tế,
thực tế thì không có tương đối; nhưng cuộc sống hằng ngày đều phải nhờ
tương đối, cũng như mình hiện giờ ở trong mở mắt chiêm bao.
Trong biểu đồ Vũ Trụ Quan Thế Kỷ 21 (do tôi biên soạn), có 2 bộ phận:
Thật thể và hư thể, ở chính giữa là Diệu giác. Diệu giác là cái biết cao
nhất. Vừa rồi tôi nói: Trống rỗng mới dung nạp tức là tánh không, không
này chẳng phải cái không chết, không này có cái biết cao nhất của Diệu
giác. Cái biết này không phải cái biết của bộ não, cái biết bộ não gọi
là vọng tâm. Còn cái biết chuyển thành trí gọi là chân tâm. Thức chưa
chuyển thành tứ trí thì nó hợp tác với hệ thống thần kinh bộ não, tức là
lục căn gọi là vọng tâm. Cuộc sống hằng ngày ở trong vọng tâm, vì mình ở
trong chiêm bao.
Triết Học, Tự Nhiên Khoa Học, Y Học, Tâm Lý Học; 4 thứ hợp lại giải
quyết cơ thể của mình chưa đầy đủ. Tại sao? Vì họ không phân biệt được
lục căn, lục thức. Lục căn đảm nhiệm chức vụ gì? Lục thức đảm nhiệm chức
vụ gì? Tất cả đều không rõ mà chỉ biết bộ não. Thức thứ 6 và thức thứ 7
thì hoàn toàn không biết, cho nên họ giải thích không thông, như các
giáo sư trường đại học, nghi thiếu cái gì nhưng không biết.
Quyển Vũ Trụ Quan Thế Kỷ 21 giải thích rõ và đầy đủ hơn 4 đại học hợp
lại. Duy thức nhà Phật diễn giải thông suốt tất cả. Trong thật thể biểu
đồ: Nhãn căn như cây đèn đảm nhiệm sự chiếu soi, nhãn thức thì phân
biệt. Tức là nhờ nhãn căn chiếu soi thấy chậu bông thì nhãn thức mới
nhận ra màu trắng, đỏ, vàng, xanh; đồng thời có thức thứ 6 để giúp. Nhãn
căn chiếu soi hiện cái hình ra, còn nhãn thức phân biệt cái hình gì,
thức thứ 6 phân biệt đầy đủ hơn; nhãn thức chỉ phân biệt cố định, thức
thứ 6 có tánh khả biến. Vì tánh khả biến bao gồm tam tánh: Thiện, ác và
vô ký.
Tam tánh gồm có: Biến kế chấp, y tha khởi và viên thành thật. Thiện ác
thì người nào cũng biết, nhưng không có rõ, không có tiêu chuẩn. Tôi
muốn hoằng dương với người tây phương, nên mới nói có tiêu chuẩn. Thế
nào gọi là thiện? Thế nào gọi là ác? Trong cuốn Vũ Trụ Quan có giải
thích kỹ.
Đã nói nhãn căn rồi, thì các căn kia cũng như vậy; chỉ có ý căn nhiều
người chưa hiểu; ý căn đảm nhiệm suy nghĩ, còn ý thức theo đó phân biệt
thiện, ác… ý căn và ý thức khác nhau.
Thức thứ 7 có 2 nhiệm vụ:
-Ngày đêm chấp thức thứ 8 là TA (thức thứ 8 là bản thể của vũ trụ, là
bao gồm tất cả các chủng tử vũ trụ, cũng là bản thể của tâm mình. Đầu
thai đến trước và chết đi sau cùng là do thức này).
-Truyền tống thức: Đem chủng tử thiện nghiệp, ác nghiệp của thức thứ 6
hay không thiện không ác truyền vô thức thứ 8 (còn gọi là tạng thức hay
kho tàng), khi nào chủng tử chín mùi, thì nó truyền ra giao cho thức thứ
6 đi thi hành. Cái nào tâm lực mạnh thì cái quả đến trước, cái nào tâm
lực yếu thì cái quả đến sau, có khi kiếp này tạo cái nhân, kiếp sau mới
nhận cái quả, hoặc là 10 kiếp, 100 kiếp mới nhận cái quả.
Nếu tu Tổ Sư Thiền, tăng cường sức mạnh của tâm, tức là tạo nhân mạnh
thì quả đến liền. Mặc dầu tạo nhân ác nhiều kiếp trước, nhưng nó yếu hơn
nên quả đến sau. Ví dụ như tạo nhân là 1 độ, mà tham thiền 10 độ thì quả
tham thiền đến trước, đến hết rồi thì tới quả 9 độ, 8 độ, cuối cùng đến
quả 1 độ.
Nếu tham thiền được 10 độ, mà không ngưng tham lại tiến thêm 100 độ,
1000 độ, 1000000 độ cho đến thành Phật thì cái nhân ác không có cơ hội
đến được. Thành Phật rồi phải độ chúng sanh nào có nhân duyên. Trong
kinh Kim Cang nói: Tiền thân Phật Thích Ca bị Ca Lợi Vương xẻ thân ra
từng miếng, mà Phật Thích Ca lại độ ông ấy trước. Ca Lợi Vương sau này
là tôn giả Kiều Trần Như.
Bất cứ chủng tử thiện ác, một khi đã chín mùi thì cái quả mới đến, nhân
yếu dời lại sau, nhân mạnh thì đến trước. Cho nên tự mình có thể sửa đổi
nhân quả, nhưng người khác không sửa được. Như ngài Mục Kiền Liên cứu
mẹ, ngài đã chứng quả A La Hán được đệ nhất thần thông, nhưng không cứu
được cái nghiệp mẹ ngài là bà Thanh Đề; phải nhờ tâm lực của1250 vị Tỳ
Kheo A La Hán hợp lại mới chiêu cảm được tâm bà Thanh Đề, rồi tâm bà tự
chuyển ra khỏi cõi ngạ quỷ.
Nhân quả là vậy! Ai ăn người nấy no, con cái có hiếu không ăn no dùng
cho cha mẹ, cha mẹ thương con cách mấy cũng không ăn no giùm cho con.
Hỏi:
Thiền là một pháp môn tương đối khó thực hiện trong hiện tại, vậy cúi
mong Hòa thượng dạy cho phương pháp dễ thực hiện nhất, mà vẫn đạt như sở
nguyện?
Đáp:
Phương pháp Tổ Sư thiền rất dễ tu, chỉ hỏi câu thoại và nhìn thọai đầu.
Tham là hỏi câu thoại, để kích thích lên một niệm không biết; khán là
nhìn, nhìn chỗ không biết, nhưng chỗ không biết thì không có chỗ, không
có chỗ thì không có mục tiêu để nhìn, không có mục tiêu để nhìn, thì
nhìn mãi không thấy gì vẫn còn không biết; chính vẫn còn không biết đó,
Thiền tông rất chú trọng gọi là nghi tình, tức là cái không biết; hỏi và
nhìn, hai cái song song đi một lượt, vừa nhìn để giữ cái không hiểu
không biết, tức là nghi tình để đưa hành giả đến thoại đầu, rồi kiến
tánh thành Phật.
Ví dụ chỗ trên cây viết là thoại đầu, ở dưới là thoại vỉ. Bắt đầu hỏi
và nhìn là rời khỏi thoại vỉ, nhưng chưa đến thoại đầu là đang đi ở giữa
đường. Vì mục đích của mình là muốn đến thoại đầu, cho nên gọi là tham
thoại đầu hay khán thoại đầu.
Phật Thích Ca dạy dùng không biết của bộ não, để chấm dứt cái biết của
bộ não. Tất cả biết bộ não chia ra làm 3 bộ phận: Tìm hiểu biết, ghi nhớ
biết và suy nghĩ biết. 3 cái biết này hết thì sẽ đến thoại đầu, Thiền
tông gọi là đầu sào trăm thước, có người dịch là đầu sào trăm trượng,
chỗ này cũng gọi là nguồn gốc của ý thức, ngài Nguyệt Khê Thiền nói là
vô thỉ vô minh, tức là căn bản vô minh.
Tại sao còn có vô minh? Vì còn không biết của bộ não, nên sát na cuối
cùng của đầu sào trăm thước tiến lên một bước lìa khỏi ý thức, thì biết
và không biết của bộ não đều sạch, cái biết Phật tánh hiện ra khắp không
gian và thời gian.
Khắp không gian tức là trống rỗng nên gọi là tánh không, khắp không
gian không có khứ lai nên gọi là Như Lai. Khắp thời gian không có gián
đoạn, chẳng có sanh diệt nên gọi là Niết Bàn. Vì không sanh không diệt
nên trống rỗng, không có chỗ trụ gọi là vô sở trụ. Lục Tổ Huệ Năng nghe
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn giảng Kinh Kim Cang đến câu: “Ưng vô sở trụ, nhi sanh
kỳ tâm” rồi ngộ triệt để.
Cái tay nắm mở, muốn lấy gì cũng được gọi là hoạt bát vạn năng, vì nó
không có trụ, tức không nắm hẳn một nắm tay cố định. Nếu nắm hẳn lại thì
cái hoạt bát vạn năng bị mất, không thể cầm lấy cái gì nữa.
Cái không biết của nghi tình là cái chổi tự động quét tất cả biết và
không biết của bộ não, khôi phục hoạt bát vạn năng của bản tánh, nên sử
dụng việc gì cũng thông. Như cái tay tự làm nắm tay, thì trụ nơi nắm tay
cũng không lấy cái gì được, nên không trụ nơi nắm tay, mới có được hoạt
bát vạn năng, muốn lấy gì cũng được.
“Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”, ưng là nên, vô sở trụ là không có chỗ
trụ. Sanh kỳ tâm là cái dụng, tức muốn dùng phải vô sở trụ, nếu có trụ
thì không dùng được; mặc dù trụ nơi có, trụ nơi không, hay bất cứ trụ
nơi nào đều không được; như trụ nơi Phật, trụ nơi Bồ Tát đều bị chướng
ngại, không được hiện ra cái dụng hoàn toàn.
Hỏi:
Lục căn tiếp xúc lục trần, làm sao lục thức không bị đắm nhiễm?
Đáp:
Tông Tịnh Độ lấy Ngài Đại Thế Chí trong kinh Lăng Nghiêm làm gương
mẫu, có nói “thâu nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”. Nếu nhiếp được
nhãn căn không phân biệt tốt xấu, vì thấy tốt ham thích, thấy xấu chê
bai; nhiếp được nhĩ căn thì không phân biệt tiếng hay dở, khen không
mừng, chê cũng không tức giận.
Nhiếp được lục căn thì tịnh niệm mới được tương tục. Tức là niệm trong
sạch không có niệm nào khác. Nếu nhiếp không được thì có tương đối, có
lúc thương ghét, ham thích, khen chê. Vậy làm sao có niệm trong sạch
được! Tất cả các pháp môn tu đều như vậy.
Tham thiền giữ cái không hiểu không biết thì đã nhiếp được lục căn.
Không biết tốt thì không ham thích, không biết xấu thì không chê. Nếu
dùng cái biết để tu thì khó hơn, dùng cái không biết để tu thì dễ hơn.
Cái không hiểu không biết gọi là pháp Thiền trực tiếp.
Có người hỏi tôi: Nếu dùng cái không biết để tu tới thoại đầu thì sắp
kiến tánh, có phải sắp biết không?
Tôi nói: không phải, không được nói là sắp biết.
Người ấy hỏi: Nếu không được nói là sắp biết, như vậy có giống như gỗ
đá không?
Tôi nói: Cũng không phải, vì cái biết chơn tâm không bao giờ ngưng, nếu
có ngưng rồi trở lại biết thì nói là sắp biết được. Nó không bao giờ
ngưng, làm sao nói là sắp biết! Người đó không hiểu, vì cứ dùng bộ não,
làm sao biết được chơn tâm?
Tôi đổi lại câu hỏi: Trời gần sáng thì mặt trời sắp chiếu, vậy có được
không? Không được, không được nói mặt trời sắp chiếu! Tại sao? Vì mặt
trời có ngưng chiếu hồi nào, mà nói mặt trời sắp chiếu! Trời sáng, mặt
trời đâu có bắt đầu chiếu. Bây giờ nó cũng đang chiếu, vì không thấy mặt
trời là do bị trái đất hay mây đen che khuất, đâu phải nó bị ngưng
chiếu!
Cái biết chân tâm của mình cũng vậy, nó không có ngưng biết, vì bị che
khuất bởi biết và không biết của bộ não. Cho nên, Phật dùng phương tiện
không biết của bộ não, để dẹp cái biết che khuất của bộ não thì mới đến
thoại đầu. Chứ không phải cái biết của chân tâm bị ngưng, nếu cái biết
chơn tâm bị ngưng thì bị sanh diệt luân hồi, kiến tánh thành Phật đâu có
ích lợi gì!
Bản tâm của mình không có sanh diệt, nên Phật gọi là vô thỉ (không có
bắt đầu) cũng là nghĩa vô sanh (không có sự sanh khởi). Nếu có sự sanh
khởi là có sự bắt đầu. Vậy, người chứng quả là ngộ pháp vô sanh hay
chứng vô sanh pháp nhẫn.
Theo lý toán học không có con số nhỏ nhất và cũng không có con số lớn
nhất, các nhà giỏi toán cũng biết không có con số nhỏ nhất, vì đem chia
mãi không có hết.
Trong quyển toán học của Hồng Kông nói: Con sâu dép cỏ nhỏ bằng một đơn
tế bào, cách ngày đêm nó sanh ra làm hai; như ngày nay 1 con, ngày mai
thì 2 con, ngày mốt thì 4 con… cứ như thế trải qua 90 ngày đêm thì thể
tích bằng một mét khối, cho đến 130 ngày đêm thì thể tích bằng quả địa
cầu, nếu một ngày nữa thì 2 quả địa cầu.
Ngược lại, đem quả địa cầu xẻ ra, xẻ đến 130 ngày đêm thì khôi phục con
sâu dép cỏ. Nếu lấy toán học đem con sâu xẻ thêm 130 lần nữa, thì thịt
con sâu mình có thể biết không? Cứ theo toán học như vậy mà đến trăm lần
130, ngàn lần 130, nhưng vẫn thấy con số để biểu thị thịt con sâu dép
cỏ. Nhưng thực tế còn có thịt con sâu dép cỏ đó không? Có chia nữa thì
con số vẫn còn mãi.
Nếu đem con sâu đó làm đơn vị 1, thêm trước số 1 là số “0.” thì nó nhỏ
10 lần, rồi thêm số 0 sau “0.” thì nhỏ thêm 10 lần nữa, cứ thêm như thế,
dài bằng một quả đất, hai quả đất… con số cứ nhỏ nhưng không có hết.
Cái gì nhỏ nhất có thể dùng kính hiển vi mới thấy được. Giả thiết khoa
học cải tiến kính hiển vi, còn nhanh hơn mình thêm con số 0 thì cũng có
thể nhìn thấy thịt con sâu đó. Nhưng thịt con sâu đó chưa phải thực tế.
Tại sao? Vì còn phân chia được nữa.
Vậy,
biết định lý toán học không thể tìm sự bắt đầu. Nên Phật nói: “Vô thỉ,
bất khả đắc” gọi là vô sanh. Nhà khoa học dùng toán tìm sự bắt đầu của
sanh mạng và vũ trụ, có phải si mê không? Nói nhà khoa học si mê thì
không có được. Vì khoa học tạo hạnh phúc cho con người.
Hỏi:
Mấy mươi năm thực hành thiền, Hoà thượng có tâm đắc điều gì của mình và
có suy nghĩ gì sự truyền bá trong giai đoạn phát triển của xã hội, có
thuận nghịch gì không?
Đáp:
Vì sự hoằng pháp cũng làm sự chướng ngại việc tu của tôi. Tại sao? Vì
bắt đầu ra hoằng Tổ Sư thiền, người ta hỏi tôi thì tôi phải biết. Nếu
tôi không biết thì sao người ta tin tôi được! Bất cứ người ta hỏi cái gì
thì tôi phải biết. Bây giờ, tình hình xã hội kinh tế… tôi phải biết,
chính cái đó làm chướng ngại việc tu. Đã dùng cái không biết để tu, mà
lại dùng cái biết mãi, vậy làm sao không bị chướng ngại?
Nhưng
tôi hy vọng các vị kiến tánh trước tôi, như trong Thiền tông có: Ngài
Thần Tán kiến tánh, mà thầy của ngài chưa kiến tánh. Nên thầy của ngài
xin làm đệ tử ngài.
Thích Vân Phong trích lục
(Trích
từ nguồn
www.thuvienhoasen.org)
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/khaithi.htm