MỘT NGÀY AN LẠC
TRONG CHÁNH NIỆM
Trí Liên
Mưa,
mưa bay ngang trời. Mưa bay ngang thành phố nắng ấm Brisbane. Mưa làm lũ
lụt ở tận xa xa nơi nào. Nơi đây, mưa ào ào như thác đỗ, rồi ngừng. Mưa
làm trắng xoá các con đường. Mưa dầm dề dỗi hờn. Mưa rải rắc bâng khuâng.
Đất hạn hán lâu ngày khô khốc khô khan, được tưới đẩm nước mưa quý báu
của trời, nay đang nở bừng tươi mát.
Dù
nước Úc đang vào thu, nhưng có những ngày khí trời hừng hực sức nóng, cỏ
cây nghiêng ngã úa tàn héo hon. Những cơn mưa thả ào qua phố, có lúc vội
vàng, có lúc lơ ngơ chậm chạp như người lữ hành đang trú mưa ở một góc
xoá nào đó của cuộc đời, lắm khi cũng phần nào mang lại sự tươi mát cho
cuộc đời. Nhìn những hạt mưa rơi tí tách xuống mặt đất đang làm tan biến
hơi nóng, chính hạt những hạt mưa này đang làm dịu cuộc đời, dịu con
người trong những cơn nắng cháy của đời sống trần ai.
Lệnh
hạn chế sử dụng nước đã lên đến cấp 6. Nhờ trời mưa, lệnh được nới lõng
trong một khoảng thời gian giới hạn. Bây giờ, mặc dù người ta đã biết
quý dòng nước hay hời hợt xài nước thả giàn thì nước vẫn luân lưu chảy
trong cơ thể sinh-bệnh-lão-tử này, và một ngày nào đó, phải trả lại cho
dòng nước Tứ đại bên ngoài. Chỉ có dòng chảy của Tứ đế hiện hữu mãi, để
chỉ rõ cái khổ của kiếp nhân sinh mà con người thường thèm khát, chạy
đuổi theo ảo vọng một đời mà không nhận ra. Trong mỗi chúng ta, ai ai
cũng có dòng nước cam lồ, suối nguồn ngọt ngào ngay bên cạnh mà chưa
thấy. Phải đợi đến một ngày, khi những cơn mưa pháp rào rạt rưới xuống
dòng đời, tạo thành dòng pháp nhũ thấm mát tâm hồn, nuôi dưỡng tâm linh
tươi tốt, thì chúng ta mới có thể dễ dàng nhận ra giá trị đích thực của
những dòng cam tuyền tâm thức đó.
Chúng ta dành thời gian cho đời sống tâm linh quá ít so với những nhu
cầu vật chất bên ngoài. Mỗi buổi lễ Chủ nhật, nghe Thầy giảng pháp, rồi
niệm Phật, lạy sám hối, phát nguyệt hồi hướng, nhưng bước chân ra khỏi
chánh điện là ít nhiều quên hết.
Ở
nhà, xem băng hình, nghe dĩa về Phật pháp cả tiếng đồng hồ, tắt máy,
trong trí chỉ còn lãng đãng vài điều. Với những công việc trong đời sống,
đã ít nhiều làm bận rộn đời sống tâm linh và đã ít nhiều xoá nhoà những
điều tốt đẹp được nghe và thấy được trong cuộc đời. Cho nên, thực hành
chánh niệm là một trong những phương pháp thiết thực trong giáo lý đạo
Phật. Khi nào thấy được ‘thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn’ trong
lòng, lấy nước pháp cam lồ để nuôi dưỡng tâm hồn, tâm sẽ được mát mẽ
nhuận hồng, không bị khô héo như đất khô mùa hạn.
Ngày
nay, số lượng tìm về ánh sáng tâm linh đạo Phật tại Úc nói riêng và các
nơi trên thế giới nói chung ngày càng nhiều, điều này chứng tỏ mọi người
đều đã bắt đầu nhận chân ra được giá trị tuyệt vời của những khoảng khắc
hiện tại. Khi thân tâm con người đủ đầy sức mạnh tinh thần, điều cấp
bách và cần thiết là phải trang bị cho mình một hành trang giáo pháp để
có đủ tư lương vô giá đi cho tới cuối cuộc đời. Sự sống và sự chết chỉ
cách nhau trong một sát na mong manh. Sắc thân này đã biết là huyễn, sớm
hay muộn gì cũng phải trả về cát bụi. Ngoài sự hiểu biết như thế, chúng
ta còn cần phải đưa vào thực hành trong đời sống, để biến những phiền
não nhiễm ô yên bình thanh tịnh.
Thông thường, chúng ta chỉ cảm nghiệm qua lý thuyết, còn trên thực tế,
buông bỏ hết mọi thứ để sống một cuộc đời ‘sắc tức là không’thì ít ai
làm được. Những ân tình thâm tình từ thâm căn cố đế đã tích luỹ trong vô
lượng vô số kiếp luân hồi đang còn lưu lại cho đến bây giờ. Những con
người đang có mặt bằng xương bằng thịt này biết vui buồn, biết cười hạnh
phúc, khóc đau khổ thì làm sao trong một sớm một chiều buông xả hết để
thành ‘vô ngã, vô ngã sở hữu’ được. Cho nên, điều chúng ta mong cầu là
pháp thân thường hằng không biến đổi, không bị huỷ diệt bởi vô thường.
Chỉ có tu học và tu hành để một ngày đạt được sự giác ngộ hoàn toàn, hay
là niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Cực lạc mà mọi người đang gắng
sức công phu để được kết quả tốt đẹp.
Những khoá tu học cốt yếu giảng giải tiến trình giáo lý bằng những bài
pháp ngắn gọn mà cô đọng nhất, liên quan đến cuộc sống thật nhiều, để
mỗi hành giả dễ thực hành.
Những khoá tu hàng tháng với những chủ đề khác nhau, được mở ra do chùa
Phật Tổ đảm trách, chắc chắn sẽ mang lại những kết quả an lạc cụ thể cho
những hành giả một lòng học hỏi và hành trì.
Ngày
tu Chánh Niệm khởi sự vào sáng Thứ Bảy, 29-03-2008. Phái đoàn xe Thầy
trụ trì chùa Phật Đà cũng là viện chủ Chùa Phật Tổ khởi hành vào lúc 8
giờ sáng. Xe chạy ra xa lộ Springfield tương lai phát triển đông đúc của
một đô thị đang được xây dựng thành một thành phố lớn nhất nước Úc và sẽ
được mệnh danh là thành phố Đại học.
Chùa
Phật Tổ nằm trong vùng Greenbank, gần bên thành phố Đại học, nên một mặt
có thể tiếp giao với mọi tiện nghi sầm uất của người láng giềng, mà
người Việt nam ngày nay đang đỗ về đây lập nghiệp. Sự hiện diện của một
ngôi chùa có thể phần nào đáp ứng được nhu cầu tâm linh, đạo đức lễ nghi
truyền thống cho mọi người, nhất là cho người Việt nam thế hệ thứ 2 và
thứ 3 tại mảnh đất này. Đời sống đạo đức tâm linh và ảnh hưởng văn hoá
Phật giáo vào dòng chảy của mọi sinh hoạt đã gắn liền với nhau trong
suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Những nơi có sự phát triển mạnh mẽ của
người Phật tử đều mang lại lợi ích cho tha nhân, bởi vì đích đến của đạo
Phật vẫn muôn đời là phụng sự chúng sinh.
Mặt
khác, Greenbank hiện giờ vẫn giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ mộc mạc của
vùng đất hoang dã. Không phải là đường lên núi mà giống như lên núi. Khi
con đường thẳng tắp trước mặt lên xuống nhấp nhô, chỉ thấy đồi cây
thoang thoảng xa mờ nổi bật trên nền trời xanh biếc. Phong cảnh hai bên
đường vô cùng hữu tình với những hàng cây rừng xanh biếc đa dạng.
Chùa
Phật Tổ nằm trên con đường còn vắng vẻ, đất rộng mênh mông như lòng
người dân quê chất phác mênh mông. Những hàng cây cao lặng lẽ phơi mình
trong ánh nắng trầm tư, không khí ngan ngát hương thiền đang lan toả mọi
nơi. Loài chim làm tổ trên cây. Loài người làm tổ trên đất. Chùa nằm
trên đất Thánh lại càng vững vàng hơn nữa. Bất cứ thứ gì bỏ xuống đây
cũng có thể biến thành dưỡng tố tốt nhất để nuôi lớn cây xanh, góp phần
trong việc bảo vệ môi trường ngày càng trong lành hơn. Cũng giống như
những phiền não vất xuống đất chùa ngày hôm nay, ngày mai sẽ biến thành
cây Bồ đề xanh mát. Hiền thánh cũng bước từ trong đám phàm phu, do dụng
công tu hành nhiều kiếp mà thành. Người ác buông tay một cái là được
khoác áo Thánh.
Thầy
trụ trì muốn mọi người tập sống một ngày thật sự an lạc trong nếp sống
truyền thống Thiền môn năm nào.
Giống như những tu sĩ ẩn mình trong những tu viện, tự nguyện khép mình
trong giới luật, khắc khổ, với nhiều thời khoá hành trì. Nhưng bên cạnh
đó, Thầy cũng từng bước chứng minh cho mọi người thấy được sự thảnh thơi
an lạc được bù đắp lại sau những tháng ngày khổ hạnh, hay tự khép mình
trong oai nghi giới luật.
Ngoài ra, bởi lẽ nơi xứ sở văn minh đầy vật chất, dễ lôi kéo con người
đam mê trần tục, nhất là giới trẻ. Nơi đây, thành phần đi chùa đại đa số
là quý bác lớn tuổi, vì vậy, Thầy trụ trì thường dành tình cảm đặc biệt
đến thành phần này, cũng như rất cảm thông với những vị cao niên chưa
thật sự quen với đường lối tu tập của Chùa Phật Tổ. Nhất là một số điều
cần ghi nhớ như: Giữ gìn oai nghi thân khẩu ý thanh tịnh và tư cách đạo
đức của người Việt nam; Lời nói phải hoà nhã từ bi; Không được nói lời
bất hoà; Không được hành động làm ảnh hưởng đến sự tu tập của người
khác; Không được bình phẩm công việc người khác; Không được bình phẩm
những chùa khác hay những tôn giáo khác….
Thầy
cũng có đôi phần dễ dãi, khiến mọi người có cảm tưởng vừa tu học, vừa
vui chơi như một ngày thư giản đi cắm trại ngoài trời. Biết đâu, nhờ
Phật gia hộ, Phật tử vào chùa Phật Tổ vừa chơi vừa đổ đậu vinh quang
trên con đường tìm về tâm linh.
Đúng
9 giờ 30 phút, Thầy trụ trì cùng đại chúng khai chú Đại bi. Sau đó là
phần lễ lạy sám hối, với danh hiệu của chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ sư
và chư vị khai sáng nước Úc, liệt vị Quốc tổ Hùng Vương của Việt Nam và
nhất tâm phát những hạnh nguyện cao cả vị tha như tâm nguyện của chư Bồ
tát.
Kế
tiếp là thời Thiền toạ và Thiền hành. Mặc dù bên ngoài thời tiết rất
nóng, nhiệt độ bốc cao hâm hấp, thỉnh thoảng vài luồng gió ngầy ngật
xuất hiện, nhưng bên trong chánh điện, hành giả lại bước đi những bước
chân vừa vững chãi, vừa thảnh thơi, như đang an trú trong chánh niệm
tươi mát. Đôi chân hành giả bước lên dở xuống, đều nhận ra sự nặng nhẹ
của từng cử động vô thường. Những tạp niệm nổi lên, liền biến mất dưới
từng bước chân hồng an lạc
Đúng
12 giờ trưa, kết thúc giờ Thiền hành, một Phật tử đại diện cho toàn thể
hành giả có mặt, thành tâm cúng dường Thầy một ít tịnh tài để tỏ lòng
biết ơn Tam bảo. Thầy trụ trì tuy nhận, nhưng nói rằng, “trong tận cùng
tâm khảm và lòng ước muốn của Thầy, làm sao mọi người khi đã về đây cố
gắng dốc lòng hết tâm tu học cho có kết quả tốt, vì thời gian và vô
thường không từ khước một ai”.
Thầy
còn tâm sự thêm với mọi người rằng, trong kinh Phật dạy, người Phật tử
tuy là thành phần ngoại hộ cho Tam bảo, nhưng không phải bắt buộc lúc
nào cũng cúng dường tịnh tài hay vật chất. Phải lấy tấm lòng và sự thành
tâm ra để tu hành và cúng dường. Cúng dường tịnh tài hay phẩm vật là tuỳ
vào sự phát tâm của mỗi người. Không khéo, mọi người sẽ hiểu đạo Phật là
đạo phải cúng dường. Đi chùa bắt buộc phải cúng dường là sai lầm lớn.
Hay có cúng dường cho chùa mới mau đắc đạo cũng là sự hiểu biết cạn cợt,
nếu không nói là sai với chánh pháp.
Giờ
thọ trai trong im lặng, tuy không giữ được không khí im lặng tuyệt đối
như những đạo tràng chỉ có Tăng-Ni, nhưng mọi người cũng ý thức rõ khi
nói chuyện. Trưa nắng, chim làm biếng hót trên cành. Gió thổi từ thiên
thu đong đưa theo vạt nắng. Vạn pháp thu gọn trong cảnh chùa, vẽ thành
cảnh tâm không người không. Không có người, không có ta, chỉ có những
‘ngũ uẩn’ đang cử động trong âm thanh lao xao không lời. Cũng là những
sinh hoạt trong đời thường, nhưng dưới mái chùa, hành giả bổng cảm thấy
như mình phải thúc liễm các căn.
Thời
khoá buổi chiều tiếp tục vào lúc 1 giờ. Mọi người vào chánh điện tập
thiền buông thư. Sau đó, khi Thầy trụ trì bước vào chủ toạ buổi pháp đàm
lúc 2 giờ, tất cả hành giả đã chỉnh tề ngồi ngay ngắn đợi chờ.
Các
câu hỏi của một số hành giả xoay quanh vấn đề ăn chay, sát sanh… đều đã
lần lượt được Thầy trụ trì trả lời cặn kẻ, rõ ràng dựa trên tinh thần vô
ngã, vô ngã sở và giáo lý bình đẳng tuyệt vời của đạo Phật. Tất cả những
câu trả lời đều thoả mãn cho người nghe, cộng với bầu không khí vui
tươi, sôi nổi hoà lẫn tiếng cười, ý kiến đóng góp, bổ sung xây dựng của
đại chúng.
Sau
phần pháp đàm, đúng 5 giờ chiều, Thầy trụ trì đã tập cho mọi người cùng
hát chung hai bài hát mới chuyển lời của Thầy. Thật đầy đủ ý nghĩa, thật
vô cùng xúc động và rất phù hợp với những buổi tu học như thế này. Tiếng
hát của mọi người đồng vang vọng lên cao, bay quanh tượng Phật linh
thiêng, bay lên các tầng trời nơi chư thiên hiện hữu, rồi dừng lại rớt
xuống trần thế thành đạo ca, để ban phước lành đến tất cả hành giả đã cố
gắng hoàn thành một ngày tu an lạc trong chánh niệm, để hiến dâng tất cả
tâm tình cho con người và vạn loại.
Có
thể nói, hai bài hát chất ngất, tâm hồn thiết tha, trái tim chân thành
hết lòng vì đạo của Thầy trụ trì đã gói gọn từng lời, từng câu, từng chữ
qua Bài Ca Khai Mạc-Về Đây Chung Tu và Bài Ca Bế Mạc-Dâng
Trọn Tâm Này:
Bốn
phương trời ta về đây chung tu
Không phân chia Phật tử hay Thầy
Cùng
chấp tay ta nguyện cầu tinh tấn
Mang
thương yêu đến mọi chúng sanh
Mang
thương yêu đến mọi chúng sanh.
Bốn
phương trời ta về đây chung tu
Dâng
con tim Phật pháp Thánh hiền
Cùng
nhất tâm chung một lòng tha thiết
Mong
nhân sinh hưởng trọn bình yên
Mong
nhân sinh hưởng trọn bình yên.
Bốn
phương trời mau về đây chung tu
Bao
tin yêu gởi đến mọi người
Cùng
chấp tay ban nhiệm mầu thanh thoát
Cho
tha nhân những điều mến thương
Cho
tha nhân những điều mến thương
Cho
tha nhân những điều mến thương!!!
Ngoài kia, những chú chim đang vỗ cánh bay vụt qua vòm trời tự tánh,
không để lại dấu vết, không nói lời chia tay, nhưng bên trong chánh
điện, những hành giả tuy hát lên bài ca tạm thời chia tay, nhưng lại
muốn dâng trọn trái tim tu hành thanh tịnh, an lạc trong một ngày cho
mọi người, để trong vạn nẻo đường đời vẫn còn có nhau, vẫn còn tình
người, tình thương yêu thân thiết nhứt:
Gặp
nhau đây, rồi chia tay
Người người vui sướng tụng vang bao tiếng kinh
Ngày
chuyên tu, rồi qua mau
Ngàn
đời vẫn nhớ tình yêu trong tâm này
Ngàn
đời vẫn nhớ tình yêu trong tâm này.
Ngày
chuyên tu, cùng chung vui
Mọi
phiền não chướng rồi bay theo áng mây
Kìa
trong tim, ngàn câu kinh
Trở
thành nhựa sống bình yên khi quay về
Trở
thành nhựa sống bình yên khi quay về.
Ngày
chuyên tu, đừng mau quên
Thành nguồn giải thoát vượt qua bao khổ đau
Tình
anh em, trọn yêu thương
Ngàn
điều hạnh phúc cùng nhau dâng tâm này
Ngàn
điều hạnh phúc cùng nhau dâng tâm này
Ngàn
điều hạnh phúc cùng nhau dâng tâm này!!!
Ngày
rồi qua, mọi người ra về, trả lại sự thanh tịnh cho chùa Phật Tổ. Mọi
dấu vết biến mất như cơn gió thoảng qua. Như bóng chim cuối trời không
lưu lại một hình ảnh nào. Mọi người đã hết lòng học hỏi, thực tập chánh
niệm trong từng giây phút hiện tại, trong từng hơi thở nhẹ nhàng. Rồi
buông xả hết, như tống khứ những thứ cặn bả khó khăn trong cơ thể mình.
Chư
vị Bồ tát ngày xưa đã tu hành đắc đạo rồi thả tâm ‘không’ thành tâm ‘vô
sở đắc’. E rằng, đường tu học của chúng ta còn kém cỏi, tâm hồn còn nặng
nề dễ câu chấp vào danh-sắc của cuộc đời. Thế nên, chỉ có sự tu học thật
sự mới làm nhẹ nhàng thân tâm, chỉ có tâm hồn thanh tịnh, luôn tưới tẩm
cam lồ pháp vị mới đủ sức vượt qua mọi chướng ngại não phiền.
Trong những bận rộn chất chồng của đời sống, xin hãy cố gắng giữ những
an lạc thân tâm nơi mảnh đất chùa Phật Tổ, hay mang ra ban phát đến mọi
người, hoặc mang về chăm sóc thành những đoá hoa Bồ đề một dạ cúng dường
nhân thế.
Brisbane, 2-04-2008
***